Nôi San Kinh Mân Cối Số Tháng 7-2014

PHẦN HỌC TẬP

 

CÁC THÙ ĐỊCH CỦA KINH MÂN CÔI

Thánh Louis Grignion De Montfort

Thật là tội lỗi và bất chính đối với những linh hồn ra tay cản ngăn việc phát triển của Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Thiên Chúa Toàn Năng đã từng trừng phạt thẳng tay nhiều người trong số những kẻ mù quáng tỏ ra khinh bỉ Hiệp Hội Kinh Mân Côi và những kẻ tìm cách tiêu diệt Hiệp Hội này.

Mặc dù Thiên Chúa đã đóng ấn của Ngài trong việc chuẩn nhận Kinh Mân Côi bằng nhiều phép lạ, và mặc dầu có những thông điệp của các Đức Thánh Cha đã viết lên công nhận Kinh Mân Côi, thế mà vẫn còn nhiều người ngày nay chống lại Kinh Mân Côi. Những nhà tư tưởng phóng khoáng này và những người khinh thường đạo lý một là lên án Kinh Mân Côi, hai là tìm cách lái Kinh Mân Côi về một chiều hướng khác.

Sự kiện này cũng dễ hiểu, ở chỗ, họ bị nhiễm nọc độc của hỏa ngục và bị ma qủi xúi xiểm. Bởi vì, kẻ nào lên án Kinh Mân Côi, thì cũng lên án tất cả những gì thánh thiện nhất trong Đức Tin Công Giáo, như kinh Lạy Cha, Lời Chào Kính của Thiên Thần, và các mầu nhiệm sống, chết cùng vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô với Mẹ Thánh Người.

Những nhà tư tưởng phóng khoáng không thể chịu được cảnh người khác đọc Kinh Mân Côi, thường lâm vào một tình trạng rối đạo trong tâm trí mà không biết, và một số thì thù ghét Kinh Mân Côi với các mầu nhiệm của nó.

Tỏ ra thù ghét đối với các Hiệp Hội Kinh Mân Côi là tách lìa khỏi Thiên Chúa và lòng đạo đức, vì chính Chúa đã nói với chúng ta rằng, Ngài luôn ở giữa những người tụ họp nhau nhân danh Ngài. Không một người Công Giáo tốt lành nào được quên đi rằng Giáo Hội đã ban rất nhiều ơn xá cho các Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Sau hết, kẻ nào cản trở người khác cho khỏi việc gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi là kẻ thù của các linh hồn, vì Kinh Mân Côi là phương tiện chắc chắn chữa trị người ta khỏi tội lỗi mà gắn bó với đời sống Kitô hữu.

Thánh Bônaventura đã nói (trong kinh nguyện của ngài) là ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội của mình và sẽ bị luận phạt: “Ai coi thường Đức Mẹ sẽ chết trong tội lỗi của mình.” Nếu coi thường Đức Mẹ bị phạt như vậy, thì hình phạt dành cho những kẻ lôi kéo người khác bỏ bê việc tôn sùng của họ sẽ như thế nào.

(Le Secret Admirable du très Saint Rosaire (Bí Mật Kinh Mân Côi), Bông hồng 9, Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

 

12 ĐỨC TÍNH THỜI THƠ ẤU CỦA MẸ MARIA

Anthony Lê

Thánh John Eudes – nguyên là vị Linh Mục người Pháp – được Thiên Chúa trao ban cho một biệt tài mà ít có ai có được trong thời gian đó, chính là sự giảng thuyết năng động uyên thâm, và lòng kính mến cao độ đến Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ.

Với biệt tài về giảng thuyết như vậy, vị Thánh đã không ngừng nghỉ nói về Đức Maria và Chúa Giêsu qua rất nhiều bài giảng và bài viết – một kho tàng kiến thức hết sức uyên thâm mà vị Thánh đã để lại cho hậu thế. Không những thế mà vị Thánh cũng rất lưu tâm và luôn tìm mọi cách để bảo vệ những người phụ nữ đang gặp phải sự gian nguy, ác báo hay đe dọa, và cũng từ chính ý hướng đó mà vị Thánh đã thành lập ra Dòng các Linh Mục và các Nữ Tu Bác Ái Đức Bà (Congregation of the Sisters of Our Lady of Charity).

Nói về Đức Maria, Thánh John Eudes đã đề cập tới 12 Đức tínhh trổi vượt thời ấu thơ trong loạt bài viết của vị Thánh có nhan đề “The Wondrous Childhood of the Most Holy Mother of God” (Thời Thơ Ấu Trổi Vượt của Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa) ở Phần 3, Chương 2, qua đó vị Thánh nêu ra những đức tính trổi vượt đó của Đức Trinh Nữ Maria gồm:

Sự trong trắng, sự giản đơn, sự nhẫn nhục, sự vâng phục, sự kiên nhẫn, tình yêu dành cho Thiên Chúa, lòng bác ái hướng đến những người chung quanh, sự khinh miệt và tách rời thế giới tội lỗi trần tục, sự trung trinh vẹn toàn, sự thinh lặng, sự tử tế và nhu mì, và sự khiêm tốn.

Nói về sự trong trắng và thơ ngây của Đức Mẹ, chúng ta ai nấy cũng đều biết rằng là sau Chúa Kitô, Người Con Chí Thánh của Mẹ, thì Mẹ là Người duy nhất không phải mắc tội tổ tông, không phạm tội cũng như chưa bao giờ làm tổn thương đến bất kỳ ai.

Kế đến Mẹ luôn ghi giữ và thực tập những lời của Thiên Chúa trong lòng, và vì tấm lòng của Mẹ đơn sơ như bồ câu, cho nên chính Thiên Thần của Chúa đã phải lên tiếng ngợi khen Mẹ. Mẹ chính là một người hoàn toàn xa lạ đối với sự tò mò và tính hai mặt (duplicity). Mẹ chỉ có một cùng đích duy nhất đó là hướng tất cả mọi ý định, mong ước và hành động của Mẹ để làm hài lòng Thiên Chúa, và để tuân phục tất cả mọi dự định đáng yêu của Thiên Chúa mà thôi.

Đức tínhh trổi vượt thứ ba chính là sự nhẫn nhục mà Mẹ đã coi trọng và luôn tự coi
chính bản thân của Mẹ như là những thụ tạo
nhỏ bé nhất của Thiên Chúa. Mẹ đã nói với Thánh Mechtilde rằng đức tính đầu tiên
mà Mẹ phải thực luyện và sống đó chính là
sự nhẫn nhục (*).

Đức tính trổi vượt thứ tư chính là việc Mẹ biết vâng phục Thiên Chúa qua hình ảnh của cha và mẹ của mình, cũng như qua các vị Bề Trên một cách tuyệt đối đến nỗi Mẹ chưa bao giờ gây ra cho họ bất kỳ những nỗi đau nào, cho dẫu là bé nhỏ nhất.

Đức tính trổi vượt thứ năm, mà không có bất kỳ một ai – ngoại trừ Người Con Chí Thánh của Mẹ – đã phải chịu đựng sự quằn quại, đau khổ, sự tra tấn, sự sỉ nhục, sự thiếu thốn và sự đớn đau đến cực độ như là chính bản thân của Mẹ, vì chưa có ai có được tính kiên nhẫn như vậy, và Mẹ đã có được đức tính đó ngay từ thuở còn ấu thơ. Khi đó Mẹ biết rằng Người Con của Thiên Chúa sẽ phải xuống trần gian và gánh chịu những sự tra tấn hung bạo nhất, và một cái chết tàn khốc nhất để cứu rỗi nhân loại, và từ chính sự hiểu biết này, mà Mẹ đã có một tình yêu hết sức phi thường chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi, và tình yêu đó đã khiến cho Mẹ phải khổ đau tột cùng để làm nhân chứng hùng hồn qua việc thực hành đức tính kiên nhẫn cho tất cả mọi người chúng ta.

Đức tính trổi vượt thứ sáu chính là tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa quá lớn đến nỗi Mẹ thích bị tiêu hủy hơn là để cho bất kỳ thụ tạo nhỏ bé nào thể hiện ra thứ tình yêu cao vời mà Mẹ đã dành cho Đấng Tạo Dựng. Mẹ đã từ bỏ tất cả, đã hy sinh tất cả, chỉ vì tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa. Mẹ không có dự định nào cả ngoài những dự định của Thiên Chúa mà thôi.

Và nếu Thiên Chúa gọi Người Con của Ngài chính là “Virum voluntatis meae, thì Ngài cũng có thể gọi Đức Maria là “Virginem voluntatis meae,” hay “Ái khanh lòng Ta hỡi! ” (Vocabitur voluptas mea) (Isaia 62,4). Mẹ luôn đặt niềm vui và sự sung sướng của Mẹ vào trong những ý chỉ mà Thiên Chúa tiền định, vì đó chính là một thử thách cao vời nhất về tình yêu thương dành cho Thiên Chúa.

Đức tính trổi vượt thứ bảy mà Mẹ có được chính là lòng bác ái dành cho những người chung quanh. Từ việc đọc Thánh Kinh, Mẹ biết được rằng một ngày nào đó những kẻ thù hung bạo nhất của Con Mẹ sẽ đến để đóng đanh Đấng Cứu Độ – Đấng mà Mẹ yêu thương vô song, dẫu vậy Mẹ vẫn liên lỉ cầu xin lòng thương xót của Chúa Cha Trên Trời, và dâng Con Một Người lên cho sự cứu rỗi nhân loại, để từ đó Máu của Đấng Cứu Chuộc, được tuôn đổ xuống cho tất cả loài người chúng ta.

Đức tính trổi vượt thứ tám mà Mẹ đã có được xuất phát ngay từ thuở ban sơ trong cuộc sống của Mẹ chính là sự khinh miệt hoàn toàn về thế giới trần tục, với nhiều lý do chính đáng và sâu xa hơn cả Thánh Phaolô, khi Mẹ cũng có thể nói rằng: “Omnia arbitror ut stercora – coi tất cả như rác” (Pl 3,8), tức coi mọi sự như rác để được Chúa Kitô mà thôi; Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính bản thân của riêng mình, những mong ước và sự cúi mình, cùng với những ý định riêng của Mẹ, để hoàn toàn làm thỏa mãn và vâng phục theo tất cả mọi ý chỉ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Mẹ đã sống và ngửi thấy chỉ một mình tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ, và tình yêu của Mẹ dành cho Ngài mà thôi.

Đức tính trổi vượt thứ chín mà hầu hết tất cả các vị tiến sĩ của Hội Thánh đều phải nhìn nhận khi Đức Maria hãy còn là trẻ thơ rằng: đứa trẻ quý hóa này đã biết khấn nguyện giữ gìn tiết trinh của mình ngay từ lúc được chào đời, vì nếu Đức Maria được sự lựa chọn giữa việc trở thành Mẹ của Thiên Chúa để không còn là một trinh nữ nữa, hay vẫn còn là một trinh nữ nhưng lại mất đi phẩm giá để trở thành Người Mẹ của Thiên Chúa, và nếu Thiên Chúa phán lệnh cho Đức Maria phải chọn một trong hai, thì Mẹ lúc nào cũng chọn việc vẫn còn trinh tiết cho chính kế hoạch riêng của Thiên Chúa. Và điều đó đã được minh chứng bởi những lời đáp trả của Đức Maria cho Sứ Thần Gabriel: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào,… (Luca 1,34-38).

Đức tính trổi vượt thứ mười chính là sự thinh lặng sâu sắc mà Mẹ đã có được từ tuổi ấu thơ. Trong Thánh Kinh lẫn trong chiều dài lịch sử của Giáo Hội, hay qua các bài viết của bất kỳ tác giả nào đi nữa, chẳng có ai ghi nhận hay đề cập tới một lời duy nhất được nói ra từ Đức Maria khi Mẹ còn ở nhà cha mẹ, khi Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, và trong suốt khoảng thời gian Mẹ trú lưu tại nơi đó.

Đức tính trổi vượt thứ mười một đó là sự tử tế và nhu mì của Đức Maria, vì đức tính này mà Mẹ không bao giờ quở trách những ai cho dẫu là tội lỗi lắm khi họ đến khẩn cầu Mẹ về ơn cứu rỗi của họ nơi Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo Hội luôn cất tiếng ngợi khen rằng: “Vita, dulcedo et spes nostra. O benigna! O clemens! O dulcis Virgo Maria!” (Lạy Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui được cậy. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh).

Và đức tính trổi vượt cuối cùng chính là sự khiêm hạ, nhún nhường mà không có ai trong chúng ta có được!

Hãy ngợi khen và ngàn lần cảm tạ Ngài, ôi hỡi Thiên Chúa, vì tất cả những điều thiện hảo mà Ngài đã ban xuống cho Đứa Trẻ Maria xưa kia. Muôn đời vinh danh và kính tôn Đức Maria đáng yêu của chúng ta vì tất cả mọi vinh hiển mà Mẹ đã dành trọn cho Ba Ngôi Cực Thánh của Thiên Chúa qua việc thực thi những đức tính trổi vượt trong suốt thời Mẹ còn là ấu thơ!

P.S. (*) “O virtutum Regina, dic obsecro, quae erat prima virtus in qua te in infantia exercuisti?” At illa respondit: “Humilitas et obedientia atque amor.” Liber, spec. grat., ở Trang 1, Dòng 29.

(Nguồn: vietcatholic)

 

KINH MÂN CÔI

MỘT KHO TÀNG CẦN ĐƯỢC TÁI KHÁM PHÁ

ĐGH Gioan Phaolô II

Kinh Mân Côi là lời kinh đơn giản, dễ thực hiện đến nỗi một đứa trẻ lên 4, 5 tuổi cũng có thể đọc được. Vì đơn giản, nên người ta thường đọc một cách máy móc, đọc mà không ý thức hoặc không hiểu được ý nghĩa ẩn chứa trong lời kinh này. Theo lời mời gọi dưới đây của ĐGH Gioan Phaolô II, tất cả mọi người tín hữu, dù thuộc bậc sống nào, cũng đều được mời gọi tái khám phá Kinh mân Côi, để thấy được kho tàng quý báu ẩn chứa trong đó.

Anh chị em thân mến! Một lời kinh quá dễ nhưng lại rất phong phú đáng được Cộng đồng ki-tô giáo khám phá lại. Chúng ta hãy thực hiện điều đó, đặc biệt trong năm nay, xem đó như là phương thế để thừa nhận đường hướng mà tôi đã phác thảo trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte, từ đó chương trình mục vụ của biết bao cộng đoàn Giáo hội địa phương đã múc lấy sự soi sáng khi họ nhìn đến tương lai gần.

Tôi đặc biệt hướng về anh em, các giám mục, linh mục và phó tế yêu dấu, và tới anh em, những người lo công tác mục vụ trong những thừa tác vụ khác nhau: nhờ kinh nghiệm riêng của anh em về vẻ đẹp của Kinh Mân Côi, ước gì anh em dấn thân cổ võ lời kinh ấy với lòng xác tín.

Tôi cũng đặt tin tưởng vào anh chị em, các thần học gia: nhờ những suy tư khôn ngoan và nghiêm chỉnh, bắt nguồn từ Lời của Thiên Chúa và nhạy cảm với kinh nghiệm sống động của toàn dân ki-tô giáo, ước gì anh chị em giúp họ khám phá các nền tảng Kinh Thánh, những phong phú thiêng liêng và giá trị mục vụ của lời kinh truyền thống này.

Tôi đặt kỳ vọng vào anh chị em, những người sống đời thánh hiến nam nữ, vì anh chị em được mời gọi cách đặc biệt để chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô trong trường học của Đức Ma-ri-a.

Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình ki-tô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại Chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.

Ước gì lời kêu gọi này của tôi không rơi vào quên lãng! Vào lúc khởi đầu năm thứ 25 của triều đại giáo hoàng, tôi phó dâng Tông thư này trong bàn tay âu yếm của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, khi cúi mình trong tinh thần trước ảnh tượng đặt trong Đền thánh huy hoàng do Chân phước Bartolo Longo xây nên, vị tông đồ của Kinh Mân Côi. Tôi sẵn lòng xem là của tôi những lời cảm động mà ngài kết thúc Lời Khẩn cầu dâng lên Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi rất nổi tiếng: Ôi Tràng Hạt Mân Côi của Đức Ma-ri-a, sợi dây êm ái nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, mối ràng buộc chúng tôi với các thiên thần, đồn lũy ơn cứu độ chống lại các cuộc tấn công của Hoả ngục, bờ bến an toàn tránh khỏi đắm chìm đồng loạt, chúng tôi không bao giờ từ bỏ bạn. Bạn là nguồn an ủi chúng tôi trong giờ lâm tử: nụ hôn cuối cùng của chúng tôi dành cho bạn khi từ giã cõi đời. Và lời nói cuối cùng thốt lên từ môi miệng chúng con sẽ là danh dịu êm của Mẹ, ôi Nữ Vương Mân Côi ở Pompei, lạy Mẹ rất dấu yêu, nơi trú ẩn của những người tội lỗi, ôi Đấng an ủi tuyệt hảo của kẻ ưu phiền. Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời.

(Trích Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 43, bản dịch tiếng Việt của Lm. John Phan Du Sinh, ofm)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment