Sống Tin Mừng với Mẹ Maria số Tháng 04-2017

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Chuyên Chú Lần Hạt mân côi

Thánh Louis Montfort

Để cầu nguyện nên, bày tỏ những lời van xin bằng kinh nguyện tuyệt hảo nhất trong các kinh nguyện là Kinh Mân Côi thì chưa đủ, chúng ta còn phải thật chú tâm để Chúa có thể nghe được tiếng lòng của chúng ta hơn là tiếng nói phát ra từ cửa miệng của chúng ta. Phạm lỗi khi chủ ý chia lòng chia trí trong lúc cầu nguyện thì tỏ ra thật là thiếu kính trọng và nghiêm trang, sẽ làm cho Kinh Mân Côi trở nên vô hiệu hóa và làm cho chúng ta thêm tội.

Chúng ta có thể nào muốn Chúa lắng nghe chúng ta nếu chính chúng ta lại chẳng chú ý gì đến điều chúng ta đang đọc? Sao chúng ta có thể nào làm đẹp lòng Chúa, trong khi ở trước sự hiện diện uy nghi cao cả của Ngài, chúng ta lại lang thang với những chia lòng chia trí như những đứa nhỏ đang chạy theo những con bươm bướm vậy? Người nào làm theo những điều như vậy phải trả lẽ cho những ơn phúc của Thiên Chúa Toàn Năng, những ơn phúc biến thành những sự chúc dữ cho việc cầu nguyện bất kính của họ. “Khốn cho kẻ nào làm việc Chúa cách gian ngoa” (Gr 28,10).

Dĩ nhiên, qúi bạn không thể nào đọc Kinh Mân Côi mà không có những chia lòng chia trí cách vô tình. Khó lòng đọc dù chỉ một kinh Kính Mừng mà qúi bạn không bị trí tưởng tượng khuấy động (vì trí tưởng tượng của chúng ta, than ôi, có bao giờ cùng). Tuy nhiên, điều mà qúi bạn có thể làm là giữ không cố ý chia trí khi đọc Kinh Mân Côi, với tất cả ý tứ để giảm thiểu những lo ra vô tình cũng như để chế ngự trí tưởng tượng của mình. Cứ thế, qúi bạn đặt mình trước nhan Chúa, và hãy tưởng tượng là Thiên Chúa Toàn Năng và Mẹ Thánh của Người đang nhìn qúi bạn, thiên thần bản mệnh của qúi bạn đang đứng bên phải qúi bạn, nhận lấy các kinh Kính Mừng được đọc một cách đàng hoàng, để làm triều thiên đội lên đầu cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhưng, hãy nhớ rằng, ở bên trái của qúi bạn, ma qủi cũng đang rình rập để chộp lấy từng kinh Kính Mừng lệch sang bên của hắn mà viết vào sổ tử vong của hắn. Cứ nắm chắc rằng hắn sẽ vồ ngay lấy mỗi một kinh Kính Mừng mà qúi bạn không đọc một cách chuyên chú, sốt sắng và trang nghiêm.

Nhất là, cũng đừng quên rằng khi dâng mỗi chục kinh tôn kính một mầu nhiệm bằng việc lần hạt là qúi bạn đang cố gắng hình thành trong tâm trí của qúi bạn hình ảnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria liên quan đến mầu nhiệm ấy.

Đời sống của chân phước Hermann thuộc các cha dòng Premonstatensian nói với chúng ta rằng vào một lần kia, khi ngài đọc Kinh Mân Côi theo thường lệ một cách chuyên chú và sốt sắng suy gẫm về những mầu nhiệm, thì Đức Mẹ cũng rực rỡ hiện ra với ngài hết sức uy linh và đẹp đẽ. Thế nhưng, đến khi lòng sốt sắng nguội dần, ngài đã đọc kinh một cách vội vàng, chẳng để hết tâm ý gì nữa. Thế là, một lần kia, Đức Mẹ lại hiện ra với ngài – lần này thì vẻ đẹp của Người thua xa với bộ mặt thảm não. Chân phước Hermann kinh ngạc về sự thay đổi của Người, bấy giờ Đức Mẹ mới cắt nghĩa cho ngài nghe:

“Với con Mẹ là như thế đó, Hermann à, bởi vì, trong tâm hồn của con, con đã đối xử với Mẹ như vậy mà, như một người đàn bà đáng khinh và chẳng có giá tí nào. Tại sao con lại không còn tôn nghiêm và chuyên chú chào kính Mẹ khi suy niệm về các mầu nhiệm của Mẹ và các đặc ân của Mẹ?”

Trích từ Bí mật Kinh Mân Côi, bông hồng 42 (bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh)

 

MẦU NHIỆM PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19).

Niềm tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến TIN là nói đến YÊU, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Tình yêu mến, tương ứng nhưng lại khác biệt

Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Mađalena nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan. Nhờ lòng mến thiết tha mà Mađalena khám phá ra mồ trống trước tiên. Nhưng rất tiếc khi chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm trong cơn hốt hoảng, Chị đã không có khả năng nhận ra ý nghĩa của các dấu chỉ, và trở nên buồn rầu, lo lắng, khóc lóc. Có thể chúng ta cũng sẽ như vậy khi đứng trước những lầm than, mất mát và đổ vỡ trong đời, chỉ còn lại nuối tiếc và đau thương của một tình cảm đã chôn vùi. Đời chúng ta lắm khi giống như ngôi mộ trống trải. Những gì chúng ta yêu quí nay chẳng còn. Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất trong nước mắt và đau khổ như Mađalena. Nhưng nếu xác Chúa Giêsu cứ nằm yên trong mồ để cho Chị thăm viếng, thì làm gì có chuyện Chúa Phục Sinh. Chị ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ, nhưng chỉ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20,11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó. Mọi sự ràng buộc bên ngoài đều làm mất đi tự do chân chính trong tinh thần, mất đi ánh sáng của niềm tin và hy vọng vươn lên của một sự sống luôn mời gọi triển nở.

Gioan, người môn đệ Chúa yêu, cũng rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố, cũng giống như Gioan, ông khám phá ra ý nghĩa của cái chết bi đát trên đồi Canvê như một dấu chỉ của sự sống mới (Ga 12,24); ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9,17). Dấu chỉ chẳng làm cho tin nhưng giúp người ta bắt đầu tin. Vì thế, khởi đi từ các dấu chỉ hữu hình, đức tin vẫn là sự gắn bó vào cái vô hình. Khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, Gioan nhận ra cách thức hành động của Chúa Giêsu trước đây và nhất là ông hiểu được Kinh Thánh, đồng thời nhớ lại những lần tiên báo phục sinh của Thầy.

Chúng ta cần ra khỏi tình cảm bi lụy của mình, ra khỏi tâm trạng buồn thương do tác động của hoàn cảnh bên ngoài, phải vượt trên cái thấy cách vật chất để thấy trong đức tin nhờ cái nhìn trầm tĩnh và sâu lắng hơn trước những gì xảy ra. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh luôn bao trùm mọi ngõ ngách của cuộc đời chúng ta, đừng đòi buộc Ngài phải hiện diện trở lại theo phương cách cũ của một thân xác hay chết, đừng bắt buộc Ngài phải hành động theo một khuôn khổ cố định và hạn hẹp theo lối nhìn của chúng ta. Cần phải mở lòng để đón nhận ơn cao cả này : “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,24-29) : tin vào sự hiện diện và cách hành động rất mới mẻ và rất tuyệt vời trong mọi biến cố của cuộc đời chúng ta. Đức tin đó đem lại bình an và hạnh phúc biết bao.

Hành vi đức tin chính là việc Thần Khí hoạt động trong tâm hồn một con người để làm cho kẻ ấy vừa nhận ra một thực tại chất chứa mạc khải vừa nhận ra ý nghĩa của Lời quy hướng về thực tại đó. Nguồn gốc của mạc khải duy nhất lưỡng diện này (thực tại và Lời) là Thánh Thần. Chính Ngài cho tín hữu niềm xác tín rằng mình có lý để tin (Ga 16,7-11). Đức tin khởi đi từ các sự kiện lịch sử mà nhiều nhân chứng đã “thấy”, nhưng sự chắc chắn dứt khoát của chúng ta rốt cuộc chỉ dựa vào chứng từ của Thần Khí trong chính tâm hồn mình mà thôi. Như vậy, đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dựa trên hoạt động của Chúa Thánh Thần trước dấu chỉ hữu hình để đạt tới một thực tại vô hình.

Con tim và lý trí

Dĩ nhiên, trong đời sống đức tin, ngoài việc hoạt động nền tảng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, thì trước tiên là con tim chứ không phải lý trí. Chính vì thế mà ta thấy Gioan luôn được đặt trổi vượt hơn Phêrô về lòng mến, trong bữa tiệc ly (Ga 13,24), trong nhà thượng tế (Ga 18,12-16), và rồi ông bỏ xa Phêrô trong khi chạy tới mồ (Ga 20,3-4). Điều đó cho thấy rằng, dù trách nhiệm của mỗi người ra sao chăng nữa, thì tình yêu vẫn là cái dẫn tới niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống. Sau này chính Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã mời gọi lòng yêu mến của Phêrô đến 3 lần trước khi giao quyền tối thượng cho ông trên đoàn chiên (Ga 21,15-17). Chính tình yêu là động lực giúp khám phá hoặc đi mau hơn và xa hơn trong mọi diễn biến của cuộc sống. Chính tình yêu làm cho ta thực sự biết được chiều sâu của các biến cố.

 

Cái nhìn đức tin

Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hoảng hốt trước những thất bại, đổ vỡ và mất mát trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn có cái nhìn tự nhiên như mọi người, nhưng vẫn phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan. Có thể ví cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tin hồng ngoại, nên có thể nhìn thấy những điều mà mắt thường không nhìn thấy được.

Bằng cái nhìn đức tin, Thánh Phaolô khi đối diện với tình trạng nguy biến có thể kết thúc cuộc đời mình, Ngài đã suy nghĩ rằng sống hay chết đều tốt cả : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Thánh Têrêsa cũng thế, sau khi nhìn những sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận rằng “Tất cả đều là hồng ân”. Tình yêu mến Chúa dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Dù bất cứ người tín hữu nào miễn có một lòng mến sâu xa vẫn có thể mau mắn nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong những biến cố của cuộc đời mình.

Đức Giêsu phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này : Halleluia !

Lạy Chúa, điều mà con khao khát và cầu xin hằng ngày là được yêu mến Chúa trên tất cả. Nhưng tình yêu mến đó mời gọi con phải có cái nhìn đức tin trong mọi sự, nhất là thấy được Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong mọi biến cố và trong từng anh chị em của con. Cái nhìn này đòi con phải xóa sạch những quá khứ ngổn ngang của con và của mọi người, để nhìn thấy đó như những chặng đường phải đi qua để thành hình một con người mới. Con không thể cứ ôm lấy cái xác đã chết để kêu gào, than van và nuối tiếc. Con không thể cứ trói buộc mình vào những tư tưởng, những hình ảnh, những con người của một thời đã qua để phê phán, than van và trách móc hoặc để dựa dẫm, khen ngợi và ca tụng. Nếu cứ như thế thì con vẫn chết trong quá khứ, đang khi Chúa đã phục sinh trong hiện tại. Thật ra, tất cả đã được chôn vùi rồi, và giờ đây trước mắt là ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống chẳng còn lại gì của quá khứ, nhưng có một vài dấu chỉ rất tinh tế đủ để cho con đọc ra sự hiện diện Phục sinh của Chúa và giải mã những điều huyền nhiệm trong cuộc đời mà Chúa đã làm nên cho con và cho mọi người. Như Gioan đã thấy và đã tin, thì xin cho con được bừng sáng lên niềm tin yêu hy vọng để thấy Chúa đang hình thành và làm nên những điều mới lạ trong con và trong mọi anh chị em; cho cõi lòng con rộng mở để thấy được nét mặt Chúa trên khuôn mặt kẻ khác. Đó chính là niềm vui và hạnh phúc của con trong đời sống hằng ngày, để con luôn phấn khởi ra đi cho một niềm tin, để được sống bên Chúa bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Thái Nguyên (simonhoadalat.com)

 

Gia đình – Trường dạy đức tin

Vì là trường dạy đức tin, nên cha mẹ phải là những bậc thầy truyền dạy đức tin cho con cái mình, như là những người thừa kế gia sản ngàn đời của tổ tiên truyền lại. Truyền dạy đức tin không những bằng lời, mà còn bằng chính gương sáng của một đời sống đạo đức chân chính, bằng tình yêu thương thủy chung son sắt vợ chồng trong mối tương quan gắn kết làm nên một gia đình gương mẫu giữ luật Chúa.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình mới hạnh phúc.

Vì là cái nôi ươm mầm ơn gọi, nên cha mẹ phải có lòng khát khao, có niềm thao thức nuôi dạy và hướng dẫn con cái biết sẵn sàng đáp trả lại tiếng Chúa gọi dấn thân trong đời sống tu trì và linh mục. Bằng một đời sống đạo trung trinh và lời cầu nguyện tha thiết, cha mẹ có thể bắt chước Thánh nữ Mônica, để khuyên nhủ và giáo dục con cái. Và hoa trái lớn lao là Thánh Augustinô ăn năn trở lại.

Nhìn vào thực tế, đời sống gia đình tại Việt Nam đang trải qua nhiều biến đổi và đánh mất dần mô hình truyền thống của một gia đình lễ giáo. Mối tương quan giữa cha mẹ và con cái có nguy cơ rạn nứt; sự chung thủy trong hôn nhân bị đe dọa; số cặp đôi ly dị đang lớn dần, cũng như nạn phá thai đang đến mức báo động ngay giữa các Kitô hữu; trào lưu sống thử cũng đã thâm nhập vào giữa các bạn trẻ Công giáo. Rồi những trào lưu của thời đại đang phát triển tại các nước Âu – Mỹ như hôn nhân đồng tính, bắt đầu đe dọa đến hôn nhân Kitô giáo vốn được thiết lập giữa một người nam và một người nữ.

Trước những tiêu cực đó, cần nhấn mạnh rằng hôn nhân là một ơn gọi và các Kitô hữu trong bậc sống ấy hoàn toàn có thể đạt tới sự thánh thiện cao độ của đức ái trọn lành. Giáo Hội vẫn minh định gia đình là Giáo Hội tại gia và là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Hơn nữa, gia đình còn là chiếc nôi và trường dạy sự hiệp thông, trong đó việc sinh con cái là đích điểm của hôn nhân gia đình. Con cái là hồng ân Chúa ban, nên cha mẹ cần tạ ơn Chúa, bởi Ngài đã cho làm mẹ làm cha, và được thay Chúa giáo dục để chúng trở thành con người và thành con Chúa.

Có một mái nhà mẫu, đó là thánh gia Nagiaret. Chắc chắn ai cũng ao ước ngôi nhà của mình là một gia đình Nagiaret cho thế giới hôm nay, một gia đình sống trong ân nghĩa, sống hòa hợp và nuôi dạy con cái lớn khôn, ngoan hiền, được Thiên Chúa thương yêu và mọi người thương mến. Trong mỗi gia đình luôn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hãy đến và học biết gương lành của ba đấng trong Thánh Gia.

Cùng Đức Maria, học biết lắng nghe Lời Chúa và vâng phục theo Thánh Ý Chúa (x. Lc 8,21), sẵn sàng chia sẻ niềm vui và tận tâm giúp đỡ tha nhân (Lc 1,39-56).

Cùng với Thánh Giuse, sống công chính trong ơn nghĩa Chúa. Bởi vì «ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra» (1Ga 2,29), luôn sống trung thành và thực thi ý Chúa.

Cùng với Hài nhi Giêsu, sống vâng lời cha mẹ, tràn đầy ơn nghĩa Chúa, càng lớn lên càng thêm vững mạnh và thêm khôn ngoan (x. Lc 2,39).

Đời sống gia đình có thể trải qua nhiều biến cố, có lúc sóng gió dập dồn, lại có lúc trời yên biển lặng. Mỗi biến cố là một khúc quanh, là một dấu ấn, là một khoảng lặng, để chiêm nghiệm và để sống đức tin, mà dâng lên lời kinh tạ ơn vì Chúa đã thương gìn giữ gia đình vững vàng vượt qua. Những lúc ấy các thành viên trong gia đình lại càng phải gắn kết với nhau để làm nên một cộng đoàn đức tin như những ngọn nến sáng lan truyền và chiếu tỏa trong thế giới sức nóng của niềm tin và hy vọng, của tình yêu và sự tha thứ.

Lược trích Quốc Vũ (danvienphuocly.com)

Chia sẻ Bài này:

Related posts