Nôi San Kinh Mân Cối Số Tháng 7-2014

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 07/2014

GIÁO DÂN

LOAN BÁO TIN MỪNG

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN

Ý chungCầu cho thể thao. Xin cho việc thực hành các môn thể thao luôn là dịp tạo nên tình huynh đệ và giúp thăng tiến con người.

Ý truyền giáoCầu cho các giáo dân truyền giáo: Xin Thánh Thần nâng đỡ công việc của những người giáo dân loan báo Tin Mừng trong những nước nghèo khổ nhất.

GIÁO HUẤN

Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành.

Thật vậy, các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết.

(Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 21)


LỜI NGỎ

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu không chỉ cho các tông đồ thời xưa, mà còn cho tất cả mọi Kitô hữu ngày nay.

Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Bao lâu, thế giới còn tồn tại, thì bấy lâu Giáo Hội vẫn phải tiếp tục sứ mạng mà Thầy Giêsu đã trao phó. Mỗi người tín hữu, khi chịu phép rửa tội, được mời gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Xưa nay, một số người cứ nghĩ rằng truyền giáo là việc của hàng giáo phẩm, của linh mục và của tu sĩ, chứ đâu phải là việc của giáo dân. Nếu hiểu như thế là không đúng với giáo huấn của Giáo Hội, nhất là theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh “Ad Gentes” được lặp lại trong tông huấn “Kitô hữu Giáo dân”:

Cũng trong sứ mệnh của Giáo Hội, Chúa đã giao phó cho người tín hữu giáo dân, trong sự thông hiệp tất cả các thành phần của Dân Chúa, một phần trách nhiệm rất lớn. Các nghị phụ Công đồng Vaticanô II đã ý thức rõ ràng về việc này: “Các chủ chăn biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới, nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là hướng dẫn tín hữu và nhận biết các phận sự và ơn sủng riêng của họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của họ trong sự hợp nhất”. (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici {Kitô hữu giáo dân}, số 32).

Mẹ Maria đã sống trong đời sống hôn nhân. Như thế, chúng ta có thể nói rằng Mẹ là một người giáo dân, một người giáo dân đầu tiên ra đi loan báo Tin Mừng bình an và cứu độ, bằng chứng là: Sau khi vừa nghe lời thiên sứ truyền tin, Mẹ đã vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa mà thăm viếng ông Dacaria và bà Êlisabét (x. Lc 1,39-45).

Hơn bao giờ hết, ngày nay Giáo Hội mời gọi người giáo dân tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho quê hương mình. Hướng nhìn lên Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo, xin cho mỗi người giáo dân sẵn sàng lên đường.

Đặc trách

Linh mục  FX. Trần Kim Ngọc, OP.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment