Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 05-2013

TRANG HỌC TẬP

 

Diễn Nghĩa Kinh Kính MỪng

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Quí bạn đang ở trong tình trạng tội lỗi khốn khổ ư? Hãy kêu cầu Mẹ Maria Thần Linh, thân thưa với Người: “Ave”, nghĩa là “Với lòng trọng kính sâu xa, con chào mừng Mẹ là Đấng không nhiễm vương tội lỗi”, Người sẽ giải cứu quí bạn khỏi sự dữ là tội lỗi của quí bạn.

Quí bạn đang lần mò trong bóng tối vô tri và lầm lạc ư? Hãy chạy đến với Mẹ Maria, thân thưa với Người: “Kính mừng Maria”, nghĩa là “Kính mừng Mẹ là Đấng ngụp lặn trong ánh sáng của Mặt Trời Công Chính”, Người sẽ chiếu ánh sáng của Người trên quí bạn.

Quí bạn đã lạc lối về trời ư? Hãy kêu cầu Mẹ Maria, vì tên của Người là “Sao Biển, là Bắc Tinh soi hướng những con tầu của các linh hồn đang lênh đênh trên đời này”, Người sẽ soi dẫn quí bạn tới bến bờ cứu rỗi đời đời.

Quí bạn sầu thương ư? Hãy hướng lên Mẹ Maria, vì tên của Người cũng có nghĩa là “Biển Đắng chứa đầy thương đau trong đời này, nhưng đã trở thành Biển Hoan Lạc tinh tuyền nhất trên trời”, Người sẽ biến sầu đau của quí bạn thành niềm vui và muộn phiền của quí bạn thành niềm an ủi.

Quí bạn đã làm mất đi Thánh Sủng ư? Hãy chúc tụng và tôn vinh muôn vàn ơn phúc Thiên Chúa đã đổ đầy trên Rất Thánh Trinh Nữ Maria, thân thưa với Người: Mẹ “đầy ơn phúc”, đầy những tặng ân của Chúa Thánh Linh, Người sẽ ban cho quí bạn một ít những ân phúc này của Người.

Quí bạn cô đơn vì thiếu ơn phù trợ của Thiên Chúa ư? Hãy cầu khẩn với Mẹ Maria rằng: “’Thiên Chúa ở cùng Mẹ’, một sự nối kết cao cả và thân mật hơn là Thiên Chúa ở cùng các thánh và các kẻ lành, vì Mẹ nên một với Ngài. Ngài là Con Mẹ và xác thể của Ngài là của Mẹ. Mẹ được hiệp nhất với Chúa, bởi Mẹ hoàn toàn giống Ngài, cũng như bởi tình Mẹ yêu Ngài, vì Mẹ là Mẹ của Ngài.” Và hãy thưa với Mẹ: “Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng Mẹ, vì Mẹ là Đền Thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh”, Người sẽ đem ơn phù trợ và sự chăm sóc của Thiên Chúa Toàn Năng đến cho quí bạn.

Quí bạn đã trở thành một kẻ bị khai trừ và đã bị Thiên Chúa lên án ư? Hãy thưa cùng Đức Mẹ: “’Mẹ có phúc hơn mọi người nữ’ và mọi dân nước, vì sự tinh tuyền và sinh sản phong phú của Mẹ; Mẹ là Đấng đã biến những án lệnh của Thiên Chúa thành phúc ân cho chúng con”, Người sẽ chúc phúc cho quí bạn.

Quí bạn đói khát bánh ân sủng và bánh sự sống ư? Hãy đến gần Người là Đấng cưu mang Bánh Hằng Sống từ trời xuống, thân thưa với Người: “’Phúc thay Quả Phúc của lòng Mẹ’, Đấng Mẹ đã thụ thai mà không hề bị hư hại một chút nào đến sự trinh nguyên của Mẹ, Đấng Mẹ cưu mang mà không nặng nề và sinh hạ không đớn đau. Chúc tụng Chúa Giêsu là Đấng đã cứu thế gian đau thương của chúng con, khi chúng con còn bị tội lỗi cầm buộc, Đấng đã chữa lành thế gian cho khỏi các tật nguyền của nó, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, hồi cư kẻ bị lưu đầy, phục hồi tội nhân trong đời sống ân sủng, và là Đấng đã cứu con người khỏi hư đi đời đời.” Chắc chắn, linh hồn quí bạn sẽ được thấy những bánh ân sủng ở đời này và vinh hiển trường sinh ở đời sau. Amen.

Thế rồi, vào cuối kinh nguyện, quí bạn hãy cùng với Mẹ Thánh Giáo Hội cầu khẩn:

“’Thánh Maria’: Thánh nơi thể xác cũng như trong tâm hồn; thánh bởi lòng mến yêu khôn sánh và muôn đời của Mẹ trong việc phụng sự Thiên Chúa; thánh ở phẩm trật cao cả làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã tô điểm cho Mẹ. Một sự thiện hảo tuyệt vời, là ưu phẩm tương xứng với thân phận cao trọng này.“

‘Đức Mẹ Chúa Trời’:

– Cũng là Mẹ của chúng con;

– Là Đấng Bầu Cử và Trung Gian, là kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, Đấng ban phát ân sủng tùy theo ý mình;

– Ôi, chúng con khẩn nài Mẹ, xin cho chúng con mau chóng ơn thứ tha tội lỗi;

– Và biết làm hòa cùng Thiên Chúa vô cùng uy nghi.

“’Cầu cho chúng con là kẻ có tội’:

– Mẹ là Đấng đầy tình thương đối với những ai cần đến Mẹ;

– Mẹ là Đấng không khi nào khinh chê tội nhân, không bao giờ chối từ họ nhưng vì cho họ Mẹ luôn mãi là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Cầu cho chúng con. “’Khi nay’ trong cuộc đời ngắn ngủi này đầy những sầu đau và giả tạo. Cầu cho chúng con khi nay. Khi nay – vì chúng con chẳng chắc được điều gì cả ngoại trừ giây phút hiện tại. Cầu cho chúng con khi nay, lúc mà ngày đêm chúng con bị tấn công bởi những kẻ thù hiểm ác hung tàn… Cầu cho chúng con khi nay “’và trong giờ lâm tử’, thật kinh hoàng và đầy hiểm nguy, khi mà sức chúng con kiệt quệ cả tâm thần chìm đắm cả hồn lẫn xác đớn đau sợ hãi rã rời. Cầu cho chúng con trong giờ lâm tử, khi mà qủi ma ra tay dốc toàn lực chụp bắt và ném chúng con vào chốn trầm luân đời đời. Cầu cho chúng con vào lúc dứt điểm, khi mà sự chết mãi mãi bị loại trừ và thân phận của chúng con đời đời kiếp kiếp sẽ ở trên trời hay trong hỏa ngục. Hãy đến cứu giúp con cái đáng thương của Mẹ, hỡi Mẹ dịu hiền của tình thương: Ôi, sự bầu chữa và nơi nương náu của tội nhân. Xin bảo hộ chúng con trong giờ lâm tử, loại trừ cho xa khỏi chúng con những kẻ thù hờn căm chúng con, là ma qủi, thành phần cáo tội chúng con, mà sự hiện diện rùng rợn của chúng làm chúng con kinh hãi. Hãy chiếu soi đường nẻo chúng con đi cho qua thung lũng tối tăm sự chết. Xin làm ơn, lạy Mẹ hướng dẫn chúng con đến tòa phán xét của Con Mẹ và đừng bỏ rơi chúng con ở đó. Hãy can thiệp cho chúng con. Xin Con Mẹ tha cho chúng con, cho chúng con vào thành phần chân phước, thành phần Mẹ tuyển chọn trong cõi đời đời vinh phúc Amen. Chớ gì được như vậy.”

Ai có thể không ngợi khen vẻ đẹp của Kinh Mân Côi, một kinh được tạo nên bởi hai điều thuộc về trời cao, điều thứ nhất là Kinh Lạy Cha, điều thứ hai là Lời Chào Thiên Thần. Còn một kinh nào có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa Toàn Năng và Thánh Nữ Đồng Trinh hơn, dễ đọc hơn, quí báu hơn, ích lợi hơn hai kinh này? Chúng ta phải luôn ôm ấp hai kinh này trong lòng và bộc phát nơi môi miệng của mình, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cứu Thế và Mẹ Rất Thánh của Ngài.

Thêm vào đó, ở cuối mỗi chục kinh, thật là đẹp khi được kết thúc bằng một “Kinh Sáng Danh”… với câu “Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.”

(Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 20).

BIẾN CẢI MỘT GIÁO XỨ

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Có một linh mục người Danish thường thích kể lại câu chuyện về một sự cải tiến, giống hệt như của vị Giám mục Tây Ban Nha kia đã nhận thấy xẩy ra trong địa phận của ngài. Cha luôn luôn hớn hở kể lại câu chuyện này vì nó đã mang lại biết bao vinh quang cho Thiên Chúa. Cha nói:

“Tôi đã gắng sức mình rao giảng những vấn đề liên quan đến Đức tin thánh thiện, cũng đang gắng dùng mọi biện luận có thể nghĩ ra để làm cho dân chúng ăn năn cải thiện đời sống của họ. Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực của tôi, họ vẫn cứ thản nhiên với cuộc sống của họ; bởi thế, tôi đã quyết định rao giảng về Kinh Mân Côi.

Tôi nói với cộng đoàn Kinh Mân Côi quí trọng biết bao và tôi chỉ cho họ lần hạt. Tôi cứ tiếp tục giảng về Kinh Mân Côi, nhờ đó, sự tôn sùng bắt đầu đâm rễ trong giáo xứ. Sáu tháng sau, tôi vui mừng quá sức khi thấy dân chúng đã thực sự trở nên khá hơn. Quả là loại kinh nguyện do Chúa ban cho này có một quyền năng linh thiêng, quyền năng đánh động được lòng của chúng tôi, làm chúng tôi ghê sợ tội lỗi và yêu mến nhân đức!”

Ngày kia Đức Mẹ nói với chân phước Alan: “Thiên Chúa Toàn Năng đã chọn Lời Chào Thiên Thần để thực hiện việc nhập thể của Ngôi Lời và việc cứu rỗi loài người thế nào, cũng vậy, những kẻ muốn thực thi việc cải thiện và muốn người ta được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô phải tôn kính Mẹ bằng cùng một lời chào kính.

Mẹ là đường lối để Thiên Chúa đến với con người thế nào, cũng vậy, để đến với Giêsu Kitô Con Mẹ, con người phải qua Mẹ mới được ơn sủng và nhân đức.”

Tôi là người viết những giòng chữ này, với kinh nghiệm bản thân, thấy rằng Kinh Mân Côi có quyền phép cải hối cả những tấm lòng chai cứng nhất. Tôi biết có những người đi dự các tuần phòng, nghe giảng về các đề tài khiếp đảm nhất mà vẫn không mảy may động lòng; thế mà, sau khi họ nghe lời khuyên của tôi bắt đầu lần hạt Mân Côi hằng ngày, họ lại dần dần ăn năn trở lại và hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa.

Khi trở lại thăm các giáo xứ mà tôi giảng phòng, tôi thấy họ khác hẳn xưa; nơi các giáo xứ mà dân chúng đã bỏ bê Kinh Mân Côi họ thường quay trở lại đời sống tội lỗi trước kia, trong khi ở các nơi không bỏ đọc Kinh Mân Côi, tôi thấy dân chúng kiên trì với ơn Chúa và mỗi ngày mỗi tiến hơn trên đường nhân đức.

(Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 39).

TÔNG THƯ ROSARIUM VIRGINIS MARIAE
Dưới đây là các số và mục được trích nguyên văn từ Tông thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE
của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002.

Tưởng nhớ Đức Kitô với Mẹ Maria

Số 13. Chiêm ngưỡng của Đức Maria trước tiên là một tưởng niệm. Chúng ta cần hiểu từ này theo nghĩa Kinh Thánh của hồi tưởng (zakar): làm cho các kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ nên hiện diện. Kinh Thánh là một sưu tập các biến cố cứu độ với cao điểm là chính Đức Kitô. Những biến cố này không chỉ liên hệ đến ngày hôm qua; chúng cũng là thành phần của ngày hôm nay của ơn cứu độ. Việc hiện tại hoá xảy ra trước tiên trong Phụng Vụ: điều Thiên Chúa thực hiện trong các thế kỷ qua không chỉ tác động đến những chứng nhân trực tiếp của các biến cố đó; nó tiếp tục tác động đến con người của mọi thời đại với quà tặng ân sủng của nó. Trong một chừng mực nào đó, điều này cũng đúng đối với mọi tiếp cận đạo đức những biến cố đó: hồi tưởng chúng trong tinh thần đức tin và tình yêu là mở lòng cho ân sủng mà Đức Kitô đoạt được cho chúng ta bằng các mầu nhiệm sự sống, sự chết và sống lại của Người.

Do đó, trong khi phải tái khẳng định với Công đồng Vatican II rằng Phụng Vụ, như một thi hành chức vụ tư tế của Đức Kitô và một hành vi phụng thờ công cộng, là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội, cũng cần nhắc lại rằng đời sống thiêng liêng không chỉ dừng lại ở việc tham dự Phụng Vụ mà thôi. Người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha (xc. Mt 6,6); quả thế, như lời vị Tông đồ đã dạy, họ phải cầu nguyện không ngừng (xc. 1 Tx 5,17). Kinh Mân Côi, theo cách riêng của nó, là thành phần của toàn cảnh đa dạng của việc cầu nguyện không ngừng đó. Nếu Phụng Vụ, như hoạt động của Đức Kitô và của Giáo Hội, là một hành động cứu độ vượt trội, Kinh Mân Côi cũng thế, như một suy niệm với Đức Maria về Đức Kitô, là một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ. Bằng cách nhận chìm chúng ta vào các mầu nhiệm của đời sống Đấng Cứu Chuộc, nó bảo đảm rằng điều Người đã làm và điều mà Phụng Vụ hiện tại hoá cũng thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng ta.

Học hỏi Đức Kitô từ Mẹ Maria

Số 14. Đức Kitô là vị Thầy tối cao, Đấng mặc khải và là Đấng được mặc khải. Đây không chỉ là vấn đề học hỏi điều Người đã dạy nhưng là học hỏi chính Người. Theo viễn tượng ấy, chúng ta có thể có vị thầy nào tốt hơn là Đức Maria không? Từ quan điểm của Thiên Chúa, Thánh Linh là vị Thầy nội tâm dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn của Đức Kitô (xc. Ga 14,26; 15,26; 16,13). Nhưng trong số các tạo vật, không ai biết rõ hơn Đức Kitô bằng Đức Maria; không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Người hơn là Mẹ của Người.

Dấu lạ đầu tiên mà Đức Kitô thực hiện – biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana – rõ ràng giới thiệu Đức Maria dưới dáng vẻ của một thầy dạy, khi ngài thúc giục các đầy tớ làm điều Đức Giêsu chỉ bảo (xc. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng rằng ngài cũng đã làm như thế đối với các môn đệ sau khi Đức Giêsu lên trời, khi ngài hiệp cùng với họ mong chờ Chúa Thánh Thần và nâng đỡ họ trong sứ vụ đầu tiên của họ. Chiêm ngưỡng các hoạt cảnh của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Đức Maria là một cách thế học hỏi từ ngài để đọc Đức Kitô, để khám phá các bí ẩn của Người và hiểu sứ điệp của Người.

Trường học này của Đức Maria cũng đặc biệt hữu hiệu nếu ta biết rằng ngài dạy chúng ta bằng cách thu nhận cho chúng ta cách sung mãn những quà tặng của Chúa Thánh Thần, cho dù ngài ban tặng cho chúng ta gương mẫu không thể sánh ví được về cuộc hành trình đức tin của riêng ngài. Khi chúng ta chiêm ngưỡng mỗi mầu nhiệm trong cuộc đời của Con ngài, ngài mời gọi chúng ta hành động như ngài đã làm khi truyền tin: khiêm tốn đặt ra những câu hỏi mở lòng chúng ta ra với ánh sáng, hầu kết thúc bằng sự vâng phục của đức tin: Này tôi là nữ tì của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38).

Cầu nguyện với Đức Kitô cùng với Mẹ Maria

Số 16. Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa với lòng tin tưởng và kiên trì để được nhậm lời: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho (Mt 7,7). Nền tảng của sức mạnh của lời cầu nguyện này là lòng nhân lành của Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian của chính Đức Kitô (xc. 1 Ga 2,1) và hành động của Chúa Thánh Thần Đấng khẩn cầu cho chúng ta theo như ý của Thiên Chúa (xc. Rm 8,26-27). Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26), và đồng thời chúng ta không được nhậm lời vì chúng ta xin sai (xc. Gc 4,2-3).

Để hỗ trợ lời kinh mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng chúng ta, Đức Maria can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Lời cầu nguyện của Giáo Hội được đỡ nâng nhờ lời cầu nguyện của Đức Maria. Nếu Đức Giêsu, Đấng Trung gian duy nhất, là Con Đường cho lời cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Maria, phản ánh tinh tuyền và trong sáng nhất của Người, tỏ cho chúng ta Con Đường. Chính từ sự cộng tác duy nhất của Đức Maria với công việc của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo Hội đã triển khai lời kinh dâng lên Mẹ thánh thiện của Thiên Chúa, bằng cách tập trung vào con người Đức Kitô được biểu lộ qua các mầu nhiệm. Tại tiệc cưới Cana, sách Tin Mừng đã tỏ lộ rõ ràng quyền lực của lời chuyển cầu Đức Maria khi ngài báo cho Đức Giêsu biết nhu cầu của người khác: Họ hết rượu rồi (Ga 2,3).

Kinh Mân Côi đồng thời là suy niệm và khẩn cầu. Lời kinh khẩn nài Mẹ Thiên Chúa được đặt nền tảng trên sự tin tưởng: tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ trái tim của Con ngài. Mẹ rất quyền năng bởi ân sủng, để sử dụng lối diễn tả táo bạo nhưng cần hiểu cho đúng đắn, của chân phước Bartolo Longo trong bài Lời Khẩn cầu Đức Bà. Đó là một xác tín, phát xuất từ Tin Mừng, đã tăng trưởng càng ngày càng vững chắc trong kinh nghiệm của Dân Kitô giáo. Thi sĩ thượng thặng Dante diễn tả cách tuyệt diệu qua các vần thơ được thánh Bênađô hát lên: Lạy Đức Bà, Bà thật vĩ đại và đầy quyền năng, ai ước muốn có ân huệ mà không đến với ngài, thì người ấy muốn ước vọng của mình bay lên mà không có đôi cánh. Trong Kinh Mân Côi, khi chúng ta van nài Đức Maria, đền thờ của Chúa Thánh Thần (xc. Lc 1,35), ngài chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, Đấng tuôn đổ hồng ân xuống trên ngài, và trước mặt người Con sinh ra từ cung lòng ngài, bằng cách cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment