Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04-2016

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

AI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA (Ga 14,9)

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II

1. Mạc khải về Lòng Thương Xót

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót” là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình. Về mạc khải này, điều đáng nhớ là lúc Philipphê, một trong mười hai tông đồ, thưa với Đức Kitô: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Những lời ấy đã được nói lên trong diễn từ giã biệt, vào cuối bữa ăn Vượt qua, vào thời điểm sắp diễn ra những ngày thánh, là những biến cố khẳng định dứt khoát rằng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô.”.

Theo giáo huấn Công đồng Vatican II, và xét tới những nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta đang sống, tôi đã dành thông điệp Redemptor Hominis vào việc trình bày chân lý về con người mà trong Đức Kitô chân lý đó đã được mạc khải cho chúng ta cách đầy đủ và sâu xa. Cũng với đòi hỏi quan trọng như thế, trong thời buổi nguy kịch và khó khăn này, lại thúc đẩy tôi một lần nữa khám phá trong chính Đức Kitô dung nhan Chúa Cha là “Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.”. Quả thế, người ta đọc được trong hiến chế Gaudium et Spes: “Là Adam mới, Đức Kitô… tỏ lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mệnh cao cả của mình”: Người làm điều ấy ngay “trong chính việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”. Những lời lẽ như thế chứng thực rất rõ ràng việc tỏ lộ con người trong phẩm giá đầy đủ của nhân tính, không thể nào có được nếu không quy về Thiên Chúa chẳng những về mặt khái niệm mà cả về mặt hiện hữu. Con người và sứ mệnh cao cả nhất của họ được khám phá ra trong Đức Kitô nhờ sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài.

Chính vì vậy mà bây giờ chúng ta nên hướng về mầu nhiệm đó. Những kinh nghiệm của Giáo Hội và của con người ngày nay mời gọi chúng ta làm như thế. Những khát vọng của biết bao tâm hồn con người, những đau khổ và những hy vọng, những âu lo và những trông chờ của họ cũng đều đòi hỏi việc đó. Nếu thực sự con người theo một nghĩa nào đó là con đường của Giáo Hội – như tôi đã nói trong thông điệp Redemptor Hominis – thì đồng thời Tin Mừng và toàn bộ Truyền thống cũng không ngừng chỉ rõ chúng ta phải cùng với mọi người đi con đường này, đúng như Chúa Kitô đã vạch ra bằng cách mạc khải Chúa Cha và tình thương của Ngài nơi chính bản thân mình. Trong Đức Giêsu Kitô, theo cách thức đã được chỉ định cách dứt khoát cho Giáo Hội trong quá trình thay đổi của thời gian, đi về phía con người là đồng thời tiến gần đến Chúa Cha và tình thương của Ngài. Công đồng Vatican II đã xác định chân lý đó cho thời đại chúng ta.

Sứ mệnh của Giáo Hội càng được tập trung vào con người thì có thể nói sứ mệnh đó càng phải được khẳng định và thực hiện theo cách thức tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là trong Đức Giêsu Kitô hướng về Chúa Cha. Trong khi các luồng tư tưởng khác nhau, cổ thời và đương đại, đã từng và tiếp tục có khuynh hướng tách biệt hay thậm chí đối chọi tập trung vào Thiên Chúa với tập trung vào con người, thì trái lại, Giáo Hội theo chân Đức kitô, vẫn tìm cách bảo đảm sự liên kết hữu cơ và sâu xa giữa hai sự tập trung ấy trong lịch sử loài người. Đó là một trong những nguyên tắc căn bản, và có lẽ còn là nguyên tắc quan trọng nhất của giáo huấn Công đồng Vatican II. Như vậy, nếu chúng ta có ý lấy việc thực hành giáo huấn của Công đồng vĩ đại này làm nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện tại của lịch sử Giáo Hội, chúng ta cần quy chiếu về nguyên tắc ấy với đức tin, với sự khai mở trí năng và hết lòng mình. Trong thông điệp của tôi đã được nhắc tới trên đây, tôi đã cố gắng nhấn mạnh rằng việc nghiên cứu sâu sắc và sự phong phú đa dạng về ý thức Giáo Hội vốn là kết quả của Công đồng, phải mở trí lòng chúng ta rộng hơn cho Đức Kitô. Hôm nay, tôi muốn nói rằng sự khai mở cho Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc thế gian và mạc khải đầy đủ con người cho con người chỉ có thể thực hiện được bằng cách quy chiếu sâu sắc hơn mãi về Chúa Cha và về tình thương của Ngài.

2. Nhập Thể và Lòng Thương Xót

Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” cũng nói với con người thông qua hình ảnh vũ trụ: thực vậy, “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người”. Sự hiểu biết gián tiếp và bất toàn này là việc của trí khôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thế giới hữu hình thông qua các thụ tạo của Ngài, chưa phải là “thấy Chúa Cha”. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ”, như thánh Gioan đã viết để làm nổi bật hơn chân lý này mà theo đó “Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.”. Sự “mạc khải” này biểu lộ Thiên Chúa trong mầu nhiệm vô phương dò thấu của hữu thể Ngài – một và ba – bao quanh bằng một “ánh sáng siêu phàm”. Tuy nhiên, trong sự “mạc khải” này của Đức Kitô, chúng ta nhận biết Thiên Chúa trước tiên là trong tình thương của Ngài đối với con người, trong lòng “nhân hậu và lòng yêu thương” của Ngài. Nơi đó, “những hoàn hảo vô hình của Ngài” trở nên “hữu hình”, mà “hữu hình” này thì muôn ngàn lần rõ hơn các công trình khác đã “do Ngài làm ra”: những hoàn hảo đó trở nên hữu hình trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, trong các hành động và lời nói của Người, và sau cùng trong sự chết của Người trên thánh giá và sự sống lại của Người.

Như vậy, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”. Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót bằng những hình ảnh và những dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót. Đối với những ai thấy và tìm ra được lòng thương xót đó nơi Người, Thiên Chúa trở nên “hữu hình” như là Chúa Cha “giàu lòng thương xót”.

Có lẽ nhiều hơn não trạng con người ngày xưa, não trạng ngày nay xem ra đối nghịch với Thiên Chúa có lòng thương xót và có khuynh hướng loại bỏ khỏi đời sống và lấy đi khỏi lòng người chính khái niệm lòng thương xót. Hạn từ và ý niệm lòng thương xót xem ra gây khó chịu cho con người, vốn đã trở nên người chủ trái đất mà họ đã khuất phục và thống trị. Sự thống trị trái đất như thế, đôi khi được hiểu cách một chiều và nông cạn, xem ra không còn chỗ cho lòng thương xót. Tuy nhiên, về mục này, chúng ta có thể viện dẫn một cách hữu ích hình ảnh “về hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay” như đã được vạch ra ở đầu Hiến chế Gaudium et Spes. Ở đó, người ta có thể đọc thấy: “Như vậy, thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và con đường mở ra trước mặt nó dẫn đến sự tự do hoặc nô lệ, dẫn đến sự tiến bộ hoặc thoái hoá, tình huynh đệ hoặc sự hận thù. Đàng khác, con người ý thức rằng sự điều khiển đúng hướng những sức mạnh mà con người đã sử dụng và những sức mạnh đó có thể đè bẹp hoặc phục vụ con người đều tuỳ thuộc con người ”.

Hoàn cảnh thế giới ngày nay không phải chỉ biểu lộ những thay đổi có thể khiến con người hy vọng vào một tương lai trần thế tốt đẹp hơn, nhưng còn cho thấy nhiều mối đe dọa vượt hẳn những đe dọa đã được biết cho đến nay. Không ngừng tố giác những đe dọa ấy vào nhiều cơ hội khác nhau (như trong những lần lên tiếng tại Liên hiệp quốc, tại tổ chức LHQ về giáo dục, khoa học và văn hóa (UNESCO), tại Tổ chức Lương Nông (FAO) và các nơi khác), Giáo Hội phải đồng thời nhìn những đe dọa ấy dưới ánh sáng chân lý nhận được từ Thiên Chúa.

Được mạc khải trong Đức Kitô, chân lý về Thiên Chúa “Cha giàu lòng từ bi lân ái” cho phép chúng ta “thấy” Ngài đặc biệt gần gũi con người, nhất là khi con người đau khổ, khi con người bị đe dọa ngay ở căn bản cuộc sống và phẩm giá của mình. Và chính vì vậy, mà trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội và của thế giới, tôi có thể nói một cách tự nhiên là rất nhiều người và rất nhiều giới được hướng dẫn bởi một niềm tin sắc bén đang tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn họ đã được thúc đẩy bởi Đức Kitô, Đấng qua Thần Khí của mình đã và đang hoạt động tận thâm tâm họ. Quả thế, mầu nhiệm Thiên Chúa như “Cha đầy lòng thương xót” mà Người đã mạc khải cho chúng ta trở thành như một lời kêu gọi gửi đến Giáo Hội, khi đứng trước những gì hiện đang đe dọa con người.

Trong thông điệp này, tôi mong muốn đáp lại lời kêu gọi đó. Tôi mong muốn dùng lại ngôn ngữ vĩnh cửu cũng là ngôn ngữ giản dị và sâu sắc khôn sánh để diễn đạt qua ngôn ngữ đó một lần nữa những mối ưu tư lớn lao của thời đại chúng ta trước mặt Thiên Chúa và loài người.

Quả thế, mạc khải và đức tin không dạy chúng ta suy niệm một cách trừu tượng về mầu nhiệm Thiên Chúa là: “Cha giàu lòng thương xót” cho bằng biết đến lòng thương xót ấy nhân danh Đức Kitô và trong sự kết hợp với Người. Đức Kitô há đã chẳng từng dạy chúng ta rằng Cha chúng ta, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” vẫn luôn trông chờ chúng ta chạy tới Ngài trong mọi nhu cầu của chúng ta và luôn trông chờ chúng ta tìm hiểu về mầu nhiệm của Ngài: mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài sao?

Vì vậy, tôi mong rằng những suy nghĩ ở đây làm cho mầu nhiệm ấy gần gũi với mọi người hơn và đồng thời cũng trở thành lời kêu gọi thiết tha của Giáo Hội tới lòng thương xót mà con người và thế giới ngày nay rất cần đến. Họ cần đến lòng thương xót, cho dù nhiều khi họ không biết như vậy.

(Tông huấn Dives in Misericordia, 1-2)

Cái Nhìn Của Đức Giê-su

Logo của Năm Thánh được trình bày với hình ảnh Đức Giê-su vác một người tội lỗi trên vai, trong đó một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Đức Giê-su hòa quyện vào đôi mắt của người tội lỗi. Hình ảnh này diễn tả cái nhìn của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành, như chạm đến cách sâu xa con người tội lỗi bằng một tình yêu mãnh liệt đến nỗi làm thay đổi tâm hồn của người ấy. Đó là cái nhìn đầy lòng xót thương của Đức Giê-su, qua đó con người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.

1. Cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”

Tin Mừng Mát-thêu kể rằng khi thấy đám đông dân chúng theo Người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương đối với họ, vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành đã được ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo (x. Ed 34,23) hằng thao thức, quan tâm, lo lắng cho đoàn chiên. Tác giả Tin Mừng Mát-thêu dùng hai động từ “thấy” và “chạnh lòng thương” (Mt 9,36) đi liền nhau như muốn nhấn mạnh đến cái nhìn của Đức Giê-su không phải là cái nhìn của một con người vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của tha nhân, nhưng là cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”, cái nhìn với tất cả tình người, và hơn thế nữa, cái nhìn với cảm xúc của Đấng Cứu Thế, qua đó diễn tả lòng thương xót của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân ái dịu hiền. Cái nhìn đầy lòng thương xót đó đã khiến cho Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở sự chạnh lòng thương, nhưng còn đi đến hành động cụ thể đối với đám đông dân chúng lầm than đi theo Người.

Với lòng thương xót của một trái tim dạt dào tình yêu, khi gặp gỡ những người đau khổ, Đức Giê-su như nhìn xuyên thấu được tâm tình cũng như nhu cầu sâu xa của họ. Tin Mừng Lc 7,11-15 kể rằng một lần nọ trên đường đi đến thành Na-in, khi trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng với đám đông dân chúng khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Đức Giê-su đã chạnh lòng thươngCái nhìn của Đức Giê-su như hiểu thấu được tận tâm can của nỗi đau khổ tận cùng trong tuyệt vọng của bà góa khi mất đứa con trai duy nhất của mình. Thế là Người đã an ủi bà và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13), rồi Người lại gần sờ vào quan tài và nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14). Với lời quyền năng của Đức Giê-su, người chết được sống lại và Đức Giê-su đã “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Chứng kiện sự xảy ra, mọi người có mặt lúc đó đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16). Lời dân chúng thốt lên trên đây tiếp theo sau hành động cho đứa con trai của bà góa được sống lại nhờ lòng thương xót trắc ẩn của Đức Giê-su, khiến chúng ta nhớ đến bài thánh ca Benedictus: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (1,78).

2. Cái nhìn với “ánh mắt cảm thông, tha thứ và có sức hoán cải”

Đức Giê-su đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Lời nói trên đây của Đức Giê-su thể hiện lòng thương xót của Người qua câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu trong Tin Mừng Mt 9,9-13. Khi đi ngang qua trạm thu thuế, Đức Giê-su thấy một người tên là Mát-thêu, đang ngồi làm việc tại đó và Người đã gọi Mát-thêu đi theo Người: “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9). Mát-thêu liền đứng dậy và đi theo Người.

Quả thực, cái nhìn của Đức Giê-su đã tác động mãnh liệt đến cuộc đời của Mát-thêu. Đó không phải là cái nhìn của sự khinh khi, miệt thị, cái nhìn của sự loại trừ, cái nhìn của sự lên án, phân biệt đối xử đối với người bị coi là tội lỗi, bất chính như ông. Nhưng cái nhìn của Đức Giê-su là cái nhìn với ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và mời gọi hoán cải.

Chúng ta cũng gặp lại cái nhìn đó nơi Đức Giê-su trong trường hợp của Phê-rô, người môn đệ thân tín của Đức Giê-su, được Người yêu thương, tin tưởng. Khi Đức Giê-su bị bắt và bị kết án, Phê-rô đã công khai chối Thầy mình đến ba lần trước mặt Người (x. Lc 22,54-60), dù trước đó Đức Giê-su đã báo trước cho Phê-rô biết về sự phản bội của ông. Chứng kiến sự nhẫn tâm phản bội của Phê-rô đối với mình, Đức Giê-su đã “quay lại nhìn ông” (22,61). Cái nhìn của Đức Giê-su khiến cho Phê-rô sực nhớ lời Người đã báo trước với ông “Thầy bảo cho anh biết, hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34), và thế là Phê-rô đã khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn, lúc bấy giờ Phê-rô đã cảm nhận được nơi cái nhìn của Đức Giê-su một tấm lòng nhân từ khoan dung, một sự cảm thông tha thứ cho sự yếu đuối sa ngã của con người tội lỗi của ông để mời gọi đứng lên, chứ không phải là cái nhìn của sự kết án, ruồng rẫy, đe dọa, xét xử. Chắc hẳn, cái nhìn đầy xót thương đó của Đức Giê-su đã khơi dậy nơi Phê-rô lòng ăn năn hoán cải và thay đổi tâm hồn ông.

Đức Giê-su Ki-tô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang nhìn mỗi người chúng ta bằng cái nhìn của Lòng Xót Thương, như Người đã nhìn đám đông dân chúng nghèo khổ đi theo Người, nhìn bà góa đau khổ thành Na-in vì mất đứa con trai duy nhất, nhìn Mát-thêu, Da-kêu là những người thu thuế tội lỗi, nhìn Phê-rô phản bội bất trung… Vấn đề là chúng ta có nhận ra được Đức Giê-su đang nhìn chúng ta hay không, và qua cái nhìn đó, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Người trong cuộc đời của chúng ta, để rồi biết đáp trả lại phần nào cho tương xứng với tình yêu của Người dành cho chúng ta.

(Lược trích Lm G. Nguyễn Tiến Dũng, OFM)

Chia sẻ Bài này:

Related posts