Thomas Merton

Thomas MertonTrong tông huấn Dung Mạo của Lòng Thương Xót (Misericordia Vultus), Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự thật rằng: Ơn cứu độ của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào lòng thương xót của Đấng giàu lòng thương xót. Ngài diễn đạt: “Lòng Thương Xót: là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót: là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta (MV #2). Trong thời đại của chúng ta, khó có ai diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đẹp hơn Thomas Merton – một tu sĩ chiêm niệm tại tu viện Gethsemani, Kentucky. Ông tự thú rằng: “Những điều nghịch lý nhất trong cuộc đời của tôi chính là những dấu chỉ lòng thương xót của Chúa.”

Trong tự truyện The Seven Storey Mountain (Ngọn núi bảy tầng) – được xem như là cuốn Tự Thú của thánh Augustinô trong thời hiện đại, Thomas Merton đã khiêm tốn chia sẻ một cuộc lữ hành kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa đời mình không mệt mỏi. Con đường ông đi qua cũng chính là con đường mà tất cả chúng ta cũng đang đi: cô đơn, sợ hãi, nghi ngờ, tham danh, háo sắc, ích kỷ, tội lỗi… nhưng lẫn lộn trong những thăng trầm ấy, lòng thương xót của Chúa không bao giờ cạn và luôn luôn đụng chạm đến từng vết thương ấy – để ta được chữa lành.

Thomas Merton (1915 – 1968) sinh tại Pháp, được rửa tội theo Anh Giáo, và định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi mẹ của Thomas mất lúc cậu mới sáu tuổi, cậu trở lại Pháp với người cha và theo học nhiều trường học tại Châu Âu. Trong thời gian học tại đại học Clare, Cambridge. Thomas đã sống một cuộc đời tự do phóng khoáng trong nhiều lãnh vực nhằm thoả mãn thú vui và cái tôi của mình. Chính trong thời gian này, Thomas cũng đã có một người con ngoài hôn thú. Năm 1934, Thomas trở lại Mỹ và ghi danh tại đại học Columbia, New York. Niềm khắc khoải và đi tìm ý nghĩa cho đời mình vẫn nung nấu tâm can của Thomas. Sự nhộn nhịp của thành phố New York cũng không đủ đáp ứng những tiếng gọi ẩn sâu trong trái tim của Thomas; hay nói đúng hơn, lối sống vui thú phù vân của con người, kiến thức triết lý mà Thomas lãnh hội đã không làm cho Thomas thoã mãn được; vì lẽ đó, đã có lần Thomas có ý định kết liễu đời mình trong thất vọng vô nghĩa.

Dầu sao, chúng ta có thể mệt mỏi đi kiếm tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi đi kiếm tìm chúng ta. Điều này thật đúng với Thomas Merton. Không có cách nào khác để cho tâm hồn ta được thoả mãn hơn là sự nhìn nhận một xác tín: “Chúng ta được sinh ra với niềm khao khát được biết và thấy Ngài.”[1] Không đón nhận hay làm ngơ những khao khát cháy bỏng trong con tim mình, hay đi tìm một sự khoả lấp chóng qua khác nhằm làm nguôi đi niềm khao khát ấy, chúng ta đánh mất cơ hội “biết và thấy” Ngài. Chấp nhận mình là thụ tạo và kiên trung chân thành đợi chờ, không sớm thì muộn, lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ ngập tràn trong trái tim của chúng ta một cách bất ngờ.

Vào một ngày của tháng 8 năm 1938, sau nhiều lần lưỡng lự và đắn đo, Thomas đã quyết định đến nhà thờ Corpus Christi gần đại học Columbia để dự thánh lễ đầu tiên trong đời. Thomas tường tự thuật lại: Vào ngày Chúa nhật đẹp trời, Thomas như nhận được một lời mời nhẹ nhàng nhưng như được thúc dục “Go to Mass! Go to Mass!” (Hãy dự Thánh Lễ! Hãy dự Thánh Lễ!). Nhận ra tiếng thôi thúc nhẹ nhàng này, Thomas đã gọi điện cho người bạn gái và từ chối không đi chơi với nàng. Sau Thánh Lễ, Thomas cảm nghiệm được ân sủng đã nâng đỡ để giúp anh thấy hướng đi đời mình có ý nghĩa mục đích.[2]

Vào ngày 16 tháng 11 năm 1938, Thomas Merton đã để yên cho Thiên Chúa ôm hôn mình qua bí tích Rửa Tội. Một năm sau, lòng khao khát sự dấn thân theo Chúa qua tiếng gọi trở nên linh mục trổi dậy trong trái tim Thomas. Dầu vậy, tiếng gọi ấy vẫn cần phải được minh định và kiểm chứng qua thời gian cùng với sự bàn hỏi với những người kinh nghiệm. Gần ba năm (1939 – 1942), Thomas đã tìm hiểu ơn gọi của mình nhiều nơi, kể cả dòng Phanxicô. Bị khước từ vì lỗi lầm trong quá khứ, Thomas nhận ra là mình không có ơn gọi thuộc dòng Phanxicô và có lẻ ước mơ trở nên linh mục là một ảo tưởng, vì thế Thomas trở lại dạy học tại Đại học St. Bonaventura. Vào tháng 10 năm 1941, Thomas đã tìm đến tu viện Gethsemani để tĩnh tâm. Chính nơi đây, Thomas đã nhận ra lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: “Chính trong bàn tay của Đấng yêu tôi hơn cả chính tôi yêu tôi, trái tim tôi được no thoả sự an bình.”[3]Chính nơi đây, Thomas đã không còn so đo chọn lựa đi hay ở, được hay mất, làm việc này hay việc khác, mà tất cả và cuối cùng chỉ còn: “Một mình Chúa thôi.”

Cuộc đời của Thomas Merton đã gợi lên đậm nét dung mạo của Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Đó chính “là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta” (MV #2). Cái nghịch lý đau khổ của con người chính là không chấp nhận để Thiên Chúa nhìn chúng ta vì chúng ta là con Thiên Chúa, mà chỉ thấy toàn là tội lỗi và sự kết án. Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi ta suy niệm câu nói của Thomas Merton. “Đối với thánh nhân, khi nhớ đến tội mình, họ không nhớ đến tội, nhưng là nhớ đến lòng thương xót của Chúa; vì thế, những xấu xa của quá khứ biến thành niềm vui để phụng sự vinh quang Thiên Chúa trong hiện tại.”[4] Có lẻ, đó cũng chính là lời mời Chúa dành cho chúng ta trong năm thánh Thương Xót.

Fr. Huynhquảng

[1] Thomas Merton, The Seven Storey Mountain (New York: A Harvest Book Harcourt, Inc, 1999), 191.

[2] Thomas Merton, 226.

[3] Thomas Merton, 343.

[4] Thomas Merton, 323.

Chia sẻ Bài này:

Related posts