- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thánh Tử Đạo Việt-Nam Tháng 01

 

Tháng 01 13.01 Ðaminh Phạm Trọng KHẢM [1] Quan án TOP
    Giuse Phạm Trọng TẢ [2] Chánh Tổng
    Luca Phạm Trọng THÌN [2] Chánh Tổng
  22.01 Matthêô Alonzo-Leciniana ÐẬU [3] Linh Mục OP
    Phanxicô Gil de Fedrich TẾ [4] Linh Mục OP
  30.01 Tôma KHUÔNG [5] Linh Mục OP

 

Ngày 13 tháng 11
Thánh Đaminh PHẠM TRỌNG KHẢM
Quan án – (1780-1859)

Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống tại làng Xã Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc phận Bùi Chu). Thân phụ ông là cụ Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, anh vâng lời song thân kết hôn cùng cô Anrê phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành. Con trai ông là Cai Thìn cũng làm đến chức Chánh Tổng, được mọi người kính nể và kiên trung làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha của mình. Ba người con gái của ông là bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch cũng được đi học như các con trai, nổi tiếng lanh lợi tháo vác.

Khi bị bắt, vợ cụ An Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng vừa là hội viên dòng ba, kiêm chức Trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và lòng nhiệt tình trong những trách vụ. Các thừa sai, cả các Giám Mục cũng biết tiếng và cũng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn. Với giáo xứ cụ cộng tác đắc lực với cha sở trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng cụ là một người đức độ, quan tâm đến nhu cầu mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ đi lại rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm.”

Vì sẵn của cải, cụ chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các hẻm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.

Khi quân lính đến bao làng Quần Cống, cụ tập họp mọi người lại, khuyên họ bền chí. Để khích lệ những người nhát đảm, cụ nói : “Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh Giá khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu”. Thế rồi cụ bị bắt, và trên đường áp giải những tín hữu “cố chấp” về Nam Định, cụ Án được tách riêng, nhốt ngay trong thuyền của quan để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Nhưng suốt thời gian tù, cụ vẫn là chỗ dựa là nguồn an ủi, là người khích lệ và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho các bạn tù.

NGÀY 13 THÁNG 01


Thánh Giuse PHẠM TRỌNG TẢ
Chánh tổng – (1800-1859)


Thánh Luca PHẠM TRỌNG THÌN
Chánh tổng – (1820-1859)

Cuộc đời của hai ông Cai Tả, Cai Thìn tuy cách biệt nhau 20 tuổi đời, nhưng đã hòa lẫn với nhau trong cùng bối cảnh lịch sử thời tử đạo, một vị là cựu, một vị là Chánh Tổng làng Quần Cống. Phải làm gì bây giờ chắc chắn hai ông đã phải bàn luận với nhau rất nhiều, để cùng với sự ủy thác của đức Cha Sampecro Xuyên, giám mục giáo phận Trung khi đó, hai ông chọn giải pháp hòa bình bằng phương thế đối thoại. Một mặt với uy tín riêng, các ông trấn an các tín hữu. Mặc khác quan hệ với quan tổng đốc để gợi lên quan tấm lòng nhân ái và quãng đại. Rất tiếc, đường lối đó không đạt như sở nguyện, nên hai ông đã trả giá cho sứ mạng hòa giải bằng chính mạng sống của mình.

Giuse Phạm Trọng Tả sinh khoảng năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân trường tỉnh Nam Định. Cai Tả là anh em thúc bá với thánh Án Khảm, là con Đaminh Phạm Thăng. Khi bị bắt ông đã 60 tuổi, là một kitô hữu đạo đức, một hội viên dòng ba Đaminh và là cựu chánh tổng đã chu toàn chức vụ của mình. Phụ lực với cháu Cai Thìn, ông tìm cách giúp mọi người sống đạo trong hoàn cảnh khó khăn. Gia phả con cháu ghi rằng : “Đầy tớ ông rất đông, chưa tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu xén ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời ‘mình quên nợ người chúa quên tội mình'”.

Luca Phạm Trọng Thìn là con trai cụ An Khảm, sinh khoảng năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Như ta đã biết về cụ An Khảm, dưới mái nhà gia giáo và khá giả này, cậu Thìn đã lớn lên trong bầu khí đạo đức, được ăn học thành người. Nhờ trí khôn thông minh nhanh nhậu và chăm chỉ chuyên cần chẳng bao lâu anh đã “công thành danh toại”. Khi bị bắt ông Cai Thìn khoảng 40 tuổi và đang là Chánh Tổng, vừa quyền thế vừa uy tín. Thực ra khi mới lên chức vụ này, vì giao tiếp với quan lại nhiều, có thời kỳ ông có vợ nhỏ là cô Trung người Trà Lũ, nên thờ ơ việc đạo nghĩa (vợ chính ông Cai Thìn là bà Maria Tâm). Nhưng sau nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành tâm sám hối. Từ đó ông trở thành một mẫu gương thánh thiện, một gia trưởng và một hội viên dòng ba Đaminh đạo đức, một thủ lảnh đáng tin cậy.

Năm 1858, tình hình bắt đạo đang gia tăng, và liên quân Pháp-Tây Ban Nha đang đe dọa dân Việt ở Đà Nẵng, vua Tự Đức thêm phẫn nộ ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành các sắc chỉ nhắm vào đạo gia tô. Nhưng thực tế việc việc thi hành này lệ thuộc nhiều vào các quan địa phương có sốt sắng hay không. Lợi dụng điều đó, Đức Cha Sampedro Xuyên đã ủy thác cho Cai Tả và Cai Thìn trọng trách sứ giả hòa bình, vì cũng thuộc thành phần lãnh đạo, dễ dàng tiếp xúc với cấp trên.

Hiểu ý Đức Cha và nắm tình hình các tín hữu Quần Cống, hai ông đã đến gặp trực tiếp Tổng Đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các tín hữu được bình an, và hứa kêu gọi dân chúng trung thành với đức vua. Cuộc thương thuyết sắp thành công, nhưng không ngờ lúc ấy tại Cao Xá, một người vì bất mãn chính sách của nhà vua, đã xúi dục một nhóm người nổi loạn chống lại các quan địa phương. Thế là vị Tổng Đốc liền đổi ý, ra lệnh tiếp tục truy lùng các thừa sai, các đạo trưởng và các giáo hữu có uy tín trong dân. Quan kết án Cai Tả, cai Thìn là lừa dối và tìm dịp để bắt hai ông. Chúng ta sẽ biết cơ hội để quan thực hiện ý đồ đó trong phần sau.

Ba lần ra trước tòa, cả ba lần hai ông đều cương quyết không bước qua Thập Giá, dù bị dọa nạt đánh đập. Khi quan yêu cầu hai ông viết những suy nghĩ của mình lên giấy, Cai Thìn đã viết bảng tuyên xưng Đức Tin rõ rệt và can đảm như : “Tôi là một Kitô hữu, tôi sẳn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này Luca Thìn”.

Ông Cai Tả không cương quyết không xúc phạm Thánh Giá, ông còn khuyên bảo mọi người đừng phạm thứ tội mà ông gọi là “ghê tởm” đó .

Nếu Đức Giêsu Hoàng Tử Bình An đã dùng Thánh Giá khổ nhục để hòa giải nhân loại bạc bẻo với Chúa Cha thì cuối cùng, hai ông Cai Tả và Cai Thìn sẽ mãi mãi là sứ giả Hòa Bình bằng cái chết để chứng tỏ lòng mình luôn trung tín với Thiên Chúa và trung thành với Giáo Hội.

*

Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn 5 cuộc bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhà vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các vị thừa sai Âu Châu và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những kẻ chứa chấp họ. Thế là các Ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này qua làng khác. Quần Cống là một nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là ngừơi Công Giáo, và chính họ sẵn sàng đón tiếp các Ngài. Đức cha Sampedro xuyên, đại diện tổng tòa giáo phận Trung dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã thủ phong giám mục phó cho Đức cha Valentino Vinh ngày 14-06 tại ninh Cường, hai cha Riano Hòa và Carrerras Hiển là phụ phong. Sau đó cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ An Khảm, Cai Tả và Nhiêu Côn.

Quan An sát Nam Định được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân lính đến vây bắt. Nhưng cụ An Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng. Đức cha Vinh và hai Linh mục qua làng Trà Lũ. Đức cha Xuyên đi qua Kiên Lao (ngày 08-07 mới bị bắt). Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng : “Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng : người nào quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng.” Rồi cụ tụ tập dân lại khích lệ họ.

Sau đó, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và rồi gọi cụ An Khảm ra trình diện và nói : “Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây dương và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng. Nếu bất tuân lão sẻ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ bị thiêu hủy, còn chíng lão sẽ bị kết tội chống cưỡng nhà vua.” Cụ An Khảm hết sức bình tĩnh vì biết chắc các thừa sai đã trốn xa rồi, cụ mạnh bạo trả lời : “Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được.”

Thế là quân lính chia nhau lục soát khắp ncả nhà, dĩ nhiên là không tìm thấy một linh mục. Nhưng lính lại phát hiện được một số tượng ảnh, áo lễ nên chủ nhà bị kết tội là chứa chấp đạo trưởng. Cụ An đã đứng ra nhận là mình đã mua những thứ đó. Tuy vậy quan vẫn ra lệnh bắt trói cả nhà.

Trở lại nơi tập trung dân làng, quan An sát cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi ngừơi lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão có lẽ vì quá sợ, run rẩy tiến lên vài bước, định thi hành lệnh quan, nhưng cụ An nhanh chân hơn cản lại và khiển trách. Viên quan tức giận quát lên rằng : “Ta sẽ mất chức nếu không kết tội đươc An Khảm và bọn người vô phúc này.” Thế rồi quan lại bắt trói An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định, riêng cụ An được chở đi trong thuyền của quan.

Chúng tôi được nước Thiên Đàng

Về tới Nam Định, hai cha con cụ An Khảm được gặp nhau trong những lần ra tòa, và sau này được giam chung. Hai cha con vui mừng và xúc động khuyến khích nhau chịu khổ vì lòng kính mến chúa Kitô.

Tất cả những tù nhân Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ An Khảm đã nhiều lần đại diện cả nhóm trả lời với quan, đã tìm cách giáo lý trong đạo.

Một hôm sau khi bắt được Đức Cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức Cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không dấu được niềm vui gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy thế quan phỏng đoán và kết tội các ông chứa chấp vị thừa sai này. Tuy thực sự Đức Cha đã ở nhà mình, cụ An Khảm tìm cách trả lời chung chung : “Là ngừơi tín hữu, chúng tôi tôn kính và yêu mến bất cứ một linh mục nào, dù chưa hề quen biết.”

Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị đều bị kết án xử giảo. Ông Cai Thìn hỏi lại án đã kết tội gì, quan cho hay là tội chống lại nhà vua. Ong Thìn cực lực phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được viết thêm bốn chữ “bất khẳng quá khóa”; nghĩa là tội không chịu bước qua Thập Giá. Các ông vui mừng hân hoan vì được chết cho Đức Kitô. Và trong những ngày còn lại, các ông chuẩn bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo.

Ba vị chứng nhân đức tin đã cảm nghiệm sâu xa lời Đức Kitô chúc phúc cho những người bách hại vì danh Ngài. Đối với ba vị, bị bắt chịu khổ nhục, bị giết vì danh Đức Kitô là niềm vinh phúc lớn lao. Các vị đã hân hoan đón chờ nó, đồng thời khích lệ an ủi các tín hữu khác. Và khi nghe báo giờ xử tử đã tới, cụ An Khảm vui vẻ nói với mọi người : “Cha con chúng tôi hôm nay được nước Thiên Đàng”. Cả ba vị đã sẵn sàng giả từ trần gian để về hợp đoàn với hàng ngũ các thánh Tử Đạo, và mở rộng đôi tay đón nhận phần thưởng vinh phúc Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của Ngài.

Ngày 13-01-1859, ngoài ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn còn có bảy giáo hữu làng Quần Cống khác được đưa ra pháp trườngBảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi các vị lớn tiếng đọc kinh. Đến nơi xử các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và nhiều lần kinh Ăn Năn Tội chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu Chúa Giêsu.

Quân lính mạnh tay xô các vị té ngửa trên đất, rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi người bị hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống rước các vị đưa về quê mình, và tổ chức an táng trọng thể.

Đức Piô XII đã suy tôn ba anh hùng tử đạo : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả, Luca Phạm Trọng Thìn lên bậc chân phước ngày 29-04-1951. Ngày 19-06-2002, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các Ngài lên hàng hiển thánh.

NGÀY 22 THÁNG 01
Thánh Mátthêu Alonso Liciniana ĐẬU
Linh Mục dòng Đaminh – (1702 – 1745)

Đồng tử đạo tiên khởi của đất Việt

Ngày 22-01-1745, trên đường ra pháp trường ở ngoại ô Thăng Long, hai vị linh mục đồng hành : Cha Phanxicô Tế và cha Matthêu Đậu. Số phận hai nhà thuyết giáo này cho đến nay vẫn gắn liền với nhau. Hai người bạn thân với biết bao điểm tương đồng : từ đồng hương là Tây Ban Nha đến đồng dòng tu thánh Đaminh, tỉnh hạt Đức Mẹ Mân Côi. Rồi cả hai cùng đến giảng đạo tại giáo phận Đông Đàng Ngoài, cùng bắt ở Lục Thủy, đồng lao cộng khổ với nhau ở trong tù. Thế mà trên đường ra pháp trường, một vị tươi cười, cha Phanxicô Tế vì sắp được tử đạo, một vị vẻ mặt rầu rỉ, cha Matthêu Đậu chỉ bị án chung thân và đi tiễn chân bạn mình. Vậy là sắp phải chia tay nhau mãi mãi !

Khi đoàn hành hình đi ngang qua hoàng cung thì dừng lại. Một viên quan đại diện nhà vua đến loan tin : “Đạo trưởng Đậu cũng phải chịu án chém đầu”. Niềm mong ước của cha Đậu được toại nguyện, và nhờ bản án đó, hai cuộc đời hai ông chứng nhân đức tin đã nối chặt không bao giờ tách rời được nữa: đồng sinh đồng tử và cuối cùng đồng phúc vinh quang giữa hàng ngũ các thánh tử đạo anh hùng. Và đặc biệt, nhờ bản án đó cha Matthêu Đậu được thành vị thánh đồng tử đạo tiên khởi trên đất nước Việt Nam.

Viễn đông vẫy gọi…

Matthêu Alonso Liciniana Đậu sinh ngày 26-10-1702 (trước thánh Phanxicô Tế bảy tuần) tại Nava Del Rey, Tây Ban Nha. Đáp lại tiếng Chúa kêu mời, cậu Alonso đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đức Kitô trong tu viện Santa Cruz do chính thánh Đaminh lập ở Ségovia (năm 1218, thành phố còn lưu dấu nhiều di tích của thánh Tổ Phụ. Tại đây Alonso Liciniana Đậu đã tuyên khấn, học thần học và thụ phong linh mục.

Thời gian này tỉnh hạt Đaminh Đức Mẹ Mân Côi phái người đến các tu viện cổ động và tìm người truyền giáo ở Viễn Đông. Tình hình vùng truyền giáo quá thiếu người. Thí dụ tại Bắc Việt không kể Đức Cha Sextri Tri, dòng chỉ còn bốn vị. Năm 1728, ba linh mục gởi đến đây đã bị đắm tàu chết hết (1). Cha Alonso Liciniana Đậu và 23 tu sĩ tây Ban Nha đã đáp lời mời đi tàu đến Manila vào tháng 11 năm 1730. Tháng hai năm sau, cha cùng với hai linh mục Phêrô Ponsgrau Bằng và Micae Pajares lâm bệnh phải trở về. Hai vị còn lại đến Trung Linh ngày 18-01-1732 trong niềm vui lớn lao của giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Trên một giáo phận rộng lớn với nhân sự quá ít oi, cha Matthêu Đậu phải di chuyển và phục vụ nhiều nơi. Sau thời gian học tiếng ở Trung Linh, cha truyền giáo ở Sơn nam Thượng, hoạt động trong các huyện Trung Đông, Tiên Lữ, Thần Khê (Hưng Yên), rồi các huyện Thanh Quan, Vũ Tiên (Thái Bình) và sang cả Nam Chân, Giao Thủy, Xuân Trường (Nam Định ). Các giáo xứ lớn được cha coi sóc là Trung Lao, Tiên Chu, Kẻ Hệ và Lai Ổn. Sức khoẻ của cha không được tốt lắm, dáng người mảnh khảnh, ốm yếu nhưng cha đã vượt qua mọi gian khổ và luôn kiên trì hoạt động không ngơi nghỉ.

Cuộc thử thách…

Tháng 11-1743 đang ở Lai Ổn, thấy tình hình không mấy bình an, cha liền di chuyển qua Lục Thủy Hạ, trú trong nhà ông trùm Độ. Chẳng may trong làng có người bỏ đạo tên Đạt biết được và đi tố cáo quan. Sáng ngày 29-11 quân lính đến vây làng Lục Thủy, ập vào nhà đang lúc cha đang cử hành thánh lễ. Các giáo hữu sợ hãi chạy tán loạn. Cha Đậu vì bất ngờ cũng hoảng hốt bỏ chạy, tay ôm bình thánh và rước hết bánh thánh. Nhưng không kịp nữa rồi, quân lính đuổi theo và bắt cha lại và đánh đập cha cách tàn bạo. Họ xúm vào vật cha xuống đất, kẻ bức tóc, xé áo, kẻ nhổ râu, xỉ vả chế diễu. Một người lính cầm giáo đâm sượt ngang qua hông, máu chảy loang đỏ trên bộ áo dòng trắng, khiến cha tưởng giờ chết sắp đến, miệng thầm kêu lên cực trọng Giêsu-Maria. Cùng bị bắt với cha có ba thầy giảng Đaminh Sĩ, Đaminh Đậu, Ignatio Quý và hai giáo hữu trong xứ. Tất cả được giải lên quan trấn thủ Sơn Nam, bấy giờ là Lê Văn Phượng. Quan chỉ giữ lại cha Đậu và thầy Quí, còn tất cả được trả về tự do.

Sau ba lần ra tòa, với nhiều cách thức nạt nộ, đe dọa, dụ dỗ hoặc tra tấn, quan trấn thủ không thể làm cha Đậu và thầy Quí chối bỏ Đức Tin. Ngày 21-12 quan hỏi cha có biết lệnh vua cấm giảng đạo khống ? Cha đáp : “Chính vì cấm tôi mới phải lẩn trốn chứ”. Quan liền thảo bản án trảm quyết cha Đậu, còn thầy Quí bị phát lưu thảo tượng (chăn voi) suốt đời.

Nhưng sau đó nhờ sự can thiệp của một viên quan thiện cảm với đạo, án của cha được đổi thành chung thân, còn thầy Quí được tha bổng sau khi nộp cho quan một món tiền. Ngày 30-05-1744, quân lính áp giải cha về Thăng Long và giam chung với linh mục Phanxicô Tế đã bị bắt từ năm 1737, đã có án trảm quyết, nhưng vì tình hình chính trị nên chưa bị đem đi xử.

Cùng sống cùng chết cùng vinh phúc.

Thật tả sao cho xiết niềm vui thiêng liêng được gặp lại nhau của hai anh em cùng dòng, lại cùng tuổi trong cảnh tù tội này. Từ nay các vị không còn cô độc nữa. Hai anh em chia sẻ cho nhau những tâm tư thao thức, ôn lại những kỷ niệm, trao đổi bàn bạc việc tông đồ và cùng nhau cầu nguyện. Chỉ sau vài ngày chỉ một ít tiền bạc, cha Đậu cũng được tự do đi thăm và giúp đỡ các tín hữu trong vùng. Vào lễ Chúa Ba Ngôi năm 1744, cha Tế dâng lễ, cha Đậu gíup lễ.

Nhưng một khung cảnh đẹp đáng nghi nhớ hơn, và có lẽ là trường hợp duy nhất trong hạnh các Thánh tử đạo, đó là ngày 04-06 năm ấy, lễ mình thánh Chúa, sau sáu tháng tù không có cơ hội, nay cha Đậu được dâng một thánh lễ âm thầm nhưng ấm cúng trong tù với sự tham dự của 130 giáo hữu Thăng Long. Bảy tháng tù ở kinh đô đã trôi qua thật êm ả, hai vị Linh Mục vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng, giải tội, rửa tội, sức dầu và an ủi khích lệ các tín hữu. Riêng cha Đậu trong bảy tháng đã rửa tội 55 người, trong đó có 22 người lớn và rửa tội cho 620 hối nhân.

Ngày 22-01-1745 có lệnh đưa cha Tế đi xử trảm. An của cha Đậu vẫn như cũ là án chung thân, cha buồn rầu hết sức và năn nỉ xin phép quan cho đi tiễn chân bạn đến pháp trường. Khi đi ngang qua hoàng cung, đoàn người dừng lại, một viên quan sau khi đọc bản án của cha Tế và đọc tiếp : “Matthêu cũng là đạo trưởng Hoa Lang đã bị kết án chung thân nay bị kết án xử trảm.”

Thế là cuối cùng cha Đậu được toại nguyện. Tại pháp trường quân lính chặt tháo xiềng xích ở chân tay hai cha, vô tình làm chảy máu rất nhiều. Các tín hữu đến tận nơi hôn xiềng xích và xin các cha cây Thánh Giá ở tay làm kỷ vật đang bị trói vào cọc. Hai linh mục bị chém cùng một lúc trong sự thương cảm của những người đến dự, dù giáo hay lương. Có sử liệu ghi nhận: một cụ bà Phật tử ở đó lâm râm cầu Trời khấn Phật chohai cha thpát chết. Khi đầu hai vị tử đạo rơi xuống đất, nhiều người khóc nức nở và xông vào thấm máu hoặc tìm vật kỷ niệm.

Cha Bề trên dòng Phêrô Ponsgrau Bằng, người đã đến Việt Nam cùng ngày với cha Đậu, cử hai thày giảng Điều và Luận, cùng ít giáo hữu tìm cách rước thi hài các tôi trung đức tin về tràng Lục Thủy. Giáo hữu ba xứ Bùi Chu, Trung Linh, Trung Lễ gặp nhau và tranh quyền an táng các ngài ở nhà thờ mình. Cha chính phải can thiệp để họ vui lòng nhường cho nhà chung. Mấy ngày sau, Đức cha Hilario Hy dâng lễ tạ ơn, có các cha dòng và rất đông đảo giáo dân tham dự.

Đức Piô X suy tôn hai cha Phanxicô Federich Tế và Matthêu Linciniana Đậu lên bậc Chân Phước ngày 20.05.1906. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

NGÀY 22 THÁNG 01
Thánh Phanxicô FEDERICH TẾ
Linh Mục dòng Đaminh – (1702-1745)

Thánh tử đạo tiên khởi trên đất Việt

Bốn mươi ba tuổi đời, mười năm truyền giáo trên đất Việt, trong đó gần 8 năm bị giam cầm, cuộc đời truyền giáo của Thánh Phanxicô Tế có vẻ không được thuận lợi, nhưng chính những năm tù này đã làm nên sự nghiệp của thánh nhân. Nhờ bối cảnh đặc biệt vị Linh Mục dòng thuyết giáo đã tiếp tục thi hành xú mệnh của mình ngay tại kinh đô Thăng Long. Cha vẫn đi thăm viếng và trao ban bí tích cho các giáo hữu, rửa tội cho nhiều tân tòng. Rêng năm 1744, cha giải tội cho 1745 người, rửa tội 73 người( trong đó 32 người lớn) và xức dầu cho nhiều bệnh nhân. Thành quả đó của một “tù nhân” đủ cho mọi người thấy nhiệt tâm, tài năng và sự khéo léo của vị thánh Tử Đạo đầu tiên trên đất Việt.

Tuổi xuân và khát vọng

Phanxicô Gil de Federich sinh ngày 14-12-1727 tại Tortosa, Tây Ban Nha, quê hương của biết bao vị đại thánh và những vị thừa sai nổi tiếng. Được thừa hưởng truyền thống đạo đức đó, từ niên thiếu ngài nhận ra tiếng Chúa mời gọi sống đời dâng hiến, và đã xin gia nhập dòng Đaminh. Sau một năm tập đầy lòng nhiệt thành đạo đức tu sĩ Federich tuyên khấn trọng thể tại tu viện Santa Catalina thành Barcelona khi mới 16 tuổi.

Sau nhiều năm học tập chăn chỉ, ngày 29-03-1072 tại Tortosa, thầy Federich được thụ phong linh mục, rồi bổ nhiệm làm giáo sư triết lý kiêm giáo sư các tu sĩ sinh viên. Thế nhưng ước nguyện thâm sâu của tân linh mục là được đi truyền giáo ở phương xa. Hai năm sau cha xin chuyển sang tỉng dòng Đức Mẹ Mân Côi, là tỉnh dòng đặc trách việc truyền giáo ở Viễn Đông. Cha xuống tàu, đến trụ sở tỉnh dòng tại Phi Luật Tân năm 1733.

Cha giám tỉnh Diego tại Manila rất quý trọng khả năng đức độ của cha Federich, nên đã chọn cha làm thư ký và phụ tá cho mình. Trong công việc tham gia điều hành tại trụ sở, những tin tức ở các vùng truyền giáo ngày càng thúc đẩy cha thực hiện khát vọng truyền giáo. Những vần thơ cầu nguyện với Đức Maria của cha nói lên tâm tình đó:

“Lạy thánh Mẫu cao vời nhân ái
Tấm lòng con điên dại đáng thương
Ngày đêm nung nấu can trường
Tình bao la Mẹ, đâu phương đáp đền
Trong tâm tưởng con hằng mong ước
Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng
Giờ con gặp cảnh sầu thương
Như thuyền neo bến, trùng dương xa vời.”

Cuối cùng ước mơ cao đẹp này đã được thành tựu. Ngày 28-08-1735, cha Phanxicô đặt chân lên đất Việt Nam. Bấy giờ là thời vua Lê Ý Tông (1735-1739) và Uy Nam Vương Trịnh Giang (1729-1740).

Trên cánh đồng truyền giáo

Sau một thời gian ngắn học ngôn ngữ và phong tục, cha Federich Tế đã đến để phục vụ nhiều nơi. Mới đầu ở huyện Trực Ninh (Nam Định) rồi Vũ Tiên (Thái Bình), sau đảm nhiệm hai giáo xứ Kẻ Mèn, Bắc Trạch : tiếp đó qua huyện Giao Thủy coi họ Lục Thủy và Quất Lâm.

Một hôm ở Quất Lâm cha đang giải tội, bỗng giáo dân chạy vào báo tin lương dân đang lùng bắt người. Cha Tế vẫn cầu nguyện giây lát, rồi cứ tiếp tục giải tội. Sự bình tĩnh và bầu khí thiêng thánh của việc trao ban bí tích Hòa giải đã cứu cha. Những người vây bắt đứng ngây người một lát rồi rủ nhau giải tán.

Mối giây oan nghiệt …

Mới được hai năm hoạt động ngắn ngủi, cha Tế đã bị bắt ngày 03-08-1737. theo sử sách, một nhà sư tên Tình vốn ghét đạo Công Giáo, lại muốn tìm cách đòi tiền. Nhà sư đã đến xin phép quan huyện Giao Thủy, rồi đưa người đến vây bắt các trưởng ở làng Trung Linh. May là các Linh Mục ở đây biết trước nên trốn đi hết , nhưng sau đó nghe tin có đạo trưởng Âu Châu ở họ Lục Thủy, nhà sư đem quân đến vay ngay lúc cha Tế vừa dâng thánh lễ xong. Để nguyện đường khỏi bị xúc phạm và giáo hữu khỏi bị liên lụy, cha tự nghuyện ra nộp mình, cha nói : “Các ông tìm bắt tôi, thì chính tôi đây, xin hãy tha cho các giáo hữu của tôi.”

Khi nghe tin cha Tế bị giam giữ tại làng Thủy Nhai, giáo hữu của cha gom góp tiền đến gặp sư Tình xin chuộc nhưng nhà sư chê ít và giữ cha tại nhà riêng mười ngày. Thấy thế giáo hữu lên tỉnh trình quan và hứa sẽ hậu tạ nều vị linh mục được giải thoát. Quan trấn thủ Sơn Nam liền phái lính về Thuỷ Nhai bắt cả sư Tình lẫn cha Tế. Vị sư này nhanh chân chạy thoát, lên tận kinh đô tố cáo với vua rằng : “Quan Trấn Thủ đã ăn hối lộ và làng Lục Thủy chứa chấp Tây Dương đạo trưởng.” Khi hay tin quan trấn biết không thể tha cha Tế được nữa, nên đành áp giải cha về Thanh Long. Dọc đường cha lên cơn sốt rét trầm trọng, nhưng khi lên tới nơi cha vẫn phải mang gông và bị tống giam vào ngục.

Năm tù đầu tiên và bản án

Sau khi khỏi bệnh cha Phanxicô Tế được đưa ra tòa hai ngày liền. Các quan đối xử tử tế với cha, nhưng dân chúng có người la ó, buông những lời khiếm nhã, có kẻ lấy que bẻ vụn làm thành hình Thánh Giá ném vào cha. Cha bình tĩnh nhặt lên hôn kính và cất Thánh Giá vào túi. Trong ngục cha được linh mục Nghi giả làm thầy lang vào thăm bệnh, giải tội và trao mình thánh chúa. Suốt một năm cha Nghi cùng cháu của bà Kính vẫn ra vào thăm và tiếp tế. Qua những chứng nhân này, mọi người biết cha Tế luôn kiên nhẫn, bình tĩnh không trách cứ than van, và nhiều lần còn tỏ ý muốn được tử đạo.

Ngày 10-07-1738, cha Tế bị đưa ra toà cùng với nhà sư Tình. Quan trấn Sơn Nam Hạ khi áp giải cha về kinh đô đã tố cáo nhà sư đã chứa chấp cha mười ngày trong nhà. Để chạy tội vị sư này xin được đạp lên Thánh Giá, minh chứng mình không ủng hộ đạo Công Giáo. Về phần cha Tế khi bắt cha bước qua Thánh Giá, cha trả lời : “Tôi không thể phạm tội nặng ấy được”. Các quan hỏi về ý nghĩa ảnh tượng Thánh Giá. Cha đáp : “Ảnh này tượng trưng cuộc Tử Nạn con Thiên Chúa giáng sinh cứu chuộc loài người.” Các quan nói tiếp : “Nhưng luật triều đình cấm giảng đạo này”. Cha trả lời : “Chẳng ai có quyền cấm giảng đạo Thiên Chúa đã truyền loan báo cho mọi dân mọi nước. Ai cấm tức là cướp quyền củaa Thiên Chúa.”

Các quan nghị án một lát, rồi tuyên án trảm quyết đạo trưởng Federich Tế, kết án sư Tình và con trai phải phát lưu chăn voi. Ngày 12-09, bản án được chúa Trịnh Giang phê chuẩn, nhưng vì nhà sư chạy chọt chống án ở nhiều nơi, nên bản án chưa được thi hành.

Lời chúa không thể bị trói buộc.

Thời gian sau đó vì tình hình chính trị bất ổn, bản án của cha Tế bị lãng quên: Trịnh Doanh đảo chánh lật đổ anh, chiếm phủ chúa và tự phong là Minh Đô Vương (1740-1767) rồi Lê Hiển Tông lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Hưng (1740-1786) giặc Lê Duy Mật nổi lên ở Thanh Hóa : dư đảng của nhà Mạc cũng nổi loạn ở Thượng Du… những biến cố dồn dập đó làm vua quan bận rộn đến nổi quên mất “tử tội” của mình.

Lợi dụng hoàn cảnh đó cha Tế khéo léo xin phép, có khi mất tiền để được đi lại trong thành Thăng Long để thăm viếng các tín hữu, trao ban Bí Tích và giảng đạo cho lương dân. Có gia đình hai chị em bà Gạo là ngoại giáo đã vào xin quan cho cha Tế đến tá túc tại nhà mình. Chị bà Gạo mắc bệnh nan y, không thuốc nào chữa nổi sau nhờ lời nguyện của cah Tế được khỏi bệnh nên xin được rửa tội ngay. Còn bà Goạ một thời gian sau mới xin tòng giáo lấy tên thánh Rosa. Hai chị em sống đạo rất gương mẫu.

Thấy cha Tế ra vào ngục dễ dàng như thế. Đức Giám Mục Loger Gia ngỏ ý muốn đặt cha làm chính xứ Kẻ Chợ (Thăng Long). Nhưng cha từ chối vì không chắc được dễ dàng mãi. Cha nói : “Một tù nhân không thể chăm sóc ai được.”

Từ ngày 30-05-1744, cha Tế có thêm một cộng sự viên đắc lực nữa. Đó là Linh Mục Matthêu Alonso Liciniana Đậu cũng dòng Đaminh, bị bắt cách đó 6 tháng được áp giải về Thăng Long và cùng bị giam một nơi niềm vui mừng xúc động dạt dào tả sao cho hết. Hai nhà thuyết giáo thăm hỏi nhau an ủi, khích lệ và bàn bạc với nhau, biến Thăng Long thành môi trường truyền giáo, hợp tác với nhau làm mục vụ tông đồ.

Giờ phút vinh quang

Sau hơn bảy năm tù và bảy tháng được sống chung với người đồng chí hướng. Ngày 22-01-1745, cha Tế bị đem đi xử. Cha tỏ vẻ hân hoan cám ơn và từ biệt anh em bà Gạo, tạm biệt cha Liciniana Đậu và một số ân nhân, Rồi thanh thản tiến ra pháp trường. Riêng cha Đậu chịu bị án chung thân, xin phép quan đi theo đưa tiễn. Thế nhưng khi đi ngang qua hoàng cung, cha Đậu cũng được tin mình cũng bị xử trảm với linh mụ bạn.

Hai vị chứng nhân nhìn nhau sung sướng, cả hai cùng tạ ơn Chúa vì từ nay hai người không bao giờ phải xa lìa nhau nữa, tại pháp trường giáo hữu cũng như lương dân có mặt rất đông và tỏ lòng thương tiếc, cảm thông. Lý hình vừa chém rơi đầu hai vị, nhiều người oà lên khóc và ùa vào thấp máu, hoặc lấy vật gì làm thánh tích.

Theo ý Đức Cha Hilario Hy, thi hài của hai cha được đưa về an táng tại nhà chung Lục Thủy. Vài ngày sau Đức Cha tổ chức thánh lễ tạ ơn long trọng có đông đảo các cha dòng đến tham dự. Ngay khi đó mọi người tin tưởng vào hai đấng đã được lãnh triều thiên tử đạo, và bắt đầu chuẩn bị lập hồ sơ xin phong thánh.

Ngày 20-05-1906, các Ngài được Đức Piô X suy tôn lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên hàng Hiển Thánh.

Ngày 30 tháng 01
Thánh Tôma KHUÔNG
Linh mục dòng ba Đaminh – (1780-1860)

Vì Chúa bỏ vinh sang

Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy không lạ gì mẫu gương của thánh Phanxicô thành Assisi hay thánh Tôma thành Aquinô đã từ bỏ dòng dõi quí tộc giàu sang để vâng nghe tiếng gọi củ Thiên Chúa, đã theo gương đức Kitô, Thầy Chí Thánh, Đấng Chủ Tế muôn loài chấp nhận trở nên nghèo khó không chốn nương thân để loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Thánh Tôma Khuông cũng vậy, ngài đã quên đi dòng dõi quyền quý sang trọng, để theo tiếng Chúa kêo gọi và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, chứng nhân cho một tôn giáo mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam, một tôn giáo bị miệt thị và chịu bách hại nặng nề. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới khiến được cha hy sinh như thế. Và cũng thật quý báu biết bao tấm lòng của cha đã sẵn sàng đáp lại tiếng kêu gọi đó, đến nỗi hiến dân chính mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa.

Phản đối bạo động

Tôma Khuông sinh khoảng năm 1780 (thời Trịnh Nguyễn) tại làng Nam Hòa xứ Tiên Chu, tỉng Hưng Yên. Con đường danh vọng rộng mở cho cậu bé thông minh xuất sắc này, vì cha cậu đã từng làm Tuần Phủ ở Hưng Yên. Nhưng cậu đã nghe theo tiếng gọi linh thiêng và xin vào nhà đức Chúa Trời. Sau đó cậu theo học tại chủng viện và thụ phong linh mục.

Trong trách nhiệm coi sóc các linh hồn, cha Khuông nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, khéo giao thiệp và nhiệt thành với xứ vụ truyền giảng Tin Mừng. Sống trong giáo phận Dòng Đaminh đảm trách, cha Khuông muốn liên kết sâu xa hơn với dòng, cha đã gia nhập dòng ba Đaminh và cổ động nhiều giáo hữu cùng tham gia để thánh hóa đời sống mỗi ngày.

Trải qua ba thời bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cha Tôma Khuông đã khôn khéo thân thiện với quan chức địa phương để tiếp tục thi hành việc mục vụ. Nhiều lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ những quan hệ này, cha được trả tự do. Tuy nhiên từ năm 1858, cuộc bách hại của vua Tự Đức gia tăng mãnh liệt, công việc của cha gặp nhiều khó khăn hơn. Ap lực của quân Pháp đã khiến vua Tự Đức tức giận và nghi ngờ tới công giáo tiếp tay với thực dân, nên thẳng tay đàn áp họ. Một vài làng Công Giáo có tổ chức một số thanh niên để tự vệ trước sự càn quét của quân lính nhà vua. Cha Khuông khi đó đã gần 80 tuổi, hoàn toàn không hưởng ứng chủ trương này. Năm 1859, thấy một giáo dân Cao Xá tổ chức võ trang, cha liền ngăn cản và quyết định lánh sang đại phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Quyết định này khiến cha bị bắt và được lãnh phúc tử đạo.

Khi cha đến đầu cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt sẵn ở đó một Thánh Giá buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Là một linh mục của Chúa Kitô, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thái độ dứt khoát đó, khiến quân lính nhận ra và chận cha lại. Khi cha khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá, lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi theo cha.

Sau 15 ngày giam giữ, cha Tôma Khuông và bốn giáo hữu khác có địa vị, được áp giải tới quan Tổng đốc xét xử. Quan tím mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo: những người Kitô hữu ở Cao Xá thông đồng với tàu Pháp – Tây Ban Nha đang bỏ neo ngoài cửa biển, âm mưu nổi loạn chống lại nhà vua. Cha Tôma thẳng thắn trình bày lập trường của giáo hội : “Đạo Công Giáo không những cấm các tín hữu chống đối chính quyền mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng”.

Bấy giờ quan không nói gì đến vấn đề này nữa, chỉ bắt cha bỏ đạo, bước qua Thập Giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được tự do về nhà. Khi đó người tôi trung của chúa trả lời:

“Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục công giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn toi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo Chúa”.

Thánh giá và vinh quang .

Lòng khao khát mong mỏi trên của vị anh hùng đức tin đã được thể hiện. An trảm quyết do quan Tổng đốc đệ vào kinh được vua Tự Đức chuẩn y. Và ngày 30.1.1860 cha Tôma Khuông bị điệu ra pháp trường Hưng Yên. Trên đường tới đồi Canvê của mình, mọi người thấy vị cha già khả kính chống cây gậy mà cha đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống hình Thánh Giá, bước đi chậm rãi. Cha vui vẻ chào giã biệt những người đang ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa.

Cây Thánh Giá, biểu tượng suốt đời cha đã tin tưởng và công bố; cây thánh giá mà cha không bao giờ giày đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết, thì giờ đây, với cách biểu hiện đơn giản đó, cha muốn nói với mọi người rằng : cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Thánh Giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho người Kitô hữu. Đến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây Thánh Giá đó rồi cuối đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.

Ngày 29.4.1951 cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, cha Tôma Khuông được Đức Piô XII suy tôn lên hàng Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Chia sẻ Bài này:
[6] [7] [8]