- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 06-2013

CỨ LÀM THEO

NỘI SAN KINH MÂN CÔI

SỐ THÁNG 06/2013

MẸ MARIA

Có Lòng Khoan Nhân

Mục Lục

LỜI NGỎ

Chúa Giêsu có một quả tim luôn thổn thức vì con người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11,28).

Chúa Giêsu có lòng khoan nhân vô cùng. Ngài yêu con người đến cùng, yêu đến nỗi chấp nhận chết nhục nhã. Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu, nên Mẹ cũng có một trái tim khoan nhân như Chúa.

Tháng 6 là dịp để mỗi người chúng ta – những người đang đau khổ, vất vả lầm than, chán nản, thất vọng…- chạy đến với Trái Tim có lòng khoan nhân không bờ bến, để được an ủi vỗ về.

Như Mẹ, chúng ta chiêm ngắm tình thương của Chúa. Với Mẹ, chúng ta nương tựa nơi Trái Tim Chúa. Nhờ Mẹ, chúng ta tiếp nhận sức sống từ Trái Tim Chúa. Trong Mẹ, chúng ta cứ làm theo lương tâm ngay thẳng, ở nơi đó tiếng Chúa vọng ngân và Ngài âm thầm đang chờ đợi chúng ta đáp lại.

Đặc trách

Tu sĩ  FX. Trần Kim Ngọc, OP.

 

01/06/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                        Mc 11,27-33

NHẬN RA CHÚA

Như Mẹ: Người Do Thái chất vấn Chúa Giêsu về thẩm quyền của Ngài. Những công việc Chúa đã thực hiện chứng tỏ Ngài là ai, Ngài từ đâu tới. Nhưng vì cứng lòng, họ không chịu biết Chúa. Họ đã phủ nhận sự thật. Họ không muốn biết sự thật.

Với Mẹ: Chúa ban cho con ngũ quan và các khả năng tinh thần. Con phải dùng chúng để suy tư và tìm hiểu về Chúa, về tình yêu của Thiên Chúa. Nhìn ngắm vũ trụ, quan sát vạn vật, con phải biết tìm ra ý nghĩa của chúng. Suy tư về sự hiện hữu của bản thân con, con phải nhận ra bàn tay tác tạo yêu thương của Ngài.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết mở to đôi mắt để ngắm nhìn những kỳ công của Thiên Chúa, và dùng miệng lưỡi để ca tụng Ngài.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02/06/2013                                    Chúa Nhật IX TN – Năm C

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA                          Lc 9,11b-17

CHO HỌ ĂN

Như Mẹ: Đám đông đến nghe Chúa Giêsu nơi hoang vắng. Khi trời đã tối, họ đói bụng. Chúa sai các tông đồ: “anh em hãy cho họ ăn”. Các ngài đã làm theo lời Chúa bảo. Với năm cái bánh và hai con cái, Chúa cho người ta ăn no nê. Qua việc này, Chúa cho chúng ta biết Ngài là bánh sự sống. Chúng ta được Chúa cho ăn bánh sự sống là Thịt và Máu Chúa. Chúng ta lại được mời gọi chia sẻ bánh ấy cho người khác.

Với Mẹ: Chúa đã ban mình và máu cho con để con được ăn và được uống. Nhờ ăn và uống, con mới được sống. Chúa sai Giáo Hội tiếp tục cho nhân loại ăn bánh sự sống.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã sống nhờ Chúa. Chúa trở thành nguồn sống của Mẹ, xin Mẹ giúp con biết sống nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03/06/2013                                                    Thứ Hai

                                                                         Mc 12,1-12

CHU TOÀN BỔN PHẬN

Như Mẹ: Chúa dùng hình ảnh ông chủ trẩy đi xa để nói với chúng ta: hãy sống tương quan yêu thương, gắn bó mật thiết với Chúa, và làm tròn bổn phận Chúa trao phó cách hoàn hảo. Đừng hững hờ vì tưởng rằng Chúa ở đâu xa, còn lâu Chúa mới trở lại.

Với Mẹ: Vườn nho Chúa trao cho con chăm sóc là những trách nhiệm của con mỗi ngày. Con quyết tâm nuôi dưỡng linh hồn con nhờ ân thánh sủng của Chúa để làm phát sinh hoa trái. Con cố gắng chu toàn bổn phận với hết khả năng Chúa ban, hoàn thành những công việc dù nhỏ mọn, với tình yêu và lòng trung tín.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết yêu mến và làm trọn thánh ý Chúa trong từng ngày sống và trong mỗi công việc.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên Trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04/06/2013                                                     Thứ Ba

                                                                        Mc 12,13-17

CON THUỘC VỀ CHÚA

Như Mẹ: Thiên Chúa đã ban cho ta biết bao ân huệ: thân xác, tâm hồn và mọi khả năng. Con người được Chúa sinh ra là để sống tâm tình chúc tụng và tạ ơn Chúa không ngừng. Thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, vì thế không được làm điều sai trái, nhưng phải luôn thực hiện điều tốt để được thuộc về Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa. Con thuộc về Chúa và Chúa thuộc về con. Con xin dâng lên Chúa trót cả tâm hồn, tâm trí và thân xác con. Lạy Chúa, con quyết sử dụng chúng để làm vinh danh Chúa, thánh hoá bản thân con. Và trong Chúa, con cầu xin cho người chưa biết Chúa rồi cũng được thuộc về Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con luôn biết sống tâm tình ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn Chúa bằng cả con người và cuộc sống của con.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05/06/2013                                                     Thứ Tư

                                                                        Mc 12,18-27

SỰ SỐNG BÊN KIA ĐỜI NÀY

Như Mẹ: Cuộc sống đời này và cuộc sống mai sau có những khác biệt. Tuy nhiên, cuộc sống đời này lại hướng về cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Vậy làm sao ta có thể sống được điều trái nghịch này? Chúng ta phải sống cuộc sống tự nhiên với ý hướng siêu nhiên để đạt tới ý nghĩa cuối cùng của mọi sự.

Với Mẹ: Con biết chắc rằng mọi sự đời này sẽ qua đi. Con không muốn dại dột sống theo những gì hư ảo của thú vui trần thế này. Lạy Chúa, con xin hợp cùng với các thiên thần chúc tụng Chúa từ đời này và mãi đến muôn đời.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết chọn lựa sự khôn ngoan, và sống đời thánh thiện. Nhờ đó con đã bắt đầu sống cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu ngay từ đời này giữa những khổ đau của kiếp nhân sinh.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06/06/2013                                                   Thứ Năm

                                                                        Mc 12,28b-34

THĂNG TIẾN LUÔN

Như Mẹ: Chúng ta không được nghĩ rằng: sống đạo vừa tầm cũng đủ rồi, nghĩa là đừng quá tội lỗi, không trộm cắp, không giết người… còn mấy tội nhè nhẹ chẳng đến nỗi nào. Tưởng nghĩ như thế là sai lầm. Chúng ta được mời gọi hối cải hằng ngày, nghĩa là mỗi ngày phải trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn. “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” là một mệnh lệnh của Chúa.

Với Mẹ: Chúa là Đấng tuyệt đối. Con phải hiến dâng lên Chúa một tình yêu tuyệt đối. Con phải cố gắng yêu mến và nên giống Chúa bao nhiêu có thể. Con xin sức mạnh của Chúa trợ giúp con để con thực hiện được như lòng con khao khát.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã yêu Thiên Chúa bằng một tình yêu tinh tuyền. Xin Mẹ dạy con biết dành trọn vẹn tình yêu cho Thiên Chúa, một tình yêu nhiệt thành và trung tín.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07/06/2013                                                    Thứ Sáu

THÁNH TÂM CHÚA                                         Lc 15,3-7

NGƯỜI CÓ TỘI BIẾT ĂN NĂN

Như Mẹ: Chúa là mục tử chăn dắt ta, dẫn ta vào đồng cỏ xanh tươi màu mỡ để ta được ăn thoả thích, được sống dồi dào. Thế mà, chúng ta dại khờ khi tìm đến những nơi khô cằn cỏ cháy. Khi phạm tội là chúng ta bỏ Chúa. Thật dại khờ! Người có tội là con chiên đi lạc. Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi chiên lạc trở về. Chiên lạc trở về, Chúa vui mừng biết bao, trên trời sung sướng biết mấy!

Với Mẹ: Có tình yêu nào cao cả hơn tình Chúa yêu con. Chúa yêu con đến nỗi đã hy sinh tất cả vì con. Còn con lại bỏ Chúa mà đi tìm dối trá. Con thật dại khờ.

Nhờ Mẹ: Mẹ là Toà Đấng Khôn Ngoan, Mẹ biết rõ ai là người tội lỗi, trong đó có con. Xin Mẹ giúp con biết ăn năn khi con sa ngã phạm tội.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08/06/2013                                                    Thứ Bảy

Trái tim vẹn sạch  Đức Mẹ                         Lc 2,41-51

SỐNG THẢO VỚI CHÚA CHA

Như Mẹ: Chúa ở lại Đền thờ và trao đổi với các thầy khôn ngoan về lời của Cha trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu ý thức Ngài là Con Một của Cha, đồng thời Ngài hiểu rằng Đền thờ là nhà của Cha. Vì thế Ngài yêu mến học hỏi Kinh Thánh, yêu mến ở lại trong nhà Cha để cầu nguyện, gặp gỡ Cha.

Với Mẹ: Con tự hỏi mình: con cũng là con của Cha, nhưng con có siêng năng cầu nguyện với Cha không? Con có chăm chỉ đi dâng lễ ngày Chúa nhật không? Con có quan tâm học hỏi Kinh Thánh như Chúa Giêsu không? Con chưa thực sự sống tình con thảo đối với Cha!

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết yêu Chúa Cha như Chúa Giêsu đã yêu Cha. Đó là điều quan trọng nhất cho đời con.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

09/06/2013                                    Chúa Nhật X TN – Năm C

                                                                          Lc 7,11-17

CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Như Mẹ: Chúa Giêsu có lòng thương dân chúng lầm than. Đứng trước nỗi đau của người bà goá, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Chúa đã ra tay cứu bà bằng cách cho con bà được hoàn sinh. Đứng dậy là hành động của người thanh niên. Anh đã đứng dậy nhờ vào quyền năng của Chúa.

Với Mẹ: Sự sống ở đời này chỉ tạm bợ. Con biết rằng con sẽ phải chết. Nhưng khi con sa ngã phạm tội, là lúc con đang chết. Tình thương Chúa giúp con đứng dậy mỗi khi con gục gã.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến. Thiên Chúa đã đoái thương Mẹ bằng cách đưa Mẹ từ một người thôn nữ nghèo thành Mẹ của Vua chí thánh. Xin Mẹ giúp con sống biết cảm thương đối với người đau khổ…

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10/06/2013                                                    Thứ Hai

                                                                           Mt 5,1-12

LÀM CON CHÚA

Như Mẹ: Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, mỗi bước chân của Ngài là mỗi bước gieo rắc tình yêu, xây dựng tình người, đem lại sự hoà giải và bình an. Ai muốn làm con Thiên Chúa, thì phải ở trong Đức Giêsu và sống theo mẫu gương Ngài.

Với Mẹ: Con đã được làm con của Thiên Chúa khi con lãnh bí tích Rửa Tội. Con khao khát và quyết tâm sống đích thực làm con Chúa Cha. Trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, con tập sống thống nhất với chính bản thân con, và đem niềm vui, an bình tới cho anh chị em.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ Maria giúp con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong anh chị em của con. Xin cho con biết yêu thương để đối lại oán thù… Chỉ khi sống tình yêu đích thực, con mới là con của Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11/06/2013                                                     Thứ Ba

Th. Banaba tông đồ                                     Mt 10,7-13

ĐÃ ĐƯỢC CHO KHÔNG

Như Mẹ: Chúa Giêsu là nguồn ân sủng và chân lý mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta một cách sung mãn. Các môn đệ được Chúa chọn và ban cho nhiều ân sủng, không phải do công sức hay tài năng của các ngài, nhưng là do lượng từ bi nhưng không của Chúa. Đã được cho, Chúa dạy các môn đệ cũng phải cho không như vậy, và khi biết cho đi là lúc đón nhận.

Với Mẹ: Chúa Giêsu là quà tặng vô giá mà Chúa Cha đã ban cho con. Con đã được Chúa ban cho quá nhiều. Con tạ ơn Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã đón nhận quả phúc là Chúa Giêsu. Mẹ đã vội vã lên đường để trao ban quà tặng Chúa Giêsu cho gia đình ông Dacaria. Xin dạy con biết cho đi mà không mong nhận lại.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12/06/2013                                                     Thứ Tư

                                                                          Mt 5,17-19

NÊN HOÀN THIỆN

Như Mẹ: Tất cả những điều luật của Chúa đều có ý nghĩa và hữu ích cho chúng ta. Bỏ điều dù nhỏ nhất cũng là ngầm ý coi thường mệnh lệnh của Ngài. Chúng ta phạm tội vì yếu đuối, điều đó Thiên Chúa hiểu và dễ dàng tha thứ. Nhưng vì coi thường ý Chúa và lệnh truyền của Chúa sẽ làm Chúa rất đau lòng.

Với Mẹ: Con cố gắng không cố tình phạm tội, dù là tội nhỏ mọn. Con không lầm lạc để nghĩ rằng phạm tội nhẹ cũng không đáng kể gì. Mọi điều sai lỗi nhẹ đều đánh mất đi sự hoàn thiện mà Chúa đã đặt để trong con. Con cố gắng nên hoàn thiện vì Chúa là Đấng hoàn thiện.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ Maria luôn nhắc nhở con, để con có một lương tâm bén nhạy, tránh tội và tránh cả dịp tội dễ làm con sa ngã.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13/06/2013                                                   Thứ Năm

                                                                          Mt 5,20-26

LÀM HOÀ

Như Mẹ: Chúng ta thường nghĩ rằng: ai gây ra bất hoà, người ấy phải đi xin lỗi trước. Nhưng ở đây Chúa lại dạy: người khác bất bình với mình, mình cũng phải mau mắn đi hoà giải với họ trước khi đi dâng lễ. Có lỗi mà đi hoà giải còn là điều khó, huống nữa mình không gây ra tội mà vẫn phải đi hoà giải.

Với Mẹ: Thực hiện điều Chúa dạy đây quả là khó khăn. Con cảm thấy bị chạm tự ái. Nhưng con nhớ lại cách Chúa đã sống: Chúa chẳng hề giận hờn dù bị chửi bới đánh đập; trái lại Chúa còn xin Chúa Cha tha tội cho người xúc phạm đến Chúa. Con muốn nên giống Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết sống khiêm tốn. Với tâm hồn nhỏ bé đơn sơ, con sẽ dễ dàng thực hiện hơn điều Chúa dạy con ở đây.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14/06/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                           Mt 5,27-32

TRUNG THÀNH

Như Mẹ: Thiên Chúa là Đấng luôn luôn trung thành. Ngài trung thành với chính mình, và cũng trung thành với con người. Ngài hứa điều gì là Ngài thực hiện điều đó. Ngài thiết lập giao ước hôn nhân, và ấn định để vợ chồng sống trung thành với nhau. Khi sống trung thành với nhau là đôi vợ chồng đã phác hoạ được tình yêu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài để ký kết với con người một giao ước tình yêu. Chúa yêu con người và mời gọi con người đáp lại tình yêu đó một cách trung thành.

Với Mẹ: Sống trung thành với Chúa là phải dứt khoát với tội lỗi. Chúa trung thành với con, nên đã dứt khoát yêu con, dù con thế nào đi nữa.

Nhờ Mẹ: Mẹ được Giáo Hội tặng cho một tước hiệu là trung tín thật thành. Xin Mẹ giúp con biết sống trung thành với Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15/06/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                          Mt 5,33-37

THỀ HỨA

Như Mẹ: Con người hay thay đổi. Thề hứa rồi lại rút lời thề. Hứa rồi lại quên hoặc không thể thực hiện được. Chúa Giêsu dạy không cần phải thề thốt gì cả, nhưng hễ có thì phải nói “có”, không thì phải nói “không”, không được thêm bớt, còn thêm bớt là do ma quỷ. Sống theo Chúa là phải sống thành thật.

Với Mẹ: Chúa là Đấng trung thành. Chúa hứa điều gì thì Chúa sẽ thực hiện, Chúa không hề thay đổi, trước sau như một. Con tập sống thành thật trong thế giới giả dối này để chân lý Chúa ngày càng được sáng tỏ.

Nhờ Mẹ: Mẹ khiêm nhường trước Thiên Chúa. Mẹ luôn trung thành trong thái độ khiêm nhường đó, ngay cả khi Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa. Xin Mẹ dạy con sống khiêm nhường và thành thật trước Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

16/06/2013                                    Chúa Nhật XI TN – Năm C

                                                                        Lc 7,36 – 8,3

THA NHIỀU – YÊU NHIỀU

Như Mẹ: Người phụ nữ trong dụ ngôn đã được Chúa tha nhiều nên bà yêu mến nhiều. Và vì bà yêu mến nhiều nên lại được Chúa tha thứ nhiều. Mỗi người chúng ta, trước mặt Chúa, đều có tội và đều mắc nợ với Chúa. Tuy nhiên, Chúa sẽ không chấp tội chúng ta, nếu chúng ta biết hối cải; Chúa sẽ xoá nợ cho chúng ta, nếu chúng ta xin Chúa tha.

Với Mẹ: Có ai phạm tội như bà Mađalena, người bị bảy quỷ ám. Thế mà Chúa đã trừ quỷ cho bà, Chúa đã tha thứ cho bà. Bà đáp lại Chúa bằng một tình yêu tha thiết. Con phạm tội nhiều lần, nhưng Chúa đều tha thứ cả.

Nhờ Mẹ: Mẹ chẳng vương tội nào. Danh Mẹ làm cho ma quỷ khiếp sợ, xin Mẹ gìn giữ con trong trái tim vẹn sạch đầy từ mẫu của Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17/06/2013                                                    Thứ Hai

                                                                          Mt 5,38-42

SỐNG HIỀN HOÀ

Như Mẹ: Điều Chúa dạy ở đây là đừng lấy ác báo ác. Vì như thế sự ác sẽ cứ tiếp tục sinh ra sự ác và càng gây oán thù. Muốn dập tắt lửa hận thù, gian ác, thì phải dùng đến tình yêu. Chiến tranh không thể đem đến hoà bình. Hội đàm trong cảm thông và yêu thương, mới đưa đến bình an cho hai bên.

Với Mẹ: Chiến tranh hận thù xảy ra khắp nơi trên, bởi vì con người đã không lắng nghe lời dạy khuyên của Chúa. Để thế giới được hoà bình, con phải có tâm hồn hoà bình trước đã.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ uốn lòng chúng con trở nên hiền hoà, yêu thương để tránh đi biết bao khổ đau cho chính mình và người khác. Xin Mẹ thương cứu thế giới chúng con đang sa vào con đường tự huỷ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18/06/2013                                                     Thứ Ba

                                                                          Mt 5,43-48

SỐNG YÊU THƯƠNG

Như Mẹ: Con người chúng ta thường lấy “mình” làm trung tâm. Chúng ta dùng nguyên tắc đổi chác để cư xử với nhau, nghĩa là chỉ yêu người yêu mình, chống lại kẻ chống mình. Nhưng con cái Thiên Chúa thì không được phép sống như thế. Thiên Chúa là sự hoàn thiện, con cũng phải sống trong sự thiện hảo ấy.

Với Mẹ: Lạy Cha, con là con Cha nhưng con lại thích du nhập thói thế gian vào mình. Vì con gieo hận thù nên con chỉ gặt được hận thù. Con xin Cha hoán cải con, để con sống đúng cách làm con Cha.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con sống tâm tình hoán cải, để từ nay lấy yêu thương làm kim chỉ nam cho cuộc đời con. Dù không được người đời yêu thương, thì con vẫn biết sống tin yêu nơi Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19/06/2013                                                     Thứ Tư

                                                                     Mc 6,1-6.16-18

SỐNG THẦM LẶNG

Như Mẹ: Con cái loài người thường thích khoe khoang để tìm tiếng khen, để mong được người khác tôn vinh, mà thực tế bên trong thì rỗng tuếch. Suy nghĩ cho kỹ thì tiếng khen kia có giá trị bao lâu? Ôi cuộc đời này rất mong manh, phù vân. Khen đấy rồi lại chê ngay. Lòng người thay đổi như chong chóng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con biết thế mà vẫn bị nô lệ vào sự đánh giá của người đời. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho con. Nếu con tìm phần thưởng nơi người đời thì phần thưởng đó cũng sẽ qua nhanh như số phận con người. Con muốn tìm ý nghĩa và giá trị đích thực nơi Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con sống đời khiêm nhu, yêu sự trầm lặng, nhỏ bé. Xin đừng để con dại dột đi tìm cái bèo bọt của đời này, nhưng biết tìm giá trị cao vời trong cuộc sống vĩnh cửu.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20/06/2013                                                   Thứ Năm

                                                                           Mt 6,7-15

TÌNH CHA CON

Như Mẹ: Chúa là Cha mà nhiều khi chúng ta đến với Ngài như kẻ ăn xin. Đúng ra điều quan trọng chúng ta phải khao khát là đi vào tương quan tình yêu sâu xa với Ngài, hơn là quá băn khoăn chỉ nghĩ đến điều mình muốn. Tình cha mẹ trần thế còn biết thương con, huống nữa là tình Cha trên trời.

Với Mẹ: Con xác tín Chúa là Cha con. Con có thể xin Chúa điều con thiếu thốn. Con tin rằng Chúa biết cái gì tốt cho con, và khi nào cần Chúa sẽ cho con. Con không cố nài và bắt Chúa phải cho con ngay lập tức điều con thích. Con vâng theo ý Cha, vì Cha muốn điều tốt cho con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết tin tưởng vào tình yêu của Cha, và sống tâm tình của một người con như Chúa Giêsu, khi Ngài cầu nguyện cũng như cuộc sống Ngài.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21/06/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                          Mt 6,19-23

KHO TÀNG ĐÍCH THỰC

Như Mẹ: Kho tàng đích thực của chúng ta không ở nơi trần thế này, vì cuộc sống này là một cuộc lữ hành. Chúng ta đang trên đường về với Thiên Chúa, Cha chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc trọn vẹn khi được hiệp thông, được nên một trong Cha.

Với Mẹ: Giây phút hiện tại là nhịp cầu đưa con tiến dần về với Chúa. Xin cho con biết tận dụng thời giờ, khả năng và tất cả những gì Chúa ban cho con để sống yêu thương, chia sẻ, cảm thông, và bao dung như Chúa đã dạy con.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã hoàn tất cuộc đời trần thế một cách mỹ mãn và được lãnh nhận kho tàng quí giá là được kết hiệp với Chúa Giêsu con Mẹ. Xin Mẹ giúp con cũng biết hoàn tất hành trình đời con cách tốt đẹp như Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22/06/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                          Mt 6,24-34

TÌNH YÊU QUAN PHÒNG

Như Mẹ: Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và được mời gọi đi vào sống tương quan cha-con với Thiên Chúa. Đó là sự ưu việt mà các loài thụ tạo khác không có được. Tin tưởng và cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đã dành cho con người, giúp chúng ta xác tín hơn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dành cho mọi người và từng người.

Với Mẹ: Chúa luôn yêu thương con. Chúa dạy con sống xứng đáng với địa vị làm con Chúa khi Chúa sống trong gia đình thánh gia. Con muốn phụng sự và ca tụng Chúa mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã sống từng ngày như một lời tạ ơn liên lỉ. Xin Mẹ dạy con cùng Mẹ sống tâm tình tri ân Chúa, vì tình thương yêu mà Chúa đã quan phòng chăm sóc và gìn giữ chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

23/06/2013                                   Chúa Nhật XII TN – Năm C

                                                                          Lc 9,18-24

CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN

Như Mẹ: Như hơi thở cần cho sự sống thể lý thế nào, thì cầu nguyện cũng cần cho sự sống của tâm hồn như vậy. Chúa Giêsu là Chúa mà còn phải cầu nguyện, thì phương chi chúng ta là con người, lại phải cần cầu nguyện biết bao. Chúa cầu nguyện những lúc quan trọng. Chúng ta theo gương Chúa mà cầu nguyện luôn, nhất là khi gặp thử thách.

Với Mẹ: Chúa biết rõ mọi nhu cầu của con. Con cần Chúa hiện diện trong đời con. Cầu nguyện là cách mời Chúa hiện diện trong đời sống. Con nói chuyện với Chúa để hiểu ý Chúa và để Chúa tỏ tình với con.

Nhờ Mẹ: Mẹ luôn suy đi nghĩ lại trong lòng, đó là cách Mẹ cầu nguyện. Xin Mẹ giúp con biết luôn cầu nguyện để nghe được tiếng Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên Trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
24/06/2013                                                    Thứ Hai

SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ                  Lc 1,57-60.80

NHỎ ĐI ĐỂ CHÚA LỚN LÊN

Như Mẹ: Tên “Gioan” nghĩa là “Thiên Chúa Thi Ân”. Đây chính là tên Thiên Chúa đặt cho ông. Gioan không chỉ loan báo Đức Giêsu bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa. Tất cả những ân huệ ông nhận được đều do tình thương nhưng không của Thiên Chúa. Vì vậy mà ông luôn khao khát được nhỏ đi để Chúa lớn lên trong cuộc đời chứng nhân của ông.

Với Mẹ: Thánh Gioan Tẩy Giả trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa. Con tập sống khiêm cung trước mặt Chúa, để Chúa lớn lên trong con mỗi ngày qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

Nhờ Mẹ: Cả cuộc đời của Mẹ là một lời giới thiệu về Chúa Giêsu sống động. Xin Mẹ dạy con cũng biết giới thiệu Chúa cho anh chị em con, bằng cách sống đầy tình Chúa, tình người.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
25/06/2013                                                     Thứ Ba

                                                                        Mt 7,6.12-14

ĐƯỜNG VÀO NƯỚC CHÚA

Như Mẹ: Con đường vào Nước Thiên Chúa là con đường hẹp, con đường của hạt lúa mì bị chôn vùi, phải chết đi mới sinh được nhiều bông hạt. Chính Chúa Giêsu đã đi con đường này, chúng ta cũng không có con đường nào khác, nếu chúng ta muốn được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi trên Nước Trời.

Với Mẹ: Con xin Chúa giúp con cởi bỏ con người cũ là những tính hư nết xấu, là những gì cản trở con đến với Chúa và với anh chị em con. Xin mặc cho con tâm tình từ bi và khiêm tốn.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu nhưng cũng là người môn đệ tiên khởi, người môn đệ gương mẫu bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Xin cho con cùng đi với Mẹ trên con đường theo Chúa Giêsu bởi vì Chúa Giêsu chính là con đường dẫn về với Chúa Cha.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26/06/2013                                                     Thứ Tư

                                                                          Mt 7,15-20

NGÔN SỨ THẬT – NGÔN SỨ GIẢ

Như Mẹ: Làm sao để phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả? Ngôn sứ thật là ngôn sứ nói thay cho Chúa, dạy theo chân lý, dám nói sự thật dù bản thân mình phải chịu thiệt thòi. Còn ngôn sứ giả tìm cách trục lợi cho riêng mình, tìm cách nói vui lòng người nghe ngay cả khi phải đi ngược lại chân lý.

Với Mẹ: Con cần sống thân tình với Chúa, để nhạy bén nhận ra những gì đi ngược với Chúa. Con chăm chỉ học hỏi Lời Chúa, để không bị dụ dỗ bởi những lời ngọt ngào dễ nghe sai quấy. Con luôn trung thành với giáo lý của Giáo Hội để không bị kẻ thù lôi cuốn.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, giữa một thế giới “thật-giả” khó phân biệt, xin Mẹ dạy con khôn ngoan và có nhạy bén thiêng liêng để nhận ra sự thật, vì chỉ sự thật mới làm cho con được tự do.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27/06/2013                                                   Thứ Năm

                                                                          Mt 7,21-29

THI HÀNH Ý CHÚA

Như Mẹ: Đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mang danh là một Kitô hữu chưa đủ để bảo đảm cho phần rỗi linh hồn. Cần siêng năng học hỏi Kinh Thánh, tập thi hành ý Chúa, biết sống vị tha, yêu thương… Đó mới đích thực là con của Chúa, làm Chúa vui lòng.

Với Mẹ: Con tự vấn chính mình: tôi đang tìm gì trong cuộc sống? Thi hành ý Chúa hay chỉ tìm theo ý mình? – Con quyết tâm lấy Chúa làm trung tâm đời con. Con luyện tập thực thi ý Chúa, đó là yêu thương: kính mến Chúa, yêu anh chị em nhân loại của con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con luôn biết thi hành ý Chúa. Chỉ khi nào làm theo ý Chúa, con mới tìm được hạnh phúc ngay từ đời này và mãi muôn đời.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28/06/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                             Mt 8,1-4

BỆNH PHONG

Như Mẹ: Đối với người Do Thái, bệnh phong là một căn bệnh ghê tởm. Ai bị bệnh này thì bị khai trừ khỏi đời sống cộng đoàn và bị coi như là người tội lỗi. Chúa Giêsu đã cứu chữa anh. Chúa đã đối xử với anh như một con người bình thường. Chúa không ghét bỏ anh, không loại trừ anh. Điều này cho thấy Chúa rất công tâm và giàu tình thương.

Với Mẹ: Chúa có tình yêu thương vời vợi. Con không mắc bệnh phong, nhưng nhiều lần con phạm tội. Tội lỗi còn ghê hơn bệnh phong, thế mà Chúa vẫn yêu con.

Nhờ Mẹ: Mẹ có lòng khoan nhân. Mẹ là Mẹ của nhân loại, vì thế Mẹ yêu thương hết mọi người. Xin Mẹ dạy chúng con biết yêu thương và tôn trọng con người, nhất là người bệnh tật.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29/06/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                         Mt 16,13-19

ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

Như Mẹ: “Anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi này Chúa muốn mỗi người phải đích thân trả lời, trả lời Đức Giêsu là ai đối với mình. Vì khi trả lời, mỗi người được mời gọi dấn thân trong câu trả lời của mình, đến độ mình và lời tuyên xưng là một.

Với Mẹ: Hôm nay Chúa cũng đang hỏi con như hỏi thánh Phêrô. Bình thường con trả lời như công thức đã được học. Nhưng Chúa lại muốn con trả lời bằng chính cảm nghiệm riêng tư, bằng chính xác tín của con, chính tương quan của con đối với Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con hiểu biết Chúa Giêsu mỗi ngày sâu sắc hơn, không phải trên lý thuyết, nhưng trên tình mến thực lòng dựa trên nền tảng Lời Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30/06/2013                                  Chúa Nhật
XIII TN – Năm C

                                                                          Lc 9,51-62

CHÚA NHẤT QUYẾT LÊN GIÊRUSALEM

Như Mẹ: Biết lên Giêrusalem là phải chết,  nhưng Chúa Giêsu vẫn nhất quyết đi không chùn bước. Tại sao vậy? Chúa nhất quyết là vì yêu. Nếu không yêu thì không thể có quyết tâm như thế được. Vì yêu, Ngài chấp nhận tất cả để hoàn thành chương trình yêu thương. Người môn đệ khi đi theo Chúa cũng phải nhất quyết. Bởi vì theo Chúa là phải đi con đường Chúa đi, đường thập giá. Đường thập giá là đường yêu thương.

Với Mẹ: Chúa vốn giàu sang, nhưng đã chấp nhận làm một người nghèo, đến nỗi không có chỗ tựa đầu, để con trở nên giàu.

Nhờ Mẹ: Mẹ đi theo Chúa đến đồi Golgotha, xin Mẹ giúp con biết đón nhận thập giá đời mình mà theo Chúa đến cùng.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

TÔNG HUẤN MARIALIS CULTUS

Dưới đây là các số được trích nguyên văn từ Tông huấn MARIALIS CULTUS của Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành 02/02/1974.

Số 42. Chư Huynh khả kính, giờ đây chúng tôi muốn tập trung chốc lát vào việc canh tân của việc thực hành đạo đức đã từng được gọi là “tổng lược toàn thể Phúc Âm”, đó là Kinh Mân Côi. Về kinh nguyện này, các vị tiền nhiệm của chúng tôi đã hết sức chú trọng và chăm sóc. Trong nhiều dịp, các vị đã kêu gọi lần hạt thường xuyên, đã khuyến khích phổ biến kinh nguyện này, đã giải thích bản chất của nó, đã công nhận tính chất thuận hợp của nó trong việc nuôi dưỡng việc cầu nguyện chiêm niệm – việc cầu nguyện vừa ca ngợi vừa thỉnh nguyện – và đã nhắc lại tính chất hiệu nghiệm nội tại của nó trong việc cổ võ sống đời Kitô hữu và dấn thân làm việc tông đồ.

Cả chúng tôi nữa, từ buổi triều kiến chung đầu tiên trong giáo triều của mình vào ngày 13/07/1963, đã cho thấy việc chúng tôi rất trân trọng đối với việc thực hành đạo đức đối với Kinh Mân Côi này. Từ đó, chúng tôi đã đề cao giá trị của nó ở nhiều dịp khác nhau, một số dịp bình thường, một số dịp trọng đại. Bởi thế, ở vào một thời điểm của thống khổ và bất ổn, chúng tôi đã ban hành Tông thư Christi Matri (15/09/1966), để xin nguyện cầu cùng Đức Mẹ Mân Côi và van nài cùng Thiên Chúa tặng ân hòa bình cao cả. “Chúng tôi lập lại lời kêu gọi này trong Tông huấn Recurrens mensis October (07/10/1969), trong đó chúng tôi cũng tưởng niệm 400 năm Tông sắc Consueverunt Romani pontifices được ban hành bởi vị tiền nhiệm của chúng tôi là thánh Piô V, vị đã giải thích trong văn kiện này và ở một nghĩa nào đó đã thiết lập hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi.

Số 43. Việc chúng tôi ân cần và thiết tha chú ý tới Kinh Mân Côi đã khiến chúng tôi theo dõi rất đặc biệt tới nhiều cuộc hộp họp trong các năm gần đây được tổ chức cho vai trò mục vụ của Kinh Mân Côi trong thế giới tân tiến, những cuộc hội họp được phát động bởi các Hội Mân Côi và cá nhân hết sức gắn bó với Kinh Mân Côi và được tham dự bởi các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đầy kinh nghiệm và có tiếng trong Giáo Hội. Trong số thành phần này cần phải đặc biệt đề cập tới những người con cái của thánh Đa Minh, thành phần theo truyền thống là những người bảo quản và cổ võ việc thực hành rất ích lợi này. Song song với các cuộc hội họp như thế còn có cả việc nghiên cứu của các sử gia, hoạt động không phải để xác định hình thức nguyên sơ của Kinh Mân Côi theo kiểu cách khảo cổ học, mà là để khám phá ra cái cảm hứng ngay từ ban đầu và nguyên động lực của kinh này cùng với cấu trúc thiết yếu của nó. Các đặc tính căn bản của Kinh Mân Côi, những yếu tố thiết yếu của nó và mối liên hệ hỗ tương của chúng, tất cả đều được sáng tỏ qua những hội nghị này cũng như nhờ ở việc thực hiện việc nghiên cứu ấy.

Số 44. Bởi thế, cảm hứng Phúc Âm của Kinh Mân Côi chẳng hạn đã hiện lên một cách rõ ràng hơn, ở chỗ, Kinh Mân Côi rút tỉa từ Phúc Âm việc trình bày về các mầu nhiệm cùng với những công thức chính yếu của kinh này. Vì xuất phát từ lời hân hoan chào mừng của thiên thần cùng với việc ngoan ngoãn đồng ý của vị Trinh Nữ mà Kinh Mân Côi lấy cảm hứng từ Phúc Âm để thấy được thái độ tín hữu cần phải có khi đọc kinh này. Nơi cái liên tục hòa điệu Kinh Kính Mừng, Kinh Mân Côi cho chúng ta thấy một lần nữa một mầu nhiệm căn bản của Phúc Âm, đó là mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, một mầu nhiệm được chiêm ngưỡng ở vào giây phút Truyền Tin quyết liệt cho Mẹ Maria. Kinh Mân Côi, bởi thế, có lẽ ngày nay còn hơn cả trong quá khứ nữa, là một kinh nguyện của Phúc Âm, như các vị mục tử và các học giả thích định nghĩa như thế.

Số 45. Lại càng dễ dàng hơn nữa khi thấy việc mở ra một cách thứ tự và từ từ của Kinh Mân Côi là những gì phản ảnh chính đường lối Lời Thiên Chúa thực hiện việc Cứu Chuộc khi Người nhân ái bắt tay vào những sứ vụ nhân loại. Kinh Mân Côi chú ý một cách hòa hợp liên tục các biến cố cứu độ chính yếu được hoàn thành nơi Chúa Kitô, từ khi Người được thụ thai một cách trinh nguyên và các mầu nhiệm thời niên thiếu của Người, tới những giây phút tột đỉnh của Cuộc Vượt Qua – cuộc khổ nạn hồng phúc và cuộc phục sinh vinh hiển – và tới các hiệu quả của Cuộc Vượt Qua này nơi Giáo Hội sơ khai trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng như nơi Trinh Nữ Maria vào cuối cuộc sống trần gian của mình được lên trời cả hồn lẫn xác về quê hương thiên đình. Cũng thấy được việc phân chia các mầu nhiệm Mân Côi làm 3 phần là những gì chẳng những hết sức gắn liền với những sự kiện thứ tự về Chúa Kitô mà nhất là phản ảnh dự án của việc khởi sự loan truyền Đức Tin và nêu lên một lần nữa mầu nhiệm về Chúa Kitô theo chính cách thức được Thánh Phaolô diễn tả trong bài “thánh ca” nổi tiếng ở Bức Thư gửi giáo đoàn Philiphê – hủy thân, tử nạn và tuyên tôn (xc. 2,6-11).

Số 46. Là một kinh nguyện Phúc Âm, tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, Kinh Mân Côi bởi thế là một kinh nguyện có chiều hướng Kitô học rõ ràng. Thật vậy, yếu tố nổi nhất của nó là tính cách liên tục như là kinh cầu của Kinh Kính Mừng tự nó trở thành một lời chúc tụng Chúa Kitô không ngừng, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời loan báo của thiên thần lẫn lời chào kính của mẹ thánh Gioan Tẩy Giả: “Phúc thay quả phúc của lòng em” (Lc 1,42). Chúng ta có thể đi xa hơn để có thể nói rằng việc liên tục của Kinh Kính Mừng tạo nên một tấm vải dệt đan kết việc chiêm ngắm các mầu nhiệm. Chúa Giêsu được mỗi Kinh Kính Mừng nhắc lại cũng là Chúa Giêsu được các mầu nhiệm liên tục gợi lên cho chúng ta – bấy giờ là Con Thiên Chúa giờ đây là Người Con của Trinh Nữ – khi Người hạ sinh trong máng cỏ ở Bêlem, khi Người được Mẹ của mình dâng hiến trong Đền Thờ, như là một thiếu niên nhiệt tình với các sứ vụ của Cha mình, như Đấng Cứu Chuộc buồn khổ trong khu vườn ấy, bị hành hạ và đội mạo gai, vác thập giá và chết trên Đồi Canvê, sống lại từ cõi chết và hiển vinh về cùng Cha để thông ban tặng ân Thần Linh. Như quá rõ, đã từng có tập tục, vẫn còn được tồn tại ở một số nơi, thêm vào tên của Chúa Giêsu ở mỗi Kinh Kính Mừng chi tiết về mầu nhiệm đang được suy ngắm. Và điều này được thực hiện chính vì để giúp vào việc chiêm ngắm cũng như để làm cho tâm trí cùng môi miệng cùng tác hành một cách hợp nhất.

Số 47. Cũng thấy rằng rất cần thiết để vạch ra một lần nữa tầm quan trọng của một yếu tố thiết yếu nơi Kinh Mân Côi, ngoài giá trị của những yếu tố ca ngợi và thỉnh nguyện, đó là yếu tố chiêm niệm. Không có yếu tố chiêm niệm này thì Kinh Mân Côi là một cái xác vô hồn, và việc lần hạt của nó có cơ nguy trở thành một thứ lập đi lập lại một cách máy móc những công thức và đi tới chỗ đối diện với lời cảnh giác của Chúa Kitô: “Trong khi cầu nguyện đừng có lải nhải nhiều lời trống rỗng như Dân Ngoại vốn làm; vì họ nghĩ rằng họ có nhiều lời mới được đáp ứng” (Mt 6,7). Tự bản chất, việc lần hạt Mân Côi cần một nhịp điệu bình lặng và một tốc độ khoan thai, để giúp cho cá nhân suy niệm các mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa bằng cặp mắt của Mẹ là vị gần Chúa nhất. Có thế những phong phú khôn lường của những mầu nhiệm này mới được tuôn trào ra.

Số 48. Sau hết, như thành quả của việc suy nghĩ mới mẻ, những mối liên hệ giữa Phụng Vụ và Kinh Mân Côi đã được hiểu rõ hơn nữa. Một đàng cần phải nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi thực sự là một nhánh xuất phát từ một thân cây cổ của Phụng Vụ Kitô giáo, đó là Thánh Thi ca về Đức Trinh Nữ, nhờ đó thành phần bình dân được liên kết với thánh ca chúc tụng và việc chuyển cầu phổ quát của Giáo Hội. Đàng khác, cũng thấy rằng việc phát triển này đã xẩy ra vào một thời điểm – giai đoạn cuối cùng của Thời Trung Cổ – khi mà tinh thần Phụng Vụ đã bị suy thoái và tín hữu bấy giờ đang hướng từ Phụng Vụ sang việc tôn thờ nhân tính của Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria, một việc tôn sùng hợp với một cảm tình đạo đức bề ngoài nào đó. Cách đây không nhiều năm có một số người bắt đầu bày tỏ ước muốn thấy Kinh Mân Côi được bao gồm vào các lễ nghi của Phụng Vụ, trong khi đó, cũng có những người khác, rất muốn tránh đi vết xe của những lầm lỗi về mục vụ trước đó, tỏ ra coi thường Kinh Mân Côi một cách bất chính đáng. Ngày nay vấn đề này có thể được dễ dàng giải quyết theo chiều hướng của Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh). Những việc cử hành Phụng Vụ và việc thực hành đạo đức của Kinh Mân Côi không được đối nghịch nhau cũng không được coi như nhau. Việc bày tỏ của kinh nguyện càng giữ được bản chất thực sự riêng cùng với những đặc tính cá biệt của mình thì càng sinh hiệu quả. Một khi tái khẳng định giá trị đệ nhất của các lễ nghi Phụng Vụ thì không khó khăn gì trong việc cảm nhận thấy sự kiện là Kinh Mân Côi là một việc thực hành đạo đức dễ hòa hợp với Phụng Vụ. Thật vậy, như Phụng Vụ, Kinh Mân Côi cũng có một bản chất cộng đồng, rút được cảm hứng của mình từ Thánh Kinh và hướng về mầu nhiệm Chúa Kitô. Việc tưởng niệm trong Phụng Vụ và việc tưởng nhớ một cách chiêm niệm hợp với Kinh Mân Côi, mặc dù thực sự khác nhau về thực tại, cũng có cùng chung đối tượng là những biến cố cứu độ được Chúa Kitô hoàn thành. Việc tưởng niệm trong Phụng Vụ, dưới tấm màn của các dấu hiệu và tác động một cách kín đáo, cho thấy một cách mới mẻ những mầu nhiệm cao cả nơi việc Cứu Chuộc của chúng ta. Việc tưởng niệm nơi Kinh Mân Côi, bằng việc sốt sắng chiêm niệm, nhắc lại cũng những mầu nhiệm ấy cho tâm trí của con người cầu nguyện và phấn khích ý muốn rút tỉa từ chúng những tiêu chuẩn sống. Một khi nắm được cái khác biệt chính yếu này thì không khó khăn để hiểu rằng Kinh Mân Côi là một việc thực hành đạo đức có được sinh động lực từ Phụng Vụ và dẫn về lại Phụng Vụ một cách tự nhiên, nếu được thi hành am hợp với cảm hứng nguyên tuyền của kinh nguyện này. Tuy nhiên, nó vẫn không trở thành một phần của Phụng Vụ. Thật vậy, việc suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, bằng cách tâm trí của tín hữu cảm thấy thân thương với các mầu nhiệm của Chúa Kitô, có thể là một việc dọn mình tuyệt hảo cho việc kiến tạo nên cũng những mầu nhiệm ấy nơi tác động Phụng Vụ và còn trở thành một âm vang liên tục từ đó nữa. Tuy nhiên, thật là sai lầm khi lần hạt Mân Côi trong khi cử hành Phụng Vụ, nhưng tiếc thay việc thực hành này vẫn còn xẩy ra đây đó.

Số 49. Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, theo truyền thống, đã được chấp nhận bởi vị tiền nhiệm chúng tôi là thánh Piô V và được ngài chỉ dạy theo thẩm quyền của mình, bao gồm một số yếu tố được sắp xếp một cách thứ tự như sau:

a) Việc hợp với Mẹ Maria chiêm ngắm về một chuỗi mầu nhiệm cứu độ được khéo léo phân chia thành 3 đoạn. Những mầu nhiệm này diễn tả niềm vui của thời điểm thiên sai, của khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô và của vinh quang của Chúa Phục Sinh tràn đầy Giáo Hội. Tự chính bản chất của mình, việc chiêm ngưỡng này là những gì phấn khích việc suy niệm cụ thể và cống hiến những tiêu chuẩn sống hứng khởi.

b) Kinh Chúa Dạy, hay Kinh Lạy Cha, bởi giá trị vô biên của mình, là nền tảng của kinh nguyện của Kitô giáo và làm tăng thêm giá trị cho kinh nguyện này qua những bày tỏ khác nhau của nó.

c) Việc liên tục như kinh cầu của Kinh Kính Mừng là kinh được làm nên bởi lời chào của thiên thần (xc. Lc 1,28) và của bà Isave (xc. Lc 1,42) ngỏ cùng vị Trinh Nữ, kèm theo sau đó lời nguyện cầu Thánh Maria của Giáo Hội. Những chuỗi liên tục của Kinh Kính Mừng là đặc điểm của Kinh Mân Côi, và con số của kinh này, một con số đầy đủ và tiêu biểu 150 cho thấy sự tương tự như Sách Thánh Vịnh và là một yếu tố trở về với chính nguồn gốc của việc thực hành lòng đạo đức này. Thế nhưng, con số này, theo một tập tục đầy thử nghiệm, được chia thành các chục kinh gắn liền với các mầu nhiệm riêng biệt, được phân phối thành ba giai đoạn như đã nói tới, bởi đó Kinh Mân Côi mới có 50 Kinh Kính Mừng như chúng ta thấy. Kiểu 50 Kinh Kính Mừng này được sử dụng như là một thứ đo đếm bình thường của việc thực hành đạo đức này và đã được lòng đạo đức phổ thông thi hành cũng như được thẩm quyền giáo hoàng chuẩn nhận, một thẩm quyền cũng phong phú hóa kinh này bằng nhiều ân xá.

d) Kinh Sáng Danh, một kinh, hợp với chiều hướng chung đối với lòng đạo đức Kitô giáo, kết thúc kinh nguyện này bằng việc tôn vinh Thiên Chúa, Đấng duy nhất ba ngôi, từ Ngài, nhờ Ngài và trong Ngài mà tất cả mọi sự hiện hữu (xc. Rm 11,36).

