- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Mahatma Gandhi

Trên chuyến tàu về Maritzburg, thủ đô Natal, Gandhi chứng kiến sự bất công khi người khách da trắng không đồng ý sự hiện diện của người da màu trong toa tàu; Gandhi bị đuổi xuống toa hạng ba. Gandhi phản đối việc ấy và bị nhân viên xe lửa quăng hành lý của ngài xuống và tống ngài ra khỏi toa tàu. Tại phòng chờ, nỗi nghẹn ngào cay đắng bắt đầu ẩn hiện trong tâm trí: “Tôi có nên đấu tranh dành lại quyền của tôi?” Ngài tự nhủ: Thật là xấu hổ nếu tôi chạy trốn mà không thi hành trọn vẹn bổn phận làm người của mình. Từ đó trở đi, ngài chủ ý đi tàu lửa với vé hạng ba để thấu chạm sự bất công và đau khổ mà người dân nghèo phải chịu.

Có phải chăng đó là ngọn lửa đầu tiên mà Mahatma Gandhi đã được nhen nhúm để rồi từ ngọn lửa đó ngài đã thắp sáng ngọn lửa tự do nhân quyền không chỉ cho dân tộc Ấn Độ mà còn cho cả nhân loại? Phải chăng cũng chính ngọn lửa ấy đã thiêu rụi nền chuyên chính độc tài bất công mà con người áp đặt cho nhau một cách tàn nhẫn?!

* * *

Mahatma Gandhi[i] (1869- 1948) được cho là một trong những lãnh tụ tinh thần dẫn đầu phong trào đấu tranh bất bạo động mà đã làm cho cả một hệ thống cầm quyền với súng đạn trong tay phải hạ xuống chịu thua. Bị tống ngục bốn lần vì những hoạt động về nhân quyền, đặc biệt về khả năng tuyên truyền và kêu gọi người dân tham gia phong trào Satyagrahis – phong trào đấu tranh bất bạo động, Gandhi đã làm chính quyền Anh hoang mang, sợ hãi, và cuối cùng phải nhượng bộ trước ý chí kiên cường và lòng yêu chuộng tự do bất khuất của ngài.

Gandhi không những đã dạy người dân thực hành Satyagrahis, nhưng quan trọng hơn là ngài dạy cho người dân biết rằng điều kiện đầu tiên để giành được sự tự do là tự giải thoát mình khỏi sự sợ hãi. “Một người tự do cần phải học biết cách tự đứng trên đôi chân của mình.”

Gandhi kêu gọi thực hiện Satyagrahis bằng cách tuyệt thực và tuần hành. Chính bản thân ngài đã tuyệt thực rất nhiều lần, và khi những người ủng hộ ngài không thể tuyệt thực, ngài đã tuyệt thực thay cho họ. Đối với Gandhi, tuyệt thực là phương thế hữu hiệu để thương lượng với bạo quyền. Khi nhiều người lo lắng cho sức khỏe của ngài, Gandhi xác tín: “Thượng Đế trao cho tôi [món quà] tuyệt thực…[tuyệt thực] tức là trở lại nguồn sáng nội tại.” Ngày 13 tháng 4 năm 1919, sau khi Gandhi tuyên bố tuyệt thực, nhiều người dân đồng thanh ủng hộ; việc này đã làm chính quyền Anh lo sợ; họ đã hạ tay giết khoảng 1.200 người dân vô tội, gây thương tích gần 3.600 người.

Đối với Gandhi, thật hãnh diện và cao quí khi bị giam tù vì nhân quyền. Vì thế ở tù trở thành thời gian thuận lợi cho việc cầu nguyện gặp gỡ với Thượng Đế. Đồng thời, ở tù còn là thời gian suy gẫm cho những kế hoạch giải phóng cho dân tộc mình. Dù bị bắt giam bốn lần khác nhau (1922, 1930, 1933 và 1942), nhưng ngài không hề nản chí, vẫn giữ vững niềm tin: Việc đòi hỏi quyền cho chính bản thân mình và cho người nghèo khổ là bổn phận phải làm dù có được người khác ủng hộ hay bị chống đối ngược đãi. Trong khi ở tù lần thứ tư, do sức khỏe sa sút trầm trọng, vào năm 1944, Gandhi được cho ra khỏi tù sớm hơn thời hạn, và năm 1948 ngài bị ám sát.

* * *

Thưa bạn, qua mục Sống Sao Cho Đẹp, chúng ta đang cùng nhau học hỏi về đề tài Kiên nhẫn – Kiên cường. Hôm nay, mẫu gương kiên nhẫn – kiên cường của ngài Gandhi giúp chúng ta học được rằng: Sự tự do và thành tựu của một dân tộc hay bất cứ cá nhân nào đều không thể tránh khỏi sự hy sinh chính mình. Nếu sự kiên nhẫn – kiên cường của một vĩ nhân Gandhi đã đẩy lùi được quyền lực của súng đạn và giải thoát một dân tộc, thì sự kiên nhẫn kiên cường của những người nhỏ bé như chúng ta lại không thể đẩy nổi sự bất công, gian trá trong xã hội hay sao? Vấn đề là tôi và bạn có kiên nhẫn và kiên cường làm việc đó hay không?! Hãy nhìn chung quanh, những Gandhi của thời đại chúng ta vẫn có đó, thưa bạn!

Fr.Huynhquảng

[i]Tổng hợp từ www.buzzle.com/articles/facts-about-gandhi.html,và http://www.mkgandhi.org/bio5000/bio5index.htm (truy cập 18-1-2011).

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]