Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 03-2016

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

NGƯỜI BẢO VỆ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

4. Không lâu sau ngày Truyền tin, khi Mẹ Maria đến nhà ông Dacaria để thăm người bà con Êlisabét, vừa khi Mẹ cất tiếng chào, Mẹ được nghe những lời chúc tụng của Êlisabét, lúc ấy “được đầy tràn Chúa Thánh Thần” (Lc 1,41). Ngoài lời chào hỏi gợi lại điều sứ thần đã nói lúc truyền tin, bà Êlisabét còn nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Những lời này đã là ý tưởng chỉ đạo cho thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong thông điệp này, Tôi đã nhắm đào sâu giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Công đồng đã nêu rõ rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã tiến bước trên đường lữ hành đức tin, và kiên tín giữ sự hiệp nhất với Con cả lúc đứng dưới chân Thập giá”, “đi trước” mọi kẻ tin theo Đức Kitô.

Vào lúc khởi đầu cuộc lữ hành, đức tin của Mẹ Maria gặp đức tin của thánh Giuse. Nếu bà Êlisabét nói về Mẹ Đấng Cứu chuộc: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin”, thì theo một nghĩa nào đó, sự chúc phúc này cũng có thể được áp dụng cho Giuse, vì Ngài đã tích cực đáp lời Thiên Chúa khi lời này được truyền đạt cho Ngài vào giây phút quyết định. Mặc dù đúng thật là Giuse đã không đáp trả lại lời truyền tin của sứ thần cùng một cách như Mẹ Maria, nhưng Ngài đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Điều Ngài đã làm là một “sự vâng phục đức tin” rõ rệt nhất (x. Rm 1,5; 16,26; 2Cr 10,5-6).

Người ta có thể nói rằng điều Thánh Giuse làm đã liên kết Người một cách đặc biệt với đức tin của Mẹ Maria. Người đã tin nhận như là chân lý đến từ Thiên Chúa chính điều mà Mẹ Maria đã đón nhận vào lúc truyền tin. Công đồng dạy rằng: “Vâng phục của đức tin là phải đáp trả lại Thiên Chúa khi Người mạc khải chính mình. Nhờ sự vâng phục của đức tin, con người tự do tận hiến cho Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn trí khôn và ý chí cho Thiên Chúa, Đấng mạc khải, và “sẵn lòng tin nhận điều Thiên Chúa mạc khải cho mình”. Giáo huấn này nói lên chính yếu tính của đức tin, hoàn toàn có thể áp dụng cho Giuse, người làng Nagiarét.

5. Vì thế Ngài trở thành người bảo vệ duy nhất của mầu nhiệm “đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa” (Ep 3,9), giống như Mẹ Maria, vào giây phút quyết định mà Thánh Phaolô gọi là: “khi thời gian tới hồi viên mãn”, lúc “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà… để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Dùng chính ngôn từ của Công Đồng: “Theo hảo ý, trong sự tốt lành và khôn ngoan của mình, Thiên Chúa muốn tự mạc khải và thông tri mầu nhiệm ý muốn của mình (x. Ep 1,9). Ý muốn của Ngài là con người phải tới được Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm, trong Chúa Thánh Thần, và trở nên người tham dự vào thiên tính (x. Ep 2,18; 2Pr 1,4)”.

Cùng với Mẹ Maria, Giuse là người gìn giữ đầu tiên mầu nhiệm thiêng liêng này. Cùng với Mẹ Maria, và trong tương quan với Mẹ Maria, Ngài cộng tác vào giai đoạn tự mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa trong Đức Kitô, và Ngài đã cộng tác như thế ngay từ buổi đầu. Nhìn lại các đoạn văn Tin Mừng của cả Mátthêu và Luca, người ta có thể nói rằng thánh Giuse là người đầu tiên chia sẻ đức tin của Mẹ Thiên Chúa, và khi chia sẻ như thế, Ngài nâng đỡ niềm tin của vị hôn thê vào lời truyền tin của Thiên Chúa. Ngài cũng là người đầu tiên được Thiên Chúa đặt trên đường “lữ hành đức tin” của Mẹ Maria. Đó là đoạn đường Mẹ Maria đi trước cách tuyệt hảo, đặc biệt vào lúc ở Núi Sọ và lúc Hiện Xuống.

6. Đường lữ hành trong đức tin của Thánh Giuse kết thúc trước, nghĩa là trước khi Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá trên đồi Gôngôtha, và trước thời điểm Đức Kitô trở về cùng Cha, khi Mẹ hiện diện ở lầu Tiệc Ly vào lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo Hội biểu lộ mình ra cho thế giới, sau khi được sinh ra trong quyền năng của Thánh Thần Chân lý. Dầu vậy, đường đức tin của thánh Giuse không có gì thay đổi: hoàn toàn được xác định bởi cùng một mầu nhiệm, mà Ngài cùng với Mẹ là người bảo vệ đầu tiên. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu chuộc tạo thành một duy nhất tính hữu cơ và bất khả phân, nơi đó “chương trình mạc khải được thực hiện qua ngôn từ và hành động, cả hai tương quan mật thiết nội tại với nhau”. Chính vì duy nhất tính này mà Đức Gioan XXIII, người rất sùng kính thánh Giuse, đã chỉ thị phải thêm tên của thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma của Thánh lễ – vốn là hành vi muôn đời tưởng nhớ việc cứu chuộc – sau tên của Mẹ Maria, và trước tên các Thánh Tông đồ, Giáo hoàng và Tử đạo.

Việc phục vụ của người Cha

7. Như có thể suy diễn từ các bản văn Tin Mừng, cuộc hôn nhân của thánh Giuse với Mẹ Maria là nền tảng pháp lý cho chức vụ làm cha. Vì nhằm bảo đảm có một người cha bảo vệ Chúa Giêsu mà Thiên Chúa chọn Giuse làm chồng Mẹ Maria. Nhờ thế mà chức vụ làm cha của Giuse – một tương quan khiến Ngài hết sức gần gũi với Đức Kitô, Đấng mà những ai được tuyển chọn và được tiền định đều quy chiếu về (x. Rm 8,28-29) – [chức vụ làm cha] có được qua cuộc hôn nhân với Mẹ Maria, nghĩa là qua gia đình.

Khi minh nhiên khẳng định Chúa Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và sự trinh khiết vẫn được bảo toàn nguyên vẹn trong hôn nhân (x. Mt 1,18-25; Lc 1,26-38), các thánh sử muốn nói Giuse như là chồng của Mẹ Maria, và Mẹ Maria là vợ của Người (x. Mt 1,16,18-20,24; Lc 1,27; 2,5).

Và khi Giáo Hội thấy thật là quan trọng phải tuyên xưng sự hoài thai Chúa Giêsu đồng trinh, thì một điều khác cũng không kém trọng yếu là Giáo Hội phải bênh vực hôn nhân của Mẹ Maria với thánh Giuse, vì theo pháp lý cương vị làm Cha của thánh Giuse tuỳ thuộc vào đó. Vì thế người ta mới hiểu tại sao phả hệ lại được liệt kê theo phả hệ của thánh Giuse. Thánh Augustinô hỏi: “Tại sao phả hệ lại không được kể theo thánh Giuse cơ chứ? Người không phải là chồng của Mẹ Maria sao? Kinh Thánh ghi nhận, qua uy quyền của sứ thần, rằng Người là chồng của bà. Sứ thần nói: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Giuse được bảo phải đặt tên cho con trẻ, dù không phải là con do mình. Sứ thần nói: ‘Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu’. Kinh Thánh nhìn nhận Chúa Giêsu không sinh ra từ dòng giống của Giuse, vì khi thắc mắc về nguồn gốc bào thai trong lòng Mẹ Maria, Giuse được cho biết đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, Ngài không bị tước mất quyền làm cha vào lúc Ngài được bảo phải đặt tên cho con trẻ. Cuối cùng, cả Trinh Nữ Maria, dù ý thức rằng mình không thụ thai Đức Kitô qua việc vợ chồng với Giuse, bà vẫn gọi ông là Cha Đức Kitô”.

Người Con của Mẹ Maria cũng là người Con của thánh Giuse qua mối liên kết hôn nhân đã nối kết hai người: “Nhờ hôn nhân thuỷ chung của họ, cả hai xứng đáng được gọi là cha mẹ của Đức Kitô. Không chỉ mẹ Người, nhưng cả cha Người, cũng là cha là mẹ cùng một cách thức như nhau, vì Giuse là chồng của Mẹ Người: theo tinh thần, chứ không theo thể xác”. Trong cuộc hôn nhân này, không thiếu vắng điều kiện cần thiết nào: “Nơi cha mẹ của Đức Kitô mọi điều tốt đẹp của hôn nhân đều được thực hiện – con cái nối dòng, sự chung thuỷ, sự bền vững: Con cái là chính Chúa Giêsu; chung thuỷ, vì không có ngoại tình; bền vững, vì không có ly dị”.

Phân tích bản chất cuộc hôn nhân này, cả Thánh Augustinô lẫn Thánh Tôma luôn luôn đồng hoá nó với một “hiệp nhất tâm hồn bất khả phân”, một “hợp nhất đôi tim”, với “đồng thuận”. Người ta tìm thấy những yếu tố này được thể hiện cách tuyệt hảo trong cuộc hôn nhân của Mẹ Maria và Giuse. Vào cao điểm của lịch sử Cứu chuộc, khi Thiên Chúa biểu lộ tình yêu dành cho nhân loại qua quà tặng là Ngôi Lời, thì Mẹ Maria và thánh Giuse qua chính việc nhận lãnh và biểu lộ tình yêu hôn nhân của mình, đã thực hiện trong trọn vẹn “tự do” sự trao hiến mình cho nhau. ”Trong công cuộc vĩ đại đổi mới mọi sự trong Đức Kitô, thì hôn nhân – vốn cũng được thanh luyện và canh tân – trở thành một thực thể mới, một bí tích của Tân Ước. Chúng ta thấy rằng, vào lúc khởi đầu của Tân Ước, cũng giống như lúc ban đầu của Cựu Ước, đã có một cặp vợ chồng. Nhưng trong khi Ađam và Evà là nguồn gieo vãi sự dữ vào thế gian, thì thánh Giuse và Mẹ Maria là cao điểm hội tụ từ đó sự thánh thiện lan toả khắp thế giới. Chính nơi cuộc hôn nhân trinh khiết và thánh thiện này mà Đấng Cứu Thế đã bộc lộ ý toàn năng của Ngài, khi khởi đầu việc cứu chuộc, là muốn thanh luyện và thánh hoá gia đình – là cung thánh tình yêu và nôi bảo dưỡng sự sống”.

Các gia đình ngày nay học hỏi được biết bao nhiêu điều từ điểm này! “Phân tích cho cùng thì bản chất và vai trò của gia đình là tình yêu. Vậy gia đình có nhiệm vụ bảo toàn, biểu lộ, hiệp thông tình yêu, và gia đình là một suy tư sống động về, và là một chia sẻ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình yêu Đức Kitô dành cho Giáo Hội, Hiền thê Người”. Đây là điều diễn ra nơi Thánh Gia Thất, mà mọi gia đình Kitô hữu phải phản ánh được nơi “Giáo Hội nhỏ bé (Giáo Hội tại gia)”. “Qua an bài mầu nhiệm của Thiên Chúa, chính trong gia đình như thế mà Con Thiên Chúa đã trải qua nhiều năm ẩn cư. Vì thế, đó chính là nguyên mẫu và gương sáng cho mọi gia đình Kitô hữu”.

(Trích Tông huấn “Người trông nom Đấng Cứu Thế, 15/08/1989, các số 4-7).

 

KHUÔN MẶT THƯƠNG XÓT

6. “Thật là xứng hợp để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót, và Người tỏ quyền năng tối thượng của Người cách đặc biệt qua điều này.” Những lời của Thánh Tôma Aquinô cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là dấu chỉ sự toàn năng của Ngài chứ không phải là một chỉ dấu của sự yếu đuối. Vì lý do đó, phụng vụ, trong một lời nguyện của một Kinh Tiền Tụng cổ kính, mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, Đấng mạc khải sức mạnh của mình, trên hết tất cả, nơi lòng thương xót và tha thứ… ” Trong suốt lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa sẽ luôn luôn là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện, và thương xót.

“Chậm bất bình và giàu lòng thương xót.” Những lời này thường đi đôi với nhau trong Cựu Ước để mô tả bản tính của Thiên Chúa. Tính từ bi của Ngài được thể hiện cụ thể nơi nhiều hành động của Ngài xuyên suốt lịch sử cứu độ trong đó lòng nhân từ trổi vượt trên những hình phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt sự hùng vĩ của hành động đầy lòng thương xót của Ngài: “Ngài tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Ngài chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Ngài cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Ngài trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4). Một Thánh Vịnh khác, thậm chí còn minh nhiên hơn nữa, khi minh chứng cho những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót của Ngài: “Ngài xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146,7-9). Còn đây là một số diễn đạt khác của Vịnh Gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành… Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.” (Tv 147,3.6). Tóm lại, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu dàng và từ bi, thứ tha và thương xót.

7. “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời” là điệp khúc được lặp đi lặp lại sau mỗi câu trong Thánh Vịnh 136 khi kể lại lịch sử mặc khải của Thiên Chúa. Nhờ lòng thương xót Chúa, tất cả các sự kiện của Cựu Ước đều được thấm nhập sâu sắc ơn cứu độ. Lòng Thương Xót đã biến lịch sử của Thiên Chúa với Israel thành một lịch sử cứu độ. Lặp lại liên tục “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời”, như trong Thánh Vịnh này, dường như là muốn xuyên thủng các chiều kích của không gian và thời gian, để đặt tất cả mọi sự vào mầu nhiệm của tình yêu vĩnh cửu; như thể nói rằng không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến muôn đời con người sẽ luôn luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Israel muốn bao gồm Thánh Vịnh này – “Đại Hallel”, như nó được gọi – trong những ngày lễ phụng vụ quan trọng nhất.

Trước cuộc thương khó của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh của lòng thương xót này. Thánh Matthêu minh chứng cho điều này trong Phúc Âm của ngài khi nói rằng, “Hát thánh vịnh xong” (26,30), Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể như một tưởng niệm đời đời về chính mình và hy lễ vượt qua của mình, Chúa Giêsu đã đặt một cách biểu tượng hành động tối cao này của mặc khải trong ánh sáng lòng thương xót của Ngài. Cùng trong một bối cảnh của lòng thương xót như thế, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó và cái chết của Ngài, với ý thức về mầu nhiệm cao cả của tình yêu mà Ngài sẽ thành toàn trên thập tự giá. Khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh này, chúng ta càng thấy Thánh Vịnh này quan trọng hơn đối với chúng ta trong tư cách là các Kitô hữu, càng thấy bị thách thức phải lặp lại điệp khúc này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta bằng cách cầu nguyện với những lời tán tụng này: “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời.”

8. Với đôi mắt của chúng ta dán chặt vào Chúa Giêsu và ánh mắt xót thương của Ngài, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Sứ vụ của Chúa Giêsu được Chúa Cha trao phó là mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của tình yêu ấy. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16), Thánh Gioan khẳng định như thế lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm đến được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa hình thành với những người tiếp cận Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi.

Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Ngài, nhận ra rằng họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt, đã chạnh lòng thương cảm sâu xa đối với họ (x Mt 9,36). Trên cơ sở của tình yêu từ bi này, Ngài chữa lành những kẻ đau yếu được mang đến với Ngài (x Mt 14,14), và chỉ với một vài cái bánh và một ít cá, Chúa đã làm hài lòng đám đông khổng lồ (x Mt 15,37). Điều làm Chúa Giêsu chạnh lòng trong tất cả các tình huống này không gì khác hơn là lòng thương xót, nhờ đó Ngài đọc được trái tim của những người Ngài gặp gỡ và đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của họ. Khi Ngài gặp bà góa thành Naim đem con mình đi chôn, Ngài chạnh lòng thương xót trước những đau khổ bao la của người mẹ đau khổ này, và Ngài đã cho kẻ chết sống lại để trao người con lại cho bà (Lc 7,15). Sau khi giải phóng cho người bị thần ô uế ám tại miền quê Ghêrasa, Chúa Giêsu trao cho anh ta nhiệm vụ này: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” (Mc 5,19). Chúa cũng đã kêu gọi ông Mátthêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua cái quầy của người thu thuế, Chúa Giêsu nhìn chăm chú vào Mátthêu. Đó là một cái nhìn đầy lòng thương xót tha thứ cho những tội lỗi của người này, một kẻ có tội và là người thu thuế, mà Chúa Giêsu đã chọn – bất kể sự do dự của các môn đệ – để trở thành một trong số mười hai. Thánh Bede Đáng Kính, khi bình luận về đoạn Tin Mừng này, đã viết rằng Chúa Giêsu đã nhìn Mátthêu với tình yêu thương xót và đã chọn ông. Thành ngữ này gây ấn tượng mạnh cho tôi đến mức tôi đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của mình.

(Trích tông chiếu của ĐGH Phanxciô
“Misericordiae Vultus”, 6-8)

Chia sẻ Bài này:

Related posts