- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 03-2013

CỨ LÀM THEO

NỘI SAN KINH MÂN CÔI

SỐ THÁNG 03/2013

MẸ MARIA

TRUNG TÍN THẬT THÀ

Mục Lục

LỜI NGỎ

 

Thiên Chúa là Đấng trung tín. Ngài nói là Ngài làm. Lời nói của Ngài trước sau như một, không hề thay đổi.

Tháng 3 là tháng dành kính thánh Giuse. Thánh nhân được gọi là Đấng trung tín thật thà. Người được chọn làm bạn trăm năm của Mẹ Maria, và là cha nuôi của Con Thiên Chúa. Theo truyền thống Kinh Thánh, người trung tín mới được cất nhắc lên làm người quản lý. Thánh Giuse được chọn để quản lý gia đình thánh gia Nadarét. Người thật thà với Chúa, với bạn đời, với gia đình và với chính mình.

Mẹ Maria được Giáo Hội đặt cho tước hiệu trung tín thật thà. Mẹ Maria luôn trung tín với Thiên Chúa, với bạn đời của mình, với bổn phận hằng ngày… và với chính Con của mình. Mẹ được coi là vẹn toàn mọi đàng, thì sự trung tín thật thà của Mẹ cũng vẹn toàn, trổi vượt hơn tất cả các thần thánh trên trời và mọi loài dưới thế.

Như Mẹ, chúng ta trung thành trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Với Mẹ, chúng ta sống thành thật với Thiên Chúa. Nhờ Mẹ, chúng ta học cùng thánh Giuse cần mẫn với bổn phận hằng ngày. Trong Mẹ, chúng ta sống tình con thảo với Thiên Chúa bằng việc cứ làm theo Lời Chúa.

Đặc trách

Tu sĩ  FX. Trần Kim Ngọc, OP.


01/03/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                  Mt 21,33-43.45-46

ĐÁ TẢNG GÓC NHÀ

Như Mẹ: Vì yêu thương, nên khi tổ tông chúng ta sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã sai các tổ phụ, các ngôn sứ đến thăm viếng, nhưng cha ông chúng ta đã bắt rồi giết chết các vị. Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của Ngài đến, nhưng người con đó cũng bị bắt và bị giết. Người con đó là viên đá mà thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá táng góc tường. Đó là công trình kỳ diệu Thiên Chúa làm cho chúng ta.

Với Mẹ: Chúa đã chết vì chúng con. Con cũng như anh chị em của con thật đắc tội với Chúa vì khi phạm tội là chúng con đóng đinh Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ là người đầy tớ luôn trung thành, hết lòng phụng sự và yêu mến Thiên Chúa. Xin giúp con xây dựng đời sống đức tin trên nền tảng của tình yêu Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02/03/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                     Lc 15,1-3.11-32

HOANG ĐÀNG

Như Mẹ: Người con thứ bỏ cha đi hoang vì không cảm nhận được tình yêu của cha dành cho cậu. Còn người con cả, tuy không bỏ nhà ra đi, nhưng vẫn mang một thái độ lạnh lùng, vô ơn. Thái độ của cả hai người con phần nào phản ánh thái độ sống của chúng ta với Thiên Chúa. Khi phạm tội là chúng ta đi xa Chúa. Khi sống dửng dưng, khô khan là chúng ta đang vô ơn với Chúa.

Với Chúa: Thiên Chúa là cha đầy yêu thương chúng con, luôn kiên nhẫn, chậm bất bình, giàu lòng thương và sẵn sàng tha thứ.

Nhờ Mẹ: Mẹ luôn sống trong tình thương của Chúa. Mẹ hằng nung nấu lòng biết ơn đối với Chúa. Xin giúp con cảm nhận được tình Chúa yêu con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03/03/2013                                   Chúa Nhật III MC – Năm C

                                                                           Lc 13,1-9

SỰ KIÊN NHẪN CỦA CHÚA

Như Mẹ: Con người chúng ta thường chây lỳ trong tội lỗi. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về. Mùa chay là dịp Thiên Chúa tha thiết mời chúng ta trở về với Ngài để được Ngài tha thứ, yêu thương, vỗ về và chăm sóc. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là cơ hội cho chúng ta để được cứu; nhưng nếu chúng ta không sám hối, thì sự kiên nhẫn của Ngài sẽ trở thành án phạt cho chúng ta, vì Thiên Chúa công minh.

Với Mẹ: Chúa giàu lòng thương xót. Nhưng lòng thương xót của Chúa dừng lại nơi sự công minh. Con biết tội rồi, Chúa ơi, xin Chúa lấy tình thương mà tha thứ cho con.

Nhờ Mẹ: Mẹ luôn làm vui lòng Chúa, vì Mẹ không hề phạm tội. Xin giúp con tránh xa tội lỗi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04/03/2013                                                    Thứ Hai

Thánh Casimiro                                            Lc 4,24-30

SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU

Như Mẹ: Chúa Giêsu đến trần gian trước hết là vì người Do Thái; sau đó là vì người ngoài Do Thái nữa. Sứ mạng của Chúa không bị bó buộc vào địa lý, chủng tộc, văn hoá, giai cấp, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều này được chứng minh trong bảng gia phả của Chúa (xc. Mt 1,1-17). Chúa đến trần gian không phải vì người công chính, nhưng trên hết là vì người tội lỗi. Chúa đến không phải để lên án nhưng là để cứu độ.

Với Mẹ: Chúa được Cha sai đến trần gian này là vì con. Con thật hạnh phúc được Chúa đưa vào làm con Cha trong gia đình Hội Thánh của Chúa. Con tạ ơn Chúa về hồng ân cao cả này.

Nhờ Mẹ: Mẹ là Mẹ của Chúa. Mẹ là người đầu tiên được hưởng công phúc của Chúa, quả phúc bởi lòng Mẹ. Xin Mẹ dạy con để con trở thành con ngoan của Mẹ, em yêu dấu của Chúa Giêsu.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05/03/2013                                                     Thứ Ba

                                                                        Mt 18,21-35

THA THỨ

Như Mẹ: Luật ở đời: Phạm tội thì phải đền tội, mắc nợ thì phải trả nợ. Chúa Giêsu chẳng hề có tội và cũng chẳng mắc nợ ai, nhưng lại chấp nhận chết để đền tội cho chúng ta. Ngài đổ máu ra để xin Cha tha thứ cho chúng ta. Chúa dạy rằng Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho anh em của mình.

Với Mẹ: Chúa vô tội, nhưng đã bị kết án như một tội nhân. Trên thập giá, Chúa đã xin Cha tha thứ cho những người đóng đinh kết án mình. Con cần học Chúa để biết tha thứ.

Nhờ Mẹ: Dưới chân thập giá, khi đón nhận thân xác tàn tạ của Chúa Giêsu, Mẹ không hề oán trách những người đã đóng đinh giết Chúa. Xin Mẹ hướng dẫn cuộc đời con, để con biết sống trong khoan dung và độ lượng.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06/03/2013                                                     Thứ Tư

                                                                          Mt 5,17-19

LỀ LUẬT CỦA CHÚA

Như Mẹ: Luật lệ nhằm đảm bảo lợi ích chung. Thiên Chúa ban hành Lề Luật qua ông Môsê là để đảm bảo lợi ích của Dân Chúa. Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ Luật cũ, nhưng đưa lên một cấp độ mới, đó là giúp người ta hiểu Luật và giữ Luật để được hạnh phúc và ơn cứu độ. Chúa đưa ra một nguyên tắc cũng như là một giới răn mới là: yêu thương. Yêu Chúa thì phải thi hành Luật Chúa. Và khi yêu thương là đã chu toàn Lề Luật rồi.

Với Mẹ: Chúa là Môsê mới. Chúa ban cho chúng con một giới răn mới: phải yêu thương nhau. Yêu thương như Chúa đã yêu chúng con.

Nhờ Mẹ: Mẹ hằng vâng phục Luật Chúa với con tim trong sạch. Đồng thời Mẹ cũng dạy cho Chúa Giêsu tuân phục Lề Luật khi đem dâng Chúa vào trong đền thờ. Xin cho con sống theo Luật Chúa với tâm tình yêu mến.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07/03/2013                                                   Thứ Năm

Th. Perpetua và Felicita, tđ                      Lc 11,14-23

ĐI VỚI CHÚA

Như Mẹ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ. Những phép lạ Chúa làm đã lôi kéo nhiều người đi theo Chúa, nhưng đồng thời cũng làm cho một số người khó chịu. Ai tin vào Chúa thì thấy được sức mạnh của Ngài, và như thế Nước Trời đã đến với họ. Còn kẻ không tin vào Chúa, thì sẽ thấy bàn tay của Satan, họ tự chia rẽ và rồi sẽ bị khai trừ.

Với Mẹ: Chúa đã đến trần gian này để tìm kiếm những gì đã mất. Con đã lạc mất, Chúa đã đi tìm. Chúa luôn đồng hành với con ngay cả khi con sống trong tội lỗi. Con đi với Chúa, Chúa đi cùng con, con sợ gì ai!

Nhờ Mẹ: Mẹ đã cưu mang, sinh ra và nuôi dưỡng Chúa. Mẹ luôn ở với Chúa. Xin Mẹ đồng hành với con trên hành trình đức tin của con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08/03/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                       Mc 12,28b-34

ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT

Như Mẹ: Trong xã hội có nhiều điều luật làm kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động của con người. Còn trong Đạo thánh, có một điều răn kép cao trọng nhất chi phối tất cả các hành vi của người tín hữu, đó là: Mến Chúa và yêu người. Mến Chúa và yêu người luôn luôn đi đôi với nhau: mến Chúa thì phải yêu người; yêu người thì mới có thể mến Chúa được.

Với Mẹ: Thiên Chúa là Đấng đáng yêu mến trên hết. Con chưa thực sự yêu mến Chúa một cách đúng đắn. Xin Chúa khơi mở nơi con một lòng yêu mến Chúa tha thiết.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã yêu mến Chúa hết lòng. Mẹ làm gì, nghĩ tưởng gì cũng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Mẹ ơi, xin thôi thúc con yêu Chúa nhiều hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09/03/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                          Lc 18,9-14

XIN THƯƠNG XÓT CON

Như Mẹ: Người Pharisêu được coi là người mẫu mực về cách sống đạo trong xã hội Do Thái; còn người thu thuế được cho là người tội lỗi. Nhưng trước mặt Chúa, người Pharisêu tự cao tự đại; còn người thu thuế khiêm nhường nhận mình là kẻ tội lỗi, cần được Chúa xót thương tha thứ. Nhờ khiêm nhường, người thu thuế đã được Thiên Chúa tha thứ và được trở nên công chính, còn người Pharisêu thì không.

Với Mẹ: Chúa đã đổ máu ra để rửa sạch tội con. Con cần đến lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa tha thứ mọi lầm lỗi của con.

Nhờ Mẹ: Mẹ cảm nhận được tình thương của Chúa vì Mẹ tự biết phận nữ tỳ hèn mọn, Chúa hằng thương nhìn tới. Mẹ hằng khao khát tình thương đó. Xin Mẹ giúp con biết chạy đến lòng xót thương vô biên của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10/03/2013                                    Chúa Nhật IV MC- Năm C

                                                                     Lc 15,1-3.11-32

ĐI BỤI ĐỜI

Như Mẹ: Đứng núi này trông núi nọ là thái độ thường gặp nơi con người. Con cái ở trong nhà cha, nhưng lại muốn đi bụi đời. Ngày nay, nhiều trẻ con bỏ nhà đi bụi đời vì những lý do rất vớ vẩn, nhất là cái tôi ngông cuồng. Có những đứa con tuy ngày ngày ở nhà với cha, nhưng tâm hồn lại để đâu, chẳng nghĩ đến cha mà cũng chẳng có tình nghĩa gì với cha.

Với Mẹ: Thiên Chúa là Cha trung thành, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Cha thật kiên nhẫn với con cái, dù con cái bỏ Cha, dù con cái xúc phạm đến Cha. Cha ơi, con bất nghĩa với Cha quá. Xin tha thứ cho con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống hiếu thảo với Chúa Cha qua việc thực hiện ý Cha. Xin Mẹ dạy con sống thảo và thân mật với Chúa Cha.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11/03/2013                                                    Thứ Hai

                                                                         Ga 4,43-54

TIN VÀO LỜI CHÚA

Như Mẹ: Lời Chúa là lời có sức mạnh. Lời Chúa không hề thay đổi. Tất cả mọi lời Chúa nói trong Kinh Thánh phải được ứng nghiệm. Lời Chúa là thần khí và sự sống. Chúa nói là Chúa làm, vì thế, Lời của Chúa là lời chân thật. Viên sĩ quan trong câu chuyện đã tin vào lời của Chúa Giêsu: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Và quả thật, nhờ tin tưởng vào Lời Chúa nói, con ông đã được chữa lành, được sống.

Với Mẹ: Con đang sống trong một thế giới ồn ào, làm con mệt mỏi. Chúa có lời mang lại sự sống. Con lại cứ say mê những thứ âm thanh của trần gian, mà không ham thích nghe Lời của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ, Mẹ là người chăm chú nghe Lời Chúa và Mẹ thực hành Lời Chúa tốt nhất. Xin Mẹ chỉ cho con cách nghe và sống Lời Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12/03/2013                                                     Thứ Ba

                                                                           Ga 5,1-16

NGÀY THÁNH

Như Mẹ: Mọi ngày đều là ngày của Chúa. Ngày nào cũng tốt lành. Và ngày nào cũng làm được việc tốt lành. Người Do Thái quan niệm ngày Sabat là ngày của Chúa, chỉ được làm việc Chúa, không được phép làm những việc dành cho con người, ví dụ như chữa bệnh… Chúa Giêsu đã lên án thái độ đó.

Với Mẹ: Con thường quên bổn phận của con dành cho Chúa. Con thường bỏ bê dự thánh lễ vì tiếc thời gian, nhưng lại siêng năng với việc làm bất chính. Con học để biết sử dụng thời gian vào những việc lành phúc đức, xin Chúa giúp sức cho con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống trọn thời gian trong ngày để phụng sự Chúa. Mẹ thực sự là Mẹ của thời gian, xin giúp con biết dùng thời gian sống để chu toàn bổn phận hằng ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13/03/2013                                                     Thứ Tư

                                                                         Ga 5,17-30

SỐNG NGAY CHẾT LÀNH

Như Mẹ: “Gieo gió thì gặt bão.” “Ở hiền thì gặp lành.” Đó là quy luật ở đời. Thiên Chúa là Đấng làm chủ sự sống và cái chết. Ai tin vào Ngài, thì Ngài cũng sẽ không để cho người ấy thất vọng. Ai sống mà tin tưởng vào Ngài thì Ngài sẽ đưa người ấy vào cõi sống. Người tin vào Chúa thì sẽ sống theo Lời Chúa dạy. Sống theo Lời Chúa là một bảo đảm chắc chắn cho sự chết lành, được chết lành là bắt đầu sự sống mới.

Với Mẹ: Chúa có quyền phán xét kẻ sống và người chết. Ai sống làm sao thì Chúa sẽ xử cho như vậy. Con làm sao che được mắt Chúa, xin xử con theo lượng từ bi của Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã được thưởng vinh quang Nước Trời. Mẹ trở thành trạng sư của chúng con, xin Mẹ che chở chúng con trước ngai toà của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14/03/2013                                                   Thứ Năm

                                                                         Ga 5,31-47

LỜI CHỨNG THẬT

Như Mẹ: Sống trong thời đại đầy giả dối, thì biết đâu là thật-giả. Con người vốn mang mầm mống tội lỗi, nên cũng mang mầm mống giả dối. Dựa vào đâu để phân biệt giả dối? Phải dựa vào Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa là Sự Thật. Sự Thật sẽ dạy chúng ta biết được nguyên nhân của sự giả dối, nhờ đó mà phân biệt phải trái.

Với Mẹ: Thiên Chúa là Đấng duy nhất và chân thật. Để biết được Đấng duy nhất và chân thật, con cần Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn con, đưa con vào Sự Thật toàn vẹn là nhận biết Thiên Chúa là Cha của con.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã tin vào Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng hoàn toàn chân thật. Mẹ cũng đã tin vào Lời Chúa, và Lời Chúa là Sự Thật. Xin Mẹ giúp con sống chân thật, và dám sống theo Lời của Chúa dạy bảo.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15/03/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                  Ga 7,1-2.10.25-30

TÌM CÁCH BẮT CHÚA

Như Mẹ: Chúa có toàn quyền trên mọi loài mọi vật. Thế mà, Chúa Giêsu là Thiên Chúa lại chấp nhận địa vị làm người, sống phục tùng luật lệ của con người. Chúa có quyền tìm lỗi của con người để xét hỏi, nhưng Chúa đã không làm, Chúa đến để cứu con người. Đằng này, người Do Thái lại tìm cách bắt bẻ Chúa từ những việc làm đến những lời nói, và cuối cùng là tìm cách để bắt giết Chúa. Thật nghịch lý!?

Với Mẹ: Nhiều lần con không tự xét mình, nhưng lại đi tra vấn Chúa. Tại sao Chúa dựng nên con? Tại sao Chúa để con phải khổ, phải bệnh tật? Con đã nhầm khi trách Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã sống rất khiêm hạ trước mặt Chúa. Xin Mẹ dạy con biết cậy trông vào tình thương xót hải hả của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên Trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16/03/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                         Ga 7,40-53

KẾT ÁN NGƯỜI KHÁC

Như Mẹ: Người đời thường có thói thích xét đoán người khác. Sự xét đoán của người đời thường phiến diện, lệch lạc. Người đời chỉ nhìn thấy cái bên ngoài, còn cái bên trong thì không thể. Nhưng họ lại dựa vào cái bên ngoài để kết án. Chỉ Thiên Chúa mới là Đấng có quyền xét xử. Thiên Chúa thấu tỏ con người từ ngoài lẫn trong lòng mỗi người. Thiên Chúa không hề thiên vị, và cũng không hề xét xử oan cho ai. Ngài lấy lòng nhân hậu mà xét xử chúng ta.

Với Mẹ: Chúa biết rõ con: con thường mang thái độ kết án người đời. Con thường coi người khác thấp kém. Con sẽ sửa đổi cái tính xét đoán này, biết khiêm nhường trước mặt Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ sống khiêm nhường. Mẹ hằng cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Xin cho con biết khiêm hạ mà nương tựa vào Chúa.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17/03/2013                                    Chúa Nhật V MC – Năm C

                                                                           Ga 8,1-11

AI LÀ NGƯỜI VÔ TỘI?

Như Mẹ: Tổ tiên loài người là ông Ađam và bà Evà đã phạm tội mất lòng Thiên Chúa. Hai ông bà tổ đã để lại cho con cháu một di chứng, đó là tội. Tội lỗi đã làm cho con người trở thành tội nhân. Trong thế giới thụ tạo, may quá, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria khỏi vương lây tội nguyên tổ. Nhờ thế, Mẹ Maria đã được diễm phúc cưu mang Con Đấng Tối Cao, là Đấng cứu độ trần gian.

Với Mẹ: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng vô tội, đã trở nên như một tội nhân khi Chúa xuống sông Giođan để chịu phép rửa bởi ông Gioan tẩy giả. Việc Chúa làm chúng con không thể hiểu. Chúa làm gương cho chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng chẳng vướng tội nhơ, chúng con là kẻ có tội, xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu tha tội cho chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18/03/2013                                                    Thứ Hai

                                                                         Ga 8,12-20

KẾT ÁN

Như Mẹ: Tội lỗi là một thứ ký sinh trùng luôn đeo bám con người. Tội bởi đâu mà có, bởi Satan mà ra. Tổ tiên chúng ta đã bị tên Satan lừa gạt. Đến lượt, chúng ta cũng bị chúng cám dỗ, lừa phỉnh. Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, đến trần gian để xoá tội chúng ta. Ngài đến không phải để kết án chúng ta, nhưng đến đổ máu để rửa sạch tội lỗi chúng ta.

Với Mẹ: Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chậm bất bình, và sẵn sàng thứ tha. Con là kẻ tội lỗi. Nhiều phen con đã lỗi phạm đến Chúa, nhưng Chúa không hề trách con. Xin Chúa tha thứ và xin thương xót con luôn.

Nhờ Mẹ: Mẹ thật tuyệt vời, vì Mẹ không hề lây nhiễm tội nào. Mẹ đã sinh ra Đấng xoá tội trần gian. Giờ đây, Mẹ ơi, xin Mẹ khẩn xin Chúa Giêsu thương xót, chở che và tha thứ cho con.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19/03/2013                                                     Thứ Ba

THÁNH CẢ GIUSE                                 Mt 1,16-18.21-24a

NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Như Mẹ: Thánh Giuse là người công chính. Công chính ở chỗ nào? Người được chọn là bạn đời của Đức Maria. Trước khi hai người về chung sống, thì Đức Maria có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse tin rằng Đức Maria là người liêm chính, thì không thể phạm tội ngoại tình; nhưng thai nhi trong lòng Đức Maria lại không phải của mình. Không phải của mình là không thể nhận về cho mình. Vì thế thánh Giuse được kể là công chính.

Với Mẹ: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận sống làm con dưới mái nhà của cha thánh Giuse. Xin cho con biết sống trọn đạo làm con trong gia đình của mình.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã hết tình vì chồng con. Xin Mẹ giúp con biết hoàn thành bổn phận hằng ngày.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20/03/2013                                                     Thứ Tư

                                                                         Ga 8,31-42

NÔ LỆ VÀ TỰ DO

Như Mẹ: Con người là con vật tự do. Nhưng sự tự do của con người đã bị giới hạn. Khi phạm tội, con người mất tự do. Con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. Sự thật mới có thể giải phóng con người. Chúa Giêsu là Sự Thật đến để giải phóng con người khỏi tội lỗi của họ. Và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được tự do đích thực.

Với Mẹ: Con đã không biết sử dụng tự do. Con đã sử dụng sai, nên con đã đánh mất tự do. Chính Chúa đến trần gian là để lấy lại tự do cho con. Con tạ ơn Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã được gìn giữ vẹn toàn, không hề vương tội lỗi. Do đó, Mẹ hoàn toàn được tự do, xin Mẹ gìn giữ con trong sự tự do của con cái Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21/03/2013                                                   Thứ Năm

                                                                         Ga 8,51-59

AI KHÔNG CHẾT?

Như Mẹ: Là người thì ai cũng phải chết. Tổ phụ Ápraham cũng đã chết. Trước khi có ông Ápraham, thì Chúa Giêsu đã có. Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, do đó, Chúa Giêsu cũng là Đấng hằng hữu. Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết nhưng đã sống lại. Và khi Ngài đã sống lại rồi, thì cái chết chẳng là gì đối với Ngài nữa.

Với Mẹ: Ai tin vào Chúa Giêsu thì sẽ được sống. Con đã tin vào Chúa, và con quyết tâm vững tin vào Chúa, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã tin vào Chúa. Nhờ thế, Mẹ đã được Thiên Chúa tưởng thưởng cho sự sống đời đời trong Nước Chúa, xin Mẹ che chở và dẫn con vào trong Vương Quốc của Chúa Con chí ái.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22/03/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                         Ga 10,32-42

VIỆC TỐT ĐẸP

Như Mẹ: Trong suốt cuộc đời hoạt động, Chúa Giêsu đã làm biết bao việc tốt lành cho dân chúng: chữa bệnh, trừ quỷ, làm cho kẻ chết sống lại,… Thế mà, người thông luật, biệt phái luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu. Họ không chỉ tìm cách gây cản trở mà còn tìm cách giết Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu tự xưng mình là Thiên Chúa. Dù khó khăn, Chúa Giêsu vẫn làm việc tốt đẹp để thi ân giáng phúc cho dân chúng.

Với Mẹ: Việc Chúa làm cho con ôi vĩ đại. Nếu con nhận ra ân huệ Chúa ban, thì con sẽ không bao giờ ngừng chúc tụng Chúa. Xin mở môi miệng con để con biết ngợi khen Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã đưa hết tâm tình ngợi khen Chúa, vì bao việc lạ lùng Chúa đã làm cho Mẹ. Xin giúp con biết cảm tạ Chúa trọn đời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23/03/2013                                                    Thứ Bảy

                                                                        Ga 11,45-57

MỘT NGƯỜI CHẾT THAY

Như Mẹ: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Chúa Giêsu đã chấp nhận bị bắt, rồi bị kết án tử hình. Câu nói của ông thượng tế không ngờ lại đúng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết thay cho toàn thể nhân loại. Người vốn vô tội nhưng đã chết nhục để đền tội cho nhân loại chúng ta.

Với Mẹ: Con đã nhiều lần xúc phạm đến Chúa,  con là kẻ tội lỗi, đáng phải chết. Chính Chúa đã chết thay để đền tội cho con. Con cảm tạ Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đi theo Chúa Giêsu trên hành trình dương thế. Mẹ không chết thay cho chúng con, nhưng Mẹ đã đau đớn khi phải chứng kiến cái chết ô nhục của Con Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con biết nhìn lên Đấng đã chết thay cho chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24/03/2013                                            Chúa Nhật LỄ LÁ

                                                                    Lc 22,14 – 23,56

VINH QUANG

Như Mẹ: Hội Thánh bắt đầu bước vào Tuần Thánh, tuần đặc biệt để chúng ta kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang”: một vị Thiên Chúa mà lại sống kiếp con người. Hơn nữa, không chỉ là một kiếp người bình thường, nhưng là một kiếp nô lệ hèn mọn. Thân nô lệ này bị kết án chết nhục nhã trên Thập Giá. Chính trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã bày tỏ vinh quang.

Với Mẹ: Còn nỗi khốn khổ nào, nỗi nhục nhã nào mà Chúa chưa từng nếm chỉ vì tội lỗi chúng con? Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng quá chai cứng để cứ dầm dìa trong tội lỗi. Xin giúp chúng con hoán cải để được ơn cứu độ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con được ơn sám hối.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25/03/2013                                                    Thứ Hai

                                                                         Ga 12,1-11

XỨC DẦU CHO CHÚA

Như Mẹ: Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, và chấp nhận chết nhục vì con người. Tại sao? Chúa là Chúa, là Vua thì phải đáng được tôn vinh chứ? Mấy ai dám bỏ dầu quý xức cho Chúa như người phụ nữ trong câu chuyện? Người phụ nữ đổ dầu xức cho Chúa, trong khi một người môn đệ lại tiếc! Tiếc với Chúa, đó là thái độ của nhiều người có đạo trong chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để đem ơn cứu độ cho chúng con. Chúa đã đánh bóng đời chúng con bằng chính máu thánh Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã làm vinh danh Chúa bằng hương nhân đức của Mẹ. Xin cho chúng con biết xức dầu cho Chúa bằng đời sống đạo hạnh và lòng tin tưởng nơi Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26/03/2013                                                     Thứ Ba

                                                                  Ga 13,21-33.36-38

CHỐI CHÚA

Như Mẹ: Các tông đồ theo Chúa trên hành trình rao giảng Nước Trời. Nhưng đến khi Thầy Giêsu gặp thử thách, thì các ông lại chối Chúa hoặc bỏ Chúa. Mềm thì nắn, rắn thì buông là thái độ thường tình của con người. Đi theo Chúa chỉ vì lợi lộc, chứ đi theo Chúa không phải vì Chúa hay vì Nước Trời. Trong cuộc sống đức tin, nhiều lần người tín hữu vì lợi ích tạm bợ mà bỏ quên ích lợi trường tồn.

Với Mẹ: Chúa đã hết lòng và hết tình vì con. Chúa đã hy sinh tất cả vì con. Còn con, con lại bất trung với Chúa. Con theo Chúa nhưng chỉ bề ngoài. Lạy Chúa, đức tin của con còn non yếu, xin củng cố đức tin của con.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã gắn bó với Chúa Giêsu trọn đời, ngay cả khi đau khổ nhất là dưới chân thập giá. Xin cho con biết trung thành với Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27/03/2013                                                     Thứ Tư

                                                                        Mt 26,14-25

BÁN CHÚA

Như Mẹ: Con người thường bị những cái lợi làm cho mù mắt, phản thầy bán chủ. Ông Giuđa đã vì tiền mà dốc tâm bán Chúa. Người tín hữu, nhiều khi vì sợ sệt, vì miếng cơm manh áo, mà từ chối Chúa. Từ chối Chúa cũng là cách bán Chúa. Tại sao, người ta lại rơi vào thái độ nhút nhát, bất trung, bội nghĩa và vong ân? Chỉ vì người ta hiểu sai giá trị cuộc sống: không phân biệt cái vĩnh hằng và cái chóng qua. Họ đã bỏ Chúa vĩnh hằng mà chọn cái chóng qua.

Với Mẹ: Chúa là Đấng vĩnh hằng. Chúa luôn trung thành yêu thương chúng con, dù chúng con tội lỗi hay hèn yếu. Chúa yêu thương chúng con trước. Con hiểu rằng con chưa yêu và gắn bó với Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ, Mẹ thực sự sống vì Chúa và cho Chúa. Không có gì Mẹ muốn ngoài Chúa. Xin Mẹ giúp con trung thành với Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28/03/2013                                                   Thứ Năm

                                                                         Ga 13,1-15

YÊU ĐẾN CÙNG

Như Mẹ: Yêu là bản chất của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người, nên đã dựng con người. Thiên Chúa yêu con người, nên khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã tìm mọi cách để chuộc con người. Thiên Chúa yêu con người đến nỗi Con Một cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì con người. Con Một làm người, sống nghèo, rồi chết nghèo và nhục nhã vì con người. Ngài đã yêu đến cùng.

Với Mẹ: Con không thể hiểu là tại sao Chúa lại yêu con đến thế! Con là người tội lỗi, nhưng Chúa đã đoái thương. Còn con thì lại xử tệ bạc với Chúa, thờ ơ với Chúa, thậm chí là chối Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ đã dành hết mọi khả năng để tán dương tình thương của Chúa. Xin Mẹ đưa con vào tình yêu của Chúa, để con biết yêu Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29/03/2013                                                    Thứ Sáu

                                                                     Ga 18,1 – 19,42

VINH QUANG THẬP GIÁ

Như Mẹ: Ngày thứ Sáu Tuần Thánh là ngày u tối buồn thảm nhất. Trước con mắt phàm trần, thì đó là một ngày thất bại hoàn toàn của Chúa! Chúa bị bỏ rơi, và rồi, Chúa chết nhục nhã trong cô đơn, trần  trụi, toàn thân tan nát trên Thập Giá!!! Thế nhưng chính từ cạnh sườn của Chúa với máu cùng nước chảy ra, mà Giáo Hội chúng con được khai sinh. Ôi “tội hồng phúc”!

Với Mẹ: Thập giá là ô nhục, nhưng là nơi Chúa biểu lộ vinh quang. Chính trên thập giá, Chúa Giêsu được tuyên xưng là Vua. Con ngước nhìn lên Thập Giá để thấy rằng Chúa chết vì yêu con.

Như Mẹ: Từ chân Thập Giá, Mẹ được trao phó chăm sóc đoàn em của Chúa Giêsu là chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con biết hoán cải để sống xứng đáng với ơn cứu chuộc của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30/03/2013                                                    Thứ Bảy

VỌNG PHỤC SINH                                        Lc 24,1-12

CHẾT ĐỂ SỐNG

Như Mẹ: Chúa đã chết, nhưng Chúa đã sống lại. Chúa sống lại là để mờ đường cho những ai tin vào Ngài, biết đường đi về cõi sống. Sự chết nhường chỗ cho sự sống. Từ nay cái chết không làm con người sợ hãi nữa, nhưng đó là một sự bắt đầu và là ngưỡng cửa để con người bước vào sự sống mới muôn đời.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin dẫn chúng con vào sự sống mới với Chúa, để chúng con cũng bắt đầu thừa hưởng gia nghiệp trên quê trời đã dành sẵn cho chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, chắc chắn Mẹ là người đầu tiên nhận được Tin Mừng Phục Sinh của Chúa, và chắc chắn không ai hạnh phúc và tràn đầy niềm vui bằng Mẹ. Xin Mẹ luôn bảo trợ và đưa chúng con vào sự sống Chúa phục sinh.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31/03/2013                                      Chúa Nhật PHỤC SINH

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI                               Ga 20,1-9

GẶP CHÚA PHỤC SINH

Như Mẹ: Để hiểu nhau và thân nhau, người ta cần năng gặp gỡ nhau, tâm sự với nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau… Cũng vậy, nếu muốn kết hợp được với Đức Giêsu, trước hết chúng ta cần được Chúa Thánh Thần đưa đường dẫn lối; đồng thời chúng ta cần dành thời gian gặp gỡ Chúa, cầu nguyện với Chúa, tâm sự với Chúa, lắng nghe lời Chúa dạy trong Kinh Thánh, thực hành điều Chúa dạy, tránh điều Chúa cấm.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết và đã sống lại để chúng con cũng được chết và sống lại với Chúa. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con dám chết đối với tội lỗi để chúng con được sống lại mỗi ngày cùng với Đức Kitô Giêsu.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Eva mới, xin Mẹ giúp chúng con biết sống đời sống mới là vững tin và thường gặp Chúa Giêsu nơi Thánh Thể.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

Những Điều Kiện Thích Đáng

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Hỡi các linh hồn được tiền định, quí bạn là của Thiên Chúa, hãy dứt khoát tách mình ra khỏi các kẻ đang hư đi theo đời sống vô đạo, lười biếng và lạnh nhạt của họ, mà lập tức hãy lần hạt Mân Côi với cả đức tin, lòng khiêm nhượng, sự cậy trông và kiên trì của mình.

Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã dạy chúng ta theo gương của Ngài và hãy cầu nguyện luôn, vì nhu cầu của chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ, vì trí khôn chúng ta mù tối, vô tri, yếu nhược, và vì sức mạnh cũng như lực lượng bên đối thủ của chúng ta. Ai thật tình lắng nghe lệnh truyền này của Thầy chúng ta chắc chắn sẽ không thể nào mãn nguyện với việc lần hạt mỗi năm một tràng Kinh Mân Côi (như những Vĩnh Viên của Hội Mân Côi thi hành), hay mỗi tuần một tràng (như các Thường Viên), mà là mỗi ngày một tràng (như những Nhật Viên) và sẽ không bao giờ bỏ làm như vậy, dù chỉ có một mục đích duy nhất là cứu rỗi linh hồn của mình thôi.

1.- “Phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng” (Lc 18,1). Đây là lời hằng sống của chính Chúa chúng ta. Chúng ta phải tin vào lời của Người và phải đem ra thực thi nếu chúng ta không muốn bị hư đi. Quí bạn có thể hiểu thế nào tùy quí bạn, miễn là quí bạn đừng cắt nghĩa những lời này theo kiểu cách thế gian và áp dụng nó theo đường lối thế gian.

Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta lời cắt nghĩa chân thực những lời của Người, bằng chính gương sáng Người để lại cho chúng ta. “Thầy làm gương cho chúng con để các con làm như Thầy đã làm” (Ga 13,15). Và “Người đã cầu nguyện cả đêm với Thiên Chúa” (Lc 6,12). Ngày giờ ban ngày của Người hầu như không đủ, Người thường dùng ban đêm để cầu nguyện. Người đã lập đi lập lại với các thánh Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26,41), xác thịt thì yếu đuối, cám dỗ thì ở khắp nơi và bao vây các con. Nếu các con không liên lỉ cầu nguyện, các con sẽ sa ngã… Và vì có một số trong các ngài rõ ràng nghĩ rằng những lời này của Chúa chỉ là những lời khuyên mà thôi, do đó, các ngài đã hoàn toàn lạc hướng. Đó là lý do tại sao các ngài bị sa chước cám dỗ và sa ngã phạm tội, cho dù các ngài thuộc về nhóm của Chúa Giêsu Kitô.

Hỡi các phần tử Hội Mân Côi, nếu quí bạn muốn sống theo đời sống thời trang và thuộc về thế gian này – tôi có ý nói, nếu quí bạn không sợ sa ngã phạm tội trọng hết lần này đến lần khác rồi đi xưng tội, và nếu bạn tránh khỏi những tội lỗi theo đam mê mà thế gian coi nhẹ song lại là những tội đáng kể – thì, dĩ nhiên, quí bạn không cần nhiều lời kinh kệ và tràng Kinh Mân Côi. Quí bạn chỉ cần làm một việc nho nhỏ mỗi ngày gọi là “đáng kể” thôi: một kinh nguyện nhỏ ban đêm và ban sáng, một Kinh Mân Côi vào một lúc nào đó để thống hối, một vài chục Kinh Kính Mừng lần bằng chuỗi Mân Côi (một cách ngẫu nhiên, chẳng có chú ý gì) khi hứng lên – cũng đủ lắm rồi. Nếu quí bạn sống không đến nỗi như vậy, quí bạn có thể được ghép vào nhóm người cấp tiến hay cực đoan; nếu quí bạn sống còn tệ hơn thế nữa, quí bạn đúng là một kẻ lệch lạc và cuồng loạn. Nhưng, nếu quí bạn muốn sống một đời Kitô hữu đích thực và muốn thực lòng cứu rỗi linh hồn mình, muốn bước theo đường lối của các thánh, muốn không bao giờ và không khi nào sa ngã phạm tội trọng, muốn phá hủy những cạm bẫy của Satan và làm đảo lộn các kế hoạch hung tàn của hắn, quí bạn phải luôn luôn cầu nguyện như Chúa đã dạy và truyền phải thi hành.

Nếu quí bạn luôn ôm ấp điều này trong lòng, tối thiểu quí bạn phải đọc Kinh Mân Côi hay đọc tương tự như vậy mỗi ngày. Tôi nói “tối thiểu”, bởi vì có lẽ tất cả những gì quí bạn đạt được bằng Kinh Mân Côi, sẽ là để tránh được tội trọng và thắng được các chước cám dỗ. Quí bạn thật sự tỏ ra đã bị cuốn hút bởi giòng cuồng lưu tội lỗi thế tục mà những linh hồn mạnh mẽ cũng đã bị chìm đắm; quí bạn đang ở giữa một bóng tối dầy đặc, kín mít có thể làm cho các linh hồn được ơn soi sáng nhất trở nên mù quáng; quí bạn bị vây hãm bởi các thần dữ kinh nghiệm hơn bao giờ hết, biết rằng thời gian chẳng còn bao lâu, nên càng tìm cách khôn khéo và hiệu nghiệm hơn để cám dỗ quí bạn.

Thật là một kỳ công của ơn sủng do phép lần hạt Rất Thánh Mân Côi nếu quí bạn làm chủ được mình khỏi vướng mắc với thế gian, với ma qủi, xác thịt, tránh khỏi tội trọng và chiếm được thiên đàng! Nếu không chịu tin tôi, quí bạn ít ra cũng rút được kinh nghiệm bản thân. Cho phép tôi hỏi quí bạn, nếu quí bạn có thói quen đọc kinh tương đương với số lượng như các người khác đọc ở đời này, và đọc giống như cách họ vẫn thường đọc, quí bạn có tránh được các lầm lỗi và tội lỗi trầm trọng hay chăng, những điều mà theo sự mù quáng của mình quí bạn coi như không, song thật sự là nặng. Vậy thì quí bạn phải chỗi dậy đi thôi, và nếu quí bạn muốn sống chết cách vô tội, ít là tội trọng, hãy cầu nguyện không ngừng; hãy đọc Kinh Mân Côi theo phận sự mỗi ngày, như các phần tử của Hội Mân Côi vẫn làm vào những ngày ban đầu.

Khi Đức Mẹ ban phép lần hạt Rất Thánh Mân Côi cho thánh Đa Minh, Người truyền thánh nhân đọc kinh này mỗi ngày và làm cho người khác đọc kinh ấy mỗi ngày nữa. Thánh Đa Minh không để cho ai gia nhập Hiệp Hội nếu họ không hoàn toàn xác quyết đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày. Ngày nay, nếu người ta được phép trở thành Thường Viên của Hiệp Hội bằng việc đọc một tràng kinh duy nhất mỗi tuần, là vì sự sốt sắng đã cạn và đức ái đã ra nguội lạnh. Quí bạn thấy được điều quí bạn có thể thấy nơi một người ít cầu nguyện. “Ban đầu thì không có như vậy đâu” (Mt 19,8).

Có ba điều cần phải nhấn mạnh ở đây. Thứ nhất, nếu quí bạn muốn gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi Thường Nhật và tham phần kinh nguyện cũng như công phúc của mọi phần tử của hội, thì ghi danh làm Thường Viên chưa đủ hay chỉ quyết chí đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày cũng vậy; quí bạn phải đưa tên mình cho một người có uy tín để ghi danh vào hội. Một việc làm rất tốt nữa là đi xưng tội và rước lễ cho ý chỉ đặc biệt này. Lý do để làm như vậy là vì Thường Viên của Hiệp Hội không buộc làm như các Nhật Viên, song Nhật Viên phải làm bao gồm cả việc của Thường Viên.

Điểm thứ hai tôi muốn đề cập tới là, dù không đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày, một tháng hay cả một năm đi nữa, tuyệt đối không có lỗi gì cả, dù là nhỏ mọn.

Điểm thứ ba đó là, khi bị yếu bệnh, hay làm việc vì đức vâng lời theo lệnh bề trên hợp lệ hay phải làm một việc khẩn cấp nào đó, ngay cả cố tình quên sót, đã làm ngăn trở quí bạn đọc Kinh Mân Côi theo phận sự của mình, quí bạn cũng không thiệt mất phần của mình trong việc thông công với các công đức và các Kinh Mân Côi của các phần tử khác. Như thế, nói cách tuyệt đối, quí bạn vẫn không bị bắt buộc hôm sau phải đọc hai tràng Kinh Mân Côi bù lại việc thiếu sót của mình, miễn là, theo tôi hiểu, không phải do lỗi của quí bạn. Tuy nhiên, trong trường hợp quí bạn bị bệnh mà quí bạn vẫn còn có thể đọc Kinh Mân Côi theo phận sự của mình, quí bạn vẫn phải đọc như thường.

“Phúc cho ai luôn đứng trước mặt ngài” (1 V 10,8). “Phúc cho ai ở trong nhà Chúa! Họ sẽ liên lỉ chúc tụng Người” (Tv 83,5). “Ôi, Chúa Giêsu yêu dấu, phúc cho anh chị em của Hiệp Hội Kinh Mân Côi Thường Nhật ở trước nhan Chúa mỗi ngày – trong ngôi nhà nhỏ bé của Chúa ở Nazarét, dưới chân cây thập giá của Chúa trên đồi Canvê, và sum vầy chung quanh ngai tòa Chúa trên trời, để suy gẫm và chiêm ngưỡng các mầu nhiệm vui mừng, thương đau và vinh hiển của Chúa. Hạnh phúc thay cho họ ở trên đời vì những ơn tuyệt diệu Chúa đã ban cho họ cách nhân ái, và phúc thay cho họ ở trên trời nơi mà họ sẽ đời đời chúc tụng Chúa cách hết sức đặc biệt!”

2.- Kinh Mân Côi phải được đọc bằng đức tin – vì Chúa đã phán: “Hãy tin các con sẽ nhận được; và chúng sẽ được ban cho các con” (Mc 11,24). Nếu quí bạn tin rằng quí bạn sẽ nhận được điều quí bạn xin từ tay Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài sẽ ban như lời cầu xin của quí bạn. Ngài sẽ nói cùng quí bạn rằng: “Bởi các con tin, các con được như vậy” (Mt 8,13). “Nếu ai trong các ngươi muốn xin ơn khôn ngoan, hãy xin cùng Chúa, nhưng hãy tin mà xin, đừng ngờ vực gì cả” (Gc 1,5.6). Nếu ai cần đức khôn ngoan, hãy tin mà xin cùng Chúa, đừng do dự gì cả, và với Kinh Mân Côi, điều họ xin họ sẽ nhận được.

3.- Thứ ba, chúng ta phải cầu nguyện với lòng khiêm nhượng, giống như người thu thuế, qùi gối xuống đất, cả hai chân, không phải bằng một chân như kẻ kiêu kỳ và phàm tục vẫn làm, hay bằng một đầu gối trên bàn qùi ở trước mặt. Người thu thuế ở phía cuối nhà thờ, không phải ở trên cung thánh như người Pharisiêu kia; mắt người ấy cúi xuống, không dám ngước lên trời; người ấy không vênh mặt lên nhìn chung quanh như người Pharisiêu. Người ấy đấm ngực, xưng thú lỗi lầm và xin ơn tha thứ: “Xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13), và người đó không giống người Pharisiêu một tí nào trong việc tuyên dương việc lành phúc đức của mình và khinh miệt kẻ khác trong lời nguyện cầu của mình. Đừng bắt chước sự kiêu căng của người Pharisiêu với lời kinh nguyện chỉ làm chai lòng cứng dạ và tăng thêm tội lỗi; trái lại, hãy bắt chước người thu thuế với lời cầu mang lại ơn thứ tha tội lỗi.

Quí bạn phải rất thận trọng đừng làm bất cứ một việc gì khác thường hay ngay cả ước muốn được hiểu biết những điều phi thường, những thị kiến, mạc khải hay những ơn lạ mà Thiên Chúa thỉnh thoảng ban cho một ít thánh nhân khi các ngài đọc Kinh Mân Côi. “Một mình đức tin là đủ rồi”: Một mình đức tin đã quá đủ để lúc này đây chúng ta đi sâu vào các Phúc Âm, tất cả những việc tôn sùng và những việc đạo đức.

Ngay cả khi quí bạn chịu cảnh khô khan trong tâm hồn, buồn phiền và chán nản nội tâm, cũng đừng bao giờ bỏ một chút xíu nào phận sự đọc Kinh Mân Côi của mình – bằng không, đó là dấu hiệu của sự kiêu căng và bất tín. Ngược lại, như một chiến sĩ đích thực của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, quí bạn phải đọc các Kinh Lạy Cha và Kính Mừng khô khan, nếu có của mình, mà không cần được nghe hay cảm được bất cứ một niềm ủi an nào, bằng cách hết sức mình chăm chú vào các mầu nhiệm.

Quí bạn không được tìm kiếm kẹo ngọt hay kẹo dẻo để ăn với bánh hằng ngày của mình như trẻ con, mà phải đọc Kinh Mân Côi theo phận sự của mình một cách kỹ lưỡng hơn, nhất là khi cảm thấy khó đọc.

Hãy làm như vậy để bắt chước Chúa cách hoàn hảo hơn trong cơn hấp hối của Người ở vườn cây dầu: “Trong con sầu não, Người cầu nguyện lâu hơn” (Lc 22,44), để điều nói về Chúa (khi Người cầu nguyện trong cơn sầu muộn) cũng có thể nói về quí bạn nữa: Người còn cầu nguyện lâu hơn thế nữa.

4.- Cầu nguyện với một lòng cậy trông vĩ đại, một lòng cậy trông dựa vào lòng nhân lành và sự rộng lượng vô biên của Thiên Chúa và vào lời hứa của Chúa Giêsu Kitô.

Thiên Chúa là mạch nước hằng sống không ngừng chảy vào tâm hồn của các kẻ cầu nguyện. Chúa Cha Hằng Hữu không mong gì hơn là trào đổ những giòng nước ban sự sống từ ân sủng và tình thương của Người cho chúng ta. Người đang kêu mời chúng ta: “Tất cả những người đang khát, hãy đến với các giòng nước…” (Is 51,4). Nghĩa là “Hãy đến mà uống suối nước của Ta bằng lời cầu nguyện,” và khi chúng ta không cầu nguyện với Người, Người buồn rầu nói rằng chúng ta đã từ bỏ Người: “Họ đã bỏ mất Ta, suối nước sự sống” (Gr 2,13).

Chúng ta làm cho Chúa vui lòng khi chúng ta xin ơn Chúa, bằng nếu chúng ta không xin gì, Người sẽ trách yêu chúng ta: “Cho đến nay, các con chưa từng xin gì hết… hãy xin các con sẽ nhận được… hãy tìm các con sẽ thấy, hãy gõ cửa sẽ mở ra cho các con” (Ga 16,24; Mt 7,7).

Hơn nữa, để ban cho chúng ta thêm tin tưởng cầu xin với mình, Người đã đoan quyết với chúng ta bằng lời hứa, đó là Cha Người sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta xin nhân danh Người.

(Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 47).

TÔNG THƯ ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

Dưới đây là các số và mục được trích nguyên văn từ Tông thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002.

Kinh Mân Côi

một kho tàng cần được tái khám phá

Số 43. Anh chị em thân mến! Một lời kinh quá dễ nhưng lại rất phong phú đáng được Cộng đồng Kitô giáo khám phá lại. Chúng ta hãy thực hiện điều đó, đặc biệt trong năm nay, xem đó như là phương thế để thừa nhận đường hướng mà tôi đã phác thảo trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte, từ đó chương trình mục vụ của biết bao cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã múc lấy sự soi sáng khi họ nhìn đến tương lai gần.

Tôi đặc biệt hướng về anh em, các giám mục, linh mục và phó tế yêu dấu, và tới anh em, những người lo công tác mục vụ trong những thừa tác vụ khác nhau: nhờ kinh nghiệm riêng của anh em về vẻ đẹp của Kinh Mân Côi, ước gì anh em dấn thân cổ võ lời kinh ấy với lòng xác tín.

Tôi cũng đặt tin tưởng vào anh chị em, các thần học gia: nhờ những suy tư khôn ngoan và nghiêm chỉnh, bắt nguồn từ Lời của Thiên Chúa và nhạy cảm với kinh nghiệm sống động của toàn dân Kitô giáo, ước gì anh chị em giúp họ khám phá các nền tảng Kinh Thánh, những phong phú thiêng liêng và giá trị mục vụ của lời kinh truyền thống này.

Tôi đặt kỳ vọng vào anh chị em, những người sống đời thánh hiến nam nữ, vì anh chị em được mời gọi cách đặc biệt để chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô trong trường học của Đức Maria.

Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng Vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.

Ước gì lời kêu gọi này của tôi không rơi vào quên lãng! Vào lúc khởi đầu năm thứ 25 của triều đại giáo hoàng, tôi phó dâng Tông thư này trong bàn tay âu yếm của Đức Trinh Nữ Maria, khi cúi mình trong tinh thần trước ảnh tượng đặt trong Đền thánh huy hoàng do chân phước Bartolo Longo xây nên, vị tông đồ của Kinh Mân Côi. Tôi sẵn lòng xem là của tôi những lời cảm động mà ngài kết thúc Lời Khẩn cầu dâng lên Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi rất nổi tiếng: Ôi tràng hạt Mân Côi của Đức Maria, sợi dây êm ái nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, mối ràng buộc chúng tôi với các thiên thần, đồn lũy ơn cứu độ chống lại các cuộc tấn công của Hoả ngục, bờ bến an toàn tránh khỏi đắm chìm đồng loạt, chúng tôi không bao giờ từ bỏ bạn. Bạn là nguồn an ủi chúng tôi trong giờ lâm tử: nụ hôn cuối cùng của chúng tôi dành cho bạn khi từ giã cõi đời. Và lời nói cuối cùng thốt lên từ môi miệng chúng con sẽ là danh dịu êm của Mẹ, ôi Nữ Vương Mân Côi ở Pompei, lạy Mẹ rất dấu yêu, Nơi trú ẩn của những người tội lỗi, ôi Đấng an ủi tuyệt hảo của kẻ ưu phiền. Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời.

GIÁ TRỊ CỦA CÁC ÂN XÁ

Cần phải nói thêm rằng giá trị và ích lợi to lớn của Kinh Mân Côi khởi đi tự sự phong phú của những đặc ân và ơn huệ gắn liền với Kinh Mân Côi, và đặc biệt hơn nữa là từ kho tàng phong phú của những ân xá liên quan đến Kinh Mân Côi. Thật rõ ràng biết bao nhiêu cho lợi ích của tất cả những ai lo lắng vì ơn cứu độ đời đời của họ là việc đạt được những ơn ích này. Vì đó là vấn đề về sự đạt được toàn phần hoặc một phần ơn tha tội cho hình phạt tạm, thứ hình phạt ngay cả sau khi hình phạt đã được tha cũng phải đền trả trong cuộc sống ở đời này hay ở đời sau. Vì vậy, kho tàng do công nghiệp của Chúa Kitô, Mẹ Người và các thánh mang lại thật lớn lao; vị tiền nhiệm của Tôi là Đức giáo hoàng Clemente VI đã áp dụng những lời trong sách Khôn Ngoan cho kho tàng này như sau: “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa”.

Các đức giáo hoàng, khi sử dụng quyền tối cao được Thiên Chúa ban cho, đã mở ra những nguồn mạch phong phú tuôn trào những hồng ân này cho những thành viên của Hội Rất Thánh Mân Côi và cho những ai lần hạt Mân Côi.

(ĐGH Lêo XIII,  Diuturni Temporis {05/09/1898}, số 5-6.

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]