- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thánh Nữ Margaret Clitherow

Chúa Nhật 25-10-1970, Đức Thánh Cha Phaolo 6 đã long trọng tôn vinh 40 vị tử đạo Anh quốc lên hàng hiển thánh. Đây là các chứng nhân anh hùng, bị giết hại trong khoảng từ năm 1535 đến 1610, vì trung thành với Giáo Hội Công Giáo Roma và vì không chấp nhận nhà vua hoặc nữ hoàng Anh quốc là thủ lãnh của Giáo Hội tại Anh quốc. Trong số các vị tử đạo, nổi bật khuôn mặt khiêm tốn của bà Margaret Clitherow, một người mẹ gia đình 30 tuổi.

Margaret lập gia đình với một người bán thịt tên John Clitherow và sinh hạ được hai người con. Ông John, chồng của Margaret – chấp nhận theo Anh giáo, nhưng bà Margaret cương quyết trung thành với Giáo Hội Công giáo Roma. Thêm vào đó, bà Margaret còn kín đáo cho các linh mục công giáo trú ẩn trong nhà mình. Bà bị bắt rồi được thả ra không biết bao nhiêu lần. Sau cùng, năm 1586 bà bị bắt và bị kết án tử hình.

Bản án bà Margaret kết thúc bằng những lời lẽ sau đây: “Bà sẽ bị nhốt nơi phòng giam tồi tệ nhất của nhà tù ba ngày trước khi bị giết. Bà sẽ bị bỏ nằm trần truồng trên mặt đất, không được ăn uống gì, ngoại trừ chút bánh mì khô với nước ao hồ, và ngày thứ ba, bà sẽ bị nghiền nát, tay chân bị cột vào cọc và lưng nằm trên một tảng đá nhọn”. Sau khi nghe đọc bản án, bà Margaret chỉ đơn sơ nói: 
– “Nếu bản án được viết theo lương tâm của ngài, tôi nguyện xin Thiên Chúa khoan hồng cho ngài. Tôi thành thật cám ơn ngài”. 
Khi ông John Clitherow nghe tin vợ bị kết án tử hình, ông liền nổi giận và khóc lóc thảm thiết, đến nổi máu từ mũi chảy ra lai láng. Ông hét lớn cho tất cả mọi người đều nghe: 

– “Hãy tịch thu tất cả những gì tôi có, lấy hết, lấy hết đi, nhưng hãy cứu sống vợ hiền tôi, vì đó là người phụ nữ hoàn hảo nhất của Anh quốc và cũng là người Công Giáo đạo đức nhất nữa”.

Bản án kết tội bà Margaret gây chấn động rất lớn trong xã hội Anh quốc lúc bấy giờ. Để làm lắng dịu dư luận, các quan tòa tung ra những nguồn tin xấu liên hệ đến đời sống gia đình của bà Margaret. Trước các tin đồn thất thiệt, bà Margaret bình tĩnh trả lời: 

– “Đối với chồng tôi, xin các ông nhớ cho rằng, tôi yêu chồng nhất trên thế gian này, sau Thiên Chúa. Đối với con cái, tôi hết lòng chăm sóc, đúng như bàn tay của người mẹ chăm sóc con. Tôi tin rằng tôi làm tròn bổn phận người mẹ, khi tôi giáo dục con cái lớn lên trong niềm kính sợ Thiên Chúa. Giờ đây, lòng tôi đau xé vì không còn được dưỡng dục con cái nữa. Chính vì lý do này mà tôi thà sẵn sàng dâng hiến con cái cho Thiên Chúa, Đấng đã trao ban con cái cho tôi, chẳng thà thay đổi một chấm nhỏ nào trên đức tin của tôi.. Nếu tôi có làm điều gì mất lòng chồng tôi, ngoài phạm vi lương tâm, tôi sẽ xin Thiên Chúa và chồng tôi tha thứ cho tôi”.

Mặc dầu nghe bà Margaret trả lời rõ ràng như thế, các quan án vẫn ép buộc bà phải xưng thú những lỗi lầm bà phạm mất lòng chồng, để có thể rêu rao tiếng xấu về bà. Biết rõ thâm ý của họ, bà Margaret vẫn không nao núng. Bà đơn sơ trình bày: 

– “Tôi nghĩ rằng chồng tôi không thể trách tôi bất cứ điều gì, ngoài những chuyện nhỏ nhặt vẫn thường xảy ra trong đời sống vợ chồng. Vậy thì xin các ngài cho phép tôi gặp mặt chồng tôi, để tôi được bày tỏ trước khi chết”.. Nhưng lời xin của bà Margaret không được các quan án chấp thuận.

Bà Margaret Clitherow bình tĩnh chờ ngày hành quyết. Chỉ có một ý tưởng duy nhất làm xao động lòng bà: bà phải phạt nằm trần truồng dưới đất trước khi chết. Do đó đêm tối trước ngày bị giết, bà Margaret Clitherow thức dậy lúc nửa đêm, cẩn thận mặc chiếc áo phủ kín người, bà đã kín đáo may lấy trong tù, rồi quỳ cầu nguyện cho tới sáng. Bà xin người cai tù trao chiếc mũ của bà cho chồng, bày tỏ tình bà dành cho chồng, như là người chủ gia đình. Bà cũng xin trao đôi giày và đôi tấc của bà cho đứa con gái lớn, 12 tuổi tên Anne, như lời nhắn nhủ con hãy bước theo chân mẹ.

Ngày 25-3-1586, cuộc hành quyết đã diễn ra khác với bản án đã ghi. Bà Margaret Clitherow bị giết ngoài nhà tù. Bà được phép quỳ gối cầu nguyện trước khi thân xác bị nghiền nát. Cơn hấp hối kéo dài trong vòng 15 phút. Bà Margaret Clitherow hưởng dương 30 tuổi.

(“MISSI”, 4+5/1981, trang 129) 

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]