Trở Về Nhà Cha

THÁNG KÍNH CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Khoảng cuối mùa Phục Sinh năm 2002, giáo phận Phú Cường và cả Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, đón nhận chung một tin buồn: Thầy Q.T.H., một chủng sinh của giáo phận P.C. qua đời. Tính đến ngày ra đi, Thầy đang học năm thứ III thuộc khóa VI Đại Chủng viện thánh Giuse. Thầy chết sau một thời gian rất ngắn bị bệnh nặng, có thể coi như một cái chết bất ngờ. Cộng thêm một yếu tố đáng tiếc thương hơn nữa: Thầy mới ở tuổi 37, nghĩa là còn rất trẻ, còn có khả năng để phục vụ nhiều, vì thế rất nhiều người thương tiếc, quý mến, cảm động. Thám dự lễ tang, nghe ôn lại lịch sử đời tu của Thầy phải vượt qua quá nhiều gian nan, và mỏi mòn chờ đợi, lại càng làm nhiều người không cầm được xúc động. Trong cộng đoàn tham dự lễ tang hôm ấy, đâu phải chỉ có những người trẻ, ngược lại có rất nhiều người lớn tuổi. Hóa ra tre già lại khóc cho măng non vừa ngã xuống. Nhất là người ta nhìn hình ảnh người cha già nua của Thầy khóc con trai mình, lại càng thấy chạnh lòng. Quả là một cái chết để lại nhiều thương tiếc…

Một cái chết như thế thật là tang thương. Vậy mà khi gia đình và giáo xứ báo tin, thì lại nói rằng, Thầy Q.T.H. đã “Về Nhà Cha”. “Về Nhà Cha”, một cụm từ rất quen thuộc, người Công giáo vẫn sử dụng để nói đến một người thân qua đời.

“Về Nhà Cha”, cụm từ này, trước hết mang tính chất loan tin. Nhưng cao cả hơn, nó còn là một lời tuyên xưng đức tin. Rõ ràng khi nói “đã Về Nhà Cha”, nghĩa là chúng ta tin rằng, sau cái chết không phải là hết. Đúng hơn, đó là một sự trở về: Từ giã cõi sống tạm bợ này để về Nhà Cha, về với Cha, về cõi vĩnh cửu, và cũng là được Cha gọi về, được Cha triệu hồi về. Đối với tôi, cụm từ “Về Nhà Cha” là một cụm từ rất đẹp. Đẹp trong ngôn ngữ và cả trong nội dung. Vì chỉ cần có vài chữ, cụm từ này đã diễn đạt đầy đủ một đức tin, một niềm hy vọng lớn lao của người Kitô hữu. Quang trọng hơn, vì nó không phải là cụm từ do ta sáng chế để mà nói, nhưng được bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu.

Cũng vào khoảng cuối mùa Phục Sinh, Hội Thánh long trọng mừng lễ Chúa Giêsu về trời. Chúa về trời là trở về cùng Cha, về Nhà Cha. Chúng ta nhớ lại, ngay trước lúc chịu tử nạn, Chúa từ giã các môn đệ: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).

Khi mà Chúa sắp bước vào cuộc thương khó, cái chết đang gần kề, lòng các môn đệ rối bời xao xuyến vì ngỡ như mình mất đi nơi nương tựa vững chắc, vậy mà chính giây phút đó, Chúa Giêsu lại nói: nào là “Lòng các con đừng xao xuyến”, rồi lại “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, để bây giờ, chính Thầy sẽ về Nhà Cha mà dọn chỗ cho các con. Thầy dọn chỗ như thế, là để cuối cùng, các con cũng sẽ về Nhà Cha cùng với Thầy. Những lời an ủi ấy cần thiết biết bao nhiêu ngay trong giờ phút lo âu này. Nó mang lại hơi ấm, phần nào giúp các môn đệ bớt ngã lòng.

Chúa Giêsu về trời, nghĩa là Người về Nhà Cha. Ta biết mình sẽ về trời với Chúa Giêsu, vì thế ta biết mình cũng sẽ về Nhà Cha như Người, vì Người đã hứa “Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó”. Bởi đó, cụm từ “Về Nhà Cha” là một cụm từ đẹp.

Nghĩ về cái chết, người Công giáo không bi quan, nhưng lại lạc quan, sự lạc quan trong đức tin. Nhờ thái độ của đức tin, họ nói về cái chết không như một kết thúc của cuộc sống, nhưng như cái đích phải đến ở phía cuối cuộc hành trình trở về Nhà cha của một đời người. Tháng các Đẳng linh Hồn, ta nhắc nhau về bổn phận cầu nguyện cho các Đẳng. Các đẳng là những người đã nằm xuống. Họ là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt, là bạn bè, là lối của mình, là những người mà mình đã từng gặp gỡ hay chưa quen biết bao giờ… Họ đã được Cha triệu hồi trước chúng ta. Dù vậy, cũng như chúng ta, là những con người, chắc không thoat khỏi những vướng mắc mà kiếp người bất tất có thể gây ra. Vì thế, rất đỗi cần thiết để mọi người nhắc cho nhau bổn phận tưởng nhớ và dâng những hy sinh để cầu nguyện cho họ.

Mặt khác, khi tưởng nhớ các Đẳng, còn là dịp tốt để bạn và tôi nhắc cho nhau bổn phận làm Kitô hữu, một bổn phận cao quý: bổn phận tiến về cùng Cha của mình. Nhưng trong cuộc hành trình Về Nhà Cha cùng với Chúa Giêsu, bổn phận làm Kitô hữu ấy có một việc làm, đúng hơn, một điều kiện rất cụ thể mà Người đã trối lại: Sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Chúa dạy: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho các con” (Mt 28, 19-20). Chúa trở về Nhà Cha là chấm dứt cuộc sống trần thế, chứ không chấm dứt sứ mạng, vì thế, để cùng Người tiến về Nhà Cha, ta chỉ có một con đường duy nhất, đó là tiếp nối sứ mạng mà Chúa đã trao: làm chứng tá cho Chúa, cho Tin Mừng cứu độ mà Chúa trao ban cho thế giới. Đời sống chứng tá là tất cả chuỗi ngày sống, là những gì ta có hôm nay, là chính sự sống của riêng từng người một. Tin rằng, với một đời sống chứng tá như thế, đến cuối cuộc hành trình trần thế này, bạn và tôi hạnh phúc, vì được cùng Chúa Kitô vinh quang bước vào Nhà Cha của Người, cũng là Cha của tất cả mọi người.

Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment