- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thánh Tử Đạo Việt-Nam Tháng 10

Mục Lục

Trang 2 06.10 Phanxicô Trần Văn Trung [1]
Cai đội.
Trang 3 11.10 Phêrô Lê Tùy [2] Linh Mục
Trang 4 17.10 Francois-Isidore Gagelin Kính [3] Linh Mục MEP
Trang 5 23.10 Phaolô Tống Viết Bường [4]
Quan thị vệ
Trang 6 24.10 Giuse Lê Ðăng Thị [5]
Cai đội
Trang 7 28.10 Gioan Đạt [6] Linh Mục

Martyr theo nguyên ngữ có nghĩa là nhân chứng. Trừ một vài vị tử đạo nhờ ơn Chúa đặc biệt để có được một quyết định quả cảm bất ngờ trước thử thách. Còn bình thường, cuộc đời của họ đã là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa, trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu đào.

Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê – chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).

Nếu xét lịch sử Giáo hội Việt Nam theo niên biểu 1533, khởi đầu bằng giáo sĩ I-ni-khu (Iñigo) được nhắc đến trong Khâm Định Việt sử, thì thời các thánh tử đạo phải nói là hoa quả của hơn hai thế kỷ LỜI THIÊN CHÚA đã được gieo trồng trên quê hương Việt Nam. Trong đó gần một thế kỷ đi vào tổ chức nề nếp (từ 1659) khi có hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, rồi từ năm 1668 có linh mục bản xứ. Vì thế có thể nói, Giáo hội đã có những chọn lựa cách sống tương ứng với giai đoạn lịch sử của mình.

Theo thống kê 1855, Giáo hội Việt Nam có 426.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ 4% dân số, rải rác từ trấn Kinh Bắc, qua miền Thượng du cho đến Châu đốc, An Giang.

Xét về thành phần tử đạo, ngoài các giám mục, linh mục chuyên lo về tôn giáo ta thấy còn có các giáo hữu thuộc mọi tầng lớp nhân dân như quan trường có thánh Hy, quan án có thánh Khảm, quân ngũ có những cai đội hoặc chưởng vệ, xuống đến những binh sĩ tầm thường, hương chức có những chánh tổng, lý trưởng. Xét về nghề nghiệp ta thấy có lang y, thương gia, có thợ may, thợ dệt, thợ mộc, cả dân chài, nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân (10 vị).

Ngày 06 tháng 10
Thánh Phanxicô TRẦN VĂN TRUNG
Cai đội – (1825 – 1858)

Đánh Tây thì đánh, bỏ đạo thì không

“Tên trung làm cơ đội Tuyên văn Phong, trước đây bị cáo về tội gian lận trong kỳ thi sát hạch, phải giáng chức và xử trọng tội, nay xin gia nhập sổ lính đi đánh giặc nhưng lại không chịu quá khóa nên đáng xử trảm”.

Đọc lại bản án của ông cai đội Phanxicô Trần Văn Trung trên đây, mọi người hiểu ngay tấm lòng của vị thánh. Cũng như hầu hết những người công giáo thời vua Tự Đức, ông Trung tình nguyện tham gia việc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.

Phanxicô Trần Văn Trung, sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công Giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội. Khoảng năm 24 tuổi, anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng, và sinh được bốn người con. Như các gia đình Công Giáo khác, ông cai đội chu toàn trách vụ Kitô hữu.

Vì một lý do đặc biệt, ông đã bị giam trong tù. Một lần kia, cùng với mười một bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong tình hình bất an thời bấy giờ, muốn việc thi cử trót lọt dễ dàng, phải hối lộ với quan trên. Dù đủ điều kiện trúng tuyển, ông không thể làm khác hơn. Không may, vì việc chia tiền không đồng đều, các quan tranh cãi với nhau. Vua Tự Đức biết tin liền cho cả 12 cai đội vào ngồi tù.

Yêu nước và tin chúa

Sau khi cửa Hàn bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm ngày 01.09.1858, vua Tự Đức liền cho phóng thích các binh lính giam giữ để bổ sung vào số quân bảo vệ kinh thành Huế. Ông cai đội Trung và các bạn hăng hái hưởng ứng. Nhưng khi sắp được xuất trận các quan bắt ép các ông phải bước qua Thập Giá. Mười một người kia liền theo lệnh, còn ông Trung nhất định không chịu nghe. Các quan hỏi : – Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá ? Có phải mi theo đạo không ?

– Thưa phải, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.

Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của người công dân tổ quốc và người con của Thiên Chúa ấy đã đưa ông cai đội Trung trở lại nhà ngục. Một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn ba lần, mỗi lần 50 roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ lại tỏ ra chờ mong ngày đó nữa.

Người gia trưởng gương mẫu

Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung đã bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ: “Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé !”. Đứa con nhỏ tám tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà để theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.

Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi và thanh toán nợ nần cho chu đáo.

Thánh Giá trên cổ

Khi không còn hy vọng làm cho ông đội Trung mất niềm tin, các quan liền làm án tâu xin vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà Vua liền châu phê. Sáng 06.10.1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). Năm viên quan cưỡi ngựa và 60 lính đi bộ hộ tống. Cha Anrê Thoại ở họ dương sơn biết tin, liền cải trang đi với một thày giảng tới giải tội cho ông. Cha nhắn một người bà con của ông tín hiệu nhận ra cha: người sẽ cầm một điếu thuốc giơ cao ngang mặt. Ông đội đã chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích Giải tội lần cuối cùng.

Nhưng sự việc lại diễn tiến thể khác : các quan đình việc xử lại, và cho người về xin nhà vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể bị hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì nguy. Đoàn người chờ đến 18 giờ chiều vẫn chưa có tin, liền kéo nhau vào quán nghỉ ngơi, và dẫn ông đội Trung đã bị trói cẩn thận đi theo. Chờ đến khoảng 20 giờ tối, chiếu chỉ vua Tự Đức gởi tới nơi ra lệnh xử tức khắc và đe phạt những quan đã dám xin ân xá cho ông.

Được tin, ông đội Trung hỏi tìm cha Thoại nhưng cha đã trở về vì tưởng ngày mai mới xử án. Lúc đó, ông liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh Giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Hiện nay thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.

Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Ngày 11 tháng 10
Thánh Phêrô LÊ TÙY
Linh mục – (1773 – 1833)

Lưu niệm đạo đức

Nếu xưa trong Kinh Thánh có chuyện cụ già Eleazarô không thèm “giả bộ ăn của cúng” để được tha chết (2 Mc 6,18 –28) thì ở Việt Nam cùng có thánh Phêrô Lê Tùy không khai man mình là y sĩ, không giấu chức vụ mình là linh mục theo yêu cầu của quan địa phương, để được sống còn. Như cụ già Do Thái xưa, cái chết của cha để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu một lưu niệm sâu xa về đạo đức.

Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc giáo phận Hà Nội. Năm 1773, năm cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và Castanẽda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kích trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. Trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thày Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thày thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chánh xứ Nam Đường.

Cha Phêrô Tùy là một linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn. Dù ở đâu, dù chức vụ nào, cha cũng luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của mình. Đức cha Hậu đã có lần khen ngợi những đức tính và hoạt động của cha, ngài nói: “Không ai là không hài lòng với cha Tùy”. Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ giáo hội Việt Nam. Nhưng như mọi linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc ngày 06.01.1833, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.

Phúc trọng không dám mong

Ngày 25.6.1833, cha Tùy đến xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thanh Trai. Đây là một họ đạo nhỏ, chem giữa làng mạc của lương dân. Một nhóm người ngoại giáo đã bắt cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu điều đình bỏ tiền xin chuộc, nhưng quan đặt điều kiện cha phải khai mình là thày thuốc, chứ không phải là linh mục. Cha Tùy cho rằng khai man như thế không tốt, nên khẳng khái từ chối. Cha bị đóng gông áp giải về tỉnh đường Nghệ An. Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, cam đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục.

Một hôm quan án đòi cha ra công đường và nói: “Ông là đạo trưởng Gia Tô ?”. Cha đáp: “Phải, tôi là đạo trưởng”. quan nói ngay: “Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải án tử hình, ta đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh, có thế ta mới cứu ông được”. Cha Tùy trả lời: “Tôi không sợ chết, vì chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi; cho nên tôi không sợ chết”. Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ đưa cha về ngục.

Suốt ba tháng tù, cha được mọi người, từ quan tới lính, cùng các tù nhân khác qúy mến. Họ nói với nhau: “Một người hiền từ nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là không phải. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì ?” Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là linh mục.

Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ 60 tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ dầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ báo tin về kinh đô, chỉ nghĩ tội nhân sẽ phải nộp tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được sắc chỉ của vua “Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dạy tà đạo cho dân, phải trảm quyết”.

Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho “tử tội” biết. Cha Tùy không chút lo sợ, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói : “Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy”. Ngài dùng bữa tối như thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo.

