Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 12-2015


27.12.2015                                                          Chúa Nhật

Thánh Gia Thất – Lễ kính                                    Lc 2,41-52

“Cha con và mẹ đây
đã phải cực lòng tìm con”
(Lc 2,48b).

Như Mẹ: Khi lạc mất Chúa Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria vô cùng lo lắng, vất vả xuôi ngược tìm kiếm giữa đám đông dân chúng. Chuyện này hết sức bình thường, thậm chí được coi như bổn phận và trách nhiệm của bậc sinh thành. Chuyện bình thường ấy nhắc nhở người tín hữu chúng ta có bổn phận tìm kiếm Chúa mỗi ngày, và ưu tiên cho việc này trên hết mọi sự.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin ở lại và khơi lên nhu cầu tìm kiếm Chúa trong gia đình chúng con. Bởi vì, Chúa là sự che chở và là sự bảo đảm cho gia đình chúng con trước muôn vàn hiểm nguy.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Hòm bia Thiên Chúa vậy, Mẹ và thánh Giuse đã cực lòng tìm kiếm hài nhi Giêsu. Xin giúp cho gia đình chúng con biết quan tâm đến nhau và biết lấy sự hiện diện của Chúa làm nền tảng cho gia đình của mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.12.2015                                                            Thứ Hai

Các thánh Anh hài – lễ kính                               Mt 2,13-18

“Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị
các nhà chiêm tinh đánh lừa thì đùng đùng nổi giận,
nên sai người đi giết các con trẻ ở Bêlem
và toàn vùng lân cận” (Mt 2,16).

Như Mẹ: Các thánh Anh hài được đón nhận phúc tử đạo khi còn thơ ấu. Các ngài chết vì danh Đức Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi tử đạo qua những hy sinh nhỏ bé mỗi ngày. Hãy cố gắng làm mọi việc, dù nhỏ bé, vì Đức Kitô để mọi nỗ lực của ta có giá trị trước mặt Chúa.

Với Mẹ: Chúa ơi, chúng con xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con được ơn làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết suy nghĩ, nói năng và hành động sao cho danh Chúa được cả sáng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, xin giúp chúng con quy hướng tâm trí về Chúa, để chúng con có động lực đón nhận hy sinh và khó nhọc, và để mọi việc chúng con làm trở nên những món quà xứng đáng dâng lên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.12.2015                                                            Thứ Ba

Tuần Bát nhật GS                                               Lc 2,22-35

“Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,30-31).

Như Mẹ: Ông Simêon hằng mong chờ Đấng Thiên Sai của Đức Chúa. Nhờ Thần Khí hướng dẫn, ông nhận ra Đấng ấy chính là hài nhi Giêsu đang được cha mẹ tiến dâng trong Đền thờ. Ông mãn nguyện vì thấy lời Chúa hứa hôm nay đã được thực hiện. Gặp được Đức Kitô là niềm vui lớn nhất của đời ông.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chiêm ngắm và đón rước Thánh Thể, xin khơi lên trong lòng chúng con niềm vui, niềm hạnh phúc vì được gặp Chúa và được đón nhận Chúa vào lòng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như sao mai sáng vậy, Mẹ đã chứng kiến niềm khao khát gặp gỡ Chúa và niềm vui khôn tả của cụ già Simêon khi ẵm lấy Con Mẹ. Xin giúp chúng con luôn khát mong gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30.12.2015                                                            Thứ Tư

Tuần Bát nhật GS                                               Lc 2,36-40

“Bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa
và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38).

Như Mẹ: Biết hài nhi Giêsu chính là Đấng Cứu Độ, bà Anna không ngừng nói về Người cho dân chúng. Ở Đền thờ, bà thực hiện chức năng ngôn sứ của mình. Chúng ta cũng được mời gọi mặc lấy vai trò ngôn sứ khi lãnh nhận phép Rửa. Mỗi Kitô hữu có nhiệm vụ đem Chúa và nói về Chúa cho mọi người để họ có cơ hội được biết Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con hăng say nói về Chúa cho tất cả mọi người chúng con gặp gỡ qua lời nói, qua lối sống biết thứ tha, quảng đại, vui tươi và hy vọng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, xin Mẹ giúp sức để chúng con trở nên những ngôn sứ thực thụ của Chúa, biết dùng mọi cơ hội để nói về Chúa cho những ai chưa đón nhận Người.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31.12.2015                                                           Thứ Năm

Tuần Bát nhật GS                                                Ga 1,1-18

Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Như Mẹ: Thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu là ánh sáng cho trần gian. Người soi dẫn mọi người bằng lời của Người. Lắng nghe và tuân giữ lời Người là bước đi dưới ánh sáng. Do đó, Lời Chúa không những giúp ta không lạc lối mà còn dẫn ta đến hạnh phúc, bình an và hoan lạc.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian, xin soi chiếu vào cuộc đời chúng con. Xin Chúa cũng xua đuổi khỏi tâm hồn chúng con bóng tối của ích kỷ, kiêu căng, tham lam và bất công. Nhờ đó, chúng con tìm được bình an và niềm vui đích thực.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội, Mẹ luôn ở trong ánh sáng chân lý của Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ, để ánh sáng Lời Chúa chiếu giãi trên cuộc đời chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Chuyên Chú Lần Hạt

Thánh Louis Montfort

Để cầu nguyện nên, bày tỏ những lời van xin bằng kinh nguyện tuyệt hảo nhất trong các kinh nguyện là Kinh Mân Côi thì chưa đủ, chúng ta còn phải thật chú tâm để Chúa có thể nghe được tiếng lòng của chúng ta hơn là tiếng nói phát ra từ cửa miệng của chúng ta. Phạm lỗi khi chủ ý chia lòng chia trí trong lúc cầu nguyện thì tỏ ra thật là thiếu kính trọng và nghiêm trang, sẽ làm cho Kinh Mân Côi trở nên vô hiệu hóa và làm cho chúng ta thêm tội.

Chúng ta có thể nào muốn Chúa lắng nghe chúng ta nếu chính chúng ta lại chẳng chú ý gì đến điều chúng ta đang đọc? Sao chúng ta có thể nào làm đẹp lòng Chúa, trong khi ở trước sự hiện diện uy nghi cao cả của Ngài, chúng ta lại lang thang với những chia lòng chia trí như những đứa nhỏ đang chạy theo những con bươm bướm vậy? Người nào làm theo những điều như vậy phải trả lẽ cho những ơn phúc của Thiên Chúa Toàn Năng, những ơn phúc biến thành những sự chúc dữ cho việc cầu nguyện bất kính của họ. “Khốn cho kẻ nào làm việc Chúa cách gian ngoa” (Gr 28,10).

Dĩ nhiên, quý bạn không thể nào đọc Kinh Mân Côi mà không có những chia lòng chia trí cách vô tình. Khó lòng đọc dù chỉ một Kinh Kính Mừng mà quý bạn không bị trí tưởng tượng khuấy động (vì trí tưỏng tượng của chúng ta, than ôi, có bao giờ cùng). Tuy nhiên, điều mà quý bạn có thể làm là giữ không cố ý chia trí khi đọc Kinh Mân Côi, với tất cả ý tứ để giảm thiểu những lo ra vô tình cũng như để chế ngự trí tưởng tượng của mình. Cứ thế, quý bạn đặt mình trước nhan Chúa, và hãy tưởng tượng là Thiên Chúa Toàn Năng và MẹThánh của Người đang nhìn quý bạn, thiên thần bản mệnh của quý bạn đang đứng bên phải quý bạn, nhận lấy các Kinh Kính Mừng được đọc một cách đàng hoàng, để làm triều thiên đội lên đầu cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhưng, hãy nhớ rằng, ở bên trái của quý bạn, ma quỷ cũng đang rình rập để chộp lấy từng Kinh Kính Mừng lệch sang bên của hắn mà viết vào sổ tử vong của hắn. Cứ nắm chắc rằng hắn sẽ vồ ngay lấy mỗi một Kinh Kính Mừng mà quý bạn không đọc một cách chuyên chú, sốt sắng và trang nghiêm.

Nhất là, cũng đừng quên rằng khi dâng mỗi chục kinh tôn kính một mầu nhiệm bằng việc lần hạt là quý bạn đang cố gắng hình thành trong tâm trí của quý bạn hình ảnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria liên quan đến mầu nhiệm ấy.

Đời sống của chân phước Hermann thuộc dòng Premonstatensian nói với chúng ta rằng vào một lần kia, khi ngài đọc Kinh Mân Côi theo thường lệ một cách chuyên chú và sốt sắng suy gẫm về những mầu nhiệm, thì Đức Mẹ cũng rực rỡ hiện ra với ngài hết sức uy linh và đẹp đẽ. Thế nhưng, đến khi lòng sốt sắng nguội dần, ngài đã đọc kinh một cách vội vàng, chẳng để hết tâm ý gì nữa. Thế là, một lần kia, Đức Mẹ lại hiện ra với ngài – lần này thì vẻ đẹp của Người thua xa với bộ mặt thảm não. Chân phước Hermann kinh ngạc về sự thay đổi của Người, bấy giờ Đức Mẹ mới cắt nghĩa cho ngài nghe:

“Với con Mẹ là như thế đó, Hermann à, bởi vì, trong tâm hồn của con, con đã đối xử với Mẹ như vậy mà, như một con đàn bà đáng khinh và chẳng có giá tí nào. Tại sao con lại không còn tôn nghiêm và chuyên chú chào kính Mẹ khi suy niệm về các mầu nhiệm của Mẹ và các đặc ân của Mẹ?”

(Bí mật Kinh Mân Côi, bông hồng 42; bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

Ði tìm ý nghĩa Mùa Vọng

Trần Mỹ Duyệt

Chúng ta thường nghe nói: Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Giáo Hội cũng khởi đầu chu kỳ Phụng Vụ của mình bằng 4 tuần lễ Mùa Vọng. Nhưng Chúa đã đến rồi, thì chúng ta còn mong đợi cái gì? Và 4 tuần lễ Mùa Vọng đối với chúng ta có ý nghĩa gì?

Thật ra việc Giáo Hội đưa vào sinh hoạt tâm linh của con cái mình hình ảnh và các nghi thức phụng vụ của 4 tuần lễ Mùa Vọng, là muốn nhắc nhở cho mỗi Kitô hữu 4 lần mà Chúa đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời của mình. Mùa Vọng, do đó, chỉ mang tính cách nhắc nhở và chuẩn bị để mỗi người có thể sẵn sàng mà không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào khi được Chúa đến viếng thăm. Và đó cũng là lý do tại sao trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu khởi đầu Mùa Vọng thuộc chu kỳ Phụng Vụ năm A, đã nhắc lại biến cố Noel, con tầu Noel, nhất là lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Các ngươi hãy coi chừng vì lúc các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

1. Chúa đến với nhân loại qua biến cố Nhập Thể và Giáng Trần

Ðây là biến cố rất trọng đại của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ. Lời than van, những tiếng khóc than và nỗi niềm mong đợi của các Tổ Phụ xưa đã được Thiên Chúa lắng nghe và đáp trả. Lời hứa Cứu Ðộ ở địa đàng năm xưa khi Tổ tông loài người phạm tội đã được thực hiện. Chúa Cha sai Con mình xuống thế qua hình hài một trẻ thơ, và hạ sinh làm kiếp con người. Hơn 2000 năm, tại đồng quê Belem, Ngài đã đến với nhân loại và đã đến với con người: “Vinh danh Chúa cả trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).

Trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, chúng ta vẫn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút và hằng giây cảm nghiệm được giá trị của lần Ngài đến này. Bởi vì, nếu không có lần xuất hiện này, thân phận lưu đầy của con người sẽ còn mãi mãi bị khống chế bởi tội lỗi. Kiếp người không thể được nâng cao và trả lại giá trị đích thực của nó. Nhưng bằng chính 33 năm trần thế của Con Thiên Chúa, chúng ta đã được phục hồi giá trị và được sống như một con người tự do của Thiên Chúa. Vì mục đích Chúa đến lần này là mang Ơn Cứu Chuộc đến cho nhân loại.

Nhưng ngoài Mẹ Maria, Thánh Giuse, Gioan, Isave, một ít mục đồng, ba nhà đạo sĩ, Simêon, Anna, và sau này có 12 Tông Ðồ và ít môn đệ nhận ra, còn lại không ai biết đến Ngài. Coi như lần đến này, Ngài rất âm thầm, chỉ trừ cái chết trên thập giá là hơi gây xôn xao, ồn ào.

2. Chúa đến với mỗi người qua các Bí Tích

Nhưng vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc Ngài hiện hữu và xuất hiện bao trùm toàn thời gian, và không gian. Thế nên, việc Ngài đến hôm qua, hôm nay hay ngày mai vẫn chỉ là một. Do đó, đối với người Kitô hữu thì Ngài đang đến với chúng ta mọi ngày, qua mọi biến cố cuộc đời. Nhất là Ngài đến với chúng ta qua các Bí Tích.

Qua Bí tích Rửa Tội, Ngài đến thăm viếng từng người, đón nhận họ vào gia đình Thiên Chúa. Tha cho tội nguyên tổ, khôi phục lại quyền làm con Thiên Chúa. Ngài còn chia phần tiên tri, vương giả, và tư tế để cuộc sống mỗi Kitô hữu trọn vẹn tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể, Cứu Ðộ, và Phục Sinh của Ngài.

Với Bí Tích Thêm Sức, Ngài tăng thêm sức mạnh, thông ban Thần Trí, và chuẩn bị cho mỗi người để sẵn sàng tiến vào với môi trường sống, ơn gọi riêng tư để làm chứng nhân cho Ngài, và cho Tin Mừng Cứu Ðộ.

Trong cuộc đời trần thế và trên mọi nẻo đường đời, không chỉ thân xác mà còn linh hồn chúng ta cũng bị đói lả, bị thương tật và yếu đuối, vì thế Ngài lại nuôi dưỡng chúng ta bằng Bí Tích Mình Máu Ngài, bằng sự tha thứ và hòa giải như người cha sẵn sàng ôm choàng đứa con yếu đuối mà biết hối lỗi qua Bí Tích Hòa Giải.

Rồi khi đã bước vào đời, bằng ơn gọi riêng của mỗi người, Chúa đã đến để chúc phúc và xác nhận con đường mà mỗi người đã được kêu mời và lựa chọn qua Bí Tích Truyền Chức hay Bí Tích Hôn Phối.

Và sau cùng, trước khi từ giã cõi đời, Ngài lại đến với mỗi người qua Bí Tích Xức Dầu hầu làm tăng thêm nghị lực, củng cố niềm tin, và chuẩn bị cho chúng ta gặp Ngài qua ngưỡng cửa sự chết.

3. Chúa đến với mỗi người trong ngày chết

Nếu ngày Ngài đến trong đêm đông hưu quạnh tại đồng quê Belem ta không hay biết. Hoặc như nếu vì lơ là mà chúng ta không đón tiếp Ngài cách tử tế, lịch sự và tôn trọng qua những Bí Tích chúng ta đón nhận mỗi ngày, thì lần đến này là lần xuất hiện không mấy niềm nở, tốt đẹp cho nhiều người, và có thể là ngay cả đối với chính chúng ta nữa. Ðiều đặc biệt ở đây là lần đến này Ngài xuất hiện như kẻ trộm, có nghĩa là đến bất ngờ. Ðến mà không ai biết trước. Và đây là lần đến mà mọi Kitôi hữu đạo hạnh cần phải sửa soạn.

Nếu việc đón chờ ngày kỷ niệm Ngài đến là một thời điểm nhắc nhở quan trọng, và nếu việc đón nhận các Bí Tích thường ngày là việc ôn tập và chuẩn bị, thì lần đến này Chúa Giêsu sẽ xuất hiện như một Thiên Chúa nhân từ, như người Cha yêu thương, như người anh dễ mến. Ngài sẽ đón chúng ta vào nơi mà Ngài đã dọn sẵn.

Nhưng nếu bất hạnh, vì thiếu chuẩn bị, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với một Thiên Chúa công thẳng, một quan án chí công mà chúng ta không thể trực diện mà không nhận ra là mình bất xứng.

4. Chúa đến với nhân loại trong ngày thế mạt

Sau cùng, Chúa đến lần này là lần cuối, và là lần làm sáng tỏ mọi ý nghĩa của những lần Ngài đã đến trước đó. Nếu nói là quan trọng thì không quan trọng bằng lần Ngài đến qua cái chết riêng tư của mỗi người. Nhưng cần thiết vì lần đến này, Ngài làm nổi bật những khuôn mặt bạn hữu đã từng đón nhận và đón chờ Ngài.

Mùa Vọng đã đến, chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa một chỗ xứng đáng trong tâm hồn mình bằng việc suy ngắm và sống Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Trần của Ngài.

Bằng hành động chia cơm, sẻ áo cho những kẻ nghèo nàn, bần cùng và bệnh tật. Và bằng kết hợp với Chúa trong kinh nguyện để Chúa tìm thấy nơi ta một tâm hồn biết chia sẻ và cảm thông với nỗi cô đơn, hất hủi mà người đời đang dành cho Ngài. Và rồi chúng ta sẽ được nhìn xem Ðấng Cứu Thế trong tâm hồn, trong cuộc đời, và trong đêm kỷ niệm ngày Ngài Giáng Trần.

Mẫu gương của gia đình Nadarét

Trích huấn từ của ĐGH Phaolô VI
(05.01.1964)

Nadarét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời Đức Giêsu; đó là trường học của Tin Mừng.

Tại đây, chúng ta học quan sát, chiêm niệm và hiểu thấu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để âm thầm noi theo.

Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Kitô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo và tất cả những gì Đức Giêsu đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa.

Tại đây, trong trường học này, chúng ta hiểu biết được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ của Đức Kitô.

Ôi, tôi thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ và đến học nơi ngôi trường Nadarét khiêm nhu nhưng cao cả này! Tôi khao khát biết bao được ở gần bên Đức Maria để bắt đầu học lại phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan siêu việt biết bao!
Nhưng, tôi chỉ là người khách qua đường. Tôi phải để lại đây ước muốn tiếp tục được học hỏi để hiểu thấu Tin Mừng cho dù việc học hỏi đó không bao giờ được ngưng nghỉ. Tuy nhiên, tôi sẽ không rời khỏi đây mà không lượm vội lấy, như thể trộm vụng, một bài học vắn tắt từ Nadarét.

Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước chi nơi mỗi chúng ta lại nảy sinh lòng quý trọng sự thinh lặng. Đây là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần, đang khi chúng ta bị quấy nhiễu vì bao tiếng la hét, ồn ào và náo động của cuộc sống hiện tại, luôn ầm ĩ và quá căng thẳng. Ôi, ước chi sự thinh lặng của Nadarét dạy chúng ta biết suy đi gẫm lại, biết trở về với nội tâm, sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa và lắng nghe những vị thầy chân chính dạy bảo. Ước chi sự thinh lặng đó dạy chúng ta biết sự cần thiết và giá trị của việc chuẩn bị, nghiên cứu, suy niệm, của nếp sống cá nhân và nội tâm, của lời cầu nguyện mà chỉ một mình Chúa nghe thấy trong nơi bí ẩn.

Thứ đến là bài học về đời sống gia đình. Ước chi Nadarét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Nadarét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không gì có thể thay thế được. Ước chi Nadarét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội.

Sau nữa là bài học về lao động. Ôi căn nhà của Nadarét, căn nhà của người con bác thợ mộc. Hơn bất cứ nơi nào khác, tại đây chúng tôi muốn hiểu và ca tụng lề luật tuy khắc khe nhưng mang tính cách cứu chuộc đòi buộc con người phải lao động. Tại đây, tôi mong ước mọi người ý thức lại về sự cao cả của lao động. Tại đây, dưới mái nhà này, tôi muốn nhắc nhở rằng lao động tự nó không phải là cùng đích. Đàng khác, sự tự do và tính cao cả của lao động không hệ tại ở các giá trị kinh tế mà thôi, nhưng còn ở những giá trị hướng lao động đến cứu cánh đích thực của nó.

Sau cùng, tại đây, tôi muốn gửi lời chào đến mọi người lao động trên toàn thế giới, đồng thời cũng muốn chỉ cho họ thấy gương mẫu vĩ đại, người anh em mang bản tính Thiên Chúa, vị ngôn sứ bênh vực những quyền lợi chính đáng của họ, đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. 

(Lễ Thánh Gia, Kinh Sách – Bài đọc 2)

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Xin che chở và gìn giữ gia đình chúng con.

Chia sẻ Bài này:

Related posts