Legio Mariae
Trang Nha
 

 

 

 
Mười Sáu Lời Khuyên Vàng Ngọc

    Trong bài “CHA GIẢNG HAY, CHA GIẢNG DỞ” trong mục Trò Chuyện Với Các Bạn Trẻ, Linh mục Nhân Tài, CSJB, phân tích rằng ”có nhiều các bạn trẻ không thích các Linh mục già giảng, bời vì các ngài thường hay giảng dài, giảng dai và không thu hút cho lắm, hơn nữa các ngài thường “ôn cố quên tân”, tức là các ngài thường hay lấy “sự xưa tích cũ” không ăn nhằm gì với lời Chúa, để nói với lớp trẻ của thời đại”. Thiết nghĩ rằng đây là một vấn đề đã được bàn đến từ rất lâu, ở khắp mọi nơi kể cả trong nước, nên tôi chỉ xin mạo muội trình bày một vài suy nghĩ riêng tư, đồng thời đề nghị một cách nhìn về vấn đề này.

          Trước hết phải nói rằng, bất cứ bạn trẻ nào phát biểu những điều trên đây, mà hoàn toàn vô tư không mang trong mình đầu óc địa phương, cục bộ (như Cha miền này, giọng kia mới hay), hay thành kiến (như Cha Dòng… mà giảng gì) thì những bạn trẻ đó đáng khen vì chịu khó để ý nghe cha giảng, và dám nói lên suy nghĩ của mình, nhưng  lại có  khuyết điểm đó là vội vàng  đánh gía, và “vơ đũa cả nắm”. 

           Để làm sáng tỏ vấn đề, trước hết, xin được trình bày tóm tắt về lý do tại sao có bài giảng trong Thánh lễ. Đức cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen giải thích rằng: “Kiến thức, trình độ văn hóa, không phải là điều kiện để tiếp nhận thêm ánh sáng của Đức Tin, mặc dù một người có trình độ học vấn cao có thể hiểu về đức tin rõ hơn. Bởi vì ánh sáng của đức tin đến từ Thiên Chúa, chứ không phải do chúng ta cung cấp. Do đó, để được xem là một Kitô hữu đích thực, người đó không bị đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao, vì “Tôn giáo là giáo dục” (It is an education). 

          Giáo dục, theo một định nghịa đơn giản là sự khai trí, nâng cao hiểu biết, sự phát triển khả năng trí tuệ, do đó giáo dục đòi hỏi phải có hai yếu tố : giảng và dạy. Tại các trường đại học, giảng sư giảng về các khoa học như : tự nhiên, nhân văn v.vv... thì trong Thánh lễ chúng ta được linh mục hoặc phó tế giảng về khoa học đức tin (từ Theology được ghép từ 2 từ Hy lạp theos và logos; theos có nghĩa là Thiên Chúa và logos có nghĩa là lời, là sự suy tư), như thế Theology là suy tư về Chúa. Tại đại học thì thầy giảng, còn sinh viên tự tra cứu, tham khảo, học lấy bằng sách vở, bằng internet v.vv... nói cách khác các danh nhân hay các khoa học gia lỗi lạc sẽ dạy cho chúng ta chứ không phải là vị giảng sư trên bục giảng. Còn trong Thánh lễ thì linh mục hoặc phó tế giảng về Chúa, nhưng Chúa Thánh Linh sẽ là Đấng dạy cho chúng ta, Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu được ý nghĩa, trọng tâm của bài giảng đó. Bởi vậy Cha giảng hay hoặc giảng dở không phải là yếu tố quyết định. Dĩ nhiên, nếu vị linh mục “dọn bài” kỹ lưỡng, bố cục chặt chẽ thì mức độ tiếp thu của chúng ta nhanh và dễ dàng hơn ; còn nếu ngài “đi” miên man, bị “cháy giáo án”, thì sẽ dễ gây nhàm chán, buồn ngủ. Tự nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn nghe những bài giảng thật súc tích, cho “khoái nhĩ”, nội dung hợp với thành phần của mình ; nhưng xét cho cùng, lắm khi những ước muốn đó lại trở thành những đòi hỏi không thực tế. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corintô, đã nêu lên những tiêu chuẩn lựa chọn rất lạ lùng của Chúa. Khi chọn ai, Chúa không xem người đó có học thức cao, có tài ba lỗi lạc, có nhiều tài năng hay không. Chúa chọn người đó với lý do duy nhất, đó là vì Ngài muốn thế. Chính vì vậy mà Thánh Phaolô đã liệt kê 5 tiêu chuẩn chọn lựa của Chúa. Chúa chọn những gì là yếu đuối, hèn mọn, ngu dại, bị khinh thường và những gì là hư không. Chúa thích chọn lựa như thế để nói lên sức mạnh và quyền năng của Ngài.

           Chính vì vậy mà không phải cứ đi tu là người đó phải giảng hay, lợi khẩu -cho dù đa số đều mong được như thế-. Tài giảng dạy là ơn riêng Chúa ban cho một số người. Bù lại, có nhiều linh mục tuy không giảng hay, nhưng Chúa lại cho họ ơn sống đời đạo đức, thánh thiện. Mà đời sống thánh thiện, như chúng ta thấy, lắm khi còn quan trọng, có sức thuyết phục gấp nhiều lần so với những bài giảng hay. Tuy vậy, linh mục nào cũng đều có bổn phận trau dồi, học hỏi để nâng cao khả năng truyền đạt, để ngày mỗi làm tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy của  mình.

           Lời của Chúa là lời hằng sống, là chân lý, do đó lời ấy phù hợp với mọi không gian và thời gian. Tuy nhiên, lời đó lại được những con người bất toàn rao giảng, chuyển tải, nên có lúc Lời đó lại đúng với giới này, tâm đắc với thành phần kia, nhưng lại không phù hợp với tầng lớp nọ. Trong thực tế, linh mục hay phó tế, khi giảng dạy, thường triển khai bài giảng theo hướng các ngài nghĩ là phù hợp, mà cử tọa phía dưới thì gồm nhiều thành phần, nhiều giới, nhiều trình độ, nhiều sở thích khác nhau, cho nên khó mà làm thỏa mãn được tất cả mọi người. 

          Các bạn trẻ là sự sống còn, là tương lai Giáo Hội, tôi dám nói điều này vì các ơn gọi, góp phần làm phát triển sức sống Giáo Hội, sẽ phát xuất từ chính gia đình của các bạn trong tương lai. Bởi vậy hơn ai hết các bạn hãy nêu gương cố gắng trang bị cho mình -tùy phương thế, điều kiện riêng- một đời sống đức tin thật dồi dào, sinh động. Xin được giới thiệu đến các bạn trẻ nói riêng, và tất cả mọi tín hữu nói chung 16 lời khuyên vàng ngọc của Thánh Tiến Sĩ Tomas Aquinô, khi Ngài được một giáo dân viết thư hỏi rằng làm thế nào để có thể có được một đời sống đức tin thật phong phú và sinh động. Ngài viết như sau :

1. Đừng bao giờ đi thẳng vào cái biển mênh mông của kiến thức, nhưng phải tạo cho mình những con suối nhỏ. Phải khôn ngoan đi từng bước, từ dễ đến khó.

2. Phải nói chậm và tiến vào nơi  họp mặt một cách thong thả.

3. Đánh giá thật cao những ai có lương tâm trong sáng.

4. Không bao giờ bỏ giờ cầu nguyện.

5. Hãy khiêm tốn, hết sức bằng lòng với hiện tại của chính mình.

6. Phải có bộ mặt vui tươi, cởi mở đối với mọi người.

7. Không bao giờ tò mò về công việc của người khác.

8. Không được quá thân mật với bất cứ một người nào, vì sự thân mật sẽ gây ra sự coi thường, dễ thoái thác, lơ đễnh trong công việc quan trọng.

9. Cẩn thận đừng can thiệp vào lời nói và hành động của người ngoài.

10. Đừng lãng phí thời gian nói chuyện  tầm phào, vô bổ.

11. Hãy chăm chú học tập và theo gương của những người tốt lành và thánh thiện.

12. Đừng chú trọng đến phong cách của diễn gỉa, nhưng cố nhớ bất cứ điều hữu ích nào có thể dùng được cho mình.

13. Nắm bắt một cách triệt để bất cứ điều gì  mình đã đọc và đã nghe.

14. Tìm hiểu những điểm nghi ngờ.

15. Cố hết sức để lưu trữ trong đầu mình giống như là một tủ sách tí hon vậy. Phải cố gắng nhồi nhét cho đầy.

16. Đừng quan tâm, lo lắng về những vấn đề ngoài khả năng của mình. 

           Nếu bạn làm được những điều trên đây, bạn sẽ đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái trong vườn nho của Thiên Chúa, trong mọi ngày của đời sống bạn. Nếu bạn làm  theo sự khuyên bảo của tôi trong lá thư này, bạn sẽ đạt được mục tiêu mình mong muốn.

Tạm biệt ,    Tomas Aquinô

           Tóm lại, tôi nghĩ rằng những lời khuyên vàng ngọc trên đây có thể áp dụng được cho tất cả mọi người. Riêng đối với người Kitô hữu,  chúng ta cần học hỏi và làm theo sao cho được ngày càng nhiều điểm của “khuôn vàng thước ngọc” trên đây. Hãy xem chúng như là những nhân đức nằm trong “Ơn Khôn Ngoan” mà  Chúa Thánh Thần đã ban cho khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Ước mong sao mỗi Kitô hữu đều nhận thức được rằng “Tôn giáo là giáo dục”. Mà giáo dục thì không bao giờ cho phép ta chịu bằng lòng với những điều mình biết cả ; trái lại, ta phải học hỏi, tìm tòi, khám phá không ngừng những điều mới lạ, nhất là những gì liên quan đến “Lời hằng sống”. Không ai có thể yêu một người khi mình không biết rõ về người đó. Đối với Thiên Chúa thì cũng y như vậy. Chúng ta không thể nói rằng mình yêu mến Chúa khi chúng ta không biết rõ về Ngài. Cho nên muốn biết rõ về Ngài thì phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi về Ngài. Và rồi, càng biết rõ về Ngài chúng ta mới có thể yêu mến Ngài nhiều hơn. Để kết thúc, tôi xin mượn câu nói sau đây của Thánh John  Chrysostom, Tiến sĩ Hội Thánh, biệt danh là “ Gioan Kim Khẩu” : “Còn có công việc nào lớn lao hơn là huấn luyện  tâm hồn, và rèn luyện những thói quen cho những người trẻ tuổi ?”.

 

Phaolô Ngô Suốt