Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2013

TÔNG THƯ ROSARIUM VIRGINIS MARIAE

Dưới đây là các số và mục được trích nguyên văn từ Tông thư ROSARIUM VIRGINIS MARIAE của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/2002.

Ý kiến bác bẻ Kinh Mân Côi

Số 4. Đề nghị này quả là hợp thời xét từ nhiều lý do. Trước tiên, nhu cầu cấp bách phải đối diện với một thứ khủng hoảng nào đó của Kinh Mân Côi, mà trong bối cảnh lịch sử và thần học hiện tại có nguy cơ bị hạ giá cách sai lầm, và do đó không còn được truyền dạy cho thế hệ trẻ nữa. Có vài người nghĩ rằng tính cách trung tâm của Phụng Vụ, được Công đồng Vatican II nhấn mạnh cách chính đáng, đương nhiên dẫn đến việc giảm bớt tầm quan trọng của Kinh Mân Côi. Vâng, như Đức giáo hoàng Phaolô VI đã làm sáng tỏ, lời kinh này không những không đối lập với Phụng Vụ, nhưng hỗ trợ, bởi vì nó dẫn nhập rất tốt và làm vang dội lại Phụng Vụ, bằng cách giúp cho dân chúng tham gia trọn vẹn và có chiều sâu, và thu nhận hoa quả của nó trong đời sống hằng ngày.

Cũng có thể có một vài người e ngại rằng Kinh Mân Côi một cách nào đó không có tính đại kết bởi vì tính chất quy hướng rõ ràng về Đức Maria của nó. Vâng Kinh Mân Côi rõ ràng là một sùng kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa mà Công đồng đã mô tả: một sự sùng kính hướng về trung tâm Kitô của đức tin Kitô giáo, đến độ khi Mẹ được tôn vinh, người Con được hiểu biết đúng đắn, yêu mến và tôn vinh. Nếu được khám phá lại cách đúng đắn, Kinh Mân Côi là một phương tiện trợ giúp và chắc chắn không cản trở việc đại kết!

Cầu nguyện cho hoà bình và cho gia đình

Số 6. Một số hoàn cảnh lịch sử cũng khiến cho việc phục hồi Kinh Mân Côi nên hợp thời. Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh Mân Côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11/09/2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh Mân Côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Kitô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh Mân Côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giêsu, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi Kitô hữu.

Một nhu cầu dấn thân và cầu nguyện tương tự nảy sinh từ một vấn đề nguy kịch của thời hiện đại: gia đình, tế bào nguyên thủy của xã hội, càng ngày càng bị đe doạ bởi những sức mạnh hủy diệt, ở bình diện ý thức hệ lẫn thực hành, làm ta lo sợ cho tương lai của cơ chế nền tảng và không thể thiếu được này và, cùng với nó, cho tương lai của toàn thể xã hội. Làm sống lại Kinh Mân Côi trong các gia đình Kitô hữu, trong bối cảnh của một thừa tác vụ mục vụ rộng lớn hơn cho gia đình, sẽ là một trợ giúp hữu hiệu chống lại những tác động hủy hoại của cơn khủng hoảng đặc trưng này của thời đại chúng ta.

KINH MÂN CÔI – MỘT LỜI KINH CHIÊM NGƯỠNG

số 12. “Kinh Mân Côi, chính bởi vì nó phát xuất từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, là một lời kinh chiêm ngưỡng sâu sắc. Không có chiều kích chiêm ngưỡng ấy, Kinh Mân Côi sẽ như một cái xác không hồn, như Đức giáo hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: Không có sự chiêm ngưỡng, Kinh Mân Côi chỉ là một cái xác không hồn, và việc lần chuỗi có nguy cơ trở nên một việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính cách máy móc, và như thế là vi phạm giáo huấn của Đức Giêsu: Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời (Mt 6,7). Tự bản chất, việc đọc Kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp độ thanh thản và kéo dài, để giúp mỗi người chiêm ngưỡng các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa như được nhìn thấy bằng đôi mắt của Mẹ là người đã sống hết sức gần gũi với Chúa. Bằng cách đó, sự phong phú khôn ví của các mầu nhiệm được tỏ bày. Quả là hữu ích khi dừng lại xem xét các tư tưởng thâm thuý của Đức Phaolô VI, để làm sáng tỏ một số khía cạnh của Kinh Mân Côi, lời kinh này thật sự là một hình thức chiêm ngưỡng quy hướng về Chúa Kitô.”

Kinh Mân Côi, một bản tóm tắt Tin Mừng

Số 18. Cách thức duy nhất để tiến tới việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô là lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha trong Thánh Thần, vì không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha (Mt 11,27). Tại địa hạt Xêdarê Philip, Đức Giêsu đã đáp lại lời tuyên tín của Phêrô bằng cách chỉ cho ông thấy nguồn gốc của trực giác rõ ràng về căn tính của Người: Không phải phàm nhân mạc khải cho anh biết điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17). Như vậy, cần có một mạc khải từ trên. Để đón nhận mặc khải ấy, nhất thiết phải chăm chú lắng nghe: Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới tạo ra môi trường thích hợp để cho sự hiểu biết đích thực, trung tín và vững chắc về mầu nhiệm đó được tăng trưởng và phát triển.

Kinh Mân Côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô. Đức giáo hoàng Phaolô VI mô tả điều đó bằng những lời sau đây: Vì là một lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ, Kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Kitô một cách rõ nét. Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của Kinh Mân Côi – việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng – là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Đức Kitô, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời truyền tin của Thiên Thần, lẫn lời chúc mừng của mẹ thánh Gioan Tẩy Giả: Phúc thay hoa quả của lòng Bà (Lc 1,42). Chúng ta có thể đi xa hơn và nói thêm rằng chuỗi Kinh Kính Mừng làm thành khung cửi trên đó đan dệt việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm. Đức Giêsu mà mỗi Kinh Kính Mừng gợi nhớ cũng là Đức Giêsu mà các mầu nhiệm tiếp nối nhau đề nghị cho chúng ta tuần tự như là Con Thiên Chúa, như là Con của Đức Trinh Nữ.

Một phương thức có giá trị…

Số 27. Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng mối tương giao của chúng ta với Đức Kitô cũng cần có một phương pháp. Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta mà vẫn tôn trọng bản tính nhân loại và nhịp sống của chúng ta. Vì thế, mặc dầu linh đạo Kitô giáo quen thuộc với những hình thức tuyệt vời nhất của sự thinh lặng thần giao, trong đó tất cả các hình ảnh, lời nói và cử chỉ nhường chỗ cho sự kết hiệp liên lỉ và khôn tả với Thiên Chúa, song linh đạo ấy thường mang dấu ấn của một sự dấn thân của toàn thể con người cùng với thực trạng phức tạp về tâm lý, thể lý và tương quan.

Điều này thể hiện rõ ràng trong Phụng Vụ. Các bí tích và á bí tích được cấu trúc như một chuỗi các nghi thức dựa trên các chiều kích của con người. Điều tương tự như thế cũng áp dụng cho những việc đạo đức khác. Điều này được chứng thực bởi sự kiện là trong Giáo Hội Đông Phương, lời cầu nguyện đặc trưng nhất của lối suy gẫm có tính Kitô, xoáy quanh những lời: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ tội lỗi, theo truyền thống thường liên kết với nhịp thở; việc thực hành này vừa tạo thuận lợi cho sự kiên trì trong cầu nguyện, vừa biểu hiện trong mức độ nào đó lòng khao khát muốn Đức Kitô trở thành hơi thở, linh hồn và là tất cả của đời sống.

Chuỗi Mân Côi

Số 36. Tràng hạt là phương tiện truyền thống giúp đọc Kinh Mân Côi. Ở bình diện hời hợt nhất, tràng hạt thường được xem là dụng cụ dùng để đếm các Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên nó cũng có thể xem như một biểu tượng giúp đi vào chiều sâu của chiêm ngưỡng.

Ở đây điều đầu tiên đáng ghi nhận là cách thức các chuỗi hạt đều đổ về tượng Thánh Giá; Thánh Giá vừa mở ra vừa đóng lại chuỗi lời kinh. Cuộc sống và lời cầu nguyện của người tín hữu đều tập trung vào Đức Kitô. Mọi sự bắt đầu từ Người, mọi sự dẫn đến Người, mọi sự nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, đến với Chúa Cha.

Là một dụng cụ để đếm, ghi dấu tiến trình của lời kinh, tràng hạt gợi lên con đường vô tận của chiêm ngưỡng và của hoàn thiện Kitô giáo. Chân Phước Bartolo Longo cũng đã thấy nó như là sợi dây nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Một sợi dây, vâng, nhưng là một sợi dây êm ái; quả thế, êm ái thay mối giây liên kết ta với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Một sợi dây con thảo, đặt chúng ta hoà nhịp với Đức Maria, nữ tì của Chúa (Lc 1,38) và nhất là, với chính Đức Kitô, Đấng, dầu là Thiên Chúa, đã mặc lấy thân nô lệ vì yêu thương chúng ta (Pl 2,7).

Một cách thức tốt để mở rộng ý nghĩa biểu tượng của tràng hạt là để chúng nhắc nhở chúng ta về những mối tương quan của chúng ta, về mối giây hiệp thông và huynh đệ kết hiệp tất cả chúng ta trong Đức Kitô.

Gia đình: cha mẹ

Số 41. Là lời kinh cầu cho hoà bình, Kinh Mân Côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã một thời hết sức thân thiết với các gia đình Kitô giáo, và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau hơn. Điều quan trọng là đừng đánh mất gia sản quý báu đó. Chúng ta cần phải quay lại với thói quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng Kinh Mân Côi.

Trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, tôi đã khuyến khích giáo dân cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong sinh hoạt thường nhật của cộng đoàn giáo xứ hay của các hội đoàn; nay tôi cũng mong muốn như thế đối với Kinh Mân Côi. Hai con đường chiêm ngưỡng Kitô giáo này không loại trừ nhau; chúng bổ túc cho nhau. Do đó, tôi yêu cầu những ai chăm lo công tác mục vụ gia đình, hãy hết lòng khuyên nhủ đọc Kinh Mân Côi.

Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Kinh Rất Thánh Mân Côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các gia đình lại gần nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thánh Khí của Thiên Chúa.

Nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong các xã hội kinh tế phát triển, phát xuất từ sự khó khăn càng ngày càng gia tăng trong mối tương giao. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi gặp gỡ là để xem truyền hình. Trở về với việc đọc Kinh Mân Côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh Mân Côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Nadarét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment