Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04/2014

TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

CHÂN PHƯỚC ALAN DE LA ROCHE

Thánh Louis Marie De Montfort

Tất cả mọi sự, ngay cả điều thiện hảo nhất, cũng đều thay đổi, nhất là khi nó lệ thuộc vào ý muốn tự do của con người. Thế mà, không thể nào không lấy làm lạ khi Hiệp Hội Mân Côi do thánh Đa Minh thành lập qua một thế kỷ mà vẫn giữ được lòng sốt sắng ban đầu. Sau đó, hiệp hội giống như một thứ đồ bị vùi chôn trong quên lãng.

Làm cho người ta bỏ bê kinh Mân Côi và từ đó ngăn cản ơn Chúa đổ xuống trên thế giới, chắc chắn là do ý đồ xấu xa và ghen hờn của ma qủi mà ra. Vào năm 1349, Thiên Chúa đã trừng phạt cả Âu Châu bằng một cơn bệnh dịch khủng khiếp nhất chưa từng thấy. Nó phát xuất từ phía đông, rồi tràn qua Ý, Đức, Pháp, Ba Lan, Hung Gia Lợi, đi đến đâu tàn phá đến đấy, cả trăm người họa may mới có một người sống sót để kể lại sự tích này. Thành lớn, phố nhỏ, làng xóm và viện tu hầu như hoàn toàn bỏ hoang trong ba năm hoành hành của cơn dịch này.

Ngay sau thảm họa này là hai thảm họa khác, đó là lạc thuyết của bè Flagellante và một cuộc ly giáo đáng buồn vào năm 1376.

Sau khi các cơn thử thách này qua đi, tạ ơn Chúa, Đức Mẹ đã truyền dạy chân phước Alan tái lập Hiệp Hội Mân Côi. Chân phước Alan là một linh mục dòng Đa Minh ở tu viện Dinan, Đại Anh Quốc. Ngài là một nhà thần học lỗi lạc và nổi tiếng về giảng thuyết. Đức Mẹ chọn ngài là vì, Hiệp Hội Mân Côi được khởi xướng từ địa hạt này, thì cũng rất thích hợp để một tu sĩ dòng Đa Minh ở ngay trong địa hạt ấy được vinh dự tái lập Hiệp Hội ấy.

Chân phước Alan bắt đầu công việc cao cả này vào năm 1460 sau khi nhận được cáo trạng của Chúa. Đây là câu chuyện mà chân phước đã nhận được sứ điệp khẩn trương của Chúa, như ngài tự thuật. Một lần kia, khi ngài đang dâng lễ, Chúa là Đấng muốn cho ngài rao giảng về kinh Mân Côi, từ Bánh Thánh, đã nói với ngài: “Sao con lại có thể đóng đanh Ta một lần nữa quá sớm như vậy?” Chân phước Alan hốt hoảng hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa phán như thế nghĩa là gì?” Chúa Giêsu trả lời: “Con đã đóng đanh Ta một lần rồi, bởi tội lỗi của con, và Ta vẫn sẵn lòng bị đóng đanh lại lần nữa, để Cha Ta khỏi bị xúc phạm bởi những tội mà con thường phạm. Con đang đóng đanh Ta một lần nữa vào lúc này đây, là bởi vì con đã có đủ hiểu biết để giảng về kinh Mân Côi của Mẹ Ta mà con lại không làm. Nếu con chuyên tâm làm điều này, con đã dạy cho các linh hồn đường ngay nẻo chính và giúp họ tránh cho khỏi sa ngã phạm tội rồi, song con lại không làm, do đó, chính con cũng có lỗi về các tội mà họ vấp phạm.”

Sự kiện kinh hoàng này đã làm cho chân phước Alan dứt khoát rao giảng kinh Mân Côi không ngừng. Một lần kia, Đức Mẹ còn tăng thêm hứng khởi hơn nữa cho ngài trong việc rao giảng kinh Mân Côi: “Con là một đại tội nhân khi còn trẻ tuổi, Mẹ nói, nhưng Mẹ đã xin với Con Mẹ cho con ơn ăn năn cải hối. Nếu có thể, Mẹ sẵn lòng chịu mọi đau khổ để cứu con, bởi vì tội nhân hối cải là vinh quang cho Mẹ. Mẹ cũng đã thực hiện điều này để làm cho con xứng đáng rao giảng kinh Mân Côi rộng rãi hơn nữa. ”Thánh Đa Minh cũng hiện ra với chân phước Alan và nói với ngài về kết quả lớn lao của việc mục vụ mà thánh nhân đã làm: thánh nhân không ngừng rao giảng kinh Mân Côi, nên những bài giảng của thánh nhân sinh nhiều hoa trái, làm cho nhiều người trở lại trong khi thánh nhân thực hiện sứ mệnh của thánh nhân. Thánh nhân nói với chân phước Alan: “Đó con thấy các thành quả lạ lùng mà cha đã gặt hái được bằng kinh Mân Côi không! Con và tất cả các kẻ nào yêu mến Đức Mẹ cũng phải làm y như vậy, để nhờ thực hành điều thiện hảo với kinh Mân Côi như thế, con có thể lôi kéo tất cả mọi người đến với khoa học thực sự của các nhân đức.”

Đó là lịch sử về việc thánh Đa Minh hình thành kinh Mân Côi và chân phước Alan de la Roche phục hồi kinh Mân Côi được tóm lược là như thế.

(Trích từ Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 4, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

 

ĐỨC MARIA HOÀN TOÀN THÁNH THIỆN

Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha trình bày lịch sử tiến triển của tín điều Vô nhiễm nguyên tội. Bắt đầu từ đặc tính “tòan thánh” của Đức Maria vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, từ thế kỷ thứ VI, vài giáo phụ đã suy tư về sự thánh thiện ngay từ lúc bắt đầu cuộc đời.

1.- Nơi Đức Maria, “đầy ân phúc”, Hội thánh đã nhận biết “kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi”, “ngay từ lúc thụ thai đã được trang điểm với những ánh quang thánh thiện hết sức đặc biệt” (HT 56).

Lời tuyên dương này đã đòi hỏi một chặng đường suy tư đạo lý lâu dài, cuối cùng đưa tới việc xác định long trọng tín điều Vô nhiễm nguyên tội.

Danh xưng “được đổ tràn ơn thánh”, do thiên sứ chào Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã gợi lên một ân huệ khác thường mà Thiên Chúa đã ban cho thiếu nữ Nazaret nhằm tới chức vụ làm mẹ, nhưng tự nó từ ngữ này mô tả hiệu quả mà ân phúc Chúa đã để lại nơi Đức Maria. Đức Maria đã được thấm nhuần ân phúc và vì thế đã được thánh hóa. Đặc tính kekharitomene mang một ý nghĩa rất súc tích, mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng giúp Hội thánh đào sâu thêm.

2.- Trong bài huấn giáo trước, tôi đã nêu bật rằng trong lời chào của thiên sứ, từ ngữ “Đầy ân phúc” có giá trị như là tên riêng: đó là tên của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa. Theo phong tục Do thái, tên biểu lộ tính chất của một người và một đồ vật. Do đó, danh xưng “Đầy ân phúc” bày tỏ khía cạnh sâu đậm nhất nơi nhân cách của thiếu nữ Nazaret: Người đã được ân huệ và tình thương của Chúa nhào nặn đến nỗi đã có thể được định nghĩa bằng lòng ưu ái riêng biệt như vậy.

Công đồng đã nhắc nhở rằng nhiều giáo phụ đã nhắc đến chân lý đó khi họ gọi Đức Maria là “Đấng toàn thánh”, đồng thời các ngài cũng nói rằng” Đức Maria ra như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56).

Ân phúc, hiểu theo nghĩa là “thánh sủng” tác dụng sự thánh hóa bản thân, đã thực hiện nơi Đức Maria một sự tạo dựng mới, hoàn toàn phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.

3.- Như vậy sự suy tư thần học đã có thể gán cho Đức Maria một sự thánh thiện hoàn hảo, mà để được đầy đủ ý nghĩa, cần phải bao gồm ngay cả lúc khởi đầu sự sống của Người.

Dường như tác giả đầu tiên của chiều hướng giải thích sự tinh tuyền nguyên thủy là một giám mục ở Palestina tên là Theoteknos Livias, sống khoảng giữa năm 550 và 650. Ông đã trình bày Đức Maria “thánh thiện và tuyệt đẹp”, “trong trắng không tì ố”, và bàn tới việc Người được sinh ra với những lời này: ”Người sinh ra giống như các Kêrubim, bằng đất sét tinh ròng vô nhiễm” (Bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).

Những lời cuối cùng, nhắc đến việc tạo dựng con người đầu tiên, được tạo dựng bởi đất sét không bị hoen ố vì tội lỗi, đã gán cho việc Đức Maria sinh ra cũng những đặc tính đó: nguồn gốc của Đức Trinh nữ cũng “tinh tuyền vô nhiễm”, nghĩa là không có tội gì. Việc so sánh với các Kêrubim còn muốn nói tới sự thánh thiện trổi vượt, đặc trưng của cuộc đời Đức Maria ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.

Lời khẳng định của Giám mục Theoteknos đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc suy tư thần học về mầu nhiệm Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Trước đó, các giáo phụ Hy lạp và Đông phương thường nói tới một sự thanh tẩy do ơn thánh tác động nơi Đức Maria hoặc là trước khi xảy ra cuộc Nhập thể, (T. Grêgôriô Nazianzênô) hoặc là vào chính lúc Thiên Chúa nhập thể (thánh Ephrem, ông Saveriano Gabala, ông Giacobe Sarug).

Còn ông Theoteknos xem ra muốn Đức Maria được thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống. Thực vậy, Đấng đã được Chúa định làm Thân mẫu Đấng Cứu Thế không thể nào không có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết.

4.- Vào thế kỷ thứ VIII, ông Anrê giám mục Crêta là nhà thần học đầu tiên đã coi ngày sinh nhật của Đức Maria như là một cuộc tạo dựng mới. Ông lập luận như sau: “Hôm nay nhân loại đã nhận được vẻ đẹp cố hữu của mình với tất cả vẻ sáng ngời của sự tinh tuyền. Những hổ thẹn vì tội lỗi trước đây đã làm che khuất ánh sáng và vẻ đẹp của bản tính nhân loại; nhưng khi Thân mẫu Đấng Tuyệt Mỹ được sinh ra, thì bản tính nhân loại đã lấy lại những đặc ân cổ truyền ở nơi Người, và đã được đúc nặn lên theo khuôn mẫu hoàn bị mà Thiên Chúa đã muốn… Hôm nay bắt đầu việc canh cải bản tính con người, và thế giới cũ kỹ đã được Thiên Chúa biến đổi, nó đã nhận được những hoa trái đầu mùa của cuộc tạo dựng lần thứ hai” (Bài giảng I lễ Sinh nhật Đức Maria).

Rồi lấy lại hình ảnh của khối đất sét nguyên thủy, ông nói tiếp: ”Thân xác của Đức Trinh nữ là một mảnh đất mà Thiên Chúa tác tạo, là hoa trái đầu mùa của dòng dõi Adam được thần hóa nơi Đức Kitô, là hình ảnh thực sự giống với vẻ đẹp nguyên thủy, là đất sét đã được bàn tay của Nghệ sĩ thiên linh nhào nặn” (Bài giảng I Lễ An nghỉ của Đức Maria).

Do đó sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Maria được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô, khai nguyên một thời gian ân sủng dồi dào mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại.

Đạo lý này, được lặp lại do thánh Germanô Constantinopolis và thánh Gioan Đamascô, cũng vào thế kỷ thứ VIII, làm sáng tỏ giá trị của sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria, được trình bày như là khởi nguyên của sự cứu chuộc thế giới.

Vì thế, cuộc suy tư của Hội thánh đã làm phát triển ý nghĩa của tước hiệu “đầy ơn phúc”, mà thiên sứ đã gán cho Đức Trinh nữ. Đức Maria đầy tràn ơn thánh sủng, và ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Ơn thánh này, trong thư gửi Ephesô (1,6) được Chúa Kitô ban cho tất cả các tín hữu. Sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria trở thành một khuôn mẫu vô lường của hồng ân và của việc đổ tràn ân phúc Đức Kitô vào thế giới.

(Trích từ Những bài huấn giáo về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

 

NỮ VƯƠNG VŨ TRỤ

Thánh Anphong Maria de Ligouri

Đức Thánh Trinh Nữ uy linh Maria đã được tôn nhận thiên chức làm Mẹ một bậc Đế Vương tối cao chí thánh. Căn cứ theo đó, Giáo hội tung hô và kêu gọi toàn thể các giáo hữu tung hô Mẹ bằng tước hiệu vinh hiển Nữ Vương, quả đã làm một việc thật thuận lý thích tình.

Thánh Athanasiô viết: “Người Con sinh ra đã có thiên tính là một vị Đế Vương, thì tất Mẹ Đồng Trinh sinh ra Người Con ấy cũng thật trăm phần trăm là Thái Hậu, là Nữ Vương; và phải được tuyên tụng như thế mới là chính đáng”. Thánh Bênađinô Siêna chú thích: ngay từ giây phút ưng thuận làm Mẹ Ngôi Lời vĩnh cửu, Mẹ Maria đã được tôn phong làm Nữ Vương thế giới và toàn thể vạn vật. Lời thánh nhân viết là: “Ngay trong lúc tỏ ý tán thành vinh dự đó, Đức Nữ Trinh đã được tôn phong làm Nữ Vương toàn cầu, làm Mẫu Nghi thiên hạ, và lĩnh nhận vương quyền hiển trị toàn thể vạn vật”. Căn cứ vào tính duy nhất của thân xác Chúa Giêsu và Đức Mẹ, cha Anonđô lý luận như sau: “Thân xác Chúa Giêsu và thân xác Mẹ Maria chỉ là một thân xác duy nhất, thì có lẽ nào Mẹ lại không cùng Con tham dự việc thống trị muôn loài? Nói là tham dự cũng chưa đủ; phải nói: vương quyền vinh quang của Con cũng như của Mẹ chỉ cùng là một vương quyền vinh quang duy nhất mà thôi”.

Chúa Giêsu đã là Vua vũ trụ, thì Mẹ Maria cũng phải là Nữ Vương vũ trụ. Cha Rupertô góp ý: “Đã được tuyển nhiệm làm Nữ Vương, Mẹ Maria cũng được quyền đồng trị cùng Con trong toàn thể đế quốc của Con Mẹ”. Theo cùng ý kiến đó, thánh Bênađinô Siêna quả quyết: “Có bao nhiêu thụ tạo tôn thờ Thiên Chúa, cũng có bấy nhiêu thụ tạo phụng sự Mẹ Maria. Thiên thần, loài người, và tất cả vạn vật trên trời cũng như dưới đất, tắt rằng, toàn thể các thụ tạo đã tùng phục Thiên Chúa, thì toàn thể các thụ tạo cũng phải tùng phục Mẹ Đồng Trinh vinh hiển”. Cha Guêricô cũng chủ trương cùng luận điệu ấy mà ca tụng Mẹ rằng: “Ôi Maria, Mẹ cứ tiếp tục, cứ tiếp tục kiên quyết thi hành vương quyền của Mẹ đi. Mẹ đừng ngần ngại gì cả, cứ cư xử đường hoàng như một Nữ Vương, tùy sở thích mà định đoạt về những công đức Con Mẹ đã sắm được. Mẹ là Mẹ, là Bạn đường của Vua vũ trụ, Mẹ có quyền được thống trị, có quyền tối cao trên toàn thể vạn vật kia mà”!

NỮ VƯƠNG TÌNH THƯƠNG

Nương theo những luận chứng trên, ta quả quyết Mẹ Maria thật là Nữ Vương. Một yếu tố quan thiết đem về cho tất cả chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là một Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm làm ơn lành cho bọn người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương thương xót.

Thánh Anbêtô Cả nhận xét: danh từ nữ vương (regina) vừa có nghĩa là thương cảm, vừa có nghĩa là săn sóc đến lớp người khổ thống trên đời, khác với danh từ nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa là nghiêm nghị, khắc nghiệt. Triết gia Sênêca viết: “Vẻ huy hoàng của các bậc hoàng đế, các vị nữ vương hệ tại cứu trợ những người đau khổ”. Các bạo vương thường lạm dụng quyền hành để mưu tư lợi, nhưng các vị hoàng đế lại phải hay chú tâm đến công ích của thần dân. Vì lý do đó, trong lễ nghi phong vương, người ta đổ trên đầu vị hoàng đế được tôn phong một thứ dầu, tượng trưng tình thương, để nhắc nhở cho nhà vua rằng: trên ngai vàng, ngài phải có một tâm hồn đầy trắc ẩn và khoan dung đối với thần dân hơn mọi yếu tố khác. Theo đó thì nhiệm vụ chính yếu của các bậc đế vương là phải ân cần phát huy tình thương, nhưng với một luật trừ là, trong trường hợp cần thiết, vẫn phải dùng đến công lý để xét xử những kẻ phạm pháp. Luật trừ này không áp dụng cho Mẹ Maria. Là Nữ Vương, nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nắm giữ một quyền năng sử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bá chính và ân xá mà thôi. Đó là tư tưởng của Giáo hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.

Đọc những lời sau đây của thánh vương Đavít: Tôi từng nghe hai điều: quyền năng là của Thiên Chúa, còn Chúa, lạy Chúa, Chúa chỉ có tình thương (Tv 61,12), cha Gioan Gerson, chưởng ấn thời danh của trường Đại học Paris, giải thích rằng: “Thiên Chúa thống trị bằng quyền năng và tình thương. Chúa nắm giữ toàn quyền sử dụng quyền năng, nhưng việc thi hành tình thương thì lại đã trao toàn quyền sang tay Mẹ Maria là Nữ Vương, là Mẹ Chúa Kitô”. Theo cha thì quyền tối cao được thi hành bằng công lý và tình thương này, Chúa đã quân phân làm hai lãnh vực: công lý thì dành cho mình, còn tình thương thì nhường cho Mẹ Maria sử dụng; vì sở định của Chúa là tất cả tình thương xử với loài người đều do tay Maria định đoạt, và ban ra tùy sở ý. Trong bài tựa cuốn Thánh Thư các Tông Đồ, đức hồng y Tôma xác nhận đặc ân này của Đức Mẹ như sau: “Khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng, và sau đó sinh hạ Con Thiên Chúa ra trên trần gian, Mẹ đã hưởng thụ một nửa nước Thiên Chúa: Mẹ được tôn lên làm Nữ Vương tình thương, y như Chúa Kitô là Vua công lý”.

Tuyển nhiệm Chúa Giêsu Kitô làm vua công lý, Cha hằng hữu đã lập Ngài làm thẩm phán đoán xét cả thế gian, như có lời tiên tri ca tụng: Lạy Chúa, xin hãy trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, xin ban phép công cho Thái tử (Tv 71,2). Nhưng một nhà chú giải thời danh đã lặp lại rằng: “Vâng, lạy Chúa, Chúa ủy nhiệm Con Chúa thi hành công lý, vì quyền sử dụng tình thương, Chúa đã ủy thác vào tay Thái hậu cả rồi”. Thánh Bonaventura cũng rất có lý khi thay đổi ý nghĩa câu trên của nhà Thánh vịnh là: “Lạy Chúa, xin trao quyền thẩm phán cho Hoàng đế, còn tình thương, xin trao vào tay Nữ Vương, Thái hậu của Ngài”. Đức cha Ernestô, tổng giám mục Praga, cũng diễn tả cùng tư tưởng đó. Đức cha viết: “Cha hằng hữu đã trao toàn quyền thẩm phán cho Con Cha, còn nhiệm vụ phát huy tình thương thì trao toàn quyền cho Mẹ Maria”. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu, như vậy, là thẩm phán và trừng phạt; và nhiệm vụ của Mẹ Maria chỉ là thương cảm và ủy lạo mà thôi. Chính vì thế, chính vì mục đích tuyển nhiệm Mẹ Maria làm Nữ Vương tình thương mà, theo lời tiên tri Đavit, có thể nói, Chúa đã xức dầu phong vương cho Maria, tràn đổ trên Mẹ thứ dầu hoan hỉ (Tv 44,8). Thật hoan hỉ biết bao cho lũ con cháu Ađam nghèo khổ chúng ta, khi tưởng đến trên trời chúng ta có một vị Nữ Vương cao cả hằng trào đổ xuống trên chúng ta “một thứ dầu trắc ẩn và lân tuất dư đầy”, như lời thánh Bonaventura đã nói.

(Hai mục “Nữ vương vũ trụ” và “Nữ vương tình thương” được trích từ tác phẩm “Vinh quang Đức Maria” của thánh Anphong Maria de Ligouri, Phạm Duy Lễ chuyển ngữ; nguồn: dccthaingoai.com).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment