Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 09-2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ
Trong thánh lễ tuyên thánh tại fatima

Lúc 10h sáng thứ Bẩy 13 tháng 5, đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh cho Jacinta và Francisco Marto, là 2 trong 3 trẻ mục đồng đã được thấy Đức Mẹ hiện ra.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời.” Đó là những gì thị nhân trên đảo Patmos cho chúng ta biết trong Sách Khải huyền (12,1), và thêm rằng bà sắp sinh một con trai. Sau đó, trong Tin Mừng, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với môn đệ mình, “Này là mẹ con” (Ga 19,27). Chúng ta có một bà Mẹ! “Bà thật xinh đẹp”, như các thị nhân tại Fatima đã bảo nhau trên đường trở về nhà vào ngày hồng phúc 13 tháng 5 cách đây đúng 100 năm. Tối hôm đó, Jacinta không thể kiềm chế được bản thân và cô đã nói với mẹ mình: “Hôm nay con đã gặp Đức Mẹ”. Họ đã nhìn thấy Mẹ Thiên Đàng. Nhiều người khác cũng đã tìm cách để được nhìn thấy như thế, nhưng… họ không thấy Đức Mẹ. Mẹ Đồng Trinh đã không đến đây để chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ. Chúng ta sẽ được mãi mãi nhìn thấy Mẹ, tất nhiên là nếu chúng ta được lên trời.

Đức Mẹ báo trước, và cảnh cáo chúng ta về một lối sống vô thần và thực sự xúc phạm đến Thiên Chúa nơi những tạo vật của Người. Cuộc sống như vậy – thường được người ta đề xuất và áp đặt – có nguy cơ dẫn con người đến cửa hỏa ngục. Đức Mẹ đã đến để nhắc nhở chúng ta rằng ánh sáng của Chúa ngự trong chúng ta và bảo vệ chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất “Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người” (Kh 12,5). Trong tường thuật của Lucia, ba đứa trẻ được chọn đã được bao quanh bởi ánh sáng của Thiên Chúa khi ánh sáng ấy tỏa chiếu từ Đức Mẹ. Mẹ bao bọc họ trong lớp áo ánh sáng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Theo niềm tin và kinh nghiệm của đông đảo người hành hương, nếu không muốn nói là tất cả, Fatima là lớp áo ánh sáng bảo vệ chúng ta, cảm nghiệm ấy hầu như hơn hẳn bất cứ nơi nào khác trên trái đất này. Chúng ta cần nơi ẩn náu dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ, “hãy chỉ Chúa Giêsu cho chúng con” như kinh Lạy Nữ Vương dạy.

Anh chị em tín hữu hành hương thân mến, chúng ta có một người Mẹ. Khi bám lấy Mẹ như con trẻ, chúng ta sống trong niềm hy vọng dựa trên Chúa Giêsu. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai, “những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5,17). Khi Chúa Giêsu về Trời, Người đã mang đến trước Chúa Cha trên trời nhân tính của chúng ta, mà Người đã mặc lấy trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và sẽ không bao giờ từ bỏ. Chúng ta hãy đặt để hy vọng nơi nhân tính này, đang ngồi bên hữu Chúa Cha (Ep 2,6). Xin cho niềm hy vọng này hướng dẫn cuộc sống của chúng ta! Đó là một niềm hy vọng nâng đỡ chúng ta luôn mãi, tới tận hơi thở cuối cùng của cuộc đời.

Được củng cố với niềm hy vọng này, chúng ta đã tập trung ở đây để cảm tạ vô số ơn thánh được ban cho chúng ta trong một trăm năm qua. Tất cả đều được ban dưới lớp áo ánh sáng mà Đức Mẹ đã loan truyền tới tận cùng bờ cõi trái đất, bắt đầu với vùng đất Bồ Đào Nha này, nơi phong phú những hy vọng. Chúng ta có thể noi gương hai Thánh Francisco và Jacinta, là những vị đã được Đức Trinh Nữ Maria đưa vào đại dương bao la của ánh sáng Thiên Chúa và dạy họ thờ lạy Người. Đó là nguồn sức mạnh của họ để vượt qua những chống đối và đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa đã trở nên thường hằng trong cuộc sống của họ, như được thấy rõ qua lời cầu nguyện liên lỉ của họ cho các tội nhân và ước muốn của họ được hầu cận trước “Chúa Giêsu náu mình” trong đền tạm.

Trong Cuốn Hồi K‎‎ý (III, 6), Sơ Lucia trích dẫn Jacinta, người vừa được ban cho một thị kiến: “Chị không nhìn thấy tất cả những con phố, những con đường và những cánh đồng đầy những người đang kêu khóc vì đói, nhưng không có gì để ăn đó sao? Và Đức Thánh Cha trong nhà thờ, đang cầu nguyện trước Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria? Và tất cả những người đang cùng cầu nguyện với ngài?” 

Cảm ơn anh chị em vì đã hiện diện nơi đây với tôi! Tôi không thể không đến đây để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và phó thác cho Mẹ tất cả các con trai và con gái của Mẹ. Dưới lớp áo choàng của Mẹ, họ không bị lạc mất; từ vòng tay Mẹ nảy sinh hy vọng và bình an mà họ kêu cầu, và tôi cầu xin Mẹ cho tất cả anh chị em của tôi trong phép rửa và trong gia đình nhân loại này của chúng ta, đặc biệt là những bệnh nhân và những người tàn tật, những tù nhân và những người thất nghiệp, người nghèo và người bị bỏ rơi.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa với hy vọng rằng những người khác sẽ lắng nghe chúng ta; và chúng ta hãy nói với những người khác một cách xác tín rằng Chúa sẽ giúp chúng ta.

Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta để trở nên nguồn hy vọng cho người khác, một niềm hy vọng thực sự và có thể đạt được, phù hợp với tình trạng của mỗi người. Khi “yêu cầu” và “đòi buộc” mỗi người chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ của mình theo đấng bậc (Thư của Lucia, ngày 28 tháng 2 năm 1943), Thiên Chúa tổng động viên chúng ta chống lại sự thờ ơ làm băng giá con tim và làm tầm nhìn thiển cận của chúng ta trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta không muốn trở thành một thứ hy vọng chết yểu! Cuộc sống chỉ có thể tồn tại được nhờ vào sự hào phóng của những cuộc sống khác “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta, đã nói điều này và làm điều này. Bất cứ khi nào chúng ta thấy mình đang vác thập giá, thì Ngài đã từng vác thập giá trước chúng ta. Chúng ta không vác thập giá để tìm Chúa Giêsu. Thay vào đó, chính Người là Đấng đã tự hạ mình xuống, đến độ chấp nhận thánh giá, để tìm kiếm chúng ta, xua tan bóng tối của cái ác bên trong chúng ta, và đưa chúng ta trở lại với ánh sáng.

Với sự bảo vệ của Đức Maria, cầu xin cho chúng ta có thể là những tuần canh của thế giới, trong khi chiêm ngắm khuôn mặt đích thật của Đức Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, sáng láng trong Lễ phục sinh. Cầu xin cho chúng ta có thể tái khám phá ra khuôn mặt trẻ trung và tươi đẹp của Giáo Hội, rực sáng khi Giáo Hội là truyền giáo, chào đón, nhưng không, trung tín, khó nghèo phương tiện, nhưng giàu có tình yêu.

J.B. Đặng Minh An dịch (vietcatholic)

 

Triều Thiên Hoa Hồng

Thánh Louis Grignion de Montfort

Ngay từ khi chân phước Alan de la Roche tái lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi thì ngôn ngữ của loài người cũng như ngôn từ của Thiên Chúa, đã gọi kinh này là “Mân Côi”. Chữ “Mân Côi” có nghĩa là “Triều Thiên Hoa Hồng”. Tức là mỗi lần người ta đọc Kinh Mân Côi sốt sắng là họ đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, triều thiên 150, trong đó có 3 bông hồng đỏ và 16 bông hồng trắng. Là những bông hoa thiên đường, chúng sẽ không bao giờ tàn phai hương sắc tuyệt vời của chúng.

Đức Mẹ đã tỏ ra hoàn toàn ưng ý với cái tên “Mân Côi” này. Người đã cho một số người biết rằng, mỗi lần họ đọc một Kinh Kính Mừng là họ dâng cho Người một bông hồng đẹp, và mỗi khi họ đọc xong một tràng Mân Côi là họ 
làm cho Người một vòng vương miện hoa hồng.

Thày Alphôngsô Rodriguez là một tu sĩ nổi tiếng của dòng Tên, thường đọc Kinh Mân Côi sốt sắng đến nỗi, thày thấy bông hồng đỏ thoát ra từ miệng thày mỗi khi thày đọc Kinh Lạy Cha, và thấy hoa hồng trắng cũng từ miệng thày mà ra mỗi khi thày đọc Kinh Kính Mừng. Những bông hồng đỏ và trắng này đều có hương sắc tương đương nhau, chỉ khác nhau về mầu sắc mà thôi.

Những tích truyện về thánh Phanxicô cũng kể rằng, có một thày dòng trẻ tuổi có thói quen lần hạt một vòng hoa hồng, tức một tràng Mân Côi, mỗi ngày trước bữa tối. Một ngày kia, vì một lý do nào đó, thày chưa làm xong việc này. Mặc dù chuông báo hiệu bữa tối đã điểm, thày cũng đến xin phép bề trên cho thày làm xong việc này trước khi dùng bữa; được phép, thày lui về phòng của mình để cầu nguyện.

Thày đi được một lúc lâu, bề trên sai một thày khác đi tìm, và thày được sai này thấy thày ấy trong phòng đầy những ánh sáng, đang đối diện với Đức Mẹ có hai thiên thần hầu cận. Những bông hồng xinh đẹp cứ phát ra từ miệng thày ấy mỗi khi thày ấy đọc Kinh Kính Mừng; hai thiên thần cầm lấy từng bông một, đặt lên đầu Đức Mẹ, và Đức Mẹ tươi cười nhận lấy chúng.

Sau cùng, hai thày khác được bề trên sai đi tìm hai thày trước cũng thấy cùng một cảnh đằm thắm dễ thương như vậy, và Đức Mẹ chỉ biến đi cho đến khi thày ấy lần xong trọn một tràng Kinh Mân Côi.

Bởi thế, một tràng Kinh Mân Côi là triều thiên hoa hồng lớn và một chuỗi Kinh Mân Côi là một chùm hoa hay một triều thiên hoa hồng nhỏ mà chúng ta đội lên đầu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bông hồng là nữ vương của loài hoa, Kinh Mân Côi là hoa hồng của mọi việc tôn sùng, do đó, cũng là việc tôn sùng quan trọng nhất.

Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire pour se convertir et se sauver (Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 7); bản dịch Việt ngữ của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh

 

Những Kỳ Diệu của Kinh Mân Côi

Thánh Louis Grignion de Montfort

Thật khó cho tôi khi phải diễn đạt bằng lời nói về vấn đề Đức Mẹ nghĩ Kinh Mân Côi ra sao và Người thích nó hơn tất cả mọi việc tôn sùng khác biết là chừng nào. Tôi cũng không thể diễn tả hết việc Người thưởng công cho những 
ai rao giảng, thiết lập cũng như phổ biến sự sùng kính này, hay về việc Người thẳng tay trừng phạt những ai ra tay chống lại việc sùng kính này.

Suốt cả đời sống, thánh Đa Minh đã không làm gì hơn là, bằng cả tấm lòng, chúc tụng Đức Mẹ, rao giảng sự cao cả của Người và thúc đẩy mọi người tôn kính Người bằng việc lần hạt Mân Côi. Đáp lại, thánh nhân đã nhận được từ Đức Mẹ vô vàn ơn lành. Với quyền phép của một Nữ Vương Thiên Đình, Người đã thực hiện nhiều phép lạ và sự lạ qua việc làm của thánh nhân. Thiên Chúa toàn năng luôn luôn ban cho thánh nhân những gì thánh nhân xin qua tay Đức Mẹ. Vinh dự lớn lao nhất là Người đã giúp thánh nhân dẹp tan bè rối Albigensê, và đặt thánh nhân làm đấng sáng lập, làm tổ phụ của một hội dòng lớn.

Đối với chân phước Alan de la Roche, người tái tạo việc tôn sùng Kinh Mân Côi, ngài đã nhận được nhiều đặc ân của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã hiện ra với ngài mấy lần để dạy ngài đi tìm con đường cứu rỗi, trở nên một vị linh mục tốt lành, một tu sĩ hoàn thiện, và nên giống Chúa Giêsu. Chân phước Alan de la Roche thường hay bị ma qủi cám dỗ và bách hại ghê gớm, làm cho ngài buồn phiền kinh khủng, đến độ gần như tuyệt vọng, nhưng Đức Mẹ luôn luôn an ủi ngài, bằng sự hiện diện ngọt ngào của Người, làm biến đi những đám mây tăm tối bủa vây linh hồn ngài.

Đức Mẹ dạy chân phước cách đọc Kinh Mân Côi, dẫn giải về ý nghĩa của nó và hiệu qủa của nó, còn ban cho chân phước một đặc ân vinh hiển và trọng đại là vinh dự được gọi Người là Bạn Tình. Với tình yêu trong trắng mà Người giành cho chân phước, Người đã đeo nhẫn vào ngón tay ngài, chiếc kiềng được làm bằng tóc Người quàng vào cổ ngài và trao cho ngài chuỗi Kinh Mân Côi.

Cha Triteme, với hai nhà học giả là Carthagena và Martin Navarra, cùng các vị khác đã hết lời khen ngượi chân phước Alan de la Roche. Chân phước chết tại Zunolle nước Phần Lan vào ngày 8/9/1475, sau khi đã chiêu tập được trên 100 ngàn người gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi.

Chân phước Tôma Gioan lừng danh nhờ các bài giảng về Kinh Mân Côi của ngài, đến nỗi, ghen tức với việc cứu rỗi các linh hồn của ngài, ma qủi đã hành hạ ngài đến ngã bệnh liệt giường, làm thày thuốc cũng phải bó tay. Một đêm kia, lúc mà ngài nghĩ là mình sắp chết đi, ma qủi đã hiện ra với ngài dưới một hình thù thật khiếp đảm ngoài sức tưởng tượng. Gần giường của ngài có một bức hình Đức Mẹ; ngài nhìn vào đấy, và kêu lên với tất cả tâm hồn và nghị lực của mình: “Xin giúp con, xin cứu con, Mẹ êm ái của con ơi!” Ngài vừa dứt lời thì bức ảnh như sống động lạ thường, và Đức Mẹ giơ tay của Người ra, nâng ngài bằng cánh tay của Người mà nói:

“Đừng sợ, Tôma con Mẹ, Mẹ đây nè, Mẹ sẽ cứu con mà: Hãy chỗi dậy đi và tiếp tục rao giảng Kinh Mân Côi như con vẫn làm. Mẹ hứa sẽ che chở con khỏi thù địch của con”.

Khi Đức Mẹ nói điều này, ma qủi chuồn mất, và chân phước Tôma chỗi dậy, hoàn toàn bình phục. Ngài chảy nước mắt vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. Ngài lại bắt đầu làm tông đồ cho Kinh Mân Côi, với những bài giảng mang lại thành quả lạ lùng.

Đức Mẹ chẳng những chúc lành cho những ai rao giảng Kinh Mân Côi, Người còn ban thưởng bội hậu cho những ai nhờ gương lần hạt Mân Côi của mình cũng làm cho người khác bắt chước đọc theo.

Anphôngsô, vua nước Leon và Galicia, rất muốn cho tất cả mọi người tôi tớ của vua tôn kính Rất Thánh Trinh Nữ bằng việc lần hạt Mân Côi. Bởi đó, vua có thói quen treo cỗ tràng hạt lớn ở dây thắt lưng của mình và luôn luôn đeo sợi dây thắt lưng này, song, chỉ khổ nỗi, chính vua lại không bao giờ đọc Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, việc đeo tràng hạt của vua đã khích lệ triều thần của vua đọc Kinh Mân Côi rất là sốt sắng.

Một ngày kia, vua lâm bệnh nặng, và đến lúc hấp hối, trong một thị kiến, vua thấy mình đang đứng trước tòa phán xét của Chúa. Nhiều ma qủi cũng ở đó tố cáo vua về các tội vua đã phạm. Đang lúc Chúa là Thẩm Phán Tối Cao sắp sửa luận phạt vua cho vào hỏa ngục, thì Đức Mẹ xuất hiện biện hộ cho vua. Đức Mẹ truyền lấy một cái cân, một bên để các tội của vua, và một bên để cỗ tràng hạt vua luôn luôn đeo bên mình cùng với các Kinh Mân Côi đã được đọc lên nhờ gương đeo tràng hạt của vua. Kết quả là cỗ tràng hạt nặng hơn các tội của vua.

Nhìn vua một cách hết sức nhân hậu, Đức Mẹ nói: “Để thưởng công cho một chút tôn vinh mà con đã giành cho Mẹ, bằng cách đeo tràng hạt Mân Côi, Mẹ đã xin Con Mẹ cho con một ơn rất lớn lao. Con sẽ sống thêm mấy năm nữa. Mong rằng con khôn ngoan sống những ngày này bằng việc ăn năn thống hối”.

Hồi tỉnh, vua kêu lên: “Chúa tụng Kinh Mân Côi của Rất Thánh Đồng Trinh Maria đã cứu trẫm khỏi đời đời trầm luân!”

Sau khi bình phục, vua đã sống những ngày còn lại bằng việc truyền bá lòng tôn sùng Kinh Mân Côi và trung thành đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.

Người nào yêu mến Rất Thánh Trinh Nữ cũng phải theo gương của vua Anphôngsô và của các thánh mà tôi đề cập tới, để họ lôi kéo thêm nhiều linh hồn cho Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Họ sẽ nhận được nhiều ơn trên đời này và sự sống đời đời sau này. “Ai rao giảng về Ta sẽ sống đời đời” (Huấn Ca 24,31).

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 8;
bản dịch Việt ngữ của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

Chia sẻ Bài này:

Related posts