Gia đình – “Đền thánh sự sống”

Ngày 4/7 (*) là lễ kính Thánh nữ Elizabeth Lusitania – Hoàng hậu Bồ Đào Nha (1271-1336). Sách “Hạnh các Thánh” cho biết Thánh nữ đã “tự phát triển cách sống trong tình yêu Thiên Chúa, không chỉ bằng lòng yêu thương, kể cả qua thánh lễ hàng ngày, mà còn qua việc thực hành bác ái, nhờ đó bà có thể thân thiện và giúp đỡ khách hành hương, người lạ, bệnh nhân, và người nghèo. Bà tận tụy với chồng, nhưng chồng bà không chung thủy và tạo ảnh hưởng xấu tới vương quốc. Bà tìm sự bình an cho chồng nơi Thiên Chúa. Cuối cùng bà được ơn Chúa là chồng bà bỏ đàng tội lỗi. Bà cố gắng kiến tạo hòa bình giữa Ferdinand, vua của Aragon, và người anh em của vua Ferdinand là James, vì James muốn tiếm ngôi. Sau khi chồng mất, bà vào dòng Phan-xi-cô thánh Clara.”

Quả thực đó là một mẫu gương sống tình yêu hôn nhân gia đình tuyệt đẹp. Vì thế, nên nhân dịp kính nhớ Thánh nữ, xin được chia sẻ đôi điều về: GIA ĐÌNH – ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG:

Nói về giáo thuyết và quy phạm của Hội Thánh dành cho gia đình, Tông huấn về Gia Đình “Familiaris consortio” (số 29) viết: “Giáo lý và quy luật của Hội Thánh bao giờ cũng vừa cũ vừa mới”. Đúng vậy, chuyện gia đình tuy rằng “xưa như trái đất”, nhưng lúc nào cũng luôn luôn “mới”, vì đó là nguồn gốc của loài người và trải qua biết bao nhiêu biến thiên thăng trầm của lịch sử, gia đình vẫn giữ một vai trò then chốt. Năm 2014, Giáo Hội Việt Nam sống chủ đề “Tân Phúc-Âm-hóa gia đình”, đồng thời Giáo Hội toàn cầu cũng tích cực tổ chức “Thượng Hội Đồng Giám Mục Đại Hội Chung Ngoại Thường” lần thứ ba với chủ đề: “CÁC THÁCH ĐỐ MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG”, mà ngày khai mạc đã gần tới (5 – 19/10/2014). Xin cùng tìm hiểu vấn đề:

I- KHÁI NIỆM

Ngay từ khởi nguyên, khi dựng nên loài người có nam có nữ và làm cho “cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24), Thiên Chúa đã “đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2, 15); đồng thời, Người phán dạy: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28). Rõ ràng con người cùng với tình cảm hôn nhân và sứ mạng truyền sinh đã được Thiên Chúa sáng tạo và đặt vào cái nôi gia đình. Như vậy, gia đình là cái gốc, là nền tảng của xã hội loài người.

Từ nguyên lý đó, trải qua lịch sử, con người hình thành một nhân sinh quan về gia đình: Gia đình là một cộng đồng con người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm (yêu thương đùm bọc), quan hệ hôn nhân (sinh hoạt vợ chồng), quan hệ huyết thống (cùng chung máu mủ), quan hệ cúc dục (nuôi nấng dạy dỗ con cái). Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mãnh liệt đến xã hội, nên mới coi “gia đình là nền tảng xã hội, là xã hội thu nhỏ”. Nhưng vì sao lại gọi gia đình là “Đền Thánh Sự Sống”?

II- GIA ĐÌNH – ĐỀN THÁNH SỰ SỐNG

Gia đình nguyên thủy của loài người (nguyên tổ Adam và Eva) vì phạm tội nên bị sự chết và tội lỗi thống trị; nhưng tình yêu của Thiên Chúa không hề suy giảm và vì thế Người mới ban Con Một để cứu chuộc nhân loại (“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” – Ga 3, 16). Khi Con Thiên Chúa giáng trần, thì Người cũng được sinh ra nơi một gia đình: Thánh gia Na-da-ret. Vì sứ vụ của Đức Giê-su Thiên Chúa là giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời, nên chính Người là Tin Mừng Sự Sống (“Đức Giê-su liền phán: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” – Ga 11, 25; “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” – Ga 14, 6). Do đó Thánh gia Na-da-ret đã trở thành Đền Thánh Sự Sống.

Mỗi Ki-tô hữu đã là một “Đền Thờ của Thiên Chúa” (“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” – 1Cr 3, 16). Gia đình là cộng đồng Ki-tô hữu, tất nhiên cũng là một Đền Thờ của Thiên Chúa, là “những hòn đảo mang sự sống Ki-tô” như sách Giáo lý HTCG (số 1655) đã cho biết: “Đức Ki-tô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Hội Thánh là “gia đình của Thiên Chúa”. Ngay từ đầu, Hội Thánh được hình thành thường từ những người “cùng với cả gia đình”, trở thành tín hữu (x. Cv 18, 8). Khi theo đạo, họ ao ước cho “cả nhà” được ơn cứu độ (x. Cv 16, 3; 11, 14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo mang sự sống Ki-tô giữa một thế giới ngoại giáo.” Như vậy, có thể nói gia đình Ki-tô hữu là bản sao của Thánh gia Na-da-ret, là “Đền Thánh Sự Sống” vậy.

III- SỨ VỤ CỦA GIA ĐÌNH

Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (số 6) đã nói về vai trò quan trọng bậc nhất cùng với sứ vụ của gia đình:

– Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia.

– Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu.

– Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống.

– Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể.

Tổng hợp lại, có thể quy về 2 sứ vụ cơ bản của gia đình: Sứ vụ truyền sinh + Sứ vụ truyền giáo.

1- Sứ vụ truyền sinh

Xuất phát điểm của hôn nhân và tình yêu vợ chồng là Thiên Chúa Tình Yêu, do đó tự bản tính hôn nhân gia đình đã qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã dựng nên con người “có nam có nữ” (St 2, 24); chính Người muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Người, Người đã chúc lành cho người nam và người nữ và phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1, 28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với Tình Yêu của Ðấng Tạo Hóa. Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa đã làm cho gia đình Người ngày càng bành trướng và phong phú hơn.

Hiến chế về Mục Vụ “Gaudium et Spes” (số 50) đã viết: “Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Người. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người xã hội và của con người Ki-tô hữu. Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội.”

Chính vì thế mà “mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh.” (Tông huấn về gia đình “Familiaris consortio”, số 28). Đó không gì khác hơn là sứ mạng truyền sinh mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại ngay từ khởi nguyên.

2- Sứ vụ truyền giáo

Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục chính yếu đầu tiên của chúng. Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn (bí tích Hôn Phối) là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn.

“Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội… Đặc biệt trong gia đình Ki-tô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính tại nơi đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo Hội. Sau hết nhờ gia đình, chúng được hướng dẫn dần dần vào cộng đoàn nhân loại cũng như vào Dân Thiên Chúa. Bởi vậy cha mẹ phải ý thức sâu xa tầm quan trọng của gia đình Ki-tô giáo đích thực trong đời sống và đà thăng tiến của chính dân Thiên Chúa.” (Tuyên ngôn về Giáo Dục Ki-tô Giáo “Gravissimum Educationis”, số 3).

Rõ ràng muốn làm cho gia đình ngày càng bành trướng và phong phú hơn (sứ mạng truyền sinh), thì không thể thiếu sứ mạng giáo dục và chính đó là công cuộc “Phúc-Âm-hóa gia đình” như Thư Chung 2013 của HĐ Giám Mục VN (số 6) đã khẳng định: “Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình Công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.”

Phúc-âm-hóa là Truyền giáo, vì thế Sứ vụ Phúc-Âm-hóa gia đình quả thực là “Một trách nhiệm có tính cách Hội Thánh riêng biệt và độc đáo” (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 50) mà mỗi gia đình Ki-tô giáo, mỗi Ki-tô hữu phải vui mừng đón nhận và sẵn sàng thực thi. Hơn thế nữa, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, các tổ chức, hiệp hội, đoàn thể cũng phải chung tay cộng tác xây dựng và phát triển gia đình Ki-tô giáo trong sứ vụ thiêng liêng cao cả này. Vâng, “Các tổ chức hoạt động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và chính các đôi vợ chồng, nhất là những đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc tông đồ.” (Hiến chế về Mục Vụ “Gaudium et Spes”, số 52).

KẾT LUẬN

Như một “âm mưu chống lại sự sống”, nhân loại thời nay bày ra một cảnh tượng thật sự đáng báo động bởi mối đe dọa thường trực đối với sự sống của những cá nhân, gia đình và xã hội. Đó là: nạo phá thai, hủy diệt trứng, tinh trùng, sinh sản nhân tạo (thụ thai trong ống nghiệm), thuốc làm “chết cách êm dịu” v.v… và v.v… Ngoài ra, còn phải kể đến những hành vi chống lại chính nguồn sự sống của gia đình (là Tình Yêu) thể hiện qua bạo lực hôn nhân, ly dị, hôn nhân đồng tính…” (Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống “Evangelium Vitae”, số 12-17).

Đứng trước thảm cảnh đó, người Ki-tô hữu cần phải nhận chân được vấn đề: Gia Đình Ki-tô hữu đích thực là “Đền Thánh Sự Sống”. Vì thế, “Gia đình Ki-tô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Hội Thánh với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Hội Thánh và xã hội cả từ trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu.” (Tông huấn về Gia Đình “Familiaris consortio”, số 50). Để thực thi sứ vụ cách hiệu quả, xin tất cả nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn nêu trên (phần Kết luận):

“Sau cùng tôi tha thiết kêu gọi tất cả Ki-tô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm của họ đối với các gia đình. Những người đang hy sinh vì thiện ích gia đình, trong lòng Hội Thánh cũng như nhân danh Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, dù họp thành những nhóm hay cá nhân, phong trào hay hiệp hội, ước gì tất cả những người ấy biết liên kết với những người và những cơ chế khác nhau đang hoạt động cho cùng một lý tưởng. Khi trung thành với những giá trị Tin Mừng cũng như con người, và tôn trọng sự đa diện chính đáng trong các sáng kiến, việc cộng tác như thế sẽ giúp cho gia đình được thăng tiến mau chóng và toàn diện hơn.” Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

(*) Theo “Những ngày Lễ Công Giáo 2013-2014” phổ biến ở Việt Nam (do nhà xuất bản tôn giáo ấn hành), thì Lễ kính Thánh nữ Elizabeth Bồ Đào Nha nhằm ngày 4/7; nhưng theo “Lịch Phụng Vụ 2014” trên Thanhlinh.net, thì lại thấy ghi là ngày 8/7. Xin ghi lại đây để tồn nghi.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment