Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2016

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

Giáo Lý về Người Cha

ĐGH Phanxicô

LTS: Đây là bài giáo lý của Đức giáo hoàng Phanxicô về gia đình vào Thứ Tư, 04.02.2015. Trong bài trước, ngài nói đến khía cạnh tiêu cực của những người cha ‘vắng bóng’. Trong bài này, ngài triển khai khía cạnh tích cực của người cha trong gia đình.

Thánh Giuse cũng bị cám dỗ lìa bỏ Mẹ Maria, khi ngài khám phá thấy rằng Mẹ có thai, nhưng Thiên Thần Chúa đã can thiệp và tỏ cho ngài biết kế hoạch của Thiên Chúa cũng như sứ vụ làm dưỡng phụ của ngài. Thánh Giuse, một con người công chính, “đã nhận lấy vợ mình” (Mt 1,24) và trở thành người cha của Gia Đình Nazarét.

Hết mọi gia đình đều cần một người cha. Hôm nay chúng ta suy nghĩ về giá trị nơi vai trò của họ, và tôi muốn bắt đầu bằng một số diễn tả trong Sách Châm Ngôn, những lời của một người cha nói cùng người con trai của mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ thầy cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực, thì tâm hồn thấy sẽ mừng rỡ hân hoan” (23,15-16).

Người ta không thể nào diễn tả hay hơn nữa về niềm hãnh diện và cảm xúc của một người cha nhìn thấy mình đã truyền đạt cho con mình những gì thực sự là đáng giá trong đời sống, đó là một tam can khôn ngoan. Người cha này không nói rằng: “Cha hãnh diện về con vì con thực sự giống như cha, vì con lập lại những gì cha nói và làm”. Không, họ nói về điều quan trọng hơn nữa cho nó, những điều chúng ta có thể hiểu như thế này: “Cha sẽ cảm thấy vui sướng mỗi lần cha thấy con hành động một cách khôn ngoan, và cha sẽ lấy làm cảm động mỗi khi cha nghe thấy con nói những gì là đúng đắn chân thực. Đó là những gì cha muốn lưu lại cho con, để nó trở thành một cái gì đó của con: thái độ cảm nhận và thi hành, nói năng và phán đoán một cách khôn ngoan chính trực. Nhờ đó con có thể trở thành như thế, cha đã dạy con những điều con không biết, cha đã sửa bảo những lỗi lầm con không thấy. Cha làm cho con cảm thấy được một cảm nhận sâu xa đồng thời thận trọng là những gì có lẽ con không hoàn toàn thấy được khi con còn trẻ trung và chưa chín chắn. Cha đã cống hiến cho con một chứng từ cứng rắn và cương quyết là những gì có lẽ con chưa hiểu được khi con chỉ muốn được chiều chuộng và ấp ủ. Cha trước hết đã phải thử mình về con tim khôn ngoan, và canh chừng những thái quá về tình cảm cùng phẫn nộ, chịu đựng những hiểu lầm không thể tránh khỏi, và tìm những lời lẽ chân thực để làm sáng tỏ vấn đề. Giờ đây, cha cảm động khi thấy con đang tìm cách trở nên như thế với con cái của con cũng như với mọi người. Cha sung sướng được làm cha của con”. Đó là những gì một người cha khôn ngoan nói với người con, một người cha chín chắn.

Người cha quá biết phải trả giá đến đâu để truyền đạt cái gia sản này: phải gần gũi biết bao, phải dịu dàng biết mấy, và phải quyết liệt đến chừng nào. Tuy nhiên, người cha lại nhận được biết bao an ủi và bù đắp khi thấy con cái của mình tỏ ra trân trọng cái gia sản ấy! Chính niềm vui là những gì đền bồi cho mọi nỗ lực, một niềm vui vượt trên hết mọi hiểu lầm và chữa lành hết mọi thương tích.

Bởi thế, điều cần thiết trước hết thực sự là ở chỗ người cha hiện diện trong gia đình. Họ cần gần gũi với vợ của mình, chia sẻ hết mọi sự – niềm vui cũng như nỗi buồn, nỗ lực và hy vọng. Và họ cần phải gần gũi với con cái của mình trong việc tăng trưởng của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng bận bịu, khi chúng vô tư và khi chúng u sầu, khi chúng hồn nhiên bày tỏ và khi chúng thinh lặng âm thầm, khi chúng nguy nan và khi chúng sợ hãi, khi chúng lỡ bước sa chân và khi chúng tìm về đường ngay nẻo chính. Một người cha luôn hiện diện! Thế nhưng, để hiện diện thì không phải là một thứ kiểm soát. Vì những người cha tỏ ra quá chế ngự thì đè nén con cái, họ không để cho chúng trưởng thành.

Phúc Âm cho chúng ta thấy mẫu gương của Người Cha trên trời – một người cha duy nhất, như Chúa Giêsu nói, có thể được thực sự gọi là “Cha Nhân Lành” (Mc 10,18). Ai cũng đều biết dụ ngôn đặc biệt được gọi là dụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” hay đúng hơn là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong Phúc Âm Thánh Luca (15,11-32). Quí báu biết bao và dịu dàng biết mấy nơi việc trông đợi của người cha, người đứng ở cửa nhà mình chờ đợi con mình trở về! Các người làm cha cần phải nhẫn nại, nhiều lần chẳng có gì khác hơn ngoài việc đợi chờ. Hãy cầu nguyện và chờ đợi một cách nhẫn nại, dịu dàng, cao thượng và nhân hậu.

Người cha nhân lành có khả năng chờ đợi và tha thứ tận đáy lòng mình. Dĩ nhiên họ cũng vẫn có thể mạnh mẽ sửa bảo: họ không phải là một người cha yếu mềm, chiều chuộng và cảm tình. Người cha biết sửa bảo mà không làm chán nản cũng chính là người cha có khả năng không ngừng bảo vệ vậy. Có lần tôi nghe thấy một người cha, trong cuộc họp với các cặp vợ chồng, nói rằng: “Đôi khi tôi cần phải đánh con tôi một chút, nhưng không bao giờ vào mặt, không làm nhục nó”. Đẹp đẽ biết bao! Người cha này biết được cảm quan về phẩm giá! Người cha này phải răn dạy con cái, nhưng thực hiện một cách thích hợp và nhằm giúp con cái thăng tiến.

Bởi vậy, nếu ai có thể giải thích được chiều sâu của kinh “Lạy Cha” được Chúa Giêsu dạy thì thực sự bản thân người ấy đang sống tình phụ tử vậy. Không có ân sủng của Cha trên trời thì các người cha mất can đảm và chạy trốn. Tuy nhiên, con cái cần thấy một người cha đợi chờ chúng khi chúng từ bỏ những lầm lỡ của chúng. Chúng sẽ làm hết mọi sự không phải là để thừa nhận lầm lỗi ấy, không phải là để tỏ lầm lỗi ấy ra, mà chúng cần người cha, không phải để thấy người cha này động đến các vết thương khó chữa lành nơi chúng.

Giáo Hội, Mẹ của chúng ta, quyết tâm hết sức nâng đỡ sự hiện diện quảng đại và ân cần của các người cha trong gia đình, bởi vì họ là những người bảo vệ và trung gian không thể thay thế được về niềm tin đối với các thế hệ trẻ vào lòng nhân hậu, lòng công bằng và sự che chở của Thiên Chúa, như thánh Giuse.

Chuyển ngữ: Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THỜ

Câu truyện của một thầy giáo già kể: Trước khi bắt đầu các lớp học, thầy thường đứng trước mặt các học sinh và cúi đầu chào. Thầy luôn làm thế với thái độ rất trân trọng. Một này nọ, có vài người hỏi thầy rằng tại sao thầy lại làm thế? Thầy trả lời rằng: Thầy làm như vậy, bởi vì thầy không biết bao nhiêu trẻ học sinh sau này sẽ thành đạt. Thầy đã nhận thấy mỗi học sinh giống như một kho tàng ẩn dấu và thầy đã cúi chào trong sự tin tưởng rằng có nhiều học sinh sẽ thành công và thành đạt xứng đáng sự tôn kính trong tương lai cuộc sống. Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tiềm năng để trở nên vĩ đại.

Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cho chúng ta biết rằng: Một Hài Nhi bé nhỏ được các cụ già đón nhận một cách rất thành kính. Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Chúa Hài Nhi đã được các thiên thần tung hô, các mục đồng đến viếng thăm và từ xa, các nhà đạo sĩ đã đến tôn thờ và dâng lễ vật. Theo luật Môsê cũng là tục lệ của người Do Thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, bà mẹ phải đưa đến đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức Maria và ông Giuse vẫn mang con vào Đền thờ để chu toàn lề luật: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa” (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể thế chân bằng cách dâng cúng của lễ như chim bồ câu hay chiên bò.

Lễ dâng Chúa vào đền thờ cũng còn được gọi là Lễ Nến. Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem. Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Rôma. Giáo Hội Đông phương hiểu Thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mesia tiến vào đền thờ và gặp đại diện dân Chúa của Cựu Ước qua ông già Simêon và bà tiên tri Anna. Giáo Hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do Thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ thế kỷ thứ Tám, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ  dâng Chúa Giêsu trong đền thờ.

Tiên tri Malakia đã tiên báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong đền thánh: Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta! Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người (Ml 3,1). Trong mọi hoàn cảnh diễn biến và qua các biến cố liên quan, những lời tiên tri thuở xưa đã từng bước được thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu. Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời đã đi vào thời gian và không gian, nên có sự phát triển từng bước. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể tôn thờ Thiên Chúa nơi hình ảnh của Chúa Hài Nhi, Chúa trong đền thờ, Chúa giảng dạy, Chúa chiên lành, Chúa bị đòn đánh, Chúa chết treo thập giá, Chúa sống lại và Chúa lên trời. Chúng ta có thể đến gặp gỡ Chúa qua nhiều cách thế nhiệm mầu.

Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham (Dt 2,16). Chúng ta không đi tìm kiếm một Thiên Chúa cao siêu, vĩ đại và tuyệt đối cách xa. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa hiện hữu và quyền năng an bài mọi sự trong yêu thương. Tin rằng chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa vô hình và vô biên nhưng thực ra Thiên Chúa đã đến và cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Tác giả thơ gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả: Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (Dt 2,17).

Chúa Giêsu cảm thông thân phận của con người. Ngài đã trải qua tất cả những thử thách ở đời và đã đi đến tận cùng của sự đau khổ là cái chết: Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Dt 2,18). Vượt qua sự chết để vào vinh quang sự sống, Chúa Kitô trở nên niềm hy vọng và trông cậy cho tất cả mọi thụ tạo. Ngài là sự sống và là sự sống lại viên mãn. Tất cả những ai tin vào Ngài, sẽ được ánh sáng ban sự sống. Những ai tiếp rước Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.

Khi Đức Maria và ông Giuse dâng Chúa trong đền thờ, ông Simêon đã chúc tụng Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để cho tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân (Lc 2,29-30). Ông già Simêon sống trong đền thánh chuyên tâm cầu nguyện và mong chờ ơn cứu độ. Hôm này, ông đại diện cho toàn dân chứng kiến giây phút lịch sử Thiên Chúa viếng thăm Dân Người và Đấng Thánh đã tiến bước vào cung thánh. Người ta thường nói: Chứng của hai người là chứng thật. Trong đền thờ, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Panuel, thuộc chi họ Asê, cũng đến vào lúc ấy: Bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đàng mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.Bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel (Lc 2,38). Trẻ Giêsu là trung tâm điểm của tất cả vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa vĩ đại trở nên bé nhỏ trong vòng tay âu yếm của những kẻ tin. Ông Simêon và bà Anna đã hết sức vui mừng gặp được trẻ Giêsu và đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.

Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã đón nhận các trẻ nhỏ. Chúa luôn bảo vệ và yêu thương các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu gọi các trẻ lại mà nói: Cứ để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng (Lc 18,16). Mỗi một con người, từ bào thai, thai nhi, ấu nhi, trẻ thơ, thiếu nhi hay thiếu niên và trưởng thành đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi một cá nhân đều được trao ban những khả năng tiềm tàng và sự sống vô giá. Chúng ta phải trân qúi món qùa mà Thiên Chúa đã trao tặng. Các con trẻ đơn sơ trong trắng như các thiên thần. Chúa đón nhận các trẻ thơ: Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 10,16). Đừng bao giờ nghĩ rằng các trẻ em là gánh nặng mà là niềm vui trong cuộc sống gia đình. Các cha mẹ đừng khi nào than phiền, nguyền rủa, chối từ và xua đuổi con cái của mình, vì mỗi trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn mà chính Thiên Chúa đã phú bẩm. Hãy yêu thương, dưỡng nuôi và ôm ấp món qùa Chúa đã trao ban cho chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Cầu xin Mẹ Maria giúp chúng con biết noi gương Mẹ để biết khiêm nhu phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.

Lm Giuse Trần Việt Hùng (tinmung.net)

THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

ĐGH Phanxicô

Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.

Từ một dụ ngôn khác, chúng ta thấy được một giáo lý quan trọng cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Khi trả lời cho câu hỏi của Phêrô cần phải tha thứ bao nhiêu lần, Chúa Giêsu nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Sau đó, Ngài tiếp tục kể dụ ngôn về người “đầy tớ tàn nhẫn”, là người khi bị chủ gọi đến bảo phải trả lại một số tiền rất lớn, anh đã quỳ trên đầu gối mình van xin lòng thương xót. Người chủ hủy bỏ nợ của anh. Nhưng sau đó anh gặp một người đầy tớ bạn chỉ nợ anh một vài xu. Người bạn đến lượt mình cầu xin anh thương xót, nhưng người đầy tớ đầu tiên đã khước từ và ném bạn mình vào tù. Khi nghe chuyện này, người chủ tức giận và đã triệu hồi người đầy tớ đầu tiên trở lại và nói: “ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33). Chúa Giêsu kết luận: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Dụ ngôn này chất chứa một giáo lý sâu sắc cho tất cả chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình. Có những lúc dường như thật là khó biết bao để tha thứ! Nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của Thánh Tông Đồ [Phaolô]: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Trên tất cả, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã biến lòng từ bi thành một lý tưởng của cuộc sống và là một tiêu chuẩn cho độ tin cậy của đức tin chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7): đó là mối phúc chúng ta nên ao ước đặc biệt trong Năm Thánh này.

Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm đến được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau.

(Misericordiae Vultus, số 9).

Chia sẻ Bài này:

Related posts