Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 01-2014


TRANG HỌC TẬP

 

ĐỨC MARIA, THÂN MẪU THIÊN CHÚA

Đức Gioan Phaolô II

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã cầu khẩn Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Đức Mẹ Chúa Trời. Tước hiệu này được công đồng Êphêsô long trọng tuyên bố năm 431. Tín điều này tiên vàn tuyên xưng rằng Đức Kitô chỉ có một ngôi vị duy nhất. Đức Maria, tuy chỉ là mẹ của Đức Kitô xét theo nhân tính, nhưng chức làm mẹ có liên quan đến ngôi vị. Dù sao, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Hội thánh cũng khẳng định rằng Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người, do một bà mẹ sinh ra.

1.- Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh đã đưa các tín hữu không những gọi Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ của Đức Giêsu, mà còn nhìn nhận Người là Mẹ của Thiên Chúa.

Chân lý này đã được đào sâu và cảm nhận như là một điều thuộc về gia sản đức tin của Hội thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, và công đồng Êphêsô tuyên bố long trọng năm 431.

Trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi các môn đệ càng ý thức rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ cũng càng thâm tín rằng Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa[1]. Tước hiệu này không xuất hiện rõ ràng trong các bản văn Phúc âm, tuy rằng ở đây ta thấy nói tới “Mẹ của Đức Giêsu” và Đức Giêsu là Thiên Chúa (Ga 20,28; xc. 5,18; 10,30.33). Dù sao Đức Maria được giới thiệu như là Mẹ của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,22-23).

Từ thế kỷ III, như có thể suy diễn từ một chứng tá cổ điển, các Kitô hữu ở Ai cập đã hướng tới Đức Maria với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát, khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phúc!” (xc. Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong chứng tá cổ kính này, lần đầu tiên từ ngữ Theotokos “Đức Mẹ Chúa Trời” đã được sử dụng một cách minh thị.

Trong các huyền thoại của dân ngoại, thường thường có trường hợp một nữ thần được trình bày như là bà mẹ của một vị thần. Chẳng hạn như vị chủ tể Jupiter chúa tể có bà mẹ tên là nữ thần Rea.

Bối cảnh này có lẽ đã giúp cho các Kitô hữu tạo ra tước hiệu “Theotokos”, “Thánh Mẫu” dành cho bà mẹ của Đức Giêsu. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng tước hiệu này chưa hề được sử dụng, nhưng là do các Kitô hữu đặt ra để diễn tả một lòng tin hoàn toàn khác với thần thoại của dân ngoại: đức tin vào việc thụ thai trinh khiết, trong lòng Đức Maria, của Đấng vốn là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa.

2.- Đầu thế kỷ thứ IV, tước hiệu Théotokos đã trở thành thông dụng bên Đông phương và bên Tây phương. Kinh nguyện cũng như thần học sử dụng thường xuyên tước hiệu này, đã đi vào gia sản đức tin của Hội thánh.

Vì thế người ta hiểu được rằng cả một phong trào chống đối đã nổi lên vào thế kỷ thứ V, khi ông Nestoriô đặt ra nghi vấn về sự hợp thức của danh hiệu “Thân mẫu Chúa Trời”.

Thực vậy, ông ta có khuynh hướng muốn nhìn nhận Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu, và ông cho rằng tước hiệu duy nhất phù hợp với đạo lý là “Thân mẫu của Đức Kitô”. Ông Nestoriô đã rơi vào sự sai lầm như vậy bởi vì ông gặp thấy khó khăn khi chấp nhận một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, và do việc giải thích sai lầm về sự phân biệt giữa nhân tính và thiên tính hiện diện trong Đức Kitô[2].

Công đồng Ephêsô (năm 431) đã phi bác thuyết của ông Nestôriô, và khẳng định rằng thiên tính và nhân tính đồng hiện hữu nơi một ngôi vị duy nhất của Chúa Con. Công đồng tuyên bố Đức Maria là Đức Mẹ Chúa Trời.

3.- Những khó khăn và vấn nạn do ông Nestôriô nêu lên đã cống hiến cơ hội cho chúng ta suy nghĩ chín chắn, ngõ hầu hiểu biết và giải thích tước hiệu này một cách đứng đắn. Thành ngữ Theotokos, theo nguyên văn có nghĩa là “Kẻ đã sinh ra Thiên Chúa”[3], thoạt tiên xem ra kỳ dị. Thực vậy, nó gợi lên câu hỏi: làm thế nào một thụ tạo có thể sinh ra Thiên Chúa? Câu trả lời của đức tin Hội thánh thì đã quá rõ: chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria chỉ áp dụng vào việc sinh ra Con Thiên Chúa theo tính loài người mà thôi, chứ không áp dụng vào việc sinh ra bản tính Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã được sinh ra từ thuở đời đời bởi Chúa Cha và đồng bản tính với Chúa Cha. Trong sự sinh ra hằng hữu này, dĩ nhiên là Đức Maria không có vai trò nào hết. Tuy nhiên Con Thiên Chúa, cách đây 2000 năm, đã lãnh nhận bản tính loài người của chúng ta, và do đó đã được thụ thai và sinh ra bởi Đức Maria.

Khi tuyên xưng Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh muốn khẳng định rằng Đức Maria là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa. Do đó chức làm mẹ của Người không áp dụng cho tất cả Ba ngôi Thiên Chúa nhưng chỉ liên can đến Ngôi Hai, tức là Chúa Con Đấng mà khi nhập thể, đã lãnh nhận bản tính loài người từ nơi Đức Maria.

Việc làm mẹ là một mối tương quan giữa hai bản vị: một bà mẹ không phải chỉ là mẹ của thân xác hay là của chất thể sinh ra từ lòng mình, nhưng là mẹ của ngôi vị mà mình sinh ra.

Vì thế, Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu, một bản vị xét về nhân tính mà cũng là một ngôi vị Thiên Chúa, cho nên Người thực sự là Mẹ của Thiên Chúa.

Khi công bố Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin về người Con và người Mẹ trong cùng một biểu thức duy nhất. Sự kết hợp này đã được nổi bật ngay tại công đồng Ephêsô: qua việc định tín chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, các nghị phụ đã muốn bày tỏ đức tin vào thiên tính của Đức Kitô. Mặc dù đã có nhiều vấn nạn xưa nay được trưng lên để chống lại việc sử dụng tước hiệu Đức Mẹ Chúa Trời, nhưng các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, khi giải thích đứng đắn ý nghĩa của chức làm mẹ đó, họ đã tìm thấy một biểu thức đặc biệt để diễn tả niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô và của lòng yêu mến đối với Đức Trinh nữ Maria.

Nơi Đức Theotokos, một đàng Hội thánh bảo đảm rằng việc Nhập thể đã xảy ra thực sự, bởi vì – như Thánh Augustino đã nói – “giả như bà Mẹ mà giả thì thân xác của Đức Kitô cũng giả,… những vết thương còn mang sau khi Phục sinh cũng giả tuốt” (Tractatus in evangelium Ioannis, 8, 6-7). Đàng khác, Hội thánh sững sờ chiêm ngắm và cung kính cử hành sự cao cả được ban cho Đức Maria bởi Đấng đã muốn làm Con của Người. Tước hiệu “Đức Mẹ Chúa Trời” cũng hướng tới Lời của Thiên Chúa, Đấng mà qua mầu nhiệm Nhập Thể đã mặc lấy sự khiêm tốn của thân phận con người chúng ta, ngõ hầu nâng con người lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Ngoài ra, tước hiệu đó, dưới ánh sáng của chức phẩm cao vời dành cho thiếu nữ Nazarét, cũng tuyên dương sự cao quý của phụ nữ và thiên chức của họ. Thực vậy, Thiên Chúa đã đối xử với Đức Maria như là một bản vị tự do và có trách nhiệm, và chỉ có thể thực hiện việc Nhập thể của Con Ngài sau khi nhận được sự thỏa thuận của Đức Maria.

Theo gương các Kitô hữu tại Ai cập thời xưa, các tín hữu ký thác mình cho Người, vì là Đức Mẹ Chúa Trời, nên có thể xin Con mình cho họ ơn giải thoát khỏi mọi nỗi nguy nan và ơn được cứu rỗi đời đời.

(Trích từ “Những bài giáo huấn về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

 

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA LÒNG SÙNG KÍNH DÀNH CHO MẸ MARIA

Thánh Louis Marie De Montfort

BBT: Thánh Louis Marie De Montfort là một vị thánh có lòng sùng kính Mẹ Maria rất sốt mến. Thánh nhân đã viết nhiều tuyệt tác về Kinh Mân Côi và về Mẹ Maria. Có thể nói thánh nhân là một bậc thầy trong việc làm cho người ta hiểu đúng về Mẹ Maria, rồi từ đó giúp người ta sùng kính Mẹ một cách đích thực. Nội san sẽ lần lượt giới thiệu. Còn dưới đây là trích nguyên văn một số đoạn trong tác phẩm “Thành Thực Sùng Kinh Mẹ Maria” của thánh Louis Marie De Montfort.

1. Khi xưa Chúa Giêsu đã nhờ Mẹ Maria đồng trinh để sinh xuống thế gian, thì ngày nay, Người cũng nhờ Nữ vương Mẹ Maria để thống trị thế giới.

2. Mẹ đã sống trong im lặng, trong âm thầm. Bởi đó, chính Chúa Thánh Thần và Giáo Hội tặng cho Người tước hiệu “Almar Mater”: Mẹ ẩn dật. Lúc còn sống, vì lòng khiêm nhường sâu thẳm, Mẹ không muốn cho ai biết đến mình. Chỉ dành cho một Thiên Chúa biết thôi.

3. Người thiết tha xin Chúa che giấu mình đi trong khó nghèo, hèn hạ! Chúa đã nhận lời, che khuất con mắt tò mò của người đời, không cho ai biết Mẹ đã chịu thai, sinh ra và hoạt động trong thế gian làm sao, cả những mầu nhiệm cao cả như sự Người sống lại và lên trời cũng bị giấu kín, cha mẹ Người cũng không hiểu thấu Người; các thần trời cũng không biết Người là ai, nên cứ hỏi nhau: Trinh nữ này là ai? (Dc 3,6; 8,5). Bởi vì Đấng Cao Cả đã không cho các Ngài biết, hoặc có tỏ ra thì chỉ là chút ít.

4. Đức Chúa Cha đã thỏa thuận cho Mẹ Maria không làm một phép lạ nào lúc bình sinh, hay ít ra không làm những phép lạ lớn lao, dầu Người đã nhận được quyền làm phép lạ cả thể như Đức Chúa Con đã thông trót sự khôn ngoan thượng trí của mình cho Mẹ Maria, nhưng cũng thuận để cho Người im lặng hoặc nói rất ít. Mặc dầu Mẹ là Bạn trung thành Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần cũng bằng lòng để cho các thánh Tông đồ và các thánh sử như quên Mẹ đi, chỉ nói những điều cần để hướng dẫn người đời nhận biết Chúa Giêsu mà thôi.

5. Mẹ Maria là một kỳ công kiệt tác của Đấng Chí Tôn nên Người chỉ muốn một mình am hiểu và biệt hưởng Mẹ (thánh Bernadino). Mẹ Maria là Mẹ thật Đức Chúa Con, nhưng Chúa cũng vui lòng để cho Mẹ mình tự hạ, ra như không, để dễ giữ lòng khiêm nhường. Và mặc dầu trong lòng vẫn thành thực yêu mến Mẹ hơn các thiên thần và loài người, tuy nhiên, bề ngoài đã có lần Chúa xử với Người như khách xa lạ, khi kêu Người như kêu ai khác: “Thưa bà” (Ga 2,4; 11,26). Đức Mẹ là Giếng đã được niêm phong cẩn thận (Dc 4,12), là Bạn trung thành, thanh sạch Chúa Thánh Thần, nên chỉ có một mình Chúa có quyền biệt hưởng. Đức Mẹ là cung thánh, là biệt thự xứng đáng Chúa Ba Ngôi ngự trị; ngai Chúa ngự giữa các Kerubim và Seraphim trên thiên đàng cũng không sánh bằng… không một loài thụ tạo nào được ra vào biệt thự đó khi chưa có phép Thiên Chúa.

6. Tôi đồng ý với các thánh mà nói rằng: Mẹ Maria là vườn Địa đường (thánh Leo Cả) của Adong đệ nhị, ở nơi đây, Người mặc lấy xác thịt và nhân tính do phép Chúa Thánh Thần, để bắt đầu thực hiện những kỳ công kiệt tác trí khôn loài thụ tạo thấp hèn suy chẳng thấu, lượng chẳng ra, Mẹ Maria là cả một thế giới diệu huyền, bao la của Thiên Chúa (thánh Bernado) trong đó có cả một kho châu báu, vô tận. Có tất cả vẻ đẹp lộng lẫy vui say do uy quyền Thiên Chúa phát xuất (Ricarno de St. Laurent). Nơi đây Chúa Cha đã phó thác và che giấu Con Một với tất cả uy quyền cũng như đã che giấu trong tâm trí mình vậy. Ôi ! biết bao nhiêu sự lạ lùng, bao la, vĩ đại, huyền bí Chúa toàn năng đã thực hiện trong Mẹ Maria, khiến cho Người, mặc dầu rất khiêm nhường, cũng phải công nhận rằng: “Chúa toàn năng đã thực hiện công trình vĩ đại cho tôi (Lc 1,46). Bao nhiêu huyền diệu này thế gian không hề biết tới, bởi thế gian không thể và cũng không đáng biết.

7. Các thánh đã hết sức cao rao những huyền diệu chất chứa trong Mẹ là thành thánh của Thiên Chúa này, và các ngài cảm thấy không lúc nào mình trở nên văn chương, lợi khẩu, vui say cho bằng khi đề cập đến các vấn đề có liên can mật thiết với Mẹ. Tuy nhiên, các ngài phải tự thú rằng: công phúc của Mẹ rất lớn lao cao cả, thấu đến ngai vàng bệ ngọc Chúa Ba Ngôi, không ai có thể biết hết được. Đức mến của Mẹ thật sâu rộng mông mênh như biển cả, không thước đâu mà đo, lưới đâu mà dò. Ai hiểu được quyền cao chức trọng của Mẹ đến đâu là cùng, nhiều khi coi như to hơn quyền Thiên Chúa. Sau cùng, khi suy đến đức khiêm nhường cũng như các nhân đức khác đã được thi hành nơi Mẹ, người ta thấy nó sâu rộng, bao la, bát ngát vô biên, khôn tả. Ôi mầu nhiệm cao cả, bao la, sâu rộng là dường nào, ai suy cho thấu được?

8. Đêm ngày từ đông chí tây, từ nam chí bắc, từ vòm trời cao ngất đến đáy vực sâu thẳm, mọi thụ tạo đều thi đua cao rao Mẹ Maria, Mẹ đồng trinh vinh hiển, nhiệm mầu. Chín phẩm thiên thần, toàn thể nhân loại, nam phụ lão ấu, kẻ sang người hèn, toàn thể Giáo Hội kẻ ngay lành, người tội lỗi, cũng như các quỉ hỏa ngục dù muốn dù không cũng phải cứ sự thật xưng hô Mẹ Maria có phước lộc. Theo lời thánh Bonaventura nói: các thần trời không bao giờ ngớt ca tụng Mẹ: Thánh, Thánh, Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời và đồng trinh (th. Bonaventura). Đồng thời dâng lên Người lời chào mừng: Ave Maria “Kính mừng Maria”. Hơn nữa các ngài thi đua đến quì trước ngai Mẹ, xin Mẹ sai khiến mình tùy ý, và khi được Người chấp thuận thì các ngài tỏ vẻ hiên ngang hãnh diện. Theo ý thánh Augustino: Ngay đến Tổng lãnh thiên thần Micae cũng thành tâm tôn sùng Mẹ, và dùng uy tín mình khuyến khích các thần khác suy tôn Mẹ. Hơn nữa, ngài tỏ ra bao giờ cũng sẵn sàng nhận chức thiên sứ của Mẹ để yên ủi, vỗ về và giúp đỡ con cái Mẹ ở khắp nơi.

9. Sự vinh hiển của Mẹ đã tràn ngập cả mặt đất, nhất là nơi giáo dân chân thành. Nhiều dân tộc, nhiều thành phố, nhiều địa phận, nhiều xứ đã thành tâm công nhận Mẹ như thánh bổn mạng bang trợ cho mình. Nhiều thánh đường nguy nga rực rỡ đã được nhân danh Mẹ kính dâng cho Thiên Chúa. Hình như không có thánh đường nào mà trong đó không có bàn thờ biệt kính Mẹ. Không có phương nào, miền nào mà trong đó không thấy có một vài ảnh thánh của Mẹ chuyên môn làm phép lạ, chữa lành các bệnh tật, ban phát mọi ơn lành hồn xác. Bao nhiêu đoàn thể đã được thành lập ra để biệt kính Mẹ ! Bao nhiêu Dòng nam nữ thi đua nấp bóng danh nghĩa Mẹ, nhận Mẹ làm Đấng bảo trợ. Bao nhiêu hội viên nam nữ thuộc các hội đoàn đây đó. Bao nhiêu Thầy Dòng, Chị Phước đêm ngày thi đua dâng lên Mẹ những lời ngợi khen, cám tạ, và cầu xin. Những đứa trẻ còn măng sữa đã cố gắng bắt chước mẹ chúng để ngợi khen Người bằng mấy câu Kính mừng Mẹ Maria. Không có tội nhân nào, dù cứng lòng đến đâu mà không giữ lại được một tia hy vọng tin cậy ở nơi Mẹ. Không có quỉ ma nào không kính sợ Mẹ mỗi khi nghe đọc thánh danh Mẹ Maria.

10. Đồng ý với các thánh, chúng ta phải thú nhận rằng: “Nói về Mẹ Maria, không bao giờ hết”. Thật thế, người đời chưa bao giờ có thể ca ngợi, cao rao, tôn kính yêu mến, làm tôi Mẹ cách đầy đủ. Vì Mẹ đáng ca ngợi, cao rao, tôn kính, yêu mến và làm tôi hơn thế nữa.

(Trích từ Thánh Louis Marie De Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, bản dịch tiếng Việt của cha Giuse Nguyễn Tri Ân, OP.).


[1] Như đã nói trước đây, danh hiệu này có thể dịch nhiều kiểu: Mẹ của Thiên Chúa, Thân mẫu Thiên Chúa, Đức Mẹ Chúa Trời.

[2] Xc. GLCG số 466.

[3] Tương đương với Dei Genitrix trong tiếng latinh.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment