Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 08-2015

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Nữ Vương tình thương

Thánh Alphongsô Maria Liguori

Đức Thánh Trinh Nữ uy linh Maria đã được tôn nhận thiên chức làm Mẹ một bậc Đế Vương tối cao chí thánh. Căn cứ theo đó, Giáo Hội tung hô và kêu gọi toàn thể các giáo hữu tung hô Mẹ bằng tước hiệu vinh hiển Nữ Vương, quả đã làm một việc thật thuận lý thích tình.

Thánh Athanasiô viết: “Người Con sinh ra đã có thiên tính là một vị Đế Vương, thì tất Mẹ Đồng Trinh sinh ra Người Con ấy cũng thật trăm phần trăm là Thái Hậu, là Nữ Vương; và phải được tuyên tụng như thế mới là chính đáng”. Thánh Bênađinô Siêna chú thích: ngay từ giây phút ưng thuận làm Mẹ Ngôi Lời vĩnh cửu, Mẹ Maria đã được tôn phong làm Nữ Vương thế giới và toàn thể vạn vật. Lời thánh nhân viết là: “Ngay trong lúc tỏ ý tán thành vinh dự đó, Đức Nữ Trinh đã được tôn phong làm Nữ Vương toàn cầu, làm Mẫu Nghi thiên hạ, và lĩnh nhận vương quyền hiển trị toàn thể vạn vật”. Căn cứ vào tính duy nhất của thân xác Chúa Giêsu và Đức Mẹ, cha Anonđô lý luận như sau: “Thân xác Chúa Giêsu và thân xác Mẹ Maria chỉ là một thân xác duy nhất, thì có lẽ nào Mẹ lại không cùng Con tham dự việc thống trị muôn loài? Nói là tham dự cũng chưa đủ; phải nói: vương quyền vinh quang của Con cũng như của Mẹ chỉ cùng là một vương quyền vinh quang duy nhất mà thôi”.

Nương theo những luận chứng trên, ta quả quyết Mẹ Maria thật là Nữ Vương. Một yếu tố quan thiết đem về cho tất cả chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là một Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm làm ơn lành cho bọn người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo Hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương thương xót.

Thánh Anbêtô Cả nhận xét: danh từ nữ vương (regina) vừa có nghĩa là thương cảm, vừa có nghĩa là săn sóc đến lớp người khổ thống trên đời, khác với danh từ nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa là nghiêm nghị, khắc nghiệt. Triết gia Sênêca viết: “Vẻ huy hoàng của các bậc hoàng đế, các vị nữ vương hệ tại cứu trợ những người đau khổ”. Các bạo vương thường lạm dụng quyền hành để mưu tư lợi, nhưng các vị hoàng đế lại phải hay chú tâm đến công ích của thần dân. Vì lý do đó, trong lễ nghi phong vương, người ta đổ trên đầu vị hoàng đế được tôn phong một thứ dầu, tượng trưng tình thương, để nhắc nhở cho nhà vua rằng: trên ngai vàng, ngài phải có một tâm hồn đầy trắc ẩn và khoan dung đối với thần dân hơn mọi yếu tố khác. Theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của các bậc đế vương là phải ân cần phát huy tình thương, nhưng với một luật trừ là, trong trường hợp cần thiết, vẫn phải dùng đến công lý để xét xử những kẻ phạm pháp. Luật trừ này không áp dụng cho Mẹ Maria. Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nắm giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bá chính và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo Hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.

Đọc những lời sau đây của thánh vương Đavít: Tôi từng nghe hai điều: quyền năng là của Thiên Chúa, còn Chúa, lạy Chúa, Chúa chỉ có tình thương (Tv 61,12), cha Gioan Gerson, chưởng ấn thời danh của trường Đại học Paris, giải thích rằng: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền sang tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”. Theo cha thì quyền tối cao được thi hành bằng công lý và tình thương này, Chúa đã quân phân làm hai lãnh vực: công lý thì dành cho mình, còn tình thương thì nhường cho Mẹ Maria sử dụng; vì sở định của Chúa là tất cả tình thương xử với loài người đều do tay Maria định đoạt, và ban ra tùy sở ý. Trong bài tựa cuốn Thánh Thư các Tông Đồ, đức hồng y Tôma xác nhận đặc ân này của Đức Mẹ như sau: “Khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng, và sau đó sinh hạ Con Thiên Chúa ra trên trần gian, Mẹ đã hưởng thụ một nửa nước Thiên Chúa: Mẹ được tôn lên làm Nữ Vương tình thương, y như Chúa Kitô là Vua công lý”.

Tuyển nhiệm Chúa Giêsu Kitô làm vua công lý, Cha hằng hữu đã lập Ngài làm thẩm phán đoán xét cả thế gian, như có lời tiên tri ca tụng: Lạy Chúa, xin hãy trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, xin ban phép công cho Thái tử (Tv 71,2). Nhưng một nhà chú giải thời danh đã lặp lại rằng: “Vâng, lạy Chúa, Chúa ủy nhiệm Con Chúa thi hành công lý, vì quyền sử dụng tình thương, Chúa đã ủy thác vào tay Thái hậu cả rồi”. Thánh Bonaventura cũng rất có lý khi thay đổi ý nghĩa câu trên của nhà Thánh vịnh là: “Lạy Chúa, xin trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, còn tình thương, xin trao vào tay Nữ Vương, Thái hậu của Ngài”. Đức cha Ernestô, tổng giám mục Praga, cũng diễn tả cùng tư tưởng đó. Đức cha viết: “Cha hằng hữu đã trao toàn quyền thẩm phán cho Con Cha, còn nhiệm vụ phát huy tình thương thì trao toàn quyền cho Mẹ Maria”. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu, như vậy, là thẩm phán và trừng phạt; và nhiệm vụ của Mẹ Maria chỉ là thương cảm và ủy lạo mà thôi. Chính vì thế, chính vì mục đích tuyển nhiệm Mẹ Maria làm Nữ Vương tình thương mà, theo lời tiên tri Đavit, có thể nói, Chúa đã xức dầu phong vương cho Maria, tràn đổ trên Mẹ thứ dầu hoan hỉ (Tv 44,8). Thật hoan hỉ biết bao cho lũ con cháu Ađam nghèo khổ chúng ta, khi tưởng đến trên trời chúng ta có một vị Nữ Vương cao cả hằng trào đổ xuống trên chúng ta “một thứ dầu trắc ẩn và lân tuất dư đầy”, như lời thánh Bonaventura đã nói.

(Lược trích từ sách: Vinh Quang Mẹ Maria,
nguồn: dccthaingoai.com)

Các Thù Địch

thánh Louis Marie Grignion De Montfort

Thật là tội lỗi và bất chính đối với những linh hồn ra tay cản ngăn việc phát triển của Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Thiên Chúa Toàn Năng đã từng trừng phạt thẳng tay nhiều người trong số những kẻ mù quáng tỏ ra khinh bỉ Hiệp Hội Kinh Mân Côi và những kẻ tìm cách tiêu diệt Hiệp Hội này.

Mặc dù Thiên Chúa đã đóng ấn của Ngài trong việc chuẩn nhận Kinh Mân Côi bằng nhiều phép lạ, và mặc dầu có những thông điệp của các Đức Thánh Cha đã viết lên công nhận Kinh Mân Côi, thế mà vẫn còn nhiều người ngày nay chống lại Kinh Mân Côi. Những nhà tư tưởng phóng khoáng này và những người khinh thường đạo lý một là lên án Kinh Mân Côi, hai là tìm cách lái Kinh Mân Côi về một chiều hướng khác.

Sự kiện này cũng dễ hiểu, ở chỗ, họ bị nhiễm nọc độc của hỏa ngục và bị ma qủi xúi xiểm. Bởi vì, kẻ nào lên án Kinh Mân Côi, thì cũng lên án tất cả những gì thánh thiện nhất trong Đức Tin Công Giáo, như kinh Lạy Cha, Lời Chào Kính của Thiên Thần, và các mầu nhiệm sống, chết cùng vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô với Mẹ Thánh Người.

Những nhà tư tưởng phóng khoáng không thể chịu được cảnh người khác đọc Kinh Mân Côi, thường lâm vào một tình trạng rối đạo trong tâm trí mà không biết, và một số thì thù ghét Kinh Mân Côi với các mầu nhiệm của nó.

Tỏ ra thù ghét đối với các Hiệp Hội Kinh Mân Côi là tách lìa khỏi Thiên Chúa và lòng đạo đức, vì chính Chúa đã nói với chúng ta rằng, Ngài luôn ở giữa những người tụ họp nhau nhân danh Ngài. Không một người Công Giáo tốt
lành nào được quên đi rằng Giáo Hội  đã ban rất nhiều ơn xá cho các Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Sau hết, kẻ nào cản trở người khác cho khỏi việc gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi là kẻ thù của các linh hồn, vì Kinh Mân Côi là phương tiện chắc chắn chữa trị người ta khỏi tội lỗi mà gắn bó với đời sống Kitô hữu.

Thánh Bônaventura đã nói (trong kinh nguyện của ngài) là ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội của mình và sẽ bị luận phạt: “Ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội lỗi của mình.” Nếu coi thường Đức Mẹ bị phạt như vậy, thì hình phạt dành cho những kẻ lôi kéo người khác bỏ bê việc tôn sùng của họ sẽ như thế nào.

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 9,
Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

Theo Mẹ lên trời

Tháng 8 này, Giáo Hội mừng lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.

Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18). Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời:“Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.

Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.

Làm chứng cho Chúa

Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu Thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: ‘Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này’.” (Lc 24,45-48).

Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.

Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).

Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu Cứu Độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.

Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.

Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể. Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.

Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.

Nhờ Mẹ Maria cầu bầu

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa. Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó. Tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.

Nhiều người biết Đức Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.

Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng Cứu Thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.

Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.

Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu Độ. Người là Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.

ĐGM GB. Bùi Tuần (tinmung.net)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment