Nội San Kinh Mân Côi – Số Tháng 07-2012

THÁNH ĐA MINH VÀ KINH MÂN CÔI

Tác giả: Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Việc sùng kính Kinh Mân Côi được thiết lập một cách lạ lùng như thế, cũng giống như cách thức mà Thiên Chúa Toàn Năng đã thực hiện ở núi Sinai, khi ban lề luật của Ngài cho thế gian, đã rõ ràng chứng tỏ giá trị và tầm mức quan trọng của Kinh Mân Côi.

Được cảm hứng bởi Thánh Linh và được hướng dẫn bởi Mẹ Đồng Trinh, cộng với kinh nghiệm bản thân, thánh Đa Minh đã rao giảng Kinh Mân Côi cho đến hơi thở cuối cùng của ngài.

Ngài rao giảng Kinh Mân Côi bằng gương sáng cũng như bằng lời giảng, trong các phố xá cũng như ở các thôn làng, cho cả kẻ sang cũng như người hèn, trước các học giả và cả thành phần thất học, cho người Công giáo lẫn người lạc đạo.

Kinh Mân Côi mà thánh nhân lần hằng ngày là để dọn từng bài giảng một, và cũng là để nghỉ ngơi tâm sự với Đức Mẹ ngay sau bài giảng. Một ngày kia, thánh nhân phải giảng ở nhà thờ Đức Bà Ba-lê, và ngày đó lại là ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ. Ngài đang cầu Kinh Mân Côi để dọn bài giảng, ở đằng sau bàn thờ trong nhà nguyện nhỏ, theo thói quen của mình, thì Đức Mẹ hiện ra với ngài mà nói:

“Đa Minh con, mặc dù điều con đang định giảng rất hay, song Mẹ mang đến cho con một bài giảng còn hay hơn nữa kìa.”

Thánh Đa Minh đưa hai tay nhận cuốn sách mà Đức Mẹ muốn trao cho ngài, cẩn thận đọc bài giảng, và sau khi hiểu được bài giảng, ngài suy niệm bài giảng, rồi cám ơn Đức Mẹ.

Đến giờ, thánh nhân lên toà giảng, và, mặc dù hôm đó là ngày lễ thánh Gioan, ngài không hề đề cập đến thánh Gioan, mà lại nói rằng thánh Gioan đã xứng đáng được chọn để làm hộ vệ cho Nữ Vương Thiên Quốc. Cử tọa bấy giờ toàn là các thần học gia và thành phần nổi tiếng thường có thói quen nghe những bài diễn văn ngoại hạng và sâu sắc; nhưng thánh Đa Minh lại bảo họ rằng ngài không muốn giảng cho họ một bài giảng cao sâu, thâm thúy theo thế gian, song ngài sẽ giảng theo sự đơn thành như Chúa Thánh Linh soi sáng.

Thế là thánh nhân bắt đầu giảng về Kinh Mân Côi và cắt nghĩa từng chữ Kinh Kính Mừng như thể giảng dạy cho một đám trẻ con, và dùng những thí dụ rất đơn sơ được chứa đựng trong cuốn sách mà Đức Mẹ đã trao cho ngài.

Carthagena, một đại học giả, khi trích lại lời của chân phước Alan de la Roche trong cuốn “De Dignitate Psalterii”, đã trình thuật lại sự việc này như sau:

“Chân phước Alan viết rằng một hôm thánh Đa Minh nói với ngài trong một thị kiến: ‘Hỡi con, giảng dạy thì tốt; nhưng nguy hiểm ở việc luôn tìm kiếm lời khen tặng hơn là phần rỗi các linh hồn. Hãy nghe cho kỹ điều đã xẩy ra cho cha ở Ba-lê để con có thể đề phòng sự lầm lẫn này. Bấy giờ cha đang giảng ở trong một đại thánh đường được cung hiến cho Thánh Nữ Maria, và cha háo hức đặc biệt muốn giảng một bài giảng nẩy lửa, không hẳn là vì kiêu hãnh, cho bằng là vì cử tọa toàn là thành phần đại trí thức”

“Trước khi giảng một tiếng, cha thinh lặng để đọc Kinh Mân Côi, như cha luôn có thói quen như vậy trước khi giảng, rồi ngất trí đi. Cha thấy Mẹ Thiên Chúa dấu yêu của cha tiến đến với cha, trên tay cầm một quyển sách. Mẹ nói: ‘Đa Minh, bài giảng của con hôm nay thực sự rất hay, nhưng dù nó có hay mấy đi nữa, Mẹ cũng mang đến cho con một bài giảng còn hay hơn nữa kìa’.”

“Dĩ nhiên là cha hết sức vui mừng, nhận lấy cuốn sách và đọc từng chữ một. Đúng y như Đức Mẹ nói, cha đã thấy được đúng những điều cần phải giảng, và cha hết lòng cám ơn Đức Mẹ.”

“Đến giờ khai mạc, cha thấy cả một lực lượng hùng hậu của đại học Ba-Lê cùng với một số đông tai to mặt lớn. Tất cả đã từng chứng kiến và nghe thấy những điều cao cả mà Chúa nhân lành đã làm qua cha. Thế là cha lên toà giảng.”

“Hôm đó là ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ, nhưng tất cả những gì cha nói về ngài là ngài xứng đáng được chọn làm vị hộ vệ của Nữ Vương Thiên Quốc. Bấy giờ, cha ngỏ lời với cử tọa rằng:

‘Quí vị lãnh đạo và quí vị tiến sĩ đại học thân mến, quí vị thường có thói quen nghe những bài giảng uyên thâm mới thích hợp với mức độ thưởng thức của quí vị. Giờ đây, tôi lại không muốn nói với quí vị bằng ngôn ngữ thức giả theo tầm mức khôn ngoan của loài người, mà, ngược lại, tôi muốn chứng tỏ cho quí vị thấy Thần Linh của Thiên Chúa và sự cao cả của Ngài.’”

Hết phần trích dẫn theo chân phước Alan trên đây, Carthagena tiếp tục góp ý của mình:

“Bấy giờ thánh Đa Minh cắt nghĩa Lời chào của Thiên Thần cho họ nghe, bằng những so sánh và ví dụ thực tiễn trong đời sống thường nhật.”

Theo Carthagena, chân phước Alan có đề cập đến một vài lần khác Chúa và Đức Mẹ hiện ra với thánh Đa Minh thúc giục và phấn khích ngài rao giảng Kinh Mân Côi hơn nữa, để tẩy trừ tội lỗi và hối cải các tội nhân cũng như các người lạc đạo.

Ở một đoạn khác, Carthagena viết:

“Chân phước Alan nói rằng Đức Mẹ đã tỏ cho ngài là sau khi Người hiện ra với thánh Đa Minh, Con Chí Thánh của Người cũng hiện ra với thánh nhân mà phán: ‘Hỡi Đa Minh, Ta vui mừng thấy con không cậy dựa vào sự khôn ngoan bản thân hay tìm kiếm những lời khen tặng hão huyền của loài người, mà là nhắm vào phần rỗi của các linh hồn bằng một đức khiêm nhượng cao cả.’”

“Thế nhưng, có nhiều vị linh mục lại muốn giảng gắt gao về những tội lỗi ghê gớm nhất ngay khi chúng vừa chớm phát, đã không ý thức được rằng, trước khi người bệnh được cắt thuốc đắng cho uống họ cần phải dọn lòng trí cẩn thận mới có lợi cho họ.”

“Đó là lý do tại sao trước khi làm bất cứ điều gì, các linh mục phải cố gắng gợi lên trong con người ta một lòng yêu cầu nguyện, đặc biệt là lòng yêu Thánh Vịnh Thiên Thần của Ta. một khi người ta bắt đầu và bền lòng đọc lời kinh này, Thiên Chúa sẽ khó lòng mà từ chối ban ơn cho họ theo lòng nhân từ của Ngài. Do đó, Ta muốn con rao giảng về Kinh Mân Côi.”

Ở một chỗ khác, chân phước Alan viết:

“Các linh mục thường đọc một kinh Kính Mừng với giáo hữu trước khi giảng để xin ơn Chúa. Các ngài làm như vậy là vì Đức Mẹ đã dạy thánh Đa Minh điều đó. ‘Hỡi con, có một lần Mẹ nói với thánh nhân, đừng ngạc nhiên khi thấy bài giảng của con không mang lại kết quả như con mong muốn. Con đang cầy sới một mảnh đất bị hạn hán.

Khi Thiên Chúa định canh tân mặt đất, Ngài bắt đầu bằng việc làm mưa xuống từ trời, và đó là tượng trưng cho Lời của Thiên Thần chào Mẹ. Thiên Chúa đã tái tạo thế giới là như vậy.”

“Do đó, khi rao giảng, con hãy thúc giục người ta đọc Kinh Mân Côi của Mẹ, và dùng cách này, lời giảng sẽ mang lại lợi ích cho các linh hồn.”

“Thánh Đa Minh nghe lời Đức Mẹ liền, và từ bấy giờ, các bài giảng của ngài có một tác động cả thể.” Câu trích dẫn cuối cùng này được trích ra từ cuốn “Sách Về Phép Lạ của Kinh Mân Côi” (bằng tiếng Ý) và cũng được thấy ở trong các bản văn của Justin (bài giảng 143d).

Tôi rất hân hạnh trích dẫn từ các tác giả danh tiếng này từng câu, từng chữ một bằng tiếng Latinh, vì lợi ích cho quí linh mục hay cho các bậc học giả, nếu quí vị còn ngờ vực về quyền lực thần diệu của Kinh Mân Côi. Chừng nào quí linh mục theo gương thánh Đa Minh rao giảng lòng sùng kính Kinh Mân Côi, bấy lâu lòng đạo hạnh và nhiệt thành còn tiến triển khắp nơi trên thế giới Kitô giáo và trong các dòng tu tôn sùng Kinh Mân Côi của các ngài. Tuy nhiên, vì người ta bỏ bê không màng tới tặng vật trời ban cho này mà tất cả mọi giống tội và hư đốn đã lan tràn ngập lụt.

(Trích từ Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 3 – Thánh Đa Minh, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BLV).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment