Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 06-2014

TRANG HỌC TẬP

 

10 LỜI NGUYỆN THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

1. Trong mọi nhu cầu, xin chạy đến cùng Chúa, tin tưởng và khiêm nhường thưa với Chúa rằng: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

2. Trong những lúc con do dự, phân vân và bị cám dỗ: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

3. Trong những giờ cô đơn, mỏi mệt và thử thách: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

4. Lúc các chương trình và mong ước của con đều thất bại, lúc con tuyệt vọng, khốn khổ, ưu sầu: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

5. Lúc những kẻ khác ruồng bỏ con, vì chỉ có ơn Chúa mới hỗ trợ con: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

6. Lúc con phó mình cho Tình yêu dịu ngọt của Chúa, là Cha và là Đấng Cứu Chuộc: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

7. Lúc tâm hồn con buồn phiền, chán nản, nhận thấy các nỗ lực của con không ích lợi gì: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

8. Lúc con cảm thấy bồn chồn, vì Thánh Giá của con làm con bứt rứt: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

9. Lúc con đau yếu trí óc và đôi tay con không làm được việc gì, và con bị cô độc, lẻ loi: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.

10. Luôn luôn và luôn luôn, mặc dầu những yếu đuối, sa ngã và những thiếu sót của con: “LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, xin giúp đỡ con”.


VUI TRONG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

+GM GB Bùi Tuần

Tháng 6 hằng năm được phụng vụ dành riêng cho việc kính thờ trái tim Chúa Giêsu.

Tháng này, một bầu khí thiêng liêng khác thường bao phủ các cộng đoàn công giáo.

Trong Hội Thánh Việt Nam, bầu khí đạo đức này được diễn tả như một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa, và giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời.

Những trao đổi thân thương ấy có sức cải hoá nhiều tâm hồn. Tôi đã được tham dự bầu khí đạo đức đó. Rất nhiều cảm nghiệm. Ở đây tôi chỉ xin chia sẻ đôi chút trong lãnh vực niềm vui thiêng liêng.

1/ Vui vì mình được Chúa nhận làm con

Xưa Chúa Giêsu đã mời gọi: “Ai khát, hãy đến với Ta. Ai tin vào Ta, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38).

Lời mời gọi tha thiết ấy gây âm vang trong linh hồn tôi. Tôi đang khát hạnh phúc. Tin vào lời Chúa, tôi đến với trái tim Người. Tại đây, tôi nhận được dòng chảy yêu thương lạ lùng. Càng đón nhận, với lòng khiêm tốn, tôi càng cảm thấy mình thuộc về Chúa. Đến một lúc không ngờ, tôi cảm nhận được rõ ràng chắc chắn mình được Chúa nhận làm con.

Tất cả đều xảy ra đúng như lời thánh Phaolô dạy: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ hãi như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Apba! Cha ơi'” (Rm 8,14-15).

Biết mình được là con Chúa, đó đã là một hạnh phúc lớn. Nhưng cảm nghiệm được thế nào là người con Chúa mới lại là một hạnh phúc khó tả. Trong cảm nghiệm đó có sự nhận biết Chúa là Cha vô cùng thương xót. Đây là một ơn Chúa ban cho nhưng không.

Ơn xót thương của tình Cha luôn chảy vào hồn tôi, để hồn tôi được hiệp thông với sự sống Chúa. Nhờ đó, tôi đón nhận được phần nào ơn biết mình bé nhỏ, khó nghèo, yếu đuối.

Bên cạnh niềm vui được làm con Chúa, tôi còn tìm được một niềm vui khác, khi ở lại trong trái tim Chúa. Niềm vui đó là được góp phần vào lễ tế của Chúa Giêsu.

2/ Vui vì được góp phần vào lễ tế của Chúa Giêsu

Nhiều khi, chúng ta thường nghĩ rằng: Lễ vật làm vui lòng Chúa là những đắc thắng hoặc hy sinh theo ý của ta, hoặc theo dư luận quần chúng. Nhưng không phải thế. Đoạn văn sau đây của tác giả thư gởi Do Thái nói rõ thế này:

“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thiết lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài như Kinh Thánh đã chép về con'” (Dt 10,5-6).

Như vậy, lễ tế mà Chúa muốn chính là con người của ta khi thực thi thánh ý Chúa.

Con người của tôi, khi thực thi thánh ý Chúa, sẽ ẩn mình vào trái tim Chúa Giêsu. Một đàng phấn đấu thắng vượt những ý hướng chiều theo xác thịt, thế gian, ma quỷ, một đàng sống theo những chọn lựa hợp thánh ý Chúa.

Kinh nghiệm cho thấy: Thắng vượt được những ý hướng xấu là việc không dễ. Ngay việc nhận ra ý hướng nào là xấu về mặt đạo đức cũng đã khó thực hiện. Huống hồ là phấn đấu thắng vượt chúng, khi đã nhận ra chúng rồi.

Hơn nữa, trong đàng thiêng liêng, thắng tội chưa phải là đủ, mà còn phải công chính hoá con người của mình bằng sự dấn thân vào con đường Chúa muốn ta đi. Nhận ra con đường thánh ý Chúa và dấn thân bước mãi không ngừng trên con đường ấy. Đó chính là một lễ tế đẹp lòng Chúa. Lễ đó xảy ra ở thân xác ta và tâm hồn ta. Phải yêu thực nhiều và phải hy sinh rất nhiều. Có đau khổ tâm hồn và có đau đớn phần xác. Mọi sự đều nội-tâm-hoá.

Phải nói là lễ tế như vậy không dễ dàng gì đâu. Nhưng khi ta ở lại trong trái tim Chúa, khiêm tốn để trái tim Người đào tạo, thì bản thân ta và đời ta sẽ trở thành lễ tế. Lễ tế của ta trong trái tim Chúa sẽ là một niềm vui cho ta. Một niềm vui âm thầm, vì ta được tham dự vào lễ tế của Chúa Giêsu.

Khi nói đến niềm vui âm thầm, tôi lại nhớ tới một niềm vui khác, mà tôi được cảm nghiệm, khi ở lại trong trái tim Chúa. Đó là niềm vui được biết yêu thương.

3/ Vui vì mình được Chúa dạy cho biết yêu thương

Thánh Phaolô viết: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.

“Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được nhiều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì.

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

“Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù…” (1 Cr 13,1-5).

Tất cả những gì thánh Phaolô nói trên đây đều được dạy ở trường trái tim Chúa.

Kinh nghiệm tu đức, mục vụ và truyền giáo cho thấy: Tình yêu nhân bản là một giá trị cao quý, nhưng tình yêu phát xuất từ trái tim Chúa mới là tình yêu cứu độ và thánh hoá.

Nhờ ơn Chúa, trái tim ta được cải đổi, để biết sống bé nhỏ trong lửa tình yêu trái tim Chúa. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được rằng: Yêu người như Chúa yêu ta là việc phải tập luyện lâu dài, suốt đời.

Không phải cứ học biết lý thuyết và sinh hoạt phong trào là đủ. Nhưng phải gặp gỡ sống động với trái tim Chúa. Gặp gỡ trong bầu khí thinh lặng, hồi tâm, cầu nguyện, với niềm tin: Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Người yêu ta trong Thánh Thần, Người đến để dẫn ta về với Chúa Cha.

Với mấy chia sẻ trên đây, tôi tha thiết cầu mong tháng kính Trái Tim Chúa Giêsu năm nay sẽ đem lại cho mỗi người chúng ta nhiều niềm vui thiêng liêng hữu ích cho mình và cho Hội Thánh Việt Nam.

Những niềm vui thiêng liêng ấy sẽ giúp cho chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Nước Tình yêu Chúa đang phát triển, đồng thời cũng giúp cho chúng ta phân định được những mưu mô Satan đang toan tính phá hoại Nước Chúa tình yêu.

(nguồn: tinmung.net)

 

THÁNH VỊNH MẸ MARIA

Thánh Louis Grignion De Montfort

Ngay từ khi thánh Đa Minh thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi cho đến lúc chân phước Alan de la Roche lập lại việc tôn sùng này vào năm 1460, Kinh Mân Côi luôn được gọi là Ca Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tên gọi của Kinh Mân Côi như thế là vì Kinh Mân Côi có cùng một lời chào của Thiên Thần như số thánh vịnh trong sách Thánh Vịnh Vua Đavít. Đối với thành phần tầm thường và vô học không thể đọc các Thánh Vịnh Đavít thì Kinh Mân Côi cũng mang lại ích lợi cho họ như Thánh Vịnh Đavít đối với các người khác vậy.

Tuy nhiên, Kinh Mân Côi còn được coi như có giá trị hơn các Thánh Vịnh vì ba lý do sau đây:

Thứ nhất, vì Thánh Vịnh Thiên Thần chất chứa một hoa trái cao qúi hơn, đó là Ngôi Lời nhập thể, trong khi Thánh Vịnh Đavít chỉ nói tiên tri về việc Ngôi Lời sẽ đến mà thôi.

Thứ hai, giống hệt như một vật có thật bao giờ cũng quan trọng hơn hình ảnh ám chỉ về nó, và như thân thể quan trọng hơn chiếc bóng của nó thế nào, Thánh Vịnh Đức Bà cũng cao cả hơn Thánh Vịnh Đavít là Thánh Vịnh ám chỉ Thánh Vịnh Đức Bà.

Thứ ba, vì Thánh Vịnh Đức Bà (hay Kinh Mân Côi được hợp bởi kinh Lạy Cha và Kính Mừng) là việc của chính Ba Ngôi Chí Thánh làm chứ không phải việc nhờ dụng cụ loài người.

Thánh Vịnh Đức Bà hay Kinh Mân Côi được chia ra làm 3 phần, mỗi phần 50 kinh với những lý do sau đây:

1) Để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa;

2) Để tôn kính sự sống, sự chết và vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô;

3) Để bắt chước Giáo Hội khải hoàn, để cứu giúp những phần thân thể của Giáo Hội chiến đấu, và để giảm bớt đau thương nơi Giáo Hội tẩy luyện.

4) Để bắt chước ba nhóm Thánh Vịnh được phân chia:

– Trước hết là cho đời sống được thanh tẩy.

– Thứ hai là cho đời sống được soi sáng.

– Thứ ba là cho đời sống được kết hợp.

5) Và cuối cùng là để ban cho chúng ta muôn vàn ơn sủng trong đời sống trần gian, bình an trong giờ lâm tử và vinh quang trong nơi vĩnh phúc.

(Le Secret Admirable du très Saint Rosaire (Bí Mật Kinh Mân Côi), Bông hồng 6, Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh, BVL)

 

CÁC GIÁO HOÀNG VÀ KINH MÂN CÔI

Chân phước ĐGH Gioan Phaolô II

Kinh Mân Côi là lời kinh tuyệt diệu: đơn giản, dễ thực hiện, nhưng ơn ích mang lại thì vô vàn. Xin đọc những lời tâm sự của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” để thấy được sự tuyệt vời của lời kinh này. Dưới đây là đoạn trích nguyên văn số 2.

Nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã gán một tầm quan trọng lớn lao cho lời kinh này. Đáng đặc biệt ghi nhớ là Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ngày 1.9.1883 đã ban hành Thông điệp Supremi Apostolatus Officio, một văn kiện rất có giá trị, khởi đầu của nhiều lời phát biểu của ngài về lời kinh này; trong Thông điệp này, ngài xem Kinh Mân Côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội. Trong số các Giáo hoàng mới đây, từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, nổi danh trong việc cổ võ Kinh Mân Côi, tôi muốn nhắc đến Á thánh Gio-an XXIII và nhất là Đức Giáo hoàng Phao-lô VI, trong Tông huấn Marialis Cultus, đã nhấn mạnh, theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II, tính chất Tin Mừng của Kinh Mân Côi và chiều hướng quy Ki-tô. Chính tôi cũng đã thường xuyên khuyến khích năng đọc Kinh Mân Côi. Từ thuở niên thiếu, lời kinh này đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi. Tôi đã được gợi nhớ cách mãnh liệt về điều đó qua chuyến công du mới đây về Ba Lan, và nhất là tại Đền thánh Kalwaria. Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ. Cách đây 24 năm, vào ngày 29.10.1978, vừa mới hai tuần sau khi được chọn lên ngôi toà Phê-rô, tôi đã thẳng thắn thừa nhận: Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó. […]. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi, theo một nghĩa nào đó là lời kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Va-ti-ca-nô II, một chương đề cập đến sự hiện diện đáng thán phục của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Ki-tô và mầu nhiệm Giáo Hội. Trên bối cảnh lời kinh Ave Maria những biến cố chính trong đời sống Đức Giê-su Ki-tô diễn ra trước con mắt của linh hồn. Được quy lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, chúng dẫn chúng ta đến thông hiệp cách sống động với Đức Giê-su qua con tim của Mẹ Người, ta có thể nói thế. Đồng thời con tim của chúng ta có thể gán vào chục kinh Kính Mừng mọi biến cố của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Mối quan tâm của riêng ta và của những người thân cận, đặc biệt những người gần gũi nhất của ta, những người thân thiết nhất của ta. Vì thế lời Kinh Mân Côi đơn sơ ghi dấu ấn lên nhịp sống của con người.

Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu của triều giáo hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh Mân Côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phê-rô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao nhiêu ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh Nữ qua Kinh Mân Côi: Magnificat anima mea Dominum! (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa). Tôi muốn dâng lời cảm tạ lên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ rất thánh của Người, dưới sự che chở của ngài, tôi đã đặt công việc phục vụ giáo hoàng của tôi: Totus Tuus!

(Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 2).

 

TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

Năm 1917, tại Fatima nước Bồ (Portugal), Chúa Giêsu và Mẹ Maria muốn lập lòng sùng kính Trái tim Mẹ trên khắp thế giới:

1/ Ngày 13.6.1917, Đức Mẹ phán với 3 em Luxia, Giaxinta và Phanxicô: “Thiên Chúa muốn thiết lập  LÒNG TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ trên thế giới”.

Và Mẹ phán riêng với Luxia buồn vì phải ở lại một mình: “Trái Tim Mẹ là nơi con nương ẩn và là đường đưa con tới Chúa”.

2/ Ngày 13.7.1917, trước khi cho 3 em thấy Hỏa ngục, Đức Mẹ phán: “Hãy hi sinh cầu cho các tội nhân và đọc: Lạy Chúa Giêsu, vì lòng mến Chúa, để cầu cho tội nhân sám hối và đền tạ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ”.

Sau khi cho các em thấy Hỏa ngục Đức Mẹ lại phán: “Các con đã thấy hỏa ngục, nơi các tội nhân khốn nạn rơi vào. Để cứu vớt các tội nhân, Chúa muốn thiết lập  LÒNG TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ. Nếu LÒNG TÔN SÙNG TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ được thiết lập trên thế giới, nhiều tội nhân sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hoà bình”.

Cũng trong ngày này, Đức Mẹ dạy “Hãy năng rước lễ ĐỀN TẠ TRÁI TIM ĐỨC MẸ CÁC THỨ BẢY ĐẦU THÁNG để xin ơn hoà bình cho thế giới”.

“Sau cùng TRÁI TIM ĐỨC MẸ SẼ THẮNG, Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ, nước này sẽ trở lại, và thế giới sẽ được bình an một thời kỳ”.

3/ Ngày 10.12.1925, Đức Mẹ phán với Luxia: “Hãy cảm thương TRÁI TIM ĐỨC MẸ bị gai bao bọc vì tội vô ơn của loài người. Không có ai nhổ gai được, nếu không làm việc đền tạ”.

Người phán thêm: “TRÁI TIM ĐỨC MẸ bị gai đâm thâu vì tội phạm thượng và vô ơn của loài người. Ít là con hãy yên ủi Trái Tim Mẹ.

Người còn hứa: “Mẹ hứa ban mọi ơn cần để rỗi linh hồn cho những ai xưng tội, Rước lễ, và đọc 5 chục KINH MÂN CÔI với Mẹ, trong 5 thứ Bảy đầu tháng liên tiếp, có ý ĐỀN TẠ TRÁI TIM MẸ”.

(Ngày 25.9.1930, Chúa giải nghĩa cho Luxia lý do tại sao rước lễ 5 thứ Bảy đầu tháng. Theo lời Chúa, vì có 5 thứ xúc phạm đến Trái tim Mẹ như sau: 1. Chối ơn Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ; 2. Chối ơn Đồng trinh của Mẹ; 3. Chối ơn Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại của Mẹ; 4. Dạy các trẻ em khinh thường, chê ghét Đức Mẹ Vô nhiễm; 5. Xúc phạm đến Đức Mẹ hoặc ảnh tượng Mẹ (Trích cuốn Fatima in Lucia’s own words, 1976, p. 195).

Theo Lm. Phêrô, CMC; nguồn: xuanha.net).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment