- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Con biết hỏi ai? (Phần 2)

Cậu bé nhìn Chúa như vẫn thắc mắc muốn hỏi thêm tại sao và tại sao?… Bổng dưng, Chúa dẫn cậu bé quay về lại thời tạo thiên lập địa. Trước mắt cậu bé là tuyệt tác của tình yêu: vũ trụ, vạn vật và con người. Trang sử đầu tiên của con người là trang sử đẹp, an bình, và tự do. Con người hoà quyện nên một với

Thiên Chúa, vui hưởng thanh bình với nhau và vạn vật. Trong con người, thể xác và tâm hồn trở nên một mà không hề có sự đối chọi hay muốn thống trị nhau. Tất cả mọi suy nghĩ, hành động và lời nói luôn biểu hiện lòng tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa là chủ thể của mình. Con người không nhọc nhằn đi tìm bình an hay hạnh phúc, tự do hay niềm vui, vì con người đã được no thoả nhờ sự nên một với Thiên Chúa.

Cậu bé dừng lại quan sát hình ảnh Adam và Eva bị dụ dỗ và cuối cùng ưng thuận ăn Trái Cấm. Quan sát hành động của Adam và Eva, cậu bé hỏi Chúa. “Chúa ơi, Chúa có hối tiếc vì ban cho con người sự tự do? Giá như…” Cậu bé chưa thể chấm dứt lời giả thiết và cũng là sự hối tiếc của mình, (“Giá như đừng có hành động ăn trái cấm của Adam và Eva, thì…”). Cậu bé đã thấy ngay hành động yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa qua việc Lời hứa Cứu độ. Rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước phản ứng rất nhanh của Thiên Chúa trong việc yêu thương cứu độ con người, cậu bé nhìn Chúa như muốn hỏi điều gì thêm, nhưng Chúa kéo cậu vào lòng và dỗ cho cậu chìm trong giấc ngủ sâu.

* * *

Cậu bé chợt thấy lại việc cậu đã không vâng lời mẹ mà có lần cậu cố tình trốn học giáo lý đi tắm suối với bạn bè. Hậu quả là bị một trận đòn nhớ đời. Nhưng trận đòn đó không làm cho cậu bị tổn thương và ra hư đốn, nhưng nhờ nó mà hôm nay cậu nhận ra rõ tình thương vô điều kiện của mẹ mình một cách thiết thực hơn. Sau trận đòn là có ngay một bịch chè để như xoa dịu vết thương cho con của mình; và hơn thế nữa, mẹ cũng nói lên rằng: Việc cậu bị đánh đòn không có nghĩa là mẹ cậu không thương cậu, nhưng việc đánh đòn là để giáo dục giúp cậu nên người. Tình thương của người mẹ trải dài xuyên xuốt cả cuộc đời và sẽ mãi vẫn không bao giờ thay đổi dù cậu có oán giận hay không vui trong lúc này.

Cậu cũng thấy lại hình ảnh chính cậu đã không vâng lời ba qua việc đá bóng trước sân nhà làm các cây hoa kiểng và rau do ba trồng bị dập chết đi. Ba giận lắm, buồn lắm vì công khó trồng chúng. Một đứa con không vâng lời “phá hoại” như thế làm sao mà không giận và buồn được! Bị phạt quì là đúng. Khôn lớn và trưởng thành hơn, cậu bé hiểu được tình cha và nhận thức giá trị của việc bị quì – không phải mình bị ghét bỏ, nhưng là để giúp mình lớn lên trong trách nhiệm biết quan tâm để ý đến nhu cầu của người xung quanh.

Dựa mình vào Trái Tim Chúa, cậu bé tiếp tục thấy lại những hình ảnh mình được yêu thương từ cha mẹ, ông bà, anh chị, bà con, bạn hữu… chợt cậu oà lên một tiếng: “Con hiểu rồi! Chúa sẽ chẳng hối tiếc vì ban cho con người sự tự do đâu. Nếu Chúa có hối tiếc thì Chúa hối tiếc cho chính thân phận con người vì đã dùng tự do không đúng mà thôi. Còn Chúa vẫn mãi yêu thương con người và tình yêu ấy chẳng bao giờ thay đổi. Con nghĩ như thế có phải không Chúa?” Cậu bé hỏi. Chúa nhìn cậu bé mĩm cười. Ngài đưa tay xoa nhẹ đầu cậu bé như là một biểu hiện cho sự hài lòng về câu trả lời của cậu bé.

* * *

Linh mục Jacques Philippe xác quyết rằng, “Tâm điểm của đời sống Kitô hữu là đón nhận sự ân cần và thiện hảo mà Thiên Chúa không ngừng mạc khải qua lòng Thương Xót của Ngài, để nhờ đó mỗi chúng ta được biến đổi.”[1] Vâng, chỉ có sự cảm nghiệm thật riêng tư về lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể giúp cho đời của ta được biến đổi. Lòng thương xót ấy trở nên nền tảng cho đời sống đức tin – không chỉ lúc chúng ta sa ngã, nhưng ngay từ công trình tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã hiện diện ngay từ giây phút đầu tiên của công trình sáng tạo – đó là sự biểu hiện lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa. Mọi sự do Ngài tạo dựng đều tốt đẹp. Vì thế, việc ban Lời hứa cứu độ cũng chỉ nhằm phụng hồi sự toàn vẹn đã bị đánh mất do sự tự do của con người. Nếu cha mẹ cũng không muốn con cái mình bị hư hoại trong cuộc đời này thì làm sao Thiên Chúa có thể làm ngơ trước việc con cái mình bị sự dữ hoành hành?! Thiên Chúa không muốn bất cứ tạo vật nào – đặc biệt là con người phải bị hư vô. Đó là bằng chứng hùng hồn để chúng ta tín thác vào lòng thương xót vô điều kiện của Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (cf. Rm 5:8). Thiên Chúa yêu chúng ta không phải vì là chúng ta tốt, làm việc giỏi giang, xiêng năng làm việc lành… nhưng thực ra, tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không lệ thuộc vào khả năng hay công trạng của chúng ta, nhưng đơn giản vì chúng ta là con cái của Ngài – thế thôi! Đó là một khởi điểm hy vọng cho thân phận làm người – dù bất toàn, nhưng luôn luôn có niềm cậy trông vào tình yêu chung thuỷ của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Qua mục Thương Xót và Nhân Hậu, chúng ta cầu chúc nhau cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa dành cho mỗi chúng ta để chúng ta có thể biểu hiện lòng nhân hậu đến với mọi người, đặc biệt trong năm Thánh Thương Xót.

Fr. Huynhquảng

[1] Philippe, Jacques (2012-06-07).The Way of Trust and Love – A Retreat Guided by St. Therese of Lisieux.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]