Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 05-2014

TRANG HỌC TẬP

 

ĐỨC MARIA, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Một hình ảnh cũ

Ở đây, câu truyện Hoàng hậu Ette (Esther) rất hợp với đề tài chúng ta đang theo dõi. Thánh Anbêtô Cả đã áp dụng truyện đó vào Nữ Vương Maria chúng ta, mà Hoàng hậu Ette trước kia chỉ là một hình ảnh.

Truyện kể trong chương thứ bốn sách Ette. Dưới triều đại Hoàng đế Assuêrô, một sắc lệnh được ban bố truyền tru diệt toàn thể người Do thái lưu đầy trong nước Ba tư. Ông Macđôkêo, một người Do thái nạn nhân của sắc lệnh trên và là cữu phụ của Hoàng hậu Ette, tìm cách nhờ Hoàng hậu cứu sống toàn dân, xin Hoàng hậu can thiệp với Hoàng đế trừu sắc lệnh kia lại. Thoạt đầu Ette từ chối vì sợ làm xung nộ oai rồng. Nhưng ông Macđôkêo đàn hặc và cho người đến nói với Hoàng hậu rằng: Cháu đừng nghĩ cháu được tuyển vào cung để cứu sống một mình cháu, mà để toàn thể đồng bào bị hại (Et 4,13-14). Ông lại thêm rằng: Chúa đặt cháu lên làm Hoàng hậu chỉ có mục đích để cháu cứu nguy cho dân tộc lúc này mà thôi. Cũng thế, nếu có khi nào Nữ Vương Maria ngần ngại cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta, thì bọn tội lỗi khốn nạn chúng ta, bọn tội lỗi đã bị án phạt chúng ta, cứ nói với Mẹ rằng: Lạy Nữ Vương chúng con, Mẹ ngự trong cung khuyết Vua Trời, vì Chúa đã tuyển nhiệm Mẹ là Mẫu Nghi thiên hạ. Mẹ đừng nghĩ được thế là để Mẹ mưu phúc lấy một mình, còn để loài người chúng con phải tiêu diệt cả. Có phải Chúa nâng Mẹ lên chức cao quyền cả để làm lợi cho mình Mẹ thôi đâu: tuyển nhiệm Mẹ làm Nữ Vương cao trọng, mục đích của Chúa chính là cốt để Mẹ cảm thương nỗi thống khổ chúng con mà cứu vớt nữa đấy.

Khi thấy Hoàng hậu Ette đến trước ngai vàng, Hoàng đế Assuêrô đã âu yếm hỏi xem Hoàng hậu đến có việc gì: Ái khanh muốn xin gì? Hoàng hậu tâu lên: Tâu Bệ hạ, nếu thần thiếp có ngon mắt cửu trùng, thì thần thiếp xin Bệ hạ tha chết cho dân tộc thần thiếp (Et 7,2). Và lời Hoàng hậu xin đã được chuẩn nhận: một sắc lệnh của Hoàng đế tức thời được ban bố để trừu sắc lệnh tru diệt trước kia lại.

Đó, nếu Hoàng đế Assuêrô còn biết cứu sống dân Do thái vì sủng ái hoàng hậu Ette, thì sao Thiên Chúa yêu dấu Mẹ Maria vô cùng, lại không ưng nghe lời Mẹ, khi Mẹ đến cầu xin cho những tội nhân thảm thương cậy nhờ đến Mẹ? Mẹ sẽ thưa lên: Lạy Chúa là Vua con, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa… Nhưng, Mẹ không cần phải đặt điều kiện nào nữa. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ biết Mẹ là người có phúc, là người được ơn nghĩa Chúa, là người độc nhất trong nhân loại có thể tìm lại được ân sủng họ đã bỏ mất; Mẹ biết Mẹ được Chúa yêu đương, được quí trọng hơn hết các thần thánh hợp một. Nên Mẹ lại tiếp lời: Chúa đã thương yêu con, thì xin Chúa ân xá cho thần dân của con, xin Chúa tha thứ cho những tội nhân mà con đang thành khẩn xin Chúa cho họ đây. Chúa sẽ không thẩm nhận lời Mẹ chăng? Nhưng còn ai không biết lời Mẹ cầu xin đó có giá trị trước nhan Chúa thế nào? Miệng lưỡi Mẹ chính là khoản luật khoan dung kia mà (Cn 31,26). Mỗi lời Mẹ cầu xin có mãnh lực như một khoản luật, vì Chúa đã dụng tâm sẽ đem tình thương xử với hết mọi người được Mẹ cầu xin cho. Thánh Bênađô nêu một câu hỏi: “Tại sao Giáo hội lại gọi Maria là Mẹ tình thương?” Rồi ngài trả lời: “Tại vì cốt để cam đoan với ta rằng Mẹ sẽ khai thác vực sâu khôn dò tình Chúa thương, rồi ban xuống cho người nào Mẹ muốn, khi nào Mẹ muốn, và cách nào Mẹ muốn, sao cho không một tội nhân nào, dầu là thân tàn ma dại đến đâu đi nữa, có thể bị trầm vong, một khi đã được Mẹ chí thánh nhận trách nhiệm phù trì cho”.

Nữ Vương Nhân Ái

Nhưng có lẽ chúng ta còn e ngại Mẹ Maria sẽ không đoái hoài độ trì cho một tội nhân nào đó, vì thấy tội lỗi họ quá trầm trọng chăng? Hoặc có thể chúng ta còn run sợ vì vẻ oai phong và thánh thiện của Đức Nữ Vương cao cả này chăng? Không, đừng sợ gì, Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII khuyến khích, đừng sợ gì cả. “Vẻ uy nghi và thánh thiện của Mẹ Maria đã làm cho Mẹ trở nên khoan dung hơn, dịu dàng hơn đối với tội nhân có thiện chí qui hồi” đến nương nhờ Mẹ. Các bậc đế vương, các vị nữ hoàng, khi xuất hiện rực rỡ oai phong, thường làm cho thần dân run sợ kinh hoàng không dám đến trước tôn nhan. Nhưng, thánh Bênađô nhận xét, “có niềm kính úy nào cầm chân được loài người đang lâm trạng huống thảm thương và bạc nhược xa Mẹ Maria” là Nữ Vương thương xót đâu? Chúng ta cứ mở rộng tầm mắt nhìn lên: “trong Mẹ không có gì nghiêm khắc, không có chút gì hãi hùng; Mẹ chỉ là êm dịu”, là đáng yêu đáng mến mà thôi. Hơn thế, Mẹ còn ban cho chúng ta, còn “trao tặng hết thảy mọi người chúng ta sữa ngọt và len ấm”: sữa ngọt của tình thương làm phấn khởi lòng chúng ta tin tưởng; và len ấm, tức là sự dịu dàng bênh đỡ ta, che khuất ta khỏi những nghiêm thẳng của oai Trời.

Sử gia Suêtôn kể rằng hoàng đế Titô không biết từ khước ai đến xin ngài ân huệ nào. Từ tâm ngài đại lượng đến nỗi có lần ngài đã hứa cho cả những điều ngài không thể giữ lời được. Có người nhắc ngài điều đó thì ngài trả lời: một vị đế vương khi đã cho thần dân đến tâu bẩm mình, thì không thể để họ mang bộ mặt bất mãn mà trở về được. Hoàng đế Titô nói thế, nhưng trong thực tế, hẳn có nhiều lần ngài đã sai lời, hoặc không thể giữ được lời ngài hứa. Đức Nữ Vương chúng ta thì không thể sai lời hứa được. Tất cả những gì Mẹ muốn, Mẹ đều có thể chu tất đối với những người nhiệt tâm đến xin cùng Mẹ. Ngoài ra, Mẹ lại nuôi một tấm lòng quảng phát, một tấm lòng rất dễ thương cảm, không bao giờ biết khước từ một ai đến cầu xin Mẹ. Cha Lansperge viết: “Maria là người Mẹ rất mực từ ái, không thể chịu để cho một ai đến cầu xin Mẹ phải ra về buồn tủi”.

Chúng ta hãy lắng nghe thánh Bênađô thưa lên với Mẹ: “Ôi Maria, Mẹ là Nữ Vương tình thương, thì có thể nào Mẹ từ khước cấp cứu những người khổ thống được? Đối tượng của tình thương chính là những người xấu số. Mẹ là Trinh Vương thương xót, mà con đây là tội nhân bi thảm nhất, thì tất nhiên con phải là đối tượng đầu tiên, đối tượng lớn nhất của tình Mẹ thương”, cho nên con có quyền được Mẹ thương đến nhất, có quyền được Mẹ săn sóc ân cần đến nhất.- Vậy, “lạy Trinh Vương thương xót, xin hãy hiển trị trên chúng con”, hãy đoái thương đến chúng con, nhận lấy nhiệm vụ lo cho chúng con được sống đời đời.

Lạy Mẹ Đồng Trinh chí thánh, Mẹ đừng bảo chúng con nhiều tội lỗi quá, dường như tội lỗi chúng con là một chướng ngại ngăn cản không để Mẹ đến độ trì chúng con được. Chúng con nhớ lời giáo chủ Giêogiô Nicômêđia 2 rằng: “Mẹ dự trù những lực lượng vô địch; lòng Mẹ khoan nhân vượt cao trên tội lỗi chồng chất của chúng con. Không gì cự lại được với quyền năng của Mẹ. Chính Đấng Tạo Thành của Mẹ, cũng là của chúng con, đã tôn nhiệm Mẹ làm Mẹ Người, đã coi vinh quang của Mẹ là của Người, đã đem cả niềm vui con thảo đặt nơi vinh quang của Mẹ, và coi như đã xong một món nợ trả về Mẹ, khi nghe lời Mẹ cầu xin”. Lý đâu dám nói là trả nợ? Quả thật, Mẹ Maria mắc nợ Con Mẹ vô cùng, vì đã chọn Mẹ làm Mẹ. Nhưng cũng không thể chối cãi được Con quả đã mắc nợ Mẹ rất lớn, vì Mẹ đã tặng Con một hữu thể nhân loại. Thế nên, để trả về cho Mẹ Maria món nợ ấy, Chúa đã hoan hỉ kính tôn và cao vinh Mẹ; Chúa đã luôn luôn ưng nhận hết mọi lời Mẹ xin để đặc biệt kính tôn Mẹ.

(Trích từ tác phẩm “Vinh quang Đức Maria” của thánh Anphong Maria de Ligouri, Phạm Duy Lễ chuyển ngữ; nguồn: dccthaingoai.com).

 

NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA KINH MÂN CÔI

Thánh Louis Marie De Montfort

Thật khó cho tôi khi phải diễn đạt bằng lời nói về vấn đề Đức Mẹ nghĩ kinh Mân Côi ra sao và Người thích nó hơn tất cả mọi việc tôn sùng khác biết là chừng nào. Tôi cũng không thể diễn tả hết việc Người thưởng công cho những ai rao giảng, thiết lập cũng như phổ biến sự sùng kính này, hay về việc Người thẳng tay trừng phạt những ai ra tay chống lại việc sùng kính này.

Suốt cả đời sống, thánh Đa Minh đã không làm gì hơn là, bằng cả tấm lòng, chúc tụng Đức Mẹ, rao giảng sự cao cả của Người và thúc đẩy mọi người tôn kính Người bằng việc lần hạt Mân Côi. Đáp lại, thánh nhân đã nhận được từ Đức Mẹ vô vàn ơn lành. Với quyền phép của một Nữ Vương Thiên Đình, Người đã thực hiện nhiều phép lạ và sự lạ qua việc làm của thánh nhân. Thiên Chúa toàn năng luôn luôn ban cho thánh nhân những gì thánh nhân xin qua tay Đức Mẹ. Vinh dự lớn lao nhất là Người đã giúp thánh nhân dẹp tan bè rối Albigensê, và đặt thánh nhân làm đấng sáng lập, làm tổ phụ của một hội dòng lớn.

Đối với chân phước Alan de la Roche, người tái tạo việc tôn sùng kinh Mân Côi, ngài đã nhận được nhiều đặc ân của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã hiện ra với ngài mấy lần để dạy ngài đi tìm con đường cứu rỗi, trở nên một vị linh mục tốt lành, một tu sĩ hoàn thiện, và nên giống Chúa Giêsu. Chân phước Alan de la Roche thường hay bị ma qủi cám dỗ và bách hại ghê gớm, làm cho ngài buồn phiền kinh khủng, đến độ gần như tuyệt vọng, nhưng Đức Mẹ luôn luôn an ủi ngài, bằng sự hiện diện ngọt ngào của Người, làm biến đi những đám mây tăm tối bủa vây linh hồn ngài.

Đức Mẹ dạy chân phước cách đọc kinh Mân Côi, dẫn giải về ý nghĩa của nó và hiệu qủa của nó, còn ban cho chân phước một đặc ân vinh hiển và trọng đại là vinh dự được gọi Người là Bạn Tình. Với tình yêu trong trắng mà Người giành cho chân phước, Người đã đeo nhẫn vào ngón tay ngài, chiếc kiềng được làm bằng tóc Người quàng vào cổ ngài và trao cho ngài chuỗi kinh Mân Côi.

Cha Triteme, với hai nhà học giả là Carthagena và Martin Navarra, cùng các vị khác đã hết lời khen ngợi chân phước Alan de la Roche. Chân phước chết tại Zunolle nước Phần Lan vào ngày 8/9/1475, sau khi đã chiêu tập được trên 100 ngàn người gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi.

Chân phước Tôma Gioan lừng danh nhờ các bài giảng về kinh Mân Côi của ngài, đến nỗi, ghen tức với việc cứu rỗi các linh hồn của ngài, ma qủi đã hành hạ ngài đến ngã bệnh liệt giường, làm thày thuốc cũng phải bó tay. Một đêm kia, lúc mà ngài nghĩ là mình sắp chết đi, ma qủi đã hiện ra với ngài dưới một hình thù thật khiếp đảm ngoài sức tưởng tượng. Gần giường của ngài có một bức hình Đức Mẹ; ngài nhìn vào đấy, và kêu lên với tất cả tâm hồn và nghị lực của mình: “Xin giúp con, xin cứu con, Mẹ êm ái của con ơi!” Ngài vừa dứt lời thì bức ảnh như sống động lạ thường, và Đức Mẹ giơ tay của Người ra, nâng ngài bằng cánh tay của Người mà nói:

“Đừng sợ, Tôma con Mẹ, Mẹ đây nè, Mẹ sẽ cứu con mà: Hãy chỗi dạy đi và tiếp tục rao giảng kinh Mân Côi như con vẫn làm. Mẹ hứa sẽ che chở con khỏi thù địch của con”.

Khi Đức Mẹ nói điều này, ma qủi chuồn mất, và chân phước Tôma chỗi dậy, hoàn toàn bình phục. Ngài chảy nước mắt vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. Ngài lại bắt đầu làm tông đồ cho kinh Mân Côi, với những bài giảng mang lại thành quả lạ lùng.

Đức Mẹ chẳng những chúc lành cho những ai rao giảng kinh Mân Côi, Người còn ban thưởng bội hậu cho những ai nhờ gương lần hạt Mân Côi của mình cũng làm cho người khác bắt chước đọc theo.

Anphôngsô, vua nước Leon và Galicia, rất muốn cho tất cả mọi người tôi tớ của vua tôn kính Rất Thánh Trinh Nữ bằng việc lần hạt Mân Côi. Bởi đó, vua có thói quen treo cỗ tràng hạt lớn ở giây thắt lưng của mình và luôn luôn đeo sợi giây thắt lưng này, song, chỉ khổ nỗi, chính vua lại không bao giờ đọc kinh Mân Côi. Tuy nhiên, việc đeo tràng hạt của vua đã khích lệ triều thần của vua đọc kinh Mân Côi rất là sốt sắng.

Một ngày kia, vua lâm bệnh nặng, và đến lúc hấp hối, trong một thị kiến, vua thấy mình đang đứng trước tòa phán xét của Chúa. Nhiều ma qủi cũng ở đó tố cáo vua về các tội vua đã phạm. Đang lúc Chúa là Thẩm Phán Tối Cao sắp sửa luận phạt vua cho vào hỏa ngục, thì Đức Mẹ xuất hiện biện hộ cho vua. Đức Mẹ truyền lấy một cái cân, một bên để các tội của vua, và một bên để cỗ tràng hạt vua luôn luôn đeo bên mình cùng với các kinh Mân Côi đã được đọc lên nhờ gương đeo tràng hạt của vua. Kết quả là cỗ tràng hạt nặng hơn các tội của vua.

Nhìn vua một cách hết sức nhân hậu, Đức Mẹ nói: “Để thưởng công cho một chút tôn vinh mà con đã giành cho Mẹ, bằng cách đeo tràng hạt Mân Côi, Mẹ đã xin Con Mẹ cho con một ơn rất lớn lao. Con sẽ sống thêm mấy năm nữa. Mong rằng con khôn ngoan sống những ngày này bằng việc ăn năn thống hối”.

Hồi tỉnh, vua kêu lên: “Chúc tụng kinh Mân Côi của Rất Thánh Đồng Trinh Maria đã cứu trẫm khỏi đời đời trầm luân!”

Sau khi bình phục, vua đã sống những ngày còn lại bằng việc truyền bá lòng tôn sùng kinh Mân Côi và trung thành đọc kinh Mân Côi mỗi ngày.

Người nào yêu mến Rất Thánh Trinh Nữ cũng phải theo gương của vua Anphôngsô và của các thánh mà tôi đề cập tới, để họ lôi kéo thêm nhiều linh hồn cho Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Họ sẽ nhận được nhiều ơn trên đời này và sự sống đời đời sau này. “Ai rao giảng về Ta sẽ sống đời đời” (Huấn Ca 24:31).

(Trích từ Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 8, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

 

ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG

Phụng vụ Hội Thánh định ngày 31 tháng 5, để kính nhớ biến cố Đức Mẹ Maria đi thăm viếng bà thánh Isave. Hằng năm, đến lễ này, tôi thường làm ba việc sau đây:

1/ Cảm tạ Mẹ đã đi thăm bà thân mẫu của Gioan Baotixita. Nhờ cuộc viếng thăm này, Gioan Baotixita được thánh hoá, sau này trở thành người dọn đường cho Đấng Cứu thế.

2/ Cảm tạ Mẹ đã đi thăm bà mẹ già Isave. Nhờ đó Mẹ làm gương cho muôn đời: về người trẻ, dù chức cao quyền trọng, nên biết cộng tác với người già, trong chương trình cứu độ.

3/ Nguyện cầu Mẹ vẫn tiếp tục đi thăm các con cái Mẹ, nhất là thăm những đứa con nghèo túng, bệnh tật, lầm lạc, thiếu mọi phương tiện để hành hương đến những nơi Mẹ hiện ra… Tôi xin phép triển khai đôi chút ba việc kể trên.

Thánh hoá Gioan Baotixita

Rõ ràng, bà Isave đã được Chúa soi sáng cho biết người em họ còn rất trẻ của mình mới nhận một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Chúa. Chúa soi sáng cho bà qua một dấu chỉ. Dấu chỉ đó là bào thai bà đang mang bỗng nhảy mừng, khi Đức Mẹ vừa cất tiếng chào.

Cộng tác giữa trẻ với già

Kinh Thánh tả việc Đức Mẹ đi viếng bà Isave là một cuộc “lên đường vội vã” (Lc 1,39). Người vội vã lên đường chính là một người phụ nữ rất trẻ, mới mang thai Chúa Cứu Thế bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà Isave là người đàn bà mà chính thiên sứ Gabriel gọi là “đã già rồi” (Lc 1,36), nhưng mới được thụ thai con trai nhờ ơn Chúa thương ban qua việc Mẹ đi thăm viếng.

Mẹ tiếp tục đi thăm

Khi suy gẫm về biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave, tôi vẫn nghĩ rằng: Đức Mẹ có tấm lòng muốn chia sẻ Tin Mừng, muốn hướng về những người khác, muốn lên đường, ra đi cứu độ. Vì thế, tôi thường cầu xin Đức Mẹ thương đến thăm tôi, khi tôi không thể đi hành hương đến những nơi Mẹ hiện ra. Tôi cũng xin điều đó cho mọi người, không phân biệt họ là ai.

Tôi rất xác tín sự Đức Mẹ có lòng thương xót đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, bị trói buộc vào những hoàn cảnh éo le không sao gỡ được. Tôi xin Mẹ đoái thương đến thăm họ.

ĐGM GB. Bùi Tuần (lược trích)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment