- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Theo Đức Mẹ về Trời

Dù niềm tin Đức Mẹ hồn xác về trời đã có từ rất lâu trong truyền thống Hội Thánh, nhưng mãi đến ngày 1.11.1950, tức vào ngày lễ các thánh Nam Nữ, Đức Piô XII mới long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời và chọn ngày 15.8 hàng năm làm ngày kính nhớ mầu nhiệm trọng đại này.

I. HƠN MỌI NGƯỜI THÁNH.

Đức Giáo hoàng đã không chọn ngày nào, lại chọn ngày lễ các thánh Nam Nữ để công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Qua đó ta thấy có một ý nghĩa lớn: Giữa hàng ngũ các thánh của Chúa, Đức Maria trổi vượt trên tất cả về sự thánh thiện và lòng yêu mến Chúa.

Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Mẹ đã mở đường cho Đức Mẹ đi tiên phong trước mọi thụ tạo, tiến về cùng Chúa, hưởng vinh quang nơi Chúa bằng toàn bộ con người, gồm cả xác lẫn hồn của Đức Mẹ.

Sự thánh thiện vượt bậc, trên hết mọi người thánh của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ thuộc về Chúa Kitô cách hoàn hảo như lời thánh Phaolô khẳng định (bài đọc II lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời): “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của nhữn kẻ yên giấc…Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” (1Cr 15, 20tt).

– Đức Mẹ thuộc về Chúa Kitô, không chỉ vì Đức Mẹ được Chúa chọn làm Mẹ của Chúa, mà còn do chính Đức Mẹ nỗ lực cộng tác với ơn thánh, quyết tâm sống thánh thiện cả một đời.

Đức Mẹ nỗ lực sống ơn thánh bằng việc hiến dâng mình để thánh ý Chúa nên trọn hảo. Đức Mẹ hiến dâng khi chấp nhận mang Chúa Giêsu nơi lòng dạ, khi đón nhận việc sinh hạ nghèo khó của Chúa, khi đem Chúa lánh nạn, khi chấp nhận sống ẩn dật bên Chúa, khi cùng thánh Giuse tìm Chúa thất lạc, khi dõi theo bước chân truyền giáo đầy trắc trở của Chúa, khi chứng kiến đến cùng sự hành hình mà thế gian dành cho Chúa, khi cùng tông đồ đoàn reo vang niềm vui Chúa phục sinh…

Bằng cách hiến mình sống tất cả mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã thể hiện quyết tâm sống thánh thiện cả một đời của mình. Sự thánh thiện ấy, đã đưa Đức Mẹ tiến lên một nấc thang cao: Đó là lòng yêu mến Thiên Chúa; Đó là lòng mến yêu chính Đấng Thiên Chúa làm người, cũng chính là Con của mình.

Nhờ lòng yêu mến thúc đẩy, Đức Mẹ càng hiến dâng mình cách tận tụy, anh dũng, đầy quả cảm, tin tuyệt đối vào Chúa, không bao giờ nghi nan, không bao giờ tìm trốn chạy.

Dẫu phải đối mặt vô vàn tăm tối khi xả thân sống cho mầu nhiệm của Chúa, sống cho thánh ý diệu kỳ của Chúa, Đức Mẹ chấp nhận dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ ơn cứu độ của Chúa khắp trần gian.

Nhờ càng ngày càng thuộc về Chúa như thế, Đức Mẹ lập nên công nghiệp lớn lao cho riêng mình, và được danh dự hiệp công trong ơn cứu độ của Chúa Con dành cho trần thế.

Sự thánh thiện của Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa đẹp đến vậy. Vẻ đẹp của sự thánh thiện ấy đã làm cho Đức Mẹ trên mọi người thánh.

II. CÙNG ĐỨC MẸ NGỢI KHEN CHÚA.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi, phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…”. Đây là lời kinh Ngợi Khen mà Đức Mẹ đã tiến dâng Thiên Chúa bằng tất cả tâm tình mến yêu, tin tưởng, cậy trông, phó thác.

Hội Thánh muốn ta suy niệm về tâm tình ngợi khen của Đức Mẹ để ta cũng biết ngợi khen Chúa như Đức Mẹ. Vậy, trong bầu khí vui mừng của ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác về trời, ta hãy mượn lấy tâm tình của Đức Mẹ, cùng Đức Mẹ chúc tụng, ca ngợi Thiên Chúa.

Lời ngợi khen của Đức Mẹ đẹp lòng Chúa. Chắc chắn mượn lấy tâm tình của Đức Mẹ, cùng ca ngợi Chúa với Đức Mẹ bằng tất cả lòng tri ân của ta, ta cũng sẽ đẹp lòng Chúa, sẽ được Chúa đoái thương đón nhận, như Chúa đã đoái thương đón nhận Đức Mẹ.

Trong bài Ngợi Khen mà Đức Mẹ dâng lên Chúa, Đức Mẹ đã nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,46).

Nói như thế, cũng đồng nghĩa với việc Đức Mẹ thừa nhận tất cả sinh mạng của Đức Mẹ ở trong tay Chúa. Cuộc đời của Đức Mẹ là bởi Chúa. Mọi hoàn cảnh, mọi biến cố diễn ra cho chính cuộc đời, chính sự sống của Đức Mẹ đều nằm trong chương trình thánh ý Chúa. Hiểu như thế, Đức Mẹ đã sống cả một đời tuyệt đối xin vâng theo thánh ý Chúa.

Là con của Đức Mẹ, chúng ta hãy học lấy lời xin vâng của Đức Mẹ mà tiếp tục Xin Vâng như Đức Mẹ.

Với tất cả những biến chuyển, những thao thức của kiếp người bập bênh nơi trần thế, như Đức Mẹ, chúng ta xin vâng theo thánh ý Chúa trọn một đời làm người của mình.

Xin Vâng như Đức Mẹ, nghĩa là chúng ta hiệp cùng Đức Mẹ, thừa nhận cả sinh mạng, cả cuộc đời của mình là bởi Chúa, ở trong tay Chúa; thừa nhận tất cả mọi sự, mọi hoàn cảnh, đều không đi ngoài chương trình quan phòng của Chúa; thừa nhận mọi biến cố diễn ra cho chính cuộc đời, hay cho chính sự sống của mình đều nằm trong chương trình thánh ý của Chúa.

Bởi vậy, ta hãy sống như Đức Mẹ đã sống: Cả một đời tuyệt đối xin vâng theo thánh ý Chúa, đề rồi lại tiếp tục như Đức Mẹ, chúng ta kết thúc cuộc đời trong ơn nghĩa Chúa, giữa lúc mà niềm yêu mến, lòng ngợi khen của ta vẫn còn chứa chan hiến dâng lên Chúa…

Được kết thúc cuộc đời trong niềm yêu mến tràn đầy như thế, là một hạnh phúc, một kết thúc tuyệt đẹp.

Với kết thúc ấy, chúng ta đã theo Đức Mẹ về trời.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]