Hạnh Phúc – Chương 8: Cho

CHO THÌ TỐT HƠN LÀ NHẬN

Đại đa số dân chúng thuộc văn minh Tây phương đều thích được nhận lãnh. Và kỳ lạ thay, đạo đức Kitô giáo lại dựa vào một nguyên tắc trái ngược: cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh. Việc thực hiện tinh thần cho đi mà Chúa đề nghị vừa là một cơ may vừa là một gánh nặng cho chúng ta vốn sống trong một nền văn minh được Thiên Chúa dồi dào ban ơn. Lợi tức tính trên mỗi đầu người dân Mỹ là khoảng 10.000$ mỗi năm. Và lợi tức của 1/3 dân trên thế giới thấp hơn họ 500$ mỗi năm và 2/3 khác ít hơn họ 2.000$ mỗi năm. Ở Mỹ cứ 100$ kiếm được là phải đóng hết 28$ cho thuế nhà nước. Như thế, số tiền thuế ta nộp lại cao hơn nhiều so với số tiền thế giới cần để sống còn.

Hẳn nhiên, chúng ta là một dân tộc thường giúp đỡ những nước nghèo trên thế giới, đối với những quốc gia thù địch với ta trong chiến tranh, chúng ta cũng đã chẳng ra tay giúp họ hồi phục kinh tế sao? Nhưng ở đây ta không đề cập đến tinh thần giúp đỡ ở mức độ quốc gia, mà là mức độ cá nhân. Sở dĩ ta cho rằng cho đi thì đáng quí hơn nhận lãnh bởi vì hành động này giúp cho linh hồn ta biết siêu thoát khỏi những gì là vật chất và chóng qua hầu liên kết với tinh thần vị tha bác ái. Đó chính là tinh thần cốt lõi của đạo giáo chúng ta. Cicero đã từng nói: “Không gì khiến con người giống thần thánh cho bằng việc họ ra tay giúp đỡ đồng loại mình”. Aristote thì cho rằng tính hẹp hòi, vị kỷ và ganh tỵ làm cho con người trở nên thú vật, trở thành chó sói và hổ báo với nhau. Nhưng một khi con người cư xử với nhau bằng yêu thương và thiện ý, biết thông cảm và ân cần, họ trở thành thần thánh với nhau.

Lịch sử dân Do Thái cho thấy họ đã dâng cúng những phúc lợi trần thế để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ kẻ nghèo. Trong những thời thịnh trị, dân chúng quảng đại đóng góp thuế má, lễ vật tạ ơn, lễ vật dâng tiến. Lòng quảng đại này không hề làm cho họ trở nên nghèo đi, họ vẫn hằng lên tiếng tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn phúc Ngài ban. Ngay cả trong thời buổi hiện nay, tinh thần quảng đại này vẫn là một nét đặc trưng của dân Do Thái. Không những họ chỉ giúp đỡ anh em cùng đạo, mà còn giúp đỡ cả anh em Tin lành và Công giáo.

Ở một phạm vi nhỏ hơn, ta thấy rằng tính đoàn kết của một cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào tinh thần phục vụ và giúp đỡ giữa các thành viên với nhau. Ta cứ nhìn xem giới nông dân thì rõ: họ rất vị tha, đến mùa gặt hái, họ giúp nhau thu hoạch. Khi gia đình nào có kẻ qua đời, họ sẵn lòng tới giúp một tay hái bắp, gặt lúa giùm.

Tinh thần tương trợ này ít thấy hơn nơi phồn hoa đô hội, một phần là bởi ở đó người ta không để ý đến nhau, phần khác là do tính cạnh tranh. Nơi nào mà ta chỉ gặp toàn kẻ lạ mặt, ở đấy ta dễ có thái độ khép kín hơn. Ta nên đặc biệt lưu ý đến điều này khi quan sát việc lái xe. Nhiều kẻ bình thường ở nhà thì rất hiền hòa, ở sở làm rất tử tế với bạn bè thế nhưng khi lái xe họ trở thành những người hết sức thô lỗ cục cằn, sẵn sàng chửi bới các tài xế khác là ngu xuẩn. Bởi vì họ yên chí là không ai biết rõ mình là ai cả.

Sự cho tặng là một cách nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thực ra, đối với Chúa ta chẳng có gì để dâng Ngài cả, nhưng Ngài vẫn hài lòng vì những lễ vật tạ ơn của ta. Kẻ ích kỷ cho mình là trung tâm, còn kẻ bác ái vị tha lại lấy tha nhân làm trung tâm. Tình trạng bất bình đẳng của loài người chỉ được điều chỉnh bằng nguyên tắc cho tặng: kẻ mạnh giúp kẻ yếu, giàu giúp nghèo. Như thế xã hội loài người sẽ được an bình. Có nhiều người lúc còn cơ cực thì rất rộng lòng với tha nhân, nhưng đến khi giàu có rồi, họ lại khép kín lòng lại. Việc tích góp của cải tác động rất mạnh đến linh hồn: nó khiến con người càng ngày càng khát khao thu vén hơn. Lúc trẻ càng hoang đàng bao nhiêu thì về già lại càng tham lam bấy nhiêu. Nhưng chỉ khi nào biết được nỗi sướng vui khi ra tay ban tặng và rộng lòng bố thí, họ mới cảm nhận được sự hào hứng của lòng nhân từ.

Có một chuyện kể về một trọc phú người Tô Cách Lan tên là Braco. Ông rất giàu nhưng lại keo kiệt. Vàng bạc chất đầy kho. Ngày kia có một anh nông dân tới bảo ông: “Ông ơi, cho tôi vào nhìn ngắm kho vàng bạc của ông một chút, tôi sẽ trả cho ông một đồng”. Braco đồng ý. Sau khi xem xong, anh nông dân đưa một đồng cho tên trọc phú rồi nói: “Giờ đây tôi cũng giàu có như ông rồi. Tôi đã nhìn xem được đống vàng bạc của ông như ông vẫn nhìn ngắm hằng ngày vậy”. Khi ta vui sướng vì người khác tốt lành, hẳn ta hạnh phúc hơn nhiều so với nỗi vui sướng vì ta tốt lành. Người nhận lãnh vui mừng là điều dĩ nhiên, nhưng kẻ cho lại vui sướng vì đã làm cho kẻ khác vui mừng, và đó chính là sự an bình thánh thiện.

VẤN ĐỀ BAN TẶNG

“Được” và “Cho” là hai động từ phản nghĩa nhau. Nhưng nếu được dùng đúng nơi đúng lúc, cả hai đều tốt cả. “Được” nghĩa là gia tăng nhân vị thêm: trong chính con người của ta chẳng hề chứa đựng được hết mọi tinh hoa của thế giới. Do đó cái “chúng ta là” phải được bổ sung thêm bằng cái “chúng ta có”. Để tồn tại, ít ra ta phải có cái ăn, cái mặc và nơi ở. Nói như thế không có nghĩa là ta đòi cho được phải có thêm một chiếc du thuyền nữa mới đủ. Quyền sở hữu là quyền được có tài sản, càng giảm đi khi vật sở hữu càng ít cần thiết đối với đời sống của ta.

Nhân đức ban tặng phụ thuộc vào những gì ta có… ta không thể cho đi cái mà ta không có (ngay cả thì giờ cũng vậy). Nhưng đối với đa số loài người, việc có cái này cái kia không phải là cơ hội để cho… Họ nghĩ rằng cho đi nghĩa là mất mát bởi chưng họ rất quí chuộng những gì họ đã có được. Thật là thiển cận, vì khi ta cho đi nửa chén cơm ta vẫn còn nửa chén cơ mà, nhưng bù vào đó ta hưởng được niềm vui ban tặng.

Nhiều người, nhất là kẻ giàu sang vẫn hằng đánh giá nhân vị mình qua việc có được càng nhiều đồ dùng không cần thiết càng tốt. Họ phản đối việc cắt xén tài sản của mình. Họ tìm cách tăng thêm vốn liếng, coi đó như là một cái tôi khác của họ mà nếu không được trọn vẹn thì họ không thể nào chịu nổi. San sẻ chút xíu để làm việc phúc đức là cả một việc đau xót tựa như bị cưa tay xẻ chân vậy.

Có một phụ nữ sống mãi với lịch sử bởi vì bà đã không ngại san bớt vốn liếng của mình. Phúc Âm kể lại rằng: “Đang khi ngồi đối diện với hòm tiền Đền thờ, Chúa Giêsu thấy dân chúng bỏ tiền vào hòm, nhiều kẻ giàu có còn đem cho lễ vật nữa. Và này một bà già nghèo khó đến bỏ vào đấy hai đồng xu. Thấy vậy Ngài gọi các môn đệ đến gần và bảo họ “Này Ta bảo cho các ngươi hay, người góa phụ nghèo này đã cho nhiều hơn, hơn cả những kẻ có dâng cúng lễ vật. Người ta cho đi những gì họ dư thừa, còn bà lại cho đi phần ít ỏi nhưng lại là phần cần thiết cho đời sống của mình”.

Chúa Giêsu đã lưu ý đến các kẻ bố thí nhưng Ngài chỉ nhắm đến cách bố thí chứ không phải đến số lượng tiền bạc họ bố thí. Đã có lần Ngài bảo: của ở đâu thì lòng ở đấy. Và ở đây Ngài lại cho ta biết thêm: lòng đi đâu thì của theo đó. Chúng ta ít ai có được thái độ như Ngài; ta chẳng phí công gì mà đọc danh sách những người bố thí cho những số tiền ít ỏi cho mệt. Nhưng có thể đối với Chúa phần danh sách đó lại là quan trọng hơn cả. Ngài đã khiến hành động cho hai đồng xu của bà góa trở thành bất tử.

Hẳn rằng người góa phụ ấy không hề thấy Chúa Giêsu, cũng không hề có ý làm Chúa hài lòng và cũng chẳng đoán ra rằng đối với Chúa thì bà “đã cho đi nhiều nhất, hơn cả những kẻ dâng cúng lễ vật nữa cơ”. Họ cho đi phần thừa mứa, còn bà lại cho chính những gì bà có được. Tuy nghèo nhưng bà vẫn cho kẻ nghèo hơn. Bà đã vơ vét trong túi mình để giúp cho tha nhân được đầy đủ. Hai đồng xu của bà tuy nhỏ nhoi chẳng đáng là bao song đã đánh đổ được cả mớ triết lý duy vật thôi thúc loài người thu quén càng nhiều càng tốt – tựa hồ như chỉ có thế gian này mới là nơi chốn đích thực của con người.

Hai đồng xu dâng cúng của bà góa còn mang ý nghĩa này nữa: nó nhắc ta nên nhớ rằng Thiên Chúa muốn ta sẵn sàng dâng cho Ngài tất cả. Ngài là Chủ Tể cõi tâm linh của mọi người: Ngài không muốn ta coi vật gì là của riêng ta trước mặt Ngài. Ngài muốn ta yêu Ngài trọn vẹn: yêu “hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, hết sức mạnh”. Chỉ có những ai dâng cho Thiên Chúa toàn bộ tâm hồn, kẻ ấy mới có thể dâng hết tài sản cho Ngài được.

Và chẳng có chi được quảng đại dâng hiến mà lại mất đi. Hiểu theo nghĩa duy vật, như thế hẳn là mất hẳn rồi. Nhưng trong đời sống tinh thần thì ngược lại. Vì những gì ta dâng cho Chúa chẳng những sẽ được ban lại cho ta ở đời sau, mà ngay cả ở đời này ta cũng đã nhận lại rồi. Một trong những cách thực tế nhất giúp ta tin tưởng rằng bao giờ mình cũng được đầy đủ là cứ nhân danh Chúa mà cho. Tương tự, càng quảng đại với tha nhân thì ta càng tăng tiến nhanh chóng trong tình mến Chúa. “Hãy cho đi và các ngươi sẽ được cho lại. Người ta sẽ lấy cái đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc, đầy vun mà đổ vào bao của các ngươi, các ngươi đong bằng đấu nào, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Cách ta sử dụng những gì ta có quan hệ chặt chẽ với những gì ta là hoặc sẽ là. Những ai tham lam cứ bo bo giữ của, khi chết đi y sẽ mất sạch. Còn kẻ biết cho đi sẽ hoan hỉ nhận lại đầy đủ trong đời sống mai sau.

TINH THẦN PHỤC VỤ

Khát vọng được nổi bật là một trong các nguyên lý triệt để nhất trong tự nhiên. Dù ta cố sức đè nén chôn vùi đi, nó cũng tìm cơ hội để ngoi trồi lên. Nỗi đam mê này mãnh liệt nhất khi người ta bước vào tuổi trung niên. Tuổi thanh niên thì ham mê khoái lạc, còn tuổi già thì yêu thích lợi lộc. Ngược lại với tinh thần vị kỷ, tư lợi là lý tưởng sống hữu dụng và tinh thần phục vụ. Người có tâm hồn vĩ đại là kẻ tuôn tràn lòng nhân ái khắp cả thế gian. Người có tâm trí cao cả là kẻ đánh động toàn thế giới bằng những tư tưởng tinh tuyền. Chúa chúng ta đã chỉ cho ta hay biết về sự cao trọng khi Ngài bảo rằng Ngài đến không phải để được người khác phụ vụ, mà là để phục vụ người khác. Tinh thần phục vụ này phải xuất phát từ một dòng suối yêu thương vô hạn.

Yêu thương và phục vụ đi liền với nhau. Phục vụ là biết quên mình đi. Người ta phải có tâm hồn hết sức cao cả mới có thể giúp đỡ tha nhân ngày này qua ngày khác, dù có bị xỉ vả, chối bỏ vẫn ân cần giúp đỡ và không màng chi đến lời khen của anh em. Tinh thần phục vụ này không thể mua đi bán lại được.

Nếu không có tinh thần yêu thương thì khi ra tay phục vụ anh em, ta không thể lướt thắng được các khuynh hướng sai lạc do bản tính con người gây ra. Cách đây hơn 2000 năm, Aristote đã nhận xét rằng hết thảy các thiên hướng hèn kém gặp thấy nơi con người đều do tính khí và ước muốn của họ, nghĩa là tính khí xấu và ước muốn xấu. Không có loại này thì cũng có loại kia, đôi khi chúng xuất hiện vào những thời gian khác nhau trong suốt đời người. Và người ta chỉ sửa chữa được những thiên hướng này khi họ biết coi việc phục vụ là vâng phục thánh ý Chúa.

Tiên vàn, nó giúp ta sửa đổi được tính kiêu căng và tự cao. Kẻ nào tự nguyện phục vụ thì chẳng thể để cho mình có tính ích kỷ được. Họ vẫn ráng tìm cách phục vụ tử tế hơn. Còn kẻ tự cao là kẻ bao giờ cũng bắt kẻ dưới phải coi y là quan trọng và dần dà y sẽ trở nên độc tài. Trái lại, lòng ân cần làm cái tôi trở nên nhỏ đi để cho tha nhân lớn vượt lên.

Sự ân cần nhân ái cũng uốn nắn được những ước muốn ngông cuồng. Ước muốn được gọi là ngông cuồng khi cho rằng cái tôi phải là trung tâm của mọi sự, và là nguyên lý mà hết thảy mọi người phải tuân phục. Thói xấu này có thể chữa trị tận gốc bằng cách chọn Thiên Chúa làm đối tượng cho ước muốn đó. Bấy giờ ta sẽ hy sinh các khoái lạc, xa xỉ để giúp đỡ kẻ túng quẫn và bất hạnh. Nhờ vậy, ta làm cho nhân cách ta thăng tiến rất nhiều vì ta tránh được những thú vui xác thịt làm băng hoại nhân cách.

Trong thế giới vật chất Thiên Chúa cũng đã đóng dấu ấn định các qui luật phục vụ thuận hảo. Hãy nhìn mây bay trên trời: chúng “chết” đi để làm ra mưa móc. Dòng suối nhỏ bé chẳng hề nổi giận hoặc phàn nàn gì khi hòa vào đại dương bao la. Cả đến núi non cũng có tinh thần phục vụ. Chúng như những bàn tay vươn cao hứng lấy mưa móc rồi phân phối lại cho đất đai, cây cối bằng những giòng suối trong lành. Thế đấy, mỗi giọt nước, mỗi làn gió thoảng thảy đều biết phục vụ đấy chứ! Những gì Thiên Chúa đã bắt thiên nhiên tuân phục thì Ngài cũng muốn chúng ta phải tuân giữ, với ý chí tự do Ngài ban cho ta. Nước non, mây trời, sông núi cho tới đất đai đều biết quên mình để giúp hạt giống nẩy mầm đâm chồi – hẳn sẽ lên tiếng công kích con người nếu y không biết quên mình phục vụ anh em đồng loại. Khi ta làm lành, mọi vật trong hoàn vũ trở nên tốt lành. Phục vụ tha nhân là hình thức phục vụ bản thân cao cả nhất. Con người càng tiến đến chỗ ân cần hào hiệp, họ càng được nhiều ân phúc. Cối xay gió sẽ ngưng quay nếu nước thôi chảy. Đoàn tàu ngừng lại nếu không còn nhiên liệu đốt cháy nơi buồng máy. Lòng từ thiện trên thế giới này sẽ suy thoái thành những chương trình mang tính chuyên nghiệp hoặc thành những con số thống kê vô hồn nếu ta quên đi lời Đấng đã phán: “Không tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của kẻ chết cho người mình yêu”.

BAN TẶNG THẾ NÀO?

“Kết bạn với Mammon bất công” là một trong những từ ngữ bí nhiệm mà Chúa Giêsu đã nói. Rất nhiều người không hiểu được lời này. “Mammon” là một tiếng gốc gác Syria có nghĩa là tiền bạc, và thường đi kèm trong thành ngữ “Mammon bất công” bởi vì loài người, như Chúa Giêsu nói, thường sử dụng tiền của để đeo đuổi những mục tiêu bất công và gian ác. Nếu như biết nói, hẳn tờ bạc ta đang bọc trong túi sẽ kể lại cho ta hay cuộc đời của nó, nào là người ta đã sử dụng nó ra sao, đã bán chác thế nào, đã dùng nó để gây nên những tội lỗi nào.v.v… Chúa dạy rằng người nào làm đầy tớ cho tiền bạc rồi sẽ có lúc thất bại. Thần chết nhắn với hết thảy người đời rằng: “Đã đến lúc ngươi không thể cúi lưng làm tôi đòi cho tiền tài được nữa, giờ chết của ngươi đã đến!” Và rõ ràng là tiền tài không thể mang theo qua thế giới bên kia được.

Vậy Chúa dạy ta sử dụng tiền bạc như thế nào? Hãy san sẻ tiền bạc cho kẻ túng thiếu, bởi lẽ hễ bạn cứu giúp họ qua cơn ngặt nghèo, ấy là bạn đã kết thân được với những người bạn sẵn lòng giúp bạn rỗi linh hồn. Dĩ nhiên người ta chẳng thể dùng tiền để mua được nước thiên đàng, nhưng tiền bạc có thể giúp ta tìm được bạn hữu nâng đỡ ta khi ta thất bại. “Những gì các ngươi làm cho người anh em bé mọn nhất, ấy là các ngươi đã làm cho Ta”. Những kẻ được Ta đoái lòng nhân từ thương xót hẳn sẽ cung xưng ra trước ngai phán xét rằng: “Thưa Chúa, đây chính là người chúng con đã nói đến. Người này thuở còn sinh thời vẫn ra tay giúp đỡ chúng con rất nhiều”.

Khi du lịch tới xứ nào, ta đều phải đổi tiền xứ ấy để dùng. Cũng vậy, ta phải đổi của cải đời này thành của cải thiêng liêng ở đời sau “không hề bị rỉ sét, mối mọt hay bị trộm cắp đi được”.

Thế những kẻ chẳng hề ra tay bố thí thì sao? Họ có tâm lý là cóp nhặt càng nhiều của cải càng tốt. Họ quý báu từng xu một. Nhưng câu trả lời cho họ là mọi người đều được tạo dựng để hướng tới Đấng Vô Biên là Thiên Chúa. Thế mà chỉ vì mù quáng bởi tội lỗi hoặc thiên kiến, lý trí họ đã thay Thiên Chúa bằng tiền của, mà họ cho là vô hạn. Họ càng lúc càng muốn có nhiều hơn, thay vì muốn được sống cuộc đời bên Chúa. Người ta có vô số tóc trên đỉnh đầu, nhưng nhổ đi một sợi cũng đủ gây đau đớn. Một người dù giàu có ức triệu mà mất đi một xu, y cũng xót ruột lắm. Y biết rằng “mình không thể đem theo tiền tài được” nên y chối nhận có đời sau.

Người Kitô hữu phải biết dùng tiền bạc để chuẩn bị cho đời sống ở thiên đàng. Có một phú hộ bảo người tớ gái hái hoa quả trong vườn đem biếu hàng xóm, để nhờ vậy mà kết thân với họ. Như thế, tiền tài (mà tiếng Anh là wealth) đã tỏ ra xứng hợp với nguyên ủy của nó, là sự an lạc (weal).

Có một câu chuyện về một phụ nữ giàu có sau khi chết bà được thánh Phêrô chỉ cho thấy ngôi dinh thự nguy nga của người tài xế của bà. Bà liền bảo “Ôi chao, nhà của y mà đồ sộ thế, chắc hẳn dinh cơ của con còn lộng lẫy ghê lắm!” Nhưng thánh Phêrô chỉ cho bà một cái chòi xơ xác hơn và nói với bà: “Đó là nhà của bà”. Bà thốt lên: “Nhà như thế làm sao con ở được?” Thánh Phêrô trả lời: “Thưa bà, với những vật liệu bà đã gửi lên cho ta, ta dựng được cái chòi như thế là khá lắm rồi đấy!”

Người ta dâng cúng rất nhiều tiền của, nhưng dùng tiền của để phục vụ linh hồn lại rất ít ỏi. Họ thường hiến tặng tiền của để tên tuổi mình được gắn trên biển vàng bệnh viện, đại học… Người ít học lại thường đỡ đầu tiền bạc cho các thư viện để làm ra vẻ ta đây là người có học hành. Chúa dạy “Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm”. Như thế ta biết thêm nguyên tắc thứ hai này: khi cho tặng, ta phải có ý tốt lành. Nếu nhân danh Đức Kitô ta cho kẻ khác chỉ một cốc nước lã thì cũng được Chúa thưởng cho gấp trăm lần.

Cách đây nhiều năm, nhân lễ Têrêxa, người ta mở cửa tu viện dòng kín cho công chúng vào xem, nhiều người tò mò đổ xô vào để xem các nữ tu hiến mình sống thinh lặng, chiêm niệm và đánh tội. Một người không hiểu gì về cuộc sống dòng kín đã gọi một nữ tu trẻ đẹp và chỉ cho một tòa nhà lộng lẫy bên kia đồi, và bảo rằng: “Này chị, nếu như có được tòa nhà sang trọng đó, và có được cuộc sống an lạc, xa hoa, liệu chị có bỏ mình để vào tu dòng kín không?” Chị đáp: “Thưa ông, dinh cơ đó trước kia là của tôi đấy!”

Người ta đã bố thí rất nhiều một cách vô ích vì họ không làm việc đó để phục vụ linh hồn. Thế gian cho rằng những gì cao cả nhất phải được sử dụng để được những gì hèn hạ nhất, ví dụ như dùng trí tuệ để tạo ra của cải dư dật. Người con của Chúa lại cho rằng những gì thấp hèn phải được sử dụng để phục vụ cho những gì cao cả, nghĩa là ta phải dùng tiền bạc để phục vụ Chân Lý, để an ủi kẻ hoạn nạn, cứu chữa người bệnh hoạn, để cứu vớt các linh hồn. Để trả lời cho câu nói: “Ngươi chẳng thể nào đem theo được”, ta có câu: “Được chứ, miễn là ngươi biết từ bỏ”. Như thế ngươi sẽ được thưởng công trong cuộc sống mai hậu.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment