- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ve Sầu

Bạn thân mến, quan sát đời sống vạn vật tự nhiên, chúng ta cúi đầu khâm phục và rút ra những bài học quí giá cho cuộc sống loài người chúng ta. Trong chủ đề Kiên nhẫn – Kiên cường hôm nay, Mục Sống Sao Cho Đẹp xin chia sẻ sự diệu kỳ trong quá trình sinh ra và trưởng thành của chú ve sầu. Hay nói cách khác, qua đời sống của một con ve, phần nào giúp ta học thêm bài học về sự kiên nhẫn, để nhờ đó, ta thêm kiên nhẫn chấp nhận để cho quy luật tự nhiên uốn nắn ta trở nên những con người hoàn hảo hơn.

* * *

Con ve thuộc loại côn trùng bộ cánh. Cuộc sống của nó biến thái qua nhiều giai đoạn. Từ trứng, nó được nở ra ấu trùng và từ trên cây, nó rơi xuống đất. Từ đó, nó tự đào hang và tìm các rễ cây để hút nhựa sống. Cuộc sống của một ấu trùng cứ âm thầm lặng lẽ sống trong lòng đất có thể từ 2 đến 5 năm, có loại sống tới 15 năm dưới lòng đất. Sau thời gian sống âm thầm dưới lòng đất, con ấu trùng từ từ lột xác, vươn vai trưởng thành và trở thành con ve. Dầu đã phải trải qua thời gian chuẩn bị rất lâu dài như vậy, nhưng vận mạng của mỗi chú ve chỉ vỏn vẹn chừng một tháng. Trong vòng một tháng vào thời gian mùa hè, con đực cất tiếng kêu ve ve như để gáy lên thời vàng son của chúng; con cái thực hiện việc sinh sản. Sau thời gian trưởng thành ngắn ngủi này, chúng chết đi trả lại sự yên lặng êm ả cho con người. Khi mùa hè kết thúc, học trò cắp sách đến trường, cũng là lúc các chú ve chết đi, các ấu trùng vẫn âm thầm vào lò luyện để chờ cho đến ngày chào đời cất tiếng kêu ve ve.

* * *

Thiên nhiên cho chúng ta thấy những mẫu mực tuyệt hảo về sự kiên nhẫn âm thầm lạ thường trong đời sống của các loài sinh vật. Thực vậy, có những loài hoa phải trải qua thời gian rất lâu mới nở được, thế nhưng, cánh hoa tươi sinh ấy chỉ “sớm nở, chiều tàn.” Có những loài hoa, như Hoa Quỳnh, phải rất mất nhiều thời gian và công sức để trồng nó, nhưng rất hiếm khi thấy Hoa Quỳnh nở. Vậy mà nếu như nó nở, thì nó lại nở vào đêm khuya và chỉ vỏn vẹn một tiếng đồng hồ. Qui luật thiên nhiên là như thế đó. Chuẩn bị thật lâu, nhưng xuất hiện thật vắn vỏi. Nhưng khi chấp nhận sống theo quy luật tự nhiên, mỗi loài tìm được cho mình chỗ đứng riêng và ưu việt, không gì có thể thay thế được. Nếu chúng ta hỏi rằng, cuộc sống của con ve mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị mà chỉ sống được một tháng thì nó làm được ích gì?! Nếu một cánh hoa mà chỉ có nở vào một tiếng đồng hồ vào giữa đêm khuya thì có giá trị gì?! Thưa, dù chỉ một tháng hay chỉ một giờ xuất hiện trong thế giới này, thì giá trị của chúng cũng đã hoàn thành mỹ mãn. Giá trị của chúng nằm ở chỗ, dù thời gian chuẩn bị có lâu đến bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng khi sứ mạng của chúng được hoàn thành, đời chúng nên giá trị. Chúng được dựng nên cho cho một tháng ấy, và một giờ ấy mà thôi!

Không dừng ở đó, giá trị của chúng là bài học kiên nhẫn mà chúng ta học được hôm nay. Đồng hành và uốn mình với quy luật tự nhiên, ta phần nào nhận ra rằng, những ưu tư làm người của ta, những thách bại của ta, những bất toàn của ta, chẳng qua cũng chỉ là thời gian chuẩn bị cho một giá trị gì đó cao hơn, tốt hơn, và hoàn mỹ hơn. Không có chúng, ta không tốt hơn được. Nói cách khác, không có những đổ vỡ, rách nát, thất bại mà chúng ta đã kinh nghiệm trong cuộc đời, thì chưa chắc chúng ta đã có ngày hôm nay. Không phí đâu, nếu một chú ve mất vài ba năm chôn kín mình dưới lòng đất để chỉ chuẩn bị cho vài tiếng gáy trong một tháng, thì cuộc đời vất vả đào luyện của chúng ta sẽ tạo ra những tiếng “gáy” vang xa và bay cao hơn tiếng ve nhiều. Không phí đâu, nếu một cánh hoa nở vào đêm khuya không ai hay biết mà chỉ để chu toàn sứ mạng của nó, thì đời ta dù trải qua những tháng năm thầm lặng tầm thường, thì vẫn có đó nguyên giá trị của ta khi ta kiên nhẫn sống từng ngày với tất cả ý thức làm người của mình. Giá trị ta tìm được trong sự thầm lặng ấy là tìm được chính mình, gặp được chính mình, và đụng chạm được chính mình.

Để kết thúc, xin mượn khổ thơ trong bài thơ I Am[1] (Tôi là) của Thomas Merton để diễn tả giá trị đời người. Giá trị một con người dù có sống trong âm thầm nhỏ bé đến đâu, nhưng sứ mạng làm người vẫn cao cả khi họ thấu chạm được chính họ.

Để nên thánh, tôi phải là tôi.
Tôi là gì?
Có phải tôi là mặt nạ và ảo giác của tôi?
Có phải tôi là công việc của tôi?
Có phải tôi là bạn?
Không, tôi là tôi.

Fr. Huynhquảng

[1] “To be a saint I must be myself. What am I? Am I my masks and illusions? Am I my work? Am I you? No, I am me.”

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]