- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các bài suy niệm Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

MỤC LỤC

1. Lịch sử Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lm Thêôphilê)
2. Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội (Nguyễn Đức Tuyên) [1]

3. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (Nguyễn Chính Kết) [2]

4. Mẹ Vô Nhiễm (Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholicism.about.com) [3]

5. Nghe và giữ Lời Chúa (P. Trần Đình Phan Tiến)

Bài 1. Lịch sử Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lm Thêôphilê

Từ thế kỷ thứ VIII, bên Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa lễ này dựa vào Ngụy Thư “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”. Bà Anna sau một thời gian dài son sẻ đã được thiên thần báo tin thụ thai như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa. Ý lễ được lan qua Tây phương nhất là tại Ý, Ái Nhĩ Lan và Anh thành lễ “Đức Maria thụ thai”. Tại thành Naples (Ý) vào thế kỷ thứ IX, ngày lễ được khắc vào lịch bằng đá hoa cương. Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm.

Cho đến thế kỷ thứ XII, những vị thánh như Albert Cả, Bonaventura, Tôma d’Aquin cũng cho rằng vì Đức Maria thừa kế di nghiệp Ađam nên vướng mắc nguyên tội, nhưng Mẹ được thánh hóa ngay từ trong thai mẫu.

Tuy vậy, vấn đề vẫn còn gây tranh cãi cho đến thế kỷ XIII. Một thần học gia lỗi lạc dòng Phanxicô là Duns Scott (1308) đã nghĩ ra một lối giải thích độc đáo bênh vực Đức Maria đã được sung mãn ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên cuộc đời. Tác giả minh chứng đặc ân vô nhiễm tuyệt đối gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi kể cả nguyên tội không hề đi trệch ra ngoài trật tự ơn cứu chuộc, mà còn là thành quả vinh quang nhất trong công trình cứu độ của Chúa Kitô.

Đến thời Công đồng họp tại thành Bâle (Thụy sĩ) năm 1439 cũng đồng ý về vấn đề Đức Maria Vô Nhiễm, và mãi tới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, mới công bố ý tưởng Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội thành tín điều vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong thông điệp Ineffabilis Deus : “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.

[về mục lục] [4]

Bài 2. ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Nguyễn Đức Tuyên

Mọi tạo vật đều được tạo thành bởi Thiên Chúa và Đức Maria cũng không phải là ngoại lệ. Cũng như mọi người chúng ta, Mẹ cũng được tạo dựng để nên tinh tuyền thánh thiện và ca tụng, vinh danh Thiên Chúa cùng trở nên thánh thiện tinh tuyền (Eph 1:4-12). Bởi đâu Mẹ ca tụng và vinh danh Chúa Cha? Bằng cách trở nên dụng cụ cho Đấng Cứu Chuộc, nơi mà Ngài có thể trở nên con người, nơi không vướng mắc tội nguyên thủy.

Làm sao ta có thể nghĩ tới những điều Đức Maria đã làm để xứng đáng đón nhận ưu quyền không vướng mắc tội tổ tông. Dầu cố gắng suy nhĩ tới đâu chúng ta cũng luôn đi đến kết luận rằng đây là một sự tự do tuyệt đối đặc ân siêu việt của Thiên Chúa cao cả – một đặc ân Mẹ không chiếm được nhưng được Chúa ban cho.

Trong ngày hôm nay chúng ta vinh danh trái tim vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Cũng là dịp nhắc nhở chúng ta rằng điều rất tương tự đã tránh cho Mẹ khỏi mắc nguyên tội – những công đức nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu – cũng đã mang đế cho chúng ta nhờ phép Thánh Tẩy. Khi chúng ta chịu phép Thánh Tẩy, chúng được rửa sạch mọi vết nhơ tội lỗi, và cửa thiên đàng đã mở ra cho chúng ta. Chúa Thánh Thần phủ rợp trên ta và Chúa Giêsu đến sống trong trái tim chúng ta. Chúng ta trở nên xứng đáng vị trí tin yêu Thiên Chúa giống như Mẹ Maria đã làm. Tất cả mọi người chúng ta, một cách nào đó, cũng có thể có được trái tim tinh khiết.

Dĩ nhiên, điều này không phải là đương nhiên. Một vị trí như Mẹ Maria phải đuợc tôi luyện trong ta qua thời gian khi ta biết thống hối và tự đặt mình vào việc phụng sự Thiên Chúa. Mỗi ngày chúng ta cần nuôi dưỡng để gặp gỡ Chúa Giêsu trong các Bí tích và trong cầu nguyện. Mỗi ngày chúng ta cần tăng thêm nỗ lực gặp gỡ Chúa Giêsu trong những người khó nghèo và những người cần đến sự giúp đỡ của ta.

Chúng ta phải cố gắng dẹp bỏ những ý tưởng và khuynh hướng tội lỗi. Chúng ta cũng cần có trái tim hướng về sự vâng phục Thiên Chúa và nhắm tới kế hoạch cứu độ của Ngài. Càng bước theo con đường Chúa Giêsu chỉ dẫn, chúng ta càng trở nên thân mật với Ngài giống như Đức Maria vậy.

Đừng quên những gì mang đến cho chúng ta khi ta đã chịu phép Thánh Tẩy. Đừng quên sức mạnh Thiên Chúa ở trong ta. Một trái tin trong sạch như trái tim Đức Maria cần giữ bền chặt. Khi chúng ta muốn và theo đuổi sự tinh tuyền này,Thiên Chúa Cha sẽ hoàn thiện trong ta.

Lạy Chúa Giêsu, con ngợi khen Ngài! Ngài đã cho con một trái tim mới, chẳng bao giờ tối tăm vì tội lỗi nhưng được thanh tẩy nhờ máu thánh Ngài. Qua Thánh Thần Chúa, xin cho con sức mạnh và can đảm để hiệp nhất với Chúa như Chúa đã đổi mới con giống hình ảnh Ngài.

[về mục lục] [4]

Bài 3. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội
Nguyễn Chính Kết

1. Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội

Đức Ma-ri-a được một ơn hết sức đặc biệt hầu xứng đáng làm Mẹ của đấng Cứu Thế, đó là ơn không mắc tội tổ tông. Trong nhân loại, nghĩa là trong tất cả đám con cháu Ađam và Eva, ngoài Đức Giêsu vốn cũng là Thiên Chúa ra, thì chỉ duy nhất một mình Đức Maria được ơn ấy. Chúng ta biết được điều ấy qua giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn ấy đã được chính Đức Ma-ri-a xác nhận khi hiện ra nhiều lần với cô Bec-na-đét tại Lộ Đức (Pháp) năm 1858. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn là con người, vẫn phải chịu những đau khổ, lo lắng, sợ sệt và cũng bị cám dỗ y như chúng ta. Nếu có khác thì chỉ khác chúng ta ở chỗ Ngài không bao giờ phạm tội mà thôi.

2. Tâm hồn trong sạch, một vẻ đẹp trước mặt Thiên Chúa

Việc Thiên Chúa gìn giữ Đức Ma-ri-a không mắc tội tổ tông cho thấy Thiên Chúa rất yêu quí sự trong sạch tâm linh, nghĩa là không bị nhơ bẩn vì tội lỗi, không bị thần ô uế thống trị, không nhượng bộ trước sự ác. Vì thế, để có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cần giữ tâm hồn mình cho trong sạch. Chúng ta tuy không được ân đặc biệt như Đức Ma-ri-a là không mắc tội tổ tông, nhưng chúng ta đã được rửa tội để xóa bỏ tội ấy. Vấn đề còn lại là chúng ta hãy cố giữ tâm hồn cho trong sạch, không phạm tội trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm, và cả những tội thiếu sót, do không làm những việc mà lương tâm buộc phải làm.

Để giữ cho tâm hồn trong sạch không vướng mắc những tội riêng, Mẹ Ma-ri-a cũng phải cố gắng thắng lướt những cơn cám dỗ, những khuynh hướng tự nhiên có thể lôi kéo con người xa Thiên Chúa. Chẳng hạn khi phải chọn lựa giữa hai điều tốt, bản tính tự nhiên của con người có khuynh hướng chọn lựa điều có lợi cho mình hơn, điều đỡ vất vả khổ cực hơn, điều đỡ gây thiệt hại hơn, thay vì phải chọn lựa điều tốt hơn,

3. Làm sao giữ được tâm hồn trong sạch?

Nếu ta hiểu được tội lỗi là gì, thì ta sẽ hiểu ngay được cách gìn giữ tâm hồn trong sạch, không vướng mắc tội lỗi. Tội lỗi là một cái gì đi ngược lại bản chất của Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (xem 1Ga 4,7-8). Do đó, khi nào chúng ta có tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn, nghĩa là ta thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và sẵn sàng hành động theo sự đòi hỏi của tình yêu ấy, thì tâm hồn ta được kể là trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta không có tình yêu, chúng ta ích kỷ, đặt nặng cái tôi của mình, thì tâm hồn ta đã có khuynh hướng tội lỗi, và lúc nào sẵn sàng làm điều tội lỗi. Hễ có tình yêu đích thực – nghĩa là yêu Thiên Chúa và tha nhân – thì hành động nào do tình yêu đó thúc đẩy cũng đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, thánh Âu-Tinh nói: «Cứ yêu đi đã rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Tâm hồn của Đức Ma-ri-a luôn luôn trong sạch vì Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa và dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa. Người yêu Chúa thật lòng như Mẹ thì không thể phạm tội được. Vậy để giữ tâm hồn mình trong sạch, không gì tích cực và bảo đảm bằng việc củng cố tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân. Và đã là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn tự biểu lộ thành hành động.

[về mục lục] [4]

Bài 4. Mẹ Vô Nhiễm
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholicism.about.com

Vô nhiễm là gì?

Một số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria. Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

Vô nhiễm nó đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna. Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng trước ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latin dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên”. Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 ĐGH Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

ĐGH Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng”.

LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được”.

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô. Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội. Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ. Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ. Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng. Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học. Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”). Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô. Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna (tức là Sinh nhật Đức Mẹ). Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, ĐGH Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội. Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

[về mục lục] [4]

Bài 5. NGHE VÀ GIỮ LỜI CHÚA
P. Trần Đình Phan Tiến

Tước hiệu VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI dành cho Đức Trinh nữ Maria là một đặc ân và là một danh hiệu đã quen thuộc đối với người công giáo vào ngày 08 tháng 12 hằng năm.

Vâng! thật vậy, trên tất cả loài thụ tạo, Đức Maria được kêu mời trở nên công chính một cách đặc biệt,để mở đầu cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu muôn thuở.

Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ, để được phối hợp với người nam thực hiện nhiệm vụ cao quý của Thiên Chúa là tiếp tục công trình tạo dựng loài người. Theo đó,Thiên Chúa tạo nên con người chỉ một lần, người nam và người nữ. Nên chi hôn nhân là việc tiếp nối sự sáng tạo của Thiên Chúa để duy trì sự sống của con người trên mặt đất. Sự sống của con người chính là tình yêu của Thiên Chúa, duy trì sự sống là duy trì tình yêu của Thiên Chúa, nhưng sự sống nguyên tuyền ấy đã bị thế lực satan tác động và chính người nữ đầu tiên được bàn tay Thiên Chúa tạo dựng, đã làm cho sứt mẻ.

Hình phạt lớn nhất dành cho con người,kể từ đó, là sự CHẾT. Chết chính là “tội nguyên tổ”, hệ lụy của tội nguyên tổ, gọi là tội tổ tông hay là nguyên tội, tội chung của loài người. Là sự dữ đầu tiên, mà ta chưa tự phạm. Sau đó lớn dần và hình thành trong con người ta, phát triển ra thành tội riêng. Như vậy tội tổ tông làm cho ta ngụp lặn trong tội, làm cho ta thuộc về tội. Như vậy nguyên nhân của tội là chống lại Thiên Chúa, dù rằng không thế lực nào chống lại nổi với Thiên Chúa, nhưng chống trong thâm tâm, trong tự do ý nghĩ và bởi tác động của một thế lực đầu tiên chống lại Thiên Chúa, đó là satan. Như vậy, satan đã gieo sự chết vào thế gian.

Như vậy, tội nguyên tổ là do giới tính thứ hai, bởi sự xúi giục của satan tạo ra. Đó là phụ nữ và ma quỷ.

Thiên Chúa không nóng giận và hủy diệt theo cách của satan, vì Thiên Chúa đứng trên satan. Cái bẫy của satan không giăng được Thiên Chúa, hay nói cách khác Thiên Chúa không mắc bẫy satan vì Ngài là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ cần phán một Lời. Lời nguyền của Thiên Chúa trên con người và satan là

sự chúc dữ. Án phạt tổ tông muôn đời tồn tại trên trần gian và sự chúc dữ của Thiên Chúa vẫn tồn tại trên con người và ma quỷ cho đến ngày cánh chung.

Mọi dòng giống con người được sinh ra trên trần gian đều hệ lụy. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài đến trần gian để ban ơn cứu chuộc cho con người trần gian. Thiên Chúa muốn tái tạo một dòng giống mới của con người trần gian, nhưng không phải ở trần gian. Dòng giống mới ấy được sinh ra bởi ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, dòng giống mới ấy phải tinh tuyền, thánh khiết. Muốn vậy, họ phải được tái sinh bởi nước, Máu và Thánh Thần. Đấng cứu chuộc, tuy là Thiên tính, nhưng Người đến với nhân loại Người phải mặc lấy nhân tính, đó là xác phàm. Vì thế, phải có một người Mẹ, người Mẹ ấy được chọn giữa muôn người phụ nữ, người Mẹ ấy khi nhận lời truyền tin của sứ Thần, bày tỏ sự vâng phục và đón nhận Đấng Thiên Sai cho nhân loại. Ngay từ giây phút ấy Mẹ đã không còn thuộc về Mẹ nữa, mà Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Như vậy, Đấng cứu chuộc đã ngự trong lòng Mẹ, Mẹ đã không còn là phàm nhân thuần túy nữa, mà là Mẹ đã trở nên siêu phàm nhờ Thiên tính của Đấng cứu chuộc. Những tước hiệu mà Mẹ đón nhận được đều nhờ bởi Đấng cứu chuộc,vì Mẹ đã được kêu mời cộng tác vào công trình tái tạo nhân loại. Như vậy, Mẹ của Đấng tái sinh một giòng giống mới, thì Mẹ phải được lãnh nhận một đặc ân hợp lẽ đó là không mắc tội nguyên tổ. Mọi tín hữu công giáo, khi muốn được gia nhập vào dòng giống mới của Đức Kitô, thì họ phải đón nhận bí tích Thánh tẩy, để được khỏi tội tổ tông. Phương chi là Đức Trinh nữ Maria, người mà đã mang thai chính Con Một của Thiên Chúa, là Mẹ của một giòng giống mới, mặc nhiên là không vướng tội nguyên tổ.

Như vậy, Eva cũ, (mẹ của chúng sinh cũ), đã qua đi, và Eva mới (Mẹ của chúng sinh mới) đã hiện diện, để cộng tác với Thiên Chúa ban cho nhân loại một giòng giống mới, tất nhiên người Mẹ ấy hoàn toàn hợp lẽ vô nhiễm nguyên tội. Mẹ xứng đáng là Eva mới.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là đấng vô nhiễm nguyên tội, vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi Lời Chúa, Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Nên chi, Mẹ đã lãnh nhận đặc ân vô nhiễm nguyên tội, để sinh ra một giòng giống mới, xin Mẹ thương ban và cầu bàu cho chúng con xứng đáng noi theo Mẹ để đến với Thiên Chúa. Amen./.

[về mục lục] [4]

Nguồn: Lam Hồng

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]