- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 08-2015

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 08/2015

MẸ MARIA

TRONG CỘNG ĐOÀN HUYNH ĐỆ

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN

* Ý chung: Cầu cho những người đang hoạt động trong lãnh vực thiện nguyện biết luôn quảng đại phục vụ người nghèo.

* Ý truyền giáo: Cầu cho chúng ta biết ra khỏi chính mình để quan tâm đến tha nhân với biết bao người bị gạt ra bên lề cuộc sống và xã hội.

GIÁO HUẤN

Yêu thương người lân cận, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là một nhiệm vụ của mỗi cá nhân người tín hữu, nhưng nó cũng còn là nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn Hội Thánh ở mọi cấp độ: từ cộng đoàn địa phương đến Hội Thánh địa phương và Hội Thánh hoàn vũ trong toàn thể của nó. Hội Thánh, trong tư cách một cộng đoàn, phải thực hành tình yêu. Vì thế, tình yêu cũng cần được tổ chức nếu nó muốn trở thành một công việc phục vụ có thứ tự đối với cộng đoàn. Ý thức về nhiệm vụ này đã có một tính chất thiết yếu trong Hội Thánh ngay từ buổi đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”.

(ĐGH Beneđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, 20)


LỜI NGỎ

 

Không ai là một hòn đảo. Con người chúng ta sống là cần có nhau. Con người sống là sống nhờ người khác, với người khác và cho người khác.

Trong một xã hội đề cao cái tôi cá nhân, con người chỉ biết và chỉ nghĩ đến mình. Con người dường như càng ngày càng trở nên vô cảm đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Nơi chính Thiên Chúa còn có sự liên đới, Ba Ngôi luôn hướng về nhau; nơi con người lại càng cần có sự liên đới hơn: liên đới với Thiên Chúa và liên đới với tha nhân.

Mẹ Maria là người đã sống hết tình với Thiên Chúa và hết lòng vì nhân loại. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Mẹ đã sống tình liên đới mật thiết với Thiên Chúa và với chúng ta. Mẹ như chiếc máng thông ơn Thiên Chúa cho chúng ta.

Trong tháng 8 này, có hai lễ về Mẹ (Mẹ Lên Trời và Mẹ Trinh Vương) nhắc chúng ta biết rằng Mẹ đang hiện diện trong vinh quang Thiên Chúa. Mẹ được cất nhắc làm Nữ Vương trời đất, không phải là để nghiêm khắc với chúng ta, nhưng là để gần gũi và lo lắng cho chúng ta hơn. Xin Mẹ hiện diện trong cộng đoàn chúng ta để nuôi dưỡng tình huynh đệ.

Đặc trách

Linh mục  FX. Trần Kim Ngọc, OP.


GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục…
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

01.08.2015 (17.06 âm lịch)                                     Thứ Bảy

 

Th. Alphongsô M. Liguori, gmtsht                       Mt 14,1-12

“Vua sai người vào ngục
chặt đầu ông Gioan” (Mt 14,10).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được chân dung của hai con người hoàn toàn trái ngược nhau: Một bên là vua Hêrôđê nhu nhược và chối bỏ sự thật, một bên là vị tiền hô của Đấng Cứu Độ đầy can đảm và dám đấu tranh cho công lý, dẫu phải hy sinh cả tính mạng của mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, sống trong một xã hội đầy giả trá và tội ác, xin thêm sức mạnh và lòng can đảm cho chúng con, để chúng con cũng dám sống và làm chứng cho chân lý Tin Mừng của Chúa như thánh Gioan Tẩy Giả xưa kia.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo, xin Mẹ đồng hành cùng những Kitô hữu đang phải sống trong cảnh bị áp bức và bị bách hại, để họ được can đảm làm chứng cho Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02.08.2015                                             Chúa Nhật  18 TN – Năm B

Thánh vịnh tuần 2                                              Ga 6,24-35

 “Ai đến với tôi không hề phải đói” (Ga 6,35).

Như Mẹ: Tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm và đã sống, là một minh chứng cụ thể cho chúng ta về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì yêu, Chúa đã trao ban chính mình cho con người. Chỉ khi chạy đến với Người, chúng ta mới tìm được sự no thỏa cho tâm hồn.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con đang sống trong thời đại dư đầy của cải vật chất, nhưng nhiều người lại phải sống trong cảnh thiếu thốn và đói khát. Xin cho người tín hữu chúng con biết chia sẻ tình yêu thương của Chúa cho những người thiếu thốn và khổ đau.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Hiển tu, xin Mẹ dẫn dắt những ai đang lạc bước bơ vơ trong cái đói khát tình thương, biết tìm đến tựa nương vào Chúa để được Chúa nuôi dưỡng, an ủi và bổ sức cho.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
03.08.2015                                                            Thứ Hai

Tuần 18 TN                                                        Mt 14,13-21

“Người cầm lấy năm chiếc bánh” (Mt 14,19).

Như Mẹ: Phép lạ hóa bánh ra nhiều là sự báo trước cho chúng ta về bàn tiệc Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống người Kitô hữu. Thân xác con người cần ăn uống để sống thế nào, thì tâm hồn con người cũng cần được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể Chúa như thế. Là Kitô hữu, chúng ta cần đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để được bồi dưỡng, nhờ thế, được thêm ơn và thêm sức cho.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa đã nói với các tông đồ: “chính anh em hãy cho họ ăn”. Xin cho người tín hữu chúng con biết quảng đại chia sẻ bác ái một phần nào đó cho những mảnh đời bất hạnh xung quang chúng con, để họ cũng được sống tử tế đúng với phẩm giá con người.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, xin cho chúng con biết lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Chúa bằng đời sống của mình.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04.08.2015                                                            Thứ Ba

Th. Gioan M. Vianney, lm                                  Mt 14,22-36

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây,
đừng sợ” (Mt 14,27).

Như Mẹ: Giữa sóng gió, con thuyền của các môn đệ gần như chìm, nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã đến và trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Sự hiện diện của Người đã làm cho các môn đệ được an tâm. Chúng ta cũng cần được Chúa hiện diện bên cạnh, vì đó là một bảo đảm vững chắc cho chúng ta trước sóng gió cuộc đời.

Với Mẹ: Lạy Chúa, nhiều đau khổ và cám dỗ khiến chúng con lo âu sợ hãi đến chao đảo giữa dòng đời. Xin Chúa hiện diện với chúng con, nhất là khi chúng con gặp thử thách nặng nề.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban sức mạnh của Thánh Thần cho chúng con mỗi khi chúng con lo âu sợ hãi, để một lòng cậy dựa vào tình yêu của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05.08.2015                                                            Thứ Tư

Tuần 18 TN                                                        Mt 15,21-28

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.
Bà muốn thế nào thì sẽ được như vậy”
(Mt 15,28).

Như Mẹ: Đức tin của người đàn bà ngoại đạo Canaan hôm nay thật đáng để chúng ta suy nghĩ, đến nỗi Chúa cũng phải khen là “lòng tin của bà mạnh thật”. Chúng ta đã sống đức tin thế nào? Trước thử thách, chúng ta có can đảm tuyên xưng như lúc an vui hạnh phúc không?

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng con, chứ không phải do tài năng hay tự sức của chúng con mà có. Đó là một quà tặng vô giá, nhưng chúng con lại chưa tôn trọng và yêu quý món quà đó. Xin cho chúng con vững tin vào Chúa ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông, Mẹ luôn một lòng tin tưởng vào Chúa, xin cho những người tín hữu đang kém đức tin, biết theo gương Mẹ mà củng cố đức tin trong đời sống mình và trong chính gia đình mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06.08.2015                                                           Thứ Năm

CHÚA HIỂN DUNG, lễ kính                         Mc 9,2-10

“Có một đám mây bao phủ các ông” (Mc 9,7).

Như Mẹ: Đám mây sáng chói, áo trắng tinh tuyền là dấu chỉ cho chúng ta được chiêm ngưỡng trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta thay đổi con người của mình từng ngày cho xứng đáng với ơn cứu độ mà chúng ta đã được lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc sống có lúc vui, có lúc buồn; có lúc an bình, có lúc trắc trở. Dù trong hoàn cảnh nào, xin cho chúng con luôn biết hướng lên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, với một lòng tin bền vững trong sự  kiên nhẫn đối mới chính mình mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương linh hồn và xác lên trời, Mẹ đang ở trong ánh vinh quang rạng ngời của Chúa trên trời, xin nhìn đến đoàn con đang lầm than khốn khổ nơi chốn trần gian này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07.08.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Xystô II, gh                                                    Mt 16,24-28

“Ai mất mạng sống mình vì Thầy,
thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25).

Như Mẹ: Theo Thầy Giêsu là chấp nhận trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy. Thầy Giêsu đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình vì nhân loại chúng ta. Đến lượt chúng ta, nếu chúng ta dám mất mạng vì Thầy, thì sẽ được mạng sống ấy trong đời sống vĩnh cửu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, sự sống là quà tặng vô giá Chúa trao ban. Xin cho chúng con dám đặt trọn cuộc đời mình vào tình yêu quan phòng của Chúa. Và xin cho chúng con ý thức rằng sống chết là việc của Chúa, để không sợ hãi trước mọi hoàn cảnh vì đạo thánh Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, trái tim của Mẹ tan nát khi nhìn thấy Chúa Giêsu, Con của Mẹ chết đau thương vì nhân loại tội lỗi, ước gì chúng con được ơn can đảm theo Chúa như Mẹ xưa kia.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08.08.2015                                                           Thứ Bảy

Th. Đa Minh, lm                                                 Mt 17,14-20

Có người quỳ nói với Chúa Giêsu:
“Xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm” (Mt 17,15).

Như Mẹ: Có thứ bệnh kinh phong về thể lý, cũng có thứ bệnh kinh phong về tâm hồn. Ai không cần đến lòng thương xót của Chúa, đó là người bị bệnh kinh phong về tâm hồn. Theo bản tính tự nhiên, ai cũng có bệnh tâm hồn cả, nghĩa là ai cũng có tội. Chúng ta cần được Chúa xót thương tha thứ, thì mới được chữa cho khỏi.

Với Mẹ: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, nhân loại ngày hôm nay đang rơi vào tình trạng sống không cần có Chúa, xin làm cho họ biết nhận ra bệnh tình của mình, mà chạy đến với lòng thương bao la của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương ban sự bằng yên, khi xa Chúa thì chúng con sẽ bất an, xin Mẹ đưa chúng con vào ẩn náu trong trái tim giàu lòng thương của Chúa, để được an vui.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

09.08.2015                                             Chúa Nhật  19 TN – Năm B

Thánh vịnh tuần 3                                              Ga 6,41-51

“Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,48).

Như Mẹ: Đối với người Kitô hữu, chúng ta có hai sự sống là sự sống đời này và sự sống đời sau. Cả hai sự sống này đều từ Thiên Chúa, nhưng quan trọng nhất là sự sống đời sau. Để được sự sống đời sau, Chúa Giêsu cho chúng ta biết là phải ăn bánh bởi trời, bánh mà chính Người đã ban tặng cho chúng ta. Nhờ ăn bánh này, chúng ta mới có sự sống đời đời.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người thực dụng ngày nay thường chú trọng đến đời sống vật chất, không quan tâm đến những giá trị siêu nhiên. Xin cho chúng con, khi còn sống ở trần gian, luôn tìm kiếm lương thực thần linh là khao khát đón nhận Thánh Thể Chúa thường xuyên.

Nhờ Mẹ: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Maria, Mẹ luôn kết hợp với Chúa Giêsu, xin mang lấy tâm tình của Mẹ cho chúng con để yêu Chúa Giêsu Thánh Thể với tâm hồn chân thật và đơn sơ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10.08.2015                                                            Thứ Hai

Th. LAURENSÔ, pttđ – lễ kính                           Ga 12,24-26

“Ai phục vụ Thầy,
Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đến thế gian, không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Nhờ sự hạ mình của Chúa Giêsu mà chúng ta được ơn cứu độ. Phục vụ là cho đi, phục vụ là quyên mình. Chúa Giêsu đã cho đi tất cả, đã quên địa vị cao cả của mình, để mặc lấy thân phận hèn mọn vì phần rỗi chúng ta. Đến lượt, nếu chúng ta phục vụ Chúa tận tình, chắc chắn Chúa Cha sẽ quý trọng, sẽ ban thưởng cho chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự nguyện hạ mình xuống để phục vụ cho phần rỗi của chúng con, xin cho chúng con biết sẵn sàng phục vụ Chúa theo chức vụ và bổn phận của mình với lòng yêu mến và khiêm nhường.

Nhờ Mẹ: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cho chúng con được trở nên người phục vụ khiêm tốn như Mẹ xưa kia.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11.08.2015                                                            Thứ Ba

Th. Clara, tn                                                 Mt 18,1-5.10.12-14

Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18,1).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã trả lời rất rõ và xác quyết: ‘ai tự hạ, coi mình như em nhỏ, là người lớn nhất trong Nước Trời’. Lời Chúa hôm nay dạy bảo chúng ta: ‘nếu không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời’. Nhưng thế nào là trở nên như trẻ nhỏ? – Trẻ nhỏ thì đơn sơ ngay thật. Trẻ nhỏ không sống giả dối. Trẻ nhỏ tin tưởng và phó thác trong sự che chở của cha mẹ chúng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trong Giáo Hội có biết bao gương lành của các thánh, xin cho chúng con luôn bắt chước gương sống của các ngài, để sống khiêm nhu, hiền hoà, đơn sơ và chân thật.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ Chúa Kitô, Mẹ luôn là ‘nữ tỳ’ khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa và luôn sống tín thác vào Người, xin Mẹ dẫn dắt chúng con như những trẻ thơ trên bước đường theo Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12.08.2015                                                            Thứ Tư

Th. Joanna Phanxica Chantal, nt                             Mt 18,15-20

“Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Như Mẹ: Hiệp thông là một giáo huấn rất quan trọng. Lời cầu nguyện trong tình hiệp thông giữa cộng đoàn giáo xứ, dòng tu hay gia đình mang lại cho chúng ta sức mạnh. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiệp thông và hiệp nhất với nhau, nên khi chúng ta hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện, thì Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện ở giữa chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người ngày nay dường như quên mất giá trị của lời cầu nguyện. Họ chỉ đến với Chúa khi gặp gian khổ, để xin xỏ mà thôi. Xin dạy chúng con cầu nguyện với tâm tình tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, xin Mẹ thương cầu bầu cùng Chúa ban ơn hoán cải cho tâm hồn những ai đang khô khan và nguội lạnh.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13.08.2015                                                           Thứ Năm

Th. Pontianô, ghtđ                                             Mt 18,21 – 19,1

“Thầy không bảo là đến bảy lần,
nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Như Mẹ: Tha thứ là một điều không dễ đối với chúng ta. Dù khó, chúng ta cũng phải cố gắng, bởi vì có tha thứ cho người ta, Chúa mới tha thứ cho chúng ta. Chúa dạy là phải tha thứ nhiều và tha thứ luôn. Để vượt qua khó khăn này, chúng ta cần hiểu rằng mình yếu đuối lầm lỗi, anh chị em mình cũng lầm lỗi, biết được như thế để cảm thông, chấp nhận và bao dung cho nhau.

Với Mẹ: Chúa biết rõ thân phận yếu đuối kém cỏi của chúng con. Chúa biết là chúng con khó khăn như thế nào trong việc tha thứ lỗi lầm cho người khác. Xin ban cho chúng con ơn biết sống bao dung và đón nhận anh chị em của mình.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, xin Mẹ cầu cùng Chúa tha thứ mọi lầm lỗi chúng con trót phạm với Chúa và với tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14.08.2015 (01.07 âm lịch)                                     Thứ Sáu

Th. Maximilianô M. Kolbê, lmtđ                         Mt 19,3-12

“Vì các ông lòng chai dạ đá” (Mt 19,8).

Như Mẹ: Chúa Giêsu hiền hậu và chạnh lòng thương trước đau khổ của con người, nhưng  rất cương quyết với những kẻ tự cao tự đại coi khinh người khác. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh thái độ của giới đạo đức giả, mà hãy sống lề luật yêu thương của Chúa với một tinh thần bao dung và khiêm tốn.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, chúng con không dám tự cho mình là đã giữ luật Chúa trọn vẹn, nhưng có lúc, chúng con lại rơi vào thái độ của người Pharisêu xưa kia, khi sống thiếu bác ái và vô tâm với người khác. Xin cho chúng con có một con tim hiền lành và khiêm nhường giống Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cực thanh cực tịnh, xin cho chúng con luôn sống tâm hồn trẻ thơ trong mọi biến cố cuộc đời, để chỉ biết cậy dựa vào Chúa chứ không nhờ vào sức mạnh của mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15.08.2015                                                           Thứ Bảy

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI                                              Lc 1,39-56

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả” (Lc 1,49).

Như Mẹ: Đoạn Tin Mừng này dường như đã gắn chặt với Đức Maria, và trải qua thời gian, giá trị của nó vẫn không thay đổi. Con người luôn phải nhìn vào người nữ tỳ khiêm hạ này để đến với Chúa. Thế giới hỗn loạn và tàn bạo này cần học với Mẹ, chạy đến cùng Mẹ để biết cách cầu xin và đón nhận thánh ý Thiên Chúa.

Với Mẹ: Chúa đã thưởng công Nước Trời cho Mẹ Maria cả hồn và xác, xin Chúa cho chúng con luôn sống với tâm hồn hướng thượng, không bám vào lợi lộc trần gian và những gì phù vân, để biết sống nhờ Chúa và cho Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cực tinh cực sạch, xin đoái nhìn xuống chúng con phận hèn tội lỗi, mà xin Chúa xót thương, để khi mãn đời này, chúng con cũng được hưởng phúc Nước Trời với Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

16.08.2015                                             Chúa Nhật 20 TN – Năm B

Thánh vịnh tuần 4                                              Ga 6,51-58

“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

Như Mẹ: Một thực tế của cuộc sống hiện đại cho chúng ta thấy dễ dàng: người thì ăn không hết, người lại không có gì để ăn. Đúng là nghịch lý! Tại sao lại có sự chênh lệch này? Đơn giản là con người ta không biết chia sẻ cho nhau, vì thiếu lòng bác ái. Chúa Giêsu hôm nay hứa ban chính mình để làm bánh nuôi sống thế gian. Chúa dạy chúng ta bài học về lòng bác ái sẻ chia đối với những người xung quanh mình.

Với Mẹ: Nhân loại đói khát cơm ăn áo mặc, nhưng cũng rất đói khát Chúa. Xin cho người tín hữu chúng con khao khát đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, và có một tấm lòng biết chia sẻ yêu thương của Chúa cho người khác.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng, xin cho chúng con biết quan tâm đến viếng thăm những người nghèo khổ, cô đơn và bệnh tật…

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17.08.2015                                                            Thứ Hai

Tuần 20 TN                                                        Mt 19,16-22

“Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh…
Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21).

Như Mẹ: Việc từ bỏ ý riêng và từ bỏ của cải vật chất không dễ chút nào đối với con người đang sống trong một xã hội đề cao tự do và hưởng thụ. Ngày xưa Chúa ngỏ lời mời anh thanh niên, ngày nay Ngài vẫn mời gọi chúng ta như thế.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con ước muốn được trở nên tốt lành và thánh thiện, nhưng chúng con lại sợ phải thay đổi, thậm chí không muốn từ bỏ con người cũ của mình. Chúng con sợ rằng khi dâng cho Chúa tất cả, chúng con sẽ trắng tay. Xin thêm lòng tin và lòng mến để chúng con dám can đảm bỏ đi những hẹp hòi.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ, xin giúp chúng con quyết tâm từ bỏ những quyến luyến thế gian, để gắn bó với Chúa hơn.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18.08.2015                                                            Thứ Ba

Tuần 20 TN                                                        Mt 19,23-30

“Thầy bảo thật anh em,
người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19,23).

Như Mẹ: ‘Giàu có’ là tội hay sao? Thưa: ‘giàu có’ không phải là tội, trái lại là một hồng ân Chúa ban. Vì là ân phúc của Chúa, nên chúng ta phải biết dùng hồng ân ấy để làm vinh danh Chúa và giúp ích cho tha nhân.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tất cả những gì chúng con có đều là do Chúa ban. Nhưng nhiều lúc, chúng con lại không biết sử dụng. Xin cho chúng con biết sử dụng những gì Chúa đã ban cho chúng con, để mưu ích cho chính mình và tha nhân.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ rất đáng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con luôn tìm cách tận dụng những cơ hội Chúa đã ban để biết phụng sự Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Xin Mẹ cũng dẫn dắt những ai đang bị danh lợi nhận chìm, để họ biết quay về với Chúa là nguồn hạnh phúc thật.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19.08.2015                                                            Thứ Tư

Th. Gioan Êuđê, lm                                               Mt 20,1-16a

“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng
mà bạn đâm ra ghen tị” (Mt 20,15).

Như Mẹ: Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” là một thông điệp quan trọng cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Người được trao trách nhiệm lãnh đạo: xin đừng quên những người kém cỏi để nâng đỡ họ; người sung sướng và hạnh phúc: xin nhớ đến những người bất hạnh.

Với Mẹ: Lạy Chúa, lòng đố kỵ và ích kỷ nhiều lúc khiến chúng con trở nên vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại. Xin ban Thánh Thần làm cho lòng trí chúng con biết yêu thương và đối xử công bằng với tất cả mọi người.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm, xin Mẹ thương nhìn đến nhân loại đang đau khổ vì chiến tranh và thù hận. Xin thương nâng đỡ những ai đang sống trong cảnh cô đơn, nghèo khổ, đau yếu hay bị bách hại…

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20.08.2015                                                           Thứ Năm

Th. Bernađô, vn, tsht                                  Mt 22,1-14

“Nước Trời giống như chuyện một vua kia
mở tiệc cưới cho con trai mình” (Mt 22,2).

Như Mẹ: Chúa Giêsu dùng hình ảnh một bữa tiệc cưới, trong đó gồm những người sẵn sàng lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Ngài, những người mặc y phục phù hợp. Nước Trời là nơi của niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải là nơi của sự phán xét và luận phạt. Những người đáp lại lời mời gọi của ông chủ, chuẩn bị áo phù hợp thì chắc chắn được dự tiệc chung vui.

Với Mẹ: Lạy Chúa, dù sống giữa xã hội đầy bất công và tội lỗi, xin cho chúng con luôn biết sống trong hy vọng và tin tưởng hướng lòng về hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, xin Mẹ nối kết tất cả đoàn con cái của Mẹ lại, để biết chung tay xây dựng Nước Trời ngay ở thế gian này bằng những việc bác ái huynh đệ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21.08.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Piô X, gh                                                      Mt 22,34-40

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…, và phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37.39).

Như Mẹ: Mến Chúa và yêu người là hai giới răn quan trọng nhất, hầu hết mọi người Kitô hữu đều biết. Để sống được hai giới răn này quả là một thử thách rất lớn cho tất cả chúng ta. Yêu Chúa thì dễ hơn yêu người, nhưng nhiều lúc chúng ta lại mải mê với trần thế mà quên đi cả Thiên Chúa, cùng đích của cuộc sống mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa là đầu của mọi sự. Xin giúp chúng con từng ngày biết sám hối và canh tân con người và lối sống, để chúng con trở nên những nhân chứng đích thực của Chúa. Nhờ thế, mọi người nhận biết rằng Đạo của Chúa là Đạo của yêu thương.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa, Mẹ luôn mến Chúa và yêu người hết lòng. Xin Mẹ khắc ghi vào tâm hồn chúng con sự quyết tâm sống giới luật yêu thương của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22.08.2015                                                           Thứ Bảy

Đức Maria Nữ Vương                                         Lc 1,26-38

Đối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37
).

Như Mẹ: Chúng ta không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thực hiện muôn điều kỳ diệu. Hôm nay, Thiên Chúa làm một việc trọng đại cho Mẹ Maria. Mẹ là một trinh nữ, không biết đến việc vợ chồng, nhưng lại thụ thai bởi quyền năng của Thánh Thần.

Với Mẹ: Lạy Chúa, đối với Chúa mọi sự đều có thể. Chúng con tạ ơn Chúa về việc Chúa đã làm cho Mẹ Maria, và qua Mẹ cho chúng con nữa. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, ngay cả khi phải đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, Mẹ đã vững tin vào Chúa và đã dám thưa lời “xin vâng” dù chưa hiểu rõ hết những gì theo sau. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng vâng ý Chúa.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

23.08.2015                                             Chúa Nhật 21 TN – Năm B

Thánh vịnh tuần 1                                          Ga 6,54a.60-69

“Cả anh em nữa,
anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67).

Như Mẹ: Theo Chúa là con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Đừng dại dột thay lòng đổi dạ mà quay lưng lại với Chúa! Chúng ta không bỏ Chúa, nhưng nhiều lúc chúng ta lại cứ lo chạy theo những gì hư vô trống rỗng, thờ ơ với Chúa, để chuốc lấy cái khổ vào thân.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là đường đưa tới sự sống. Xin cho mỗi người chúng con một lòng đi theo Chúa đến cùng, dù có gặp gian nan thử thách. Khi bị nao núng, xin Chúa thêm sức và thêm ơn cho chúng con để không ngã lòng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ cực khôn cực ngoan, xin Mẹ đồng hành với chúng con trên hành trình theo Chúa. Và xin giúp chúng con có đủ sức mạnh và niềm tin để có thể trả lời cùng Chúa như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?”

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24.08.2015                                                            Thứ Hai

Th. BARTHÔLÔMÊÔ, Tông đồ                                 Ga 1,45-51

“Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1,48).

Như Mẹ: Chúa biết rõ lòng trí, tâm tư và mọi dự tính của chúng ta, như thánh vịnh dạy rằng: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ; biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 38). Chúng ta có tin là Chúa biết rõ chúng ta? Ngài vẫn mời gọi chúng ta như đã mời gọi Barthôlômêô!

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con biết Chúa luôn dõi theo từng bước chúng con đi, từng việc chúng con làm, từng ý tưởng chúng con suy nghĩ. Xin cho chúng con ý thức được Chúa đang hiện diện rất gần gũi với chúng con, và tin rằng Chúa luôn quan tâm và luôn nhìn thấy rõ những gì mà chúng con đang cần.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ rất đáng kính chuộng, Mẹ luôn tin nhận Chúa, ước gì chúng con biết noi theo Mẹ mà tin tưởng và cậy trông vào Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25.08.2015                                                            Thứ Ba

Th. Luy và th. Giuse Calasanz, lm                          Mt 23,23-26

“Hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch” (Mt 23,26).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa đang trách mắng những người Pharisêu vì thói giả hình của họ. Mỗi người chúng ta đều có thể rơi vào trường hợp của những người Pharisêu đó và bị Chúa trách mắng mỗi khi không có sự nhất quán giữa hành động và suy nghĩ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người ngày nay thường chú trọng việc làm đẹp ở bên ngoài để được người khác chú ý và ngợi khen, mà không chú ý đến đời sống nội tâm của mình. Xin giúp chúng con biết nhận ra giá trị của vẻ đẹp bên trong, để chúng con biết làm đẹp cho tâm hồn mình mỗi ngày, vì đó là nơi Chúa ngự.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ rất đáng ngợi khen, chúng con khao khát sống giống như Mẹ: sạch cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhờ đó, chúng con sẽ được Chúa chúc phúc.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26.08.2015                                                            Thứ Tư

Tuần 21 TN                                                   Mt 23,27-32

“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư
và người Pharisêu đạo đức giả” (Mt 23,27).

Như Mẹ: Thế giới ngày nay đang đối diện với những cuộc khủng bố trầm trọng của các nhóm cực đoan, trong đó có lực lượng tự cho mình là nhà nước Hồi giáo IS. Những nhóm này thường nhân danh tôn giáo để tàn sát anh chị em đồng loại. Bên cạnh đó cũng có những cuộc chiến tranh dựa trên danh nghĩa Đức Kitô.

Với Mẹ: Lạy Chúa, thời đại chúng con hiện nay cũng không thiếu những người kinh sư và Pharisêu giả hình, họ dùng tôn giáo để thực hiện các hành vi tội ác. Xin Chúa thương đoái nhìn và hoán cải lòng họ, để họ không còn gây thêm những điều độc ác cho nhân loại nữa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có tài có phép, xin Mẹ giúp chúng con sống tốt và sống thành thật, để không rơi vào số những người bị Chúa chúc dữ là “khốn cho các ngươi.”

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27.08.2015                                                           Thứ Năm

Th. Mônica                                                         Mt 24,42-51

“Anh em hãy sẵn sàng” (Mt 24,44).

Như Mẹ: Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan là người chu toàn bổn phận đã được chủ trao phó, dù việc lớn cũng như việc nhỏ. Bất cứ lúc nào chủ xuất hiện mà thấy anh đang thi hành bổn phận của anh, chủ sẽ tin tưởng anh hơn và ban thưởng cho anh. Ai sinh ra rồi cũng phải chết đi. Khi chết mà sẵn sàng, thì chắc chắn sẽ được phần thưởng Nước Trời.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con sống cứ như thể là không phải chết vậy, chỉ lo hưởng thụ và tích góp của cải đời này. Xin giúp chúng con biết năng nghĩ về cái chết của mình, để biết hối cải, hầu sẵn sàng khi giờ Chúa đến.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có lòng khoan nhân, xin Mẹ hướng dẫn để tâm hồn chúng con luôn có Chúa ngự trị và sẵn sàng thưa ‘xin vâng’ trước tiếng Chúa mời gọi theo gương Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.08.2015                                                            Thứ Sáu

Th. Augustinô, gmtsht                                        Mt 25,8-13

Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

Như Mẹ: Mọi người đều phải chết. Chết ngày nào, chúng ta không biết? Bởi vì giờ chết đến như kẻ trộm, và nó có thể xảy đến với bất cứ hạng tuổi nào: người già cũng như người trẻ, người giầu có cũng như người nghèo khó. Vậy điều Chúa nhắn nhủ chúng ta là phải luôn khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó.

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc đời này chóng qua mau hết như lời thánh vịnh: “mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ”. Vì thế, xin cho chúng con biết sống ngay lành để được chết bình an trong tình thương của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là gương nhân đức, xin Mẹ bảo vệ chúng con khỏi mưu mô thâm độ của ma quỷ, để sống trong tin tưởng, bình an và luôn sẵn sàng cho giờ Chúa gọi chúng con đi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.08.2015                                                           Thứ Bảy

Th. Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết                       Mc 6,17-29

Ông Gioan bảo: “Ngài không được phép
lấy vợ của anh ngài’”(Mc 6,18).

Như Mẹ: Bà Hêrôđia, người độc ác, đã âm mưu giết vị tiên tri của Thiên Chúa để khỏi phải nghe những lời nhắc nhở khuyên răn. Điều này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống: người hiền lành thì bị chết oan ức, còn người độc ác lại cứ sống phây phây. Ông Gioan đã sống sự thật, nói sự thật và chấp nhận chết vì sự thật. Vì thế, ông xứng đáng được phúc Nước Trời.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong thời đại mà công lý và hòa bình bị coi thường. Sự bất công và tàn ác diễn ra khắp nơi, ngày càng lan rộng và khủng khiếp. Xin cho con người bớt đi sự thờ ơ và vô cảm trước cái chết của biết bao con người vô tội.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Toà Đấng khôn ngoan, xin cho hoa công lý được nở rộ và lan tỏa khắp nơi trên thế giới và trong tâm hồn chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

30.08.2015                                             Chúa Nhật 22 TN – Năm B

Thánh vịnh tuần 2                                     Mc 7,1-8.14-15.21-23

“Không có cái gì từ bên ngoài
vào trong con người lại có thể làm cho
con người ra ô uế được” (Mc 7,15).

Như Mẹ: Tất cả mọi thụ tạo được Chúa dựng nên đều hữu ích cho sinh linh, và tự bản chất không có loài nào là xấu cả. Chỉ trong tâm hồn con người mới có những ý nghĩ xấu xa làm cho con người ra ô uế.

Với Mẹ: Lạy Chúa, sống trong xã hội bon chen này, con người phải tính mưu bày kế nhiều. Vì lẽ đó, nhiều khi chúng con lại rơi vào tình trạng tâm bất chính, rồi hành động bất nhân. Xin thanh tẩy tâm trí chúng con, để chúng con luôn nghĩ tưởng và làm những điều hợp ý Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ làm cho chúng con vui mừng, xin giúp chúng con biết yêu mến và quý trọng anh chị em chung quanh, và siêng năng sửa đổi chính bản thân mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31.08.2015                                                            Thứ Hai

Tuần 22 TN                                                         Lc 4,16-30

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”
(Lc 4,18).

Như Mẹ: Quanh chúng ta có rất nhiều người nghèo. Người nghèo là người chưa được nghe Tin Mừng cứu độ của Chúa. Chúng ta được diễm phúc hơn, vì đã được nghe Tin Mừng của Chúa; đến lượt, chúng ta lại được Chúa mời gọi đi loan báo Tin Mừng đó.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con sống rất ư dửng dưng với bổn phận loan báo tin vui cứu độ cho đồng loại. Xin sai Thần Khí Chúa ngự xuống trên chúng con, để Ngài thôi thúc chúng con sẵn sàng ra đi mang niềm vui ơn cứu độ đến cho những người xung quanh chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng trọng thiêng, Mẹ đã mau mắn ra đi đến với người chị họ là bà Elisabét, xin Mẹ cùng lên đường với chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Nữ Vương tình thương

Thánh Alphongsô Maria Liguori

Đức Thánh Trinh Nữ uy linh Maria đã được tôn nhận thiên chức làm Mẹ một bậc Đế Vương tối cao chí thánh. Căn cứ theo đó, Giáo Hội tung hô và kêu gọi toàn thể các giáo hữu tung hô Mẹ bằng tước hiệu vinh hiển Nữ Vương, quả đã làm một việc thật thuận lý thích tình.

Thánh Athanasiô viết: “Người Con sinh ra đã có thiên tính là một vị Đế Vương, thì tất Mẹ Đồng Trinh sinh ra Người Con ấy cũng thật trăm phần trăm là Thái Hậu, là Nữ Vương; và phải được tuyên tụng như thế mới là chính đáng”. Thánh Bênađinô Siêna chú thích: ngay từ giây phút ưng thuận làm Mẹ Ngôi Lời vĩnh cửu, Mẹ Maria đã được tôn phong làm Nữ Vương thế giới và toàn thể vạn vật. Lời thánh nhân viết là: “Ngay trong lúc tỏ ý tán thành vinh dự đó, Đức Nữ Trinh đã được tôn phong làm Nữ Vương toàn cầu, làm Mẫu Nghi thiên hạ, và lĩnh nhận vương quyền hiển trị toàn thể vạn vật”. Căn cứ vào tính duy nhất của thân xác Chúa Giêsu và Đức Mẹ, cha Anonđô lý luận như sau: “Thân xác Chúa Giêsu và thân xác Mẹ Maria chỉ là một thân xác duy nhất, thì có lẽ nào Mẹ lại không cùng Con tham dự việc thống trị muôn loài? Nói là tham dự cũng chưa đủ; phải nói: vương quyền vinh quang của Con cũng như của Mẹ chỉ cùng là một vương quyền vinh quang duy nhất mà thôi”.

Nương theo những luận chứng trên, ta quả quyết Mẹ Maria thật là Nữ Vương. Một yếu tố quan thiết đem về cho tất cả chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là một Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm làm ơn lành cho bọn người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo Hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương thương xót.

Thánh Anbêtô Cả nhận xét: danh từ nữ vương (regina) vừa có nghĩa là thương cảm, vừa có nghĩa là săn sóc đến lớp người khổ thống trên đời, khác với danh từ nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa là nghiêm nghị, khắc nghiệt. Triết gia Sênêca viết: “Vẻ huy hoàng của các bậc hoàng đế, các vị nữ vương hệ tại cứu trợ những người đau khổ”. Các bạo vương thường lạm dụng quyền hành để mưu tư lợi, nhưng các vị hoàng đế lại phải hay chú tâm đến công ích của thần dân. Vì lý do đó, trong lễ nghi phong vương, người ta đổ trên đầu vị hoàng đế được tôn phong một thứ dầu, tượng trưng tình thương, để nhắc nhở cho nhà vua rằng: trên ngai vàng, ngài phải có một tâm hồn đầy trắc ẩn và khoan dung đối với thần dân hơn mọi yếu tố khác. Theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của các bậc đế vương là phải ân cần phát huy tình thương, nhưng với một luật trừ là, trong trường hợp cần thiết, vẫn phải dùng đến công lý để xét xử những kẻ phạm pháp. Luật trừ này không áp dụng cho Mẹ Maria. Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nắm giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bá chính và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo Hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.

Đọc những lời sau đây của thánh vương Đavít: Tôi từng nghe hai điều: quyền năng là của Thiên Chúa, còn Chúa, lạy Chúa, Chúa chỉ có tình thương (Tv 61,12), cha Gioan Gerson, chưởng ấn thời danh của trường Đại học Paris, giải thích rằng: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền sang tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”. Theo cha thì quyền tối cao được thi hành bằng công lý và tình thương này, Chúa đã quân phân làm hai lãnh vực: công lý thì dành cho mình, còn tình thương thì nhường cho Mẹ Maria sử dụng; vì sở định của Chúa là tất cả tình thương xử với loài người đều do tay Maria định đoạt, và ban ra tùy sở ý. Trong bài tựa cuốn Thánh Thư các Tông Đồ, đức hồng y Tôma xác nhận đặc ân này của Đức Mẹ như sau: “Khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng, và sau đó sinh hạ Con Thiên Chúa ra trên trần gian, Mẹ đã hưởng thụ một nửa nước Thiên Chúa: Mẹ được tôn lên làm Nữ Vương tình thương, y như Chúa Kitô là Vua công lý”.

Tuyển nhiệm Chúa Giêsu Kitô làm vua công lý, Cha hằng hữu đã lập Ngài làm thẩm phán đoán xét cả thế gian, như có lời tiên tri ca tụng: Lạy Chúa, xin hãy trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, xin ban phép công cho Thái tử (Tv 71,2). Nhưng một nhà chú giải thời danh đã lặp lại rằng: “Vâng, lạy Chúa, Chúa ủy nhiệm Con Chúa thi hành công lý, vì quyền sử dụng tình thương, Chúa đã ủy thác vào tay Thái hậu cả rồi”. Thánh Bonaventura cũng rất có lý khi thay đổi ý nghĩa câu trên của nhà Thánh vịnh là: “Lạy Chúa, xin trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, còn tình thương, xin trao vào tay Nữ Vương, Thái hậu của Ngài”. Đức cha Ernestô, tổng giám mục Praga, cũng diễn tả cùng tư tưởng đó. Đức cha viết: “Cha hằng hữu đã trao toàn quyền thẩm phán cho Con Cha, còn nhiệm vụ phát huy tình thương thì trao toàn quyền cho Mẹ Maria”. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu, như vậy, là thẩm phán và trừng phạt; và nhiệm vụ của Mẹ Maria chỉ là thương cảm và ủy lạo mà thôi. Chính vì thế, chính vì mục đích tuyển nhiệm Mẹ Maria làm Nữ Vương tình thương mà, theo lời tiên tri Đavit, có thể nói, Chúa đã xức dầu phong vương cho Maria, tràn đổ trên Mẹ thứ dầu hoan hỉ (Tv 44,8). Thật hoan hỉ biết bao cho lũ con cháu Ađam nghèo khổ chúng ta, khi tưởng đến trên trời chúng ta có một vị Nữ Vương cao cả hằng trào đổ xuống trên chúng ta “một thứ dầu trắc ẩn và lân tuất dư đầy”, như lời thánh Bonaventura đã nói.

(Lược trích từ sách: Vinh Quang Mẹ Maria,
nguồn: dccthaingoai.com)

Các Thù Địch

thánh Louis Marie Grignion De Montfort

Thật là tội lỗi và bất chính đối với những linh hồn ra tay cản ngăn việc phát triển của Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Thiên Chúa Toàn Năng đã từng trừng phạt thẳng tay nhiều người trong số những kẻ mù quáng tỏ ra khinh bỉ Hiệp Hội Kinh Mân Côi và những kẻ tìm cách tiêu diệt Hiệp Hội này.

Mặc dù Thiên Chúa đã đóng ấn của Ngài trong việc chuẩn nhận Kinh Mân Côi bằng nhiều phép lạ, và mặc dầu có những thông điệp của các Đức Thánh Cha đã viết lên công nhận Kinh Mân Côi, thế mà vẫn còn nhiều người ngày nay chống lại Kinh Mân Côi. Những nhà tư tưởng phóng khoáng này và những người khinh thường đạo lý một là lên án Kinh Mân Côi, hai là tìm cách lái Kinh Mân Côi về một chiều hướng khác.

Sự kiện này cũng dễ hiểu, ở chỗ, họ bị nhiễm nọc độc của hỏa ngục và bị ma qủi xúi xiểm. Bởi vì, kẻ nào lên án Kinh Mân Côi, thì cũng lên án tất cả những gì thánh thiện nhất trong Đức Tin Công Giáo, như kinh Lạy Cha, Lời Chào Kính của Thiên Thần, và các mầu nhiệm sống, chết cùng vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô với Mẹ Thánh Người.

Những nhà tư tưởng phóng khoáng không thể chịu được cảnh người khác đọc Kinh Mân Côi, thường lâm vào một tình trạng rối đạo trong tâm trí mà không biết, và một số thì thù ghét Kinh Mân Côi với các mầu nhiệm của nó.

Tỏ ra thù ghét đối với các Hiệp Hội Kinh Mân Côi là tách lìa khỏi Thiên Chúa và lòng đạo đức, vì chính Chúa đã nói với chúng ta rằng, Ngài luôn ở giữa những người tụ họp nhau nhân danh Ngài. Không một người Công Giáo tốt
lành nào được quên đi rằng Giáo Hội  đã ban rất nhiều ơn xá cho các Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Sau hết, kẻ nào cản trở người khác cho khỏi việc gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi là kẻ thù của các linh hồn, vì Kinh Mân Côi là phương tiện chắc chắn chữa trị người ta khỏi tội lỗi mà gắn bó với đời sống Kitô hữu.

Thánh Bônaventura đã nói (trong kinh nguyện của ngài) là ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội của mình và sẽ bị luận phạt: “Ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội lỗi của mình.” Nếu coi thường Đức Mẹ bị phạt như vậy, thì hình phạt dành cho những kẻ lôi kéo người khác bỏ bê việc tôn sùng của họ sẽ như thế nào.

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 9,
Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

Theo Mẹ lên trời

Tháng 8 này, Giáo Hội mừng lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.

Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18). Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời:“Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.

Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.

Làm chứng cho Chúa

Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu Thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: ‘Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này’.” (Lc 24,45-48).

Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.

Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).

Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu Cứu Độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.

Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.

Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể. Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.

Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.

Nhờ Mẹ Maria cầu bầu

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa. Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó. Tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.

Nhiều người biết Đức Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.

Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng Cứu Thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.

Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.

Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu Độ. Người là Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.

ĐGM GB. Bùi Tuần (tinmung.net)

Chia sẻ Bài này:
[7] [8] [9]