- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 10-2014

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 10/2014

CHUỖI MÂN CÔI

LỜI KINH CỦA GIA ĐÌNH

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN:

Ý chungCầu cho hoà bình: Xin Chúa ban hoà bình cho những miền trên thế giới bị chiến tranh và bạo lực tàn phá nặng nề nhất.

Ý truyền giáoCầu cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo: Xin cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo khơi dậy nơi mỗi Kitô hữu niềm hăng say và lòng nhiệt thành cần thiết để mang Tin Mừng cho toàn thế giới.

THÁNG MÂN CÔI

Chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng, là một chuỗi tình yêu gồm những lời yêu thương chân thành và đơn sơ nhất: hãy nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.

Các tín hữu nên cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và hiểu rõ bản chất cũng như tầm quan trọng của kinh nầy. Những ai lần Chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức, hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt, thì được hưởng một ơn đại xá; còn đọc trong những hoàn cảnh khác, thì được hưởng một ơn tiểu xá (Ench. Indulg., ấn bản 1999, concessio 17).

 LỜI NGỎ

Tháng Mười – Tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi con cái mình lần hạt Mân Côi để ca khen Mẹ, rồi qua Kinh Mân Côi, chúng ta nhờ Đức Mẹ mà chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa.

Kinh Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng và là lời kinh từ trời, nên có một giá trị vô song. Kinh Mân Côi là một lời kinh đơn sơ, dễ thực hiện nhưng đem lại ơn ích vô vàn.

Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng Kinh Mân Côi là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Gia đình nào ngồi lần hạt chung với nhau thì có Chúa hiện diện ở đó. Gia đình nào mà lần hạt Mân Côi, là gia đình ấy đang xây dựng đời sống mình theo khuôn mẫu của gia đình Nadarét.

Tháng Mười là thời gian thuận tiện để mỗi người trong gia đình lần hạt Mân Côi. Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội và đặc biệt là lời mời gọi tha thiết của Mẹ Maria vào năm 1917 tại Fatima: “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”.

Tu sĩ Đặc trách

Linh mục  FX. Trần Kim Ngọc, OP.


GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục… 5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

01.10.2014                                                            Thứ Tư

TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU – lễ kính                         Mt 18,1-5

“Ai là người lớn nhất trong Nước trời?” (Mt 18,1).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng ghi lại lời giáo huấn của Đức Giêsu về điều kiện cần có để được vào Nước trời là trở nên như trẻ nhỏ. Sống “tinh thần thơ ấu” là con đường hoàn thiện của người môn đệ. Lời giáo huấn của Đức Giêsu được thể hiện cách sống động nơi bản thân và cuộc đời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Ngài nên thánh nhờ sống con đường thơ ấu thiêng liêng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực thi “tinh thần thơ ấu” mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sống. Đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, là tín thác hoàn toàn nơi Chúa trong sự khiêm nhường, đơn sơ và trung thành trong các việc nhỏ và bổn phận hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn biết trung thành trong các việc nhỏ và bổn phận hàng ngày vì lòng yêu mến Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02.10.2014                                                           Thứ Năm

Các thiên thần hộ thủ – lễ nhớ                          Mt 18,1-5.10

“Các thiên thần của họ ở trên trời” (Mt 18,10).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng ghi lại lời giáo huấn của Đức Giêsu về giá trị của những người sống “tinh thần thơ ấu”. Thiên Chúa sẽ gửi các thiên sứ đến chăm sóc và gìn giữ họ. Đó là các thiên thần bản bệnh. Các ngài chăm sóc chúng ta trong mọi hoàn cảnh như người mẹ thương con, như đạo sư dẫn lối đưa đường…

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết năng lắng nghe lời hướng dẫn của các thiên thần bản mệnh để trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con luôn làm đẹp lòng Chúa và làm sáng danh Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con luôn biết năng tưởng nhớ đến các thiên thần bản mệnh để tin tưởng vào sự dẫn dắt, gìn giữ và giúp đỡ của các ngài trên mọi nẻo đường sống chứng nhân giữa đời.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu chịu phép rửa nơi sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03.10.2014                                                   Thứ Sáu đầu tháng

Tuần 26 TN                                                        Lc 10,13-16

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin!” (Lc 10,13).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng thuật lại lời than trách của Đức Giêsu đối với dân thành Khoradin, Bétsaiđa và Caphácnaum vì sự cứng lòng của họ. Sự cứng lòng của các dân thành cũng chính là thái độ của chúng ta hôm nay một khi chúng ta không sống đúng ơn gọi là con cái Chúa, một khi chúng ta chiều theo sự lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỷ…

Với Mẹ: Lạy Chúa, con được gọi làm con Chúa qua Bí tích Rửa Tội nhưng con vẫn luôn chai lỳ, không biến đổi đời sống hầu phù hợp với những ơn lành Chúa tặng ban. Xin Chúa giúp con luôn biết đáp trả tình yêu Chúa bằng thái độ hoán cải, mau mắn trở về với Chúa mỗi khi con sa ngã phạm tội.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp con luôn biết cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa để mau mắn hoán cải trở về mỗi khi con phạm tội lìa xa Ngài.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04.10.2014                                                   Thứ Bảy đầu tháng

Th. Phanxicô Assisi – lễ nhớ                              Lc 10,17-24

Nhóm bảy mươi hai trở về(Lc 10,17).

Như Mẹ: Sau khi sai mười hai Tông đồ, Đức Giêsu cũng sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy sứ mạng truyền giáo thuộc về tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Những ai là môn đệ Đức Kitô đều được mời gọi truyền giáo theo bậc sống, khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con đã được diễm phúc đón nhận những mầu nhiệm Nước Trời, những chân lý đức tin, những giáo huấn Tin Mừng. Xin cho chúng con luôn ý thức làm chứng về Chúa và Tin Mừng cho những người chúng con gặp gỡ theo tinh thần và gương mẫu của thánh Phanxicô Assisi.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết tìm kiếm niềm vui đích thật của con cái Chúa là làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…”

Trong Mẹ: Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

05.10.2014                                                    Chúa Nhật 27 TN

Kính trọng thể MẸ MÂN CÔI                             Mt 21,33-43

“Đó chính là công trình của Chúa” (Mt 21,20).

Như Mẹ: Đức Giêsu trong bài Tin Mừng đã phác họa lại toàn bộ lịch sử dân Israel. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã quan phòng can thiệp trong dòng lịch sử nhưng vì thái độ cố chấp, cứng lòng của dân Israel mà “vườn nho của Chúa” sẽ không còn trong tay họ nữa. Lịch sử dân Israel cũng chính là lịch sử cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta không biết quản lý và sinh lợi những ân huệ và khả năng Chúa ban.

Với Mẹ: Lạy Chúa, bổn phận của chúng con là quản lý và sinh lợi các ân huệ Chúa ban. Xin cho chúng con, trong những khó khăn thử thách, luôn kiên nhẫn trong đức tin và không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết tiến bước trên con đường nên thánh.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06.10.2014                                                            Thứ Hai

Th. Brunô, lm                                                       Lc 10,25-37

“Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng về “điều răn lớn nhất” được cả ba thánh sử ghi lại cho thấy luật mến Chúa yêu người là trọng tâm của đời sống Kitô giáo. Tình yêu đích thật của người Kitô hữu chính là yêu mến Chúa cách trọn vẹn, hoàn hảo, ưu tiên và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tình yêu của người môn đệ là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi và vị tha.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Lời Chúa dạy chúng con rằng người thân cận của chúng con là tất cả những ai mà chúng con gặp gỡ, tất cả những người cần đến sự trợ giúp của chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn thi hành điều Chúa dạy.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn biết tâm niệm điều Chúa dạy chúng con hôm nay: “cứ làm như vậy sẽ được sống”.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07.10.2014                                                            Thứ Ba

Đức Mẹ Mân Côi – lễ kính                                  Lc 1,26-38

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Như Mẹ: Phụng vụ ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi hôm nay hướng chúng ta về Đức Maria: Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Thánh Mẫu Đấng Cứu Thế. Mẹ chính là Hòm Bia Giao Ước nơi Ngôi Lời Thiên Chúa trú ngụ giữa trần gian. Mẹ chính là mẫu gương lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa như “tỳ nữ” của Người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, xin cho chúng con luôn ý thức sức mạnh cứu rỗi của Kinh Mân Côi và siêng năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu cải thiện đời sống và xây dựng Nước Trời.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn biết sống tâm tình của Mẹ: năng lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành, để đời sống chúng con chính là khí cụ của Thiên Chúa trong việc xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08.10.2014                                                            Thứ Tư

Thánh vịnh tuần 3                                               Lc 11,1-4

“Xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).

Như Mẹ: Cầu nguyện là một sinh hoạt tâm linh của mọi tôn giáo. Qua lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy các môn đệ, chúng ta nhận thấy rằng lời cầu nguyện đích thật cần phải được quy hướng về Thiên Chúa trước khi cầu xin cho những nhu cầu của đời sống con người. Cầu nguyện trên hết là hành vi thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa chứ không chỉ để cầu xin ơn.

Với Mẹ: Lạy Chúa, giữa một xã hội còn nhiều những cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, xin cho con năng đọc kinh Lạy Cha để luôn ý thức về sự yếu đuối của bản thân và biết trông cậy vào sự trợ giúp của ơn thánh trong mỗi biến cố của cuộc đời con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con luôn sống tâm tình Thiên Chúa là Cha, để con luôn biết sống tâm tình con thảo với Chúa trong việc thờ phượng và vâng phục ý Chúa mỗi ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09.10.2014                                                           Thứ Năm

Th. Điônysiô (gm) và các bạn, tđ                            Lc 11,5-13

“Anh em cứ xin thì sẽ được” (Lc 11,9).

Như Mẹ: Qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa là Cha nhân từ, luôn thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người. Vì vậy thái độ cần có nơi mỗi người chúng ta là phải kiên tâm cầu nguyện để ý thức sâu xa về sự yếu hèn, bất lực của bản thân, nhờ đó biết đặt trọn niềm tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, có những lúc chúng con nghi ngờ tình yêu của Chúa và chán nản không còn muốn cầu nguyện. Xin cho Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng con phải kiên trì cầu nguyện và tin tưởng vào tình yêu của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết kiên trì cầu nguyện để chúng con luôn ý thức rằng chúng con hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vì tự sức chúng con chẳng làm được gì.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10/10/2014                                                          Thứ Sáu

Tuần 27 TN                                                        Lc 11,15-26

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi” (Lc 11,23).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng trình bày về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu qua việc Người trừ một quỷ câm. Qua đó, Đức Giêsu muốn mời gọi tất cả người tin qua mọi thời đại phải có thái độ chọn lựa dứt khoát: chọn thế lực sự dữ thì sẽ bị hư mất đời đời, còn tin nhận Đức Giêsu thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cữu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xã hội hôm nay còn lẫn lộn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tội lỗi và ân sủng… Trước những thách đố đó, xin cho chúng con luôn trung thành sống đúng phẩm giá là con cái Chúa, để xứng đáng được làm công dân Nước Trời: nơi không còn đau khổ và chết chóc.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn biết chọn Chúa bằng cách lắng nghe và tuân giữ Lời Người trong cuộc sống, để chúng con cảm nghiệm được sự hạnh phúc ngay ở đời này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11/10/2014                                                         Thứ Bảy

Tuần 27 TN                                                        Lc 11,27-28

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,28).

Như Mẹ: Qua bài Tin Mừng chúng ta thấy, Đức Giêsu coi trọng mối dây liên hệ đức tin hơn liên hệ huyết nhục. Tất cả những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa đều là người có phúc. Đức Maria được chúc phúc không những vì sinh hạ Đức Giêsu nhưng còn vì Mẹ đã biết trọn đời lắng nghe, suy niệm và tuân theo ý Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, nhất là ý thức hơn khi tham dự phụng vụ Lời Chúa trong các thánh lễ mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn ý thức mình thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa và là người diễm phúc vì biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

12.10.2014                                                    Chúa Nhật 28 TN

Thánh vịnh tuần 4                                                 Mt 22,1-14

“Tiệc Cưới đã sẵn sàng rồi” (Mt 22,8).

Như Mẹ: Nước Trời được sánh ví như Tiệc Cưới. Khách được ưu tiên mời gọi chính là dân tộc Do Thái. Nhưng họ đã từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa và Người sẽ thay thế họ bằng một Dân Mới. Thật vậy, Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội. Đó là một hồng ân, vì thế chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu để sống đời sống mới theo tinh thần của Đức Giêsu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa yêu thương mời gọi tất cả mọi người, không loại trừ ai nhưng Chúa tôn trọng sự tự do đáp trả của con người. Xin cho chúng con khi chọn lựa theo Chúa luôn biết trung tín trong sự chọn lựa của mình.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn sống xứng đáng với phẩm giá của Bí tích Rửa Tội là được trở nên con cái Chúa theo tinh thần của thánh Phaolô: “Hãy mặc lấy Chúa Kitô”.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13.10.2014                                                      Thứ Hai

Tuần 28 TN                                                        Lc 11,29-32

“Đây thì còn hơn ông Giôna nữa” (Lc 11,32).

Như Mẹ: Qua câu chuyện ngôn sứ Giôna, Đức Giêsu cảnh báo những ai cứng lòng không canh tân và thánh hóa bản thân trước Lời Chúa. Chúng ta đôi khi cũng bị cám dỗ tìm kiếm những “dấu lạ” hơn là tin tưởng, phó thác vào Chúa. Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy: “dấu lạ” cao cả nhất chính là mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người. Đó là “dấu lạ” khiến chúng ta phải thay đổi cuộc sống mỗi ngày.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con đang sống trong một thế giới tục hóa, một thế giới chỉ muốn đặt niềm tin vào hiệu năng của khoa học. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, đức tin là một hồng ân Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết cảm tạ, tin tưởng và phó thác vào Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết làm chứng cho Chúa không bằng sức mạnh, uy quyền nhưng bằng sự khiêm nhường, phục vụ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14.10.2014                                                            Thứ Ba

Th. Callistô I, ghtđ                                                Lc 11,37-41

“Hãy bố thí những gì ở bên trong” (Lc 11,41).

Như Mẹ: Nghi lễ thanh tẩy trước khi ăn là một nghi thức tôn giáo quan trọng cần phải giữ nhưng Đức Giêsu đã bác bỏ. Qua đó, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự thành tâm bên trong hơn là những hình thức bên ngoài. Đó cũng là lời cảnh báo cho tất cả người tin qua mọi thời đại, cần tránh tinh thần giả hình, vụ hình thức, nhất là trong những việc đạo đức.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tinh thần của bài Tin Mừng. Của bố thí đích thật, có giá trị tẩy rửa tâm hồn chính là thực hành tình yêu đối với tha nhân hơn là chu toàn những bổn phận tôn giáo mà lãng quên trách nhiệm đối với người xung quanh chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con trong khi lo thanh tẩy bên ngoài thì cũng phải lo thanh tẩy bên trong nữa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15.10.2014                                                            Thứ Tư

Th. Têrêxa Giêsu, tnts – lễ nhớ                         Lc 11,42-46

“Khốn cho các người…” (Lc 11,42).

Như Mẹ: Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khiển trách những người Pharisêu về thói háo danh, hình thức, khoe khoang, tự đại; về tội bưng bít giả hình. Qua đó, Người cũng mời gọi chúng ta hãy từ bỏ lối sống giả hình. Hãy sống chân thành với Chúa, ngay thẳng với bản thân, công bình với tha nhân, thành thực trong công việc và trong cách xử thế.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trong công việc và xử thế hằng ngày, chúng con thường thủ lợi hơn là phục vụ, hưởng thụ hơn là hy sinh, đòi hỏi người khác hơn là ý thức trách nhiệm bản thân. Xin cho chúng con biết sống tinh thần Chúa dạy: ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ anh em, ai làm đầu thì hãy làm đầy tớ anh em.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, trong mọi sự, xin dạy chúng con luôn biết sống chân thành với Chúa, ngay thẳng với anh em và với chính mình nữa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16.10.2014                                                           Thứ Năm

Th. Margarita Alacoque, tn                                    Lc 11,47-54

“Kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (11,52).

Như Mẹ: Đức Giêsu tiếp tục khiển trách các luật sĩ về tội giả hình. Họ tin vào các tiên tri thời xưa nhưng lại từ chối tin vào Đức Giêsu, vị tiên tri cao cả đang hiện diện giữa họ. Họ nắm giữ Lời Chúa nhưng lại không sống theo Lời Chúa. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về lối sống đạo, đôi khi chúng ta gây “trở ngại” cho người khác tin nhận Đức Giêsu vì những gương xấu của mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con nghe Lời Chúa hằng ngày, nhưng chưa sống Lời Chúa dạy, vì chúng con còn ngại từ bỏ bản thân hay vì sợ Lời Chúa làm xáo trộn cuộc sống của mình. Xin thêm sức giúp chúng con luôn xác tín về giá trị và ý nghĩa Lời Chúa trong cuộc đời chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con không chỉ biết học hỏi về Lời Chúa nhưng còn biết thành tâm thiện chí sống Lời Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17.10.2014                                                            Thứ Sáu

Th. Inhatiô Antiôkia, gmtđ – lễ nhớ                     Lc 12,1-7

“Anh em đừng sợ” (Lc 12,4).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay nhắc bảo các môn đệ phải can đảm và công khai làm chứng về Chúa. Đừng sợ hãi sự bách hại của thế gian nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa, Đấng có uy quyền trên linh hồn lẫn thân xác, đời này cũng như đời sau. Và hãy tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trong đời sống và thi hành sứ vụ, xin cho chúng con đừng sợ hãi trước những vất vả, thử thách và bách hại của thế gian, nhưng luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa, Đấng luôn yêu thương, săn sóc chúng con như người mẹ hiền đối với con thơ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn tin tưởng vào tình yêu Chúa: Với chim sẻ Ngài còn quan tâm, với sợi tóc nhỏ Ngài còn để ý, thì chúng con còn cao qúy hơn những thụ tạo ấy biết bao.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18.10.2014                                                           Thứ Bảy

Th. LUCA, thánh sử – lễ kính                                    Lc 10,1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng trình thuật về sứ vụ truyền giáo của các môn đệ. Và Giáo Hội đọc bài Tin Mừng này trong ngày lễ mừng kính thánh sử Luca với mục đích muốn người tín hữu nhìn ngắm cuộc đời và sứ vụ của thánh Luca để luôn ý thức về sứ vụ loan báo Tin Mừng và chứng tá tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân.

Với Mẹ: Lạy Chúa, qua sách  Tin Mừng của mình, thánh sử Luca đã chứng minh về lòng khoan dung, nhân hậu, tha thứ của Thiên Chúa đối với người nghèo và tội nhân. Xin cho chúng con cũng học biết tâm tình yêu thương của Chúa đối với những ai cần đến lòng thương xót trong môi trường xã hội, gia đình, cộng đoàn chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết phục vụ đắc lực Lời Chúa, trung tín để làm cho mọi người biết Chúa và biết yêu thương nhau.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

19.10.2014                                                    Chúa Nhật 29 TN

Khánh nhật Truyền giáo                                   Mt 22,15-21

“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay cho thấy, mỗi Kitô hữu đều có hai bổn phận phải chu toàn: vừa là công dân của một quốc gia, vừa là công dân của Nước Trời. Là công dân Nước Trời, chúng ta cần sống theo nguyên tắc của Đức Giêsu: “những gì của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa.” Thời gian là của Chúa, mọi thế hệ là của Chúa, tất cả những gì ta có đều là của Chúa…

Với Mẹ: Lạy Chúa, Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cùng đích, mọi thụ tạo, vinh quang, vương quyền đều thuộc về Ngài. Xin cho chúng con luôn biết trả lại cho Ngài điều chúng con luôn mắc nợ: đó là lòng tin tưởng, cậy trông, phó thác với tâm tình thờ phượng và tạ ơn Ngài mãi mãi muôn đời.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận đối với xã hội trần thế, đồng thời chu toàn bổn phận tìm kiếm Nước Trời.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20.10.2014                                                            Thứ Hai

Thánh vịnh tuần 1                                             Lc 12,13-21

“Hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21).

Như Mẹ: Trình thuật Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu bày tỏ thái độ dứt khoát đối với của cải: của cải chỉ là phương tiện cho đời sống. Đừng đặt sự bảo đảm cho mình vào bất cứ sự gì khác ngoài Thiên Chúa. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của của cải nhưng cảnh giác chúng ta hãy sử dụng của cải đời này để làm giàu cho sự sống đời sau.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trong mọi hoàn cảnh, xin cho chúng con biết tỉnh thức, sẵn sàng cho ngày sau hết của mình bằng cách sống theo lời sách Huấn ca đã dạy: “Trong hết mọi việc con làm, con hãy nhớ đến cứu cánh của mình, thì không bao giờ vấp phạm” (Hc 7,36).

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng cách giúp đỡ người nghèo và kìm hãm những hưởng dụng bất chính về của cải đời này.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21.10.2014                                                         Thứ Ba

Tuần 29 TN                                                        Lc 12,35-38

“Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng trình bày giáo huấn của Đức Giêsu về tinh thần sẵn sàng, tỉnh thức chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết. Tỉnh thức bằng cách luôn sống trong ân nghĩa Chúa, xa tránh dịp tội, chừa cải tội lỗi. Sẵn sàng bằng những việc lành để chuẩn bị cho sự sống đời sau. Ai sẵn sàng như vậy là người có phúc vì Nước Trời thuộc về họ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, “thắt lưng” là tư thế của một người đang làm việc, đang sẵn sàng. Xin cho chúng con luôn biết thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân như một trách nhiệm mà người Kitô hữu phải chu toàn mỗi ngày để làm vinh danh Chúa và gương sáng cho tha nhân.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn trung tín trong việc tỉnh thức và sẵn sàng chờ giờ Chúa đến ngay trong đời sống hiện tại này.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22.10.2014                                                            Thứ Tư

Tuần 29 TN                                                        Lc 12,39-48

“Hãy sẵn sàng” (Lc 12,39).

Như Mẹ: Dụ ngôn “người quản lý trung tín” trong bài Tin Mừng dạy chúng ta về thái độ tỉnh thức, sẵn sàng bằng cách kiên trì và trung tín trong trách nhiệm của mình. Việc bảo vệ phần rỗi đời đời là việc phải làm liên tục, bền đỗ vì tính cách bất ngờ của việc Chúa đến trong giờ sau hết của mỗi người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, mỗi chúng con là những “quản gia” của Chúa. Tất cả những gì chúng con có: sự sống, tài năng, sức khỏe đều là ơn Chúa tặng ban để làm sáng danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho chúng con và tha nhân. Xin cho chúng con biết sử dụng ân ban của Chúa như những quản gia trung tín và khôn ngoan.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết chu toàn bổn phận của mình là nhận ra và sống thánh ý Chúa mỗi ngày.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu chịu phép rửa nơi sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23.10.2014                                                           Thứ Năm

Th. Gioan Capestranô, lm                                      Lc 12,49-53

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất” (Lc 12,49).

Như Mẹ: Đức Giêsu báo trước Người sẽ chịu đau khổ và các môn đệ cũng sẽ chung số phận đó. “Phép rửa” của Đức Giêsu chính là cái chết của Người. Sự “chia sẻ” mà Người tiên báo chính là sự tất yếu của những ai dám sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Theo Chúa là chấp nhận hy sinh, từ bỏ những gì thuộc về đời này để chiếm hữu phần thưởng vĩnh cửu đời sau.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống trọn phẩm giá đích thật của một người môn đệ. Đó là biết sửa đổi con người cũ thành con người mới, biết từ bỏ nếp sống trần tục để xứng đáng làm con cái Thiên Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết đón nhận những đau khổ, bách hại, trái ý trong đời sống phục vụ như một cách thế để trở nên xứng đáng là môn đệ của Chúa.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24.10.2014                                                            Thứ Sáu

Th. Antôn Maria Clarét, gm                                    Lc 12,54-59

“Những kẻ đạo đức giả kia…” (Lc 12,56).

Như Mẹ: Đức Giêsu trong bài Tin Mừng giáo huấn dân chúng: họ biết đem điềm trời mà đoán thời tiết, nhưng lại không biết đọc các dấu chỉ thời đại để nhận ra thời kỳ cứu rỗi. Nếu không biết dựa vào các dấu chỉ thời đại để nhận ra và thi hành ý Chúa, thì đời sống Kitô hữu chúng ta chỉ là một đời sống giả hình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay dạy chúng con phải biết nhìn vào các sự kiện đang xảy ra trong cuộc sống để nhận ra điều Chúa muốn, là những điều phải tránh, những việc cần làm để vinh danh Chúa và mưu cầu sự sống vĩnh cửu đời sau.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết mau mắn đón nhận giáo huấn của Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25.10.2014                                                           Thứ Bảy

Tuần 29 TN                                                          Lc 13,1-9

“Nếu các ông không sám hối…” (Lc 13,3).

Như Mẹ: Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cảnh tỉnh chúng ta: tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng điều quan trọng là phải biết sám hối, cải thiện đời sống để xứng với phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Phải đọc ra các “dấu chỉ” trong đời sống để thức tỉnh bản thân và mau mắn cải biến đời sống theo Tin Mừng vì Thiên Chúa không thể kiên nhẫn, chờ đợi mãi…

Với Mẹ: Lạy Chúa, cái chết là lời thức tỉnh chúng con về sự sống đời sau. Xin cho chúng con biết sử dụng những phương tiện Chúa ban trong hiện tại để chuẩn bị cho sự sống đời sau: “Trong mọi sự, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào, thì mãi mãi con sẽ không phạm tội (Hc 7,36).

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết sống theo giáo huấn của Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào có ích gì?

Trong Mẹ: Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

26.10.2014                                                    Chúa Nhật 30 TN

Thánh vịnh tuần 2                                             Mt 22,34-40

“Yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về giá trị đích thật của đời sống Kitô hữu là phải biết chu toàn giới luật “mến Chúa, yêu người.” Đó là hai khía cạnh không thể tách rời trong đời sống người Kitô hữu. Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu yêu thương chính mình, chúng ta mới có thể bắt đầu yêu thương tha nhân. Và tình yêu đối với tha nhân là dấu chứng sống động nhất về tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa dạy yêu Chúa hết lòng nhưng dường như chúng con vẫn chưa yêu Chúa cho đủ. Chúa dạy yêu thương tha nhân nhưng dường như chúng con chỉ biết yêu chính mình. Xin cho chúng con luôn biết sám hối, hồi tâm suy nghĩ trước Lời của Ngài.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con đừng tạo khoảng cách giữa điều Chúa dạy và cách con sống.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27.10.2014                                                            Thứ Hai

Tuần 30 TN                                                        Lc 13,10-17

“Bà đã được giải thoát” (Lc 13,12).

Như Mẹ: Đức Giêsu trong bài Tin Mừng giáo huấn chúng ta về ý nghĩa đích thật của lề luật là để phục vụ con người. Luật bác ái phải là luật ưu tiên. Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện ngang qua tình yêu đối với con người. Vì vậy, người Kitô hữu cần sống tinh thần ngày Chúa Nhật bằng những việc bác ái hơn là gò bó trong những điều cấm kỵ của lề luật.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa chữa bệnh vào ngày sabát, chứng tỏ Ngài muốn dành ưu tiên luật bác ái trên các lề luật khác. Xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa, luôn biết thực thi bác ái cách vị tha qua việc phục vụ, thăm viếng, an ủi những người gặp khó khăn, đau khổ…

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, tình thương của Chúa luôn đi bước trước, xin Mẹ dạy chúng con luôn biết mau mắn phục vụ cách vô vị lợi tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.10.2014                                                            Thứ Ba

Th. SIMON và th. GIUĐA, TĐ – lễ kính                     Lc 6,12-19

Người chọn mười hai ông và gọi là Tông đồ

Như Mẹ: Bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chọn mười hai Tông đồ, với những tính cách, khả năng, địa vị khác nhau, làm nền tảng xây dựng Hội Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa có thể biến những đức tính, khả năng tự nhiên của mỗi người trở thành dụng cụ đắc lực trong việc xây dựng Hội Thánh trần thế và làm cho Danh Chúa ngày một cả sáng hơn.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa trên trần thế vẫn còn những con cái đầy khác biệt, đối nghịch, yếu đuối trong thân phận con người. Xin Chúa cho chúng con luôn biết liên đới và hiệp nhất trong cùng một Hội Thánh, nhờ đó chúng con luôn vững tin vào sự hiện diện của Chúa trong lịch sử Hội Thánh ở trần gian.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin dạy chúng con biết noi gương hai thánh Tông đồ luôn bền đỗ trong ơn gọi và trung kiên với ân nghĩa Chúa đến cùng.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.10.2014                                                        Thứ Tư

Tuần 30 TN                                                        Lc 13,22-30

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp” (Lc 13,24).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay nói đến viễn tượng ngày cánh chung được sánh ví như một Tiệc Cưới. Muôn dân từ khắp bốn phương đều được mời tham dự. Nhưng muốn vào phải qua cửa hẹp, nghĩa là đã tin nhận Đức Giêsu thì phải nỗ lực, bền chí trong việc thực thi giáo huấn của Ngài: thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân mỗi ngày để sẵn sàng chờ đợi Chúa đến.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ tự mãn về danh hiệu Kitô hữu mà chúng con lãnh nhận qua Bí tích Rửa Tội, nhưng luôn biết nỗ lực và cố gắng sống hoàn thiện mỗi ngày để sẵn sàng chờ đón giây phút Chúa đến trong cuộc đời chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ, ngay trong đời sống hiện tại, xin dạy chúng con biết chuẩn bị hành trang công phúc để xứng đáng dự tiệc Nước Trời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30.10.2014                                                           Thứ Năm

                                                                           Lc 13,31-35

Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa lành bệnh tật.

Như Mẹ: Khi được báo vua Hêrôđê đang đe dọa, Đức Giêsu vẫn miệt mài trong sứ vụ rao giảng và chữa lành bệnh tật. Qua đó cho thấy, Đức Giêsu đặt thánh ý Chúa Cha trên ý riêng của bản thân Ngài, đặt bổn phận trách nhiệm trên chính mạng sống mình. Đó chính là mẫu gương về tinh thần tông đồ phục vụ cho tất cả những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần tông đồ phục vụ. Xin cho chúng con, dù trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện, cũng luôn biết tìm kiếm thánh ý Chúa và chu toàn trách nhiệm được giao phó vì phần rỗi chính mình và tha nhân.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin dạy chúng con mau mắn đáp trả tình thương của Chúa bằng việc từ bỏ lối sống thế gian để sống theo đường lối Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31.10.2014                                                            Thứ Sáu

Tuần 30 TN                                                          Lc 14,1-6

Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”

Như Mẹ: Đức Giêsu chữa lành người bị bệnh phù thủng trong ngày sabát nhằm mặc khải sứ mạng cứu thế của Người, đồng thời bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người bệnh tật. Thật vậy, tình yêu vượt trên những giới hạn của lề luật. Tình yêu thương đích thật dành cho Thiên Chúa chính là biết quảng đại thực thi bác ái đối với tha nhân.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa chữa bệnh trong ngày sabát nhằm bày tỏ cho chúng con thấy rằng, việc tôn thờ đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả chính là biết thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần giải thoát của lề luật.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết giữ luật “ngày của Chúa” theo tinh thần vị tha, chứ không vì nệ luật mà xa cách tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

KINH MÂN CÔI VÀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

ĐGH Gioan Phaolô II

Gia đình: cha mẹ

41. Là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân Côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã một thời hết sức thân thiết với các gia đình Kitô giáo, và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Điều quan trọng là đừng đánh mất gia sản quý báu đó. Chúng ta cần phải quay lại với thói quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng Kinh Mân Côi.

Trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, tôi đã khuyến khích giáo dân cử hành Các giờ kinh phụng vụ trong sinh hoạt thường nhật của cộng đoàn giáo xứ hay của các hội đoàn; nay tôi cũng mong muốn như thế đối với Kinh Mân Côi. Hai con đường chiêm ngưỡng Kitô giáo này không loại trừ nhau; chúng bổ túc cho nhau. Do đó, tôi yêu cầu những ai chăm lo công tác mục vụ gia đình, hãy hết lòng khuyên nhủ đọc Kinh Mân Côi.

Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Kinh Rất Thánh Mân Côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các gia đình lại gần nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thánh Khí của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong các xã hội kinh tế phát triển, phát xuất từ sự khó khăn càng ngày càng gia tăng trong mối tương giao. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi gặp gỡ là để xem truyền hình. Trở về với việc đọc Kinh Mân Côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh Mân Côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Nadarét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.

… và con cái

42. Quả là đẹp và mang lại kết quả khi phó dâng cho lời kinh này sự tăng trưởng và phát triển của các con cái. Kinh Mân Côi đã chẳng dõi theo cuộc đời của Đức Kitô, từ lúc thụ thai đến cái chết, và rồi từ phục sinh đến vinh quang sao? Các bậc cha mẹ càng ngày càng cảm thấy khó mà theo dõi cuộc sống của các con cái khi chúng tăng trưởng đến tuổi trưởng thành. Trong một xã hội với nền kỹ thuật tân tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hoá, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hoá giữa các thế hệ đang gia tăng ngày càng lớn hơn. Những thông tin khác biệt nhất và những kinh nghiệm không thể đoán trước được nhanh chóng thâm nhập vào cuộc sống của các trẻ nhỏ và thiếu niên, và các bậc cha mẹ có thể rất lo âu về những nguy hiểm mà con cái đương đầu. Đôi khi các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng não nề khi con cái thất bại trong việc chống trả những quyến rũ của nền văn hoá ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ, cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và những biểu lộ muôn mặt của vô nghĩa và thất vọng.

Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi cho con cái, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá. Người ta có thể phản đối là Kinh Mân Côi dường như khó mà phù hợp với sở thích của các trẻ nhỏ và người trẻ của ngày hôm nay. Nhưng có lẽ sự phản đối nhắm đến một cách thức nghèo nàn của việc đọc Kinh Mân Côi. Hơn thế nữa, nếu không có thành kiến với cơ cấu nền tảng của Kinh Mân Côi, thì không có điều gì ngăn cản các trẻ nhỏ và người trẻ cầu nguyện với Kinh Mân Côi – hoặc trong gia đình hoặc trong nhóm – với những trợ giúp có tính biểu tượng và thiết thực tương xứng để hiểu biết và quý trọng. Tại sao ta không thử? Với ơn Chúa giúp, một lối tiếp cận với người trẻ mà tích cực, sôi nổi và sáng tạo – như đã tỏ cho thấy qua các ngày Quốc tế Giới trẻ! – có khả năng đem lại nhiều kết quả đáng kể. Nếu Kinh Mân Côi được trình bày rõ ràng, tôi tin chắc rằng người trẻ sẽ lại một lần nữa làm cho người lớn ngạc nhiên vì cách họ làm cho lời kinh trở thành của riêng họ và đọc kinh với sự nhiệt tình đặc trưng của lứa tuổi họ.

(Trích Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 41-42, bản dịch tiếng Việt của Lm. John Phan Du Sinh, ofm).

Đức Maria,
Mẫu Gương Truyền Giáo

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng. Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.

Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta. Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế. Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những kỳ công lớn lao nơi Mẹ và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.

Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức Maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1,35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất. Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này.

Đức Maria trở nên người diễm phúc là nhờ sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần có thể làm cho con người tội nhân của Eva cũ, xuất hiện một Eva mới vô tì tích, trong trắng đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa. Maria, công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại.

Maria, là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.

Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1,39). Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: ‘Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị’.” (Is 52,7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui. Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.

Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng. Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để, công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình. Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thầy dạy. Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3,51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa những khó khăn, thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ. Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người. Con đường cầu nguyện của Đức Maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.

Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin. Đối với Đức Maria, truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại. Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không? trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui : “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở. Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của Người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48). Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được hiến thánh. Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.

Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã thấy nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1,51). Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.

Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thầy tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan (vietcatholic)

Kính Mừng Maria

Hoàng hậu Blanche xứ Castille nước Pháp đã phải đau buồn cùng cực, vì bà thành hôn mười hai năm rồi mà vẫn không có con. Khi đến thăm thánh Ða Minh, ngài khuyên hoàng hậu đọc Kinh Mân Côi hằng ngày để xin Thiên Chúa ban cho diễm phúc được làm mẹ. Hoàng hậu trung thành theo lời khuyên của thánh nhân. Năm 1213 hoàng hậu hạ sinh hoàng nam đầu lòng. Ðó là hoàng tử Philip. Nhưng con trẻ chết ngay khi còn trứng nước.

Trước nỗi bất hạnh này, hoàng hậu vẫn không ngã lòng, không chút nao núng niềm tin. Trái lại, bà tha thiết van xin Ðức Mẹ cứu giúp. Hoàng hậu cũng phân phát nhiều tràng hạt Mân Côi cho các triều thần cùng dân chúng trong cả nước, bà xin họ tiếp lời cầu nguyện cho bà.

Năm 1215, qua sự bầu cử của Ðức Mẹ, Chúa đã nhậm lời cầu xin của bà, một vị hoàng tử chào đời. Hoàng tử này đã trở thành vinh quang cho nước Pháp, và là gương mẫu cho tất cả các hoàng đế Công giáo. Vị hoàng đế này sau đã trở thành một vị thánh. Ðó là vua thánh Louis.

Kể sao cho hết những ơn lành Mẹ Maria đã ban xuống cho nhân loại qua kinh Kính Mừng. Bởi vì kinh Kính Mừng là kinh mà Chúa Giêsu và Ðức Mẹ rất ưa thích.

Qua mỗi kinh “Kính Mừng”, chúng ta nhắc lại niềm vinh hạnh lớn lao mà Thiên Chúa đã ân ban cho Mẹ khi Người gửi sứ thần Gabriel đến kính chào Mẹ là “Ðấng đầy Ơn Phúc”.

Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thường thi ân cho cả những kẻ nguyền rủa các Ngài, thì làm sao các Ngài có thể từ chối ban ơn lành cho những người con thảo hiếu hằng chúc tụng, tôn vinh và yêu mến các Ngài qua kinh Kính Mừng.

Thánh Bonaventura nói rằng: “Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng, thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc”. Thật vậy, ngay khi thánh nữ Elizabeth nghe lời Mẹ chào, thì lập tức bà được đầy tràn Chúa Thánh Thần, và Gioan, con trong lòng bà liền nhảy mừng. Nếu chúng ta hằng ngày đọc kinh Kính Mừng cách thành kính sốt sắng để chào kính và chúc tụng Ðức Mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ được ơn phúc chan hòa, và niềm an ủi thiêng liêng sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi hằng ngày, cho chúng con được gia nhập đạo binh con cái thảo hiếu của Mẹ, để chúng con không ngừng tôn vinh, chúc tụng và yêu mến Mẹ bây giờ và mãi mãi. Amen.

(Radio Chân Lý Á Châu)

Chia sẻ Bài này:
[7] [8] [9]