Thánh Tử Đạo Việt-Nam Tháng 11

Ngày 08 tháng 11
Thánh Martinô THỌ
Viên thuế – (1787 – 1840)

Lời trăn trối của người tin

Tiểu sử thánh Martinô Thọ được ghi nhớ cách đặc biệt qua những lời trăn trối với các con vào thăm trong tù. Di ngôn của ông đáng trở thành bản mẫu cho những người cha Kitô hữu trong giờ phút cuối của cuộc đời : Vừa thực tế, vừa dạt dào tình cảm, mà cũng đầy tin tưởng:

“Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm em mình. các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lơi anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Martinô Thọ sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn Thọ là tên người con thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình.

Dân trong làng biết ông ngay thẳng, nên cử ông phụ trách việc thu thuế đinh. Ông sống rất thanh liêm, không nhận hối lộ, không ăn chận của ai, cũng không qùy lụy cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm nên rất có uy tín. Ngoài ra, ông Thọ còn thức khuya dậy sớm lao động như mọi người, vừa làm ruộng, vừa ươm tơ nuôi tăm. Ông thường khuyên các con: “Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”. Dành dụm được chút nào, ông giúp đỡ người nghèo, hoặc góp phần vào việc chung, trong làng, trong giáo xứ. Nhà ông luôn mở rộng cửa tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông không sợ chết, lại còn tỏ ra muốn được chết vì đạo nữa.

Năm 1838, khi nghe tin hai ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm tại pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dó con cái :”Các con yêu dấu, nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, hãy can đảm giữ vững đức tin”.

Thánh Gioan Baotixita CỎN
Lý trưởng – (1805 – 1840)

Phải mừng cho tôi chứ !

Đối với ông Gioan Cỏn, việc tử đạo là biến cố ông hân hoan hằng mong đợi. Trên đường ra pháp trường, ông vẫn tười cười chào giã biệt mọi người dù quen hay không. Khi thấy một người đang khóc thương mình, ông dừng lại nói : “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ ?” Có lẽ ông đã thấy cửa Thiên Đàng đang rộng mở đón tiếp mình.

Gioan Cỏn sonh năm 1805 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và có họ hàng với ông Martinô Thọ. Ông sống bằng nghề nông, cầy sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, gia đình tuy nghéo nhưng luôn thuận hòa ấm êm, là một tín hữu sáng suốt và nhiệt thành, ông Cỏn ý thức phải đem Tin Mừng thánh hóa mội trường mình đang sống. Ông đã thành công trong vụ kiện một người Lý trưởng cậy thế chiếm đoạt tiền của dân chúng.

Từ sau vụ kiện đó, uy tín ông càng ngày càng gia tăng cho đến khi ông được dân tín nhiiệm đề cử làm Lý trưởng. trong chức vụ ấy, ông hết lòng tận tụy với việc chung. Tuy nhiên do bạn bè lôi kéo, ông thường bê trễ trong các sinh hoạt tôn giáo. Bù vào đó, ông rất sẵn lòng phục vụ anh em vì đạo. Có lần ngay giữa đêm khuya, ông lặn lội mưa gió mời linh mục đến giúp một bệnh nhân hấp hối. Khi vua Minh Mạng ra lệnh truy lã các thưà sai và linh mục, ông Cỏn bố trí xếp đặt cho các vị đến ẩn trong làng. Ông bị bắt vì tội chứa chấp các đạo trưởng : Cha già Thịnh ở Kẻ Trình bị bệnh nặng và không có chỗ chữa trị, ông Cỏn đón về để cha ở trong nhà cháu mình, để dễ dàng chăm sóc thuốc thang, và thế là hai cha con bị bắt ở đây.

Đạo tại tâm

Ngày 30.5.1840, nghe báo tin ở làng Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đưa hàng ngàn lính về bao vây làng. Ông chia lính thành những tốp 10 người đi sục sạo hết các xó xỉnh, các bụi rậm. Sau hai ngày lục soát họ bắt được ba linh mục: cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ông Thọ và ông Cỏn cũng bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. quan lệnh đóng gôngvà giải tất cả về tỉnh Nam Định.

Một tháng đầu quan bỏ lơ không nói gì đến. Sau đó, cho gọi ra bắt bước qua Thập Giá, các ông không chịu, quan truyền đánh mỗi người 50 roi, rồi bắt phơi nắng cho đến tối không được ăn uống gì cả. Lần khác, quan lại gọi ra và dụ dỗ : “Cứ đạp đi rồi xưng tội là khỏi tội thôi mà”. Hai ông vẫn từ chối. Trịnh Quang Khanh liền cho lính nắm gông khiêng các ngài qua ảnh chuộc tội. Hai ông co chân lên và khẳng khái tuyên bố : “Đạo tại tâm. Quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi không thuận thì chẳng mắc tội gì”.

Thế là quan nổi giận, nảy ra một sáng kiến kinh dị : Khi ba vị linh mục cùng bị bắt vừa chịu tra tấn, máu me loang lổ khắp mình, quan bắt hai ông hoặc liếm máu nơi các vết thương ấy, hoặc bỏ đạo. Hai ông liền quỳ xuống thực hiện điều quan yêu cầu một cách cung kính. Trịnh Quang Khanh vừa rùng mình, vừa kinh ngạc nói với các quan : “Xem kìa ! Bọn chúng kính trọng các đạo trưởng biết bao ! Chẳng lẽ chúng bị bỏ bùa mê sao. Rồi ông truyền đem trói hai ông lại, bắt quỳ trên cát giữa trời nắng gắt suốt ngày.

Chắp cánh cùm gông, roi đòn gió thoảng…

Một lần quan tra hỏi về các thừa sai, ông Thọ trả lời : “Thưa quan, tôi có biết Đức cha Giacôbê, nhưng ngài đã qua đời, còn các thừa sai khác vua bắt hết rồi, còn đâu ? Hơn nữa chúng tôi ở trong tù làm sao biết các vị ấy ở đâu được ?”. Tức giận, quan cho lính hôm đó tự do đánh đập tùy thích. Ông Cỏn chịu được 61 roi thì kiệt sức, máu miệng trào ra, được quân lính khiêng về trại. Còn ông Thọ bị đánh đúng 150 roi. Về sau ông nói với con cái rằng : “50 roi đầu đau đớn khôn tả, còn 100 roi sau, nhờ ơn Chúa, cha thấy nhẹ nhàng như gió thoảng qua vậy”.

Quan thấy hình khổ không làm cho các ông xiêu lòng, nên cho lệnh bắt vợ con để áp lực, buộc các ông bỏ đạo. May măn hai ông biết trước, vội nhắn tin cho gia đình lẩn tránh nơi khác. Tuy thế, quan vẫn nói với các ông: “Nếu ta đưa vợ con các ngươi đến đây để giết thì các ngươi có chịu bỏ đạo không?”. Ông Cỏn đáp: “Thưa quan, cửa nhà vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi chẳng có gì tiếc xót cả. nếu vợ con tử đạo, chúng tôi càng mong ước về Thiên Đàng”. Ông Thọ nói thêm: “Gông cùm và roi vọt của quan là hai cánh đưa chúng tôi bay về Thiên Quốc”.

Nghe thế, quan càng giận dữ hành hạ ác liệt hơn nữa : Ban ngày phơi nắng, ban đêm bắt nằm ngoài cống rãnh nước thải của trại tù, và bớt phần ăn suốt tuần lễ. Đến ngày thứ bày, cô Thuyên con gái ông Thọ tìm cách vào thăm cha. Thấy cha nằm dài bất tỉnh, cô lấy nước rót vào miệng, nhưng phải khá lâu ông mới hồi tỉnh nhận ra con mình. Lần khác, khi gặp lại con cái, ông nói với chúng những lời dặn dò sau hết.

Bản án trảm quyết gởi vào kinh đô và được vua Minh Mạng ký duyệt. Ngày 06.11, các ông biết tin, tìm cách gặp các cha cũng bị bắt để xưng tội và chuẩn bị tâm hồn. Ngày 08.11.1840, cùng với ba vị linh mục, hai ông bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Dọc đường hai vị vẫn tươi cười chào hỏi mọi người. đến nơi, hai ông quỳ cầu nguyện một lát, rồi đưa tay cho quân lính trói vào cọc. Theo lệnh quan, lý hình vung gươm, đưa các ngài về Quê Hương mong ước. Một vị 35 tuổi, một vị 53 tuổi, từ nay mãi mãi bên nhau trong vinh quang bất diệt. Thi hài hai đấng tử đạo được đưa về an táng ở xứ Kẻ Báng.

Đức Lêo XIII suy tôn hai ông Martinô Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng Hiển thánh.

Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment