Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 11-2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

DÂNG LỄ CẦU CHO LINH HỒN

Giáo Hội dâng lễ Misa như Chúa đã dạy để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến” (Lời tung hô sau tryền phép). Thánh lễ cũng được dâng lên để thờ phượng Chúa, tạ ơn Chúa, đền bù tội lỗi nhân loại và xin ơn phúc cho Giáo Hội và thế giới (Giáo Lý Công Giáo). Lễ vật dâng lên trong Thánh lễ để “tôn vinh Danh Chúa, mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh Người” (Lời đáp trước kinh Tiền Tụng).

Công đồng Trentô dạy rằng: “Thánh lễ Misa không những ca tụng Chúa, mà còn là lễ đền tội cho người sống và người đã qua đời” (Khóa 22 chương 2). “Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi tớ nam nữ Chúa đã gọi ra khỏi thế gian, xin ban cho kẻ đã chết như con Chúa, thì cũng được sống lại như Người” (Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ).

Từ thời xưa, Giáo Hội đã chấp nhận cho Linh mục chủ tế được nhận một số tiền lễ của giáo dân để chỉ lễ theo ý người xin. Theo lịch sử thời trước nữa, giáo dân thường đem hoa mầu như bánh trái, rượu dâng lên chủ tế trong phần dâng lễ vật, dần dần để thuận tiện hơn, người ta dâng tiền để tùy ý chủ tế sắm các vật dụng cần thiết” (Martimort, The Signs of the New Covenant, The Liturgical Press, 1963 NY, p. 208).

Thánh Bênađô thuật truyện về Thánh Malaiki, tổng giám mục Armagh, nước Ái Nhĩ Lan đã dâng nhiều thánh lễ cho linh hồn chị mình. Tưởng thế là đủ, ngài không dâng nữa. Ba mươi ngày sau, ngài nghe tiếng chị khóc trong phòng mặc áo lễ. Bà than rằng, bà “đã chờ 30 ngày mà không được ai giúp đỡ”. Ngài tiếp tục dâng lễ cầu cho chị rồi thấy chị mặc đồ đen. Ngài lại tiếp tục dâng lễ cầu cho chị tới khi thấy chị rực rỡ vào Thiên đàng cùng với một số rất đông các linh hồn được giải thoát trong ngày hôm ấy (199).

Thánh Nicholas thành Tolentino thấy vô vàn linh hồn luyện ngục ở trong một cánh đồng hợp nhau lại van xin ngài dâng lễ cầu cho họ. Sau 8 ngày dâng lễ, ngài được biết các linh hồn ấy đã được giải thoát khỏi luyện ngục (204).

Thánh Antôn Padua kể rằng, Chân phúc Gioan Alverina một lần dâng thánh lễ vào ngày lễ Các Thánh. Sau khi truyền phép, ngài cầm Mình Chúa trong tay và khẩn khoải nài xin Chúa vì công nghiệp Chúa Giêsu xin cứu lấy các linh hồn luyện ngục. Ngài được thấy một số đông linh hồn từ luyện ngục bay lên như những ánh lửa tung tóe từ lò lửa về hướng thiên đàng (204).

Theo Thánh Tôma tiến sĩ, “khi linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn nào, dù ngài đọc bài lễ kính Đức Mẹ, lễ kính các Thánh, lễ cầu hồn hay bài lễ nào đi nữa thì công phúc của Thánh lễ cũng như nhau, nhưng nếu ngài đọc bài lễ cầu hồn thì công phúc được đặc biệt hơn, vì Giáo Hội đã dọn riêng những lời cầu nguyện và bài đọc chỉ cho người quá cố (215).

Có người như ông Pasqualio còn chủ trương rằng thánh lễ hát cầu cho người đã chết lại gia tăng hiệu quả thánh lễ đặc biệt hơn nữa, vì không có những linh mục mà có cả các giáo dân cũng thông phần hợp lời cầu nguyện cách trọng thể hơn (222). Giáo Hội đặt ra những lời ca hát không phải để cộng đoàn vui vẻ, hay cá nhân người xin lễ tự hào, mà để những lời van xin làm Chúa cảm kích dễ nghe hơn và ý chỉ lễ dễ được chấp nhận hơn.

Người ta cũng có thể xin dâng lễ để cầu nguyện cho người còn sống, cho chính mình. Thánh Leonard Marurice khuyên người ta dâng Thánh lễ cho chính mình khi còn sống tốt hơn là sau khi đã qua đời, vì những lý do sau đây:

1. Dâng lễ khi còn sống, chính mình được dự, chết rồi không chắc có được dự.

2. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình là kẻ có tội, hy vọng sẽ được lòng thương xót Chúa ban ơn ăn năn xưng thú đền bù, dù mình không đáng. Chết rồi và đã xuống hỏa ngục thì không còn cứu vãn cách nào nữa, dù có dâng cả ngàn lễ cũng không đổi được số phận đời đời.

3. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống để được ơn chết lành, Chúa sẽ phù hộ trong giờ lâm tử nhờ ơn phúc thánh lễ.

4. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, ơn phúc vẫn còn, và nếu có phải luyện ngục, ngày giờ trong ấy sẽ được rút ngắn hơn. Chết rồi mới dâng lễ cầu cho thì linh hồn phải chờ đợi khốn khổ.

5. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống làm vinh danh Chúa hơn. Khi dâng lên Chúa tiền bạc Chúa đã ban cho, ta được công từ bỏ của cải. Chết rồi, tiền bạc về tay con cái họ hàng, mấy ai lo cứu giúp, họ đâu có cảm thấy nỗi khổ sở nóng nảy của ta mà cứu giúp mau chóng.

6. Dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu mình có ơn nghĩa Chúa thì được phần thưởng gấp đôi, vừa được tha phạt luyện ngục, vừa được công thưởng Thiên đàng. Chết rồi mới xin thì chỉ được tha phạt luyện ngục, không được gia tăng công thưởng Thiên đàng, không làm vinh danh Chúa hơn.

Cuối cùng chúng ta nên biết rằng, một Thánh lễ dâng cầu cho ta khi còn sống được tha hình phạt của ta nhiều hơn là dâng nhiều Thánh lễ sau khi ta chết, vì nếu ta làm mất lòng ai mà xin lỗi ngay thì dễ được tha hơn là chần chừ để phải xin lỗi và phải đền bù trước tòa án. Một lời bào chữa đáng giá bao nhiều tiền bạc rồi.

Chúng ta phạm đến Chúa nhiều cách, nếu chúng ta biết đền bù bằng việc lành phúc đức, việc từ thiện bác ái, nhất là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu qua thánh lễ thì nợ của chúng ta được tẩy xóa. Chờ đến trước tòa án Chúa mới xin đền thì hình phạt lại thêm nặng nề hơn.

Thánh Anselmo dạy, “Sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống, lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời” (226). Chính Chúa Giêsu dạy, “Hãy làm việc khi trời còn sáng, tối rồi ai thấy đường đâu mà làm”.

Lm. Mark, CMC

 

LO LẮNG CHO PHẦN RỖI LINH HỒN

Chúa Nhật 20-2-1955, Linh Mục Alfonso Matt (+1978) Cha Sở giáo xứ Sonntag (nước Áo) gởi cho Đức Cha Franz Tschann (+1955), Giám Mục Phụ Tá giáo phận Feldkirch, bản tường trình về sự kiện bà Maria Simma nhận sứ vụ giúp đỡ các Đẳng Linh Hồn trong Lửa Luyện Ngục. Bà Maria Simma là bổn đạo thuộc giáo xứ Sonntag. Xin trích phần Cha Sở trình bày lời nhắn nhủ của Các Đẳng Linh Hồn qua ghi chép của bà Maria Simma.

Các Đẳng Linh Hồn rất quan tâm đến chúng ta và đến Nước THIÊN CHÚA. Các ngài nhắn nhủ chúng ta như sau. Không nên than phiền về thời đại đang trải qua. Cần phải nói với các bậc làm Cha Mẹ rằng chính họ là những người mang trách nhiệm chính. Cha Mẹ gây thiệt hại lớn lao cho con cái khi thỏa mãn mọi yêu sách của chúng, cung cấp cho chúng tất cả những gì chúng muốn, chỉ vì lý do đơn giản là làm vui lòng chúng và để chúng khỏi la ó!

Làm như thế thì tính kiêu ngạo có thể đâm rễ trong lòng đứa bé. Lớn lên khi đứa trẻ bắt đầu cắp sách đến trường nó không biết đọc Kinh Lạy Cha cũng không biết làm Dấu Thánh Giá. Đôi khi hoàn toàn không biết gì về THIÊN CHÚA. Các Cha Mẹ thường thoái thác trách nhiệm khi cho rằng đó là bổn phận của các giáo lý viên và các thầy cô dạy môn tôn giáo. Nơi nào việc dạy giáo lý không bắt đầu ngay từ lúc tuổi còn thơ thì sau này lớn lên tôn giáo cũng không được coi trọng bao nhiêu.

Phải dạy cho con trẻ biết ”từ bỏ”! Tại sao ngày nay có hiện tượng dửng dưng tôn giáo? có chuyện nền luân lý xuống cấp? Thưa bởi vì các trẻ em không được học biết ”từ bỏ”! Sau này lớn lên chúng trở thành những người bất mãn, những kẻ không kín đáo, muốn xen mình vào đủ mọi thứ chuyện và muốn có mọi thứ một cách hoang phí. Điều này gây ra các lệch lạc sai trái về tính dục, các tệ nạn ngừa thai và phá thai.

Kẻ nào ngay từ nhỏ không học biết ”từ bỏ” thì lớn lên sẽ trở thành một người ích kỷ, vô tâm và tàn bạo. Vì lý do này mà ngày nay có rất nhiều oán thù và thiếu bác ái. Nếu chúng ta muốn trông thấy một thời đại tươi sáng tốt đẹp hơn thì phải bắt đầu ngay công trình giáo dục trẻ em.

Người ta phạm tội cách kinh hoàng chống lại lòng yêu mến tha nhân, nhất là bằng cách nói hành nói xấu, lừa đảo và vu khống. Nó bắt đầu từ đâu? Thưa, từ trong tư tưởng. Cần phải học biết tất cả những điều này ngay từ thời thơ ấu và tìm cách xua đuổi tức khắc những tư tưởng trái nghịch với đức bác ái. Cần phải đánh tan ngay tất cả các tư tưởng chống lại đức bác ái và đừng bao giờ đi tới chỗ phán xét tha nhân mà không có đức bác ái.

Đối với mỗi tín hữu Công Giáo thì công tác tông đồ là một bổn phận. Có người thi hành bổn phận với nghề nghiệp và có người khác với việc nêu cao gương sáng. Chúng ta thường than phiền có những tệ nạn phát xuất từ các bài diễn văn chống lại luân lý và chống lại tôn giáo. Vậy tại sao những người khác lại câm miệng? Những người tốt lành cũng phải biết bênh vực các xác tín của mình và dám tuyên xưng mình là tín hữu Công Giáo! Theo dòng lịch sử Giáo Hội, phải chăng sức khoẻ tâm linh và nền văn minh Kitô Giáo không phải là bổn phận cấp thiết và khẩn trương dành cho các tín hữu giáo dân như trong thời đại chúng ta đang sống sao? Mỗi tín hữu Công Giáo cần phải đặt mình trở về với việc tìm kiếm Nước THIÊN CHÚA và tìm cách làm cho Nước THIÊN CHÚA được mở rộng, bằng không thì loài người sẽ không còn ở trong cấp độ nhận biết sự cai trị của THIÊN CHÚA Quan Phòng.

Mối quan tâm lo lắng cho phần rỗi linh hồn không được bóp nghẹt bởi sự chăm sóc thái quá thân xác.

Ngày 22-6-1955 ban đêm bà Maria Simma nghe rõ ràng câu nói: ”THIÊN CHÚA đòi buộc một việc đền bù!” Và chính với các hy sinh tự ý làm, được chấp nhận với lời cầu nguyện mà có thể đền bù phần lớn tội lỗi, nhưng nếu các hy sinh này không được vui lòng chấp nhận, thì THIÊN CHÚA sẽ dùng sức mạnh để đòi buộc. Bởi vì, ”cần phải có một việc đền bù!”

… ”Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (Thánh Vịnh 130 {129}).

(”Le anime del Purgatorio mi hanno detto”, Maria Simma, Edizioni Villadiseriane, Ottava edizione, trang 42-46)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt (vietvatican)

 

CÁC KẾT QUẢ CỦA KINH MÂN CÔI AN ỦI
VÀ CỨU CÁC LINH HỒN RA KHỎI LUYỆN NGỤC

Khi đọc cuộc đời các thánh, chúng ta thấy các vị đã dùng Kinh Mân Côi như phương thế hữu hiệu giúp hoán cải các người tội lỗi và cứu rỗi các linh hồn.

Kinh Mân Côi không chỉ cứu con người khỏi phạm tội và khỏi đi theo con đường lầm lạc, mà cũng cứu tín hữu khỏi các cuộc chiến và các hình phạt nữa. Để chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến, Đức Mẹ Fatima đã xin tín hữu lần hạt Mân Côi. Để có hòa bình và giữ gìn hòa bình Mẹ cũng xin tín hữu lần hạt Mân Côi. Để cứu Kitô giáo khỏi cuộc xâm lăng của Hồi giáo, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V đã phát động chiến dịch lần hạt Mân Côi, phó thác số phận cuộc chiến đấu cho Đức Bà Mân Côi: và chiến thắng đã xảy ra tại vịnh Lepanto.

Kinh Mân Côi giúp có hòa bình và cứu vãn hòa bình, làm ngưng các cuộc chiến và đem lại chiến thắng. Thánh Gioan Bosco bảo đảm rằng nơi đâu có đọc Kinh Mân Côi, thì nơi đó tín hữu có ”các ngày an bình và thanh nhàn”. Và thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu xác nhận rằng cho dù tội lỗi của con người có lớn đến mấy đi nữa, cho tới khi nào người ta còn lần hạt Mân Côi, thì Thiên Chúa sẽ không thể bỏ rơi thế giới, bởi vì lời kinh này có quyền lực đối với trái tim Người”.

Thánh Giám Mục Milano Ildefonso Schuster kêu gọi huy động toàn thể tín hữu chăm chỉ lần hạt trong tháng mười là tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, như là ”một cuộc tổng tấn công chống lại các chiến lũy hỏa ngục”, quấy phá hòa bình, gieo rắc đổ vỡ và gây ra các hình phạt trên nhân loại.

Chân phước Luigi Orione, khi biết rằng nước Ba Lan đã bị các đoàn quân Đức quốc xã xâm lăng ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, trước thảm cảnh của quốc gia cao qúy này, ngài mời gọi các con cái thiêng liêng và nói với họ: ”Chúng ta hãy dùng Kinh Mân Côi để chống lại các súng đại bác, và chúng ta hãy chắp tay lại thay cho các bàn tay cầm súng bắn giết”.

Trong một thị kiến cha Pio Năm Dấu xác nhận rằng chuỗi Mân Côi là một trong các khí giới vĩ đại nhất của hòa bình và chiến thắng mà tất cả mọi người có thể có trong tay.

Chính cha Pio kể lại rằng ngài đã trông thấy từ cửa cổ ca đoàn tu viện một quảng trường đầy các kẻ thù la hét: ”Phải chết! Phải chết!… ”Cha hướng tới Đức Mẹ để xin Mẹ trợ giúp, Đức Mẹ đặt vào tay cha một tràng chuỗi Mân Côi để cha sử dụng như khí giới. Khi đó cha nhìn ra cửa sổ với Chuỗi Mân Côi trong tay và trông thấy tất cả mọi kẻ thù bị đánh ngã lăn ra đất.

Đúng thật là Đức Mẹ đã ban cho chuỗi Mân Côi một quyền lực vĩ đại. Để hoán cải các người tội lỗi, để đánh bại chủ thuyết cộng sản vô thần, để có được hòa bình, Mẹ đã xin tín hữu lần hạt Mân Côi khi hiện ra tại Fatima. Để xa lánh các hình phạt đời này là chiến tranh, cũng như các hình phạt đời sau là hỏa ngục, Mẹ cũng đã xin tín hữu lần hạt Mân Côi. Làm sao chúng ta lại không hiểu điều đó?

Chưa hết, Kinh Mân Côi còn giải thoát các linh hồn khỏi Luyện Ngục nữa. Có một bà nọ có người anh trai qua đời. Bà rất buồn sầu vì mất anh, nhưng nỗi đau đớn của bà càng lớn hơn vì anh bà lại là một Kitô hữu tốt. Bà có một giấc mơ. Bà thấy Cha Pio Năm Dấu an ủi bà và nói: ”Con hãy lần 200 chuỗi Mân Côi và anh con sẽ vào Thiên Đàng ngay lập tức”. Khi tỉnh dậy, bà nhớ giấc mơ, nhưng lại nghĩ nó chỉ là một giấc mơ thôi. Nhưng sáng hôm sau bà đến gặp cha Pio. Vừa trông thấy cha, bà không nghĩ tới giấc mơ nữa và mặt đầy nước mắt bà hỏi cha xem linh hồn anh của bà hiện đang ở đâu và bà phải làm gì cho anh ấy. Cha Pio hỏi: ”Vậy cha đã không nói cho con biết đêm vừa qua sao… Con hãy lần 200 chuỗi Mân Côi và anh con sẽ vào Thiên Đàng ngay lập tức”.

Kinh Mân Côi cũng còn có quyền lực ngoại thường này nữa: đó là giải thoát các linh hồn khỏi Luyện Ngục, đem lại cho họ sự nhẹ nhàng và ơn an ủi lớn. Chính cha Pio thành Pietrelcina, khi tặng một người con thiêng liêng chuỗi Mân Côi đã nói với chị giọng run run: ”Cha tín thác cho con một kho tàng: hãy biết sinh lợi với nó. Chúng ta hãy làm cho Luyện Ngục trống rỗng.”

Trong các tài liệu của Án phong Chân phước cho thánh Gioan Massias, dòng Đa Minh, chúng ta đọc thấy rằng Đức Mẹ đã hiện ra với cha trên giường chết và vén mở cho cha biết rằng vì cha đã liên lỉ lần hạt Mân Côi nên cha đã giải thoát được 1 triệu 400.000 linh hồn khỏi Luyện Ngục. Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI ra lệnh kể lại trong Sắc lệnh phong Chân phước cho vị tu sĩ thánh thiện này con số kỳ diệu các linh hồn chân phước đã cứu được khỏi Luyện Ngục, để an ủi tất cả các tín hữu sùng mộ Kinh Mân Côi.

Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu một lần kia đã viết rằng, khi bắt đầu đọc Kinh Mân Côi Thánh, chị đã được ơn xuất thần và trông thấy Luyện Ngục có hình thù một khu vực lớn có tường bao quanh, trong đó các linh hồn phải chịu đau khổ giữa các ngọn lửa thanh luyện. Vừa đọc Kinh Kính Mừng đầu tiên chị trông thấy một giọt nước rất mát rơi xuống trên các linh hồn khiến cho họ được mát mẻ; và cứ như thế Kinh Kính Mừng thứ hai, thứ ba, thứ bốn… Khi đó chị Thánh hiểu rằng việc đọc Kinh Mân Côi đem lại sự vơi nhẹ cho các linh hồn đang phải thanh tẩy tội lỗi biết bao nhiêu, và chị đã không bao giờ muốn ngừng lần hạt Mân Côi nữa.

Chính vì thế thánh Alfonso de Liguori mới lập đi lập lại rằng: ”Nếu chúng ta muốn giúp đỡ các linh hồn trong Luyện Ngục, thì hãy lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho họ, vì Kinh Mân Côi đem lại cho họ sự vơi nhẹ rất lớn”.

Cả Chân phước Anibale nước Pháp cũng bảo đảm với chúng ta rằng: ”Khi chúng ta lần hạt Mân Côi của Mẹ Maria Rất Thánh cho một linh hồn nào đang chịu thanh luyện, thì linh hồn đó cảm thấy các ngọn lửa bao quanh họ hầu như tắt đi, và cảm nhận được một sự mát mẻ của Thiên Đàng”.

Trong các bài giảng của mình, một ngày kia thánh Đa Minh thuyết giảng về các ơn ích của Chuỗi Mân Côi đối với các linh hồn trong Luyện Ngục. Nhưng trong số các tín hữu hiện diện có một người nghi ngờ bắt đầu chế nhạo thánh nhân. Tuy nhiên, đêm hôm đó ông này mơ thấy một vực sâu đầy lửa với các linh hồn đang chịu thanh tẩy chìm ngập trong đó, và ông trông thấy Đức Mẹ, hiền từ thương xót giơ ra cho họ một sợi xích vàng để kéo họ lên khỏi vực sâu: sợi xích vàng đó là Tràng Chuỗi Mân Côi Thánh.

Có một tông đồ ngoại thường khác chuyên lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục: đó là thánh Pompillo Pirrotti. Với các Chuỗi Mân Côi của mình, thánh nhân bước vào trong liên hệ thân tình với các linh hồn trong Luyện Ngục. Họ bầy tỏ cho thánh nhân lòng biết ơn của họ đối với lời kinh họ nhận được. Sự thân tình của thánh nhân đối với họ lớn tới độ khi Thánh nhân đọc Kinh Mân Côi, ”người ta nghe linh hồn các người đã qua đời cùng nhau thưa phần hai của kinh Kính Mừng Maria”.

Ôi, chúng ta tất cả sẽ có thể thi hành lòng bác ái đẹp biết bao này đối với các linh hồn đang đền tội trong Luyện Ngục, khi lần nhiều tràng hạt Mân Côi để cầu nguyện cho họ!

Linh Tiến Khải (Thánh Mẫu Học, bài số 366)

Chia sẻ Bài này:

Related posts