Nội San Kinh mân Côi Số Tháng 06-2015

TRANG CHUYÊN ĐỀ

TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

+GM GB Bùi Tuần (tinmung.net)

Tôn sùng Thánh Tâm là một việc thờ phượng rất phổ biến trong Hội Thánh Việt Nam.

Tượng ảnh Thánh Tâm được kính thờ đặc biệt tại các nhà thờ và các tư gia.

Việc kính thờ Thánh Tâm được thực hiện bằng nhiều cách, như ca hát, đọc kinh, dâng mình. Có hình thức nhỏ. Có hình thức lớn.

Nói chung, tấm lòng người công giáo Việt Nam đối với Thánh Tâm đúng là tâm tình đạo đức nhiệt thành. Tâm tình này là một cách đáp trả lòng thương xót đặc biệt Chúa dành cho chúng ta.

Để tâm tình đạo đức này được tiếp tục kéo nhiều ơn Chúa xuống cho ta, nhất là trong thời buổi có nhiều thử thách về sống đạo như hiện nay, tôi xin phép trình bày một chia sẻ. Chia sẻ của tôi ở đây là nêu lên vài việc thiết tưởng nên nhấn mạnh trong việc tôn sùng Thánh Tâm.


1/ Ăn năn sám hối

Ăn năn sám hối là việc cần thiết đầu tiên được nhắc đi nhắc lại trong Phúc Âm.

Thánh Gioan Baotixita, khi đi rao giảng dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, Ngài luôn chọn đề tài ăn năn sám hối (x. Lc 3,1-18).

Chúa Giêsu khi khai mạc giai đoạn rao giảng Tin Mừng, cũng đã bắt đầu bằng việc khuyên người ta ăn năn sám hối. Phúc Âm kể: “Đức Giêsu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).

Chúa Giêsu, khi cảnh cáo con người về nguy cơ bị những tai hoạ khủng khiếp huỷ hoại, Người cũng khuyên mọi người hãy ăn năn sám hối (x. Lc 13,1-5).

Chúa Giêsu, khi sai các tông đồ đi các nơi để loan báo về Nước Trời, Người cũng nói rõ với các ông về sứ vụ phải khuyên người ta ăn năn sám hối. “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).

Chúa Giêsu, khi dặn dò những lời sau hết, trước khi lên Trời, Người cũng đã nhấn mạnh với các tông đồ: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha thứ” (Lc 24,47).

Vâng lời Chúa Giêsu, các tông đồ đã làm như Thầy mình dạy.

Trong bài giảng thứ nhất, thánh Phêrô đã tha thiết khuyên dân: “Anh em hãy sám hối” (Cv 2,38).

Trong bài giảng thứ hai, thánh Phêrô lặp lại cũng lời khuyên đó: “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Chúa” (Cv 3,19).

Cùng một đường lối như thánh Phêrô là đi giảng việc ăn năn sám hối, thánh Phaolô và các tông đồ khác đều hăng hái kêu gọi mọi người đổi mới con người của mình bằng việc ăn năn sám hối.

Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ cũng nhắn nhủ các con cái Mẹ hãy ăn năn sám hối. Tất cả những việc đạo đức, mà Hội Thánh khuyên dạy chúng ta làm, bao giờ cũng mở đầu bằng việc thanh luyện tâm hồn chúng ta bằng việc ăn năn sám hối.

Nếu ăn năn sám hối là việc đặc biệt quan trọng như bước đầu cần thiết để thờ phượng Chúa, thì việc đó càng nên được chúng ta thực hiện trong mọi hình thức tôn sùng Thánh Tâm. Bởi vì chính Thánh Tâm là Tình yêu Chúa tạo dựng, cứu chuộc, nhưng dễ bị xúc phạm và bị bỏ quên. Chính tình yêu đó luôn lo lắng cho phần rỗi chúng ta. Người chỉ mong chúng ta hãy biết đón nhận ơn cứu chuộc bằng việc ăn năn sám hối chân thành.

Một điều thiết tưởng nên nhớ trong việc ăn năn sám hối, là cần để ý đến tính cách cụ thể. Ăn năn về tội gì? Sám hối về tính mê nết xấu nào? Quyết tâm ra sao để sửa đổi những hành vi, cử chỉ, ngôn từ, cách suy nghĩ, cách phán đoán trước đây không tốt. Phúc Âm thường hay dạy chúng ta về tính cách cụ thể trong việc ăn năn sám hối, để việc đổi mới chính mình được hữu hiệu.

Cùng với việc ăn năn sám hối, chúng ta còn nên nghĩ đến một việc nữa, khi tôn sùng Thánh Tâm. Việc đó là dâng mình cho Thánh Tâm.

2/ Dâng mình cho Thánh Tâm

Để hiểu thế nào là dâng mình cho Thánh Tâm, chúng ta nên đọc và suy gẫm những lời Phúc Âm sau đây:

“Rồi, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?” (Mc 8,34-38).

Như thế, ai dâng mình cho Thánh Tâm cần thực hiện những việc sau đây:

  • Từ bỏ mình,
  • Vác thánh giá mình,
  • Theo Chúa Giêsu.

Thực hành những đòi hỏi trên đây được hiểu là thực thi thánh ý Chúa. Thực thi thánh ý Chúa là căn bản của tinh thần thờ phượng, đáng Chúa nhận là chứng từ thuộc về Chúa, như lời Chúa Giêsu phán:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Đừng vội cho rằng: Thực thi thánh ý Chúa với những đòi hỏi từ bỏ mình, vác thánh giá mình và theo Chúa là chọn cho mình một gánh nặng khổ cực. Nhưng hãy tin vào lời Chúa ủi an nhắn gởi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Những lời Chúa hứa trên đây là một bảo đảm quý giá cho những ai tôn sùng Thánh Tâm Chúa một cách xứng đáng, nhất là theo gương Thánh Tâm mà sống bác ái và khiêm nhường Phúc Âm.

Cuộc đời là một cuộc giao tranh giữa thiện và ác. Xác thịt thì yếu đuối. Thế gian thì nông nổi. Quỷ thì độc dữ. Chúng thường lôi kéo chúng ta theo đàng tội. Chúng ta hãy khôn ngoan và tỉnh thức trong các chọn lựa.

Cách chọn lựa chắc chắn nhất là hãy nương tựa vào Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài rất gần gũi ta. Ta nương tựa bằng lòng tôn sùng với hai việc trọng yếu là sám hối và dâng mình.

Luôn luôn được ở lại trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là lời cầu đơn sơ của những tâm hồn bé mọn. Thiết tưởng đó cũng là tiếng gọi âm thầm của Thánh Tâm gởi tất cả mọi người thiện chí đã cảm nghiệm về tính cách mong manh của cuộc đời.

Nguồn gốc lòng sùng kính
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

A. Thánh Kinh

* Phúc âm Thánh Luca ba lần trực tiếp nói về Trái Tim Mẹ là nền tảng chính yếu lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ:

– “Maria giữ kỹ mọi điều ấy và hằng ngày suy nghĩ trong lòng” (Lc 2,19).

– “Mẹ Ngài giữ kỹ hết các điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

– “Một mũi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà” (Lc 2,35). Câu Phúc âm này là nền tảng chính yếu của lòng tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ.

* Theo Đức Piô XII, các Giáo phụ giải thích lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, căn cứ vào hai câu sách Diễm Ca:

– “Tôi như vườn khoá chặt, là suối niêm phong” (Dc 4,12).

– “Tôi ngủ mà lòng tôi thức” (Dc 5,12).

B. Lời các Thánh 

– Thánh Giêrônimô: Không trí khôn thụ tạo nào, không trái tim thụ tạo nào, không sức lực nhân loại nào có thể biết được Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Chúa chúng ta đến mức nào.

– Thánh Bênađô: Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh. Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này.

– Thánh Amađêô: Tình yêu tự nhiên đối với Chúa là Con Mẹ, và tình yêu siêu nhiên đối với Chúa là Thiên Chúa của Mẹ đều qui tụ trong Trái Tim Mẹ Maria.

– Thánh Bênađinô: Đức Nữ Trinh hiển vinh không lặp lại những tác động yêu mến như các thánh, vì trọn cuộc đời Mẹ là một tác động yêu mến liên lỉ do một đặc ân Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa.

– Thánh Phanxicô Salêsiô: Mẹ Maria trung thành yêu mến Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối nhất và tuyệt vọng nhất, đặc biệt trên đồi Canvê. Mẹ tới một mức độ yêu mến hoàn hảo nhất, cao cả nhất. Điểm căn bản là tâm hồn Mẹ tan hòa kết hợp với Chúa và chỉ yêu mến duy một Thiên Chúa trong mọi sự và mọi nơi.

– Thánh Tôma Kempi: Chúng ta có thể tìm một nơi náu ẩn nào có bảo đảm hơn Trái Tim từ bi Mẹ Maria? Người khốn khó tìm được sự cứu giúp, kẻ ốm liệt tìm được thuốc thang, người sầu khổ tìm được sự ủi an, người xao xuyến tìm được lời khuyên răn, kẻ thất vọng tìm được sự phù trợ.

– Thánh Tôma Villanova: Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi mà ông Môisen trông thấy, là hình ảnh đích thực Trái Tim Mẹ Maria.

– Thánh Euđê: Trái Tim Mẹ Maria là Trái tim Giáo Hội chiến đấu, Giáo Hội tẩy luyện và Giáo Hội vinh thắng.

– Thánh Gioan Maria Vianney: Chúa Con có đức công bình của Người, Mẹ không có gì, chỉ có tình yêu là Trái tim của Người. Không có ơn nào từ trời xuống mà không qua tay Mẹ.

– Thánh Eymard: Ai muốn hiểu biết những bí nhiệm thẳm sâu tình yêu Thiên Chúa, và những nhân đức kín nhiệm Thiên tính Chúa Giêsu, thì phải học trong tấm gương trong suốt Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

C. Giáo Huấn của Giáo Hội

– Đức Piô XII: Tình Hiền Mẫu của Trái Tim Mẹ Maria gần như vô biên. Tâm hồn Mẹ đầy tình hiền ái nồng nàn nhất. Trong giờ phút bi thảm của lịch sử loài người này, chúng con phó thác và hiến dâng chúng con cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ.

– Đức Phaolô VI: Một lễ rất được người đạo đức thời nay yêu quí theo chiều hướng mới lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Đó là lễ Trái Tim Đức Mẹ.

– Đức Gioan Phaolô II: Trái Tim Mẹ Maria đã luôn luôn theo sát sự nghiệp Con mình, và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Đức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Ngài.

– Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã mở ra khi Chúa nói: “Hỡi Bà, này là con Bà.” Một cách thiêng liêng, Trái Tim Mẹ đi gặp gỡ Trái Tim Con Mẹ đã mở ra khi bị lưỡi đòng của người lính đâm thâu. Trái Tim Mẹ mở ra vì cùng một tình yêu thương người ta và thế giới mà Chúa Kitô đã yêu thương, đã tự hiến trên cây Thánh Giá.

(Lược trích theo Lm. Phêrô CMC).

LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM
VÀ MẪU TÂM TRONG LỊCH SỬ

Không thể tách rời

«Trái tim Mẹ Maria hằng kết hợp mật thiết với Trái Tim Chúa Giêsu, Con Mẹ. Trên trần gian, không ai yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria, và cũng không ai yêu mến Trái Tim Mẹ Maria hơn Chúa Giêsu». Đó là điều thánh Bonaventura (1221-1274) viết trong cuốn ‘Cây Nho huyền nhiệm’ (Vitis mystica) và lập lại trong cuốn ‘Cây gỗ ban sự sống’ (De ligno vitae).

Về sau thánh Gioan Ơđêô (Jean Eudes, 1601-1680), người nổi tiếng về lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Maria, đã soạn thảo lời nguyện lễ sau đây: «Xin cho chúng con cử hành xứng đáng lễ kính đời sống kết hiệp mật thiết của Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria trong cùng một Trái Tim…».

Năm 1916, Thiên thần đã hiện ra với ba em Lucia, Phanxicô và Jacinta nhiều lần và dạy cho ba em cầu nguyện: «…Xin nhờ công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa và Mẫu Tâm Đức Maria, chúng con tha thiết cầu xin Chúa cho các tội nhân được hoán cải trở về cùng Chúa».

Trong những thập niên gần đây, các Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhiều lần đã liên kết Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria một cách tuyệt vời qua các lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ Fatima (xem Fatima, Hoà Bình và Tình Thương, Giáo Xứ VN-P, 2000, tr.210-245).

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Có lẽ mãi vào thế kỷ XIII, mới thấy xuất hiện những gợi ý về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cùng thời với thánh Bonaventura, người ta kể đến hai thánh nữ Méctinđa (Mechtilde, +1298) và thánh Déctruđa (Gertrude, +1301). Khi chiêm niệm cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu, các ngài phát khởi lòng sùng kính chân thành Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Nhưng mãi tới thế kỷ XVII, trước ‘phong trào sống đạo cứng nhắc và khô khan’ do Canvanh (Calvin) và của Dansênít (Janséniste) khởi xướng, mới xuất hiện một vị thánh được coi như tông đồ đầu tiên của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ, là thánh Gioan Ơđêô. Ngài đã soạn thảo một bộ lễ phụng vụ tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, người phổ biến cho cả thế giới lòng sùng kính Thánh Tâm, lại là một nữ tu dòng Thăm Viếng tỉnh Paray-Monial (Pháp), tên là Magarita Alacốc (Marguerite Alacoque, 1647-1690). Thánh nữ được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần trong quãng thời gian từ tháng 12 năm 1673 đến tháng 6 năm 1675, và chỉ cho thấy Thánh Tâm của Ngài: ‘Đây là Trái Tim đã yêu thương loài người biết bao!’. Chính thánh nữ đã phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm và đem lại cho lòng sùng kính này một ý nghĩa mới mẻ: Trước kia, người ta chỉ quan tâm đến sự phạt tạ mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để bầu cử cho loài người tội lỗi, từ nay thánh nữ nhấn mạnh đến việc phải đền tạ chính Chúa Giêsu về tội nhân loại không yêu mến Ngài cho đủ. Chúa Giêsu đã truyền cho Thánh nữ phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau, lòng yêu mến đối với Thánh Tâm của Ngài, và cử hành một thánh lễ tôn kính Thánh Tâm.

Mặc dầu đã được nói đến từ thế kỷ XIII trong niềm xác tín: Trái Tim Đức Maria hằng kết hợp mật thiết với Trái Tim Chúa Giêsu, nhưng mãi tới thế kỷ XVII người ta mới khởi sự lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, quen gọi là sùng kính Mẫu Tâm. Người dẫn đầu phong trào sùng kính này là thánh Gioan Ơđêô.

Lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria bừng sáng một cách đặc biệt kể từ khi Đức Mẹ hiện ra với ba em nhỏ Lucia, Phanxicô và Jacinta tại Fatima, năm 1917. Nơi đây, nhiều lần hiện ra, Đức Mẹ đã dạy các em và qua các em, kêu gọi thế giới «hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, và hãy xác tín ‘Trái Tim Mẹ sẽ thắng’».

 Lược trích: Lm Du Sinh (giaoxuvnparis.org)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment