Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2018

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

ĐỨC NỮ RẤT ĐÁNG KÍNH CHUỘNG

Giáo Hội tặng khen Đức Mẹ là “Đức Nữ rất đáng kính chuộng”. Không phải tự dưng Giáo Hội tặng khen Đức Mẹ huy hiệu này đâu. Giáo Hội tặng khen Người sự kính chuộng ấy vì tình lại vì lí, đến nỗi ai không kính chuộng Đức Mẹ, người ấy có lỗi với Người, lỗi vì tình mà còn lỗi vì lí nữa.

Sau đây là lí lẽ minh chứng điều chúng ta vừa mới nói trên:

Xét về lí, Đức Mẹ rất đáng kính chuộng, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Xét về tình, Đức Mẹ rất đáng kính chuộng, vì Mẹ là mẹ chúng ta.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa

Kẻ kính trọng vua, dĩ nhiên phải kính trọng mẹ vua, vì người sinh ra vua. Có mẹ vua thì mới có vua, cũng như có cây mới có quả. Mẹ vua chính là người được thông công với vua trong các sự tôn trọng và quyền hành theo pháp lí.

Chúng ta cũng phải nói như thế về Đức Mẹ. Đức Mẹ là Mẹ Chúa, là đấng đã thụ thai sinh dưỡng và khó nhọc với Chúa suốt đời. Mẹ đã cùng với Chúa ngậm đắng nuốt cay trong những năm còn sống dưới thế. Chính Chúa cũng phải cảm phục tấm lòng vàng của Đức Mẹ với quyền bính hiền mẫu của Mẹ, nên Chúa đã vui lòng thực hiện nhiệm vụ làm con trong ba mươi năm, vâng lời chịu luỵ.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa còn kính mến Đức Mẹ, phương chi Giáo Hội và giáo dân sao lại không kính mến Đức Mẹ?

Mẹ của chúng ta

Tổ tông loài người phạm tội đã công nhiên đem con cháu xuống hố chết. Vì lòng thương xót vô cùng, Thiên Chúa đã cho Con Một Người xuống đầu thai trong lòng Đức Mẹ. Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, tức là sinh lại nhân loại cách thiêng liêng. Vì nếu không có Đức Mẹ, thì làm sao nhân loại có thể lấy lại sự sống đời đời đã mất? Theo ý nghĩa này nhân loại là con Đức Mẹ.

Mặt khác, trên thánh giá khi gần tắt thở, Chúa Giêsu đã trối người môn đệ Chúa yêu cho Đức Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà”. Sự kiện này càng làm sáng tỏ hơn loài người hết thảy là con Đức Mẹ.

Điều răn thứ bốn trong Mười điều răn dạy rằng: “Thảo kính cha mẹ”. Giáo Hội hiểu rõ hơn ai hết tình thảo kính ấy, nên đã nêu câu: “Đức Nữ rất đáng kính chuộng”, để kéo chú ý thảo kính của người giáo dân.

Không phải Giáo Hội chỉ nói suông thế mà thôi đâu, Giáo Hội còn thực hiện công khai lời mình tuyên bố. Đừng kể rất nhiều lễ kính Đức Mẹ hằng năm, Giáo Hội còn lập nên rất nhiều phong trào, đoàn thể chuyên môn việc sùng kính Đức Mẹ.

Không có nhà thờ nào mà không có bàn thờ riêng dâng kính Đức Mẹ. Nhiều nhà thờ còn được dâng kính riêng cho Mẹ nữa.

Như thế, Giáo Hội cũng vẫn chưa thoả lòng, Giáo Hội còn dành riêng mỗi năm hai tháng để kính Đức Mẹ: Tháng Năm – Tháng Hoa và tháng Mười – Tháng Mân Côi.

Lạy Đức Mẹ là “Đấng rất đáng kính chuộng”, chúng con xin hợp cùng các thánh nam nữ, chín phẩm thiên thần trên trời, cùng toàn thể Giáo Hội dưới thế, hết lòng kính trọng Mẹ vì chức làm Mẹ Thiên Chúa và làm mẹ chúng con nơi Mẹ đã quá xứng đáng để Mẹ được sùng kính đặc biệt như vậy.

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,
Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).

 

LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI

Sau khi thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Thánh Đa Minh mong muốn chấm dứt những sai lạc của bè rối Albigensê. Được Thần Khí Chúa thúc đẩy, ngài bắt đầu khẩn nài sự trợ giúp của Thánh Mẫu Đồng Trinh để tăng sức cho những ai đang phải vất vả quét sạch lạc giáo trong vũ trụ này; và ngài rao giảng Kinh Mân Côi như một phương thức bảo trợ hữu hiệu chống lại lạc giáo và thói xấu.

Chân phước giáo hoàng Pio IX

Bạn có biết lòng sùng kính Kinh Mân Côi xuất hiện như thế nào không? Bằng cách thức tuyên truyền ngụy biện, lạc giáo đã lan rộng nhanh chóng và tạo nên một thế lực rất lớn chống lại Giáo Hội. Vì vậy, Thiên Chúa đã gợi hứng cho Thánh Đa Minh thiết lập và truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Cách thức này có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng Chúa lại chọn lựa những điều nhỏ bé trong thế giới để hạ bệ những điều lớn lao. Do đó, trước tiên cách thức này dành cho những ai có lòng đơn sơ và nghèo khó, nhưng không chỉ cho những người này thôi đâu, mà còn cho tất cả những ai thực hành lòng sùng kính này biết rằng trong sự sùng kính này có một sự ngọt ngào mà không điều gì khác có được.

Chân phước John Henry Newman

Dưới sự hướng dẫn cùng với quyền năng của Đức Maria, nhiều người thành tâm thiện chí -nổi tiếng về đức hạnh chứ không phải về tinh thần tông đồ- đã đứng lên đương đầu với kẻ thù và dẫn đưa các linh hồn quay trở lại với đời sống Kitô hữu. Các ngài đã thắp lên trong các linh hồn này ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Trong số đó, Thánh Đa Minh là một người như thế. Đặt trọn niềm tin tưởng vào Kinh Mân Côi của Đức Mẹ, thánh nhân không sợ hãi chu toàn cả hai trách vụ trên với những thành quả tốt đẹp.

Giáo hoàng Leo XIII

Vĩ đại trong toàn bộ giáo huấn, trong tấm gương đức hạnh và sứ vụ tông đồ, Thánh Đa Minh đã can trường chiến đấu với kẻ thù của Giáo Hội, không phải bằng vũ lực nhưng bằng việc hoàn toàn tín thác vào Kinh Mân Côi mà ngài đã khởi xướng. Phương thức cầu nguyện này đã được ngài và các môn sinh truyền bá khắp cùng trái đất. Thật vậy, được hướng dẫn bởi Thần Khí và Ân Sủng, thánh nhân tiên báo rằng lòng sùng kính này sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất để chiến đấu với kẻ thù, phá hủy tính ngang ngược và những hành động bất kính điên rồ của chúng. Nhờ vào phương thức cầu nguyện mới này -khi được đón nhận và thực hiện đúng cách như chính cha Thánh Đa Minh đã thiết lập- lòng mộ đạo, đức tin và sự hiệp nhất đã bắt đầu quay trở lại. Các kế hoạch và mưu chước của những người lạc giáo dần sụp đổ. Những người lầm lạc quay trở lại với ơn cứu độ. Cơn phẫn nộ của những kẻ nghịch đạo cũng được kiềm chế bằng vũ khí của những người Công Giáo đã quả cảm chống lại hung tàn.

Giáo hoàng Leo XIII

 

Mẹ Thiên Chúa trao ban Kinh Mân Côi cho Thánh phụ Đa Minh để ngài có thể truyền bá lời kinh ấy.

Giáo hoàng Leo XIII

Hết lòng yêu mến và tuyệt đối tin tưởng vào sự bảo trợ của Mẹ, Thánh Đa Minh đã bắt đầu cuộc chiến bảo vệ đức tin. Trong số các tín điều, bè rối Albigensê ra sức đả phá thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và Đặc ân Đồng trinh của Đức Maria. Thánh Đa Minh cũng bị chúng lăng mạ vì ngài cố gắng bảo vệ tính thánh thiêng của các tín điều này. Thánh nhân thường xuyên khẩn cầu Đức Trinh Nữ trợ giúp: “Xin cho con trở nên xứng đáng để rao giảng về Mẹ, ôi Trinh Nữ thánh thiện; xin ban cho con sức mạnh để chống lại thù địch của Mẹ.” Hạnh phúc thay! Từ đây, Nữ Hoàng Thiên Quốc cùng với tôi tớ thánh thiện của Mẹ có thể hợp nhất với nhau. Bởi chưng, Mẹ đã dùng sứ vụ của Thánh Đa Minh để truyền dạy Kinh Mân Côi cực thánh cho Giáo Hội là Hiền thê của Con Mẹ. Qua tâm nguyện hay khẩu nguyện, Giáo Hội chiêm ngắm những mầu nhiệm ẩn chứa trong lời kinh này. Do đó, trong sứ vụ giảng thuyết, Thánh Đa Minh muốn môn sinh phải khắc cốt ghi tâm lời kinh đó, ngõ hầu có thể lãnh nhận những ơn ích mà chính ngài đã cảm nghiệm được.

Giáo hoàng Benedicto XV

Vào thời Trung cổ, cuộc tranh luận với bè rối Albigensê về nhân tính của Đức Kitô lại diễn ra. Thánh Đa Minh từng bước chuẩn bị và chọn lựa sao cho những tuyên bố của ngài về đặc ân Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa trở nên thuyết phục hơn. Thật vậy, nền tảng cho tín điều này đã được lặp lại nhiều lần trong Kinh Kính Mừng. Chuỗi Mân Côi trở nên như một bộ tổng luận thần học, một sách giáo lý cho mọi người mang đặc tính kép: vừa là lời cầu nguyện vừa là người thầy dạy cầu nguyện. Từ đó, những nhà giảng thuyết Đa Minh có thể đúc rút những nội dung và ý tưởng cho bài giảng của mình.

Tôi tớ Chúa Joseph Kentenich

Một ngày kia, Chúa nói với chân phước Alain: “Nếu những kẻ tội lỗi bất hạnh đáng thương này đọc Kinh Mân Côi của Ta, họ sẽ được thông phần với công trạng thương khó của Ta, và Ta sẽ là Đấng Bầu Cử cho họ và Ta sẽ làm vui thỏa sự công chính của Cha Ta.”

Thánh Louis de Montfort

THÁNH GIÁO HOÀNG PIÔ V
VỊ GIÁO HOÀNG DÒNG ĐA MINH
VỀ KINH MÂN CÔI
(1504-1572)

Thánh Giáo Hoàng Piô V gia nhập Dòng Đa Minh năm 14 tuổi. Ngài là người sống rất kỉ luật và đam mê học hỏi. Chính vì lẽ đó, Ý Chúa nhiệm mầu đã muốn đặt ngài làm Giáo Hoàng để trở nên “con chó của Thiên Chúa”. Nhờ đó, ngài có thể dùng tiếng gầm của mình để chống lại cuộc li khai của Tin Lành và những người Thổ theo Hồi Giáo đang muốn thống trị Giáo Hội và nền văn minh Phương Tây. Là một Giáo Hoàng canh tân, ngài nhiệt tâm chỉnh đốn lối sống buông thả của giới tu sĩ và những bại hoại luân lý trong hàng giáo phẩm. Ngài có vai trò rất lớn trong việc thực thi thành công các sắc lệnh của công đồng Trentô và chuẩn hóa Phụng Vụ. Mặc dù rất bận rộn với vai trò là người đại diện Chúa Kitô, ngài vẫn cống hiến đắc lực cho Dòng Đa Minh và luôn mặc tu phục màu trắng Đa Minh nơi phẩm phục giáo hoàng. Theo hầu hết các sử gia, thánh Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập một tiền lệ cho những vị kế nhiệm là mặc áo chùng trắng như một phẩm phục giáo hoàng.

Lòng Sùng Kính Đức Maria

Với khát khao chuẩn hóa Phụng Vụ, ngài cho duyệt lại Phụng Vụ Các Giờ Kinh vào năm 1568. Như một phần cần duyệt lại, ngài đã đưa bản hoàn tất Kinh Kính Mừng (đã được sử dụng trong các bản kinh nhật tụng khác) vào Kinh Nhật Tụng phổ quát cho cả Giáo Hội La Mã. Như vậy, hành động này đã chính thức công bố bản Kinh Kính Mừng đầy đủ – bản kinh mà ngày nay chúng ta đang sử dụng- như một thể thức được chuẩn y một cách phổ quát. Bản Kinh Kính Mừng đầy đủ này không phải xuất phát trong triều đại giáo hoàng của Đức Piô V, bởi vì nó đã được sử dụng từ thế kỉ thứ 14. Nhờ danh tiếng và uy tín của mình, ngài đã thiết lập Kinh Kính Mừng như một quy chuẩn phổ quát.

Nhắm đối phó với cuộc chống đối của Tin Lành, thánh Giáo Hoàng Piô V đã cho phát hành Sách Giáo Lý Công Đồng Trento. Tập sách này bao gồm những giáo huấn chính thức của Hội Thánh về Đức Trinh Nữ Maria. Là người bạn thân thiết của thánh Carôlô Borromeo, hồng y và là giám mục thành Milan, thánh Giáo Hoàng Piô V đánh giá rất cao những nỗ lực của thánh Borromeo nhằm bảo vệ Kinh Mân Côi chống lại phái Tin Lành. Thánh Giáo Hoàng đặc biệt ủng hộ thánh Carôlô khi ngài tận lực bảo vệ Giáo Hội bằng cách nhấn mạnh vai trò thiết yếu của Đức Trinh Nữ Maria trong cuộc đời Đức Kitô và trong Giáo Hội. Thánh Piô V đã được an táng trong ngôi thánh đường lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo được cung hiến cho Đức Maria. Đó là Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Roma.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Thánh Piô V là một trong những vị chiến sĩ vĩ đại nhất trên cương vị giáo hoàng về Kinh Mân Côi. Ngài đã viết hai văn kiện đặc biệt về Kinh Mân Côi. Thánh nhân quảng bá Kinh Mân Côi như một phương tiện giúp chế ngự quân Hồi Giáo, và đã thiết lập thánh lễ tôn vinh Kinh Mân Côi. Văn kiện đầu tiên được ngài ban hành vào ngày 17 tháng 11 năm 1569 có tựa đề là Consueverunt Romani Pontifices. Đi theo với việc ca ngợi Kinh Mân Côi, tông thư này bao hàm nhiều phát biểu khẳng định truyền thống đạo đức và khuyến khích lần hạt Mân Côi thường xuyên, đặc biệt là để chống lại những đe dọa đang diễn ra từ các tín đồ Hồi Giáo.

Trước âm mưu xâm lược của những người Thổ Ottoman (Hồi Giáo), thánh Giáo Hoàng Piô V đã thành lập một Liên Hiệp Thánh. Đây là một lực lượng quân đội nhằm phản kháng trước thế lực hùng mạnh của Hồi Giáo. Nhận thấy sức mạnh của Kinh Mân Côi, ngài chủ đích thiết lập Liên Hiệp này trong ngày lễ kính Thánh Đa Minh. Trong nỗ lực chiến đấu với quân Hồi Giáo, ngài kêu mời tất cả các Kitô hữu toàn cầu, đặc biệt là ở Ý, hãy quy tụ và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi ngõ hầu có thể đánh bại quân Hồi Giáo. Chính ngài cũng tụ họp mọi người ở Rôma, ngay trong ngôi thánh đường Santa Maria Sopra Minerva thuộc dòng Đa Minh, để cùng nhau đọc Kinh Mân Côi cầu nguyện cho ý chỉ này. Những lời cầu nguyện sốt sắng của ngài và của mọi người đã được Thiên Chúa toàn năng nhậm lời. Theo ghi chép lịch sử kể lại, trước khi tin tức loan đến Rôma cho biết quân Hồi Giáo đã bị đánh bại trong trận chiến Lepanto, thì thánh Giáo Hoàng Piô V đã nhận được một thị kiến là nhìn thấy Đức Mẹ, và ngài biết chắc rằng trận chiến đã thắng là nhờ vào Liên Hiệp Thánh này.

Nhằm bày tỏ lòng biết ơn về chiến thắng ở Lepanto, và xác tín rằng chiến thắng là nhờ vào chiến dịch lần hạt Mân Côi mà mình đã khởi xướng, thánh Giáo Hoàng đã ban hành văn kiện thứ 2 về Kinh Mân Côi Salvatoris Domini vào ngày 15 tháng 3 năm 1572. Trong văn kiện này, ngài chỉ thị phải thiết lập một thánh lễ vào ngày 7 tháng 10 hằng năm nhằm tưởng niệm biến cố chiến thắng quân Hồi Giáo. Ngày lễ này được mang một cái tên thích hợp là Đức Mẹ Chiến Thắng. Cũng trong văn kiện này, để công nhận vai trò đặc biệt của Kinh Mân Côi trong cuộc chiến ở Lepanto, ngài cũng thiết lập Chúa Nhật Mân Côi. Thánh lễ này được cử hành hằng năm vào Chúa Nhật đầu tiên trong tháng Mười. Tất cả những ai tham dự thánh lễ đều được lãnh nhận một ơn toàn xá. Ngài cũng ban ơn toàn xá cho bất cứ ai đã tham gia vào Hội Mân Côi.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

 

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY

Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường… Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn trên? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và thử thách, làm mới lại vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa?

Theo Kinh Thánh, ngay từ đầu, gia đình đã bị tổn thương trầm trọng vìtội lỗi. Tương quan vợ chồng được định hình bằng sự thèm muốn và thống trị hơn là yêu thương và phục vụ (x. St 3,16). Tương quan giữa anh chị em trong gia đình cũng bị đổ vỡ nặng nề như Kinh Thánh kể lại: Cain giết em trai mình là Abel, các con của tổ phụ Giacóp ghen tị và tìm cách làm hại người em là Giuse, các con vua Đavít tàn sát lẫn nhau…

Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại và ở mỗi thời đại, lại có những thách đố mới. Trong Tông huấnNiềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy những nguyên nhân gây tác động tiêu cực trên đời sống gia đình ngày nay.

Trước hết là những khó khăn về mặt kinh tế và xã hội. Trong ba thập niên qua, khi đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, đời sống kinh tế phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng rất nhanh và rất lớn. Có những người quá nghèo, không công ăn việc làm, không nhà ở, nên cũng không dám kết hôn. Gắn với kinh tế thị trường là tình trạng di dân đã trở thành phổ biến tại Việt Nam, gây tác động lớn trên đời sống gia đình, nhất là những tác động tiêu cực. Vì hoàn cảnh, chồng phải đi làm xa, để vợ và các con ở lại quê nhà; hoặc hai vợ chồng đi làm xa, để các con lại cho ông bà chăm sóc; hoặc cả gia đình đưa nhau lên thành phố, sống trong những khu lao động chật chội. Tất cả đều gây tác động cụ thể trên đời sống vợ chồng cũng như việc giáo dục con cái. Ngoài ra, tình trạng nghiện ngập (ma túy, rượu chè, cờ bạc) cũng như nạn bạo hành đang gieo rắc đau khổ trên biết bao gia đình, không những gây khó khăn cho đời sống kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên sự bình an và hạnh phúc của cả nhà.

Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, chúng ta không thể không quan tâm đến những tác động của văn hoá thời đại trên các gia đình, cách riêng những gia đình trẻ. Đó là nền văn hoá đề cao cá nhân đến mức cực đoan, ai cũng coi bản thân mình là nhất, từ đó dẫn đến xung đột giữa các thành viên và làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Đó còn là nền văn hoá đề cao lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng chứ không muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hoá này biến quan hệ tình dục thành món hàng mua vui, nhìn người khác như dụng cụ và phương tiện cho mình thoả mãn, chứ không phải một chủ thể để tôn trọng và yêu thương. Đó cũng là nền văn hoá chủ trương sống nhanh, sống gấp, do đó người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua mà không muốn cam kết lâu dài.

Hậu quả là tình trạng ly thân, ly dị, gia đình đổ vỡ ngày càng nhiều, để lại những tổn thương tâm lý nặng nề trên đôi bạn, nhất là những tác động xấu trên con cái, từ đó ảnh hưởng đến đời sống chung trong xã hội và Hội Thánh. Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Ly dị là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta” (Niềm vui của tình yêu, 246).

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,Tâm thư gửi các gia đình
Công giáo,
số 3-6.

Chia sẻ Bài này:

Related posts