- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 03-2014

CỨ LÀM THEO

NỘI SAN KINH MÂN CÔI

SỐ THÁNG 03/2014

MẸ MARIA

Gương Nhân Đức

Mục Lục

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

Nhân đức là một thói quen tốt được lặp đi lặp lại. Người nhân đức là người thường xuyên thực hành những thói quen tốt đó.

Con người thường có khuynh hướng nghiên chiều về sự dữ. Sự dữ làm cho con người khó khăn và thường mất kiên nhẫn trong việc luyện tập nhân đức. Trong suốt cuộc đời Mẹ Maria, Mẹ thường suy đi nghĩ lại trong lòng những điều Chúa dạy, những việc Chúa làm. Mẹ là người luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa và luôn luôn làm theo thánh ý Chúa. Vì thế, Mẹ là gương mẫu về mọi nhân đức, nhất là về đức tin, đức cậy và đức mến. Mẹ tin vào Chúa không chút nghi nan. Mẹ hoàn toàn cậy trông vào Chúa toàn năng. Và Mẹ yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, không một phút giây nào Mẹ ngừng yêu mến và kết hợp với Chúa.

Qua Kinh Mân Côi, chúng ta sẽ cùng Mẹ tập trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày. Như thế, hương thơm nhân đức của ta được kết quả.

Đặc trách

Tu sĩ  FX. Trần Kim Ngọc, OP.


01/03/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                        Mc 10,13-16

Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ
thì sẽ không được vào” (Mc 10,15).

Như Mẹ: Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết được tiêu chuẩn để được vào Nước Trời là phải có tâm hồn đơn sơ, chân thành và thánh thiện như trẻ thơ. Và Người cũng mời gọi chúng ta nỗ lực sống tinh thần trẻ thơ trong thế giới đầy cám dỗ và thử thách này, với niềm tin và hy vọng trong ân sủng Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tâm hồn trẻ thơ thì luôn khiêm tốn và bình an, không thù hằn ghen ghét, chỉ một niềm tín thác vào Chúa như con thơ  nương tựa vào cha mẹ mình vậy. Xin cho chúng con sống được tinh thần trẻ thơ như vậy, sống tín thác hoàn toàn vào Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nhắc nhở để chúng con luôn biết chạy đến cùng Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02/03/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần VIII TN – Năm A                                Mt 6,24-34

“Anh em đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6,34).

Như Mẹ: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta điều chỉnh lại cuộc sống của mình: bớt đi những lo lắng quá mức về tiền bạc, tiện nghi vật chất, thú vui,… để biết luôn sẵn sàng dành thời gian và ưu tiên cho việc xây dựng đời sống nội tâm  trong mối tương quan với Chúa và với những người xung quanh.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới mà mọi người dường như ưu tiên cho việc chạy theo tiện nghi vật chất và tôn sùng lối sống hưởng thụ, xin cho chúng con biết bằng lòng với một cuộc sống đơn sơ, nghèo khó để cuộc đời chúng con luôn là dấu chỉ tình yêu Chúa cho mọi người.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nâng đỡ chúng con để chúng con có được tinh thần sống nghèo khó, biết tin tưởng vào tình thương quan phòng kỳ diệu của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

03/03/2014                                                    Thứ Hai

                                                                        Mc 10,17-27

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì
để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17).

Như Mẹ: Chúa không những đòi hỏi chúng ta chỉ sống và tuân giữ những giới răn cùng làm theo những đòi hỏi của lương tâm ngay chính, mà Người muốn chúng ta bước theo Chúa với tâm hồn thanh thoát, không bị nô lệ bởi của cải vật chất. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chàng thanh niên cũng chính là câu trả lời cho tất cả những ai muốn dấn thân theo Người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, giữa biết bao cám dỗ trần tục và giữa những thực tại trần thế, xin giúp chúng con nhận ra đâu là giá trị đích thực, những giá trị giúp chúng con đến được với hạnh phúc thiên đàng.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ chỉ bảo cho chúng con có sự lựa chọn phù hợp với thánh ý Chúa, biết chọn lựa những giá trị phù hợp với Tin Mừng.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

04/03/2014                                                     Thứ Ba

Thánh Casimiro                                          Mc 10,28-31

Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28).

Như Mẹ: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ tất cả mọi thứ ở đời này không phải là để được nhà cửa, danh vọng, địa vị gấp trăm, nhưng Người muốn chúng ta luôn hướng đời sống của mình đến một giá trị cao quí và thiêng liêng hơn, đó là chọn Chúa làm cơ nghiệp của mình và luôn sống hoà hợp với mọi người trong cùng một niềm tin.

Với Mẹ: Lạy Chúa, theo Chúa là chấp nhận vác thập giá với Chúa trên con đường sống đức tin. Vì vậy, chúng con cần có một tình yêu mật thiết với Chúa, chúng con mới có thể đi trọn con đường mà Chúa đã ban cho.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nâng đỡ lòng mến của chúng con mỗi ngày một mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

05/03/2014                                             Thứ Tư – Lễ tro

Ăn chay kiêng thịt                                   Mt 6,1-6.16-18

Khi ăn chay, anh em đừng làm ra vẻ rầu rĩ
như bọn đạo đức giả”
(Mt 6,16).

Như Mẹ: Chúa Giêsu không muốn các môn đệ rơi vào thói giả hình cùng lối sống khoe khoang, tự mãn như người Pharisêu. Người mời gọi chúng ta đi vào nơi kín đáo, thầm lặng để làm việc lành phúc đức. Ở nơi ấy, người đời không thể thấy được, nhưng Cha trên trời thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công chúng ta xứng đáng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, với bản tính yếu đuối và bất toàn, chúng con luôn muốn được người khác tôn vinh và ca tụng. Chúng con chuộng lối sống hình thức mà quên đi điều cần thiết và quan trọng nhất, đó là thiết lập đời sống nội tâm trong mối tương quan mật thiết với Chúa

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ chỉ bảo để chúng con gặp gỡ Chúa bằng chính lòng mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

06/03/2014                                                   Thứ Năm

                                                                          Lc 9,22-25

“Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo
(Lc 9,23).

Như Mẹ: Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn để cho các môn đệ cùng những ai muốn dấn thân cho công việc loan báo Tin Mừng – một khi đã quyết tâm theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, tức là phải từ bỏ mọi thói hư, tật xấu, phải vác thập giá mình, tức là phải vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự, theo như gương Người đã sống.

Với Mẹ: Lạy Chúa, loài người chúng con thân phận yếu đuối, khó có thể từ bỏ mình trong thời đại hưởng thụ này, nhưng có ơn Chúa trợ giúp, chúng con có thể từ bỏ chính mình, để mỗi ngày được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn. Xin Chúa giúp sức cho chúng con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con trở nên người môn đệ của Thầy chí thánh.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

07/03/2014                                                    Thứ Sáu

Th. Perpetua và Felicita, tđ                       Mt 9,14-17

Rượu mới thì đổ vào bầu mới (Mt 9,17).

Như Mẹ: Từ thời Cựu Ước, người Do Thái đã cố gắng sống đạo để khỏi bị Chúa phạt, để đòi Chúa ban thưởng cho mình. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, Người đã mang lại một tinh thần sống đạo mới là mến Chúa với con tim vui tươi. Nhưng người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu, họ vẫn cố chấp trong kiểu suy nghĩ cũ kĩ và cứng nhắc của mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người ngày nay dành rất nhiều thời gian cho những phương tiện vật chất, cho việc tìm kiếm tiền tài, nhưng lại thiếu sự quan tâm cho đời sống tâm linh của mình cũng như của người khác. Xin tha thứ và ban cho con một quả tim mới cùng một tinh thần mới luôn hướng về Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin thêm lòng yêu mến Chúa nơi chúng con, xin giúp chúng con vui thích làm con cái Chúa mỗi ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

08/03/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                          Lc 5,27-32

“Anh hãy theo tôi” (Lc 5,27).

Như Mẹ: Được Chúa Giêsu kêu gọi, ông Lêvi từ một người thu thuế tội lỗi đã trở thành tông đồ của Chúa Giêsu. Điều này trước tiên phát xuất từ tình thương Chúa dành cho ông, nhưng cũng phải kể đến sự cộng tác của ông. Ông đã biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, giữa một thế giới quá ồn ào, xin cho con luôn nhận ra được tiếng nói của Chúa. Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm đứng dậy như ông Lêvi, đi ra khỏi vùng đất tối tăm của sự chết, để theo Chúa tiến về miền đất chan hòa ánh sáng.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ thêm lòng can đảm cho chúng con để chúng con đủ sức mạnh lướt thắng cám dỗ của satan, sẵn sàng đáp lại tiếng mời gọi làm môn đệ của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

09/03/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần I MC – Năm A                                       Mt 4,1-11

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4).

Như Mẹ: Hôm nay, Chúa Giêsu đã chiến thắng cảm dỗ của satan nhờ vào Lời Chúa, để trở nên một gương mẫu cho chúng ta, giúp chúng ta tìm được sức mạnh và sự khôn ngoan khi đứng trước những thủ đoạn cám dỗ tinh vi của satan. Chúng ta có thể vượt qua được cạm bẫy của nó nếu chúng ta biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và sống theo lời của Người chỉ dạy.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng để chúng con nhận ra những cạm bẫy thử thách của satan. Xin ban sức mạnh để chúng con vượt qua được những cám dỗ ấy trong suốt cuộc đời. Xin Chúa đồng hành với chúng con trên hành trình dương thế.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con khôn ngoan và bền đỗ đi theo Chúa mọi ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

10/03/2014                                                    Thứ Hai

                                                                        Mt 25,31-46

“Người sẽ tách biệt họ
như mục tử tách biệt chiên và dê”
(Mt 25,32).

Như Mẹ: Ai sẽ được vào nước trời? Đó dường như là câu hỏi mà chúng ta luôn muốn biết ngay câu trả lời! Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta biết và cũng là phương cách Người chỉ dẫn chúng ta, cùng những ai thật sự khát khao đời sống công chính ngay từ đời này, đó là sống và thực hành giới luật yêu thương của Chúa một cách trọn vẹn: Yêu thương tha nhân là yêu thương chính Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, như dân Israel xưa kia chỉ đến được với đất hứa, khi làm theo thánh ý Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết lắng nghe và tìm ý Chúa trong suốt cuộc đời, để nhờ thế, chúng con được Chúa dẫn vào đất hứa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nâng đỡ từng bước đường chúng con đi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

11/03/2014                                                     Thứ Ba

                                                                           Mt 6,7-15

“Lạy Cha chúng con ở trên trời”  (Mt 6,10).

Như Mẹ: Lời kinh mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ thật ngắn gọn, đơn sơ nhưng đó chính là tất cả những gì Thiên Chúa muốn nghe khi chúng ta cầu nguyện cùng Người. Và đó cũng là khuôn mẫu cho tất cả lời cầu nguyện của chúng ta. Người không cần chúng ta nói hay, nói nhiều, nhưng Người muốn chúng ta có lòng yêu mến và tín thác nơi Người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, lời kinh này dường như đã quá quen thuộc với chúng con từ khi còn nhỏ, nó đã in sâu vào trí não chúng con, thế nhưng có nhiều lúc chúng con đã đọc với tâm trạng vô ý thức, đọc thật nhanh để cho qua thật mau, không có một chút tâm tình nào cả.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy chúng con luôn biết thưa lên cùng Chúa lời kinh mà chính Người đã dạy chúng con trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

12/03/2014                                                     Thứ Tư

                                                                         Lc 11,29-32

“Thế hệ gian ác này sẽ không được dấu lạ nào
ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna”
 (Lc 11,29).

Như Mẹ: Lời nói này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sám hối và chạy đến với lòng thương xót Chúa với tất cả sự thành khẩn. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra được rằng Chúa vẫn đang làm thật nhiều phép lạ để đáp lại tâm tình này của chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xưa kia vì sự ăn năn thống hối của dân thành Ninivê, Chúa đã cho họ được thấy những dấu lạ lớn lao. Chúng con cũng xin vì tình yêu Chúa thương biến đổi thế giới này, xin biến đổi lòng người cùng ban cho chúng con sức mạnh để đem Tin Mừng của Chúa đến tận cùng thế giới.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin Mẹ giúp chúng con sống tâm tình sám hối, khi có tội biết trở về xin Chúa xót thương và tha thứ. Xin cho chúng con siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

13/03/2014                                                   Thứ Năm

                                                                           Mt 7,7-12

“Hễ ai xin thì nhận được” (Mt 7,7).

Như Mẹ: Đó là một lời hứa chắc chắn Chúa dành cho tất cả mọi người, những ai luôn kiên trì và tin vào Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người biết rõ chúng ta cần gì, hơn cả chính chúng ta. Thế nhưng, Người chờ đợi chúng ta mở lời cầu xin, xin với một tâm tình khiêm nhường và với lòng tin mạnh mẽ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, có nhiều lúc chúng con cầu xin nhưng chẳng được nhận lời vì chúng con xin không thành tâm. Xin mà không được, chúng con lại oán trách Chúa. Xin dạy chúng con biết rằng mọi điều Chúa ban đều tốt cho chúng con. Xin cho chúng con vững tin vào Chúa mỗi khi cầu xin, và tin là Chúa đã nhận lời rồi.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy chúng con biết đón nhận tất cả mọi điều xảy đến với chúng con như là một hồng ân của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

14/03/2014                                                    Thứ Sáu

                                                                          Mt 5,20-26

Hãy đi làm hòa với người anh em
trước khi đến đây dâng lễ vật” (Mt 5,24).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta nhìn lại tâm tình của mình dành cho Chúa: Có xuất phát từ lòng mến và sự bình an thật sự hay không? Chúa không cần hình thức, Chúa chỉ cần chúng ta thành tâm sống giới luật của Chúa cách trọn vẹn: Luôn biết yêu thương và tha thứ – đó là lễ vật đẹp mà Người cần nơi chúng ta.

Với Mẹ: Chúa ơi, người ta thường nói khoảng cách xa nhất là từ lỗ tai đến bàn tay. Quả thật con có thể biết và hiểu nhiều điều Chúa dạy, nhưng chẳng bao giờ chịu làm theo cả: với tha nhân, con luôn xét nét và kết án họ là thế này thế kia mà thiếu đi sự bao dung và thông cảm. Xin cho con biết mở lòng ra với tha nhân.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa như Mẹ xưa kia.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15/03/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                          Mt 5,43-48

“Anh em hãy nên hoàn thiện
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện
(Mt 5,48).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta nên hoàn thiện theo như Chúa dạy: Yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Điều này xem ra quá khó với chúng ta là những người đầy yếu đuối và tội lỗi. Thế nhưng, Chúa luôn muốn ban sức mạnh giúp chúng ta làm được điều này, nếu chúng ta thật lòng khao khát và tin Chúa, cùng cố gắng hết sức mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con nghĩ rằng mình là loài thụ tạo, yếu đuối và đầy tội lỗi, làm sao nên hoàn thiện được? Nhưng đó lại là điều Chúa mời gọi chúng con, xin ban cho chúng con có được một trái tim yêu thương như Chúa để chúng con mỗi ngày một nên giống Chúa hơn.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, Mẹ hãy xin Chúa ban ơn nâng đỡ để mỗi ngày chúng con nên hoàn thiện hơn.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

16/03/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần II MC – Năm A                                     Mt 17,1-9

“Y phục Người trở nên chói lọi như mặt trời” (Mt 17,2b).

Như Mẹ: Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ của mình được nếm hưởng trước vinh quang của ngày Người Phục sinh. “Y phục Người trở nên chói lọi” là hình ảnh tiên báo cho sự vinh thắng của Người. Trong ngày sau hết, Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta được sống lại với thân xác chói lọi trong ánh sáng phục sinh.

Với Mẹ: Lạy Chúa, qua việc Chúa biến hình trên núi, Chúa muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, Chúa cũng mời gọi chúng con phải biết thay đổi con người của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết để Lời Chúa hướng dẫn đời sống mình, hầu sau này chúng con cũng vào chiêm ngưỡng ánh  vinh quang phục sinh với Chúa.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu chịu phép rửa nơi sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

17/03/2014                                                    Thứ Hai

                                                                          Lc 6,36-38

“Các con hãy ở nhân từ
như Cha các con là Đấng nhân từ”
(Lc 6,36).

Như Mẹ: Đây là lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa muốn gửi đến tất cả chúng ta. Thiên Chúa là Đấng nhân lành, hay thương xót. Ngài muốn chúng ta cũng hãy sống như Ngài để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và thánh thiện.

Với Mẹ: Lạy Chúa, muốn trở nên nhân từ như Chúa, chúng con phải sống bao dung, tha thứ, không xét đoán, không kết án ai cả. Vì Chúa đã cho chúng con biết rằng tất cả chúng con là anh em của nhau, có cùng một Cha chung trên trời là Thiên Chúa, nên chúng con phải yêu thương nhau như Cha đã yêu chúng con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con mỗi ngày một thấm nhuần Lời Chúa sâu sắc hơn để xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

18/03/2014                                                     Thứ Ba

                                                                          Mt 23,1-12

“Anh em chỉ có một Thầy” (Mt 23,8).

Như Mẹ: Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng trên đời này chỉ có một mình Thiên Chúa cùng giáo lý của Người mới là cái mà chúng ta phải tìm kiếm. Chúng ta chỉ có một Thầy dạy duy nhất là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta tránh xa lối sống của những người thích phô trương và đạo đức giả như các Pharisêu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người ngày nay ham thích danh vọng, địa vị hơn là sống đơn sơ, khiêm nhường. Đối với chúng con, giáo lý của Chúa là một cái gì đó để thờ hơn là để sống. Chúng con thích học từ internet, từ sách báo, từ truyền hình hơn là đến với thánh lễ để nghe Lời Chúa và sống như Chúa sống.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết quay về với Lời Chúa, vì chỉ có Lời Chúa mới đem lại cho chúng con sự sống thật.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu rao giảng Nuớc Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

19/03/2014                                                     Thứ Tư

THÁNH CẢ GIUSE                                 Mt 1,16-18.21-24a

“Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24).

Như Mẹ: Ngay từ giai đoạn đầu của công trình cứu độ, thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu mời cộng tác thực hiện kế hoạch này qua việc đảm nhận trách nhiệm cha nuôi của Chúa Giêsu. Với đời sống khiêm nhường, đơn sơ, và tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, thánh nhân trở thành gương mẫu sáng ngời đáng để chúng ta noi theo.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xưa thánh Giuse đã chu toàn thật tuyệt vời vai trò người cha trong gia đình Nadarét, và ngày nay ngài cũng luôn bênh vực và chở che Giáo Hội cùng mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết noi gương ngài, luôn lắng nghe và để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết yêu mến phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

20/03/2014                                                   Thứ Năm

                                                                         Lc 16,19-31

“Con đã nhận phần phước của con rồi” (Lc 16,25).

Như Mẹ: Hình ảnh của lão phú gia vô tâm và anh Ladarô nghèo khó trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là hình ảnh tiêu biểu cho xã hội bất công ngày nay: Bên cạnh những người giàu có vô cảm, có rất nhiều người nghèo sống rất cơ cực, vất vả, lầm than và đau khổ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xã hội ngày nay cần lắm những tấm lòng để cảm thông, để chia sẻ; cần lắm tình người để nối lại mối dây nhân ái đã bị cắt đứt bởi lòng ích kỉ; cần lắm những tấm lòng biết rung cảm và sẳn sàng nâng đỡ những người bất hạnh, khốn khổ trong xã hội. Xin cho chúng con biết mở lòng ra với tha nhân.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết quan tâm chia sẻ với những người thiếu thốn, nghèo đói chung quanh chúng con, để chúng con luôn sẵn sàng giúp đỡ họ.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

21/03/2014                                                    Thứ Sáu

                                                                  Mt 21,33-43.45-46

“Đứa thừa tự đây rồi,
nào ta giết quách nó đi” (Mt 21,38).

Như Mẹ: Đứng trước sự khốn cùng của con người do tội lỗi gây ra, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của mình làm giá chuộc con người. Ngài muốn tìm mọi cách để đưa con người về với tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, Ngài không bắt ép nhưng luôn mời gọi chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ này.

Với Mẹ: Lạy Chúa, những tá điền xưa kia vì lòng tham đã giết chết đứa con một của chủ mình. Ngày nay chúng con cũng từ chối Chúa Giêsu bằng lối sống vật chất, hưởng thụ và vô tâm. Chúng con sợ rằng khi sống cho Chúa chúng con sẽ thiệt thòi.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết thi hành ý Chúa cùng đón nhận mọi khó khăn như là một quà tặng của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

22/03/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                     Lc 15,1-3.11-32

“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Như Mẹ: Hình ảnh người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng này minh họa cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Người sẵn sàng quên đi tất cả lỗi phạm của chúng ta để chỉ còn nhớ đến duy nhất một tình yêu, một tình yêu mà Người có để trao ban một cách vô điều kiện cho con cái của Người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, có nhiều lúc chúng con đã bỏ Chúa vì ham mê lạc thú và tiền tài như người con thứ. Nhưng cũng không ít lần chúng con đã tự phụ, ích kỉ, cố chấp và bất khoan dung như như người con cả. Xin mở lòng chúng con ra để chúng con biết tha thứ lỗi lầm của tha nhân.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ý thức rằng Mùa Chay là cơ hội để chúng con thành tâm thống hối tội lỗi của mình và trở về với Chúa với tất cả niềm tin tưởng và phó thác.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

23/03/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần III MC – Năm A                                    Ga 4,5-42

“Nước đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Như Mẹ: Ngày hôm nay, bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ Samari biết và cảm nếm được thứ nước đem lại sự sống vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã chủ động tìm đến với chị, gợi ý xin nước rồi lại hứa ban nguồn nước ấy: Nguồn nước này là một hình ảnh về Thánh Thể, nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn đích thực.

Với Mẹ: Lạy Chúa, ngày hôm nay Chúa vẫn tìm đến bờ giếng cõi lòng chúng con, vì Chúa khát khao chúng con, Chúa luôn muốn ban cho chúng con nguồn nước trường sinh ấy. Thế nhưng chúng con quá thờ ơ với tiếng gọi của Chúa vì tiền tài, địa vị, danh lợi…

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết tìm đến với Lời Chúa, nhất là đến với Thánh Thể vì đây chính là nguồn sống đem đến cho chúng con hạnh phúc đích thực.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24/03/2014                                                    Thứ Hai

                                                                          Lc 4,24-30

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận
tại quê hương mình” (Lc 4,24).

Như Mẹ: Chúa Giêsu mang trong lòng niềm hân hoan vui sướng khi trở lại quê nhà Nadarét. Thế nhưng, những người đồng hương của Người lại có thái độ nghi ngờ, cứng lòng và khinh chê lời rao giảng của Người. Người đã cảnh báo họ: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Với Mẹ: Lạy Chúa, “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”: Lời trách của Chúa Giêsu đã không cảm hóa được những người đồng hương, trái lại họ còn muốn giết Chúa nữa. Lạy Chúa, vì lòng ganh ghét, vì thành kiến mà nhiều lúc chúng con cũng đã loại trừ anh em mình và không đón nhận lời giáo huấn của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết đáp lại tiếng gọi sống yêu thương và phục vụ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

25/03/2014                                                     Thứ Ba

LỄ TRUYỀN TIN                                             Lc 1,26-38

“Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).

Như Mẹ: Để thực hiện kế hoạch cứu độ của mình, Thiên Chúa đã mời gọi một con người thật tầm thường nhỏ bé để cộng tác với mình: Cô trinh nữ Maria của vùng quê Nadarét nghèo khổ đã diễm phúc được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Vì tấm lòng trong trắng, vì luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Mẹ đã trở nên gương mẫu và là Mẹ của tất cả người Kitô hữu chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xưa kia Con Chúa đã đến trần gian làm người nhờ hai tiếng “xin vâng” đầy can đảm của Mẹ Maria. Ơn Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên Mẹ vì Mẹ đã dám phó thác đời mình cho kế hoạch của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con cũng dám từ bỏ tất cả để đặt trọn niềm tin của mình nơi tình yêu và quyền năng của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

26/03/2014                                                     Thứ Tư

                                                                          Mt 5,17-19

“Thầy đến để kiện toàn” (Mt 5,17b).

Như Mẹ: Luật là một phương tiện để chúng ta có thể nhận biết và sống như Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Điều quan trọng hơn hết trong việc giữ luật là tinh thần yêu thương và bao dung. Chúa Giêsu đến trần gian để giúp chúng ta hiểu và sống luật với tình yêu và niềm tin.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Con Chúa đã đến trần gian để cứu vớt chúng con trước vực thẳm của tội lỗi và sự chết. Đó là minh chứng cho chúng con về lòng bao dung và tha thứ vô bờ của Chúa trước những vấp phạm của chúng con. Và Chúa cũng mời gọi chúng con sống luật yêu thương như Chúa đã dạy và đã sống.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng “yêu thương là chu toàn lề luật” để chúng con biết đón nhận và sẵn sàng hy sinh cái tôi của mình vì mọi người.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

27/03/2014                                                   Thứ Năm

                                                                         Lc 11,14-23

“Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn” (Lc 11,17).

Như Mẹ: Con người ngày nay dường như vô cảm trước khó khăn và đau khổ của người khác. Ma quỷ đã gieo vào thế gian sự chia rẽ và thù hận. Vì thiếu niềm tin vào Chúa, con người đã đánh mất cảm thức về tội lỗi. Khi mất cảm thức về tội lỗi, con người sẵn sàng loại trừ, kết án và tiêu diệt lẫn nhau. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta rằng “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn”. Khi chia rẽ, loại trừ lẫn nhau, con người đánh mất sự bình an và yêu thương.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin thương đổi mới tâm hồn khô khan và chai lì của chúng con để chúng con biết nhạy cảm trước nỗi đau của đồng loại, biết cảm thông và biết chia sẻ với tha nhân, nhất là những người đau khổ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin đồng hành với chúng con trên bước đường đời đầy cám dỗ và thử thách này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

28/03/2014                                                    Thứ Sáu

                                                                       Mc 12,28b-34

“Yêu mến Chúa hết lòng hết linh hồn,
hết sức lực và hết trí khôn” (Mc 12,30).

Như Mẹ: Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài vì tình yêu, thế nên Người cũng không ngừng kêu gọi chúng ta đến hiệp thông với Người trong tình yêu ấy. Là thụ tạo của Chúa, chúng ta cũng không ngừng dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân và quyết sống với Người “hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn”.

Với Mẹ: Lạy Chúa, vì kiêu ngạo và tự phụ, chúng con đã dần lìa xa Chúa và quên mất bổn phận của mình với Chúa. Việc thờ phượng Chúa với chúng con chỉ như là một sự đối phó, làm cho có, cho khỏi áy nay… Xin cho chúng con biết Chúa là vị trí số một, là tất cả trong cuộc đời chúng con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết chọn Chúa là cùng đích của đời mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29/03/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                          Lc 18,9-14

“Lạy Chúa, xin thương xót con
vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13b).

Như Mẹ: Người Pharisêu luôn tự cho mình là công chính, họ không cần đến lòng thương xót của Chúa. Họ sống chỉ duy luật, mà thiếu tình thương. Còn người thu thuế thì khiêm nhường, xin lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Anh ta đã được Thiên Chúa đoái thương vì sự can đảm thú nhận tội lỗi của mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con chỉ biết nhìn người khác, xoi mói nhìn vào cuộc đời họ, để chê trách và lên án họ. Chúng con ít khi nhìn vào chính mình để nhận ra sự yếu kém và tội lỗi của mình, rồi từ đó hướng tâm hồn lên cùng Chúa mà xin ơn tha thứ và xót thương.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa thương “tha thứ mọi lỗi lầm và thanh tẩy chúng con khỏi mọi tội lỗi.”

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30/03/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần IV MC – Năm A                                     Ga 9,1-41

“Anh ta đến hồ rửa và nhìn thấy được” (Ga 9,7b).

Như Mẹ: Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã dủ thương chữa lành anh mù sau bao năm sống trong bóng tối và sự khinh thị của người khác. Tình yêu của Chúa đã mang lại cho anh ánh sáng của đức tin. Tình yêu của Chúa đã xoá bỏ quá khứ đen tối của anh, làm cho anh có một cuộc sống mới.

Với Mẹ: Lạy Chúa, có nhiều lúc chúng con lầm tưởng rằng đôi mắt của mình đủ sáng để nhìn thấu cuộc đời và hiểu rõ được thánh ý Chúa, nhưng kì thực đôi mắt tâm hồn chúng con lại trở nên mù lòa trước mọi sự và nhất là không nhận ra hình ảnh của Chúa nơi vạn vật và nơi anh chị em của mình. Xin làm cho chúng con biết tin nhận Chúa cách vững vàng.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết bồi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa và Thánh Thể.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

31/03/2014                                                    Thứ Hai

                                                                         Ga 4,43-54

“Ông cứ về đi, con ông sống” (Ga 4,50).

Như Mẹ: Với niềm tin mạnh mẽ và thái độ thành khẩn trước Chúa Giêsu, viên quan đã cứu sống được người con của mình mà không cần phải nhìn thấy Chúa làm phép lạ. Đây cũng là một bài học để chúng ta nhìn lại niềm tin của mình vào Chúa, có phải chúng ta tin Chúa vì mong được nhìn thấy phép lạ hơn là vì tình yêu? Đức tin cần phải vượt trên những cảm giác và dấu lạ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, đôi lúc chúng con đòi hỏi thật nhiều, muốn Chúa phải làm theo ý của chúng con, nhưng chúng con lại tin Chúa rất hời hợt. Xin làm cho chúng con vững tin vào Chúa vì Chúa là Đấng Tối Cao.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thêm sức cho chúng con để trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, chúng con luôn vững tin vào Chúa là Đấng quyền năng và giàu tình thương.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

ĐỨC MARIA TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA BA NGÔI

Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha bình giảng chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, với những lời dẫn nhập đề cao mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thân mẫu của Con, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ Thánh Thần”. Chính mối tương quan này là nguồn gốc sự cao sang của Đức Maria. Tuy nhiên, những tước vị ấy nằm trong kế hoạch mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, vì thế nên cũng đặt Đức Maria gần gũi với chúng ta.