Số 50. Đó là những yếu tố của Kinh Mân Côi. Mỗi yếu tố có đặc tính riêng của mình, những đặc tính mà, nếu được hiểu biết và cảm nhận một cách khôn ngoan, cần phải phản ảnh nơi việc lần hạt để Kinh Mân Côi có thể thể hiện tất cả những gì phong phú và đa dạng của mình. Như thế, việc lần hạt này sẽ trân trọng và van nài trong khi đọc Kinh Lạy Cha, say mê và tràn đầy chúc tụng qua việc tuần tự một cách bình lặng của Kinh Kính Mừng, chiêm ngắm nơi việc chuyên chú suy niệm các mầu nhiệm và hết lòng tôn thờ trong khi đọc Kinh Sáng Danh. Điều này áp dụng cho tất cả mọi cách thức được sử dụng để lần hạt Mân Côi: tư riêng, trong thâm trầm suy niệm với Chúa; với cộng đồng, trong gia đình hay với các nhóm tín hữu qui tụ lại để có được sự hiện diện của Chúa hơn (xc. Mt 18,20); hoặc công khai, nơi những cuộc nghị hội mà cộng đồng Giáo Hội được mời.

Số 51. Trong thời gian gần đây có một số việc thực hành đạo đức đã được tạo nên xuất phát từ cảm hứng nơi Kinh Mân Côi. Trong số những việc thực hành này, chúng tôi muốn lưu ý tới và phấn khích những ai đưa vào việc cử hành bình thường Lời Chúa một vài yếu tố của Kinh Mân Côi, chẳng hạn như việc suy niệm về những mầu nhiệm và việc lập lại như kiểu kinh cầu lời thiên thần chào Mẹ Maria. Làm như thế, những yếu tố ấy trở nên quan trọng hơn, vì chúng được liên hệ với các bài đọc Thánh Kinh, được dẫn giải bằng một bài giảng, được kèm theo bằng những lúc thinh lặng và được nhấn mạnh bằng những bài hát. Chúng tôi cảm thấy hân hoan khi biết rằng những việc thực hành này đã giúp gia tăng việc hiểu biết trọn vẹn hơn nữa kho tàng thiêng liêng của chính Kinh Mân Côi và giúp vào việc phục hồi niềm trân trọng đối với việc lần hạt Mân Côi nơi các Hội Mân Côi và phong trào giới trẻ.

Số 52. Giờ đây, chúng tôi muốn, như là những gì liên tục ý nghĩ từ các vị tiền nhiệm của chúng tôi, mạnh mẽ khuyên dụ việc lần hạt Mân Côi trong gia đình. Công đồng chung Vaticanô II đã vạch ra cho thấy làm thế nào gia đình là tế bào căn bản và sống còn của xã hội “chứng tỏ mình là một cung thánh tại gia của Giáo Hội qua việc cảm mến nhau nơi các phần tử trong gia đình cùng với việc cầu nguyện chung được họ dâng lên Thiên Chúa”. Nhờ thế, gia đình Kitô giáo được coi như là một Giáo Hội tại gia, nếu các phần tử của nó, mỗi người tùy theo vị thế và công việc thích hợp của mình, tất cả đều cổ võ công lý, thực hành các việc xót thương nhân ái, dấn thân giúp đỡ anh chị em của mình, tham gia vào hoạt động tông đồ của cộng đồng địa phương và thực hiện phần vụ của mình trong việc tôn thờ phụng vụ của cộng đồng địa phương ấy. Càng hay hơn nữa nếu họ cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu. Nếu yếu tố cầu nguyện chung này bị hụt hẫng thì gia đình thiếu đi chính tính chất của nó như là một Giáo Hội tại gia. Bởi thế, cần phải thực hiện một cách hợp tình hợp lý một nỗ lực cụ thể trong việc tái lập việc cầu nguyện chung trong đời sống gia đình nếu muốn phục hồi quan niệm thần học về gia đình như là một Giáo Hội tại gia.

Số 53. Theo những chỉ thị của Công đồng, bản Hướng Dẫn Tổng Quan về Giờ Kinh Phụng Vụ – Institutio Generulis de Liturgia Horarum đã có lý để liệt kê gia đình vào số những nhóm thích hợp trong việc cử hành Kinh Thần Vụ chung: “Thật là xứng đáng… gia đình, là cung thánh tại gia của Giáo Hội, chẳng những cần phải dâng kinh nguyện chung lên Thiên Chúa, mà còn, tùy theo hoàn cảnh, phải đọc những phần nào đó của Phụng Vụ Giờ Kinh, để liên kết sâu xa hơn nữa với Giáo Hội”. Không được bỏ qua một cố gắng nào để bảo đảm là lời khuyến dụ rõ ràng và cụ thể này được tăng tiến và hân hoan chấp nhận nơi các gia đình Kitô hữu.

Số 54. Thế nhưng, chắc chắn một điều là, sau việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, cao điểm nơi việc cầu nguyện chung gia đình có thể đạt tới, thì Kinh Mân Côi phải được coi như là một trong những kinh nguyện chung tuyệt hảo nhất và hiệu nghiệm nhất mà gia đình Kitô hữu được mời gọi để đọc. Chúng tôi thích nghĩ, và thành thực hy vọng rằng, khi việc qui tụ gia đình trở thành một thời gian cầu nguyện, thì Kinh Mân Côi là một cách thức thường xuyên và hâm mộ của việc cầu nguyện. Chúng tôi quá biết rằng những điều kiện thay đổi trong cuộc sống ngày nay không giúp cho gia đình có thể dễ dàng qui tụ lại với nhau, và ngay cả khi việc qui tụ như thế có thể xẩy ra thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho nó khó biến nó thành dịp để nguyện cầu. Không thể chối cãi được vấn đề khó khăn này. Thế nhưng đặc tính của Kitô hữu trong lối sống của mình đó là không chiều theo hoàn cảnh mà là thắng vượt hoàn cảnh, không chịu thua mà là cố gắng. Bởi thế những gia đình muốn sống trọn vẹn tầm vóc ơn gọi và linh đạo thích hợp với gia đình Kitô giáo cần phải dốc toàn lực trong việc thắng vượt những áp đảo ngăn cản những cuộc qui tụ gia đình và cầu nguyện chung.

Số 55. Nơi những nhận định đúc kết này, những nhận định cho thấy mối quan tâm và niềm trân trọng của Tòa Thánh đối với Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ, chúng tôi đồng thời cũng muốn khuyến dụ rằng chính việc tôn sùng rất xứng đáng này không được truyền bá một cách quá một chiều hay độc đoán. Kinh Mân Côi là một kinh nguyện tuyệt vời, thế nhưng tín hữu cần phải cảm thấy tự do thanh thản đối với kinh ấy. Họ cần phải được sức hấp dẫn nội tại của kinh này lôi kéo tới chỗ họ đọc kinh ấy một cách trầm lắng.

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]