- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Sống Tin Mừng với Mẹ Maria số Tháng 03-2017

Mục Lục

* * * * *

Ý CẦU NGUYỆN

Xin ơn nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại.

Để các Kitô hữu bị bách hại được nâng đỡ bởi những lời cầu nguyện và giúp đỡ về vật chất của toàn thể Giáo Hội.

GIÁO HUẤN

Bí tích hôn nhân không phải là một công ước xã hội, một nghi lễ trống rỗng hay một dấu hiệu cam kết bề ngoài. Bí tích là một ân ban để thánh hóa và cứu rỗi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau, qua dấu chỉ bí tích, là biểu tượng thực sự của mối liên hệ hỗ tương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Cặp vợ chồng, do đó, là một nhắc nhở thường xuyên để Giáo Hội nhớ tới điều đã diễn ra trên thập giá; họ là chứng tá cứu rỗi cho nhau và cho con cái, một ơn cứu rỗi họ cùng chia sẻ nhờ bí tích”. Hôn nhân là một ơn gọi, bao lâu nó là lời đáp trả ơn gọi đặc biệt cảm nghiệm tình yêu vợ chồng như là dấu chỉ bất toàn của tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thành thử, quyết định kết hôn và tạo lập gia đình phải là hoa trái của diễn trình biện phân ơn gọi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Amoris Laetitia, 72


GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục…
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

 

Mùa Chay năm nay bắt đầu từ Tháng Ba, Tháng kính thánh cả Giuse, bạn thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria.

Mùa Chay là dịp để mỗi người tín hữu nhìn lại chính mình. Thánh Giuse đã từng toan tính bỏ Đức Maria một cách kín đáo. Nhưng thánh Giuse đã lắng nghe được tiếng Chúa, rồi nhìn lại chính mình mà thay đổi dự tính, sau đó đón Đức Maria về nhà mình. Người tín hữu cũng cần biết để lòng mình lắng đọng, rồi từ đó mới có thể nghe được tiếng Chúa như thánh Giuse. Có nghe được tiếng Chúa, người tín hữu mới có thể quyết định sống đúng ý của Ngài.

Mẹ Maria đã thành hôn với thánh Giuse. Hai đấng đã sống trọn thánh ý của Thiên Chúa trong ơn gọi gia đình. Cả hai đấng đã cộng tác đắc lực trong việc nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Ước gì gương sống của hai đấng trong ơn gọi gia đình hướng dẫn các bạn trẻ sắp bước vào đời sống gia đình hiểu được ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân mà xây đắp cho hạnh phúc đời mình.

Đặc trách

Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.

01.03.2017                                                      Thứ Tư Lễ Tro

Ăn chay kiêng thịt                                          Mt 6,1-6.16-18

“Khi làm việc lành phúc đức,
anh em phải coi chừng,
chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1).

Như Mẹ: Người ta thường hay phô trương cho người khác biết những việc lành phúc đức. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng Chúa Cha biết mọi sự, vì vậy, khi chúng ta làm việc lành phúc đức thì không cần phải cho thiên hạ biết làm gì, chỉ một mình Chúa biết là được rồi. Như thế, phần thưởng dành cho chúng ta mới lớn lao.

Với Mẹ: Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành. Chúa biết rõ lòng dạ chúng con. Xin thanh tẩy những uế tạp trong tâm hồn chúng con, để khi chúng con làm việc gì, thì cứ như thể là làm cho chính Chúa vậy!

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin Mẹ giúp sức cho chúng con trong những công việc hằng ngày chúng con làm. Xin cho chúng con biết làm một cách âm thầm giống cách của Mẹ xưa kia!

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02.03.2017                                                          Thứ Năm

Sau Lễ Tro                                                          Lc 9,22-25

“Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, nào có lợi gì?” (Lc 9,25).

Như Mẹ: Lợi lộc trần gian có sức lôi kéo con người thật mãnh liệt. Ai cũng biết của cải trần gian chỉ là những thứ chóng qua, thế mà ai cũng thích bám vào đó. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng nếu được cả thế giới mà phải thiệt thân hay đánh mất chính mình thì chẳng được ích lợi gì cả. Đúng như vậy, vì thế chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ kẻo uổng công cuộc đời!!!

Với Mẹ: Lạy Chúa là Chúa của muôn loài, xin làm cho con người đang sống trong thời đại hưởng thụ hôm nay, biết vun đắp cho đời sống thiêng liêng của mình mai sau.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là người đã gắn bó với Chúa trên hết mọi sự. Xin Mẹ làm cho chúng con trở thành những người say mê tìm kiếm lợi ích thiêng liêng khi còn ở trần gian này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03.03.2017                                                           Thứ Sáu

Sau Lễ Tro                                                          Mt 9,14-15

“Tại sao chúng tôi và người Pharisêu ăn chay,
mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9,14).

Như Mẹ: Từ thời Cựu Ước, người Do Thái đã cố gắng sống đạo để khỏi bị Chúa phạt, để đòi Chúa ban thưởng cho mình. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, Người đã mang lại một tinh thần sống đạo mới là mến Chúa với con tim vui tươi.

Với Mẹ: Lạy Chúa, con người ngày nay dành rất nhiều thời gian cho những phương tiện vật chất, cho việc tìm kiếm tiền tài, nhưng lại thiếu sự quan tâm cho đời sống tâm linh của mình cũng như của người khác. Xin thánh hoá tâm hồn chúng con khỏi những toan tính của thế gian, để sống bác ái hơn với tha nhân và sống thật lòng với Chúa hơn mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin thêm lòng yêu mến Chúa nơi chúng con, xin giúp chúng con vui thích làm con cái Chúa mỗi ngày.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04.03.2017                                                           Thứ Bảy

Th. Casimirô                                                         Lc 5,27-32

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”
(Lc 5,32).

Như Mẹ: Trước nhan Chúa, tất cả loài người chúng ta đều là tội nhân. Người Pharisêu cũng là tội nhân, nhưng họ lại không nhận ra điều đó, mà cứ tự cho mình là người công chính. Khi tự cho mình là người công chính, thì họ không cần đến lòng thương xót của Chúa nữa. Chúa Giêsu lên án thái độ đó của người Pharisêu.

