Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04-2013

TRANG HỌC TẬP

                                                                  

TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

NHỮNG MẦU NHIỆM MÙA MỪNG

“Việc chiêm ngắm dung nhan của Chúa  Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Người đã sống lại rồi. Kinh Mân Côi luôn luôn diễn tả sự hiểu biết sinh ra từ lòng tin này và mời gọi người tín hữu vượt qua bên kia bóng tối của cuộc Thương khó để đến chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa  Kitô trong cuộc Phục sinh và Thăng thiên… Các mầu nhiệm mùa Mừng nuôi dưỡng nơi người tín hữu niềm hy vọng vào đích điểm cánh chung mà hiện nay họ đang tiến đi với tư cách là phần tử của Dân Thiên Chúa đang lữ hành qua dòng lịch sử. Điều ấy còn có thể thôi thúc họ nêu lên chứng từ quả cảm cho ‘Tin Mừng’ mang lại ý nghĩa cho cho toàn thể cuộc đời của họ” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 23).


Mầu nhiệm thứ nhất:

Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết

“Khi chiêm ngưỡng Đấng Phục sinh, các Kitô hữu tái khám phá những lý do của lòng tin riêng của mình (xc. 1 Cr 15,14) và sống lại niềm vui không phải chỉ của những người đã được thấy Chúa  Kitô hiện ra với các tông đồ, cô Maria Mađalêna và các môn đệ trên đường Emmau, nhưng còn cả niềm vui của Đức Maria. Chắc chắn Đức Mẹ cũng phải có một kinh nghiệm cao độ về đời sống mới của Người Con của Mẹ được vinh quang” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 23).

1. Lời Chúa

“Hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ và nói: ‘Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi’.” (Lc 1,38).

2. Suy niệm

Xưa kia, Chúa Phục Sinh đã để lại cho các môn đệ một vài dấu chỉ để nhận biết Người: ngôi mộ trống, tấm khăn liệm được gấp lại và được đặt dưới đất, những lần hiện ra với các phụ nữ và các tông đồ. Ngày nay, tuy dưới hình thức khác, Chúa Phục Sinh cũng còn để lại vài dấu chỉ: biết bao nhiêu tín hữu sống đời đức hạnh cách âm thầm, biết bao nhiêu sinh lực của hoạt động bác ái, bí tích Thánh Thể. Mỗi người hãy biết nhận ra những dấu chỉ đó, để tin vào Chúa Kitô giống như các môn đệ xưa kia, và giúp cho anh chị em mình thêm vững tin bất chấp những cuộc bách hại.

3. Quyết tâm

Đức tin: “Phúc cho những ai tin, dù không thấy dấu lạ” (Ga 20,29).

4. Cầu nguyện

Ôi lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, và chúng con cũng sẽ được sống lại như Người.

 

Mầu nhiệm thứ hai:

Chúa Giêsu lên trời

“Trong cuộc Thăng thiên, Chúa  Kitô được cất lên trong vinh quang bên hữu Chúa Cha” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 23).

1. Lời Chúa

“Ðang khi chúc lành cho các môn đệ, Ðức Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24,51).

2. Suy niệm

Trong cuộc Thăng thiên của Chúa Giêsu, lòng tin của các môn đệ được củng cố vì biết rằng Người thực sự đã sống lại và hiện diện ở giữa họ: “Này đây, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); lòng hy vọng của các môn đệ được bảo đảm vì Người đã hứa sẽ đem họ về với mình: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,2). Đồng thời họ cũng được uỷ thác một trọng trách là làm chứng nhân của Chúa ở giữa trần thế, đảm nhận trách nhiệm của bổn phận mình trong gia đình, ngoài xã hội.

3. Quyết tâm

Đức cậy: “Thầy sẽ trở lại và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3).

4. Cầu nguyện

Ôi lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đi lên tới chỗ mà Chúa Giêsu đã dọn cho chúng con.

 

Mầu nhiệm thứ ba:

Chúa Thánh Thần ngự xuống

“Cuộc Hiện xuống bộc lộ cho thấy dung nhan của Hội Thánh như thể là một gia đình được qui tụ lại cùng với Đức Mẹ, gia đình ấy được sống nhờ Thánh Thần được tuôn đổ tràn đầy và sẵn sàng ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 23).

1. Lời Chúa

“Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,4).

2. Suy niệm

“Nếu thiếu Thánh Thần, thì Thiên Chúa trở thành xa vời, Chúa  Kitô thuộc về quá khứ xa xưa, Phúc âm là chữ chết, Giáo Hội là một tổ chức phàm trần, quyền bính là cường lực, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự là phong tục dân gian, luân lý là nghĩa vụ của nô lệ.

Nhưng trong Thánh Thần, loài thọ tạo được nhấc lên cùng Thiên Chúa, Chúa  Kitô phục sinh đang hiện diện, Phúc âm chứa đầy sinh lực, Giáo Hội thể hiện tình hiệp thông, quyền bính trở thành phục vụ, phụng vụ làm cho mầu nhiệm Vượt qua được hiện thực, hành động của con người được thiên hoá” (Thượng phụ Athenagoras).

3. Quyết tâm

Sự hiệp nhất: “Lạy Cha, cũng như Cha ở trong con và con ở trong Cha thế nào, thì xin cho họ tất cả đều nên một” (Ga 17,21).

4. Cầu nguyện

Ôi lạy Mẹ Maria, Mẹ của Hội Thánh, xin cầu cho chúng con ơn hiệp nhất.

 

Mầu nhiệm thứ bốn:

Đức Maria được đem về trời cả hồn và xác

“Trong cuộc Mông triệu, Đức Maria được hưởng trước, do một đặc ân độc nhất vô song, vận mệnh dành cho mọi người công chính vào ngày kẻ chết phục sinh” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 23).

1. Lời Chúa

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50).

2. Suy niệm

“Cũng như ở trên trời, Thân mẫu của Chúa Giêsu được hiển vinh cả thân xác và linh hồn là hình ảnh và trái đầu mùa của Hội Thánh vào thời viên mãn trong tương lai như thế nào, thì ở dưới đất, Người cũng chiếu rạng như một dấu chỉ hy vọng chắc chắc và an ủi cho Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành như vậy” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 972).

“Chúng ta tin rằng Thân Mẫu chí thánh của Chúa, và cũng là Thân Mẫu của Hội Thánh tiếp tục trên trời vai trò làm hiền mẫu đối với hết mọi phần tử của Hội Thánh” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 975).

3. Quyết tâm

Nên thánh: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3). “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Trong Chúa  Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,3.5).

4. Cầu nguyện

Ôi lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn hướng về vinh quang đang chờ đợi, và sau cuộc đời này, xin Mẹ đem chúng con về Trời với Mẹ.

 

Mầu nhiệm thứ năm:

Đức Maria lãnh triều thiên của Nữ hoàng

“Được tôn lên trong vinh quang, Đức Maria rạng rỡ như là Nữ Vương các thiên thần và các thánh, như thể là sự tham dự trước và là sự hoàn thành tối hậu của tình trạng cánh chung của Hội Thánh” (Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 23).

1. Lời Chúa

“Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.” (Lc 2,46).

2. Suy niệm

Đức Maria làm Nữ hoàng. Sau khi đã chọn Đức Maria làm Thân Mẫu của Con mình, Thiên Chúa Cha muốn đặt Người ngự bên cạnh Chúa  Kitô trên ngai vua. Khác với chúng ta là những kẻ thích tuyên dương công trạng, Đức Maria biết rằng mình đã nhận lãnh tất cả bởi Thiên Chúa, và duy có Chúa mới thực là Đấng Cao Cả. Thiên Chúa là Đấng che chở người nghèo khó, hạ bệ kẻ kiêu căng, đổ tràn ân phúc cho kẻ đói khát, và là Đấng đã trao cho mình sứ mạng làm Thân Mẫu của Con Chúa. Đức Maria đã đáp lại bằng lời “Xin vâng”. Từ lúc ấy, Chúa đã đặt ngai ở trong tâm hồn của Mẹ.

3. Quyết tâm

Phục vụ: Đức Maria thưa với sứ thần: “Này đây là tôi tớ của Chúa, xin để cho lời của Ngài thực hiện nơi tôi” (Lc 1,38). “Hễ ai muốn phục vụ tôi thì hãy đi theo tôi; tôi ở đâu thì kẻ phục vụ tôi cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ tôi thì Cha của tôi sẽ tôn vinh kẻ ấy” (Ga 12,26).

4. Cầu nguyện

Ôi lạy Mẹ Maria, Nữ vương trời đất, xin dạy chúng con biết phục vụ để mai sau cũng được hiển trị với Mẹ trong vinh quang.

 

TÔNG THƯ ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

Dưới đây là các số và mục được trích nguyên văn từ Tông thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002.

Tưởng nhớ Đức Kitô với Mẹ Maria

Số 13. Chiêm ngưỡng của Đức Maria trước tiên là một tưởng niệm. Chúng ta cần hiểu từ này theo nghĩa Kinh Thánh của hồi tưởng (zakar): làm cho các kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ nên hiện diện. Kinh Thánh là một sưu tập các biến cố cứu độ với cao điểm là chính Chúa  Kitô. Những biến cố này không chỉ liên hệ đến ngày hôm qua; chúng cũng là thành phần của ngày hôm nay của ơn cứu độ. Việc hiện tại hoá xảy ra trước tiên trong Phụng Vụ: điều Thiên Chúa thực hiện trong các thế kỷ qua không chỉ tác động đến những chứng nhân trực tiếp của các biến cố đó; nó tiếp tục tác động đến con người của mọi thời đại với quà tặng ân sủng của nó. Trong một chừng mực nào đó, điều này cũng đúng đối với mọi tiếp cận đạo đức những biến cố đó: hồi tưởng chúng trong tinh thần đức tin và tình yêu là mở lòng cho ân sủng mà Chúa  Kitô đoạt được cho chúng ta bằng các mầu nhiệm sự sống, sự chết và sống lại của Người.

Do đó, trong khi phải tái khẳng định với Công đồng Vatican II rằng Phụng Vụ, như một thi hành chức vụ tư tế của Chúa  Kitô và một hành vi phụng thờ công cộng, là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội, cũng cần nhắc lại rằng đời sống thiêng liêng không chỉ dừng lại ở việc tham dự Phụng Vụ mà thôi. Người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha (xc. Mt 6,6); quả thế, như lời vị Tông đồ đã dạy, họ phải cầu nguyện không ngừng (xc. 1 Tx 5,17). Kinh Mân Côi, theo cách riêng của nó, là thành phần của toàn cảnh đa dạng của việc cầu nguyện không ngừng đó. Nếu Phụng Vụ, như hoạt động của Chúa  Kitô và của Giáo Hội, là một hành động cứu độ vượt trội, Kinh Mân Côi cũng thế, như một suy niệm với Đức Maria về Chúa  Kitô, là một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ. Bằng cách nhận chìm chúng ta vào các mầu nhiệm của đời sống Đấng Cứu Chuộc, nó bảo đảm rằng điều Người đã làm và điều mà Phụng Vụ hiện tại hoá cũng thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng ta.

Học hỏi Đức Kitô từ Mẹ Maria

Số 14. Chúa  Kitô là vị Thầy tối cao, Đấng mặc khải và là Đấng được mặc khải. Đây không chỉ là vấn đề học hỏi điều Người đã dạy nhưng là học hỏi chính Người. Theo viễn tượng ấy, chúng ta có thể có vị thầy nào tốt hơn là Đức Maria không? Từ quan điểm của Thiên Chúa, Thánh Linh là vị Thầy nội tâm dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn của Chúa  Kitô (xc. Ga 14,26; 15,26; 16,13). Nhưng trong số các tạo vật, không ai biết rõ hơn Chúa  Kitô bằng Đức Maria; không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Người hơn là Mẹ của Người.

