Cho những người nằm xuống

Trong đời sống mỗi người chúng ta, không ai có thể chu toàn lòng kính mến đối với những bậc ông bà cha mẹ, hoặc vuông tròn sự yêu thương hoà đồng giữa anh chị em ruột thịt trong nhà, và bà con thân thuộc lối xóm được. Cho dù nếu có, thì trong tháng các linh hồn này, Hội Thánh cũng nhắc nhở chúng ta làm mới lại những yêu thương ấy đối với những người đã khuất, để từ đó làm mới lại mối dây liên lạc yêu thương, tương kính với những người đang sống. Những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

Nếu đạo hiếu của người sống đối với người chết chỉ là đi viếng nghĩa trang, chỉ là tu sửa lại những nấm mồ cao thấp, chỉ là tổ chức đám ma đông người đi đưa, nhiều cha đồng tế, những đám giỗ linh đình náo nhiệt thì thực sự những cái đó, nó mong manh hời hợt biết bao! Vì sau những buổi lễ lạc linh đình đó, hoặc ngay cả lúc những nghi thức ấy đang diễn ra, thì những xác người chết vô tri cứng lạnh nằm trong áo quan, hay tăm tối trong những nấm mồ sâu dưới lòng đất, những người ấy có nhận được gì không? Còn linh hồn của những vị ấy, nếu vui thoả được bằng những nghi thức nghèo nàn trần tục kia, thì thử hỏi cõi thiên đàng cao sang, hoặc chốn thẳm sâu địa ngục, còn có nghĩa gì đối với chúng ta, những kẻ tin vào Chúa Kitô hôm nay?

Khi người chết nằm xuống rồi, thì linh hồn người ấy đi vào một cõi khác, một cõi vô cùng bí nhiệm, một cõi mà không một ai ở trần gian này biết được nó ở đâu? Không biết nó sinh hoạt thế nào? Việc đi viếng nghĩa trang, việc sửa sang phần mộ là việc tốt. Không phải tốt cho người đã chết, mà là tốt cho người đang sống là chúng ta. Để từ cái nghĩa trang mà chúng ta thấy đó, từ cái nấm mồ mà chúng ta đang sửa sang tô quét đó, từ những hũ đựng hài cốt mà chúng ta ngắm nhìn đó, chúng ta thấy được cái kiếp sống vắn vỏi của con người. Và để cho chúng ta, những người đang nhởn nhơ vui sống, thấy rằng cái đích điểm mà tất cả mọi người ở trần gian này sẽ phải đến gặp nhau là chỗ này đây: ba tấc đất sâu, và một nấm mộ cô đơn lạnh lẽo. Để trong tháng các linh hồn này, mỗi con người dù là đức giáo hoàng hay vua chúa, linh mục hay giáo dân, dù giàu sang của chìm của nổi hay nghèo nàn mạt rệp, dù danh vọng chức tước đạo đời đầy mình hay chỉ là tên vô danh tiểu tốt,… tất cả cùng có dịp hồi tâm lại. Những nấm mồ, những hũ đựng hài cốt nhắc nhở ta đừng bám víu, bám chặt lấy những cái bồng bềnh trôi nổi nay còn mai mất của thế gian, như tiền của, danh vọng, chức quyền. Mỗi người hãy coi sự sống vĩnh cửu vô cùng vô tận mới là cùng đích của cuộc đời. Cuộc sống mà dù muốn hay không, mọi người đều phải đi vào cõi đó, “một cõi đi về”!

Cuộc sống thật ấy chỉ bắt đầu từ cõi đó, với hai bàn tay trắng và một thân xác trần truồng ai cũng như ai. Thánh Phaolô quả quyết: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn, áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giầu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người đắm chìm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6,7-10).

Sống và chết là hai ngả vô cùng cách biệt. Người sống không thể liên lạc với người chết bằng bát cơm quả trứng, hay bằng nén nhang khói toả nghi ngút, hoặc ngay cả bằng những bài kinh nỉ non thảm thiết dài lê thê, mà người đọc cứ lặp đi lặp lại trong những giờ kinh giỗ buồn chán.

Chúng ta những người đang sống chỉ liên lạc được với những người hôm nay đang ở cõi đời đời, nơi một con người thôi. Con người ấy đang nắm trong tay tất cả thời gian, không gian, tất cả vận mạng kẻ sống cũng như người chết. Con người đó là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng Phục Sinh. Chỉ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng cầm chìa khoá sự chết, mọi người mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống tạm bợ mau qua hôm nay, và bí nhiệm của cuộc sống vĩnh cửu ngày mai. Chỉ nơi thập giá cứu chuộc của Chúa chúng ta, nơi trái tim yêu thương của Thiên Chúa mở ra, mọi người có mặt ở trần gian, từ Ađam cho đến người cuối cùng trên trái đất này, mới thấy được rằng: sự chết từng là cái án khủng khiếp cho hết mọi người, thì hôm nay lại là nguồn an ủi vô biên cho những kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô, vì xác tín rằng: nấm mồ không phải là chung cuộc cho tất cả những ai tin vào Ngài.

Vì Đức Giêsu Kitô đã phục sinh. Ngài đã đặt sự chết dưới bệ chân của Ngài, thì những ai đang sống trong sự sống của Đức Giêsu hôm nay là những kẻ sẽ không phải chết bao giờ nữa. “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” Chính Đức Giêsu Kitô đã bảo đảm với những kẻ yêu mến Ngài như vậy.

Chỉ những gì liên kết trong một thân mình thì mới thông hiệp được với nhau. Bàn tay phải muốn cảm thông nỗi đau của bàn tay trái thì hai bàn tay đó cần phải dính liền vào trong một thân thể. Cũng vậy, người tín hữu còn sống muốn hiệp thông với người tín hữu đã chết, thì cả hai đều phải là chi thể của một thân mình – thân mình Đức Giêsu Kitô. Khi Ngài thương xót những người đang sống ở trần gian bị lao đao dằn vặt bởi tội lỗi và muôn ngàn thứ đau khổ, thì cùng một lúc lòng thương xót ấy lan ra khắp thân mình Ngài, thấm vào kẻ sống thì cũng thấm vào người chết đang là chi thể của Ngài. Lúc ấy hai người ở hai thế giới cách biệt muôn ngàn trùng mới hiệp thông được với nhau, mới biết thương nhau, và khi thương nhau thì ngày đêm mới tha thiết nhớ cầu nguyện cho những người đã nằm xuống.

Những người dù là có đạo, mà trong cuộc sống hôm nay, sống ngoài Đức Giêsu như kẻ vô đạo, thì đừng hòng nói là thương xót các linh hồn nơi luyện tội, vì nơi bản thân họ không có lòng trắc ẩn với những người đau khổ đang sống quanh họ, thì làm sao mà họ có được khả năng hiệp thông với kẻ đã chết, hiện đang ở cõi thiêng liêng vô hình?

Bởi thế trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, Hội Thánh đòi buộc những ai muốn lãnh ơn đại xá, phải xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, nghĩa là người đó phải ở trong Đức Giêsu Kitô và ở trong Hội Thánh của Ngài. Có đủ điều kiện ấy, thì người đó đã trở thành chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô và lời cầu nguyện của họ cho những người đã khuất mới có giá trị.

Chúng ta là những Kitô hữu, và hơn nữa chúng ta còn là những người bạn thân thiết của trái tim Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta không được nghĩ rằng: tôi cứ lo kiếm sao cho có nhiều tiền rồi ngày giỗ ngày tết, tôi rải tiền ra xin lễ cho nhiều để ông bà cha mẹ anh em tôi mau được lên thiên đàng. Ngoài ra, tôi muốn sống sao thì sống, tôi không quan tâm gì đến ai. Nếu nghĩ và làm như vậy là xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa, bởi vì coi rẻ tình thương của Đức Giêsu Kitô. Nếu như ta không có khả năng xin lễ, hay có ai bỏ quên ông bà cha mẹ, thì chính Chúa sẽ bù đắp tất cả bằng tình thương vô biên của Ngài, Đấng Phục Sinh.

Trong tháng các linh hồn, mỗi người hãy tha thiết nài xin Đức Giêsu làm cho tâm hồn chúng ta được say mê yêu mến trái tim Ngài. Xin Ngài làm cho trái tim chúng ta trở nên mềm dịu để mở ra đón nhận tình yêu lạ lùng ấy. Lúc ấy con người chúng ta sẽ đổi mới không phải hời hợt bên ngoài như thay một màu áo, đổi một đôi giày, mà thay đổi từ sâu thẳm bên trong tâm hồn bằng sức mạnh của Thánh Thần. Lúc ấy một sinh khí mới của lòng mến sẽ bùng lên, chúng ta sẽ luôn sống hiệp thông được với những người đã khuất và liên kết trong tình huynh đệ với những người đang sống, bởi vì chúng ta đầy Thần khí Đức Giêsu Kitô.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin Chúa cho chúng con nhận biết mình là những tạo vật có cuộc sống mong manh nay còn mai mất để chúng con biết luôn luôn cậy nhờ vào sức mạnh của tình yêu nơi trái tim Chúa trong đời sống hàng ngày của chúng con. Xin cho chúng con được hiệp thông với những người đã qua đi bằng cách biết yêu thương những người đang sống với chúng con trong đời sống hôm nay, và chính nhờ tình yêu Chúa trong chúng con mà biết yêu mến những người đã ra đi trước. Chúng con yêu mến các linh hồn ấy bằng lời cầu nguyện, bằng Thánh lễ và bằng mọi việc yêu thưong bác ái hằng ngày trong sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô chứ không phải trong bản chất yếu đuối của chúng con. Amen.

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment