Định mệnh phũ phàng

Với đôi mắt tinh anh và chiếc cà-vạt thắt đúng kiểu, Jacques Théberg, một thanh niên tàn tật 27 tuổi, có đầy đủ tư cách và dáng điệu của bất cứ ông giám đốc bình thường nào khác. Thật thế, Jacques Théberg điều khiển một tiểu công ty chuyên việc phối hợp các dịch vụ lo cho người tàn tật tại gia. Công ty có 80 nhân viên làm việc trong toàn Montréal, thủ đô nước Canada. 80 nhân viên dành ra 3 ngàn giờ mỗi tháng để phục vụ tại gia cho 560 người tàn tật.

Cuộc đời đã không mĩm cười khi chào đón Jacques Théberg. Cậu bé sinh ra không chân và không tay, ngoại trừ hai bàn chân nhỏ xíu. May mắn Jacques được gia đình thương yêu và nuôi dưỡng bình thường. Càng lớn, Jacques càng thâm hiểu: 
“Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải những gì chúng ta chiếm hữu, nhưng là những gì chúng ta làm nên, thực hiện được”.

Do đó, Jacques Théberg không đầu hàng trước một định mệnh gọi là “phũ phàng”, như người ta thường nói. Jacques không chấp nhận thái độ buông xuôi cẩu thả nơi người tàn tật cũng như thái độ kiêu căng và thiếu kính trọng nơi những người may mắn gọi là “bình thường”. 
Từ khi bước vào tuổi trưởng thành, 18 tuổi, Jacques Théberg chính thức hưởng quy chế được có các nhân viên xã hội đến chăm sóc tại gia. Nhưng cũng từ ngày đó chàng cay đắng hiểu rằng: 
“Thật ra, không ai chăm sóc mình chu đáo cho bằng chính mình tự chăm sóc cho mình”. Jacques tâm sự: 
“Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy có người bỗng trở thành trợ tá xã hội, đến nhà giúp tôi, chỉ vì họ bị mất việc ngày hôm trước. Họ dấn thân trong ngành trợ tá tại tư gia mà lại hoàn toàn mù tịt về các đòi hỏi của công việc này!”.

Hiểu và kinh nghiệm như thế, Jacques Théberg nghĩ đến việc thành lập một tiểu công ty, chuyên việc điều hợp các nhân viên có nhiệm vụ chăm sóc người tàn tật tại gia. Tiểu công ty sẽ đặc biệt tuyển chọn nhân viên trợ tá đã được huấn luyện kỹ lưỡng, làm sao để các người tàn tật được phục vụ nghiêm chỉnh trong hoàn cảnh đau thương của mình.

9 năm dài trôi qua trong kinh nghiệm một người tàn tật, sống hoàn toàn lệ thuộc người khác, kể cả những chăm sóc vệ sinh kín đáo và tế nhị nhất. 9 năm đủ để chín mùi một dự án nhân đạo, hoàn toàn tôn trọng phẩm giá người tàn tật. Đầu năm 1995, Jacques Théberg chính thức cho thành hình tiểu công ty “Gesti-Soins – Tổ hợp chăm sóc” và do chàng điều khiển. Tiểu công ty nhắm mục đích nâng cao phẩm chất phục vụ người tàn tật chứ không hề nghĩ đến chuyện thương mại kiếm lời. Vì thế, ngay buổi đầu, Jacques Théberg đã gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chánh .. Tuy nhiên, chàng không hoảng sợ hoặc hèn nhát đầu hàng. Chàng cương quyết đi đến cùng và chàng đã thành công. Tiểu công ty “Gesti-Soins” hân hạnh chào đời và vị giám đốc là một thanh niên tàn tật 27 tuổi, không chân không tay.

Jacques Théberg tâm sự: “Tôi tự xem nổi bất hạnh tàn tật của tôi như một cơ may. Tự bản tính, tôi thuộc loại ưa phản kháng. Thế nhưng, thay vì tổ chức những cuộc biểu tình chống đối, hoặc đòi hỏi quyền lợi, tôi tự nhủ: mình phải tự tìm ra một giải pháp ôn hòa và hoàn toàn tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt những người tàn tật. Tôi thâm hiểu rằng, trong cuộc đời, điều quan trọng không phải những gì chúng ta chiếm hữu, nhưng những gì chúng ta làm nên, thực hiện được.

.. Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói: “Than ôi, người công chính lại trở nên trò cười cho thiên hạ! ‘Người đã bất hạnh lại còn bị khinh chê! Kẻ đã bị trượt chân còn bị xô thêm nữa’. Những kẻ gặp may lành thường xử sự như thế. Nhưng quân cướp lại sống bình an trong lều, những kẻ chọc giận Thiên Chúa được mọi bề yên ổn, và kẻ bắt Thiên Chúa phục vụ mình cũng thế! Nhưng anh cứ hỏi súc vật, chúng sẽ chỉ giáo cho anh, cứ hỏi chim trời, chúng sẽ cho anh biết. Thú rừng sẽ chỉ giáo cho anh hay, cá biển sẽ giải thích cho anh rõ. Vì trong giống vật, có con nào lại không biết rằng tay Đức Chúa đã làm nên những điều đó!” (Gióp 12,4-9).

(“Le Devoir”, Journal de Montréal, Canada). 

Chia sẻ Bài này:

Related posts