Dấu lạ đầu tiên mà Chúa  Kitô thực hiện – biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana – rõ ràng giới thiệu Đức Maria dưới dáng vẻ của một thầy dạy, khi ngài thúc giục các đầy tớ làm điều Chúa Giêsu chỉ bảo (xc. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng rằng ngài cũng đã làm như thế đối với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên trời, khi ngài hiệp cùng với họ mong chờ Chúa Thánh Thần và nâng đỡ họ trong sứ vụ đầu tiên của họ. Chiêm ngưỡng các hoạt cảnh của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Đức Maria là một cách thế học hỏi từ ngài để đọc Chúa  Kitô, để khám phá các bí ẩn của Người và hiểu sứ điệp của Người.

Trường học này của Đức Maria cũng đặc biệt hữu hiệu nếu ta biết rằng ngài dạy chúng ta bằng cách thu nhận cho chúng ta cách sung mãn những quà tặng của Chúa Thánh Thần, cho dù ngài ban tặng cho chúng ta gương mẫu không thể sánh ví được về cuộc hành trình đức tin của riêng ngài. Khi chúng ta chiêm ngưỡng mỗi mầu nhiệm trong cuộc đời của Con ngài, ngài mời gọi chúng ta hành động như ngài đã làm khi truyền tin: khiêm tốn đặt ra những câu hỏi mở lòng chúng ta ra với ánh sáng, hầu kết thúc bằng sự vâng phục của đức tin: Này tôi là nữ tì của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38).

Cầu nguyện với Đức Kitô cùng với Mẹ Maria

Số 16. Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa với lòng tin tưởng và kiên trì để được nhậm lời: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho (Mt 7,7). Nền tảng của sức mạnh của lời cầu nguyện này là lòng nhân lành của Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian của chính Chúa  Kitô (xc. 1 Ga 2,1) và hành động của Chúa Thánh Thần Đấng khẩn cầu cho chúng ta theo như ý của Thiên Chúa (xc. Rm 8,26-27). Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26), và đồng thời chúng ta không được nhậm lời vì chúng ta xin sai (xc. Gc 4,2-3).

Để hỗ trợ lời kinh mà Chúa  Kitô và Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng chúng ta, Đức Maria can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Lời cầu nguyện của Giáo Hội được đỡ nâng nhờ lời cầu nguyện của Đức Maria. Nếu Đức Giêsu, Đấng Trung gian duy nhất, là Con Đường cho lời cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Maria, phản ánh tinh tuyền và trong sáng nhất của Người, tỏ cho chúng ta Con Đường. Chính từ sự cộng tác duy nhất của Đức Maria với công việc của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo Hội đã triển khai lời kinh dâng lên Mẹ thánh thiện của Thiên Chúa, bằng cách tập trung vào con người Chúa  Kitô được biểu lộ qua các mầu nhiệm. Tại tiệc cưới Cana, sách Tin Mừng đã tỏ lộ rõ ràng quyền lực của lời chuyển cầu Đức Maria khi ngài báo cho Chúa Giêsu biết nhu cầu của người khác: Họ hết rượu rồi (Ga 2,3).

Kinh Mân Côi đồng thời là suy niệm và khẩn cầu. Lời kinh khẩn nài Mẹ Thiên Chúa được đặt nền tảng trên sự tin tưởng: tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ trái tim của Con ngài. Mẹ rất quyền năng bởi ân sủng, để sử dụng lối diễn tả táo bạo nhưng cần hiểu cho đúng đắn, của chân phước Bartolo Longo trong bài Lời Khẩn cầu Đức Bà. Đó là một xác tín, phát xuất từ Tin Mừng, đã tăng trưởng càng ngày càng vững chắc trong kinh nghiệm của Dân Kitô giáo. Thi sĩ thượng thặng Dante diễn tả cách tuyệt diệu qua các vần thơ được thánh Bênađô hát lên: Lạy Đức Bà, Bà thật vĩ đại và đầy quyền năng, ai ước muốn có ân huệ mà không đến với ngài, thì người ấy muốn ước vọng của mình bay lên mà không có đôi cánh. Trong Kinh Mân Côi, khi chúng ta van nài Đức Maria, đền thờ của Chúa Thánh Thần (xc. Lc 1,35), ngài chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, Đấng tuôn đổ hồng ân xuống trên ngài, và trước mặt người Con sinh ra từ cung lòng ngài, bằng cách cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.

ĐGH Gioan Phaolô II

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment