Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 8-2014

PHẦN HỌC TẬP

***

KINH KÍNH MỪNG: MỘT TRAO ĐỔI PHÚC ĐỨC

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

BBT: Kinh Kính Mừng, rất đơn giản và dễ đọc, nhưng giá trị của lời kinh này thì vô song.

Có lời viết là “Hãy cho đi, các ngươi sẽ được ban tặng lại” (Lc 6,38). Chân phước Alan đặt vấn đề như thế này:

“Giả sử mỗi ngày tôi cho quí bạn 150 hạt ngọc, cho dù quí bạn có là kẻ thù của tôi, thì chẳng lẽ quí bạn không tha cho tôi hay sao? Chẳng lẽ quí bạn lại không đối xử với tôi như một người bạn, và ban tặng cho tôi tất cả mọi ân huệ mà quí bạn có thể cho tôi hay sao? Nếu quí bạn muốn chiếm được dồi dào ân phúc và vinh quang, hãy chào kính Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, hãy tôn kính Người Mẹ từ ái của mình. ‘Ai tôn kính mẹ mình (Mẹ Maria) là như kẻ đang bảo trì một kho báu vậy’ (Hc 3,4). Bởi thế, mỗi ngày hãy dâng lên Mẹ ít là 50 kinh Kính Mừng, vì mỗi viên đáng giá 15 viên quí thạch, làm hài lòng Đức Mẹ hơn mọi thứ phú quí trên đời này hợp lại.”

Quí bạn có thể trông mong những điều cao trọng này từ lòng quảng đại của Đức Mẹ lắm chứ! Người là Mẹ và là Bạn của chúng ta. Người là Nữ Vương của hoàn vũ, yêu thương chúng ta hơn tất cả các bà mẹ và hơn mọi nữ hoàng trên thế gian thường yêu thương một người nào đó. Điều này đúng là như vậy, vì Đức Ái của Rất Thánh Trinh Nữ Maria vượt xa tình yêu tự nhiên của loài người, kể cả các thiên thần, như thánh Augustinô nói.

Một ngày kia, thánh nữ Giêtruđê được thị kiến thấy Chúa Giêsu đang đếm những đồng bạc bằng vàng. Thánh nhân lấy can đảm hỏi Người xem Người đang làm gì thế. Người trả lời:

“Cha đang đếm các kinh Kính Mừng mà con đã đọc; đây là lộ phí con trả cho con đường về trời của con.”

Cha Suarez, một tu sĩ thánh thiện và học giả của dòng Tên, hiểu biết sâu xa về giá trị của Lời Thiên Thần Chào Kính Mẹ Maria, đến nỗi, đã nói rằng cha sẵn lòng đổi tất cả mọi hiểu biết của cha lấy một kinh Kính Mừng đọc một cách xứng đáng.

Chân phước Alan de la Roche nói: “Ôi Rất Thánh Maria, hãy để cho mọi người nghe thấy và hiểu được điều này:

Khi nào con đọc Kính mừng Maria, triều thần thiên quốc hoan lạc, và trái đất ngất ngây, phần con chê chán thế gian, lòng con chứa chan tình yêu Thiên Chúa.

Khi con đọc Kính mừng Maria, mọi sợ hãi của con tan biến, đam mê của con bại liệt.

Khi con đọc Kính mừng Maria, lòng sùng mộ tăng tiến, trong con niềm sầu đau tội lỗi bừng dậy.

Khi con đọc Kính mừng Maria, hy vọng mãnh liệt trong tim con sương sa an ủi rơi thấm hồn con mãi mãi không thôi.

Bởi vì khi con đọc Kính mừng Maria, tâm thần của con mừng rỡ, buồn khổ nguôi ngoai.

Khi con đọc Kính mừng Maria…

Sự ngọt ngào của Lời Chào phúc ân này tuyệt vời đến nỗi không có một lời nào có thể thích đáng để giải thích cho được. Cả việc kể đến những kỳ công do lời này tạo nên, chúng ta cũng thấy đầy huyền bí và sâu nhiệm như không bao giờ có thể khám phá hết nổi. Chỉ vỏn vẹn có mấy chữ mà sâu nhiệm khôn lường, ngọt hơn mật và quí hơn vàng. Chúng ta phải năng suy niệm lời ấy trong lòng và đọc nơi cửa miệng, khi lập đi lập lại một cách sốt sắng.”

Chân phước Alan kể rằng, có một nữ tu hết sức sùng kính Kinh Mân Côi, sau khi chết, đã hiện ra với một nữ tu trong dòng mà nói:

“Nếu em được phép sống lại để chỉ đọc một kinh Kính Mừng mà thôi, cho dù em có đọc vội vàng và không mấy sốt sắng, em cũng sẵn sàng chịu đựng lại tất cả những đau đớn trong cơn bệnh cuối đời của em, để chiếm lấy công nghiệp của kinh này.” (Chân phước Alan de la Roche, De Dignitate Psalterii, chương LXIX).

Câu chuyện này càng cảm động hơn nữa, ở chỗ, chị nữ tu qua đời này đã bị liệt giường và trải qua những đau đớn ê chề cả bao nhiêu năm trước khi chết.

Michel de Lisle, vị giám mục ở Salubre, vừa là môn đệ vừa là đồng chí của chân phước Alan trong việc tái lập Kinh Mân Côi, nói rằng, Lời Thiên Thần Chào Kính Mẹ Maria là phương thuốc chữa trị mọi bệnh tật mà chúng ta phải chịu, bao lâu chúng ta đọc một cách sốt sắng để tôn kính Mẹ Maria.

(Le Secret Admirable du très Saint Rosaire (Bí Mật Kinh Mân Côi),
Bông hồng 19,
Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

 

CẦU NGUYỆN TRONG GIA ĐÌNH

Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng mà đối đáp với nhau và ca tụng Chúa hết lòng anh em. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha (Ep 5,19-20).

Gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia, vì gia đình là nơi đặc biệt diễn tả sự hiệp thông trong Hội Thánh: “Gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh vì lẽ đó phải được coi là một Hội Thánh tại gia, là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. Gia đình Kitô giáo là một hiệp thông nhân vị, là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần“ (GLHT 2204-2205).

Sự hiệp thông trong gia đình dẫn đến sự gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời việc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ nối kết gia đình bền chặt hơn. Trong Tông huấn Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi gia đình là “cộng đồng đối thoại với Thiên Chúa”. Gia đình được lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa bằng việc Lắng nghe
Lời Chúa, bằng việc cầu nguyện chung
cũng như cầu nguyện riêng, bằng việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và
bí tích Hoà giải.

1. Cầu nguyện trong gia đình

Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để học cầu nguyện. Được xây dựng trên bí tích Hôn Phối, gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ”, là nơi con cái Thiên Chúa học cách cầu nguyện. Đặc biệt với các trẻ nhỏ, kinh nguyện hằng ngày của gia đình là chứng từ đầu tiên về ký ức sống động của Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần nâng đỡ (GLHT 2685).

Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là kinh tối và kinh sáng, trước và sau các bữa ăn. Trong đời sống gia đình, ta có thể cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng.

1.1. Cầu nguyện chung

Giờ Kinh chung của gia đình chính là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên. “Kinh nguyện chung trong gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống của gia đình. Qua những tình huống thay đổi của cuộc sống ấy, chính Thiên Chúa đang mời gọi và gia đình tín hữu đáp trả lại với đầy lòng hiếu thảo. “Những chuyện vui buồn, hy vọng và sầu khổ, ngày sinh và ngày cưới, những người đi vắng trở về, những chọn lựa quan trọng và ngay cả cái chết của người thân yêu… tất cả đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình. Những biến cố ấy phải là những dịp để gia đình tạ ơn, khấn nguyện, tin tưởng phó thác vào bàn tay Cha chung trên trời” (Tông huấn Gia đình, số 59).

Trong gia đình, các thành viên càng cầu nguyện chung với nhau, thì càng hiệp nhất bền chặt vì cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời,
sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại
nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).

Trong tông thư “Kinh Mân Côi”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống… Những phần tử của mỗi gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa “ (Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria, số 41).

1.2. Cầu nguyện riêng

Thiên Chúa hiện diện giữa gia đình khi cả nhà cầu kinh chung và cũng hiện diện cách thâm sâu trong tâm hồn mỗi người vì chính nơi đó, Ngài chờ đợi mỗi người trở về gặp gỡ Ngài thật sâu xa. Bởi đó, cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng cần đi đôi với nhau. Nhờ cầu nguyện chung, người ta sẽ quen cầu nguyện riêng; đồng thời mỗi người càng cầu nguyện riêng, thì giờ kinh chung sẽ càng tốt đẹp. Mỗi người trong gia đình, đặc biệt các bậc cha mẹ, cần dạy cho con cái sống tinh thần cầu nguyện bằng cách:

– Mỗi sáng vừa thức dậy nhớ dâng ngày cho Chúa và xin Chúa Thánh Thần dạy cho biết sống cả ngày trong sự kết hiệp với Chúa.

– Tập luôn luôn “thấy Chúa đang nhìn ta”, dù ở đâu, làm gì, cũng sống trong cái nhìn yêu thương của Chúa.

– Cũng có thể dùng những lời cầu nguyện tắt lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, như: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”…

– Khi đã lên giường, sắp sửa ngủ, nên ôn lại những điều đã cảm nhận trong đoạn Lời Chúa vừa đọc trong giờ kinh tối, để tiếp tục suy niệm vào sáng hôm sau.

Ngoài ra, mỗi người cần có những giờ phút dành riêng để cầu nguyện, nhất là tâm nguyện hay nguyện ngắm.

Khi nguyện ngắm, nếu ở trong nhà thờ, ta nên chăm chú nhìn lên Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm. Ở những nơi khác, ta có thể nhìn lên tượng Chúa hoặc hướng về Chúa đang ngự trong lòng. Để dễ tập trung, nên ngồi theo một tư thế thật yên vững, giữ cho cột sống và đỉnh đầu thẳng góc với mặt đất, rồi tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần, gạt bỏ hết mọi âu lo và dự tính để chú tâm vào sự hiện diện của Thiên Chúa và đối thoại với Ngài. Hãy bắt đầu thật nghiêm túc và nghiêm túc cho bằng được, rồi kiên nhẫn cho đến hết giờ quy định. Dần dần, Chúa Thánh Thần sẽ đưa ta tiến sâu vào một kinh nghiệm cầu nguyện sâu xa và thấm thía.

2. Nội dung một giờ kinh trong gia đình

Mỗi giờ kinh thường gồm các yếu tố: Lời Chúa, lời ca, lời kinh, lời cầu và sự thinh lặng.

Lời Chúa giữ vai trò quan trọng: đó là lương thực thiêng liêng, là chuẩn mực hướng dẫn đời sống người tín hữu và là phương tiện thông thường Chúa dùng để giúp ta được biến đổi. Bởi vậy, trong mỗi giờ kinh, nên đọc một đoạn Lời Chúa trích từ Kinh Thánh để suy niệm. Nên đọc theo một chương trình. Chẳng hạn đọc một trong các đoạn Kinh Thánh của thánh lễ của từng ngày, như được ghi trong lịch Công giáo, hoặc đọc toàn bộ Kinh Thánh trong 3 năm, tuần tự mỗi tối một đoạn.

Sự thinh lặng để xét mình và suy niệm làm cho Lời Chúa thấm vào lòng ta. Nhờ đó, tự đáy lòng, ta có thể nói lên những lời nguyện tự phát để ca tụng, ngợi khen Chúa, để bày tỏ tâm tình thống hối, mến yêu, hay để cầu xin cho những người quen biết và cho những nhu cầu của Hội Thánh và loài người.

Lời kinh: Nên duy trì những kinh cần thiết làm nền cho giờ cầu nguyện: Kinh Truyền tin, kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Lạy Nữ Vương, Cám Ơn, Trông Cậy, kinh Vực sâu. Trước giờ kinh, nên dành một phút xem thử sẽ dùng những kinh nào, chứ đừng vừa cầu nguyện vừa chọn kinh.

Mỗi giờ kinh nên có một chục kinh Mân Côi đọc chung. Thỉnh thoảng cả gia đình nên lần chung trọn chuỗi. Khi đó, nên bỏ bớt một số kinh khác. Còn phần Lời Chúa, nếu chọn theo các mầu nhiệm Mân Côi, chỉ cần đọc một vài câu ngắn.

Điều cần thiết khi cầu nguyện là phải nhớ rằng Chúa đang hiện diện. Ta ở đó để nghe Ngài nói và nói với Ngài. Muốn dễ nhớ sự hiện diện của Chúa, khi cầu nguyện nên ăn mặc nghiêm chỉnh, thu dọn đồ đạc trong phòng và trên bàn cho ngăn nắp.

Để kết thúc, chúng ta cùng nhau nghe lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ngỏ với các bậc làm cha làm mẹ. Những lời này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trân trọng nhắc lại trong Tông huấn Gia đình: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích xưng tội, rước lễ, thêm sức hay không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen cầu xin Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh giúp đỡ hay không? Còn anh em, hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội Thánh“ (Tông huấn Gia đình, số 6).

(Lược trích từ Hôn nhân Gia đình, bài 16;
nguồn: simonhoadalat.com)


KINH CẦU CHO GIA ĐÌNH

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất,
tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại,
mẫu gương tuyệt vời là Thánh Gia Thất.

Xin Cha ban ơn Phúc Âm hoá mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Đấng Cứu Độ,
là ánh sáng Chân Lý, Yêu Thương và Bình An,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.

Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.

Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình,
cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.

Xin Thánh Gia Thất hộ phù gia đình chúng con
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi. Amen.

 ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, TGM Sài Gòn

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment