Tự do lương tâm

Thân mời bạn cùng nhau học hỏi chủ đề tự do qua tình hình thời sự tại Việt Nam, đặc biệt qua sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông thuộc hải phận của Việt Nam vào đầu tháng 5, năm 2014. Hành động xâm chiếm của Trung Quốc buộc chúng ta cần suy nghĩ giá trị của độc lập và tự do mà cả hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đều rêu rao. Qua sự kiện này, chúng ta thấy chính quyền Cộng sản Việt Nam rất lúng túng và chậm chạp trong việc xử lý tình hình, còn tệ hại hơn khi họ đã cấm cản quyền tự do của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền. Vậy, quyền tự do này thuộc về ai? Của người Trung Quốc, của Đảng cộng sản Việt nam, hay của người dân Việt? Khi con người mất quyền tự do lương tâm, thì tất cả các giá trị tự do khác nếu có cũng bị bóp méo hoặc bị tước đoạt.

Vậy tự do lương tâm là gì?

Một cách đơn giản tự do lương tâm là quyền tự do thánh thiên trong lương tâm của mỗi con người – được thúc dục để làm điều tốt, tránh điều xấu – mà không một ai, kể cả những người cầm quyền có thể can thiệp, xâm phạm, ngăn cấm một quyết định của một người khi người ấy tin rằng tiếng lương tâm chỉ bảo họ làm điều tốt. Tự do lương tâm là quyền căn bản nhất trong các quyền tự do. Nó là tự do gốc, là đá tảng để xây dựng những quyền tự do khác trong xã hội. Biểu hiện của sự mất tự do là sự sợ hãi. Cách thức đế chống chế sự sợ hãi là dùng vũ lực, xâm chiếm, tước đoạt những gì không thuộc về mình. Vì lẽ đó, biến cố dàn khoan Hải Dương 981 là sự biểu hiện về quyền tự do lương tâm bị tước đoạt một cách tận gốc rễ. Khốn thay, cả hai phía Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt nam đều đã đánh mất quyền tự do lương tâm. Họ là những người trước hết mất đi tiếng nói lương tâm chân chính, mất đi quyền tự do lương tâm ngay thẳng để thực hiện điều tốt. Họ là những người sợ hãi hơn ai hết. Kết quả là họ đã chống chế bằng bạo lực, tước đoạt, và xâm chiếm quyền tự do của người khác. Trung Quốc tước đoạt tự do của Việt Nam, chính quyền Cộng sản Việt Nam tước đoạt quyền tự do của người dân.

Nguyên cớ nào mà nước lớn Trung Quốc muốn bành trướng thêm đất, biển bằng hành động xâm chiếm nước nhỏ khác? Cổ nhân dạy rằng, “Tri túc thường lạc” (Biết mình đủ thì vui). Bất cứ ai khi không cảm thấy sự “tri túc” của mình, người ấy không tìm được niềm vui. Nỗi khao khát của một ông vua ở bên Tàu, hay là ông chủ tịch nào đó của Trung Cộng cũng đơn thuần bị chi phối bởi qui luật thường hằng này. Vì lẽ đó, tiếng lương tâm nhắc cho ông ấy biết là: Mình đủ rồi – dừng lại đi – thì mới có niềm vui cho mình. Tự do lương tâm là ở chỗ đó, đừng để những hoàng nhoáng của danh – lợi – thú chi phối đời ta, khi bị chúng chi phối, ta mất đi sự tự do – trước hết đó là tự do của lương tâm để làm điều tốt.

Nguyên cớ nào mà ông Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng và những người nắm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bán đất của nước Việt Nam cho Tàu Cộng? Họ có tự do trong lương tâm để làm điều tốt không? Họ bị chi phối bởi những điều gì? Cũng vậy, khi họ không “tri túc” thì đời họ và hành động của họ sinh ra vô số hậu quả không vui. Vì không biết tri túc nên tìm quyền hành thêm cho vững chắc; vì sợ hãi nên nhất thời kết nghĩa huynh đệ với kẻ thù. Tất cả cũng chỉ vì mất đi sự tự do trong lương tâm để cho quyền hành, phe đảng chi phối những quyết định mình. Thật tệ hại hơn, khi người dân nghèo dùng quyền tự do của mình để bảo vệ lãnh thổ, để thức tỉnh quyền tự do lương tâm của hai phía Đảng Cộng sản, thì họ bị đàn áp, bị áp bức, và bị hành hạ bắt giam. Tại sao Đảng Công sản làm như thế? Thưa vì họ đối diện với nỗi sợ mới – sợ bị mất những gì còn bám víu được, gỡ gạc được.

Theo tác giả Robert George[1], có ba trụ cột để làm cho một xã hội vững mạnh: (1) Tôn trọng con người. (2) Tôn trọng gia đình. và (3) Tôn trọng công bằng. Thật chua xót cho dân tộc Việt Nam của chúng ta, xem chừng như giới lãnh đạo Cộng sản đã không nhắm tới ba trụ cột quan trọng ấy khi xây dựng đất nước. Chính vì lẽ đó, quyền tự do lương tâm của mỗi người đã bị tước đoạt.

Hôm nay có lẽ chúng ta cần dừng đôi phút để suy nghĩ về quyền tự do lương tâm của mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ thường nhật cho đến việc lớn hơn liên quan đến vận mạng đất nước. Tôi có tự do lương tâm không? Tôi có tự do lương tâm để làm điều cần phải làm cho dân tộc Việt của mình? Điều gì đang chi phối những quyết định của tôi trong việc giúp phục hồi tự do cho chính mình và cho dân tộc Việt mình?

Fr. Huynhquảng

[1] Trích từ, http://www.ubmvgiadinh.org/article/tự-do-tôn-giáo-và-tự-do-lương-tâm

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment