- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04-2016

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 04/2016

CHÚA GIÊSU, ĐẤNG MẶC KHẢI

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA CHA

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN

Ý chung: Cầu cho những nông dân nhỏ, nhận được phần thưởng xứng đáng do công lao động quý giá của mình.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Phi, biết làm chứng cho niềm tin và lòng yêu mến vào Đức Giêsu Kitô, giữa những xung đột về chính trị và tôn giáo.

GIÁO HUẤN

Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên “hữu hình” như là Chúa Cha “giàu lòng thương xót”.

(ĐGH Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 1)


GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục…
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

 

Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu thương loài người chúng ta đến nỗi đã tặng ban Con Một. Để nhờ người Con Một này, chúng ta được biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Qua lời giảng và những việc làm, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta, một người Cha giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hay tha thứ. Như Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta.

Tình yêu của Thiên Chúa không ai có thể hiểu thấu. Chỉ khi ở lại trong Ngài, chúng ta phần nào mới hiểu được. Trong muôn loài Thiên Chúa đã dựng nên, Mẹ Maria là tuyệt phẩm của Ngài. Mẹ luôn ở trong sự hiện diện của Ngài, nên Mẹ hiểu được tình yêu của Ngài một cách trọn vẹn hơn ai hết.

Xin Mẹ là Mẹ của Lòng Xót Thương, cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng con ngày càng hiểu và cảm được tình thương của Ngài dành cho chúng con qua Đức Giêsu.

Đặc trách

Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.

01.04.2016                                                            Thứ Sáu

Bát nhật Phục sinh                                             Ga 21,1-14

“Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá, Người cũng làm như vậy” (Ga 21,13).

Như Mẹ: Chúa Giêsu hiểu rõ các môn đệ của mình. Và các môn đệ cũng thông thạo những cử chỉ thân quen của thầy mình. Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các ông nhận biết qua phép lạ lưới đầy cá và cử chỉ phục vụ quen thuộc của Ngài như cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Qua những cử chỉ này, các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện ngay giữa họ.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phục sinh và đang ngự bên hữu Cha, chúng con biết là Chúa vẫn luôn hướng về chúng con. Xin cho chúng con luôn nhận ra sự hiện diện gần gũi của Chúa trong cuộc sống thường ngày của chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng sốt mến lạ lùng, xin Mẹ dạy chúng con biết chia sẻ tình thương của Chúa qua cử chỉ phục vụ hằng ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02.04.2016                                                           Thứ Bảy

Bát nhật Phục sinh                                             Mc 16,9-15

“Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác
cho hai người trong nhóm các ông” (Mc 16,12).

Như Mẹ: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, lúc thì trên đường, lúc ngoài bãi biển, lúc thì trong nhà… Sự hiện diện của Chúa Giêsu củng cố đức tin của các tông đồ, đồng thời cũng mang lại bình an và niềm vui cho các ngài. Rồi từ từ, khi đã có được ơn sủng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu ra đi loan báo và làm chứng về Chúa Phục Sinh.

Với Mẹ: Ngày ngày Chúa đang ẩn hiện nơi tất cả những người mà chúng con gặp gỡ, và nơi những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Xin Chúa mở đôi mắt tâm hồn để chúng con cảm nhận được sự hiện diện đầy tình thương của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như hoa hường mầu nhiệm vậy, chúng con khao khát có một đức tin sống động như Mẹ, để tin rằng Chúa luôn ở bên chúng con, và hằng luôn yêu thương chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03.04.2016                                              Chúa Nhật 2 PS – Năm C

Kính Lòng Thương Xót                                      Ga 20,19-31

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Như Mẹ: Hiệp cùng Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta hãy cùng chúc tụng và cảm tạ lòng thương xót vô biên của Chúa, vì những hồng ân cao quý mà Chúa đã ban cho chúng ta. Có đức tin là có tất cả. Đức tin mang lại sự sống đời đời cho chúng ta. Có tin thật Chúa, thì mới có ơn cứu độ.

Với Mẹ: Chúa đến đem bình an và lòng thương xót cho nhân loại. Xin Chúa Kitô Phục Sinh đổ tràn trong chúng con tình thương của Ngài. Xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nếm được niềm vui và hạnh phúc khi được làm con cái Chúa trong Hội Thánh của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như lầu đài Đavít vậy, Mẹ có phúc vì đã tin. Xin Mẹ dạy chúng con biết dùng cả cuộc đời với một đức tin trung kiên để đáp lại lòng thương xót của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04.04.2016                                                            Thứ Hai

LỄ TRUYỀN TIN – lễ trọng                                  Lc 1,26-38

“Thưa bà Maria, xin đừng sợ,
vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30).

Như Mẹ: Ai là người đẹp lòng Thiên Chúa nhất? Ai xứng đáng để Con Thiên Chúa nhập thể làm người? Mẹ Maria được Thiên Chúa dựng nên một cách trác tuyệt, nên Mẹ là người xứng đáng nhất. Mẹ luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Mẹ được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần đã làm cho Mẹ trở nên cung điện cho Con Một Thiên Chúa.

Với Mẹ: Thật là tuyệt vời biết bao khi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; điều tuyệt vời hơn nữa là Con Thiên Chúa lại chấp nhận sinh xuống làm người, để con người trở nên con của Chúa. Xin cho chúng con sống làm sao để được đẹp lòng Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như tháp ngà báu vậy, xin Mẹ giúp chúng con sống xứng đáng với phẩm giá cao trọng mà Chúa đã tặng ban.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05.04.2016                                                            Thứ Ba

Thánh vịnh tuần 2                                              Ga 3,7b-15

“Ông là bậc thầy trong Ít-ra-en
mà lại không biết những chuyện ấy” (Ga 3,10).

Như Mẹ: Tin vào Đức Giêsu và đón nhận giáo lý của Ngài không phải chỉ dựa trên sự hiểu biết của tri thức con người nhưng còn phụ thuộc vào niềm tin, lòng khao khát của trái tim và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta được biết Đức Giêsu, đó là một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa.

Với Mẹ: Con người hôm nay không đón nhận Chúa chỉ vì họ dựa vào tri thức khoa học và thực nghiệm. Xin Chúa Thánh Thần đổi mới trái tim và trí óc của con người ngày nay, nhất là những người chưa biết Chúa, để họ đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu mà tin rằng Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài, và là Đấng muốn cho mọi người được ơn cứu độ.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Đền vàng vậy, xin Mẹ dạy chúng con biết mở lòng để đón nhận sự hướng dẫn của Con Mẹ qua Chúa Thánh Thần.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

 

06.04.2016                                                            Thứ Tư

Tuần 2 PS                                                           Ga 3,16-21

“Thiên Chúa yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một”
(Ga 3,16a).

Như Mẹ: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là vô tận. Ngay chính Con Một mà Ngài cũng không tiếc, thì không có gì mà Ngài tiếc với loài người chúng ta nữa. Thiên Chúa đã ban hết cho con người. Con người chỉ cần tin và đón nhận Ngài thì sẽ được hưởng ơn cứu độ.

Với Mẹ: Tình yêu Chúa luôn luôn chan hòa trên mặt đất này. Tình yêu của Ngài không hề thay đổi, muôn đời vẫn là một và vẫn là thế. Xin Chúa đổ đầy tràn tâm hồn chúng con lửa yêu mến Ngài, và xin làm cho chúng con trở thành những người biết sống yêu thương như chính Chúa đã truyền dạy chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Hòm bia Thiên Chúa vậy, xin Mẹ nuôi dưỡng chúng con bằng sữa tình thương chảy ra từ lòng trinh khiết của Mẹ, để chúng con trung tín với Chúa suốt đời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07.04.2016                                                           Thứ Năm

Th. Gioan Lasan, lm – lễ nhớ                              Ga 3,31-36

“Chúa Cha yêu thương người Con
và giao phó mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35).

Như Mẹ: Chúa Giêsu mặc khải Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót. Chúa Cha là Cha của Chúa Giêsu, đồng thời cũng là cha của chúng ta. Chúa Cha hết mực yêu thương Chúa Con và đã giao phó mọi sự cho Người. Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể có mặt trên mặt đất này. Và nhờ Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể đến được với Cha.

Với Mẹ: Nhiều người khó tin vào Thiên Chúa là Cha của họ. Xin Chúa soi sáng cho những người chưa tin, để dù không thấy, họ sẽ sớm nhận ra và tin thật Thiên Chúa là Cha của muôn vật muôn loài và là Cha của họ nữa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng, xin Mẹ cảm tạ Chúa Cha thay cho chúng con, và xin giúp chúng con hiểu được tình thương của Ngài.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08.04.2016                                                            Thứ Sáu

Tuần 2 PS                                                            Ga 6,1-15

“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” (Ga 6,5b).

Như Mẹ: Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa muốn dạy các môn đệ cũng hãy có mối bận tâm tới cuộc sống của dân chúng lầm than: cho những người đói ăn. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác với Ngài trong việc chăm sóc những người nghèo khổ, để quyền năng Chúa tiếp tục được thể hiện và tình yêu của Chúa được trải rộng ra cho nhiều người và nhiều nơi.

Với Mẹ: Lạy Chúa, quanh chúng con có rất nhiều người đau khổ, xin cho chúng con có một quả tim biết cảm thông với họ, và xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng cộng tác với nhau và cộng tác với ân sủng của Chúa, để nhiều người cảm nhận được lòng Chúa xót thương họ.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như sao mai sáng vậy, xin giúp chúng con biết sẵn sàng trả lời với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây”.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09.04.2016                                                           Thứ Bảy

Tuần 2 PS                                                           Ga 6,16-21

“Trời đã tối
mà Đức Giêsu chưa đến với các ông” (Ga 6,17).

Như Mẹ: Các Tông Đồ cảm thấy sợ hãi, lo lắng vì không có Thầy ở bên cạnh mình trong đêm tối của biển cả. Hiểu được những khó khăn của các ông, Chúa Giêsu đã đến và trấn an tinh thần: “Chính Thầy đây, đừng sợ.” Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho các Tông Đồ được an tâm trước bóng tối của biển cả.

Với Mẹ: Giữa phong ba bão táp, chúng con cảm thấy hãi hùng khi con thuyền cuộc đời không có điểm tựa. Lạy Chúa, xin luôn ở với chúng con và cùng đi với chúng con. Xin củng cố đức tin của chúng con, để dù có gặp thử thách, chúng con vẫn bình an.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, xin Mẹ hãy luôn hiện diện và nâng đỡ chúng con, để dù đi trong đêm tối cuộc đời, chúng con vẫn kiên tâm đi theo Chúa với ánh sáng tin yêu.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

10.04.2016                                              Chúa Nhật 3 PS – Năm C

Thánh vịnh tuần 3                                              Ga 21,1-19

“Mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy
họ không bắt được gì cả” (Ga 21,3b).

Như Mẹ: Trong tâm trạng buồn sầu, chán nản vì Chúa đã chết, các Tông Đồ ra đi thả lưới nhưng không bắt được con cá nào. Chúa Phục Sinh đã đến và giúp các ông lấy lại sinh lực và niềm vui qua mẻ cá lạ lùng. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi cục diện của các tông đồ.

Với Mẹ: Lạy Chúa Phục Sinh, xin hãy đến với chúng con, để xóa đi tất cả những lo âu và phiền muộn trong lòng chúng con. Xin thêm sức và niềm vui sống cho chúng con, để chúng con trở nên chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội, xin Mẹ dạy chúng con biết mở lòng để mời Chúa Phục Sinh vào trong cuộc đời, rồi từ đó Chúa trở thành niềm vui và bình an của chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11.04.2016                                                            Thứ Hai

Th. Stanilao, gmtđ – lễ nhớ                                Ga 6,22-29

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông là
hãy tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29).

Như Mẹ: Dân chúng đi tìm Chúa Giêsu không phải vì tin vào Ngài, nhưng vì muốn được ăn bánh mà không phải vất vả khó nhọc làm ra. Điều Thiên Chúa muốn dân chúng khi đến với Chúa Giêsu không phải là để được ăn cho no, hay được chữa cho lành bệnh… nhưng là đến để tin nhận Chúa Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến để cứu độ trần gian.

Với Mẹ: Con người hôm nay tìm đến Chúa vì nhu cầu vật chất hơn là vì lòng tin, và chỉ tin Chúa khi Chúa đáp ứng những yêu sách của họ. Xin Chúa thanh lọc tư tưởng, ước muốn và động cơ của chúng con khi đến với Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ yên ủi kẻ âu lo, xin cho chúng con có một đức tin sống động vào Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trần gian.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12.04.2016                                                            Thứ Ba

Tuần 3 PS                                                           Ga 6,30-35

“Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,35).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã mặc khải chính Ngài là bánh trường sinh, bánh đem lại sự sống cho ai đón nhận Ngài. Hãy tin và đón rước Ngài thì sẽ được sự sống đời đời.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một thời đại vật chất dư thừa, nhưng lại thiếu tình thương: người nghèo vẫn nghèo, người khổ vẫn khổ. Xin Chúa thương đến những mảnh đời đang sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần. Xin cho chúng con trở nên những người biết sẻ chia tình thương của Chúa cho anh chị em xung quanh.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu, xin Mẹ lôi kéo chúng con siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng một tâm hồn hết lòng yêu mến và tín thác vào tình thương bao la của Ngài được thể nơi bí tích cực thánh này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13.04.2016                                                            Thứ Tư

Th. Martinô I, ghtđ                                                Ga 6,35-40

“Ông này chẳng phải là ông Giêsu,
con ông Giuse đó sao?” (Ga 6,42).

Như Mẹ: Người Do Thái không chấp nhận ông Giêsu, con ông Giuse, một người thợ mộc nơi thôn quê nghèo. Thật khó chấp nhận ông Giêsu là một Đấng Thiên Sai. Ngày hôm nay, người ta cũng khó chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng có thể mang lại sự sống đời cho nhân loại.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, trải qua các thời địa, con người thật khó tin vào Chúa là Đấng đến từ trên cao. Như chính Chúa đã xác định, việc nhận biết Chúa là do bởi ơn trên. Xin cho chúng con biết trân trọng điều mà chúng con đã nhận được. Và xin cho con người ngày nay nhận ra khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Thiên Thần, xin củng cố đức tin của chúng con cho ngày thêm mạnh mẽ hơn, để chúng con dễ dàng đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14.04.2016                                                           Thứ Năm

Tuần 3 PS                                                           Ga 6,44-51

“Tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6,48).

Như Mẹ: Ăn uống là một nhu cầu chính đáng của con người. Người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Con người sống cần phải ăn để đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể; ngoài ra, con người cũng cần có món ăn tinh thần để bồi bổ tâm hồn. Chúa Giêsu đã ví mình và cũng tự hiến chính mình làm Bánh để nuôi sống con người đang trong cơn đói khát thần linh. Chỉ có Chúa mới là bánh đích thực, bánh mang lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin mở lòng soi trí giúp chúng con tin tưởng vào Ngài và khao khát tìm kiếm Ngài không ngừng, cho đến khi được nghỉ yên ở trong Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tổ Tông, xin cho chúng con được lòng sốt mến khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15.04.2016                                                            Thứ Sáu

Tuần 3 PS                                                           Ga 6,52-59

“Ai ăn thịt và uống máu tôi
thì được sống muôn đời” (Ga 6,54).

Như Mẹ: Như con người sống nhờ cơm bánh thế nào thì người Kitô hữu sống cũng nhờ vào Mình và Máu Chúa Kitô như vậy. Mình và Máu Chúa chính là thần lương có sức ban sự sống đời đời. Người tín hữu cần đến với Chúa Giêsu Thánh Thể thường xuyên, để nhờ thế, họ được thêm sức mạnh trên hành trình đức tin.

Với Mẹ: Bí tích Thánh Thể luôn là mầu nhiệm của tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống nhờ Mình và Máu Ngài. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình thương ngọt ngào khi kết hợp với Chúa trong bí tích nhiệm mầu này.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tiên Tri, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết chuẩn bị tâm hồn sốt sắng lãnh nhận Thánh Thể Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16.04.2016                                                           Thứ Bảy

Tuần 3 PS                                                        Ga 6,51.60-69

“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai.
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”
(Ga 6,68).

Như Mẹ: Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin thật giả lẫn lộn, ai cũng tự cho mình là thầy, là nhất thiên hạ. Để đi đúng hướng, con người cần có một vị thầy chân chính. Quả thật, chỉ có Chúa Giêsu là thầy dạy tuyệt hảo nhất. Đến với Chúa Giêsu có nghĩa là đến với sự sống.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, tin vào Chúa là một thách đố cho con người mọi thời đại. Chúng con đã đi theo Chúa, nhưng nhiều lúc lại thờ ơ với Ngài. Xin cho chúng con, khi đã đi theo Chúa, thì trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, xin Mẹ dạy chúng con biết lưu tâm đến những lời dạy bảo của thầy Giêsu, và hết lòng làm theo những lời của Ngài.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

17.04.2016                                              Chúa Nhật 4 PS – Năm C

Thánh vịnh tuần 4                                             Ga 10,27-30

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi,
tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).

Như Mẹ: Mối tương quan giữa chiên và mục tử thật là thắm thiết: chiên nghe tiếng mục tử, còn mục tử thì biết chiên. Chúa Giêsu là Mục Tử, Ngài biết rõ từng con chiên của mình và Ngài sống chết với đoàn chiên mà Cha đã trao phó. Chúng ta là chiên, và chỉ thực sự là chiên khi biết nghe tiếng của Chúa, Vị Mục Tử nhân lành.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, chúng con xin cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống dưới sự chăm sóc của Ngài. Ước gì chúng con luôn cảm nhận được sự ân cần chăm sóc đầy yêu thương của Chúa để sống xứng đáng là những con chiên ngoan của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, xin Mẹ làm cho lời của Chúa Giêsu luôn luôn vang lên trong tâm hồn chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).
18.04.2016                                                            Thứ Hai

Tuần 4 PS                                                           Ga 10,1-10

“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống
và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Như Mẹ: Sống trong một thời đại dửng dưng, con người thường cảm thấy như lạc lõng giữa dòng đời ngược xuôi. Chúa Giêsu đến, như để lấp đầy trái tim của những ai đang bơ vơ giữa biển đời cô quạnh. Quả thật, Chúa Giêsu đến là để cho chiên được sống và sống dồi dào. Nhìn vào cuộc đời và qua cái chết của Ngài, chúng ta thấy được tình thương của Ngài dành cho nhân loại lầm than lớn biết chừng nào.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, xin Chúa lấp đầy tâm hồn chúng con những khoảng tối và trống vắng, để chúng con sống trong ánh sáng và sự ấm áp đầy tình thương bao la của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Hiển Tu, cùng với Mẹ, chúng con xin dâng lời tạ ơn,  chúc tụng và ngợi khen Chúa Giêsu hiền lành.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19.04.2016                                                            Thứ Ba

Tuần 4 PS                                                          Ga 10,22-30

“Tôi đã nói với các ông rồi
mà các ông không tin” (Ga 10,25).

Như Mẹ: Tin vào Chúa Giêsu là một thách đố lớn cho con người mọi thời đại. Ngay khi còn đương thời, Chúa Giêsu đã dùng lời nói và việc làm để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng người Do Thái một mực không chịu tin. Con người ngày nay cũng nằm trong não trạng đó, khó chấp nhận niềm tin vào Chúa Giêsu.

Với Mẹ: Niềm tin không phải một món hàng có thể mua được. Tin trước hết là một hồng ân, và tin là một lời đáp trả. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban đức tin cho chúng con. Xin cho niềm tin của chúng con vào Chúa Giêsu cứ lớn mạnh dần theo dòng thời gian.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, chúng con khao khát được có một niềm tin mạnh mẽ như Mẹ để đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc hành trình nơi dương thế này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20.04.2016                                                            Thứ Tư

Tuần 4 PS                                                          Ga 12,44-50

“Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45).

Như Mẹ: Chúa Giêsu là khuôn mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình. Chúa Giêsu là hình ảnh trung thực và sống động của Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Cả cuộc đời Chúa Giêsu chỉ tìm và sống theo ý Cha. Như Chúa Giêsu đã xác định: Chúa Giêsu và Chúa Cha là một. Vì thế, ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu vào trần gian.

Với Mẹ: Lạy Cha hằng hữu, chúng con cảm tạ Cha đã ban Chúa Giêsu cho chúng con để dẫn dắt, lôi kéo và mặc khải cho chúng con biết về Cha. Xin cho chúng con biết đón nhận lời của Con Cha và hết lòng sống theo lời đó, để nhờ thế mà đón nhận hồng ân cứu độ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ, xin Mẹ hướng dẫn chúng con bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng, rồi từ đó trở thành ánh sáng cho trần gian.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21.04.2016                                                           Thứ Năm

Th. Anselmô, gm – tsht                                         Ga 13,16-20

“Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn” (Ga 13,18).

Như Mẹ: Chúa Giêsu hiểu rất rõ con người cũng như hoàn cảnh của các môn đệ. Dù biết họ còn đầy yếu đuối và hèn kém, Chúa Giêsu vẫn mời gọi họ tham gia vào sứ vụ của Chúa trong việc phục vụ cho thánh ý của Chúa Cha là loan báo tình thương cứu độ cho loài người.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã đón nhận con. Ngài mời gọi con cộng tác với Ngài để rao truyền lòng thương xót của Chúa Cha cho người khác, mặc dù con chẳng xứng đáng gì. Xin Chúa giúp sức và thêm ơn cho con, để con có thể chu toàn sứ vụ cao cả đó.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cho con biết dùng cả cuộc sống mình để đáp trả lại tình thương và lòng xót thương của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22.04.2016                                                            Thứ Sáu

Tuần 4 PS                                                         Ga 14,1-6

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào
Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

Như Mẹ: Khi biết thầy sắp về cùng Chúa Cha, các môn đệ xao xuyến. Chúa Giêsu trấn an các ông là hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài vì Ngài là đường dẫn các ông về với Chúa Cha. Ngài ra đi là để dọn chỗ cho các ông. Sống trên trần gian đầy sóng gió này, chúng ta có xao xuyến không? Hẳn là có. Nhưng cứ tin tưởng vào Chúa Giêsu, thì chẳng có gì phải sợ!

Với Mẹ: Lạy Chúa, giữa cuộc đời đầy đau thương và cạm bẫy, chúng con thường sợ hãi lo âu và xao xuyến. Xin Chúa luôn ở bên chúng con để dẫn dắt và nâng đỡ. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương linh hồn và xác lên trời, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng con trong hành trình đức tin nơi trần gian này, để chúng con luôn một lòng tin tưởng vào Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23.04.2016                                                           Thứ Bảy

Th. Giorgiô, tđ                                                      Ga 14,7-14

“Anh em nhân danh Thầy mà xin điều gì
thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14,14).

Như Mẹ: Chúa Giêsu là hình ảnh sống động về Chúa Cha, vì Ngài sống là để làm theo những gì mà Cha muốn. Mọi sự đều xuất phát từ Chúa Cha. Tất cả những gì chúng ta có đều do bởi Cha, tất cả những gì chúng ta muốn có thì cũng phải từ Cha. Do vậy, khi cầu nguyện hãy cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy là nhân danh Chúa Giêsu mà xin, thì chính Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, chúng con chẳng đáng là gì cả, và cũng chẳng dám xin gì. Nhưng vì công nghiệp của Chúa, xin khẩn cầu cùng Cha thương đến phận hèn tội lỗi của chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, xin cho chúng con luôn biết thưa lên với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

24.04.2016                                              Chúa Nhật 5 PS – Năm C

Thánh vịnh tuần 1                                       Ga 13,31-33a.34-35

“Giờ đây Con Người được tôn vinh” (Ga 13,31).

Như Mẹ: Đau khổ là một nỗi khổ nhục đối với con người. Khi gặp đau khổ, con người như bị rơi vào tủi nhục. Đối với Chúa Giêsu, khi phải chịu đau khổ là lúc được tôn vinh. Chúa Giêsu đã chấp nhận đi con đường đau khổ, tủi nhục và chết thảm để tôn vinh Chúa Cha. Chấp nhận chết nhục để đền tội cho nhân loại đáng thương, đó thật là một tình yêu cao cả. Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại đến cùng.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, hành trình trần gian của Chúa là một cuộc minh chứng cho tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con trung kiên theo Chúa cho đến cùng.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương ban sự bằng yên, Mẹ đã can đảm theo Chúa trên hành trình khổ nạn của Chúa, để thông phần vào cuộc khổ nạn của Ngài. Xin Mẹ dẫn bước chúng con đi theo Chúa cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25.04.2016                                                            Thứ Hai

Th. Marcô, thánh sử – lễ kính                             Mc 16,15-20

“Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16,20a).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Tin Mừng về lòng thương xót vô biên của Chúa Cha cho nhân loại lầm than tội lỗi. Đến lượt mình, Chúa Giêsu lại trao sứ vụ đó cho các Tông Đồ. Các Tông Đồ đã ra đi khắp nơi để rao giảng và làm chứng cho tình thương đó. Khi đón nhận phép rửa là chúng ta đón nhận tình Chúa xót thương. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên nhân chứng cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

Với Mẹ: Không có gì hạnh phúc hơn là luôn có Chúa ở cùng. Đời có Chúa là đời vui tươi, an bình và hạnh phúc. Xin Chúa nâng đỡ bước chân các nhà truyền giáo để họ nên sứ giả tình thương của Chúa trên mọi nẻo đường.

Nhờ Mẹ: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa xót thương đến chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26.04.2016                                                            Thứ Ba

Tuần 5 PS                                                         Ga 14,27-31a

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”
(Ga 14,27).

Như Mẹ: Sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương, con người thường lo âu sợ hãi. Khi phải đối diện với nhiều sự dữ, tâm con người thường bất an. Ai sẽ mang lại bình an cho con người sống trong trần gian này? Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Bình an của Chúa Giêsu mới là bình an đích thực, bình an giúp con người vượt qua những sợ hãi, lo âu và buồn phiền.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người hôm nay đang sống trong bất an. Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con Thần Khí của Chúa, để chúng con biết xây dựng bình an cho nhau.

Nhờ Mẹ: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con chạy đến với Mẹ để được Mẹ che chở và nâng đỡ vì chúng con hèn yếu đơn nghèo.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27.04.2016                                                            Thứ Tư

Tuần 5 PS                                                            Ga 15,1-8

“Hãy ở lại trong Thầy
như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).

Như Mẹ: Chúa Giêsu là nguồn mạch bình an và sự sống. Chúa tha thiết kêu mời chúng ta sống gắn bó với Ngài bằng cách ở lại trong Ngài. Và ai ở lại trong Ngài là ở lại trong bình an và sự sống. Việc Ngài ở lại trong chúng ta như một minh chứng về tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Quả thật, có ở lại trong Ngài, chúng ta mới cảm nhận được tình thương của Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa được thể hiện nơi bí tích Thánh Thể. Chúa vẫn ở lại với chúng con hằng ngày. Xin Chúa lôi kéo chúng con say mê tìm đến với Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Mẹ dẫn dắt chúng con biết sống kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện như Mẹ vậy.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.04.2016                                                           Thứ Năm

Th. Phêrô Chanel, lmtđ                                     Ga 15,9-11

“Các điều ấy Thầy đã nói để anh em được hưởng niềm vui của Thầy” (Ga 15,11).

Như Mẹ: Một quy luật để sống trọn niềm vui đối với người môn đệ của Chúa Giêsu là tuân giữ các điều Thầy đã truyền dạy. Thầy truyền dạy điều gì? “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Hãy giữ các điều răn của Thầy”. Khi làm được điều đó, người môn đệ sẽ được hưởng niềm vui của Thầy.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsua, điều làm cho Chúa vui lòng là thấy các môn đệ ở lại trong tình thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa đối với Chúa Cha: yêu mến Cha, ở lại trong tình yêu của Cha.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ Chúa Kitô, xin Mẹ dạy chúng con sống tâm tình yêu mến Chúa, cảm nhận niềm vui của cuộc đời làm con Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.04.2016                                                            Thứ Sáu

Th. Catarina Siêna, tn-tsht                               Ga 15,12-17

“Điều Thầy truyền dạy anh em là
hãy yêu thương nhau”
(Ga 15,17).

Như Mẹ: Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người chúng ta vô điều kiện. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài, vì thế, chúng ta cũng được khuôn đúc và mời gọi sống yêu thương. Chúa Giêsu đến trần gian là để tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, và Người cũng dạy chúng ta yêu thương nhau. Đó là giới răn của Chúa.

Với Mẹ: Chúa ơi, con xin cảm tạ Chúa đã luôn yêu thương con, dù con không xứng đáng gì. Xin Chúa đặt để trong con tình yêu của Chúa, và xin giúp con biết mến thương tha nhân với một tấm lòng chân thành và khiêm nhường.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ Giáo Hội, Mẹ biết con yếu đuối và rất ích kỷ. Xin Mẹ giúp con sửa đổi và biết sống trong tình mến Chúa thương người.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30.04.2016                                                           Thứ Bảy

Th. Piô, gh                                                           Ga 15,18-21

“Anh em không thuộc về thế gian” (Ga 15,19b).

Như Mẹ: Thế gian mà Chúa Giêsu đề cập ở đây là thế giới giả trá, thế giới của tối tăm và tội lỗi. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ, và tách họ khỏi thế gian. Các tông đồ ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Ai thuộc về Chúa Giêsu thì thuộc về ánh sáng. Ai ở trong ánh sáng thì sẽ thấy Chúa là Đấng chân thật.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, sống trong một thế giới bị tục hóa, chúng con rất dễ bị lây nhiễm bởi những sự phù phiếm của nó. Xin Chúa luôn gìn giữ chúng con khỏi những cám dỗ của thế gian, xin cho chúng con biết thoát khỏi những điều ô nhơ tục luỵ của cõi đời này, để biết sống theo những giá trị của Tin Mừng.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, xin Mẹ gìn giữ chúng con, để chúng con luôn thuộc về Chúa, sống đẹp ý Ngài.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA (Ga 14,9)

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II

1. Mạc khải về Lòng Thương Xót

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót” là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình. Về mạc khải này, điều đáng nhớ là lúc Philipphê, một trong mười hai tông đồ, thưa với Đức Kitô: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Những lời ấy đã được nói lên trong diễn từ giã biệt, vào cuối bữa ăn Vượt qua, vào thời điểm sắp diễn ra những ngày thánh, là những biến cố khẳng định dứt khoát rằng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô.”.

Theo giáo huấn Công đồng Vatican II, và xét tới những nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta đang sống, tôi đã dành thông điệp Redemptor Hominis vào việc trình bày chân lý về con người mà trong Đức Kitô chân lý đó đã được mạc khải cho chúng ta cách đầy đủ và sâu xa. Cũng với đòi hỏi quan trọng như thế, trong thời buổi nguy kịch và khó khăn này, lại thúc đẩy tôi một lần nữa khám phá trong chính Đức Kitô dung nhan Chúa Cha là “Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.”. Quả thế, người ta đọc được trong hiến chế Gaudium et Spes: “Là Adam mới, Đức Kitô… tỏ lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mệnh cao cả của mình”: Người làm điều ấy ngay “trong chính việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”. Những lời lẽ như thế chứng thực rất rõ ràng việc tỏ lộ con người trong phẩm giá đầy đủ của nhân tính, không thể nào có được nếu không quy về Thiên Chúa chẳng những về mặt khái niệm mà cả về mặt hiện hữu. Con người và sứ mệnh cao cả nhất của họ được khám phá ra trong Đức Kitô nhờ sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài.

Chính vì vậy mà bây giờ chúng ta nên hướng về mầu nhiệm đó. Những kinh nghiệm của Giáo Hội và của con người ngày nay mời gọi chúng ta làm như thế. Những khát vọng của biết bao tâm hồn con người, những đau khổ và những hy vọng, những âu lo và những trông chờ của họ cũng đều đòi hỏi việc đó. Nếu thực sự con người theo một nghĩa nào đó là con đường của Giáo Hội – như tôi đã nói trong thông điệp Redemptor Hominis – thì đồng thời Tin Mừng và toàn bộ Truyền thống cũng không ngừng chỉ rõ chúng ta phải cùng với mọi người đi con đường này, đúng như Chúa Kitô đã vạch ra bằng cách mạc khải Chúa Cha và tình thương của Ngài nơi chính bản thân mình. Trong Đức Giêsu Kitô, theo cách thức đã được chỉ định cách dứt khoát cho Giáo Hội trong quá trình thay đổi của thời gian, đi về phía con người là đồng thời tiến gần đến Chúa Cha và tình thương của Ngài. Công đồng Vatican II đã xác định chân lý đó cho thời đại chúng ta.

Sứ mệnh của Giáo Hội càng được tập trung vào con người thì có thể nói sứ mệnh đó càng phải được khẳng định và thực hiện theo cách thức tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô hướng về Chúa Cha. Trong khi các luồng tư tưởng khác nhau, cổ thời và đương đại, đã từng và tiếp tục có khuynh hướng tách biệt hay thậm chí đối chọi tập trung vào Thiên Chúa với tập trung vào con người, thì trái lại, Giáo Hội theo chân Đức kitô, vẫn tìm cách bảo đảm sự liên kết hữu cơ và sâu xa giữa hai sự tập trung ấy trong lịch sử loài người. Đó là một trong những nguyên tắc căn bản, và có lẽ còn là nguyên tắc quan trọng nhất của giáo huấn Công đồng Vatican II. Như vậy, nếu chúng ta có ý lấy việc thực hành giáo huấn của Công đồng vĩ đại này làm nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Giáo Hội, chúng ta cần quy chiếu về nguyên tắc ấy với đức tin, với sự khai mở trí năng và hết lòng mình. Trong thông điệp của tôi đã được nhắc tới trên đây, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu sâu sắc và sự phong phú đa dạng về ý thức Giáo Hội vốn là kết quả của Công đồng, phải mở trí lòng chúng ta rộng hơn cho Đức Kitô. Hôm nay, tôi muốn nói rằng sự khai mở cho Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc thế gian và mạc khải đầy đủ con người cho con người chỉ có thể thực hiện được bằng cách quy chiếu sâu sắc hơn mãi về Chúa Cha và về tình thương của Ngài.

2. Nhập Thể và Lòng Thương Xót

Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” cũng nói với con người thông qua hình ảnh vũ trụ: thực vậy, “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người”. Sự hiểu biết gián tiếp và bất toàn này là việc của trí khôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thế giới hữu hình thông qua các thụ tạo của Ngài, chưa phải là “thấy Chúa Cha”. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ”, như thánh Gioan đã viết để làm nổi bật hơn chân lý này mà theo đó “Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.”. Sự “mạc khải” này biểu lộ Thiên Chúa trong mầu nhiệm vô phương dò thấu của hữu thể Ngài – một và ba – bao quanh bằng một “ánh sáng siêu phàm”. Tuy nhiên, trong sự “mạc khải” này của Đức Kitô, chúng ta nhận biết Thiên Chúa trước tiên là trong tình thương của Ngài đối với con người, trong lòng “nhân hậu và lòng yêu thương” của Ngài. Nơi đó, “những hoàn hảo vô hình của Ngài” trở nên “hữu hình”, mà “hữu hình” này thì muôn ngàn lần rõ hơn các công trình khác đã “do Ngài làm ra”: những hoàn hảo đó trở nên hữu hình trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, trong các hành động và lời nói của Người, và sau cùng trong sự chết của Người trên thánh giá và sự sống lại của Người.

Như vậy, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên “hữu hình” như là Chúa Cha “giàu lòng thương xót”.

Có lẽ nhiều hơn não trạng con người ngày xưa, não trạng ngày nay xem ra đối nghịch với Thiên Chúa có lòng thương xót và có khuynh hướng loại bỏ khỏi đời sống và lấy đi khỏi lòng người chính khái niệm lòng thương xót. Hạn từ và ý niệm lòng thương xót xem ra gây khó chịu cho con người, vốn đã trở nên người chủ trái đất mà họ đã khuất phục và thống trị. Sự thống trị trái đất như thế, đôi khi được hiểu cách một chiều và nông cạn, xem ra không còn chỗ cho lòng thương xót. Tuy nhiên, về mục này, chúng ta có thể viện dẫn một cách hữu ích hình ảnh “về hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay” như đã được vạch ra ở đầu Hiến chế Gaudium et Spes. Ở đó, người ta có thể đọc thấy: “Như vậy, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và con đường mở ra trước mặt nó dẫn đến sự tự do hoặc nô lệ, dẫn đến sự tiến bộ hoặc thoái hoá, tình huynh đệ hoặc sự hận thù. Đàng khác, con người ý thức rằng sự điều khiển đúng hướng những sức mạnh mà con người đã sử dụng và những sức mạnh đó có thể đè bẹp hoặc phục vụ con người đều tuỳ thuộc con người ”.

Hoàn cảnh thế giới ngày nay không phải chỉ biểu lộ những thay đổi có thể khiến con người hy vọng vào một tương lai trần thế tốt đẹp hơn, nhưng còn cho thấy nhiều mối đe dọa vượt hẳn những đe dọa đã được biết cho đến nay. Không ngừng tố giác những đe dọa ấy vào nhiều cơ hội khác nhau (như trong những lần lên tiếng tại Liên hiệp quốc, tại tổ chức LHQ về giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO), tại Tổ chức Lương Nông (FAO) và các nơi khác), Giáo Hội phải đồng thời nhìn những đe dọa ấy dưới ánh sáng chân lý nhận được từ Thiên Chúa.

Được mạc khải trong Đức Kitô, chân lý về Thiên Chúa “Cha giàu lòng từ bi lân ái” cho phép chúng ta “thấy” Ngài đặc biệt gần gũi con người, nhất là khi con người đau khổ, khi con người bị đe dọa ngay ở căn bản cuộc sống và phẩm giá của mình. Và chính vì vậy, mà trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội và của thế giới, tôi có thể nói một cách tự nhiên là rất nhiều người và rất nhiều giới được hướng dẫn bởi một niềm tin sắc bén đang tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn họ đã được thúc đẩy bởi Đức Kitô, Đấng qua Thần Khí của mình đã và đang hoạt động tận thâm tâm họ. Quả thế, mầu nhiệm Thiên Chúa như “Cha đầy lòng thương xót” mà Người đã mạc khải cho chúng ta trở thành như một lời kêu gọi gửi đến Giáo Hội, khi đứng trước những gì hiện đang đe dọa con người.

Trong thông điệp này, tôi mong muốn đáp lại lời kêu gọi đó. Tôi mong muốn dùng lại ngôn ngữ vĩnh cửu cũng là ngôn ngữ giản dị và sâu sắc khôn sánh để diễn đạt qua ngôn ngữ đó một lần nữa những mối ưu tư lớn lao của thời đại chúng ta trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Quả thế, mạc khải và đức tin không dạy chúng ta suy niệm một cách trừu tượng về mầu nhiệm Thiên Chúa là: “Cha giàu lòng thương xót” cho bằng biết đến lòng thương xót ấy nhân danh Đức Kitô và trong sự kết hợp với Người. Đức Kitô há đã chẳng từng dạy chúng ta rằng Cha chúng ta, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” vẫn luôn trông chờ chúng ta chạy tới Ngài trong mọi nhu cầu của chúng ta và luôn trông chờ chúng ta tìm hiểu về mầu nhiệm của Ngài: mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài sao?

Vì vậy, tôi mong rằng những suy nghĩ ở đây làm cho mầu nhiệm ấy gần gũi với mọi người hơn và đồng thời cũng trở thành lời kêu gọi thiết tha của Giáo Hội tới lòng thương xót mà con người và thế giới ngày nay rất cần đến. Họ cần đến lòng thương xót, cho dù nhiều khi họ không biết như vậy.

(Tông huấn Dives in Misericordia, 1-2)

Cái Nhìn Của Đức Giê-su

Logo của Năm Thánh được trình bày với hình ảnh Đức Giê-su vác một người tội lỗi trên vai, trong đó một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Đức Giê-su hòa quyện vào đôi mắt của người tội lỗi. Hình ảnh này diễn tả cái nhìn của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành, như chạm đến cách sâu xa con người tội lỗi bằng một tình yêu mãnh liệt đến nỗi làm thay đổi tâm hồn của người ấy. Đó là cái nhìn đầy lòng xót thương của Đức Giê-su, qua đó con người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.

1. Cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”

Tin Mừng Mát-thêu kể rằng khi thấy đám đông dân chúng theo Người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương đối với họ, vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành đã được ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo (x. Ed 34,23) hằng thao thức, quan tâm, lo lắng cho đoàn chiên. Tác giả Tin Mừng Mát-thêu dùng hai động từ “thấy” và “chạnh lòng thương” (Mt 9,36) đi liền nhau như muốn nhấn mạnh đến cái nhìn của Đức Giê-su không phải là cái nhìn của một con người vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của tha nhân, nhưng là cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”, cái nhìn với tất cả tình người, và hơn thế nữa, cái nhìn với cảm xúc của Đấng Cứu Thế, qua đó diễn tả lòng thương xót của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân ái dịu hiền. Cái nhìn đầy lòng thương xót đó đã khiến cho Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở sự chạnh lòng thương, nhưng còn đi đến hành động cụ thể đối với đám đông dân chúng lầm than đi theo Người.

Với lòng thương xót của một trái tim dạt dào tình yêu, khi gặp gỡ những người đau khổ, Đức Giê-su như nhìn xuyên thấu được tâm tình cũng như nhu cầu sâu xa của họ. Tin Mừng Lc 7,11-15 kể rằng một lần nọ trên đường đi đến thành Na-in, khi trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng với đám đông dân chúng khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Đức Giê-su đã chạnh lòng thươngCái nhìn của Đức Giê-su như hiểu thấu được tận tâm can của nỗi đau khổ tận cùng trong tuyệt vọng của bà góa khi mất đứa con trai duy nhất của mình. Thế là Người đã an ủi bà và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13), rồi Người lại gần sờ vào quan tài và nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14). Với lời quyền năng của Đức Giê-su, người chết được sống lại và Đức Giê-su đã “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Chứng kiện sự xảy ra, mọi người có mặt lúc đó đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16). Lời dân chúng thốt lên trên đây tiếp theo sau hành động cho đứa con trai của bà góa được sống lại nhờ lòng thương xót trắc ẩn của Đức Giê-su, khiến chúng ta nhớ đến bài thánh ca Benedictus: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (1,78).

2. Cái nhìn với “ánh mắt cảm thông, tha thứ và có sức hoán cải”

Đức Giê-su đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Lời nói trên đây của Đức Giê-su thể hiện lòng thương xót của Người qua câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu trong Tin Mừng Mt 9,9-13. Khi đi ngang qua trạm thu thuế, Đức Giê-su thấy một người tên là Mát-thêu, đang ngồi làm việc tại đó và Người đã gọi Mát-thêu đi theo Người: “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9). Mát-thêu liền đứng dậy và đi theo Người.

Quả thực, cái nhìn của Đức Giê-su đã tác động mãnh liệt đến cuộc đời của Mát-thêu. Đó không phải là cái nhìn của sự khinh khi, miệt thị, cái nhìn của sự loại trừ, cái nhìn của sự lên án, phân biệt đối xử đối với người bị coi là tội lỗi, bất chính như ông. Nhưng cái nhìn của Đức Giê-su là cái nhìn với ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và mời gọi hoán cải.

Chúng ta cũng gặp lại cái nhìn đó nơi Đức Giê-su trong trường hợp của Phê-rô, người môn đệ thân tín của Đức Giê-su, được Người yêu thương, tin tưởng. Khi Đức Giê-su bị bắt và bị kết án, Phê-rô đã công khai chối Thầy mình đến ba lần trước mặt Người (x. Lc 22,54-60), dù trước đó Đức Giê-su đã báo trước cho Phê-rô biết về sự phản bội của ông. Chứng kiến sự nhẫn tâm phản bội của Phê-rô đối với mình, Đức Giê-su đã “quay lại nhìn ông” (22,61). Cái nhìn của Đức Giê-su khiến cho Phê-rô sực nhớ lời Người đã báo trước với ông “Thầy bảo cho anh biết, hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34), và thế là Phê-rô đã khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn, lúc bấy giờ Phê-rô đã cảm nhận được nơi cái nhìn của Đức Giê-su một tấm lòng nhân từ khoan dung, một sự cảm thông tha thứ cho sự yếu đuối sa ngã của con người tội lỗi của ông để mời gọi đứng lên, chứ không phải là cái nhìn của sự kết án, ruồng rẫy, đe dọa, xét xử. Chắc hẳn, cái nhìn đầy xót thương đó của Đức Giê-su đã khơi dậy nơi Phê-rô lòng ăn năn hoán cải và thay đổi tâm hồn ông.

Đức Giê-su Ki-tô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang nhìn mỗi người chúng ta bằng cái nhìn của Lòng Xót Thương, như Người đã nhìn đám đông dân chúng nghèo khổ đi theo Người, nhìn bà góa đau khổ thành Na-in vì mất đứa con trai duy nhất, nhìn Mát-thêu, Da-kêu là những người thu thuế tội lỗi, nhìn Phê-rô phản bội bất trung… Vấn đề là chúng ta có nhận ra được Đức Giê-su đang nhìn chúng ta hay không, và qua cái nhìn đó, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Người trong cuộc đời của chúng ta, để rồi biết đáp trả lại phần nào cho tương xứng với tình yêu của Người dành cho chúng ta.

(Lược trích Lm G. Nguyễn Tiến Dũng, OFM)

Chia sẻ Bài này:
[6] [7] [8]