Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 01-2018

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

MẸ MARIA

CỰC KHÔN CỰC NGOAN

Đời là bãi chiến trường. Đức khôn ngoan là phương pháp chiến đấu: khôn thắng dại thua.

Ai khoẻ bằng Samson? Ai mạnh bằng Goliath? Hai người đã lâm vào cảnh nào, nếu không phải đã đâm đầu vào chỗ chết? Chết vì thiếu khôn ngoan.

Samson thiếu khôn ngoan với mụ Dalia. Goliath lại thiếu khôn ngoan với địch thủ trẻ trung David. Ở đời cái gì cũng có hai: có giả phải có thật. Có phải thì lại có trái. Đức khôn ngoan cũng vậy. Có hai thứ khôn ngoan: khôn ngoan chính hiệu và khôn ngoan giả hiệu.

Khôn ngoan chính hiệu đem đến sự sống. Khôn ngoan giả hiệu đem đến sự chết, như lời thánh Phaolô tông đồ nói (x. Rm 8,6).

Giáo Hội ngợn khen Đức Mẹ là “Đức Nữ cực khôn cực ngoan”. Đức Mẹ sinh Đức Chúa Giêsu là con Đấng khôn ngoan vô cùng và là chính sự khôn ngoan thật. Nên, Đức Mẹ có khôn ngoan  thật, khôn ngoan chính hiệu.

Theo lời Thánh Kinh, sự khôn ngoan bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa: “Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan”.

Cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc đời kính sợ Thiên Chúa. Đức Mẹ không kính sợ Thiên Chúa như kẻ làm tôi, nhưng kính sợ Thiên Chúa trong tình mẫu tử, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho Đức Mẹ thiếu sự khôn ngoan được?

Đức Mẹ sinh ra và sống giữa trần gian, nhưng lòng Mẹ luôn luôn hướng về Thiên Đàng.

Khi sống ở thế gian Đức Mẹ đã ăn ở khôn ngoan, thì khi đã về trời Mẹ càng khôn ngoan khéo léo hơn nữa, tại vì lúc ấy Mẹ đã nên như toà cho Đấng Khôn Ngoan ngự trị. Sự khôn ngoan khéo léo ấy chỉ cốt để làm ích cho chúng ta mà thôi.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải vui mừng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ khôn ngoan khéo léo. Sự khôn ngoan ấy không chỉ làm sáng danh Thiên Chúa, mà còn làm ích cho chúng ta nữa.

Để biết ơn Đức Mẹ, chúng ta hãy hát mừng Đức Mẹ, hát mừng Đức Mẹ vì nhân đức khôn ngoan khéo léo của Mẹ. Chúng ta cùng mượn lời trong Sách Diễm Ca để ca tụng Mẹ:

“Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông,
diễm kiều như vầng nguyệt,
lộng lẫy tựa thái dương”,
oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?”
(Dc 6,10).

Lạy ĐỨC NỮ CỰC KHÔN CỰC KHOAN, xin giúp chúng con được biết ăn ở khôn ngoan theo gương sáng của Mẹ!

(Lược trích theo Lm. Nguyễn Duy Tôn,
Những mắt xích vàng, Tủ Sách Ra Khơi, 1964).

LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI

Theo truyền thống kể lại, khi Thánh Đa Minh được Đức Mẹ khuyên nhủ là phải rao giảng Kinh Mân Côi cho người ta như là một sự che chở đặc biệt để chống lại lạc giáo và tội lỗi, thì thánh nhân đã thực hiện sứ vụ được giao phó với lòng hăng say và chiến thắng oai hùng.

 Thánh Louis De Montfort

Bao lâu các linh mục bắt chước gương mẫu của Thánh Đa Minh mà rao giảng lòng sùng kính Kinh Mân Côi, thì bấy lâu tinh thần đạo đức và sốt sắng còn bùng nổ trong toàn thế giới Kitô giáo và trong các dòng tu vốn sùng kính Kinh Mân Côi. Thế nhưng, vì loài người đã khước từ tặng phẩm thiên quốc này, cho nên tội lỗi và xáo trộn đã lan tràn khắp nơi.

Thánh Louis De Montfort

Suốt cả cuộc đời, Thánh Đa Minh không có cái gì đánh động con tim hơn là ca rao Đức Mẹ, rao giảng sự vĩ đại quyền năng của Mẹ, và thôi thúc mọi người tôn kính Mẹ bằng việc lần hạt Mân Côi.

 Thánh Louis De Montfort

Thánh Đa Minh hoàn toàn tin tưởng vào hiệu lực của Kinh Mân Côi cũng như những giá trị to lớn của phương thức cầu nguyện này. Điều đó thể hiện qua việc khi ngồi tòa giải tội, hầu như ngài không đưa ra một hình thức đền tội nào khác ngoài Kinh Mân Côi.

Thánh Louis De Montfort

Blanche of Castille, Hoàng hậu nước Pháp, đã phải chịu nỗi đau rất lớn bởi vì sau khi kết hôn đến mười hai năm mà bà vẫn chưa có con. Khi Thánh Đa Minh tới gặp bà, ngài đã yêu cầu bà hằng ngày hãy lần Chuỗi Mân Côi để khẩn cầu Thiên Chúa ban cho bà được làm mẹ. Bà đã hoàn toàn tuân theo yêu cầu của Thánh Đa Minh. Vào năm 1213, bà hạ sinh con trai đầu lòng tên là Philip nhưng đứa trẻ đã chết khi mới sinh. Thất vọng không làm lòng nhiệt thành của hoàng hậu giảm sút. Ngược lại, bà càng kêu xin sự trợ giúp của Mẹ hơn bất cứ khi nào. Bà tặng nhiều Chuỗi Mân Côi cho những người trong hoàng cung cũng như những người dân ở một số thành phố trong vương quốc. Bà kêu gọi họ hợp với bà khẩn nài Thiên Chúa ban một ơn lành để bà thực sự được làm mẹ. Cuối cùng, vào năm 1215 bà đã sinh hạ một con trai. Người con trai đó chính là thánh Louis – hoàng tử làm vinh quang cho nước Pháp và trở thành hình mẫu lí tưởng cho mọi vị vua Công Giáo.

Thánh Louis De Montfort

Khi trao Kinh Mân Côi cho Thánh Đa Minh, Đức Mẹ đã truyền cho thánh nhân phải lần hạt mỗi ngày và hướng dẫn những người khác cũng làm như vậy. Thánh Đa Minh không bao giờ cho phép ai gia nhập Hội Mân Côi nếu họ không quyết tâm lần hạt mỗi ngày.

Thánh Louis De Montfort

Riêng Kinh Mân Côi là một dấu chỉ tiền định. Chúng ta trung thành đọc Kinh Mân Côi, đó chắc chắn là dấu chỉ ơn cứu độ.

Chân phước Alain de la Roche

Các linh mục trung thành đọc một Kinh Kính Mừng trước khi giảng để cầu xin ân sủng của Thiên Chúa. Các ngài làm việc đạo đức này vì đây là mặc khải mà Thánh Đa Minh nhận được từ Đức Mẹ. Một ngày kia, Đức Mẹ đã nói với thánh nhân: “Này con, đừng ngạc nhiên khi những bài giảng của con không đem lại kết quả như con mong đợi. Con đang cố gắng vun trồng trên một mảnh đất khô cằn. Giờ đây, khi Thiên Chúa Toàn Năng dự định đổi mới bộ mặt trái đất, Người đã bắt đầu cho mưa từ trời xuống – và đó chính là Lời Chào Thiên Thần: Kính Mừng Maria. Theo cách thức này, Thiên Chúa đã biến đổi toàn bộ trái đất”.

Chân phước Alain de la Roche

Nguyện xin thánh Giuse khẩn cầu cho chúng ta có được khả năng của cha thánh Đa Minh, của thánh Vinh Sơn và của chân phước Alain de la Roche để cổ võ Kinh Mân Côi.

Chân phước Gabriele Allegra

CHÂN PHƯỚC ALAIN DE LA ROCHE
(1428-1475)
NGƯỜI TÁI LẬP
LÒNG SÙNG KÍNH KINH MÂN CÔI

Chân phước Alain de la Roche sinh tại Brittany và gia nhập Dòng Đa Minh khi còn rất trẻ. Ngài là người con thiêng liêng trung tín của Thánh Đa Minh. Sau khi khấn trọng, Alain (A-lanh) học tập tại Paris; nơi đây, ngài trở thành một giảng viên nổi danh về thần học tôn giáo. Chịu chức linh mục, Alain dạy thần học tại Lille, Douai và Ghent. Sau đó, ngài được các bề trên chỉ định phục vụ trong cương vị là một người kinh lý chính thức các tu viện Đa Minh ở trung tâm Âu châu trong một thời gian. Alain là một nhà giảng thuyết trứ danh và là thành viên của Phong trào Cải cách Luật lệ trong nội bộ Dòng Đa Minh. Nỗ lực của phong trào này là nhằm tìm cách hướng anh em quay trở lại trung thành với lý tưởng của Đấng sáng lập. Chân phước Alain de la Roche mất tại Zwolle, nước Hà Lan vào ngày 8/9/1475, nhân dịp Lễ mừng Sinh nhật Đức Maria.

Theo truyền thống, anh em Đa Minh tự gán cho Alain danh hiệu “Chân phước”. Dù chưa được tôn phong chính thức, nhưng ngài đã được Giáo Hội hoàn vũ nhìn nhận tước hiệu này. Tại một số quốc gia, nhiều giáo xứ Công Giáo được đặt theo tên của ngài và thậm chí còn tặng cho ngài danh hiệu “Thánh Alain”. Các nhà thờ khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy nhiều bức tượng mô tả chân phước Alain de la Roche đang cầu nguyện. Nhiều linh mục và tu sĩ Đa Minh tiếp tục lấy chữ “Alain” như một thành phần trong tên thánh của mình. Trong lịch phụng vụ cũ của Dòng Đa Minh, chân phước Alain de la Roche được mừng kính vào một ngày lễ đặc biệt. Ngày nay, dù không có ngày lễ chính thức, chân phước Alain de la Roche vẫn luôn được tưởng nhớ trong ngày Lễ Sinh nhật Đức Maria, ngày 8/9.

Lòng sùng kính Đức Maria

Theo truyền thống của Dòng Đa Minh, chân phước Alain de la Roche đã trải qua một cuộc biến đổi sâu sắc trong đời do sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria. Trong tác phẩm “Bí mật Kinh Mân Côi”, thánh Louis De Montfort – một hội viên Dòng Ba – đã ghi lại rằng khi còn trẻ, Alain bị ma quỷ cám dỗ ghê gớm và từng sa ngã phạm tội, nhưng nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ mà Alain có thể vượt thắng Satan và mưu ma chước quỷ. Alain de la Roche có nghĩa là “Alain đá tảng”. Sau khi được biến đổi, Alain cương quyết trung thành với những giáo huấn của Giáo Hội, gia nhập Dòng Đa Minh và trở thành một tu sĩ nhiệt thành, một nhà giảng thuyết nhiệt tâm phụng sự Nữ Vương Thiên Quốc. Người ta nói rằng trong suốt đời linh mục, chân phước Alain de la Roche chưa bao giờ khởi đầu một công việc nào dù trần thế hay linh thánh, mà không nói lời đầu tiên: “Kính mừng Maria”.

Cũng như những vị thánh khác, chân phước Alain de la Roche dành cho Đức Mẹ một tình cảm đặc biệt. Vì thế, ngài được mệnh danh là “Tân Lang của Đức Mẹ”. Lòng yêu mến của chân phước Alain dành cho Đức Trinh Nữ Maria quá thanh khiết và đức hạnh đến nỗi ngài được xem là thánh Giuse thứ hai. Nhiều vị thánh sùng kính Đức Maria cũng được vinh dự mang danh hiệu này như thánh Edmund Rich, thánh Giuse Hermann và thánh Gioan Êuđê. Riêng phần mình, trong các thị kiến, chân phước Alain thậm chí còn được ban tặng chuỗi hạt làm bằng tóc của Đức Maria cùng với một chiếc nhẫn tượng trưng cho sự kết hôn thiêng liêng giữa ngài và Đức Nữ Trinh. Trong một thị kiến, Đức Maria đã hiện ra với Alain và tự tay Mẹ xỏ nhẫn vào ngón tay của ngài.

Chiến sĩ Kinh Mân Côi

Suốt cuộc đời, chân phước Alain de la Roche đã đón nhận nhiều thị kiến từ Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Đa Minh. Hầu hết các thị kiến đều tập trung vào Chuỗi Mân Côi và nhằm giúp Alain làm tươi mới lòng khao khát Nước Trời. Được truyền dạy và trao ban sứ vụ là người tái lập lòng sùng kính Kinh Mân Côi, lúc đầu chân phước Alain còn miễn cưỡng tuân theo mệnh lệnh Nước Trời. Nhưng sau khi bị Chúa Giêsu quở trách vì với tư cách một người con Thánh Đa Minh có kiến thức và tầm ảnh hưởng, mà lại thất bại trong việc khôi phục lòng sùng kính Kinh Mân Côi, thì Alain đã đặt tất cả nỗi sợ hãi lại đằng sau để trở thành người tái lập vĩ đại lòng sùng kính Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi.

Để phục hồi Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi, chân phước Alain đã viết rất nhiều sách lịch sử và cẩm nang nhằm chỉ dạy mọi người cách cầu nguyện bằng lời kinh này. Những cuốn cẩm nang giúp khôi phục Hội Mân Côi ở Douai, nước Pháp vào năm 1470. Năm năm sau kể từ khi Alain phục hồi thành công Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi, một tu sĩ Đa Minh khác vốn là cộng sự của ngài, Jacob Sprenger đã thành lập một Hội Mân Côi tại Cologne, Đức vào đúng ngày mất của ngài, 8/9/1475. Hội Mân Côi ở Cologne là hiệp hội phục hồi đầu tiên được công nhận chính thức bởi vì hoàng đế Roma, Frederick III, thành viên của Hội, đã thỉnh cầu Đức giáo hoàng phê chuẩn hội. Thật không may, vì chiến tranh, các cuộc bách hại và hỏa hoạn ở nhiều thư viện Công Giáo, nhất là những thư viện của Dòng Đa Minh, nên không có một thủ bản gốc nào của chân phước Alain de la Roche còn tồn tại đến ngày nay.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC, Champions
of the Rosary
, Marian Press, 2016

 

VẺ ĐẸP CỦA GIA ĐÌNH 

1. Hôn nhân và gia đình gắn liền với chiều dài của cả lịch sử nhân loại, từ lúc tạo thành cho đến tận thế (x. St 4; Kh 21,2.9). Những câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh Cựu Ước. Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Đức Maria. Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình: dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn vượt qua khó khăn (x. Ga 2,1-11); Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông Lazarô (x. Lc 10,38); đến thăm gia đình ông Phêrô (x. Mc 8,14); chia sẻ nỗi niềm với các gia đình đang chịu thử thách (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). Tất cả đều nói lên vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.

Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, liên kết cả hai nên một (x. St 2,24; Mt 19,4), một sự hoà hợp sâu xa, cả thân xác lẫn tinh thần, nhờ tình yêu tự nguyện trao ban. Nhờ đó, đôi vợ chồng trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Tóm lại, “Hôn nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới cho xã hội” (Niềm vui của tình yêu, 292).

2. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì cho đến nay, rất nhiều gia đình Công giáo tại Việt Nam đã sống và thể hiện vẻ đẹp này, thực sự là Hội Thánh tại gia khi dựng xây gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu. Những gia đình này đã và đang góp phần rất lớn vào đời sống Hội Thánh bằng việc cống hiến cho Hội Thánh những Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Bản thân các giám mục chúng tôi cũng được lớn lên trong các gia đình đạo đức, nhờ đó hạt giống ơn gọi được nuôi dưỡng và lớn lên trong cuộc đời. Chính vì thế, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các gia đình, đồng thời xác tín rằng gia đình thực sự là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi kế hoạch mục vụ của Hội Thánh phải khởi đi từ gia đình.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,Tâm thư gửi các gia đình
Công giáo,
số 1-2.

Chia sẻ Bài này:

Related posts