Với Mẹ: Chúa giàu lòng xót thương, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có tội biết ăn năn sám hối. Chúa đến trần gian này là để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. Xin Chúa cho những ai đang sống trong chai lì tội lỗi biết trở về với Chúa để được ơn thứ tha.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ rất mực từ nhân. Xin Mẹ giúp chúng con biết sống khiêm nhường.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

05.03.2017                                                  Chúa Nhật 1 – MC A

thánh vịnh tuần 1                                               Mt 4,1-11

“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).

Như Mẹ: Ma quỷ thật mưu mô quỷ quyệt, ngay cả Chúa Giêsu mà chúng cũng dám cám dỗ. Chúa Giêsu đã thẳng thừng chỉ mặt ma quỷ, đồng thời cũng dạy cho chúng ta biết cách để thắng vượt chước cám dỗ, và phải hết lòng thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.

Với Mẹ: Sống trong trần gian với biết bao thử thách và cám dỗ khắp nơi, xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi những mưu mô gian dối của ma quỷ. Xin bảo vệ chúng con trong tình thương và bình an của Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là người hết lòng vì Thiên Chúa. Xin giúp chúng con thờ phượng Thiên Chúa cho nên, và giúp chúng con can đám để thắng vượt cám dỗ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06.03.2017                                                           Thứ Hai

tuần 1 MC                                                         Mt 25,31-46

“Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người,
còn dê ở bên trái” (Mt 25,33).

Như Mẹ: Thiên Chúa là Đức Vua tối cao, sẽ phán xét một cách công minh. Trong cuộc phán xét ấy, Đức Vua sẽ tách chiên khỏi dê. Chiên là những người làm điều lành, được tách ra để thưởng công; còn dê là những người làm điều dữ, được tách ra để bị luận phạt. Mỗi người chúng ta sẽ bị xét xử theo những việc mình làm. Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước ngai toà Thiên Chúa khi kết thúc cuộc đời này.

Với Mẹ: Chúa là Đấng thông minh thượng trí. Chúa luôn mời gọi chúng con đối xử nhân ái với nhau, xin làm cho chúng con thấm nhuần tinh thần của Chúa để biết thực thi bác ái trong cuộc sống hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã sống tình mến Chúa và yêu người thật tuyệt vời. Xin Mẹ nâng đỡ chúng con sống như chiên ngoan hiền.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07.03.2017                                                            Thứ Ba

Th. Perpêtua và Fêlicia, tđ                                       Mt 6,7-15

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Mt 6,9).

Như Mẹ: Danh Chúa là chính Chúa. Danh thánh Chúa trổi vượt trên mọi danh hiệu trên trần gian này. Việc biết và yêu mến danh Cha là điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha. Chúng ta được mời gọi cầu xin cho mọi người nhận biết và yêu mến danh thánh của Chúa Cha. Ước gì được như vậy!

Với Mẹ: Cha ơi, chúng con thật diễm phúc được làm con của Cha. Xin Cha làm cho mọi người thuộc mọi quốc gia nhận biệt danh Cha là thánh, rồi hết lòng yêu mến và phụng thờ Cha cho phải đạo làm con.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ thật diễm phúc vì đã biết và yêu mến danh Cha. Mẹ đang ở trong vương quốc của Cha. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu, Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha, bênh vực cho chúng con trước toà Cha, để mai sau chúng con cũng ở trong Nước Trời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08.03.2017                                                            Thứ Tư

Th. Gioan Thiên Chúa                                           Lc 11,29-32

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác;
chúng xin dấu lạ” (Lc 11,29).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đánh giá con người thời đại của Ngài là thế hệ gian ác. Tại sao? Bởi vì Ngài đến để mang niềm vui và hy vọng cho họ, nhưng họ lại không đón nhận Ngài. Họ không đón nhận Ngài thì họ cũng không đón nhận giáo huấn yêu thương của Ngài. Họ chấp nhận sống trong tội lỗi và trong nếp sống không kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì!

Với Mẹ: Con người ngày nay đang sống trong một thời đại dửng dửng: dửng dưng với Thiên Chúa, dửng dưng với môi trường sống và dửng dưng với nhau. Xin Chúa biến đổi tâm trí chúng con, để chúng con biết tin tưởng vào Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã tin tưởng hết lòng vào tình thương của Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con sống đức tin của mình, không dựa vào cảm giác, mà dựa vào chính quyền năng của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09.03.2017                                                          Thứ Năm

Th. Phanxica Rôma, nữ tu                                       Mt 7,7-12

“Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Như Mẹ: Cuộc sống trần gian luôn có những cám dỗ lôi kéo con người chỉ biết tìm kiếm lợi ích cho chính mình. Vì thế cuộc sống này luôn có những căng thẳng, đau khổ và ghen tương. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng mình muốn người khác làm điều tốt cho mình, thì mình cũng hãy làm điều tốt cho người ta.

Với Mẹ: Chúa biết rõ lòng trí chúng con muốn gì! Tâm tưởng chúng con có khuynh hướng nghiêng chiều về sự dữ. Xin Chúa hoán cải lương tâm chúng con, để chúng con kiên tâm trong việc làm điều thiện cho tha nhân.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là Mẹ của lòng nhân ai. Mẹ luôn muốn điều tốt lành cho con cái của Mẹ. Xin Mẹ thương cứu giúp chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10.03.2017                                                           Thứ Sáu

tuần 1 MC                                                          Mt 5,20-26

“Nếu anh em không ăn ở công chính
hơn các kinh sư và người Pharisêu,
thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Như Mẹ: Công chính là một đòi hỏi của Tin Mừng. Nhưng thế nào là công chính? Đối với Chúa, công chính là nhận biết Thiên Chúa là Cha và coi mình là tội nhân cần được lòng thương xót của Ngài. Kinh sư và người Pharisêu tự cho mình là công chính, không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, nên không được kể là công chính. Người môn đệ cần biết khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và cả người đời.

Với Mẹ: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Công Chính. Xin Chúa cho người tín hữu biết được địa vị và ơn gọi của mình trong chương trình của Chúa mà hết lòng phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân trong tinh thần bác ái và khiêm nhường.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin Mẹ giúp chúng con trong việc sống Tin Mừng giữa dòng đời này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11.03.2017                                                           Thứ Bảy

tuần 2 MC                                                          Mt 5,43-48

“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?” (Mt 5,46).

Như Mẹ: Yêu thương là giới răn quan trọng nhất. Yêu thương là chu toàn lề luật Chúa. Yêu thương người yêu thương mình thì dễ, nhưng yêu thương người ghét mình thì quả là khó! Chúa mời gọi chúng ta yêu thương hết mọi người, ngay cả kẻ thù. Chúa dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ, có như thế, chúng ta mới có công!

Với Mẹ: Chúa là Tình Yêu. Xin Chúa làm cho người tín hữu sống giới luật yêu thương một cách kiên cường hơn trong cuộc sống làm chứng ở trần gian này, bởi vì chúng con khi sống yêu thương là đã làm chứng cho Chúa rồi.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã sống hết lòng vì Chúa và vì tha nhân. Xin Mẹ giúp chúng con biết vượt qua những khác biệt mà sống bác ái và hiền hoà với tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

12.03.2017                                                  Chúa Nhật 2 – MC A

thánh vịnh tuần 2                                               Mt 17,1-9

“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời(Mt 17,2).

Như Mẹ: Cuộc biến đổi hình dạng của Chúa Giêsu nên chói lọi như mặt trời nhắc cho chúng ta suy nghĩ về tương lai đời sau của chúng ta. Ngay ở đời này, mỗi người chúng ta được mời gọi hướng lên trời cao, tin tưởng vào quyền năng của Chúa, biến đổi đời mình, để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Với Mẹ: Chúa là Đấng vô cùng sáng láng. Chúa biết rõ mọi sự trong con người chúng con. Xin biến đổi những khoảng u tối trong tâm hồn chúng con, để chúng con biết hướng nhìn lên Chúa, ngõ hầu tâm hồn của chúng con được chiếu toả ánh vinh quang của Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin Mẹ ở với chúng con hằng ngày, giúp chúng con tập luyện nhân đức, sống xứng đáng hơn với danh hiệu là người Kitô hữu ở trần gian này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13.03.2017                                                           Thứ Hai

tuần 2 MC                                                          Lc 6,36-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Như Mẹ: Trong mọi thời đại, từ bi nhân hậu là một nét đẹp. Hình như thời đại ngày hôm nay, con người ta hành xử với nhau đang thiếu tình bác ái với nhau, bằng chứng là: ngày càng có nhiều vụ giết hại lẫn nhau, thù ghét lẫn nhau. Chúa Giêsu mời gọi người tín hữu có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Vì có sống nhân từ, chúng ta mới đáng gọi là con của Cha.

Với Mẹ: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin Cha đoái thương đến nhân loại lầm than tội lỗi ngày hôm nay. Xin vì công nghiệp của Chúa Giêsu, xin Cha làm cho chúng con nên những con người biết hành xử với nhau một cách nhân từ.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là Mẹ của lòng thương xót. Xin Mẹ dẫn dắt những ai đang sống trong tình trạng ghen ghét thù hận, để họ trở nên những người bao dung và nhâu hậu.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14.03.2017                                                            Thứ Ba

tuần 2 MC                                                          Mt 23,1-12

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên
” (Mt 23,12).

Như Mẹ: Ở đời, người ta thích tự tôn mình lên. Nhưng người môn đệ lại phải hạ mình xuống. Khiêm nhường là một đức tính rất cần thiết đối với người môn đệ của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Chúa, nhưng đã hạ mình xuống làm người thấp hèn. Sự khiêm hạ của Chúa dạy cho chúng ta cần phải biết sống khiêm nhường, để được chính Thiên Chúa tôn lên.

Với Mẹ: Chúa là Vua Cao Cả. Chúa ưa thích những kẻ khiêm nhường, và hạ bệ những phường lòng trí kiêu căng. Xin cho những người tín hữu Kitô biết tôn Chúa lên trên hết mọi sự, và nhận mình là tội nhân trước nhan Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ thật khiêm nhường khi nhận mình là nữ tì của Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con sống như tôi tớ của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15.03.2017                                                            Thứ Tư

tuần 2 MC                                                         Mt 20,17-28

“Ai muốn làm lớn giữa anh em,
thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26).

Như Mẹ: Theo quan niệm của người đời, lãnh đạo là dùng uy mà cai trị thiên hạ. Còn Chúa Giêsu thì quan niệm lãnh đạo là phục vụ. Phục vụ là một đòi hỏi đối với người môn đệ. Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về phục vụ: càng muốn làm lớn thì càng phải phục vụ, càng làm lớn càng phải tỏ ra khiêm nhường.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu là Vua của muôn loài. Chúa đã đến trần gian này không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình vì loài người. Xin cho các tu sĩ nam nữ tận tâm với ơn gọi của mình mà phục vụ tha nhân nhiệt tình hơn.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã tận tình phục vụ gia đình bà Êlisabét khi đến thăm bà. Xin Mẹ dạy chúng con biết sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16.03.2017                                                          Thứ Năm

tuần 2 MC                                                         Lc 16,19-31

“Ladarô được an ủi nơi đây,
còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16,25).

Như Mẹ: Cuộc sống giữa người giàu và anh Ladarô nghèo khổ hoàn toàn khác nhau. Khi còn sống ở đời, người giàu được ăn sung mặc sướng, được an ủi trăm bề; còn anh Ladarô nghèo khổ thì phải chịu trăm bề đau khổ. Khi chết, số phận của hai người này hoàn toàn thay đổi, người giàu thì phải chịu cực hình; còn anh Ladarô nghèo khổ thì được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Ápraham.

Với Mẹ: Ai có công thì được thưởng, ai có tội thì bị luận phạt. Xin Chúa lấy lòng từ bi hải hà của Chúa mà xét xử chúng con. Xin cho chúng con khi còn đang sống ở đời này, biết sống có lòng thương cảm với người nghèo.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin Mẹ làm cho chúng con có quả tim nhân hậu với tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17.03.2017                                                           Thứ Sáu

Th. Patriciô, gm                                                   Mt 21,33-43

“Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng cho chúng ta biết những tá điền độc ác, hành xử một cách tàn nhẫn với các đầy tớ được ông chủ sai đi thu hoa lợi. Chúa Giêsu dạy rằng ai ăn ở gian ác thì sẽ gặt được điều dữ, tức là quả báo. Nước Thiên Chúa được rao giảng và được ban cho ta, mà ta không mở lòng ra mà đón nhận, thì Nước ấy sẽ bị lấy đi mà cho người khác.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã đến trần gian rao giảng về Nước Thiên Chúa cho chúng con. Xin kể chúng con là những công dân của Nước Thiên Chúa ngay khi còn sống ở trần gian này.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ hãy cùng chúng con sống Tin Mừng giữa dòng đời ngược xuôi này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18.03.2017                                                           Thứ Bảy

Th. Cyrillô, tsht                                                 Lc 15,1-3.11-32

“Tất cả những gì của cha
đều là của con” (Lc 15,31).

Như Mẹ: Thiên Chúa là người cha nhân hậu, luôn thương yêu mọi người. Tình yêu của người cha đối với con cái là không có một giới hạn nào. Dù con cái hư hỏng, người cha vẫn không trách mắng, mà một lòng chờ đợi trong hy vọng là một ngày nào đó người con sẽ trở về. Quả thật, khi người con hư trở về, người cha đã vui mừng đón nhận. Người cha thật tuyệt vời.

Với Mẹ: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Cha biết rõ những bất toàn nơi con người chúng con. Xin Cha dủ thương kiện toàn con người chúng con.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã luôn sống trọn tình con thảo với Cha. Xin Mẹ dạy chúng con biết cách sống trung tín với Cha, nếu có sa ngã thì biết mau tìm về với Cha để được thứ tha.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

19.03.2017                                                  Chúa Nhật 3 – MC A

thánh vịnh tuần 3                                              Ga 4,5-42

“Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24).

Như Mẹ: Thần Khí luôn luôn hoạt động trong lòng lịch sử nhân loại. Thần Khí được ví như gió, mà gió muốn thổi đâu thì thổi, không ai biết được tiếng gió từ đâu. Việc thờ phượng Thiên Chúa cần được thực hiện nơi người tín hữu. Cách thờ phượng Thiên Chúa muốn là thờ phượng một cách thành thật trong lòng.

Với Mẹ: Chúa là Thần Khí và là sự sống. Xin Chúa lấy Thần Khí và Sự Thật mà thánh hiến chúng con, để chúng con biết cách thờ phượng Chúa cho chính đáng và phải đạo.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã hết lòng thờ phượng Thiên Chúa. Xin Mẹ hướng dẫn chúng con biết loại trừ những mê tín dị đoan ra khỏi tâm hồn, để chỉ biết thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20.03.2017                                                           Thứ Hai

Th. GIUSE                                                     Mt 1,16.18-21.24a

“Ông Giuse, chồng bà,
là người công chính” (Mt 1,19).

Như Mẹ: Thánh Giuse là gương mẫu tuyệt vời nhất cho những người làm cha và làm chồng trong gia đình. Thánh nhân đã hết lòng lo cho gia đình. Gia đình ngày nay đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì nhiều lý do. Một lý do khá quan trọng là vì những người gia trưởng đã không lo lắng cho gia đình mình.

Với Mẹ: Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và có nữ, và Ngài đã thiết lập cơ chế gia đình để họ sống hoà hợp nên một với nhau. Xin Chúa cho những người trẻ ngày nay biết tôn trọng phẩm giá cao quý của hôn nhân và gia đình.

Nhờ Mẹ: Thưa Mẹ Maria, Mẹ đã sống trọn ơn gọi của gia đình. Xin Mẹ nâng đỡ các gia đình đang gặp khó khăn tìm ra một lối thoát.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21.03.2017                                                            Thứ Ba

Tuần 3 MC                                                         Mt 18,21-35

“Cha của Thầy ở trên trời
cũng sẽ đối xử với anh em như thế,
nếu mỗi người trong anh em không hết lòng
tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Như Mẹ: Ở đời muốn người khác tha thứ cho mình là một điều dễ; còn để tha thứ cho người khác là một điều khó. Chúa Giêsu dạy chúng ta không chỉ là tha thứ một đôi lần, mà là tha thứ không giới hạn. Sống trên đời này, chúng ta thường mắc lỗi nhau, có tha thứ thì lòng chúng ta mới được nhẹ nhàng.

Với Mẹ: Chúa là Đấng hay tha thứ. Xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến cảnh khốn cùng của kiếp người chúng con mà làm cho chúng con trở nên đáng yêu hơn.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, con người hôm nay đang sống trong sự bủa vây của thù hận. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống bao dung với tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22.03.2017                                                            Thứ Tư

Tuần 3 MC                                                          Mt 5,17-19

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê… nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Như Mẹ: Luật Môsê quy định những cách hành xử đối với Thiên Chúa và đối với trật tự xã hội của con người. Luật làm cho con người sống trong trật tự hài hoà. Chúa Giêsu đến không phải là để bãi bỏ Luật đó, nhưng là để kiện toàn. Tại sao phải kiện toàn? Xin lấy một ví dụ: Luật xưa dạy phải trả thù; còn Chúa Giêsu dạy phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Như thế, Chúa Giêsu đã kiện toàn Luật.

Với Mẹ: Thiên Chúa là Đấng đã ban hành Luật cho Dân Chúa, để nhờ giữ Luật, họ được phúc lành của Ngài. Xin Chúa hướng dẫn chúng con sống theo giới luật yêu thương của Ngài.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là người đã thực hành lời Chúa một cách trọn hảo, xin Mẹ dạy dỗ chúng con biết sống theo Lời của Ngài.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23.03.2017                                                          Thứ Năm

Th. Turibiô, gm                                                    Lc 11,14-23

“Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn,
nhà nọ sẽ đổ xuống nhà kia” (Lc 11,17).

Như Mẹ: Chia rẽ là một thứ vi rút lây lan trong cuộc sống con người. Ai đã tạo ra thứ vi rút này? Đó là ma quỷ. Ma quỷ rất xảo quyệt, luôn luôn tìm cách cắn xé chúng ta, và cũng luôn tìm cách để chia rẽ chúng ta. Chúng ta cần tỉnh thức trước các chước ma quỷ cám dỗ, bằng cầu nguyện, để biết sống hiệp thông với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Với Mẹ: Chúa là sức mạnh cho chúng con trú ẩn. Xin Chúa thêm sức cho chúng con trong cuộc chiến chống lại sự dữ. Xin Chúa như thành trì bảo vệ chúng con khỏi nanh vuốt kẻ thù đầy mưu mô đang vây bủa chúng con hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là Đấng vô nhiễm tội truyền, xin Mẹ gìn giữ chúng con trong tình thương từ ái của Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24.03.2017                                                           Thứ Sáu

Tuần 3 MC                                                         Mc 12,28-34

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu
và hy lễ” (Mc 12,33).

Như Mẹ: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người như chính mình là giới răn kép, là giới răn quan trọng nhất. Sống được điều răn kép này cho tốt là đã chu toàn mọi giới luật của Thiên Chúa. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, nên giới răn kép này phải là điều ăn sâu vào tâm khảm của chúng ta.

Với Mẹ: Tất cả mọi người đều là con cái của Cha trên trời và là anh em của nhau. Xin Chúa thôi thúc chúng con sống trọn đạo làm con với Chúa, và biết tôn trọng anh em của mình.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là mẹ của chúng con, xin Mẹ dạy dỗ chúng con biết chia sẻ tình yêu thương cho những người đang sống trong thiếu thốn ngặt nghèo.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25.03.2017                                                           Thứ Bảy

LỄ TRUYỀN TIN                                                  Lc 1,26-38

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,
và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Như Mẹ: Thánh Thần Thiên Chúa đã bao phủ lấy Mẹ Maria và làm cho Mẹ trở nên cung điện cho Con Chúa nhập thể làm người. Việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ đồng trinh là một mầu nhiệm, một tin vui cho loài người tội lỗi chúng ta. Ước gì Thánh Thần cũng bao phủ lấy mỗi người chúng ta.

Với Mẹ: Chúa đã thực hiện bao điều kỳ diệu cho Mẹ Maria, và qua Mẹ Maria, cho tất cả nhân loại chúng con. Xin Chúa tiếp tục thực thi thánh ý nhiệm mầu của Ngài trên mỗi người chúng con.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ là Đấng đầy ân sủng. Xin Mẹ cầu cùng Chúa tuôn đổ ân sủng của Chúa Thánh Thần trên hết thảy chúng con.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

26.03.2017                                                  Chúa Nhật 4 – MC A

Thánh vịnh tuần 4                                               Ga 9,1-41

Đức Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39).

Như Mẹ: Chúa Giêsu là ánh sáng của trần gian. Người đến trần gian để chiếu soi thế gian này. Ai tin nhận Người thì được sự sống, được thấy; còn ai không tin nhận Người thì không được thấy, trở nên như đui mù. Chúng ta tin Chúa Giêsu là Đấng mang lại sự sống đời đời. Thật là phúc cho chúng ta, xin hãy giữ mãi ánh sáng đó chiếu soi cho cuộc đời chúng ta!

Với Mẹ: Nhiều người đang chưa biết Chúa Giêsu là ai, xin Cha chiếu ánh sáng chân lý vào những tâm hồn còn đang tăm tối, để họ nhận được hồng ân sự sống là được làm con cái Cha.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, xin Mẹ cầu cùng Thiên Chúa hướng dẫn chúng con đi trong ánh sáng chân lý của Ngài, mắt hướng nhìn lên Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường cho dân ngoại.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27.03.2017                                                           Thứ Hai

Tuần 4 MC                                                          Ga 4,43-54

Đức Giêsu nói:
“Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng
thì các ông sẽ chẳng tin đâu” (Ga 4,48).

Như Mẹ: Trong cuộc sống hằng ngày, bao nhiêu sự xảy ra xung quanh chúng ta. Mỗi một việc xảy ra xung quanh mà chúng ta không thể hiểu được, đó như là một sự lạ vậy. Cuộc sống là mầu nhiệm. Nếu thực sự truy tìm cho đến ngọn nguồn, thì chúng ta sẽ biết rằng vũ trụ này được vận hành bởi một sức mạnh đầy quyền năng, đó chính là Thiên Chúa.

Với Mẹ: Chúa là Đấng không ai có thể hiểu thấu được. Chúa là Đấng vô hình, nhưng Chúa đang thực hiện những điều kỳ diệu xung quanh chúng con. Xin Chúa cho con người nhận ra được quyền năng của Chúa trên mọi sự.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Chúa đã thực hiện cho Mẹ bao điều trọng đại. Xin Mẹ biểu dương tình thương của Chúa thay cho chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.03.2017                                                            Thứ Ba

Tuần 4 MC                                                           Ga 5,1-16

Đức Giêsu bảo:
“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi” (Ga 5,4).

Như Mẹ: Cuộc đời là một hành trình lên đường, để đi cho đến đích. Đích của đời người là cái chết. Chết như một dấu chấm hết của một đời người. Chúng ta tin Chúa là Chúa của sự sống, khi kết thúc cuộc đời này, chúng ta lại bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu. Đích của đời người có niềm tin, đó là chính Chúa. Vì thế, mỗi một ngày qua đi, chúng ta cần tiếp tục chỗi dậy để đi tiếp, đi cho đến đích của cuộc đời.

Với Mẹ: Chúa đã sống lại từ cõi chết, xin Chúa nâng đỡ những người đang chìm sâu trong tình trạng của lối sống cô đơn, đau khổ và tội lỗi, để họ biết đứng lên mà sống trong hy vọng và tin tưởng vào Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã đi trọn con đường dương thế, xin Mẹ dắt dìu chúng con trung kiên trên bước đường theo Chúa đến trọn đời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.03.2017                                                            Thứ Tư

Tuần 4 MC                                                          Ga 5,17-30

Đức Giêsu nói:
“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc,
thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Như Mẹ: Lao động là một phương thế để thánh hoá bản thân. Lao động làm cho con người có giá trị. Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha làm việc, Chúa Giêsu cũng làm việc. Khi chúng ta làm việc gì mà cứ như thể làm cho chính Chúa, thì việc làm đó của chúng ta sẽ trở nên rất có giá trị trước mặt Ngài.

Với Mẹ: Chúa vẫn không ngừng đổ tràn đầy tình thương xuống trên nhân loại chúng con, xin Chúa làm cho chúng con luôn nỗ lực làm những điều tốt đẹp, mà không ngại khó khăn.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã âm thầm làm việc trong ngôi nhà của mình. Xin Mẹ giúp các gia đình đang túng quẫn vì không có việc làm tìm được việc làm phù hợp để làm cho phẩm giá con người được thăng tiến hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30.03.2017                                                          Thứ Năm

Tuần 4 MC                                                          Ga 5,31-47

Chúa Giêsu nói: “Phần tôi,
tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này
để các ông được cứu độ” (Ga 5,34).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã trả lời cho người Do Thái rằng Người không cần một lời chứng nào của phàm nhân. Người làm chứng cho Chúa Giêsu là ai? Đó chính là Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Giêsu xuống trần gian này để rao giảng Tin Mừng hầu cho con người được ơn cứu độ.

Với Mẹ: Chúa là Đấng thông suốt mọi sự. Xin Chúa làm cho lòng trí tăm tối của những ai đang sống trong u mê, nhận ra rằng Chúa là Con của Chúa Cha hằng sống.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đã trực tiếp sống cùng Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nhận được sự sống của Chúa trong cuộc đời mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31.03.2017                                                           Thứ Sáu

Tuần 4 MC                                                      Ga 7,2-10.25-30

Chúa Giêsu nói: “Phần tôi, tôi biết Người,
bởi vì tôi từ nơi Người mà đến,
và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,29).

Như Mẹ: Có ai biết được Chúa Cha? Không ai cả! Tại sao, bởi vì Người là Đấng cao siêu. Chỉ Người đến từ trên cao mới biết được Chúa Cha. Đấng đó chính là Đức Giêsu. Và Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian này, để nhờ lời rao giảng của Người, chúng ta biết được Chúa Cha. Chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta là nhờ vào Chúa Giêsu.

Với Mẹ: Nhiều người đang sống trong tối tăm của đức tin, xin Chúa Giêsu mở tâm hồn cho những ai đang sống trong bóng đêm ấy nhìn thấy ánh sáng cứu độ của Chúa.

Nhờ Mẹ: Mẹ Maria ơi, Mẹ đang ở trong vinh quang của Thiên Chúa, xin Mẹ xót thương nhìn xuống nhân loại tội lỗi mà ra tay phù trì.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 – o O o –

MÙA CHAY

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Jean Luc Muller

Église en fêtes, Téqui, 1990

Là thời gian hướng về ngày lễ Phục Sinh bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro, một thời gian thiêng liêng phong phú cho các cộng đoàn Kitô giáo, Mùa Chay với hình thức như hiện nay là kết quả của quá trình tiến triển lâu dài về lịch sử cũng như phụng vụ, xét về độ dài thời gian cũng như sự nghiêm ngặt của các quy định.

Nguồn gốc

Nói thật ra, Mùa Chay là một thiết chế của Giáo Hội không bắt nguồn từ thời Giáo Hội sơ khai. Đối với các Kitô hữu thời các Tông đồ, mỗi ngày Chúa Nhật là một cử hành biến cố Phục Sinh, và mãi cho đến thế kỷ thứ II mới thấy xuất hiện một ngày lễ đặc biệt dành để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Đức Kitô để rồi sau đó biến thành Tam Nhật Phục Sinh (Triduum pascal): Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Vọng Phục Sinh.

Biến cố này được chuẩn bị bằng một hay nhiều ngày ăn chay tuỳ theo miền, thường là từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến sáng ngày lễ Phục Sinh, hoặc ít ra là trong vòng 40 giờ từ lúc Chúa chịu chết cho đến thời điểm phục sinh. Đến giữa thế kỷ thứ III, ở Alexandrie việc giữ chay kéo dài suốt Tuần Thánh, và đến cuối thế kỷ III thì tại Ai Cập cũng đã xuất hiện việc giữ chay kéo dài đến 40 ngày mà mục đích trước hết dường như là sống lại thời gian chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang mạc cũng như chuẩn bị cho lễ Phục Sinh.

40 ngày

Chẳng bao lâu sau, Mùa Chay 40 ngày của người Ai Cập đã định hình như là thời gian chuẩn bị cho Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô và lan rộng ra khắp Giáo Hội. Vào tiền bán thế kỷ IV, ở Roma đã hình thành một thời gian chay tịnh trong 3 tuần trước khi cử hành biến cố Phục Sinh và vào khoảng giữa những năm 354 đến 384, họ cũng đã thêm vào 3 tuần nữa. Như vậy chính xác có 40 ngày (quadragesima) giữa Chúa Nhật mở đầu Mùa Chay cho đến khi bắt đầu Tam Nhật Thánh (Triduum).

Nhưng vì không ăn chay vào các ngày Chúa Nhật nên thực tế chỉ có 34 ngày ăn chay trong thời gian này. Cộng thêm ngày Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh thì cũng chỉ có 36 ngày. Và cũng vì muốn chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh bằng cách rập khuôn chính xác 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang mạc nên vào thế kỷ VII người ta thêm vào 4 ngày còn thiếu, và từ khi ấy người ta bắt đầu Mùa Chay với Thứ Tư trước Chúa Nhật I Mùa Chay mà sau này trở thành Thứ Tư Lễ Tro. Vào ngày này, các tín hữu ở Roma tụ họp nhau tại Nhà thờ Thánh Anastasie dưới chân đồi Palatin là nơi Đức Giáo Hoàng công bố mở đầu Mùa Chay; rồi mọi người đi thành đoàn rước đến Nhà thờ Thánh Sabine trên đồi Aventin để cử hành thánh lễ.

Thứ Tư Lễ Tro

Việc xức tro có nguồn gốc từ thực hành thống hối công khai, một nghi thức bắt buộc dành cho các tín hữu phạm lỗi nặng hoặc làm gương xấu trước khi họ được chính thức tái hoà nhập cộng đoàn vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, họ được xá tội và được phép rước lễ trở lại vì trước đó họ bị cấm.

Một trong những thực hành thống hối công khai này là xức tro trên đầu. Cử chỉ này thịnh hành ở Roma từ thế kỷ IV và dần dần lan ra các xứ Kitô giáo, rồi nhiều tín hữu tự nguyện xức tro trên đầu để biểu lộ ý muốn thống hối. Chính các Đức Giáo Hoàng cũng đã chấp nhận nghi thức này và vào thế kỷ XI thì các ngài đã kết hợp việc thống hối này với việc bắt đầu Mùa Chay, do đó mà có tên gọi Thứ Tư Lễ Tro và thực hành xức tro.

Là bụi đất, hình ảnh của tội lỗi và sự mong manh của con người, là những gì còn lại của thân xác sau khi ngọn lửa sự sống vụt tắt đi (x. St 3,19; 18,27), tro rắc trên đầu mà ngày nay người ta xức trên trán biểu lộ sự thống hối và tang chế (x. Is 58,5; 61,3; Gr 6,26). Chính vì thống hối dưới bụi tro và mặc áo vải thô mà dân thành Ninivê nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa (x. Gn 3).

Linh đạo Mùa Chay

Là thời gian hoán cải dành cho hối nhân, trong những thế kỷ đầu tiên, Mùa Chay cũng là thời gian chuẩn bị cho các dự tòng chịu phép rửa để được gia nhập cộng đoàn Kitô giáo vào đêm Phục Sinh, sau khi giữ chay và tiết chế trong suốt thời gian này cũng như miệt mài cầu nguyện.

Như thế, khi khuyên nhủ các tội nhân công khai hối cải, Giáo Hội cũng khích lệ toàn thể cộng đoàn thống hối, và khi nhắn gởi với các dự tòng, Giáo Hội cũng chuẩn bị cho mọi tín hữu sống lại ân sủng phép rửa của chính mình

Khi chuẩn bị cho mọi người gặp gỡ Thiên Chúa, đối với các tín hữu, Mùa Chay đã trở thành một hành trình tiến về Thiên Chúa, một con đường vòng băng qua hoang mạc, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống. Giáo Hội đề nghị chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống Kitô hữu của chúng ta một cách nồng nhiệt hơn trong suốt mấy tuần hướng về ngày lễ Phục Sinh.

Như đoàn dân của Môisen lang thang nhiều năm dài trước khi vào Đất Hứa, chúng ta cũng khám phá ra rằng hành trình tiến về Thiên Chúa, con đường tiến về Nước Trời của chúng ta không phải là không gặp khó khăn, chướng ngại, thụt lùi, đôi khi có phản kháng nữa; thế nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện để mang lại cho ta hy vọng và niềm tin. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn trung thành với Chúa Cha trong thử thách cuối cùng, chúng ta sống kinh nghiệm cuộc vượt qua tiến về Chúa Cha qua sự sống và cái chết, chúng ta dần tiến về mầu nhiệm của Đức Kitô để hiệp thông vào đó một cách sâu xa hết sức có thể.

Làm thế nào để diễn dịch cách cụ thể cuộc hành hương tiến về với Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu được mời gọi trong suốt thời gian Mùa Chay này? Đã có câu trả lời được lặp đi lặp lại qua các bản văn phụng vụ ngày Chúa Nhật (và những ngày khác) trong thời gian chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh: các bài đọc Tin Mừng cũng như Kinh Tiền Tụng đã dành ưu tiên cho bộ ba này: cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ.

1. Cầu nguyện

Là khoảng không ngút mắt nơi không có sự sống, hoang mạc mà dân của Giao Ước cũ và chính Đức Kitô đã đi qua đưa chúng ta đến Thiên Chúa. Là nơi chốn gợi lên sự vô cùng của Thiên Chúa, chính trong hoang mạc mà Charles de Foucauld đã tận hiến hoàn toàn cho Ngài qua lời cầu nguyện. Như thế, hoang mạc và Mùa Chay là nơi chốn và thời gian để gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện.

Qua lời cầu nguyện, đời sống chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn mình theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để trở nên sẵn sàng cho Đức Kitô và cho anh em. Cầu nguyện là “lương thực hằng ngày” nuôi sống chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, không có nó tâm hồn chúng ta có nguy cơ xa rời ý muốn của Chúa Cha.

2. Ăn chay

Nếu chay tịnh trước hết có nghĩa là từ bỏ của ăn thì trong ý nghĩa tận căn hơn nữa ăn chay cũng có nghĩa là từ bỏ tính ích kỷ, tính cứng đầu và lòng tham lam của chúng ta: “Đây là những điều bạn phải thực hành khi muốn ăn chay. Trước hết, hãy xa lánh mọi lời nói và ước muốn xấu xa, thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi thứ hư không đời này. Nếu giữ được điều đó, việc ăn chay của bạn sẽ nên hoàn hảo. Sau khi hoàn tất những gì tôi đã viết trên đây, vào ngày ăn chay, bạn không ăn gì ngoại trừ bánh mì và nước lã và rồi hãy tính toán giá lương thực mà bạn thường ăn trong ngày ấy, bạn dành tiền ấy để cho quả phụ, cô nhi hoặc người nghèo… Nếu bạn ăn chay theo như những điều tôi khuyên nhủ trên đây, hy sinh của bạn sẽ được Thiên Chúa chấp nhận” (Le Pasteur d’Hermas).

3. Chia sẻ

Ngay từ thế kỷ II, việc ăn chay đã có khuynh hướng chia sẻ như là một phương tiện giúp đỡ những ai đang túng thiếu để chúng ta có thể tiến đến gần Thiên Chúa hơn.

Chia sẻ cũng là tình yêu tha nhân, nhìn nhận người khác như đồng loại của mình, nhận ra Đức Kitô trong những người anh em hèn mọn nhất. Đây là biểu hiện tình yêu Thiên Chúa của chúng ta và không thể được diễn dịch đơn thuần chỉ bằng một phong trào cứu trợ hay phong trào đoàn kết nào đó. Qua sự thiếu thốn và chia sẻ, chúng ta đáp ứng được giới răn kép của tình yêu: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi và yêu tha nhân như chính mình”.

(Lược trích)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

(Nguồn: simonhoadalat.com)

Thanh Tẩy Ý Hướng KHI LẦN HẠT

Thánh Louis De Montfort

Không phải dài dòng kinh kệ, mà là nguyện cầu một cách nhiệt tâm mới là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa và đánh động được lòng của Ngài. Chỉ cần đọc một kinh Kính Mừng cách xứng đáng mà thôi thì còn hơn là đọc chẳng ra làm sao cả một tràng 15 chục kinh. Hầu hết người Công giáo đọc Kinh Mân Côi hoặc đủ 15 ngắm hay 5 ngắm, ít nhất là mấy chục kinh. Thế mà tại sao lại có ít người bỏ đàng tội lỗi để đi đường nhân đức trọn lành? Chắc hẳn là vì họ đã không đọc Kinh Mân Côi cách xứng đáng. Đây cũng là một dịp tốt để chúng ta nghĩ lại cách chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta thực sự muốn làm hài lòng Thiên Chúa và trở nên thánh thiện hơn.

Để có lợi khi đọc Kinh Mân Côi, người ta cần phải ở trong Ơn Nghĩa Chúa, hay tối thiểu cũng phải có lòng hoàn toàn muốn từ bỏ mọi tội trọng. Chúng ta biết được điều này là vì, theo thần học, tất cả mọi việc lành phúc đức và kinh nguyện của chúng ta chỉ là những việc chết, nếu chúng ta đang vướng mắc tội trọng. Bởi đó, những việc đó không thể nào làm đẹp lòng Chúa hay làm cho chúng ta lấy lại được sự sống đời đời. Đó là lý do tại sao sách Huấn Ca viết: “Bất xứng cho lời chúc tụng phát xuất từ miệng lưỡi của tội nhân” (15,9). Lời chúc tụng Thiên Chúa, Lời Chào Thiên Thần và kinh Chúa Giêsu Kitô dạy không làm hài lòng Thiên Chúa khi chúng được các tội nhân bất hối xướng lên.

Chúa Giêsu nói: “Dân này tôn kính Ta bằng môi mép, nhưng lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6). Nói thế là như thể Ngài muốn nói rằng: “Những ai muốn gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi của Ta và đọc Kinh Mân Côi hằng ngày (ngay cả đọc nguyên một tràng 15 chục đi nữa), mà không chịu ăn năn hối lỗi mình thì chỉ là những kẻ nói mép, lòng chúng chẳng gắn bó gì với Ta cả.”

Tôi vừa mới nói rằng để có ích lợi trong việc đọc Kinh Mân Côi, người ta phải ở trong tình trạng có Ơn Nghĩa với Chúa “hay tối thiểu cũng phải có lòng hoàn toàn từ bỏ mọi tội trọng”, trước hết là vì, nếu thực sự Thiên Chúa chỉ nghe lời cầu của những kẻ ở trong Ơn Nghĩa Chúa, thì những ai ở trong tình trạng đang mắc tội trọng không cần cầu nguyện nữa. Đây là một thuyết sai lầm đã bị Mẹ Thánh Giáo Hội lên án, bởi vì, dĩ nhiên là các tội nhân không cần cầu nguyện nhiều như các kẻ lành rồi. Nếu điều này đúng như vậy thì quả là vô bổ để nói với một người tội lỗi đọc cả hay một phần Kinh Mân Côi, vì Kinh Mân Côi đâu có lợi gì cho họ nữa đâu.

Sau nữa, là vì nếu họ gia nhập một trong những hội đoàn của Đức Mẹ, đọc Kinh Mân Côi hay một kinh nguyện nào đó, mà không có một chút xíu chủ ý từ bỏ tội lỗi nào, thì kể như họ đã thuộc về thành phần sùng kính sai lạc. Những kẻ sùng kính giả tạo và bất hối này, một đàng thì đến ẩn nấp dưới áo Mẹ, đeo Áo Đức Bà, tay cầm cỗ tràng hạt, miệng thì kêu lên: “Ôi Rất Thánh Trinh Nữ, Mẹ nhân lành – Kính mừng Maria!…” Thế mà, đồng thời, họ lại dùng tội lỗi của mình để tái diễn việc đóng đanh Chúa Giêsu Kitô và xâu xé thân xác của Người. Đây là một thảm kịch lớn mà ngay ở trong các hội đoàn thánh hảo nhất của Đức Mẹ cũng có những linh hồn đang sa chìm vào lửa hỏa ngục.

Chúng tôi khẩn nài mọi người đọc Kinh Mân Côi: kẻ lành thì được kiên trì và lớn lên trong Ơn Nghĩa Chúa; tội nhân thì được bỏ đàng tội lỗi mà trở về. Thế nhưng, Chúa cấm chúng ta không được bao giờ khuyên bảo tội nhân nghĩ rằng Đức Mẹ sẽ bảo bọc họ trong áo của Người dù họ có cố lỳ trong tội lỗi, vì chiếc áo choàng này sẽ trở nên chiếc áo luận phạt mà họ đã lợi dụng để che đậy tội lỗi của mình trước con mắt thế gian. Kinh Mân Côi là kinh chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của chúng ta bấy giờ sẽ trở nên chất độc tử vong. “Việc hủy hoại điều tốt nhất là việc xấu nhất.”

Đức hồng y lỗi lạc Huge nói rằng: “Người ta phải thực sự tinh tuyền như các thiên thần khi tiến đến với Rất Thánh Trinh Nữ và khi đọc Lời Chào Thiên Thần.” Một ngày kia, Đức Mẹ hiện ra với một người hư đốn vốn luôn luôn đọc Kinh Mân Côi hằng ngày. Người cho người đó thấy một bát trái cây ngon lành, song chính cái bát lại dính đầy nhơ nhớp. Người đó run sợ khi nhìn thấy như vậy, Đức Mẹ liền nói:

“Đây là cách mà con đang tôn kính Mẹ! Con đang dâng cho Mẹ những bông hồng tuyệt vời được chứa đựng trong một cái bát bẩn thỉu. Con có nghĩ là Mẹ có thể nào chấp nhận một tặng vật nào như vậy không?”

Trích từ sách “Bí Mật Kinh Mân Côi”, bông hồng 41
(Bản dịch của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh

KINH KHẤN THÁNH CẢ GIUSE

Lạy Cha Thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu. Cha có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi người ta có thể nói rằng: “Trên trời Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.

Lạy Cha hiền, xin cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho chúng con. Khi ở thế gian này, Cha đã từng là Cha nuôi và là vị bảo hộ trung thành của Chúa Con Chí Thánh, nay xin Cha bầu chữa cho chúng con bên tòa Chúa.

Chúng con trao phó nơi Cha vụ khó khăn này (…) xin Cha giải gỡ giúp chúng con, để thêm một vinh quang mới vào bao nhiêu vinh quang sẵn có của Cha.

Lạy Thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng, vâng, chúng con tin tưởng Cha có thể chấp nhận lời nguyện của chúng con, và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực ưu sầu mà chúng con đang gặp phải. Chúng con vững lòng trông cậy, Cha không bỏ qua điều gì giúp cho những người sầu khổ kêu cầu Cha.

Chúng con sấp mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc lóc của chúng con. Xin Cha lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con và chúc lành cho chúng con. Amen.

ơ

Chia sẻ Bài này:
[7] [8] [9]