Sống Tin Mừng với Mẹ Maria Tháng 10-2016

TRANG CHUYÊN ĐỀ 

 

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ KINH MÂN CÔI

  • Đức Grêgôriô XVI: Một niềm vui biết bao nhớ lại Kinh Mân Côi lợi ích cho Giáo Hội Công Giáo, cũng như cho giáo dân hợp nhau cầu nguyện cầu xin ơn che chở của Rất Thánh Trinh Nữ.
  • Đức Piô IX: Mỗi phần tử Hội Kinh Mân Côi liên tiếp ngày đêm lần lượt đọc Kinh Mân Côi như một sự tôn kính không ngừng dâng lên Mẹ Thiên Chúa.
  • Đức Lêô XIII: Các ơn lành Mẹ ban đã được chứng minh rằng nhiều người đã nhận được hiệu lực Kinh Mân Côi mà Mẹ đã ban dạy và thánh Đa Minh đã vất vả truyền bá.
  • Đức thánh Piô X: Không gì hoàn hảo bằng nhiều tiếng từ khắp nơi trên thế giới cùng dâng lên van xin Rất Thánh Đồng Trinh Maria như họ suy ngắm những mầu nhiệm Chúa Kitô, để những ơn lành của lòng từ ái Mẹ không ngừng ban xuống trên Giáo Hội.
  • Đức Bênêđictô XV: Kinh Mân Côi cần thiết hơn bao giờ hết, vì không những dâng lên Mẹ để nhờ Mẹ làm đẹp lòng Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, và vì hơn mọi kinh khác, Kinh Mân Côi mang một dấu hiệu kinh chung gia đình.
  • Đức Piô XI: Kinh Mân Côi thực là một triều thiên hoa hồng rực rỡ nhất mà tuổi thanh xuân có thể đội: Đó là những đoá hồng trinh khiết và đoá hồng tình mến, đoá hồng tình yêu huynh đệ, đoá hồng tông đồ tươi nở trong khung cảnh lộng lẫy của một gia đình thiêng liêng như đoàn thanh niên Công giáo tiến hành.
  • Đức Piô XII: Gia đình tụ họp buổi chiều đọc Kinh Mân Côi tôn kính Nữ Vương Thiên Đàng. Đời sống gia đình Kitô hữu và lòng sùng đạo thấm nhuần trong các con cái mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tinh thần hy sinh Kitô hữu dạy họ chịu đựng nghịch cảnh và sầu đau. Nếu noi gương Mẹ Maria, gia đình sẽ là một nguồn suối các nhân đức, và bình an luôn ngự trị trong đó.
  • Đức Gioan XXIII: Chớ gì Kinh Mân Côi gia đình là một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ Maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Đức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Đức Nữ Trinh.
  • Đức Phaolô VI: Kinh Mân Côi đạo đức và phổ cập hiện ra như một chuỗi cứu độ treo trên cánh tay Chúa Cứu thế và Mẹ Thánh Người, và do đó phát ra mọi ơn lành cho chúng ta và mọi niềm hy vọng đến với chúng ta.
  • Đức thánh Gioan Phaolô II: Trong những chục Kinh Mân Côi, tấm lòng chúng ta có thể hái lượm được những sự kiện làm thành đời sống cá nhân, gia đình, dân tộc, Giáo Hội và thế giới. Đó là những vấn đề cá nhân hay người thân cận, người thân quyến chúng ta. Như vậy, Kinh Mân Côi hoà nhịp đời sống con người.

(Lược trích từ Lm. Phêrô, CMC)

 

Nên Giống Chúa Kitô

thánh Louis Marie Grigion de Montfort

Sự quan tâm chính yếu của một người Kitô hữu là phải nhắm trở nên toàn thiện. Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Anh em hãy là những người bắt chước Thiên Chúa như những đứa con mến thương nhất của Ngài” (Ep 5,1). Phận sự này nằm trong ơn tiền định đời đời của chúng ta, như phương thế duy nhất Thiên Chúa ấn định để đạt đến vinh phúc đời đời.

Thánh Giêrônimô Nisia cho chúng ta một so sánh đẹp đẽ khi nói rằng chúng ta tất cả là những họa sĩ và linh hồn của chúng ta là những bức phông còn nguyên mà chúng ta phải vẽ lên. Mầu sắc chúng ta phải dùng là các nhân đức Kitô giáo, và người mẫu là Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động toàn thiện của Thiên Chúa Ngôi Cha. Như một họa sĩ vẽ truyền thần muốn thực hiện bức tranh hết xẩy, đặt mình trước mẫu vẽ, ngắm nghía cẩn thận trước mỗi nét vẽ thế nào, cũng vậy, người Kitô hữu phải luôn luôn đặt cuộc đời và các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô trước mắt, để không bao giờ họ nói năng, nghĩ tưởng hay hành động một sự gì, dù nhỏ mọn nhất, mà không hòa hợp với mẫu thức của mình.

Vì Đức Mẹ muốn giúp chúng ta trong công cuộc cứu rỗi trọng đại của chúng ta mà Người đã truyền cho thánh Đaminh dạy cho các giáo hữu suy niệm các mầu nhiệm thánh đức của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Đức Mẹ làm như vậy là để họ, chẳng những tôn thờ và tôn vinh Ngài, mà còn, chính yếu hơn, rập khuôn mẫu cuộc đời và những hành động của họ theo các nhân đức của Ngài.

Con cái bắt chước cha mẹ bằng cách nhìn vào các ngài và nói với các ngài; chúng biết nói tiếng của chúng là nhờ nghe cha mẹ chúng nói. Một người làm thủ công nghệ học nghề qua việc quan sát việc làm của người dạy việc cho họ; cũng vậy, những phần tử trung kiên của Hiệp Hội Kinh Mân Côi có thể trở nên giống như vị Thày Thần Linh của mình, nếu họ cung kính học theo gương các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô được tỏ ra qua 15 mầu nhiệm cuộc đời của Người. Họ có thể thực hiện được điều này với ơn trợ giúp của Người và nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Thánh Người.

Xưa kia, ông Moisen, được Thiên Chúa soi sáng, đã truyền cho dân Do Thái không bao giờ được quên các ân phúc mà họ đã nhận lãnh. Con Thiên Chúa lại càng có lý do bảo chúng ta khắc sâu vào tâm khảm của chúng ta và đặt trước mắt chúng ta các mầu nhiệm về cuộc sống và tử nạn của Người, vì mỗi mầu nhiệm đều nhắc cho chúng ta, một cách nào đó, sự tốt lành của Người, và qua những mầu nhiệm này, Người cũng cho chúng ta thấy tình yêu và ước vọng hết mình của Người muốn cứu rỗi chúng ta. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng:

“Ôi, tất cả các con qua đường, hãy dừng lại một chút mà xem, còn sầu khổ nào như khổ sầu mà Cha hằng chịu vì yêu các con chăng. Hãy nghĩ đến sự bần cùng của Cha, sự khiêm hạ của Cha; hãy nghĩ đến rượu pha mật đắng mà Cha đã uống vì các con trong cuộc tử nạn đắng cay của Cha.”

Những lời này và nhiều lời khác có thể phát biểu ở đây đã quá đủ để thúc giục chúng ta không được đọc Kinh Mân Côi chỉ bằng miệng lưỡi trong việc tôn kính Chúa Giêsu và Đức Mẹ, mà còn phải suy ngắm các mầu nhiệm thánh hảo đang khi đọc kinh này nữa.

(Trích từ “Bí Mật Kinh Mân Côi”)

 

Một Việc Tưởng Niệm

thánh Louis Marie Grigion de Montfort

Chúa Giêsu Kitô, Bạn Tình Thần Linh của linh hồn chúng ta và là Bạn Rất Thân của chúng ta, ước mong chúng ta nhớ đến lòng nhân lành của Người đối với chúng ta, cũng như đến tất cả ân huệ của Người, và muốn chúng ta đề cao những điều ấy trên hết mọi sự. Khi nào chúng ta suy niệm một cách sốt sắng và thiết tha những mầu nhiệm thánh hảo của Kinh Mân Côi, bấy giờ chúng ta làm cho Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh ở trên trời hân hoan.

Những mầu nhiệm này là những hoa trái cụ thể nhất của tình Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, và là những quà tặng cao qúi nhất Người có thể ban cho chúng ta, vì nhờ những quà tặng này, mà chính Rất Thánh Trinh Nữ Maria và tất cả các thánh được hưởng vinh phúc trên trời.

Một ngày kia, chân phước Angela Foligno xin Chúa Giêsu cho mình biết việc đạo đức nào giúp cho chân phước có thể tôn vinh Người nhất. Người đã hiện ra với chân phước, giang tay bị đóng đanh trên thập giá mà phán:

“Hỡi con của Cha, hãy nhìn vào các vết thương cua Cha đây.”

Bấy giờ chân phước nhận ra rằng không gì làm đẹp lòng Chúa Giêsu yêu dấu cho bằng suy gẫm về sự thương khó của Người. Rồi Người tỏ cho chân phước những vết thương trên đầu Người cùng với các vết thương khác mà nói với chân phước:

“Cha đã chịu tất cả những khổ đau này vì phần rỗi của con. Con đã làm gì để đền đáp lại lòng Cha yêu con?”

Hy tế Thánh lễ dâng lên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sự tôn vinh khôn cùng, vì Hy tế Thánh lễ tái diễn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, và vì nhờ Thánh lễ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa công nghiệp do đức tuân phục của Chúa Giêsu, cùng với sự khổ đau và Máu Thánh châu báu của Người. Toàn thể triều thần thiên quốc cũng hân hoan khác thường mỗi khi có một Thánh lễ dâng lên. Một số vị tiến sĩ Giáo hội, cùng với thánh Tôma Aquinô, nói với chúng ta rằng, với cùng một lý do, tất cả các chân phước ở trên trời hân hoan thông công cùng các tín hữu, vì Bí Tích Thánh là sự tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó, loài người được thông hưởng hoa trái của Bí Tích Thánh để nhận lãnh ơn cứu độ.

Kinh Mân Côi, khi được đọc chung, kèm theo sự suy niệm các mầu nhiệm thánh hảo, cũng là một hiến tế chúc tụng Thiên Chúa để cảm tạ Ngài vì ơn cứu độ cao cả Ngài ban cho chúng ta. Kinh Mân Côi còn là một tưởng nhớ thánh về những đau khổ, tử nạn và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Kinh Mân Côi thật sự tôn vinh và làm cho Chúa Giêsu, Đức Mẹ và tất cả các chân phước trên trời hoan lạc, vì các Ngài không còn mong gì hơn hay đóng góp gì hơn cho vĩnh phúc của chúng ta, bằng thấy chúng ta gắn bó với việc hết sức làm vinh danh Chúa Giêsu mà lại cũng rất bổ ích cho chính chúng ta nữa.

Phúc Âm dạy chúng ta rằng, một tội nhân trở lại và người thật lòng thống hối làm cho tất cả các thiên thần mừng vui hoan hỉ. Nếu sự thống hối và cải thiện của một tội nhân đủ làm cho các thiên thần mừng vui như thế, thử hỏi, toàn thể triều thần thiên quốc còn sung sướng hoan hỉ và Chúa Giêsu rạng danh đến thế nào, khi thấy chúng ta ở thế gian sốt sắng và thiết tha suy ngắm về sự khiêm hạ, cực hình của Người cũng như về cái chết rùng rợn đầy nhục nhã của Người! Còn gì đánh động lòng chúng ta chắc chắn hơn điều này, và còn gì thôi thúc chúng ta tự thống hối một cách chân thành hơn điều này.

Một người Kitô hữu không suy gẫm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi thì thật là vô ơn đối với Chúa Giêsu và tỏ ra họ ít chú ý đến tất cả những gì Chúa Cứu Thế đã phải chịu để cứu chuộc thế gian. Thái độ này chứng tỏ họ biết ít hay chẳng biết gì về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, và họ không bao giờ chịu khó để tìm hiểu Người, về những gì Người làm và chịu để cứu chuộc chúng ta.

Một người Kitô hữu như vậy đáng phải lo sợ, vì chưa bao giờ biết Chúa Giêsu Kitô hay vì loại Người ra khỏi tâm trí mình, Người sẽ chê chối họ trong ngày phán xét với câu nói lạnh lùng: “Thật thế, Ta cho ngươi hay, Ta không hề biết ngươi” (Mt 25,12).

Vậy, chúng ta hãy suy niệm về cuộc đời và những đau khổ của Chúa Giêsu bằng Kinh Mân Côi; chúng ta hãy học biết Người cho rõ và hãy biết ơn tất cả những ơn phúc của Người, để trong ngày chung thẩm, Người cho chúng ta vào thành phần con cái và bạn hữu của Người.

(Trích từ “Bí Mật Kinh Mân Côi”)
Phương Thế Nên Trọn Lành

thánh Louis Marie Grigion de Montfort

Các thánh luôn lấy đời sống của Chúa Giêsu làm mục tiêu học hỏi chính yếu của mình; các ngài dùng việc suy ngắm các nhân đức và đau khổ của Người làm cách thức giúp các ngài đạt đến mức toàn thiện Kitô giáo.

Khi thánh Bênađô bắt đầu suy gẫm các nhân đức và đau khổ của Chúa Giêsu, ngài tiếp tục giữ mãi việc suy gẫm này. Ngài nói:

“Hồi tôi mới trở lại, tôi làm một bó mộc dược để kính nhớ những thương khó của Chúa Cứu Thế. Tôi đặt bó mộc dược này trên ngực của tôi, khi nghĩ đến những đòn vọt, gai góc và đinh nhọn trong cuộc khổ nạn của Người. Tôi vận dụng hết tâm thần để hằng ngày suy ngắm các mầu nhiệm này.”

Đây cũng là một việc thực hành của các thánh tử đạo nữa. Chúng ta biết việc các ngài chiến thắng những đau đớn rùng rợn nhất đáng ca ngợi là chừng nào. Thánh Bênađô nói rằng lòng kiên trung lạ lùng của các vị tử đạo chỉ có thể phát xuất từ một nguồn mạch là sự liên lỉ suy ngắm các vết tích của Chúa Giêsu Kitô. Các vị tử đạo là các nhà lực sĩ của Chúa Kitô, các tay vô địch của Người. Trong khi máu các ngài vọt lên, xác thể các ngài bị tan thành mảnh, thì linh hồn đại lượng của các ngài ẩn náu trong các dấu tích của Chúa Giêsu. Những dấu tích này làm cho các ngài tất thắng bất bại.

Trong cả cuộc đời trần thế, mối quan tâm chính yếu của Đức Mẹ là suy ngắm các nhân đức và đau đớn của Con Mẹ. Khi nghe thiên thần hân hoan mừng hát vào lúc Người giáng sinh và khi thấy mục đồng đến thờ lạy Người trong máng cỏ, lòng trí Mẹ đầy ngỡ ngàng và Mẹ đã ngẫm nghĩ tất cả những sự diệu kỳ này. Mẹ so sánh giữa sự cao cả của Lời nhập thể với sự khiêm hạ sâu xa của Người qua cách Người hạ mình xuống; Mẹ nghĩ đến Người trong máng cỏ đầy rơm rác với thiên ngai của Người trong cung lòng Ngôi Cha Hằng Hữu của Người. Mẹ so sánh quyền năng của Thiên Chúa với sự yếu đuối của một con trẻ, sự khôn ngoan của Người với sự ngây thơ của Người.

Một lần kia, Đức Mẹ nói với thánh nữ Brigitta: “Khi nào Mẹ suy ngắm về sự đẹp đẽ, cao sang và khôn ngoan của Con Mẹ, lòng Mẹ tràn ngập vui mừng; khi nào Mẹ nghĩ đến tay chân của Người bị đanh nhọn thâu qua, Mẹ khóc lóc thảm thiết và lòng Mẹ rách nát vì sầu thương đau đớn.”

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Mẹ sống những ngày còn lại của mình bằng việc thăm viếng những nơi thánh mà Chúa đã sống và chịu đau khổ. Khi ở những nơi này, Mẹ suy gẫm về tình yêu vô biên của Chúa và về cuộc khổ nạn khủng khiếp của Chúa.

Thánh Maria Mađalêna không làm gì hơn ngoài những thực hành đạo đức như vậy trong 30 năm sau hết của thánh nữ, khi thánh nữ sống tĩnh mạc nguyện cầu ở Sainte Baume.

Thánh Giêrônimô nói rằng việc tôn sùng các nơi thánh được lan rộng trong tầng lớp giáo hữu từ các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Họ đến thánh địa từ khắp chốn trên thế giới Kitô giáo, để cảm nhận sâu xa hơn một tình yêu vĩ đại và tưởng niệm đến Chúa Cứu Thế xác tín hơn trong lòng, khi thấy những nơi và việc Người thánh hóa, qua cuộc sinh hạ của Người, bằng hoạt động của Người, bằng cuộc thương khó và tử nạn của Người.

Tất cả các Kitô hữu có cùng một đức tin và cùng tôn thờ một Chúa, cùng hy vọng vào một vinh phúc trên trời. Họ có cùng một Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, do đó, họ tất cả phải bắt chước Mô Phạm Thần Linh của mình, bằng việc suy ngắm các mầu nhiệm về đời sống, nhân đức và vinh quang của Người.

Thật là lầm to khi cho rằng chỉ có linh mục, tu sĩ và những ai xa lánh sự nhộn nhạo thế gian mới cần phải suy ngắm các chân lý đức tin và các mầu nhiệm về đời sống của Chúa Giêsu Kitô. Nếu các linh mục và tu sĩ có bổn phận suy ngắm về các chân lý của đạo thánh để sống xứng đáng cho đến cùng ơn gọi của mình, thì giáo dân cũng có cùng một bổn phận như vậy. Vì hằng ngày họ phải đương đầu với những hiểm nguy thiêng liêng có thể làm họ mất linh hồn. Vì vậy, họ phải trang bị cho chính mình những việc suy niệm thường xuyên về cuộc đời, về các nhân đức và đau thương của Chúa Giêsu, là những gì tuyệt vời được cô đọng trong 15 mầu nhiệm Mân Côi.

(Trích từ “Bí Mật Kinh Mân Côi”)

Chia sẻ Bài này:

Related posts