Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 11-2013

TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

ĐỨC MARIA
DẤU CHỈ LÒNG CẬY TRÔNG VỮNG VÀNG
VÀ NIỀM AN ỦI CHO DÂN CHÚA ĐANG LỮ HÀNH

BBT trích nguyên văn các số 68-69 từ Chương VIII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II.

Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa

Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2 P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.

Ðức Maria chuyển cầu
cho sự hiệp nhất các Kitô hữu

Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh. Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.

(Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 68-69).

 

ĐỨC MẸ ĐÃ NHỜ LÒNG TIN MÀ TIN
THÌ CŨNG NHỜ LÒNG TIN MÀ THỤ THAI

Thánh Âutinh

Tôi xin anh em hãy để ý xem Chúa nói gì khi Người giơ tay chỉ các môn đệ: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Đức Trinh Nữ Maria đã không thi hành ý muốn của Cha sao? Người là đấng đã nhờ lòng tin mà tin, thì cũng nhờ lòng tin mà thụ thai; Người được chọn để nhờ Người, Đấng cứu độ chúng ta ra đời; Người được Đức Kitô tạo thành trước khi Đức Kitô được tạo thành nơi Người. Đức Maria đã thi hành, hoàn toàn thi hành ý Chúa Cha; vì thế đối với Người, làm môn đệ của Đức Kitô thì quan trọng hơn là làm Mẹ của Đức Kitô. Mẹ cũng sung sướng vì được làm môn đệ của Đức Kitô hơn là làm Mẹ của Đức Kitô. Vậy, Đức Maria được hạnh phúc vì đã cưu mang Thầy trước khi sinh ra Thầy.

Bạn hãy xem tôi nói có đúng không. Khi Chúa cùng đi đường với đám đông và làm phép lạ thì một bà nói: Sung sướng thay người mẹ đã cưu mang Thầy! Phúc thay người mẹ đã cho Thầy bú mớm! Nhưng, để người ta đừng tìm sung sướng theo lẽ tự nhiên, thì Chúa đã trả lời ra sao? Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Do đó, Đức Maria diễm phúc vì đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa; Người gìn giữ sự thật trong tâm trí hơn là cưu mang xác phàm trong lòng. Đức Kitô là sự thật, Đức Kitô là xác phàm: là sự thật, Đức Kitô ở trong tâm trí Đức Maria; là xác phàm, Đức Kitô ở trong lòng Đức Maria. Việc Đức Kitô ở trong tâm trí Mẹ thì quan trọng hơn việc Người ở trong lòng Mẹ.

Đức Maria thánh thiện, Đức Maria diễm phúc, nhưng Hội Thánh còn hơn Đức Maria. Vì sao? Thưa vì Đức Maria là một thành phần của Hội Thánh, là một chi thể thánh, chi thể tuyệt vời, nhưng vẫn là một chi thể của toàn thân. Nếu Người thuộc về toàn thân, thì chắc chắn thân mình phải hơn một chi thể. Đầu của thân thể là Chúa, nhưng Đức Kitô toàn thể gồm đầu và thân mình. Tôi phải nói gì đây? Chúng ta có vị thần linh là đầu, chúng ta có Thiên Chúa là đầu.

Vậy, anh em thân mến, xin anh em để ý: anh em vừa là chi thể của Đức Kitô, vừa là thân mình Đức Kitô. Hãy để ý xem anh em là người thế nào mà Chúa lại nói: Đây là mẹ tôi, là anh em tôi. Anh em là mẹ Đức Kitô thế nào? Thưa: Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi. Tin tôi đi, tôi hiểu thế nào là anh em, là chị em của Đức Kitô, bởi vì chỉ có một gia sản, do đó, vì lòng thương xót, Đức Kitô tuy là Con Một, đã không muốn chỉ mình được hưởng, nhưng muốn cho chúng ta được làm kẻ thừa tự của Chúa Cha và đồng thừa tự với Đức Kitô.

(Trích bài giảng của thánh Âutinh, giám mục, Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Ðức Mẹ dâng mình trong đền thờ, 21/11).

 

MẦU NHIỆM THỨ NHẤT

THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO MẸ MARIA

1. LỜI CHÚA: Lc 1,26-38

Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

2. SUY NIỆM

Mẹ ơi! Khi suy ngắm mầu nhiệm truyền tin con vẫn thường tự hỏi: “Mẹ đang ở đâu, đang làm gì khi sứ thần Gáp-ri-en đến báo cho Mẹ hay ý định cực kỳ trọng đại ấy của Thiên Chúa?”

Mẹ đang ở trong một góc phòng yên tĩnh, đang đắm chìm trong những giây phút cầu nguyện thân mật với Chúa, Đấng mà Mẹ hằng thiết tha yêu mến chăng? Có lẽ khung cảnh đó thích hợp hơn đối với các tu sĩ trong các tu viện khả kính; phần con, bận rộn với một ngày sống đầy ắp những công việc thường nhật, con lại thích Mẹ cũng như con, cũng đang bận rộn với một công việc bình thường nào đó trong ngày: hoặc đang nấu cơm, đang giặt giũ, hoặc đang quét dọn nhà cửa, hay đang khâu vá những chiếc áo quần đã sờn rách… và chính lúc đó sứ thần Chúa xuất hiện. Chắc hẳn có người sẽ không dám “thích” như thế vì sợ sẽ làm giảm giá trị của việc truyền tin: “Một sự kiện trọng đại như thế mà lại diễn ra trong một khung cảnh tầm thường kia ư?”

Thưa Mẹ, theo con chính cái tầm thường kia lại càng làm nổi bật vẻ trọng đại của sự việc, càng làm cho con người thấu hiểu hơn sự liên kết sâu xa giữa Thiên Chúa và kẻ Ngài yêu mến, bởi vì đối với những người nghĩa thiết thì đâu chẳng là nơi gặp gỡ, hà tất phải cần đến một căn phòng khách sang trọng mới hàn huyên tâm sự được ư?

Và chính trong khung cảnh tầm thường đó sứ thần đã nói lên lời chúc phúc: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”, và kế đó là trọng tâm của sứ điệp: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai…”

Mẹ ơi, con hiểu tại sao lúc ấy Mẹ bối rối thốt lên: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào…?”. Phải, Mẹ bối rối vì đã hiến dâng trọn vẹn con người và cuộc đời của Mẹ cho Thiên Chúa cốt để làm đẹp ý Ngài. Chưa bao giờ Mẹ dám nghĩ đến tước vị làm Mẹ Đấng Thiên Sai như biết bao thiếu nữ Ít-ra-en vẫn hằng mơ ước. Với Mẹ, chỉ cần ý Chúa được thực hiện thì lòng Mẹ hoan hỉ lắm rồi; còn công việc, địa vị, dù trang trọng hay tầm thường thì trước mặt Chúa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chính trong tâm tình khiêm hạ và tín thác đó mà Mẹ đã được sứ thần cho biết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên bà…” Không còn do dự, Mẹ khiêm tốn thưa với sứ thần: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Mẹ ơi! Trong cuộc đời của con cũng đã có biết bao lần Chúa gởi đến những sứ điệp tương tự như thế. Đó là những lúc con gặp những khó khăn, những bất ngờ trái ý. Những lúc đó, thay vì tìm xem Chúa muốn nói gì với con qua những sự kiện kia, thì con lại đâm ra cau có phàn nàn. Con không muốn làm những gì ngược với sở thích, vì thế con tìm đủ mọi lý lẽ để biện hộ cho mình: con đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, trừ ra chính mình con! Ôi, thật tội nghiệp cho con, tội nghiệp cho tất cả những ai chỉ biết sống theo ý riêng của mình. Con quên rằng xưa kia Mẹ đã thưa “xin vâng” với trọn tấm lòng. Cùng với tiếng “xin vâng” đầy tín thác ấy, Mẹ đã bỏ ý muốn của Mẹ để chọn ý Chúa làm ước nguyện của mình.

Mẹ ơi! Con vẫn hay mơ ước làm được những công việc vĩ đại vì danh Chúa, vì thế những chuyện vặt vãnh hằng ngày dễ làm con chán nản bực bội. Con mơ làm “thánh lớn” mà quên cái lớn lao của sự thánh thiện không hệ tại ở việc làm nhưng hệ tại ở tâm tình khi làm những việc đó: Mẹ không chỉ trở nên cao trọng vì được làm Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, mà có lẽ đúng hơn phải nói rằng: vì Mẹ đã đón nhận thánh ý trong mọi giờ khắc, mọi tình huống của cuộc đời, nên Mẹ đã trở nên cao trọng và được chọn làm Mẹ của Con Một Chúa Trời.

3. CẦU NGUYỆN

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin dạy con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời con với tâm tình của Mẹ khi nhận lời thiên sứ truyền tin. Xin dạy con biết cưu mang Chúa trong mọi cảnh huống của đời con bằng tiếng “xin vâng” đầy tín thác của Mẹ.

(Bản dịch Kinh thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ; Suy niệm và cầu nguyện được trích từ Paula Hoesl, Chuỗi Mân Côi trong đời sống hàng ngày, Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác).

QUYỀN NĂNG KINH MÂN CÔI

JM. Lam Thy ĐVD.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử (của Giáo Hội cũng như thế giới), Kinh Mân Côi vẫn toả sáng và ngày càng chói rạng như chính mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa qua Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, trong Tông thư về Kinh Mân Côi (“Rosarium Virginis Mariae”,  số 21), ĐTC Gio-an Phao-lô II còn gọi Kinh Mân Côi là “Mầu nhiệm của các mầu nhiệm” và bổ sung thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng, nâng tổng số lên thành 20 mầu nhiệm. Quả thực, nói hay viết về mầu nhiệm Kinh Mân Côi cùng với hiệu lực cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì không bút mực, sách vở nào có thể bao biện cho hết được. Thật đúng như lời dậy của Chân Phước Gio-an Phao-lô II: “Những điều đã nói trên đây làm sáng tỏ khá đầy đủ sự phong phú của kinh nguyện truyền thống này, vốn có tính chất mộc mạc của lòng đạo đức bình dân, nhưng cũng có chiều sâu thần học của việc cầu nguyện thích hợp cho những ai cảm thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thâm sâu hơn… Hôm nay, tôi thiết tha giao phó sự nghiệp hoà bình trên thế giới và sự nghiệp các gia đình cho quyền năng của Kinh Mân Côi – như tôi đã nói từ đầu” (Tông thư về “Kinh Mân Côi”, số 39) .

Nói về Kinh Mân Côi, người ta thường hay nghĩ đến câu chuyện thánh Đa Minh, tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo, được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi. Truyền thuyết này cũng có nhiều tranh cãi giữa một bên cho rằng đó là chuyện có thật và một bên cho rằng đó chỉ là câu chuyện tưởng tượng, dựng đứng (*). Nhưng xét cho cùng thì thấy không chỉ ở thời điểm thế kỷ XIII, mà còn mãi về sau này, không ít lần (mà tỏ tường nhất, thuyết phục nhất là lần tại Fatima, năm 1917) Đức Mẹ hiện ra với tràng chuỗi Mân Côi và những lời khuyên nhủ tha thiết con cái hãy siêng năng lần hạt, truyền bá Kinh Mân Côi. Như vậy thì việc Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi cùng với những lời khuyên dạy thánh Đa Minh cách thức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, đồng thời coi đó là vũ khí, là phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense, các bè rối và những người tội lỗi khác, là điều có thật 100%, chẳng cần tranh luận.

Kinh Mân Côi đã có từ trước khi thánh Đa Minh thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Lúc đầu có thói quen đọc 150 Thánh vịnh, tiếp theo, có một số người không đọc được Thánh vịnh thì đọc Lời chào Đức Mẹ của Sứ thần Gabriel (bước đầu hình thành kinh Kính Mừng). Đến thế kỷ XIII, đã lưu hành 4 bộ Thánh vịnh (Psalterium): bộ 150 kinh Lạy Cha (Psalterium Christi), bộ 150 kinh Kính Mừng (Psalterium b. Virginia), bộ 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Ki-tô, và bộ 150 lời ca ngợi Đức Mẹ. Người có công cổ động việc đọc Kinh Mân Côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche và gọi kinh này là Psalterium B.M.V. Sau này mới gọi là Rosarium, Việt Nam dịch là: Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi (**). Bộ 150 kinh Kính Mừng được chia thành ba vòng hoa: Nhập thể (mùa Vui), Tử nạn (mùa Thương) và Vinh quang (mùa Mừng); mỗi vòng 5 chục kinh Kính Mừng, mỗi chục kinh mở đầu bằng kinh Lạy Cha và kết thúc bằng kinh Sáng Danh. Kinh Mân Côi được thành hình và hoàn chỉnh, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Ki-tô (kinh Lạy Cha), Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời nhập thể (kinh Kính Mừng) và  vinh tụng ca Thiên Chúa Ba Ngôi (kinh Sáng Danh). Sang thế kỷ XXI, còn thêm 5 mầu nhiệm Ánh Sáng (xc Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria” – ĐTC Gioan Phaolô II – 2002).

Sở dĩ Kinh Mân Côi được khai sinh và lưu truyền trong bề dày lịch sử Giáo Hội, cũng bởi vì Đức Maria là Mẹ Lời Chúa, Mẹ Giáo Hội. Vì thế, nên trong Tông huấn ”Marialis Cultus” (số 13), ĐTC Phao-lô VI đã khẳng định: ”Chúng tôi muốn lưu ý anh em về một việc đạo đức đã từng được gọi là “Bản tóm lược tất cả cuốn Phúc Âm”: đó là chuỗi Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria. Các vị tiền nhiệm của chúng tôi vẫn thường chú tâm và nhiệt tình cổ động việc đạo đức này, khuyên bảo chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi… Kinh Mân Côi có khả năng phát huy một lối cầu nguyện có tính chiêm niệm, vừa là lời chúc tụng vừa là lời cầu xin. Cũng nên nhớ rằng Kinh Mân Côi có sức linh nghiệm giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ”.

Rõ ràng người Ki-tô hữu muốn “tiến bộ trong đời sống Ki-tô giáo và dấn thân hoạt động Tông đồ” thì phải biết luôn luôn cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, để “Nhờ Mẹ, đến với Chúa” (Ad Jesum, per Mariam). Không những thế, Kinh Mân Côi còn có hiệu lực giải quyết những vấn nạn nan giải nhất (“Giáo Hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân Côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất” – Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 39). Quả thực, ngày nay khi lần chuỗi Mân Côi, mỗi Ki-tô hữu cần nhận chân được đây là dịp tiếp cận Tin Mừng, ôn lại hành trình đức tin của Mẹ, để từ đó khẩn cầu Mẹ dìu dắt vượt thắng được hành trình đức tin của chính bản thân mình. Chính vì thế, nên mọi tín hữu phải luôn tâm niệm sống Đạo với châm ngôn “Kết hiệp với Mẹ suy niệm mầu nhiệm Mân Côi” bằng cách: “Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi + Ăn năn cải hối + Ký thác tận hiến cho Mẹ => Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (Mệnh lệnh Fatima).

Chỉ có như thế mới phần nào bày tỏ được tình con thảo đối với Mẹ hiền, đáp ứng được Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua di ngôn dưới chân Thập Tự: “Này là con Bà – đây là Mẹ con” (Ga 19, 26-27). Thật sự chỉ có như thế mới thấy thấm thía được huyền nhiệm sâu sắc của Kinh Mân Côi. Và cũng từ đó lại càng thêm vững tin rằng Kinh Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng vừa đơn giản, vừa súc tích, đồng thời đó cũng là một ký sự chân thực nhất trình thuật hành trình đức tin của Mẹ Thiên Chúa – một hành trình đầy cam go thử thách nhưng cũng đầy chiến thắng vinh quang. Chính điều này chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn lựa và dẫn đưa Đức Trinh nữ Maria từ bỏ kế hoạch riêng tư, từ bỏ chính mình, từ bỏ những gì thân thiết nhất của mình, để đi vào kế hoạch diệu huyền của Thiên Chúa, để trọn vẹn tín thác vào Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Mẹ! Con xiết bao mừng rỡ khi lại được thêm một lần trong muôn muôn triệu lần các Ki-tô hữu trên toàn thế giới chúc tụng Mẹ qua Kinh Mân Côi mà Mẹ đã truyền dạy chúng con. Cúi xin Mẹ thương đoái, đón nhận đoá hoa lòng của chúng con: “Ngày nay con đến hát khen mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng. Dâng ngành Mân Côi muôn màu hoa thắm tươi. Lạy Mẹ yêu mến lắng nghe lời con hát nhịp nhàng, hoà với cung đàn xiết bao mừng vui. Ôi Maria! Phúc đức no đầy chan hoà. Lòng con yêu mến cậy trông thiết tha. Qua cơn gian nan giữa chốn sa trường nguy biến. Xin đưa hồn con tới quê thanh nhàn.” (“Nữ Vương Mân Côi” – Hải Linh –TCCĐ). Amen.

Chú thích: (*), (**): xc. 1- “TÌM HIỂU DÒNG ĐA MINH”  của Lm Giuse Phan Tấn Thành OP; 2- “THÁNH ĐA MINH – ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG THUYẾT GIÁO” của Lm Giuse Nguyễn Tri Ân OP. (Nguồn: thanhlinh.net).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment