Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 09-2015

TRANG CHUYÊN ĐỀ

Những Công Dụng Hữu Hiệu

Thánh Louis Grignion de Montfort

Thánh Augustinô nhấn mạnh là không có một việc linh thao nào kết quả và ích lợi cho phần rỗi chúng ta hơn việc luôn luôn nghĩ về sự thương khó của Chúa Cứu Thế.

Thánh Albêtô Cả, mà thánh Tôma Aquina là môn đệ, trong một thị khải, được biết rằng chỉ cần nghĩ đến hay suy về sự thương khó của Chúa Giêsu Kitô, người Kitô hữu đủ chiếm được nhiều công nghiệp hơn là chay tịnh ăn bánh và uống nước cả năm trời, hay đánh tội đổ máu ra mỗi tuần một lần, hoặc đọc cả bộ Thánh Vịnh hằng ngày. Nếu là như vậy thì còn có công đến đâu khi đọc Kinh Mân Côi theo sự tưởng niệm cả cuộc đời cùng sự thương khó của Chúa Cứu Thế!

Một ngày kia, Đức Mẹ tỏ cho chân phước Alanô biết rằng, sau Thánh Lễ là việc tưởng niệm cao trọng và sống động nhất về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì không còn một việc tôn sùng nào khác tốt lành hơn và phúc đức hơn Kinh Mân Côi, một tưởng niệm và biểu hiệu khác cho cuộc đời và cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô.

Cha Dorland nói rằng, vào năm 1481, Đức Mẹ đã hiện ra với chân phước Đa Minh dòng Cathusan, ở Teves, nói với ngài: “Khi nào một tín hữu đang có Ơn Nghĩa Chúa đọc Kinh Mân Côi theo sự suy niệm các mầu nhiệm về đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, mọi tội lỗi của họ sẽ hoàn toàn và trọn vẹn được thứ tha.”

Đức Mẹ còn nói với chân phước Alanô:

“Mẹ muốn cho con biết rằng, mặc dầu có nhiều ân xá đi theo với việc lần hạt Mân Côi của Mẹ, Mẹ sẽ ban thêm cho ai sạch tội trọng qùi lần 50 kinh Kính Mừng. Còn ai kiên trung trong việc sùng kính Kinh Mân Côi, đọc và suy gẫm, sẽ được tưởng thưởng; Mẹ sẽ xin cho họ hoàn toàn được tha mọi đền trả và vết tích bởi tội lỗi của họ vào lúc họ lâm chung. Đừng ngờ vực gì nữa, cho dù nó xem như không thể nào xẩy ra. Nhưng đối với Mẹ lại dễ dàng vì Mẹ là Mẹ của Vua Trời, Đấng gọi Mẹ Đầy Ơn Phúc. Vì Mẹ đầy ơn phúc mà Mẹ có thể tự do phân chia ơn sủng cho các con cái dấu yêu của Mẹ.”

Thánh Đa Minh thâm tín vào công hiệu và giá trị cao cả của Kinh Mân Côi đến nỗi, khi giải tội, ngài khó lòng cho hối nhân một việc đền tội nào khác. Quí bạn đã có một câu truyện điển hình mà tôi đã kể cho quí bạn nghe về người đàn bà ở Rôma mà ngài bảo đọc một tràng Mân Côi đền tội. Thánh Đa Minh là vị thánh cả, nên các vị giải tội cũng phải theo gương ngài xin hối nhân làm việc đền tội bằng việc đọc Kinh Mân Côi theo sự suy gẫm về những mầu nhiệm thánh, hơn là bảo họ làm những việc đền tội khác, ít công đức hơn và ít đẹp lòng Thiên Chúa hơn, ít giúp họ tiến hơn trên đường nhân đức và không công hiệu bằng Kinh Mân Côi trong việc giúp họ khỏi sa ngã phạm tội. Hơn nữa, trong khi đọc Kinh Mân Côi, người ta sẽ kiếm được vô vàn ân xá không có nơi các việc tôn sùng khác.

Đức viện phụ Blosius nói rằng: “Kinh Mân Côi, khi được suy niệm về cuộc đời và cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô, chắc chắn làm hài lòng Chúa và Mẹ Thánh của Người nhất và cũng là cách chiếm được tất cả mọi ơn hữu hiệu nhất; chúng ta có thể đọc Kinh Mân Côi cho chính chúng ta cũng như cho những người mà chúng ta muốn cầu nguyện cho và cho cả Hội Thánh. Vậy chúng ta hãy qui mọi nhu cầu của chúng ta về Kinh Mân Côi, và chúng ta chắc chắn sẽ xin được các ơn chúng ta cầu cùng Thiên Chúa để cứu vớt linh hồn của chúng ta.”

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 28,
bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

VINH QUANG THẬP GIÁ

Mừng lễ suy tôn Thánh Giá, chúng ta cùng lên đồi Canvê và chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Kitô.

Thánh Giá này đủ lớn để bao trọn toàn bộ cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Giá Đức Kitô thật sự là tâm điểm của đời sống Kitô hữu. Vì thế, hôm nay chúng ta tập trung vào Chúa Kitô và Thánh Giá của Người.

Thánh Phaolô cũng đã từng coi Thánh Giá như là phần quan trọng nhất trong đời sống đức tin của ngài: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thánh Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ Thánh Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thánh Giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Ở đây, thánh Phaolô muốn nói đến tính kiêu hãnh của cây Thánh Giá. Nơi Thánh Giá, chúng ta tìm được cội nguồn của niềm vui và sự hoàn hảo; và ở nơi đó, chúng ta tìm được giá trị vĩnh cửu. Khi thánh Phaolô viết những lời này, là ngài vừa tự hào về cây Thánh Giá, lại vừa loại bỏ tất cả những tư tưởng cũng như khả năng nơi bản thân mình.

Khi tôn vinh Thánh Giá, thánh Phaolô coi tất cả những gì mình có đều là thấp kém. Ngài cho rằng vinh quang của Thánh Giá thì cao quý hơn tất cả. Sở dĩ thánh nhân có thể nói được vậy là vì ngài hiểu rằng Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá là để cứu nhân loại khỏi chết đời đời và ban cho họ một đời sống vĩnh cửu.

Chiêm ngưỡng sự tốt lành vĩ đại

Chúng ta vẫn thường đánh giá cao những gì tốt đẹp, và cũng lượng định xem để biết được nó tốt đến mức nào. Càng xác định được mức độ ảnh hưởng thì chúng ta càng nói nhiều về nó, và “tôn vinh” nó.

Thánh Phaolô đã có thể tự hào vì tất cả những gì ngài có được như ân huệ, tài năng lẫn nhân cách của mình. Thánh nhân cũng có thể tự hào vì được Chúa biến đổi cách kì diệu để trở thành người tông đồ nhiệt thành của Chúa. Ngài cũng có thể tự hào về trình độ học vấn lẫn sự cống hiến của mình, như những người Pha-ri-sêu. Hoặc ngài có thể tự hào vì đã thành lập được nhiều giáo đoàn trong suốt hành trình truyền giáo của mình, và cũng đáng tự hào vì mình đã huấn luyện được nhiều môn đệ, như là Timôthê, Xila, Lydia, và Luca. Thay vào đó, thánh nhân lại chọn Thánh Giá làm phần hãnh diện của mình, bởi vì Ngài thấy rằng Thánh Giá còn cao trọng hơn tất cả những gì mình đã làm được.

Thánh Giá ngự trị nơi tâm điểm của niềm tin và nó là niềm tự hào lớn lao nhất của chúng ta, vì chúng ta biết rằng mình là những tội nhân và không thể tự cứu nổi mình.

Chúng ta biết rằng tội lỗi tách biệt chúng ta với Thiên Chúa. Và chúng ta cũng xác tín rằng Thiên Chúa sai Con Một của Người vào trần gian là để thực hiện những gì chúng ta không thể làm được. Không có Thánh Giá thì không có Phục Sinh. Không có Thánh Giá thì sẽ không có Ơn Cứu Độ. Và, không có Thánh Giá, sẽ không có hi vọng vào sự sống đời đời.

 

Điều nghịch lý của Thánh Giá

Thánh Giá của Đức Kitô là một nghịch lý cho mọi thời. Cái chết của Người đem lại sự sống cho chúng ta. Vòng gai của Người trở thành vòng triều thiên của chúng ta. Trái tim bị đâm thâu của Người đem lại cho chúng ta một trái tim mới. Sự nhục nhã của Người đem lại cho chúng ta một giá trị phi thường.

Với những ai không có niềm tin thì sự xuất hiện của Thánh Giá không gì khác hơn là một hành động của kẻ ngu xuẩn trong cơn khốn khổ. Nhưng với những người có niềm tin thì Thánh Giá lại là niềm vinh dự lớn lao nhất bởi vì nó là khí cụ của ơn cứu độ, là “sức mạnh Thiên Chúa” trong đời sống của chúng ta (x. 1Cr 1, 18).

Khi suy niệm về Thánh Giá, chúng ta rút ra được hai chân lý.

Thứ nhất, chúng ta thấy được rằng Thiên Chúa không muốn chia cắt tình yêu của Người với nhân loại, nhưng bất công không thể sống chung với công bằng. Tội lỗi của chúng ta đã làm phiền lòng Chúa, và tách biệt chúng ta với Người. Chỉ có cái chết của Đức Giêsu mới đem lại cho chúng ta ơn hòa giải trọn vẹn.

Từ đó, dẫn ta đến chân lý thứ hai, là tội lỗi đã làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Vết nhơ của tội nguyên tổ không thể được chữa trị chỉ bằng một phương thuốc nhỏ. Vì thế, cần phải có cái chết của Con Một Thiên Chúa.

Hai chân lý này cho chúng ta biết rằng Thánh Giá là trung tâm của kế hoạch Thiên Chúa đối với con người. Nó không phải là chuyện may rủi xảy ra cho một người tốt lành nào đó. Chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng Người phải chịu đau khổ, chịu chết, rồi mới Phục Sinh (x. Mt 16, 21).

Chúa Giêsu biết rằng Người phải mang lấy sự đau khổ, nỗi nhục nhã và cái chết này bởi vì không còn cách nào khác để có thể lau sạch tội lỗi và đánh bại sự dữ. Vì tình yêu của Người đối với Chúa Cha và vì tình yêu đối với chúng ta mà Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận cái chết trên cây Thánh Giá.

Nếu muốn tới gần Chúa Giêsu hơn, chúng ta cần phải hiểu được tầm quan trọng của điểm này: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thánh Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,24).  Đức Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi tội bất tuân, kiêu căng và tự cao tự đại nơi mỗi người chúng ta. Cái chết của Người trên Thánh Giá đem lại cho chúng ta niềm vinh dự lướt thắng mọi tội lỗi.

Đừng vấp ngã!

Khi chọn lối hành động trái ý Đức Giêsu thì Thánh Giá trở thành chướng ngại làm chúng ta vấp ngã.

Thánh Phêrô khi nghe Chúa nói về cái chết của Người trên Thánh Giá, liền kéo riêng Người ra một bên và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Nhưng Đức Giêsu quay lại và quở trách ông Phêrô: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người ” (Mt 16,22-23).

Ở đây, thánh Phêrô vấp ngã phải chăng là vì ngài quá yêu thương Đức Giêsu? Hay là thánh nhân thấy mọi sự đang diễn tiến thật tốt đẹp nên không muốn kết thúc sớm? Điều đó chúng ta không chắc chắn được, nhưng chúng ta biết điều này: chúng ta phải mang Thánh Giá. Chúng ta phải chấp nhận Đức Giêsu cách toàn tâm toàn ý và đừng cố nói cho Người biết những điều mình sẽ thực hiện hay những điều mình không làm.

Khi nhìn vào Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô, là thực sự chúng ta đang nhìn vào hai thực tại: tiêu cực và tích cực.

Tiêu cực là thế này: Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi chúng ta.

Còn mặt tích cực: mặc dù Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được ân sủng và lòng thương xót của Chúa khi chúng ta được minh chứng nơi sức mạnh của Thánh Giá. Chúng ta sẽ không cảm nghiệm được cách sâu xa tự do này từ tội lỗi, nếu chúng ta để cho tội nắm giữ cuộc đời của chúng ta.

Ở đây, chúng ta cần cẩn trọng. Vấn đề không phải là chúng ta sẽ phạm tội hay không. Dĩ nhiên chúng ta sẽ phạm tội. Bởi vì chúng ta là những người yếu đuối, lại sống giữa một thế giới tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Người sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành những yếu đuối của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là thế này: Thánh Giá sẽ trở thành chướng ngại vấp ngã khi chúng ta suy nghĩ và hành động theo chiều hướng của tội. Chúng ta biết hành động đang và sẽ thực hiện là điều sai trái, nhưng lại không quyết liệt chống trả. Một đàng, chúng ta thấy dằn vặt ăn năn khi biết mình đã phạm tội. Nhưng đàng khác, chúng ta lại để cho tội lỗi ung dung tự tại và nắm quyền điều khiển chúng ta, thậm chí ngay cả khi biết mình đã xúc phạm đến Chúa.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy những giả dối và gian manh. Một thế giới mà trong đó người ta chấp thuận việc nạo phá thai, hôn nhân đồng tính, và hôn nhân ngoài giá thú. Một số người cho rằng chẳng có gì là sai trái với việc tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, miễn là họ không gây tổn thương hay làm ảnh hưởng đến người khác. Hình mẫu nhân cách này đã đi ngược lại với thông điệp của Thánh Giá, là hạ mình xuống để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Khi hành động theo thói hư tật xấu, để cho xác thịt hành động trong chúng ta, thì trên con đường Thánh Giá, chúng ta sẽ vấp ngã.

Chúa Giêsu dạy thánh Phêrô và mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mạng sống thì nào có lợi gì. Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình” (Mt 16,25-26). Quyền lợi, danh vọng để làm gì khi nó đi ngược lại đường lối của Đức Giêsu, nó chia cắt chúng ta với Người, làm chúng ta xa lìa tha nhân, và kéo tinh thần của chúng ta đi xuống?

Niềm vinh dự của chúng ta

Chúa Giêsu vào trần gian, chết trên Thánh Giá vì chúng ta. Vinh dự của Người cũng là vinh dự của chúng ta. Sự Phục Sinh của Người cũng là sự Phục Sinh của chúng ta. Chiến thắng của Người đối với tội cũng là chiến thắng của chúng ta. Vậy làm sao để chúng ta ca ngợi những kì công Chúa đã làm cho chúng ta?

* Bằng việc chiêm ngắm Thánh Giá mỗi ngày.

* Bằng việc đến với Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện.

* Chúng ta hãy thưa với Chúa rằng chúng ta là những con người tội lỗi, và hãy tạ ơn Chúa vì Người đã dùng Thánh Giá mà cứu chúng ta.

* Suy gẫm về Thánh Giá Đức Giêsu Kitô để chúng ta thoát khỏi sự kìm hãm của tình trạng tội lỗi kéo dài. Bởi vì Thánh Giá của Đức Giêsu có một sức mạnh kì diệu đối với những ai chạy đến cầu khẩn Người. Vì vậy, chúng ta hãy tôn vinh Thánh Giá của Người để được sống trong vinh quang Người đã mang lại.

Pet. Nguyễn Văn Trung, OP.

(Lược dịch từ tạp chí The Word Among Us,
Lent 2009
, tiêu đề “The Glory of The Cross”, trang 5).

Ý nghĩa của “Đức Mẹ Sầu Bi”

Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ… Đức Mẹ là Mẹ Đức Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Đức Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương: Lời tiên báo của ông Simêon (x. Lc 2,34-35); Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21); Lạc mất Chúa ba ngày (x. Lc 41,50); Vác thập tự giá lên đỉnh Calvê (x. Ga 19,17); Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá (x. Ga 19,18-30); Tháo xác Chúa (x. Ga 19,39-40); Táng xác Chúa (x. Ga 19,40-42).

Giáo Hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá để như muốn nói rằng: “Khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Chúa đứng kề bên mà thông phần đau khổ” (Lời nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi). Cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với những nỗi khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Đức Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của thánh Gioan, “đã đứng kề bên thập tự giá Đức Chúa Giêsu” (Ga 19,25) trên đồi Calvê. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình.

Như Đức Giêsu, Con của Mẹ, Đức Mẹ Maria cũng tự đồng hoá chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập tự giá. Bởi thế, Đức Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì chúng ta.

Lược trích từ Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment