- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2016

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 02/2016

HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN

Ý chung: Cầu cho chúng ta, biết quan tâm đến vũ trụ vạn vật, là hồng ân nhưng không đã nhận được, để canh tác và gìn giữ cho các thế hệ tương lai.

Ý truyền giáo: Cầu cho những cơ hội đối thoại và gặp gỡ giữa niềm tin Kitô giáo với các dân tộc Châu Á được gia tăng. 

GIÁO HUẤN

Mùa Chay trong Năm Thánh này cũng nên được sống sốt sắng hơn như một thời thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa. Biết bao nhiêu trang Sách Thánh rất thích hợp cho suy niệm trong những tuần Mùa Chay giúp chúng ta tái khám phá ra khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Cha! Chúng ta có thể lặp lại những lời của tiên tri Mica và biến những lời này thành lời của chúng ta: “Thân Lạy Chúa, Ðấng chịu đựng lỗi lầm, Ðấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài. Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”

Đức Phanxicô, Misericordiae Vultus, 17


GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục…
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

 

Tháng Hai năm nay có hai điều đặc biệt sẽ diễn ra, đó là: Tết Nguyên Đán và Mùa Chay.

Tết Nguyên Đán là một cơ hội để mỗi người Việt sống xa nhà và xa quê hương trải nghiệm bầu khí yêu thương, chia sẻ và đầm ấm của gia đình. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chúng ta là những người con có lúc đi xa Ngài. Ngài luôn chờ đợi chúng ta quay về, Ngài không trách chúng ta. Khi chúng ta quay về, Ngài vui mừng mở tiệc để thiết đãi chúng ta.

Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối không có nghĩa là sống trong đau buồn. Sám hối là thay đổi nếp sống cũ là thói hư tật xấu, để mặc lấy một tâm tình mới, tâm tình của Người Cha nhân hậu. Người Cha ấy luôn luôn mang khuôn mặt của tình thương, khuôn mặt đó được thể hiện nơi Đức Giêsu. Mang lấy danh Đức Giêsu, là mang lấy khuôn mặt thương xót của Chúa Cha.

Là người môn đệ, chúng ta được Thầy Giêsu mời gọi sống có lòng thương xót như Chúa Cha.

Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.

01.02.2016                                                            Thứ Hai

Tuần 4 TN                                                            Mc 5,1-20

 “Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ” (Mc 5,17).

Như Mẹ: Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho ma quỷ phải xuất khỏi người bệnh. Tuy nhiên, phần đông dân chúng lại không đón nhận Ngài và những điều tốt đẹp Ngài làm, nên họ mới nài xin Ngài đi khỏi vùng đất của họ.

Với Mẹ: Chúa ơi, con người sống trong thế giới hôm nay đang muốn loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, họ sống cứ như thể không có Chúa và không cần đến Chúa. Vắng Ngài, con người chỉ gặp đau khổ, chiến tranh và hận thù mà thôi. Chúa mới là nguồn hạnh phúc, bình an và là sự sống. Xin cho chúng con luôn cần đến Chúa trong từng giây phút cuộc sống.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ rất đáng ngợi khen, xin dạy chúng con biết để Chúa làm chủ cuộc sống của mình. Xin Ngài giải thoát chúng con khỏi những cạm bẫy ma quỷ làm chúng con xa Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


02.02.2016                                                            Thứ Ba

Dâng CGS vào Đền Thánh – Lễ kính                   Lc 2,21-28

“Bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22).

Như Mẹ: Mẹ Maria đã tuân giữ Lề Luật khi đem con vào Đền thờ để dâng cho Cha. Chúa Giêsu là của lễ đầu mùa được tiến dâng lên Cha, và cũng chính Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường để đưa muôn dân về với Cha Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sẵn sàng để cho Mẹ Maria bồng trên tay mà dâng lên Chúa Cha như của lễ đầu mùa đẹp lòng Chúa Cha. Xin Chúa thâu nhận chúng con mà làm thành lễ vật thánh thiện, hợp với Mình và Máu Chúa mà dâng Chúa Cha thay cho chúng con, để tạ ơn Cha, đồng thời đền thay tội lỗi cho chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có tài có phép, xin Mẹ lôi kéo chúng con đến với Con của Mẹ, để đời sống chúng con được biến đổi và ngày càng trở nên của lễ đẹp lòng Chúa hơn.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03.02.2016                                                            Thứ Tư

Th. Blasiô, gmtđ – th. Ansgariô, gm                           Mc 6,1-6

“Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6,6).

Như Mẹ: Dân làng Nadarét đã không tin nhận  Chúa Giêsu, chỉ vì họ đóng khung Ngài trong sự hiểu biết đầy giới hạn của loài người. Ngài đã đến với người nhà, sống ở giữa quê hương mình, nhưng người nhà lại không nhận. Ngài khát mong đem ơn cứu độ cho quê hương mình, nhưng người cùng quê lại không tin Ngài.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, con người hôm nay thường tin vào chính mình hơn là tin vào Thiên chúa. Xin cho con người biết vượt trên những thành kiến, để nhận ra người con bác thợ mộc là Chúa, là Đấng Cứu Độ của trần gian.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ có lòng khoan nhân, xin Mẹ dạy chúng con biết sẵn lòng đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu trong Hội Thánh của Ngài, và hết lòng tin vào Chúa, để nhờ thế mà được ơn cứu độ.`

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04.02.2016                                                  Thứ Năm đầu tháng

Tuần 4 TN                                                            Mc 6,7-13

“Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12).

Như Mẹ: Sau một thời gian được huấn luyện với Chúa, hôm nay các Tông Đồ được lệnh ra đi truyền rao ơn cứu độ cho tha nhân. Khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng, Chúa cũng trao cho các ngài quyền năng trên các thần ô uế. Việc ăn năng trở về với Chúa là điều cần thiết để được ơn cứu độ.

Với Mẹ: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Sứ điệp truyền giáo chính là kêu gọi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng con ra đi truyền giáo theo khả năng của mỗi người. Xin cho chúng con ngày càng nhiệt tâm hơn trong sứ vụ này.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Nữ trung tín thật thà, xin Mẹ dạy chúng con biết mau mắn đáp trả lại lời kêu mời của Chúa như Mẹ xưa kia vậy.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05.02.2016                                                   Thứ Sáu đầu tháng

Th. Agatha, tntđ                                                 Mc 6,14-29

“Ông Gioan lại bảo: ‘Ngài không được phép
lấy vợ của anh Ngài’.” (Mc 6,18).

Như Mẹ: Đứng trước vấn đề sai lầm về luân lý, ông Gioan đã mạnh mẽ lên án. Ông không ngại ngùng khi phải tránh né sự thật. Ông Gioan đã dùng chính cái chết của mình làm chứng cho sự thật, bảo vệ chân lý của Đức Kitô cho đến cùng. Quả thật, ai đứng về phía sự thật thì đứng về phía ánh sáng. Sự thật và ánh sáng mới dẫn đường đưa con người ta đến tự do.

Với Mẹ: Lạy Chúa, thế giới hôm nay thật giả lẫn lộn, các giá trị đạo đức đang xuống dốc, xin cho mẫu gương của các thánh xưa sẽ giúp các tín hữu chúng con can đảm đi đến cùng trên hành trình sống chân lý của Đức Kitô.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là gương nhân đức, xin Mẹ giúp chúng con trung thành sống với các giáo huấn của Chúa một cách kiên cường.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06.02.2016                                                   Thứ Bảy đầu tháng

Th. Phaolô Miki và các bạn, tđ                          Mc 6,30-34

“Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra
một nơi hoang vắng” (Mc 6,32).

Như Mẹ: Tiêu chuẩn Chúa Giêsu đưa ra cho người Tông Đồ khi đi rao giảng Tin Mừng: Làm việc cũng cần nghỉ ngơi đôi chút. Nghỉ ngơi để lấy lại sức khoẻ. Nghỉ ngơi để hồi tâm. Nghỉ ngơi để cầu nguyện mà thân thưa với Chúa. Người môn đệ của Chúa nếu quá lo lắng cho việc tông đồ, mà không dành thời gian cho Chúa thì sẽ dễ bị rơi vào thái độ sống hời hợt.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, giữa cuộc sống ồn ào náo động này, xin cho chúng con biết dành một cõi rất riêng cho Chúa để cầu nguyện và gửi gắm tất cả cho Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Toà Đấng khôn ngoan, xin Mẹ dẫn chúng con bước vào sa mạc của tâm hồn, để cảm nhận được sự hiện diện gần gũi và cần thiết biết bao của Chúa trong cuộc đời.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

07.02.2016                                              Chúa Nhật 5 TN – Năm C

Tuần 4 TN                                                             Lc 5,1-11

 “Lạy Chúa, xin tránh xa con,
vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8).

Như Mẹ: Càng được ở gần Chúa và được chứng kiến phép lạ Chúa làm, các Tông Đồ càng ý thức hơn về thân phận phàm hèn của mình. Và khi nhận ra mình hèn yếu và tội lỗi, các Tông Đồ lại càng cần đến Chúa và tình yêu nhưng không của Chúa. Quả thật, tất cả loài người chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa.

Với Mẹ: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Chúa sẵn sàng đến với người tội lỗi, còn con người tìm cách lẩn trốn Chúa. Xin Chúa thương xót đến thân phận hèn kém của chúng con. Xin thêm lòng mến cho chúng con, để chúng con biết đến gần Chúa hơn mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ làm cho chúng con vui mừng, xin cho chúng con biết ý thức hơn về sự yếu đuối của mình, mà năng chạy đến với lòng từ bi lân tuất vô biên của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08.02.2016                                                            Thứ Hai

Mồng Một Tết                                                    Ga 14,23-27

“Thầy để lại bình an cho anh em” (Ga 14,27).

Như Mẹ: Năm Mới đến, người ta thường chúc nhau được bình an. Bình an là một điều mà ai ai cũng đều mơ ước. Nhưng ai ban bình an cho chúng ta? Chính Chúa là Đấng ban Bình An cho chúng ta. Và bình an của Chúa ban tặng cho chúng ta không như thế bình an của thế gian.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trong những năm gần đây, tình hình thế giới ngày càng rối ren, con người luôn sống trong lo âu sợ hãi. Xin Chúa là nguồn mạch bình an, làm cho chúng con trở thành những người không chỉ là mong muốn được bình an, nhưng nhiệt tình góp phần xây dựng bình an ngay trong chính gia đình của mình, để từ đó, nhân loại được hoà bình.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng trọng thiêng, chúng con xin dâng lên Mẹ tất cả năm mới này với bản thân, gia đình và  nhân loại này.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09.02.2016                                                            Thứ Ba

Mồng Hai Tết: cầu cho tổ tiên                            Mt 15,1-6

“Ngươi hãy thờ Cha kính Mẹ” (Mt 15,4).

Như Mẹ: Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn. Người công giáo đều biết rõ, trong đó điều răn 4 dạy chúng ta thảo kính cha mẹ. Ai cũng biết như thế, nhưng để thảo kính cha mẹ, con người cần phải nỗ lực nhiều. Thiên Chúa muốn con cái loài người sống tâm tình biết ơn, thảo hiếu đối với những đấng bậc có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa là chủ tể muôn loài. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có cha mẹ, ông bà… để dạy dỗ chúng con nên người. Xin Chúa thương chúc lành cho các ngài khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng đáng tôn trọng, xin dạy chúng con biết sống tâm tình của người con thảo đối với cha mẹ, ông bà và những bậc làm thầy, đặc biệt là Cha trên trời.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10.02.2016: Mồng Ba Tết                               Thứ Tư – Lễ Tro

Ăn chay dời vào Thứ Sáu (12.02)                        Mc 6,1-6.16-18

“Còn anh, khi ăn chay, nên sửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm…” (Mt 6,17).

Như Mẹ: Hôm nay Giáo Hội mời gọi con cái mình bước vào mùa chiến đấu tập luyện thiêng liêng để thông hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người qua việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tinh thần chúng con thì hăng hái, nhưng thể xác chúng con lại rất yếu đuối. Xin Chúa giúp sức cho chúng con, để chúng con kiên cường và can đảm trong hành trình theo Chúa. Trong mùa chay này, xin cho chúng con biết trở về trải lòng cho Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là Đấng sốt mến lạ lùng, xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con trong Mùa Chay thánh này, để đời sống chúng con nên phong phú cho ân sủng của Thiên Chúa, và thực sự chết đi cho tội lỗi yếu đuối của mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11.02.2016                                                           Thứ Năm

Đức Mẹ Lộ Đức                                                   Ga 2,1-11

“Người bảo gì,
các anh cứ việc làm theo”  (Ga 2,5).

Như Mẹ: Trong ngày vui đầu đời hôn nhân, mà đã xảy ra sự cố là thiếu rượu; trong tương lai, sẽ có bao nhiêu chuyện sẽ xảy ra. Chuyện hiện tại mà không biết và không thể giải quyết được, chuyện tương lai làm sao biết được! Hơn ai hết, Mẹ thấy rõ những khó khăn đang xảy đến cho đôi tân hôn, đó là thiếu rượu. Mẹ tin tưởng và khẩn cầu Chúa Giêsu cho đôi tân hôn. Và nhờ lời can thiệp của Mẹ, Chúa đã thương giúp họ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, lòng tin là một điều rất quan trọng trong cuộc sống đi theo Chúa. Xin cho chúng con vững tin vào Chúa như Mẹ xưa kia.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như hoa hường mầu nhiệm vậy, xin Mẹ hiện diện trong cuộc sống chúng con, và xin can thiệp với Chúa cho chúng con như xưa Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12.02.2016                                                            Thứ Sáu

Sau Lễ Tro (ăn chay và kiêng thịt)                         Mt 9,14-15

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể
than khóc, khi chàng rể còn ở với họ” (Mt 9,15).

Như Mẹ: Từ thời Cựu Ước, người Do Thái đã cố gắng sống đạo để khỏi bị Chúa phạt. Chúa Giêsu đến, mang lại một tinh thần sống đạo mới là mến Chúa với con tim vui tươi. Nhưng người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu, họ vẫn cố chấp trong kiểu suy nghĩ cũ và cứng nhắc của mình. Tin vào Chúa Giêsu là sống trong sự hiện diện của Ngài với niềm vui tròn đầy.

Với Mẹ: Con người sẽ rơi vào đau khổ, hận thù và chết chóc, nếu không có Chúa hiện diện. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và đồng hành với chúng con, và xin hiện diện trong chúng con.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như lầu đài Đavít vậy, xin Mẹ dạy chúng con biết vui mừng, hy vọng và sống phó thác vào quyền năng của Chúa Giêsu, để cuộc đời chúng con được luôn đong đầy an vui, dù có gặp thử thách hay gian nan.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13.02.2016                                                           Thứ Bảy

Sau Lễ Tro                                                          Lc 5,27-32

“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần” (Lc 5,31).

Như Mẹ: Chúa Giêsu xuống thế làm người để chia sẻ thân phận làm người của chúng ta. Ngài luôn mời gọi người tội lỗi hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Chúng ta, là thân phận hèn yếu, luôn mang trong mình mầm mống bệnh tật thể lý cũng như tâm lý. Không ai hoàn toàn khoẻ mạnh cả. Chúa Giêsu là một vị thầy thuộc đầy quyền năng và giàu lòng trắc ẩn. Xin cứ để cho Ngài cứu chữa và bổ sức cho!

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức mình là kẻ tội lỗi, bệnh tật trong tâm hồn, để biết chạy đến với Chúa là bác sĩ đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng cứu giúp bệnh nhân ngặt nghèo.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Bà như tháp ngà báu vậy, xin giúp chúng con mau mắn về với Chúa để được cứu chữa, khi chúng con phạm tội lỗi.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

14.02.2016                                              Chúa Nhật 1 MC – Năm C

Thánh vịnh tuần 1                                               Lc 4,1-13

“Người được Thánh Thần dẫn đi
trong hoang địa và chịu cám dỗ” (Lc 4,2).

Như Mẹ: Mang thân phận con người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận được Chúa Thánh Thần dẫn đi vào trong hoang địa để chịu những cơn cám dỗ. Chúa Giêsu đã thắng cám dỗ bằng cách tuân phục Thiên Chúa và nghe theo Lời của Ngài… Cám dỗ là một phép thử đối với mỗi người chúng ta. Con người chúng ta ngày nay đang phải đối diện với nhiều thứ cám dỗ.

Với Mẹ: Lạy Cha, xin tạ ơn Cha đã cho con một mẫu gương chiến thắng cám dỗ trong đời sống là Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chạy đến với Ngài để được thêm sức mà sống kiên cường trong cuộc chiến đấu chống lại những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Đền vàng vậy, xin Mẹ dạy chúng con biết vâng nghe Lời Chúa, và giúp chúng con vượt thắng cạm bẫy của ba thù.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15.02.2016                                                            Thứ Hai

Tuần 1 MC                                                         Mt 25,31-46

“Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người,
còn dê ở bên trái”
(Mt 25,33).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: Con người ta hôm nay gieo gì quả nào thì mai sau sẽ gặt được quả ấy. Sống lành sẽ được kể là chiên, được Chúa cho đứng bên phải Người, tức là được thừa hưởng hạnh phúc; sống dữ thì sẽ bị kể là dê, phải đứng bên trái, tức là sẽ phải rơi vào đau khổ và khóc lóc.

Với Mẹ: Lạy Chúa, mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, xin cho chúng con biết dùng tất cả những phương tiện đời này để mua lấy phần thưởng mai hậu bằng cuộc sống tin tưởng và yêu thương Chúa trong mọi người.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như Hòm bia Thiên Chúa vậy, xin Mẹ dạy chúng con nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người, nhất là nơi những con người mà chúng con gặp gỡ hằng ngày, để biết yêu thương, tôn trọng và đón nhận họ.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16.02.2016                                                            Thứ Ba

Tuần 1 MC                                                           Mt 6,7-15

“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,
trước khi anh em xin” (Mt 6,8).

Như Mẹ: Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thức phải xin với Chúa Cha điều gì, để được nhận lời. Kinh “Lạy Cha” là lời kinh bao gồm tất cả những gì Thiên Chúa muốn nghe khi chúng ta cầu nguyện cùng Người. Và đó cũng là khuôn mẫu cho tất cả lời cầu nguyện của chúng ta. Người không cần chúng ta nói hay và nói nhiều, nhưng Người muốn chúng ta có lòng yêu mến và tín thác nơi Người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình, bằng việc dành thời gian để gặp gỡ Chúa qua cầu nguyện và sống tin tưởng nơi Ngài với tâm tình của một người bé thơ.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu thích đời cầu nguyện và sống trọn tình con thảo với Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17.02.2016                                                            Thứ Tư

7 thánh lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ                             Lc 11,29-32

“Thế hệ này là một thế hệ gian ác,
chúng xin dấu lạ” (Lc 11,29).

Như Mẹ: Lời nói này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sám hối và chạy đến với lòng thương xót Chúa với tất cả sự thành khẩn. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra được rằng Chúa vẫn đang làm thật nhiều phép lạ để đáp lại tâm tình này của chúng ta. Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết bao dấu lạ, và Chúa Giêsu là dấu lạ vĩ đại nhất, để nhờ tin vào Người mà con người mới được hưởng ơn cứu độ.

Với Mẹ: Hằng ngày, hằng giờ… bao dấu lạ xung quanh chúng con và trong cuộc sống, nhưng chúng con không nhận ra quyền năng đầy tình thương của Chúa. Xin cho chúng con nghiệm thấy để biết sám hối, về với Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ như sao mai sáng vậy, xin Mẹ giúp chúng con mau mắn sửa đổi cuộc sống để đáng hưởng ơn cứu độ Chúa ban.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18.02.2016                                                           Thứ Năm

Tuần 1 MC                                                           Mt 7,7-12

“Anh em cứ xin thì sẽ được” (Mt 7,7).

Như Mẹ: Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Người biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta cầu xin. Thế nhưng, Người chờ đợi chúng ta mở lời cầu xin, xin với một tâm tình khiêm nhường và với lòng tin mạnh mẽ. Thiên Chúa là Cha nhân lành, Người biết rõ tất cả những nhu cầu của con cái mình. Vì thế, chúng ta cứ cầu xin Ngài với hết lòng tin tưởng.

Với Mẹ: Lạy Cha, chúng con thường hay nóng vội và thiếu kiên nhẫn trong đời sống cầu nguyện. Xin Cha thương đoái nhìn mà ban cho chúng con những gì tốt lành cho chúng, để chúng con biết làm rạng danh Cha.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, xin Mẹ dạy chúng con biết sống tâm tình phó thác, kiên trì trong đời sống cầu nguyện, hết lòng kêu xin Chúa không ngừng vì mình và vì mọi người.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19.02.2016                                                            Thứ Sáu

Tuần 1 MC                                                          Mt 5,20-26

“Ai giận anh em mình
thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng Chúa không cần hình thức, Chúa chỉ cần chúng ta thành tâm sống giới luật của Chúa cách trọn vẹn: Luôn biết yêu thương và tha thứ, đó là lễ vật đẹp lòng Ngài. Giáo huấn Chúa dạy là luật yêu thương. Yêu thương thì không oán giận, không làm hại anh em mình.

Với Mẹ: Lời mời tha thứ và không giận ghét luôn là một đòi hỏi của luật yêu thương. Xin cho chúng con khát khao sống giáo huấn mà Chúa dạy hôm nay, đó là: không giận ghét ai, nhưng một lòng tôn trọng tha nhân.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội, xin Mẹ sưởi ấm trái tim chúng con và tâm hồn chúng con bằng ngọn lửa của trái tim từ au của Mẹ, để chúng con biết yêu thương anh chị em.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20.02.2016                                                           Thứ Bảy

Tuần 1 MC                                                          Mt 5,43-48

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Như Mẹ: Trở nên người hoàn thiện như Cha trên trời, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với người môn đệ. Hoàn thiện trong việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Điều này xem ra quá khó với chúng ta là những người đầy yếu đuối và tội lỗi. Chỉ có thể làm được điều này, khi chúng ta lòng khao khát và tin tưởng cậy trông vào Chúa.

Với Mẹ: Chỉ có Chúa mới là Đấng hoàn thiện. Con người chúng con chỉ là thụ tạo, yêu đuối và đầy tội lỗi. Mặc dù vậy, theo lời Chúa dạy, chúng con khao khát được nên giống Ngài. Xin Chúa cứ uốn nắn chúng con, cho đến khi thành khuôn mẫu theo như ý Chúa muốn.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ yên ủi kẻ âu lo, Mẹ luôn lo lắng cho số phận của chúng con. Xin Mẹ dắt dìu chúng con trên đường nên hoàn thiện.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

21.02.2016                                              Chúa Nhật 2 MC – Năm C

Thánh vịnh tuần 2                                             Lc 9,28b-36

“Đang lúc Người cầu nguyện,
dung mạo Người bỗng đổi khác…” (Lc 9,29).

Như Mẹ: Chúa Giêsu bày tỏ vinh quang của Người trước mặt các môn đệ, để củng cố niềm tin của ngài, trước khi những đau khổ xảy ra. Trong cuộc biến hình, dung mạo của Chúa tỏa rạng như tiên báo sự vinh thắng của Người. Trong ngày sau hết, Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta được sống lại với thân xác chói lọi trong ánh sáng phục sinh.

Với Mẹ: Cuộc biến hình của Chúa là một sự chuẩn bị cho các môn để đi vào con đường thập giá. Xin cho chúng con can đảm bước đi trên đường thấp giá mà Chúa đã đi qua.

Nhờ Mẹ: Lạy Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu, xin Mẹ cầu nguyện với chúng con, để nhờ thế, lời cầu nguyện của chúng con sức biến đổi tâm hồn và cuộc đời của chính chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22.02.2016                                                            Thứ Hai

Lập Tông Toà Phêrô                                          Mt 16,13-19

“Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã mặc khải tất cả những gì về Ngài cho các môn đệ. Ngài muốn các ông xác tín vào chính Ngài là con Thiên Chúa hằng sống. Trong số các môn đệ, ông Phêrô là một người ít học, lại xuất thân từ nghề chài lưới thấp hèn. Mặc dù có nguồn gốc và địa vị thấp kém nhưng ông Phêrô lại được Chúa Giêsu chọn để tiếp tục sứ vụ của Chúa ở trần gian. Và chính ông đã tuyên xứng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Với Mẹ: “Chúa Kitô là ai?” Trong cuộc sống, có lúc chúng con không dám nhận Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống. Xin cho chúng con can đảm tuyên xưng niềm tin vào Ngài, lạy Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Thiên Thần, khi cảm thấy khó khăn trong cuộc sống đức tin, xin Mẹ củng cố niềm tin của chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23.02.2016                                                            Thứ Ba

Th. Pôlycarpô, gmtđ                                              Mt 23,1-12

“Anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô”
(Mt 23,10).

Như Mẹ: Chúng ta chỉ có một Thầy dạy duy nhất là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là vị lãnh đạo của tình yêu và khiêm nhường. Ngài chấp nhận đến trần gian để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là quên mình. Chúa Giêsu đã quên mình tất cả, vì yêu thương loài người cho đến cùng.

Với Mẹ: Con người thường dùng quyền để bắt ép, để thỏa mãn cái tôi đầy ích kỷ và tham vọng của mình. Xin Chúa biến đổi tất cả các nhà lãnh đạo, để họ biết nhìn lên Chúa mà sống tinh thần lãnh đạo theo cung cách của Chúa là phục vụ.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tổ Tông, Mẹ luôn luôn sẵn sằng phục vụ và tuân theo ý Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con biết dùng tất cả khả năng Chúa ban mà phục vụ tha nhân.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24.02.2016                                                            Thứ Tư

Tuần 2 MC                                                         Mt 20,17-28

 “Ai muốn làm lớn giữa anh em
thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26).

Như Mẹ: Ở đời, người ta thích “ăn trên ngồi trước”, thích làm “lớn” hơn làm “nhỏ”. Chúa Giêsu dạy phải sống ngược lại Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”. Quyền bính của người làm lớn là để phục vụ chứ không phải để thống trị người khác. Đó là tinh thần mà chính Đức Giêsu đã sống và mời gọi các môn đệ hãy sống như Ngài.

Với Mẹ: Chúa Giêsu đã đến trần gian, sống như một người tôi tớ phục vụ con người. Xin cho chúng con, dù ở địa vị nào thì cũng sẵn lòng vâng theo ý Chúa, và dù làm công việc gì thì cũng cứ làm như thể làm cho chính Chúa vậy.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tiên tri, Mẹ luôn sống khiêm nhường, với một tinh thần phục vụ. Xin làm cho chúng con thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu và Mẹ.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25.02.2016                                                           Thứ Năm

Tuần 2 MC                                                         Lc 16,19-31

“Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây
còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16,25b).

Như Mẹ: Cách đối xử của ông nhà giàu vô tâm đối với anh Ladarô nghèo khó trong bài Tin Mừng như minh hoạ cho cái cảnh trong xã hội bất công ngày hôm nay này: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Sẽ có một kết cục thế này: “kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có lại đuổi về tay trắng”. Chúa không lên án người giàu, nhưng muốn người giàu có lòng thương cảm đối với những phận nghèo khổ.

Với Mẹ: Thế giới hôm nay có một sự chênh lệch rất lớn giữa người giàu và kẻ nghèo. Xin cho chúng con luôn có lòng trắc ẩn đối với người đau khổ hơn chúng con trong xã hội.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông đồ, xin cho chúng con luôn sẵn sàng chia sẻ ân huệ tình thương cho ai đang cần đến Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26.02.2016                                                            Thứ Sáu

Tuần 2 MC                                                    Mt 21,33-43.45-46

“Nghe dụ ngôn người kể,… người Pharisêu hiểu là Người nói về họ” (Mt 21,45).

Như Mẹ: Thiên Chúa là người Cha chậm giận và giàu lòng thương xót. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho con người. Ngài tha thứ không biết mỏi mệt. Ngược lại, con người thường sống vô tâm và bất nhân với nhau; hơn thế nữa, con người lại rất bất trung, vô ơn bạc nghĩa, đối xử tàn nhẫn với người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu, khi treo Người lên cây thập tự mà đóng đinh cho đến chết thê thảm.

Với Mẹ: Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đời con người hồi tâm trở về. Xin cho chúng con mang lấy lòng thương cảm của Chúa mà đối xử bác ái với nhau, và hết sức tín thác vào Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo, xin giúp chúng con kiên nhẫn trong cách ứng xử với những người khô khan và tội lỗi.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27.02.2016                                                           Thứ Bảy

Tuần 2 MC                                                      Lc 15,1-3.11-32

“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Như Mẹ: Hình ảnh người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng minh họa cho chúng ta thấy được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Người sẵn sàng quên đi tất cả lỗi phạm của chúng ta, để chỉ còn nhớ đến tình yêu, một tình yêu không ai hiểu thấu được. Tất cả loài người đều được mời gọi đến với Thiên Chúa, để được thứ tha, được yêu và được sống.

Với Mẹ: Chúa luôn một lòng trung tín trong cách Ngài yêu thương con. Xin Chúa đón nhận và giữ gìn chúng con vào lòng thương xót vô biên của Ngài.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Hiển tu, xin đưa chúng con vào trong biển tình lân ái của Thiên Chúa, để chúng con cảm nhận được Thiên Chúa rất mực yêu thương chúng con.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28.02.2016                                              Chúa Nhật 3 MC – Năm C

Thánh vịnh tuần 3                                               Lc 13,1-9

 “Nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Mt 20,26).

Như Mẹ: Sám hối là điều kiện để được đón nhận sự tha thứ của Chúa. Sám hối phải xuất phát từ tấm lòng chân thật của ta. Tại sao, bởi vì cung lòng chúng ta là nơi mà Thiên Chúa thích đến ngự trị. Dù có tội lỗi nhiều mấy đi nữa, nhưng nếu chúng ta biết trở về với Chúa, thì Ngài sẽ tha thứ tất cả.

Với Mẹ: Tội chúng con đỏ như son, lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn chúng con để nên trắng như tuyết. Xin thêm sức mạnh để chúng con dám dứt khoát với sự chai lì, cứng đầu và kiêu ngạo. Xin Chúa kiên nhẫn với sự yếu đuối của chúng con, Chúa ơi.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh, này chúng con đây, xin Mẹ dẫn bước đưa chúng con về với Chúa để được Ngài thứ tha.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29.02.2016                                                            Thứ Hai

Tuần 3 MC                                                          Lc 4,24-30

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận
tại quê hương mình” (Lc 4,24).

Như Mẹ: Chúa Giêsu mang trong lòng niềm hân hoan vui sướng khi trở lại quê nhà Nadarét. Nhưng Người lại bị bà con thân thuộc từ chối, chỉ vì giáo lý và lối sống của Người đi ngược lại lối sống và sự hiểu biết của dân chúng. Những người đồng hương của Người có thái độ nghi ngờ, cứng lòng và khinh chê lời rao giảng của Người. Người đã cảnh báo họ: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Với Mẹ: Con người thường tìm đến nhau khi có những điểm chung nào đó và khó đón nhận những gì khác với quan điểm của mình. Xin Chúa tẩy sạch trí khôn của chúng con, để sẵn sàng đón nhận giáo huấn của Chúa.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ, chúng con cần học theo Mẹ mà đón nhận những khác biệt nơi tha nhân.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Giáo Lý về Người Cha

ĐGH Phanxicô

LTS: Đây là bài giáo lý của Đức giáo hoàng Phanxicô về gia đình vào Thứ Tư, 04.02.2015. Trong bài trước, ngài nói đến khía cạnh tiêu cực của những người cha ‘vắng bóng’. Trong bài này, ngài triển khai khía cạnh tích cực của người cha trong gia đình.

Thánh Giuse cũng bị cám dỗ lìa bỏ Mẹ Maria, khi ngài khám phá thấy rằng Mẹ có thai, nhưng Thiên Thần Chúa đã can thiệp và tỏ cho ngài biết kế hoạch của Thiên Chúa cũng như sứ vụ làm dưỡng phụ của ngài. Thánh Giuse, một con người công chính, “đã nhận lấy vợ mình” (Mt 1,24) và trở thành người cha của Gia Đình Nazarét.

Hết mọi gia đình đều cần một người cha. Hôm nay chúng ta suy nghĩ về giá trị nơi vai trò của họ, và tôi muốn bắt đầu bằng một số diễn tả trong Sách Châm Ngôn, những lời của một người cha nói cùng người con trai của mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ thầy cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực, thì tâm hồn thấy sẽ mừng rỡ hân hoan” (23,15-16).

Người ta không thể nào diễn tả hay hơn nữa về niềm hãnh diện và cảm xúc của một người cha nhìn thấy mình đã truyền đạt cho con mình những gì thực sự là đáng giá trong đời sống, đó là một tam can khôn ngoan. Người cha này không nói rằng: “Cha hãnh diện về con vì con thực sự giống như cha, vì con lập lại những gì cha nói và làm”. Không, họ nói về điều quan trọng hơn nữa cho nó, những điều chúng ta có thể hiểu như thế này: “Cha sẽ cảm thấy vui sướng mỗi lần cha thấy con hành động một cách khôn ngoan, và cha sẽ lấy làm cảm động mỗi khi cha nghe thấy con nói những gì là đúng đắn chân thực. Đó là những gì cha muốn lưu lại cho con, để nó trở thành một cái gì đó của con: thái độ cảm nhận và thi hành, nói năng và phán đoán một cách khôn ngoan chính trực. Nhờ đó con có thể trở thành như thế, cha đã dạy con những điều con không biết, cha đã sửa bảo những lỗi lầm con không thấy. Cha làm cho con cảm thấy được một cảm nhận sâu xa đồng thời thận trọng là những gì có lẽ con không hoàn toàn thấy được khi con còn trẻ trung và chưa chín chắn. Cha đã cống hiến cho con một chứng từ cứng rắn và cương quyết là những gì có lẽ con chưa hiểu được khi con chỉ muốn được chiều chuộng và ấp ủ. Cha trước hết đã phải thử mình về con tim khôn ngoan, và canh chừng những thái quá về tình cảm cùng phẫn nộ, chịu đựng những hiểu lầm không thể tránh khỏi, và tìm những lời lẽ chân thực để làm sáng tỏ vấn đề. Giờ đây, cha cảm động khi thấy con đang tìm cách trở nên như thế với con cái của con cũng như với mọi người. Cha sung sướng được làm cha của con”. Đó là những gì một người cha khôn ngoan nói với người con, một người cha chín chắn.

Người cha quá biết phải trả giá đến đâu để truyền đạt cái gia sản này: phải gần gũi biết bao, phải dịu dàng biết mấy, và phải quyết liệt đến chừng nào. Tuy nhiên, người cha lại nhận được biết bao an ủi và bù đắp khi thấy con cái của mình tỏ ra trân trọng cái gia sản ấy! Chính niềm vui là những gì đền bồi cho mọi nỗ lực, một niềm vui vượt trên hết mọi hiểu lầm và chữa lành hết mọi thương tích.

Bởi thế, điều cần thiết trước hết thực sự là ở chỗ người cha hiện diện trong gia đình. Họ cần gần gũi với vợ của mình, chia sẻ hết mọi sự – niềm vui cũng như nỗi buồn, nỗ lực và hy vọng. Và họ cần phải gần gũi với con cái của mình trong việc tăng trưởng của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng bận bịu, khi chúng vô tư và khi chúng u sầu, khi chúng hồn nhiên bày tỏ và khi chúng thinh lặng âm thầm, khi chúng nguy nan và khi chúng sợ hãi, khi chúng lỡ bước sa chân và khi chúng tìm về đường ngay nẻo chính. Một người cha luôn hiện diện! Thế nhưng, để hiện diện thì không phải là một thứ kiểm soát. Vì những người cha tỏ ra quá chế ngự thì đè nén con cái, họ không để cho chúng trưởng thành.

Phúc Âm cho chúng ta thấy mẫu gương của Người Cha trên trời – một người cha duy nhất, như Chúa Giêsu nói, có thể được thực sự gọi là “Cha Nhân Lành” (Mc 10,18). Ai cũng đều biết dụ ngôn đặc biệt được gọi là dụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” hay đúng hơn là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong Phúc Âm Thánh Luca (15,11-32). Quí báu biết bao và dịu dàng biết mấy nơi việc trông đợi của người cha, người đứng ở cửa nhà mình chờ đợi con mình trở về! Các người làm cha cần phải nhẫn nại, nhiều lần chẳng có gì khác hơn ngoài việc đợi chờ. Hãy cầu nguyện và chờ đợi một cách nhẫn nại, dịu dàng, cao thượng và nhân hậu.

Người cha nhân lành có khả năng chờ đợi và tha thứ tận đáy lòng mình. Dĩ nhiên họ cũng vẫn có thể mạnh mẽ sửa bảo: họ không phải là một người cha yếu mềm, chiều chuộng và cảm tình. Người cha biết sửa bảo mà không làm chán nản cũng chính là người cha có khả năng không ngừng bảo vệ vậy. Có lần tôi nghe thấy một người cha, trong cuộc họp với các cặp vợ chồng, nói rằng: “Đôi khi tôi cần phải đánh con tôi một chút, nhưng không bao giờ vào mặt, không làm nhục nó”. Đẹp đẽ biết bao! Người cha này biết được cảm quan về phẩm giá! Người cha này phải răn dạy con cái, nhưng thực hiện một cách thích hợp và nhằm giúp con cái thăng tiến.

Bởi vậy, nếu ai có thể giải thích được chiều sâu của kinh “Lạy Cha” được Chúa Giêsu dạy thì thực sự bản thân người ấy đang sống tình phụ tử vậy. Không có ân sủng của Cha trên trời thì các người cha mất can đảm và chạy trốn. Tuy nhiên, con cái cần thấy một người cha đợi chờ chúng khi chúng từ bỏ những lầm lỡ của chúng. Chúng sẽ làm hết mọi sự không phải là để thừa nhận lầm lỗi ấy, không phải là để tỏ lầm lỗi ấy ra, mà chúng cần người cha, không phải để thấy người cha này động đến các vết thương khó chữa lành nơi chúng.

Giáo Hội, Mẹ của chúng ta, quyết tâm hết sức nâng đỡ sự hiện diện quảng đại và ân cần của các người cha trong gia đình, bởi vì họ là những người bảo vệ và trung gian không thể thay thế được về niềm tin đối với các thế hệ trẻ vào lòng nhân hậu, lòng công bằng và sự che chở của Thiên Chúa, như thánh Giuse.

Chuyển ngữ: Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THỜ

Câu truyện của một thầy giáo già kể: Trước khi bắt đầu các lớp học, thầy thường đứng trước mặt các học sinh và cúi đầu chào. Thầy luôn làm thế với thái độ rất trân trọng. Một này nọ, có vài người hỏi thầy rằng tại sao thầy lại làm thế? Thầy trả lời rằng: Thầy làm như vậy, bởi vì thầy không biết bao nhiêu trẻ học sinh sau này sẽ thành đạt. Thầy đã nhận thấy mỗi học sinh giống như một kho tàng ẩn dấu và thầy đã cúi chào trong sự tin tưởng rằng có nhiều học sinh sẽ thành công và thành đạt xứng đáng sự tôn kính trong tương lai cuộc sống. Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tiềm năng để trở nên vĩ đại.

Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cho chúng ta biết rằng: Một Hài Nhi bé nhỏ được các cụ già đón nhận một cách rất thành kính. Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Chúa Hài Nhi đã được các thiên thần tung hô, các mục đồng đến viếng thăm và từ xa, các nhà đạo sĩ đã đến tôn thờ và dâng lễ vật. Theo luật Môsê cũng là tục lệ của người Do Thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, bà mẹ phải đưa đến đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức Maria và ông Giuse vẫn mang con vào Đền thờ để chu toàn lề luật: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể thế chân bằng cách dâng cúng của lễ như chim bồ câu hay chiên bò.

Lễ dâng Chúa vào đền thờ cũng còn được gọi là Lễ Nến. Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem. Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Giáo Hội Đông phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mesia tiến vào đền thờ và gặp đại diện dân Chúa của Cựu Ước qua ông già Simêon và bà tiên tri Anna. Giáo Hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do Thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ thế kỷ thứ Tám, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ  dâng Chúa Giêsu trong đền thờ.

Tiên tri Malakia đã tiên báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong đền thánh: Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta! Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người (Ml 3,1). Trong mọi hoàn cảnh diễn biến và qua các biến cố liên quan, những lời tiên tri thuở xưa đã từng bước được thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu. Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời đã đi vào thời gian và không gian, nên có sự phát triển từng bước. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể tôn thờ Thiên Chúa nơi hình ảnh của Chúa Hài Nhi, Chúa trong đền thờ, Chúa giảng dạy, Chúa chiên lành, Chúa bị đòn đánh, Chúa chết treo thập giá, Chúa sống lại và Chúa lên trời. Chúng ta có thể đến gặp gỡ Chúa qua nhiều cách thế nhiệm mầu.

Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham (Dt 2,16). Chúng ta không đi tìm kiếm một Thiên Chúa cao siêu, vĩ đại và tuyệt đối cách xa. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu và quyền năng an bài mọi sự trong yêu thương. Tin rằng chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa vô hình và vô biên nhưng thực ra Thiên Chúa đã đến và cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Tác giả thơ gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả: Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (Dt 2,17).

Chúa Giêsu cảm thông thân phận của con người. Ngài đã trải qua tất cả những thử thách ở đời và đã đi đến tận cùng của sự đau khổ là cái chết: Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Dt 2,18). Vượt qua sự chết để vào vinh quang sự sống, Chúa Kitô trở nên niềm hy vọng và trông cậy cho tất cả mọi thụ tạo. Ngài là sự sống và là sự sống lại viên mãn. Tất cả những ai tin vào Ngài, sẽ được ánh sáng ban sự sống. Những ai tiếp rước Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.

Khi Đức Maria và ông Giuse dâng Chúa trong đền thờ, ông Simêon đã chúc tụng Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để cho tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân (Lc 2,29-30). Ông già Simêon sống trong đền thánh chuyên tâm cầu nguyện và mong chờ ơn cứu độ. Hôm này, ông đại diện cho toàn dân chứng kiến giây phút lịch sử Thiên Chúa viếng thăm Dân Người và Đấng Thánh đã tiến bước vào cung thánh. Người ta thường nói: Chứng của hai người là chứng thật. Trong đền thờ, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Panuel, thuộc chi họ Asê, cũng đến vào lúc ấy: Bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đàng mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.Bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel (Lc 2,38). Trẻ Giêsu là trung tâm điểm của tất cả vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa vĩ đại trở nên bé nhỏ trong vòng tay âu yếm của những kẻ tin. Ông Simêon và bà Anna đã hết sức vui mừng gặp được trẻ Giêsu và đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.

Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã đón nhận các trẻ nhỏ. Chúa luôn bảo vệ và yêu thương các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu gọi các trẻ lại mà nói: Cứ để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng (Lc 18,16). Mỗi một con người, từ bào thai, thai nhi, ấu nhi, trẻ thơ, thiếu nhi hay thiếu niên và trưởng thành đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi một cá nhân đều được trao ban những khả năng tiềm tàng và sự sống vô giá. Chúng ta phải trân qúi món qùa mà Thiên Chúa đã trao tặng. Các con trẻ đơn sơ trong trắng như các thiên thần. Chúa đón nhận các trẻ thơ: Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 10,16). Đừng bao giờ nghĩ rằng các trẻ em là gánh nặng mà là niềm vui trong cuộc sống gia đình. Các cha mẹ đừng khi nào than phiền, nguyền rủa, chối từ và xua đuổi con cái của mình, vì mỗi trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn mà chính Thiên Chúa đã phú bẩm. Hãy yêu thương, dưỡng nuôi và ôm ấp món qùa Chúa đã trao ban cho chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Cầu xin Mẹ Maria giúp chúng con biết noi gương Mẹ để biết khiêm nhu phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.

Lm Giuse Trần Việt Hùng (tinmung.net)

THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

ĐGH Phanxicô

Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.

Từ một dụ ngôn khác, chúng ta thấy được một giáo lý quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giêsu nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người “đầy tớ tàn nhẫn”, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói: “ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ [Phaolô]: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Trên tất cả, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã biến lòng từ bi thành một lý tưởng của cuộc sống và là một tiêu chuẩn cho độ tin cậy của đức tin chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7): đó là mối phúc chúng ta nên ao ước đặc biệt trong Năm Thánh này.

Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm đến được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau.

(Misericordiae Vultus, số 9).

Chia sẻ Bài này:
[6] [7] [8]