1.- Chương VIII của Hiến chế về Hội thánh đã chỉ mầu nhiệm Đức Kitô như là điểm quy chiếu cần thiết cho Thánh-mẫu-học. Những lời mở đầu của chương này thật là đầy ý nghĩa: “Vì Thiên Chúa rất mực khoan dung và thượng trí đã muốn thực hiện việc cứu chuộc nhân loại, nên vào thời viên mãn Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5) (HT 52). Con của Chúa chính là Đấng Mêsia mà dân Cựu ước ngóng trông, được Chúa Cha sai đến vào lúc quyết liệt của lịch sử, tức là “tới thời viên mãn” (Gl 4,4), trùng với việc Con Chúa giáng sinh vào thế giới chúng ta do một người phụ nữ. Đấng đã đưa Con hằng hữu của Thiên Chúa vào thế giới loài người không thể nào tách rời khỏi Vị được đặt vào trung tâm của kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

Chức thủ lãnh của Đức Kitô đã được biểu lộ trong Hội thánh, nhiệm thể của Người: thực vậy trong Giáo hội “các tín hữu gắn bó với Đức Kitô là nguyên thủ và hiệp thông với tất cả các thánh của Người” (xc. HT 52). Chính Đức Kitô đã thu hút hết mọi người đến với mình. Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.

Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: thực vậy, Đấng mà lúc thiên sứ Truyền tin “đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào con tim và thân thể của mình” (HT 53) thì cũng chỉ tỏ cho chúng ta thấy cách đón nhận vào cuộc đời chúng ta Chúa Con từ trời xuống, dạy cho chúng ta biết đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và là “quy luật” tối cao trong cuộc sống của chúng ta.

2.- Đồng thời Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi tất cả mọi người trở thành dưỡng tử trong Con Một của Người. Khi nhắc đến những lời tuyệt tác của thư gởi Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng lân tuất, do tình yêu vô biên mà Người đã yêu chúng ta, đang lúc chúng ta còn chết cho tội lỗi, thì Người đã cho chúng ta sống lại với Đức Kitô”(Ep 2,4), Công đồng đã gán cho Thiên Chúa tước hiệu là “Đấng rất mực khoan dung”: như vậy Người Con “được sinh bởi người nữ” đã xuất hiện như là hoa trái của lòng khoan dung của Chúa Cha và cho hiểu rõ hơn rằng người Nữ đó là “mẹ của lòng khoan dung”.

Cùng trong mạch văn đó, Công đồng đã gọi Thiên Chúa là Đấng “rất mực thượng trí”, ra như gợi lên cho chúng ta mối dây khắng khít giữa Đức Maria và sự cao minh của Thiên Chúa đã muốn cho Đức Trinh nữ làm mẹ theo chương trình huyền diệu của Người.

3.- Bản văn của Công đồng cũng nhắc tới mối dây đặc biệt liên kết Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi dùng những lời của tín biểu Nixêa Constantinôpôlis mà chúng ta đọc trong phụng vụ Thánh lễ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria”.

Khi phát biểu đức tin hằng cửu của Hội thánh, Công đồng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc Nhập thể kỳ diệu của Chúa Con đã diễn ra trong cung lòng của Trinh nữ Maria không do sự hợp tác của người nam nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Như vậy, những lời mở đầu của chương VIII Hiến chế về Hội thánh đã cho thấy chiều kích Chúa Ba Ngôi là một nét căn bản của Thánh mẫu học. Thực vậy, tất cả đã diễn ra do ý định của Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình vào thế gian, bày tỏ Người cho nhân loại và đặt Người làm đầu của Hội thánh và trung tâm của lịch sử. Đây là một kế hoạch được hoàn tất trong cuộc Nhập thể, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng do sự cộng tác tất yếu của một người nữ, Đức Trinh nữ Maria, và như thế Người đã trở nên một thành phần của kế hoạch thông ban Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.

4.- Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).

Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”.

Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.

Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.

Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần” theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6,19), nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật” (số 26)[1].

5.- Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo” (HT 53). Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt vời nhờ vào công trạng của Con mình”.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).

(Trích từ Những bài huấn giáo về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

MẸ MARIA LÀ MẪU GƯƠNG CỦA GIÁO HỘI

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương tuyệt vời như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

“Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen Gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng định: “Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n. 63).

1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do Thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là “Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa “xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.

ĐTC đặt câu hỏi:

“Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời “xin vâng” của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.

“Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?

2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zacaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội: mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội không mang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!

Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạnh lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo “mảnh vườn riêng” của mình?

3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường… Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tâm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.

Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

G. Trần Đức Anh, OP (vietcatholic)

 

NGÀY LỄ TRUYỀN TIN

1. Việc chọn ngày lễ

Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.

Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.

Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.

Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

2. Quang cảnh Truyền tin

Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời.  Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra :”Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể”.

Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa  nên đã thưa với sứ thần: ”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.

Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.

(Trích từ Lm Giuse Đinh Lập Liễm, Lễ Truyền Tin – một đời xin vâng; nguồn: simonhoadalat.com).



[1] Mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Thánh Thần được bàn rộng ở Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số  721-726.

 

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]