Về nơi vĩnh phúc

Sáng hôm sau 11.10.1833, ngày giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nỗi dân đi xem và quân lính đều nói : “Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử mà lại can đảm như thế”. Một giáo hữu trải chiếu ra, chứng nhân Đức Kitô quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cầm thẻ bài bằng gỗ ghi bản án:

“Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình là Đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác”.

Một tín hữu, ông Bernado Thu đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền cho theo tục lệ vua ban cho tử tội mua sắm ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, tiếp tục cầu nguyện ít phút nũa. Sau đó, ông Thu đến lạy cha bốn lạy và nói : “Giờ đây, cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con”. Vị linh mục cũng lạy bốn lạy bốn lần đáp lễ và khuyên : “Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”. Cảnh cha con từ biệt làm nhiều người xúc động đến rơi lệ.

Sau đó, cha nói với quân lính : “Tôi đã sẵn sàng”. Tiếng thanh la vừa dứt, một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống, trong khi linh hồn vút cao về Trời. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm niệm vào áo quan, rước về nhà xứ Tràng Nứa và an táng ở đấy. Sau này họ dời hài cốt cha về xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán ngài là Bằng Sở. Nhiều người đến kính viếng mộ ngài đã được ơn lạ. Ông Bernado Thu cũng làm chứng nhiều bệnh nhân được khỏi nhờ cầu nguyện với cha Lê Tùy.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Ngày 17 tháng 10
Thánh Isidôrô GAGELIN KÍNH
Linh mục Thừa Sai Paris – (1799 – 1833)

Mục tử nhân lành.

“Chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả lợi lộc trần thế, để chỉ truyền giảng Tin Mừng”.

Từ chối chức quan do chính vua Minh Mạng trao ban, cha Gagelin Kính chứng tỏ mình chỉ mong thi hành xứ mệnh linh mục cao quý “Loan báo tin mừng cho muôn dân” (Mc 13,10). Lòng nhiệt thành mục tử thúc bách ngài không ngừng đi khắp nơi để ban phát các bí tích. Chính vì yêu thương giáo hữu, ước mong họ được bình an, cha đã tự nguyện hiến mình vì đoàn chiên (Ga. 15,13). Ngài thực là gương mẫu sáng ngời cho các thế hệ.

Túp lều Việt Nam hơn hoàng cung nước Pháp.

Isidôrô Gagelin sinh ngày 10.5.1799, tại Montperreux, giáo phận Besancon, nước Pháp. Cậu Gagelin có ý tưởng theo ơn thiên triệu ngay từ nhỏ, và từng tâm nguyện “Tôi muốn làm linh mục”. Lớn lên, sau bốn năm học đại chủng viện giáo phận, năm 1819, thày gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Tháng 9.1821, Đức cha Labartette Bình, Giám mục giáo phận Đàng Trong, truyền chức linh mục cho thày Gagelin Kính, khi mới 22 tuổi.

Thời ấy, vua Minh Mạng mới lên ngôi, bầu khí tự do tín ngưỡng do vua cha (Gia Long) để lại chưa phai nhạt. Linh mục Gagelin Kính vừa nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh, Quảng Trị, vừa thi hành công tác mục vụ tại vùng lân cận. Cha gửi tâm sự về quê nhà năm 1823: “Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp ở trong hoàng cung của ngài”.

Dần dần vua Minh Mạng áp dụng chính sách bách hại đạo ngày càng mãnh liệt hơn. Bề trên Thomassin đã phải di tản chủng viện An Ninh và cử cha Kính vào Sài Gòn, là khu vực Tả quân Lê văn Duyệt không áp dụng đường lối bài Công Giáo. Cha thường thực hiện sứ vụ tông đồ nơi các họ đạo vùng Sài Gòn, Bà Rịa, và đào tạo chủng sinh tại Lái Thiêu.

Ngôn sứ Tin Mừng

Năm 1827 cha Kính được vua Minh Mạng triệu về kinh cùng với các giáo sĩ Tây phương khác. Vua lấy cớ cần người dịch sách và làm thông ngôn cho triều đình, nhưng với hậu ý cản ngăn việc truyền giáo.

Nhận được lệnh triệu tập thứ ba, cha Kính mới lên đường về kinh đô. Tại đây, cha gặp hai thừa sai khác là cha Tabert Từ, cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris và cha Odôricô Phương, dòng Phanxicô, đã trình diện nhà vua trước ngài.

Để trấn án hoặc để có thể che giấu ác ý, nhà vua đề nghị ban chức quan cho các cha, nhưng các cha từ chối. Cha Kính bày tỏ lập trường trong thư gửi về Pháp :

“Tôi nói dứt khoát với ông quan do vua sai đến ban ân huệ cho chúng tôi. Tôi cho ông biết rõ mục đích chúng tôi sang đây làm gì, và chức linh mục cao trọng hơn chức quan dường nào. tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả những lợi lộc trần gian để chỉ truyền giảng Tin Mừng thì không dễ gì chúng tôi từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên, những công việc nào có thể dung hòa với nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua”.

Tả quân Lê Văn Duyệt, người đã tống đạt lệnh vua và khuyên ba giáo sĩ Tây Phương về kinh đô, khi nhận thấy các ngài bị giam lỏng, chính ông đã về triều đình vào tháng 8 năm 1827 để thuyết phục vua Minh Mạng giữ lời hứa. Tuy không muốn, nhà vua buộc lòng phải trả tự do cho ba linh mục.

Ngày 01.6.1828, cha Kính lên đường trở về Đồng Nai, rồi đi thăm viếng các họ đạo tại miền Nam, từ Đồng Nai, Vũng Tàu đến miền Lục Tỉnh, Hà Tiên. Ngài vừa lo hướng dẫn chăm sóc dân Chúa, vừa truyền giảng tin Mừng cho dân tộc Chàm ở Bình Thuận và Campuchia ở Bắc Hà Tiên. Nhưng các sắc dân này tin theo đạo rất ít. Năm 1829, ngài trở về chủng viện Lái Thiêu, được Đức cha Talbert Từ bổ nhiệm làm Bề trên giáo phận và cử ra hoạt động ở miền Trung.

Hiến mình vì đoàn chiên

Cha Bề trên Kính bắt dầu hoạt động mục vụ tại tỉnh Phú Yên, rồi tới Bình Định, Quảng Ngãi (1830). Cha đi bộ từ họ này sang họ khác, dầu xa hay gần, lớn hay nhỏ để giảng dạy, dâng lễ, giải tội và ban phép thêm sức cho các giáo hữu. Tất cả những ai quen biết cha, và làm chứng trong cuộc điều tra phong thánh, đều đồng thanh khen ngợi đức hiền từ, lòng đạo đức, tinh thần khó nghèo khổ hạnh và chính trực trong đời sống của ngài.

Ngày 06.01.1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao. Nhiều thân hữu khuyên cha nên tạm hồi hương một thời gian, cha thẳng thắn trả lời : “Một công dân có nhiệm vụ thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo, sao có thể thoái thác trách nhiệm của mình được”. Thế là dù thời buổi khó khăn, cha vẫn tiếp tục hăng say trong sứ mệnh, thăm hỏi an ủi giáo dân, giảng đạo và rửa tội nhiều người Thượng ở Bình Định. Được một vị quan thân hữu mật báo sẽ có cuộc truy bắt các linh mục Tây Phương, cha lẩn tránh ít lâu. Nhưng khi thấy nhiều giáo hữu bị bắt bớ, đau lòng trước cảnh đàn chiên tan tác, cha liền viết thư xin phép đức Giám mục cho ngài ra nộp mình, hy vọng nhờ đó giáo hữu khỏi bị bách hại. Đức cha Từ chấp thuận. Thế là ngài đến trình diện với quan tri huyện Bồng Sơn (Bình Định) vào tháng 5.1833, sau đó cha bị giải về kinh đô.

“Tôi muốn thành tro bụi để kết hiệp với Đức Kitô”.

Đến Huế ngày 23.8.1833, cha bị giam ở trấn phủ với cha Jaccard Phan, cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris và cha Odôricô Phương, dòng Phanxicô, bị bắt ở Cái Nhum. Cha Phương qua đời năm 1834 sau sáu tháng lưu đày ở khu đèo Lao Bảo, ranh giới Ai Lao.

Suốt bẩy tuần lễ bị giam cầm, cha Bề trên Kính không bị thẩm vấn lần nào. vua Minh Mạng đã quá rõ, không thể lay chuyển đức tin can trường của cha.

Kể từ ngày 12.10, quân lính xiềng xích chân tay cha, canh gác nghiêm ngặt hơn và cấm không cho giao tiếp với người khác. Linh mục Jaccard Phan, nhờ có liên hệ với triều đình, báo tin cho cha biết ngày hành quyết sắp đến. Cha Kính liền gửi thư phúc đáp, bày tỏ niềm hân hoan vô tả khi được đổ máu làm chứng cho Chúa. ngài cũng nhờ cha Phan thông báo cho Đức Giám mục, cho các Bề trên Hội Thừa Sai Paris và gia đình. Cha viết tiếp : “Tôi từ giã cõi đời không hề thương tiếc sự gì, chỉ nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi điều đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hợp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc. Tôi muốn thành tro bụi để kết hiệp với Chua Giêsu”.

Vua Minh Mạng giữ bí mật bản án đến phút chót. Sáng sớm ngày 17.10.1833, một đội lính đến ngục thất, áp giải cha Kính, họ còn nói rằng cha được mời sang ngục khác. Cha hiểu ngay giờ sau hết đã điểm, cha hỏi: “Có phải các ông đưa tôi đi xử tử không ?” Họ đáp: “Thưa phải”. Thế là ngài vui vẻ mau mắn cùng đòan hành quyết lên đường. Đến đầu cầu ngăn cách kinh thành với khu ngoại ô Bãi Dâu, bốn người lính đỡ bốn góc chiếc gông nặng nề đè lên cổ vị tử đạo. Các lính khác võ trang gươm giáo đi hai bên, hai quan lớn cưỡi ngựa đi sau, dân chúng đi xem rất đông. Một người lính giơ cao tấm thẻ ghi bản án. Cứ đi khoảng một trăm bước, người lính đó dừng lại, đánh mấy tiếng cồng, rồi đọc bản án như sau:

“Dương nhân Hoài Hóa mang tội truyền giảng đạo Gia Tô tại nhiều tỉnh nước ta, nên phải xử giảo” (Hoài Hóa là chữ Hán do các quan dịch tên cha Gagelin).

Đến pháp trường, vị linh mục bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện, mặc cho quân lính thi hành nhiệm vụ. Họ trói ngài vào chiếc cọc giữa, lấy giây vòng quanh cổ, rồi cuốn hai đầu dây vào hai cọc hai bên. Hiệu lệnh thứ nhất ban ra, tiểu đội quân lính cầm lấy hai dầu dây. Đến hiệu lệnh thứ hai, họ kéo thật mạnh, trong khoảnh khắc, vị chứng nhân Chúa Kitô chút hơi thở cuối cùng.

Một học trò cũ của cha Odôricô và một thày giảng của cha Phan xin phép nhận thi hài thánh tử đạo đem về an táng tại một tư gia ở phủ Cam. Vì nghi ngờ môn đệ Chúa Kitô sống lại sau ba ngày, vua Minh Mạng truyền khai quật mồ vị tử đạo, khám nghiệm kỹ lưỡng, rồi mới yên lòng cho chôn lại. Thế mà vẫn phân vân, vua truyền cho dân làng Phủ Cam trông canh giữ mồ, nếu vị tử đạo sống lại, hay người ta lấy mất thi hài, họ sẽ phải đền mạng. Trong các thư của cha Phan và Đức cha De la Motte Hậu có ghi chép sự việc hy hữu trên.

Năm 1946, thi hài thánh tử đạo Gagelin Kính được đưa về chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Ngày 23 tháng 10
Thánh Phaolô TỐNG VIẾT BƯỜNG
Quan thị vệ – (1773 – 1833)

Hiến lễ trong đêm.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt bị xử trảm về đêm. Ngài là viên quan thị vệ có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên Vua muốn cuộc hành hình phải diễn ra thật âm thầm, ít người biết đến. Năm giờ chiều, “Tử tội” mới được báo tin giờ xử, nhưng chính lúc ấy, ông đội Bường lại coi là một cơ may “Có một không hai” cho mình. trên đường ra pháp trường vào buổi chiều cuối tháng mười “chưa cười đã tối” đó, ông tìm cách đi chậm lại, và nói với đám lý hình (trước vốn thuộc quyền ông ): “Các chú đi chi mà nhanh rứa, tôi biết đường mà, không sợ lạc mô”.

Và thực ra, trời thì tối, cầu thì hẹp, lại đúng lúc nước sông đang lên, nên đường rất khó đi. Đàng khác, ông Bường chủ ý tìm đến nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, xin được chết tại dây. Quan đồng ý ban cho ông như lời ước nguyện. Chính nơi đây, đã từng bao năm tháng, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, các tín hữu tụ họp dâng lên hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì lúc này dưới ánh sáng của những ngọn đuốc bừng cháy, ông đội cũng dâng lên Chúa chính mạng sống mình. cho đến ngày nay, ông vẫn sống mãi trong tâm thức của mọi tín hữu Thợ Đúc, cũng như Giáo Hội Việt Nam.

Giã từ quan trường vì đức tin

Phaolô Tống viết Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế), trong một dòng tộc Công Giáo lâu đời, cũng là dòng tộc có nhiều quan lớn, dưới triều vua Lê, chúa Nguyễn. Thân sinh ông là Nicôlas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì tổ tiên đều làm quan nên đến khi trưởng thành, ông được chọn là lính thị vệ. Với đời sống liêm khiết và đức độ, sau một thời gian, ông được thăng chức đội, và được nhà Nguyễn tuyển vào làm thị vệ hoàng cung. Vua Minh Mạng rất hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tâm của ông. Ông có hai đời vợ, sinh hạ được tất cả 12 người con.

Vào năm 1831, giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi lên quậy phá, quan quân phải đi đánh dẹp. Ông đội Bường được vua cử đi thanh sát mặt trận. Ông mau mắn chu toàn phận sự, và trở về tâu trình thành quả đã đạt được, nhưng có lẽ trong thời gian đó, có người ghen ghét tố cáo ông theo Đạo Công Giáo nên Vua hạch hỏi ông : “Khi xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không ?” Ông bình tĩnh trả lời: “Muôn tâu, vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa, chùa Non Nước đâu có giặc để đánh”. Vua hỏi tiếp : “Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô chùa lễ bái, tại sao khanh không đi ?” Ông không ngần ngại trả lời: “Vì hạ thần theo đạo Công Giáo”.

Thế là ông Đội Bường đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình. vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ và dọa đem đi chém đầu. Một số quan chức có cảm tình với ông đội, đứng ra can gián, nhà vua vẫn chưa nguôi giận, cho lệnh đánh ông 80 roi, tước hết chức quyền, và giáng xuống làm lính trơn. Dù vậy, ông Bường vẫn vui vẻ tiếp tục phục vụ nhà vua.

Vẹn chữ trung với Chúa

Hơn một năm sau, khoảng cuối tháng 12 năm 1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, vua Minh Mạng đòi kê khai những người công Giáo trong hàng ngũ thị vệ. Lúc đó các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ nghe lời “quyến rũ” của ông đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong danh sáh được trình lên. Năm người sợ qúa bỏ đạo, còn bẩy người vua hạ lệnh tống giam vào ngục tối tăm hôi hám tại trấn phủ. Mỗi người phải đeo gông nặng gần bảy mươi ký, chân thì bị xiềng sắt xích chặt.

Thời gian đầu, cứ độ mười ngày một lần, ông Bường bị đem ra tra khảo về niềm tin. Lần nào quan cũng hỏi : “Có bỏ đạo không?” Và lần nào cũng trả lời: “Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi?” Hậu quả mỗi lần thưa như vậy là 20 đòn rách da xé thịt, nhưng người chiến sĩ của Chúa không than trách một lời. Với chí khí một người lính kiên cường, ông tỏ ra sẵn sàng chịu những hình khổ cay nghiệt hơn nữa. Có lần ông nói với bạn hữu đến thăm rằng : “Kiếm cho tôi cái gì nặng hơn chứ gông xiềng tôi còn nhẹ. Người ta còn đánh đập tôi ít quá, tôi tưởng được chịu nhiều hơn nữa kia”.

Bốn lần quân lính khiêng qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng. Lần kia, quan bắt lính kéo chân ông chạm vào Thập Gía, ông phản đối : “Việc này do quan làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế”. Quan tức giận truyền đánh tàn nhẫn hơn mọi lần khác.

Đàn áp không được, các quan quay qua dụ dỗ. Quan Hình Bộ Thượng thư Võ Xuân Cần tha thiết khuyên ông chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Nhưng ông trả lời: “Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời”.

Trong nhà giam, ông thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ông càng gia tăng. Mỗi ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ các linh mục cải trang vào thăm, ông đều xưng tội và đón nhận Mình Thánh Chúa. hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Thừa sai Jaccard Phan cũng gửi thư an ủi động viên ông. Một lần, ông sáng tác được một bài thơ gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là “niềm vui trong Chúa”.

Đường về trời

Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vua trả lời: “Cần gì bản án, cứ việc tra tấn không ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự tì3 cứ việc đánh cho chết, rồi vất ra ngoài thành là xong”.

Lần thứ hai các quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo đầu ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, vua vẫn chưa cho thi hành ngay, có ý chờ “người tôi trung” của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối. của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối.

Thế là ngày 23.10.1833, lúc năm giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử đã đến. Ông bình thản giã từ sáu người bạn cùng bị bắt (cả sáu người này về sau cũng bị tử hình, ông nói : “Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của Chúa”.

Trên đường ra pháp trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông đội kéo dài thời gian đi chuyển, để được chém trên một nền nhà thờ Thợ Đúc. Dọc đường, ông gặp mặt con gái, đã về nhà chồng ở họ Thợ Đúc, tuy không nói với nhau lời nào, nhưng trong ánh mắt hai cha con, dạt dào biết bao tình cảm xúc động.

Dưới ánh sáng bừng bừng của những ngọn đuốc, ông đội được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít phút, ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần cuối cùng những mái nhà thân thương của giáo xứ vây quanh nền nhà thờ hoang tàn. Rồi bước lên chiếc chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu nguyện giây lát, và ra lệnh cho lính thi hành án xử. Quân lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được án táng ở họ Phủ Cam.

Ngày 27.5.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Ngày 24 tháng 10
Thánh Giuse Lê Đăng Thị
Cai đội – (1825 – 1860)

Cùng bạn về trời

Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.

Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.

Bão tố và niềm tin.

Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. “những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…”. Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. “Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu”.

Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.

Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.

Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: “Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày”.

Xứng danh huynh trưởng

Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : “Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy”.

Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : “Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu”.

Vạn phúc

Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: “Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo”. Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế – Huế.

Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Ngày 28 tháng 10
Thánh Gioan Đạt
Linh mục – (1765 – 1798)

Hiến mạng vì đòan chiên.

“Người mục tử nhân lành hiến mạng sống cho đòan chiên” (Ga 10,11b). Đó là lời Đức Giêsu, đã được thánh Gioan Đạt đem ra thực hiện một cách tuyệt hảo. Đang khi quân lính truy bắt, cha có thừa cơ hội trốn thoát, nhưng vì thương các tín hữu đang bị tra khảo, thấy quân lính tàn nhẫn đánh đập họ vì mình, cha đã tình nguyện ra trình diện.

Gioan Đạt mở mắt chào đời năm 1765 tại làng Khê Cầu, huyện Bình Lục, Thanh Hóa, giáo phận Tây Đàng Ngoài. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu Đạt xin phép mẹ để hoàn toàn hiến thân cho Chúa dưới sự chăm sóc đầy tình thương của cha Loan xứ Đồng Chuối. Năm 18 tuổi, cậu xin vào chủng viện, sau đó, đi giúp xứ một thời gian. Đến năm 1798, thày mơí thụ phong linh mục.

Cha Gioan Đạt được phái đến xứ Hảo Nho, Thân Phú. Vị tân linh mục hết sức lo lắng cho các tín hữu nên được mọi người yêu quý. Cha chính giáo phận Tây Đàng Ngoài nhận xét : “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là đức tuân phục và khó nghèo. Cha luôn chu toàn mọi bổn phận, nên Đức cha và các vị thừa sai đều qúy mến. Lời cha giảng có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người”.

Mới thi hành tác vụ linh mục được 6 tháng, vua Cảnh Thịnh ra sắc lệnh bắt đạo gắt gao hơn trước. Quan trấn ra lệnh cho quân lính tầm nã các tín hữu, nhất là các đạo trưởng. cha Đạt phải trốn lên rừng một thời gian. khi thấy tình hình có vẻ lắng dịu, cha thường lén về giáo xứ ban các bí tích.

Một hôm cha vừa hoàn tất thánh lễ an táng tại tư gia thì quân lính ập đến. Giáo hữu đưa cha ra sau nhà, và chỉ lối cho cha thoát thân. Thế nhưng cha không đành lòng bỏ rơi họ ra đi. Vì khi đó, lính đã tìm thấy chén thánh và áo lễ, nên đang tra tấn chủ nhà, ông Trùm Mới và một số tín hữ khác. Như Đức Giêsu xưa yêu cầu quân Do Thái để các tông đồ được an toàn, cha cũng tự nguyện ra trình diện. Ngài nói: “Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ khổ nhiều”.

Quân lính trói cha lại, rồi đánh đập tàn nhẫn cùng với thày Tâm và ba vị trong Ban chức giáo xứ. Các giáo hữu ở đó định cậy đông người dùng sức mạnh giải vây cứu cha, nhưng cha biết ý, cản họ lại : “Cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa, anh chị em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo, nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng”. Trên đường áp giải cha về Thanh Hóa, khi ngang qua làng Kẻ Dừa, có người cầm nón đưa cha đội, nhưng quân lính không cho.

Chứng tá trong tù

Hai tháng tù tại Đình Đang, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha trong hoàn cảnh đó mà vẫn bình tĩnh vui vẻ. Khi các tín hữu đến thăm và khóc thương, cha nói chuyện vui cho mọi người bớt ưu sầu và an ủi khích lệ họ. Cha nói : “Tử đạo là phúc cao trọng An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được tử đạo, tôi mừng lắm”.

Lương dân sống gần trại giam cũng cảm mến thương cha. Một thiếu phụ lòng ngay đưa cha một chai độc dược để kết liễu cuộ cđời khổ đau trong tù ngục. Cha từ chối và giải thích cho bà biết: “Người Công Giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chấp nhận việc tự tử”. Đặc biệt cha còn cảm hóa được cả đám lính canh ngục. Mới dầu họ hay làm khó dễ, cứ mỗi lần đổi ca gác, họ lại bắt các tín hữu đút lót tiền, nếu không họ sẽ hành hạ tù nhân. Sau thấy được lòng bác ái yêu thương của cha Đạt, đám lính canh đã có thiện cảm và dễ dàng hơn với các tín hữu. Một lần cha bênh vực cho một người lính ăn cắp nải chuối giáo dân gởi vào cho cha. Lần khác, cha nói với họ rằng: “Khi nào tôi được phúc lên trời, tôi sẽ chẳng quên anh em dưới thế”.

Ông Thiềng, cai ngục, tỏ lòng quý mến cha cách đặc biệt. Khi gặp riêng, ông nói với cha rằng: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo nghĩa thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ”.

Nhiều lần, cha Đạt và các tín hữu bị lôi ra quỳ trước tòa, tay chân mang xiềng xích, cổ đeo gông. Ông Hoàng Đệ là em vua Cảnh Thịnh, đích thân chủ tọa phiên tòa. Ông bắt các anh hùng đức tin chối đạo hoặc chà Thánh Giá, và dù đã áp dụng nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng ông vẫn hoàn toàn thất bại. Có hôm ông yêu cầu cha Đạt cắt nghĩa tấm ảnh phán xét chung, rồi nói cha đạp lên tấm ảnh đó thì sẽ được tha. Nhưng cha cúi xuống cầm lấy ảnh và hôn kính cách sốt sắng.

Hiến lễ dâng Thiên Chúa

Trung tuần tháng 10, ông Hoàng Đệ gọi cha ra công đường tuyên án xử tử. Ông tưởng nghe bản án, cha sẽ kinh sợ và đổi ý, không ngờ cha lại tỏ ra hân hoan khác thường. Về trại giam cha thuật cho các bạn tù nghe án xử như một tin mừng đến với cha. Cha Huấn xứ Bạch Bát giả làm cụ đồ bạn cũ đến thăm, giải tội và đem cho cha Mình Thánh Chúa.

Đúng ngày hành xử, trời bỗng đổ cơn mưa như trút. Cha Đạt, cổ đeo gông nặng trĩu, phải lẽo đẽo chạy theo lính dưới cơn mưa tầm tã tiến ra pháp trường Tinh hà. Tại đây, giáo dân đã trải chiếu hoa, cha bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện. Khi các quan cho phép, tìn hữu ùa đến bên cha lãnh phép lành cuối cùng. Cha khuyên họ : “Là Kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp lý, nhưng trước hết, phải tôn trọng lề luật Chúa”.

Một hồi chiêng nồi lên, mọi người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và can đảm. Giáo hữu và lương dân đều xúm lại thấm máu vị chứng nhân đức tin. Đó là ngày 28.10.1798, khi đó cha Đạt mới 33 tuổi, với chưa đầy một năm phục vụ trong chức linh mục.

Đời sống cha Gioan Đạt là mẫu gương sáng ngời về tình yêu. Yêu lý tưởng, cha hiến thân tu hành, yêu anh em, cha tự nguyện nộp mình, và yêu Thiên Chúa, cha hiến tế chính mạng sống vô giá không thương tiếc. Thi hài vị tử đạo được đưa về an táng tại nhà thờ Phúc Nhạc (Phát Diệm).

Đức Lêo XIII suy tôn cha Gioan Đạt lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

>> Mục Lục [7]

Chia sẻ Bài này:
[8] [9] [10]